Khách mời văn hóa

Đại học Vinh là cơ sở đào tạo đại học đa ngành cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và thích ứng nhanh với thế giới việc làm...

VHNA: Đại học sư phạm Vinh, nay là Đại học Vinh là trường đại học đầu tiên, lớn nhất và có nhiều thành tựu nhất ở xứ Nghệ, có nhiều đóng góp quan trọng với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho cả nước.

 Năm 2011, Đại học Vinh đã được Bộ GD & ĐT xác định là trường đại học trọng điểm quốc gia. Để bạn đọc có thêm thông tin về nhà trường, nhất là quan điểm phát triển và năng lực đào tạo, VHNA đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.NGƯT. Đinh Xuân Khoa – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Đại học Vinh.

Phóng viên: Từ khi thành lập đến nay, theo ông Trường Đại học Vinh đã trải qua những bước ngoặt lớn nào trong quá trình xây dựng và phát triển? Ý nghĩa của mỗi bước ngoặt đó đối với Nhà trường và xã hội?

PGS.TS. Đinh Xuân Khoa: Ngày 16/7/1959, Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh được thành lập theo Nghị định số 375/NĐ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Ngày 28/8/1962, Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh được chuyển thành Trường Đại học Sư phạm Vinh theo Quyết định số 637/QĐ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Đây là trường đại học đầu tiên của Trung ương đóng ở địa phương. Đến nay, sau nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Nhà trường đã trải qua ba bước ngoặt phát triển lớn sau đây:

- Bước ngoặt thứ nhất, năm 1965, Trường phải sơ tán từ thành phố Vinh đến 7 huyện của hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Khi mới thành lập, Trường đóng trên địa bàn thành phố Vinh. Đến tháng 8/1964 khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Trường phải chuyển hướng đào tạo từ điều kiện thời bình sang thời chiến, từ đào tạo tập trung tại thành phố Vinh sang sơ tán, phân tán ở nhiều địa phương theo phương châm vừa học, vừa làm; vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu. Có thể nói đây là thời kỳ đặc biệt nhất trong lịch sử của Nhà trường. Khi xảy ra chiến tranh Trường lâm vào tình trạng “tồn tại hay không tồn tại”. Tuy nhiên, đi đến đâu, Trường cũng đều có mối quan hệ tốt với địa phương, được Đảng bộ và nhân dân địa phương đùm bọc, do đó nhanh chóng ổn định được giảng dạy và học tập. Những năm tháng này, quy mô Trường vẫn phát triển mạnh, chất lượng đào tạo được giữ vững. Trường đã gắn bó máu thịt với đời sống chính trị - xã hội của đất nước, với hoạt động sản xuất và chiến đấu của các địa phương và thực sự trở thành “ngọn cờ hồng trên quê hương Xô viết”.

Bước ngoặt thứ hai, năm 2001, Trường được đổi tên từ Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh. Đây là trường đại học đầu tiên trong cả nước được chuyển đổi từ mô hình đào tạo đơn ngành sang đa ngành. Từ những tìm tòi ban đầu trong việc liên kết đào tạo ngành Nuôi trồng thủy sản, kỹ sư Xây dựng, Luật... trong những năm 1990 thì đến năm 2001, Nhà trường đã được chính danh hóa, có cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học,  chuyển giao công nghệ phục vụ đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội. Từ đây, Trường đã trở thành trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực đáp ứng nhu cầu học tập của con em các tỉnh Bắc Trung Bộ và cả nước, góp phần giảm sức ép sinh viên về học tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, Nhà trường có 13 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 28 chuyên ngành thạc sĩ; 51 ngành đào tạo đại học, các ngành ngoài sư phạm chiếm 65% tổng số các ngành học. Quy mô tuyển sinh của Trường ở các hệ, bậc học, ngành, hình thức đào tạo không ngừng tăng lên.

Bước ngoặt thứ ba, năm 2011, Trường được Chính phủ đưa vào danh sách các trường đại học được xây dựng thành trường đại học trọng điểm quốc gia. Đây là thành quả của sự phấn đấu liên tục, bền bỉ đầy sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo, của cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên và học viên Nhà trường dưới sự lãnh đạo và ủng hộ có hiệu quả của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Tỉnh Nghệ An. Đây cũng là sự ghi nhận và đánh giá cao của Chính phủ đối với sự phát triển vững mạnh, uy tín và vị thế của Trường Đại học Vinh trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Hiện tại cả nước 447 trường đại học, cao đẳng nhưng mới chỉ có 16 trường được đầu tư xây dựng thành trường đại học trọng điểm quốc gia. Đây chính là cơ hội thuận lợi để Trường Đại học Vinh tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng và phát triển thành một trường đại học đầu đàn của hệ thống hơn 40 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp của khu vực Bắc miền Trung.

Phóng viên: Trường là một trung tâm đào tạo có uy tín và thương hiệu trong hệ thống các trường đại học sư phạm của cả nước. Trước đây đã có nhiều nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng trong và ngoài nước công tác tại Trường. Thế nhưng từ khi chuyển đổi mô hình đào tạo từ đơn ngành (chỉ đào tạo các ngành sư phạm) sang đa ngành (đào tạo tất cả các ngành theo nhu cầu xã hội), thì trong dư luận xã hội có một số ý kiến cho rằng bên cạnh mặt được là góp phần đào tạo nguồn nhân lực đa dạng cho xã hội nhưng chất lượng đào tạo sư phạm thì giảm sút, chất lượng đào tạo ngoài sư phạm thì chưa đủ mạnh, chưa được khẳng định. Là người trong cuộc, ông có bình luận gì về ý kiến này?

PGS.TS. Đinh Xuân Khoa: Theo tôi đây là những ý kiến chủ quan và phản ánh không đúng chất lượng đào tạo của Nhà trường. Từ năm 2001, khi đã trở thành trường đại học đa ngành nhưng Trường chúng tôi vẫn xác định sư phạm là ngành then chốt, đồng thời ưu tiên phát triển các ngành đào tạo ngoài sư phạm để đáp ứng nhu cầu xã hội. Những năm gần đây, điểm chuẩn đầu vào các ngành sư phạm của Trường đều đứng thứ hai của cả nước, chỉ sau Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Với khẩu hiệu hành động “Trường Đại học Vinh là nơi tạo dựng tương lai cho tuổi trẻ”, với quan điểm người học là “khách hàng” đặc biệt được thụ hưởng những gì tốt nhất từ phía Nhà trường và mỗi cán bộ, giảng viên nên Nhà trường đã bố trí những giảng viên giỏi, có kinh nghiệm, những phòng học và thiết bị thực hành tốt nhất cho sinh viên sư phạm. Nhưng có một thực tế chung hiện nay là số thí sinh có học lực giỏi đăng ký dự thi vào các ngành sư phạm không nhiều do đầu ra bị hạn chế. Còn về chất lượng đào tạo các ngành ngoài sư phạm do đặc điểm là từ trường đại học sư phạm đơn ngành chuyển thành đại học đa ngành, phải thẳng thắn thừa nhận chúng tôi chưa mạnh trong đào tạo đa ngành. Đây là điểm căn bản mà Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường đang tập trung để giải quyết. Song điều đáng mừng là qua tiến hành lấy phiếu khảo sát tình trạng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, kết quả cho thấy trên 90% sinh viên ra trường có việc làm, thu nhập ổn định, được nhà tuyển dụng đánh giá cao về chuyên môn. 100% sinh viên các ngành trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, khuyến nông và phát triển nông thôn được các doanh nghiệp đến tuyển dụng, ký hợp đồng thử việc ngay tại lễ phát bằng tốt nghiệp.

Phóng viên: Theo ông, đội ngũ giảng viên của Trường Đại học Vinh hiện nay đã và đang đáp ứng nhiệm vụ đào tạo của Nhà trường như thế nào, đặc biệt là sau khi Nhà trường được Chính phủ đầu tư xây dựng thành trường đại học trọng điểm quốc gia? 

PGS.TS. Đinh Xuân Khoa: Trong bất kì hoàn cảnh nào, công tác cán bộ cũng được Đảng ủy, Ban giám hiệu chú trọng đặt lên hàng đầu. Công tác tuyển dụng cán bộ, đặc biệt là giảng viên, được thực hiện khách quan, công bằng trên nguyên tắc tránh độc quyền về chuyên môn, 1 môn học có ít nhất 2 giảng viên đảm nhận, 1 giảng viên phụ trách ít nhất 2 môn học. Đối với các khoa đào tạo sư phạm, Nhà trường chỉ tuyển người có bằng tốt nghiệp đại học xuất sắc hoặc loại giỏi và có học vị thạc sỹ. Đối với các khoa ngoài sư phạm, ưu tiên tuyển sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, loại giỏi. Nhà trường cũng đầu tư kinh phí rất lớn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học. Nhờ vậy, chúng tôi đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”. Khi mời thành lập, Trường chỉ có 17 cán bộ giảng dạy, 158 sinh viên của hai ban Toán - Lý và Văn - Sử, đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức của Trường không ngừng được nâng cao về chất lượng, hợp lý về cơ cấu với 996 cán bộ, trong đó có 634 giảng viên, 55 giáo sư, phó giáo sư, 150 tiến sĩ... Đội ngũ cán bộ, giảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, tận tâm với nghề nghiệp đang đảm nhận nhiệm vụ đào tạo cho trên 30.000 học sinh, sinh viên, học viên. Đi khắp các miền quê của Tổ quốc, đâu đâu cũng in dấu, cũng có mặt cán bộ và sinh viên của Trường Đại học Vinh.

Phóng viên: Theo ông cho biết thì Trường Đại học Vinh hiện nay có gần 1.000 cán bộ, giảng viên, vậy chúng ta đã có các nhà khoa học đầu ngành chưa? Tôi được biết, khoa Toán học, khoa Ngữ văn trước đây đã từng có nhiều thầy giáo, đồng thời là nhà khoa học rất nổi tiếng. Còn nay thì hình như ít hơn. Đây là một nhận biết có thể chưa chính xác của người ngoài cuộc, mong ông thông cảm.

PGS.TS. Đinh Xuân Khoa: Là trường đại học trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, mảnh đất địa linh nhân kiệt, cái nôi sản sinh ra nhiều nhân tài của đất nước, chúng tôi luôn tự hào là cán bộ Trường Đại học Vinh luôn kế thừa và phát huy những thành quả của các thế hệ nhà giáo đi trước, những người đã góp công, góp sức, mồ hôi, nước mắt và cả xương máu để xây dựng nên thương hiệu Trường Đại học Sư phạm Vinh trước đây và Trường Đại học Vinh ngày nay. Nếu như trước đây, Trường Vinh có những nhà giáo, nhà khoa học mẫu mực và nổi tiếng như Nguyễn Thúc Hào, Lê Hoài Nam, Lê Bá Hán, Hoàng Tiến Tựu, Huỳnh Lý, Phạm Quý Tư, Hoàng Quý, Hoàng Kỳ... thì ngày nay, chúng tôi cũng tạo lập được các nhóm nghiên cứu với các nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam để tổ chức xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp như ngành: Ngôn ngữ học của khoa Ngữ văn; Quang học của khoa Vật lý, Xác suất thống kê của khoa Toán, Hóa hữu cơ của khoa Hóa học, Lịch sử Việt Nam của khoa Lịch sử... Nhiều cán bộ của Trường là thành viên, cộng tác viên của các hội đồng khoa học hoặc tổ chức khoa học quốc gia, khu vực và quốc tế như Đức, Italia, Nhật Bản, Pháp, Ba Lan, Nga, Canađa, Hoa Kì, Hội Thiên văn quốc tế... Trong đó có nhiều cán bộ trẻ như TS. Nguyễn Huy Chiêu, TS. Kiều Phương Chi... ngành Toán; PGS.TS, Nguyễn Hồng Quảng, TS. Nguyễn Huy Bằng, TS. Lưu Tiến Hưng... ngành Vật lý; PGS.TS. Cao Cự Giác, TS. Trần Đình Thắng, TS. Nguyễn Xuân Dũng..., ngành Hóa học; TS. Cao Tiến Trung, TS. Nguyễn Anh Dũng... ngành Sinh học; TS Nguyễn Thị Quỳnh Hoa ngành Điện tử viễn thông, TS. Nguyễn Thị Thanh, ThS. Nguyễn Tài Toàn ngành Nông Lâm Ngư... Đặc biệt hiện nay Trường chúng tôi có TS. Lê Văn Thành được coi như một “hiện tượng” của Toán học Việt Nam và thế giới. Sinh năm 1978, nhưng Lê Văn Thành đã là tác giả của nhiều định lý toán học với 16 công trình công bố quốc tế ở các nước phát triển, không ít trong số đó được in trên các tạp chí thuộc danh sách ISI. Các tiêu chí đánh giá của ISI được hầu hết các tổ chức khoa học trên thế giới dùng làm nguồn tham khảo chính để xác định thực lực nghiên cứu của một nhà khoa học, một viện, một trường đại học, một nước. Để có tên trong danh sách ISI không phải là chuyện dễ. Cho đến nay chưa có tạp chí khoa học nào của Việt Nam lọt vào danh sách ấy.

Phóng viên: Các trường đại học thường và phải gắn liền với hoạt động nghiên cứu khoa học. Ông có thể phác thảo hoạt động này ở Trường Đại học Vinh?

PGS.TS. Đinh Xuân Khoa: Cùng với nhiệm vụ đào tạo, Nhà trường đã chỉ đạo nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, phục vụ đào tạo và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chúng tôi đã xây dựng phần mềm quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học; đổi mới quy trình xét chọn đề tài, cấp kinh phí, cách thức đánh giá nghiệm thu. Ưu tiên đầu tư về kinh phí, nhân lực cho những đề tài nghiên cứu lớn, đáp ứng yêu cầu chuyên môn của ngành đào tạo hoặc do thực tiễn đặt ra. Cán bộ của Trường tích cực tham gia các dự án khoa học - công nghệ thuộc diện hợp tác Chính phủ, các đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước, các dự án lớn của các tỉnh, ngành như: Dự án Giáo dục Đại học, Dự án phát triển giáo viên trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020... Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên có chuyển biến rõ rệt. Số đề tài của sinh viên tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học sinh viên và đạt giải sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam ngày càng tăng. Nhà trường luôn quan tâm chỉ đạo để tăng cường chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực như các dự án bảo vệ đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Pù Mát; các dự án trồng và phát triển rừng ở miền Tây Nghệ An; giúp đỡ đồng bào Đan Lai định cư; chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông, lâm, ngư nghiệp cho nhân dân các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ. Những năm qua, Trường cũng đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học các cấp, trong đó, có các hội thảo quốc tế về sinh học, vật lý, hóa học, khoa học vật liệu... thu hút nhiều nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu... trên thế giới về dự và trình bày báo cáo. Công tác xuất bản các ấn phẩm khoa học cũng được Nhà trường quan tâm đầu tư. Tạp chí Khoa học của Trường mỗi năm ra 4 kỳ, 8 số với hình thức đẹp, chất lượng bài viết tốt và là ấn phẩm để trao đổi thường xuyên với các trường đại học, các viện nghiên cứu khác. Năm 2011, Trường đã được Bộ Thông tin - Truyền thông cấp giấy phép thành lập Nhà xuất bản Đại học Vinh. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, Trường Đại học Vinh đã triển khai trên 1.000 đề tài khoa học các cấp; tổ chức trên 70 hội thảo khoa học; có trên 1.400 bài báo của cán bộ được công bố ở các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước. Hàng năm, Nhà trường đã trích hàng trăm triệu đồng để thưởng cho các tác giả và tập thể tác giả có công trình khoa học công bố quốc tế.

Phóng viên: Trở lại những vấn đề, thưa ông, quan điểm và định hướng phát triển của Trường Đại học Vinh trong thời gian tới với tư cách là một trường đại học trọng điểm quốc gia?

PGS.TS. Đinh Xuân Khoa: Ngày 11/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định đồng ý bổ sung Trường Đại học Vinh vào danh sách xây dựng thành trường đại học trọng điểm quốc gia. Ngay sau đó chúng tôi đã ban hành Kế hoạch chiến lược phát triển Trường Đại học Vinh giai đoạn 2011-2020. Đây là một chiến lược vừa có mục tiêu trước mắt vừa có mục tiêu lâu dài, một chiến lược phù hợp với xu thế phát triển và năng lực thực tế của Nhà trường. Chúng tôi đã tuyên bố sứ mạng: Trường Đại học Vinh là cơ sở đào tạo đại học đa ngành cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và thích ứng nhanh với thế giới việc làm; là trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước và đề ra tầm nhìn: Đến năm 2020, Trường Đại học Vinh trở thành trường đại học trọng điểm, có đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, phù hợp về cơ cấu, có cơ sở vật chất đáp ứng với quy mô đào tạo 35.000 học sinh, sinh viên, học viên; phát triển một số hướng nghiên cứu khoa học mũi nhọn và một số ngành đào tạo theo chương trình tiên tiến; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; tăng cường khai thác các nguồn thu để chủ động về tài chính nhằm bảo đảm các hoạt động của Nhà trường.

Phóng viên: Để thực hiện thành công định hướng phát triển đó, theo ông vấn đề gì là then chốt?

PGS.TS. Đinh Xuân Khoa: Theo tôi, công tác phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Trường là vấn đề then chốt. Sinh thời Bác Hồ đã căn dặn “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Tôi cũng rất tâm đắc câu nói của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Nói chính trị, tư tưởng hay tổ chức thì cuối cùng vẫn là con người. Cái quyết định nhất... vẫn là cán bộ. Chính cán bộ là người soạn thảo cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách. Chính cán bộ là người tổ chức thực hiện. Chính cán bộ là người thể hiện phẩm chất tư tưởng, đạo đức để có sức hút và lòng tin cậy của nhân dân”. Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020 đã yêu cầu: đến năm 2015, có trên 50% giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ; đến năm 2020, có trên 75% giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ. Đến nay, số giảng viên của Trường có trình độ tiến sĩ đã đạt quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, đến năm 2015 và năm 2020 để đạt được tỷ lệ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ là rất khó. Hiện nay chúng tôi đang tập trung toàn lực ưu tiên cho cán bộ đi nghiên cứu sinh, nhất là ở nước ngoài; đồng thời có chính sách thu hút, tuyển dụng cán bộ có trình độ tiến sĩ về Trường công tác.

Phóng viên: Trong những năm gần đây, người ta thường nói đến thuật ngữ “triết lý giáo dục”. Ông có nhận thức hay quan điểm riêng của mình về thuật ngữ này trong bối cảnh cụ thể của Trường Đại học Vinh?

PGS.TS.Đinh Xuân Khoa: Thuật ngữ “triết lý giáo dục” hiện nay đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, bàn luận. Đánh giá những vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn giáo dục, các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý muốn đề ra các giải pháp để chấn hưng nền giáo dục Việt Nam trên cơ sở một triết lý giáo dục và một tư duy giáo dục mới. Theo tôi, triết lý giáo dục, được hiểu là những định hướng tư tưởng làm cơ sở cho toàn bộ quá trình giáo dục - đào tạo trong một thời kỳ nhất định. Những năm trước đây, Nhà trường ưu tiên cho việc mở rộng quy mô, số lượng đào tạo ở các ngành học, bậc học, hệ đào tạo. Hiện nay, chúng tôi lại đổi mới mô hình tăng trưởng từ tăng trưởng về số lượng sang tăng trưởng về chất lượng. Cụ thể là nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, khu vực và cả nước; đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch chiến lược phát triển Trường Đại học Vinh giai đoạn 2011-2020, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này. Xin chúc Đại học Vinh sẽ tiếp tục phát triển để xứng đáng hơn nữa vai trò trung tâm đào tạo nguồn nhân lực số một của xứ Nghệ và khu vực bắc miền Trung.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511086

Hôm nay

285

Hôm qua

2359

Tuần này

21460

Tháng này

217959

Tháng qua

121356

Tất cả

114511086