Xứ Nghệ ngày nay

Phát huy vai trò các nghệ nhân dân tộc thiểu số

Các nghệ nhân dân gian vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xem là những hạt nhân, có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa. Bằng hoạt động truyền dạy cho con cháu và đồng bào của mình, các nghệ nhân đã thực hiện nhiệm vụ trao truyền những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc.

 Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng truyền dạy nghệ thuật múa khèn Mông cho học sinh Trường THCS Bán trú Tây Sơn (Kỳ Sơn). Ảnh: Thành Cường

Miệt mài truyền dạy

Đã bước sang tuổi 75, nghệ nhân Lương Văn Nghiệp ở bản Cằng, xã Môn Sơn (Con Cuông) vẫn say sưa với việc truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ dân tộc Thái cho bà con trong bản và trong xã. Ông tranh thủ truyền dạy mọi lúc, mọi nơi, từ nhà riêng đến các cuộc vui (cưới hỏi, lễ, tết), các buổi sinh hoạt của CLB Dân ca - Dân vũ của bản. Hễ có người có nhu cầu học hỏi, trao đổi về cách sử dụng khèn bè, pí, đàn tính, xi-xờ-lò và các điệu múa, hát của dân tộc Thái, ông luôn sẵn sàng hướng dẫn. “Được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân dân gian, tôi luôn ý thức được mình phải luôn hoàn thiện các kỹ năng về âm nhạc dân tộc và lan tỏa niềm đam mê trong cộng đồng. Tôi rất vui mỗi khi có người tìm đến để học cách sử dụng nhạc cụ cũng như kiến thức về dân ca - dân vũ”, nghệ nhân Lương Văn Nghiệp nói.

Theo ông Lương Văn Hoa - Chủ tịch UBND xã Môn Sơn, từ nhiều năm qua, nghệ nhân Lương Văn Nghiệp luôn là hạt nhân của phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương. Là Chủ nhiệm CLB Dân ca - Dân vũ bản Cằng, ông thường đứng ra tổ chức giao lưu với văn nghệ giữa các CLB và với khách du lịch; ông cũng là thành viên đội văn nghệ của xã và huyện với vai trò dàn dựng chương trình, biên đạo tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Nhờ đó, đội văn nghệ quần chúng của bản luôn đạt giải cao trong các kỳ giao lưu, hội diễn.

Giống như ông Lương Văn Nghiệp, nghệ nhân Moong Thị Lợi ở bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) đã truyền dạy cho hàng chục người thành thạo làn điệu hát tơm - điệu dân ca nổi bật của dân tộc Khơ mú. Bà Lợi kể: “Cách đây khoảng 15 năm, Viện Âm nhạc Việt Nam về Kỳ Sơn tổ chức các lớp truyền dạy âm nhạc dân tộc, tôi được mời truyền dạy hát tơm. Chương trình diễn ra trong 2 tuần nên đảm bảo được chất lượng, hầu hết các học viên đều nắm rõ được cách hát tơm”.

Các nghệ nhân xã Môn Sơn (Con Cuông) truyền dạy kỹ năng dân vũ cho các em nhỏ. Ảnh: Công Kiên

Nay đã bước qua tuổi 70, giọng hát của nghệ nhân Moong Thị Lợi vẫn trầm, ấm và cuốn hút mọi người. Trong bản mỗi khi có đám cưới, mừng nhà mới hay bất cứ cuộc vui nào, gia chủ thường mời bà Lợi hát vài bài tơm để không khí thêm phần vui vẻ. Bà lợi luôn sẵn sàng hát, bởi càng hát nhiều thì điệu tơm càng có cơ hội ở lại với bản làng và vẫn còn nhiều người yêu mến nó. Thi thoảng có người tìm đến nhà nhờ bà dạy hát, dù bận công việc đến mấy bà cũng gác lại để chia sẻ niềm vui và say sưa cùng câu hát. Niềm vui lớn nhất của bà là các con và các cháu gái đều biết hát tơm, vì được bà truyền dạy và gieo niềm đam mê từ lúc lên 10.

Không chỉ nghệ nhân Lương Văn Nghiệp và Moong Thị Lợi, nhiều nghệ nhân người dân tộc thiểu số như Và Bá Đùa (Tương Dương), Vừ Lầu Phổng (Kỳ Sơn), Sầm Thị Xanh (Qùy Châu), Lương Thị Phiên (Qùy Hợp), Lô Thị Hương (Anh Sơn)… đã, đang nỗ lực và đạt những kết quả nhất định trong việc bảo tồn bản sắc âm nhạc của dân tộc mình.

Niềm mong ước giản dị

Theo bà Quách Thị Cường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn truyền thống các dân tộc thiểu số ở Nghệ An trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức. Để giúp các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng có thêm thông tin về vấn đề này, trong những năm qua, Sở đã tổ chức các lớp tập huấn nhằm giúp các nghệ nhân người có uy tín nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ về phương pháp, kỹ năng tuyên truyền, tổ chức và tham gia công tác bảo tồn bản sắc văn hóa ở địa phương. Qua đó, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bài trừ các phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ngày càng tiến bộ, văn minh.

Trở về với bản làng, các nghệ nhân tích cực tham gia phong trào văn hóa - văn nghệ và trao truyền tri thức, kỹ năng và bí quyết cho thế hệ sau. Một số nghệ nhân được sự “tiếp sức” của chính quyền địa phương, ngành Văn hóa và các trường học nên đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng. Nổi bật là Trường PTCS DTBT Tây Sơn (Kỳ Sơn) đã đưa nghệ thuật múa khèn và các loại nhạc cụ và dân ca của dân tộc Mông vào chương trình học ngoại khóa với sự tham gia của đông đảo học sinh, giáo viên. Việc truyền dạy nghệ thuật múa khèn và các loại nhạc cụ do Nghệ nhân dân gian Vừ Lầu Phổng đảm nhiệm, gây được nhiều niềm hứng thú cho học sinh.

Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng ở bản Huồi Giảng 1 (Tây Sơn) đã hơn 40 năm gắn bó với chiếc khèn Mông và nắm giữ các bí quyết về cách sử dụng và các điệu múa khèn. Trong các buổi học ngoại khóa do nhà trường tổ chức, ông luôn được mời đến để chia sẻ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và giao lưu, truyền dạy cho học sinh toàn trường. Học sinh ở các lớp đều rất hứng thú, chăm chú theo dõi, một số em còn thực hiện được các thao tác cơ bản về sử dụng khèn Mông. Chương trình giáo dục ngoại khóa của Trường PTCS DTBT Tây Sơn thực sự bổ ích, giúp các em học sinh người Mông nắm vững kiến thức về văn hóa dân tộc và cách sử dụng nhạc cụ truyền thống.

Nhưng khách quan mà nói, các địa phương và trường học làm được như xã Tây Sơn là không nhiều, việc phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian bảo tồn các giá trị bản sắc chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Theo nghệ nhân Và Bá Đùa ở bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai (Tương Dương), trong những năm qua, ông đã truyền dạy kỹ thuật sử dụng khèn Mông cho nhiều người trong bản. Không ít người ở các bản khác cũng muốn theo học nhưng do điều kiện đi lại khó khăn, vất vả nên không thực hiện được. “Mong muốn của tôi là hàng năm huyện, xã tổ chức mở lớp truyền dạy âm nhạc dân tộc cho bà con ở các bản làng được học tập một cách bài bản. Bởi vì, hiện tại có nhiều người muốn được học nhưng tôi không đủ điều kiện để mở lớp”, ông Và Bá Đùa nói. Mong muốn của ông Và Bá Đùa cũng là niềm mong muốn của các nghệ nhân người dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An.

Ông Vi Văn Sơn - Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh cho biết: “Hiện nay toàn tỉnh có 28 nghệ nhân dân gian người dân tộc thiểu số được Nhà nước công nhận, là nguồn lực quan trọng trong công các giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ phối hợp với ngành Văn hóa và các địa phương tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy âm nhạc dân tộc nhằm phát huy vai trò của các nghệ nhân trong việc giữ gìn, lan tỏa các giá trị văn hóa”./.

 

         

         

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114557046

Hôm nay

2325

Hôm qua

2280

Tuần này

2605

Tháng này

224589

Tháng qua

122920

Tất cả

114557046