Người xứ Nghệ
Bùi Đình Phong - trí tuệ, sức viết và sự cày ải trên cánh đồng học thuật
PGS.TS Bùi Đình Phong trình bày tham luận tại hội thảo khoa học về nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam - Nguyễn Duy Trinh.
Ông là lính đặc công, chính hiệu thương binh thời chống Mỹ.
Chàng trai trẻ Bùi Đình Phong của địa linh nhân kiệt Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh lên đường ra mặt trận với bao thanh niên cùng trang lứa. Mang vết thương vừa khép miệng chưa được bao lâu, ông hăm hở dù muộn màng bước vào cuộc đời sinh viên Khoa Lịch sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bù lại, ông có tri thức thực tế ngồn ngộn, ken dày từ máu lửa trận mạc.
Rồi ông được giữ lại làm giảng viên của trường.
Một thời gian sau, người ta xin ông sang xây dựng bộ môn mới ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Bộ môn Hồ Chí Minh, nay là Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Đảng.
Đã 70 Xuân. Ông đang nghỉ hưu. Cứ tưởng rửa tay gác bút thì ông về nhà cùng vợ, convà các cháu uống đọi nác chè xanh, ăn kẹo cu đơ, ngồi xemTV. Nhưng, ông không nghỉ. Vẫn cứ viết, cứ đi giảng bài cho các lớp cần ông. Vẫn cứ rong ruổi trên từng cây số nói chuyện về Bác Hồ.
Lúc trái gió trở trời, thịt xương ông dưới những lớp sẹo, nhất là chỗ phổi ngày xưa bị mảnh đạn làm thủng, cứ nhói đau. Thế nhưng, ông vẫn không ngưng nghỉ cày ải trên cánh đồng học thuật. Ông vẫn là người lính tiên phong trên lĩnh vực này. Học thuật với ông là nghiên cứu, là giảng dạy, tuyên truyền về các nhân vật lịch sử, về các “cụ nhớn”: Các anh hùng của dân tộc; nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh; các vị tiền bối cách mạng tiêu biểu của Việt Nam. Cánh đồng học thuật này người ta chủ yếu mới cày vỡ ra, chưa nhuyễn lắm, nói như các nhà kinh tế học thì nó còn rất nhiều dư địa để mần ăn. Đó là chưa kể có người cày xiên, cày dối, cày tung cả lớp đất phèn lên, ông lại phải góp sức làm lại.
Trí tuệcủa ông luôn luôn được nạp thêm năng lượng từ cuộc sống qua sự miệt mài đi và nghiên cứu. Tuổi tác đối với ông chỉ là sự trải nghiệm, thêm thời gian để được trui rèn.Bởi vậy, sức viết của ông - bút lực của ông ngày càng dồi dào hơn, đằm hơn. Ông là cộng tác viên tích cực, cộng tác viên thường xuyên của rất nhiều tạp chíuy tín trong nước, trong đó có Tạp chí Văn hóa Nghệ An. Ông cũng như tôi, không phải bất kỳ tạp chí nào chúng tôi cũng yêu. Phải là như thế nào đó thì ông mới tự nguyện làm cộng tác viên cho một địa chỉ diễn đàn khoa học - văn hóa.
Phải khẳng định rằng, ông là chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Bất cứ cuộc hội thảo nào về Bác đều không thể thiếu ông. Bởi nhắc tới ông người ta nghĩ ngay tới người suốt đời nghiên cứu về Bác. Mới đây thôi, ông vừa cho ra mắt bạn đọc bộ sách ba tập mang tên Nghiên cứu Hồ Chí Minh - Một số công trình tuyển chọn nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020).Chỉ nhìn vào bộ sách đã biết ông tâm huyết và đổ bao thời gian công sức cho chuyên đề này. Bái phục ông! Mừng cho ông!
Bộ sách 3 tập Nghiên cứu Hồ Chí Minh - Một số công trình tuyển chọn của PGS.TS Bùi Đình Phong
Bộ sách đồ sộ này có 2.170 trang, khổ 16cm x 24cm (tập I: 732 trang tên là Chính trị - Tư tưởng - Tổ chức; tập II tên là Văn hóa - Đạo đức - Xã hội: 706 trang; tập III tên là Đổi mới - Hội nhập - Phát triển: 732 trang).
Cả ba tập là một chỉnh thể về tư tưởng Hồ Chí Minh. Người đọc có thể nhận thấy trục xuyên suốt của bộ sách bắt đầu từ nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về tư tưởng Hồ Chí Minh và cuối cùng là tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Tập I làm rõ đường lối cách mạng Việt Nam: giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản với nội dung cụ thể là giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Tác giả phân tích toàn diện tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc thuộc địa và cách mạng giải phóng dân tộc; về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tác giả phân tích Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong cách mạng giải phóng dân tộc và trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Những nội dung về hệ thống chính trị, trong đó xây dựng Đảng cầm quyền; về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo; về đại đoàn kết toàn dân tộc; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại được trình bày khá đầy đủ, hệ thống.
Tập II bắt đầu bằng việc nêu rõ Khóa họp lần thứ 24 Đại Hội đồng UNESCO ở Paris từ ngày 20-10 đến ngày 20-11-1987 thông qua Nghị quyết 24C/18.6.5. về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, tập sách làm rõ những khía cạnh văn hóa cụ thể và vai trò của văn hóa trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Cùng với lĩnh vực văn hóa, các vấn đề về đạo đức, xã hội với những nội dung mới mẻ như an sinh xã hội, giá trị trường tồn của văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh trong lòng nhân loại tiến bộ được tác giả khai thác và phản ánh đậm nét.
Tập III là những nội dung khá rộng và mới, hầu như chưa được đề cập nhiều trong các giáo trình và cũng ít xuất hiện trong các sách chuyên khảo về Hồ Chí Minh của các tác giả trong và ngoài nước. Tập III cho thấy rằng, nhìn xuyên suốt từ tác phẩm Đường cách mệnh cho đến Di chúc, nói rộng ra là từ lúc đi tìm đường cứu nước đến tận cuối đời, sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước của Hồ Chí Minh luôn luôn đổi mới, hội nhập và phát triển. Sự nghiệp cách mạng đó thể hiện tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, với trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm cao trước nhân dân, Tổ quốc và nhân loại của Hồ Chí Minh, một con người cả cuộc đời vì nước, vì dân, không dính líu gì tới vòng danh lợi.
Ở một cách tiếp cận khác, bộ sách Nghiên cứu Hồ Chí Minh - Một số công trình tuyển chọn của Bùi Đình Phong góp phần lý giải một vấn đề lớn: Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong hành trang phát triển của dân tộc và tiến trình văn minh, tiến bộ của nhân loại. Tác giả của công trình khoa học này cho người đọc biết rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh đúng là tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc Việt Nam, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà chính trị - nhà văn hóa Hồ Chí Minh có năng lực giao hòa sự đa dạng, kết hợp nhuần nhuyễn giá trị Đông - Tây, tìm thấy “mẫu số chung”, điểm tương đồng của dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ. Với một nhân cách cao đẹp, Hồ Chí Minh thể hiện được khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc của con người với luận đề nổi tiếng Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Điều đặc biệt là tư tưởng Hồ Chí Minh chứa đựng bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn mà điều căn cốt là dựa trên một nền tảng triết học vững chắc, với thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận đúng đắn. Tư tưởng Hồ Chí Minh đại biểu cho ý chí, nguyện vọng của dân tộc Việt Nam và khát vọng của nhân loại tiến bộ. Tư tưởng đó xuất phát từ thực tiễn dân tộc và thời đại rồi trở lại cải tạo hiện thực.
Bộ sách cho người đọc thấy rõ rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh kết tinh với ba tầng giá trị lớn: (1) Tầng giá trị tư tưởng - lý luận với ba bộ phận là truyền thống dân tộc; văn hóa - triết học phương Đông, phương Tây; học thuyết Mác - Lênin. (2) Tầng giá trị thực tiễn với ba bộ phận là thực tiễn dân tộc Việt Nam; thực tiễn nhân loại trong thời đại mới; hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh. (3) Tầng giá trị thuộc phẩm chất cá nhân Hồ Chí Minh với ba bộ phận là đại nhân; đại trí; đại dũng. Ba tầng giá trị này làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn, mang giá trị toàn cầu, bước cùng nhịp với xu thế phát triển và trào lưu tiến bộ của thế giới cũng như ý nguyện hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và phát triển của nhân loại.
Tôi cho rằng, các vấn đề được đề cập trong bộ sách ba tập này của Bùi Đình Phong là những vấn đề khoa học - thực tiễn và có tính thời sự thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, nhất là sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh cũng như các cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của đất nước.
Người thương binh Bùi Đình Phong không có chức tước ông này ông nọ gì ngoài chức danh Phó giáo sư, Tiến sĩ sử học, giảng viên cao cấp. Ông làm đẹp cho đời bằng hàng trăm công trình khoa học đã công bố (sách và bài viết cho các tạp chí khoa học). Đã có lần tôi dục ông làm hồ sơ để xét chức danh Giáo sư. Nhưng ông không làm. Ông là thế!
Nhắc đến công trình khoa học tuyển chọn của ông trên đây, không thể không nói đến vai trò quan trọng của Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Đây chính là bà đỡ mát tay cho nhiều công trình khoa học, nhiều tác phẩm văn hóa, là địa chỉ tin cậy của nhiều nhà khoa học và nhiều văn nghệ sĩ. Bộ sách in đẹp, cộng với lối hành văn chính luận, khúc triết, trong sáng của tác giả, càng tôn lên giá trị của công trình khoa học sáng giá này.
Viết về ông, về những thành công trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đào tạo của ông, lại nghĩ tới vợ ông - bà Nguyễn Thị Hiệp. Trời đã đúng khi xe duyên cho ông bà. Phía sau những thành công của ông - một chuyên gia chuyên cày ải trên cánh đồng học thuật là sự hy sinh thầm lặng của bà.
Và, tôi vẫn thấy các công trình khoa học của ông tiếp tục “ra ràng”. Còn gì sáng giá hơn khi người thương binh ấy vẫn còn cống hiến cho đời!
tin tức liên quan
Videos
Nhớ lần gặp Đại tướng Chu Huy Mân
Có hay không một tầng lớp quý tộc Việt
Xứ Nghệ - Điểm đến thú vị của những cuộc du xuân
“Cần cho làng một sự tự trị thực sự để tăng cường sự đoàn kết …”
Tôn giáo, tín ngưỡng ở Nghệ An từ đầu thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII
Thống kê truy cập
114503704
2107
2319
21174
221097
120308
114503704