Những góc nhìn Văn hoá

Những bài học văn chương từ Cánh đồng bất tận

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Nguồn (Vnexpress

LTS. Tập truyện “Cánh đồng bất tận” (bản tiếng Đức) của nhà văn Việt Nam Nguyễn Ngọc Tư sẽ được vinh danh tại sự kiện văn học ở Hội sách Quốc tế Frakfurt (CHLB Đức) trong tháng 10-2018. “Cánh đồng bất tận” (Endlose Felder) của Nguyễn Ngọc Tư đã vượt qua tác phẩm của 8 tác giả nữ quốc tế để giành chiến thắng Giải Literaturpreis 2018. Giải thưởng do Litprom – Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt bình chọn. Với sự kiện này thêm một cơ sở để chúng ta hy vọng trong tương lai gần văn chương Việt sẽ có thể “đổ bộ” vào những quốc gia khó tính trong tiếp biến văn hóa thế giới. Quan trọng hơn, nhân sự kiện này chúng ta rút ra được những bài học nghệ thuật quý giá  từ một tác giả, tác phẩm cụ thể xuất hiện trong bối cảnh “văn chương lâm nguy”.

         KHI NGUYỄN NGỌC TƯ XUẤT HIỆN

        Nguyễn Ngọc Tư sinh 1976 tại Cà Mau - nơi tận cùng của dải đất hình chữ S - đúng như những câu thơ của thi sỹ Xuân Diệu đã viết “ Mũi Cà Mau: mầm đất tươi non/ Mấy trăm đời lấn luôn ra biển/Phù sa vạn dặm tới đây tuôn/Lắng lại, và chân người bước đến/Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau” (“Mũi Cà Mau”, 1960). Năm 2005, khi Nguyễn Ngọc Tư cho đăng “Cánh đồng bất tận” lần đầu tiên trên tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) thì, trước hết là độc giả, sau mới đến giới phê bình, bỗng xôn xao dư luận. Đời sống văn chương Việt một dạo sôi lên bởi tác phẩm Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh đầu những năm tám mươi và trong vòng 10 năm đầu sau Đổi mới (từ 1986), bỗng nhiên có vẻ như phẳng lặng. Nhưng “Cánh đồng bất tận” đã gây sóng gió trên văn đàn và cũng gây hệ lụy cho chính tác giả của nó. Đúng như dân gian tổng kết “ngọc càng mài càng sáng”. Lập tức, “Cánh đồng bất tận” nhận Gải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam (2006), và chỉ 2 năm sau đó (2008) nhận Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (ASEAN). Chưa hết, năm 2010, “Cánh đồng bất tận” được chuyển thành phim điện ảnh bởi đạo diễn tài năng Nguyễn Phan Quang Bình. Người ta nói trong bóng đá đầy bất ngờ và kịch tính tận ở phút 89. Tương tự, có thể nói, văn chương cũng có thể gây bất ngờ không kém gì môn túc cầu (vẫn thường được gọi là THỂ THAO VUA). Nhưng xét về nghề văn, khi viết “Cánh đồng bất tận”, tác giả của nó chưa hề qua trường lớp nào (Trường Viết văn Nguyễn Du hay một đại học nào đó có khoa Ngữ văn). Chị viết hoàn toàn bằng bản năng, năng khiếu, thiên bẩm. “Cánh đồng bất tận” đem lại vinh quang cho nữ nhà văn vùng Đất Mũi. Nhà văn tự tin đi ra thế giới bằng chính đôi chân của mình - tác phẩm văn chương. Thế hệ nhà văn 7X không nhiều người có được cái “duyên văn” như Nguyễn Ngọc Tư. Nói cách khác, tuy không phải là “người mở đường tinh anh” như Nguyễn Minh Châu, nhưng Nguyễn Ngọc Tư là một cây bút có cái tiết tháo của kẻ sỹ/nghệ sỹ ngôn từ khi yêu và ghét đều như “hai đợt sóng”.

           NHỮNG DỰ CẢM TÀI NĂNG

          Bây giờ thì thực tiễn đã khiếnchúng ta đã tường tận về sự hoang hóa, phế tích của đất đai, tài nguyên thiên nhiên và đáng sợ nhất là tâm hồn con người khi mà rừng vàng biển bạc cạn kiệt, khi mà môi trường sống đang bị hủy hoại bởi mục tiêu tăng trưởng kinh tế được đặt lên hàng đầu, khi mà sự bất an, bất ổn và bất tín nhận thức đang gậm nhấm đời sống tinh thần con người trong một cuộc trở dạ có thể nói là đau đớn nhất trong lịch sử dân tộc mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. “Tài nguyên con người” là vốn quý nhất đang suy kiệt. Nhưng cách nay 13 năm, nói ra điều ấy bằng hình tượng văn chương, ngôn ngữ nghệ thuật như Nguyễn Ngọc Tư làm được trong “Cánh đồng bất tận” thì không hề đơn giản. Nhà văn tài năng không phải là người có năng lực bám sát đời sống, tái hiện chân thực nó bằng nhiệt hứng ca ngợi hay phê phán. Nhà văn tài năng là người có cái khả năng dự báo những đường đi nước bước, những tình huống, những kết cục vui/buồn của đời sống (nghĩa là viết về cái “khả nhiên”). Tất cả thông qua số phận con người, qua nhân vật văn chương điển hình của thời đại. Đó chính là tinh thần và năng lực đón đợi đời sống của tài năng văn chương. Những văn tài trong quá khứ (trước 1945) như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng đã hoàn thành sứ mệnh này. Nhưng văn chương Việt từ 1945 đến nay thiếu những tài năng tầm cỡ như thế. Đọc “Cánh đồng bất tận”, kể từ khi nó xuất hiện đến nay, đã là một khoảng thời gian để thử thách, tuy nhiên vẫn phải chờ đợi thêm để qua thực tiễn kiểm chứng những dự cảm, dự báo của nhà văn. Nhiều độc giả nhận xét Nguyễn Ngọc Tư là cây bút già trước tuổi (“bà cụ non”) khi viết “Cánh đồng bất tận”. Nhân vật văn chương lớn nhất trong đời văn của Nguyễn Ngọc Tư là CÁNH ĐỒNG. Nhưng nó là “Những cánh đồng trở thành đô thị; những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị trí của nước, từ ngọt sang mặn chát; những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa nghẽn trong bùn quánh giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành. Những cánh đồng đó, đã hắt hủi cây lúa (và gián tiếp từ chối đàn vịt). Đất dưới chân chúng tôi bị thu hẹp dần. Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đã tự làm quẩn chân mình, vì không thể quay lại cánh đồng cũ (với người quen cũ). Tôi đã từng trở ngược về những nơi đó theo cách của tôi, bằng mường tượng. Tôi đã gặp nhiều đứa trẻ tên Hận, tên Thù mang khuôn mặt rắp tâm của cha tôi, với đôi mắt sâu và chiếc mũi thẳng. Những đứa trẻ nhàu úa, cộc cằn, cắm cẳn, chỉ tiếng chửi thề là tươi rói, nhảy ra xoi xói ở đầu môi. Và hình ảnh đó thật đến nỗi, tôi bất giác lùi lại vì một đứa đang nhìn trân trối vào mình, ngạo nghễ nói “Tao không thích học, chừng nào lớn, tao đi chăn vịt”.

          Hóa ra “cánh đồng bất tận” theo cách viết của Nguyễn Ngọc Tư không phải là hình ảnh “thẳng cánh cò bay”,  hoặc giả như trước đây ta thường hình dung theo lối của những người theo chủ nghĩa lãng mạn cuối mùa, hoặc giả là của những người theo chủ nghĩa “vị lai”, hay “huyễn tưởng”, “hoang đường” (!?). Nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư thường bị nhấn chìm trong “nỗi sợ hãi” hoặc “câm nín”, “nhẫn nhịn” (đúng hơn là nhẫn nhục), “chấp nhận” (khi chấp nhận cũng là một thói quen, mà đạo đức  chính là một thói quen). Nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư thường bị dồn vào tình thế bị “ xé toạc”, “rách nát”, “đau đớn”. Tình cảnh này không chỉ diễn ra giữa đồng loại với nhau mà đôi khi ngay trong gia đình, giữa những người ruột thịt với nhau. Đọc “Cánh đồng bất tận” thấy thương cảm, đau đớn, đôi khi phẫn uất trước thân phận con người thời nay bị nhốt vào trong bi kịch mỗi gia đình và lớn hơn là bi kịch xã hội. Theo cách viết  của Nguyễn Ngọc Tư thì đó là “bi kịch chất đống”.

          Người nước ngoài thích đọc “Cánh đồng bất tận”, có thể vì nhờ nó mà họ hiểu được đất và người Việt Nam thực chất hơn, sâu sắc hơn, công tâm hơn là những gì được truyền thông đem đến (!?).

          PHONG VỊ VĂN CHƯƠNG NAM BỘ

         Văn chương là nghệ thuật ngôn từ. Định đề này không bao giờ cũ. Giới nghiên cứu văn học đã chỉ ra cơ sở của “Địa - Văn hóa” (chúng tôi thì gọi là “thung thổ văn hóa”) trong sáng tác của mỗi nhà văn. Trong văn chương Việt hiện đại, chúng ta đã biết đến những nhà văn lớp trước mang hơi thở tự nhiên của sông nước, cảnh trí, đất đai, ẩm thực, lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán Nam Bộ vào tác phẩm của mình như Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Bình Nguyên Lộc, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng,...Nhưng với “thế hệ F” (7X, 8X, 9X) thì có vẻ như họ “vọng ngoại” nhiều hơn vì cho rằng tiếng Việt của ta nghèo nàn (!?). Độc giả cứ thử đọc lại thơ của nhóm NGỰA TRỜI (trong tập thơ “Dự báo phi thời tiết”, 2004), sẽ thấy vô cùng thất vọng khi tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt - bị “tàn sát” đến mức nào. Nhưng mặt khác phải thống nhất rằng, một tác phẩm văn chương có giá trị thì tất yếu phải đạt tới tính thống nhất quốc gia về ngôn từ. Nhà văn không nên, không thể lạm dụng phương ngữ mà đánh mất tính phổ biến của chữ. Đại thi hào Nguyễn Du quê Hà Tĩnh nhưng trong kiệt tác “Truyện Kiều” đã không “Hà Tĩnh hóa” câu chữ (chỉ đôi khi sử dụng một cách đắc địa). Đọc “Cánh đồng bất tận” thấy tác giả có ý thức tiết chế lạm dụng từ ngữ địa phương (rất hạn hữu tác giả mới viết kiểu như “ Tôi bưng cái cà ràng lên bờ, nhóm củi”).

          Nói phong vị văn chương Nam Bộ trong “Cánh đồng bất tận” không đơn thuần là nói đến “cảnh”, mà quan trọng là nói đến “người” của một không gian sống đặc trưng - đất mới, vận hành nhiều trên sông nước, nên có thể nói tính cách Nam Bộ đặc trưng bởi sự phóng khoáng, vô tư, chân thành, nghĩa hiệp, hết mình theo tinh thần hiện sinh (chú ý tới cái hiện tồn, hiện hữu). Không phải vô cớ mà người Nam Bộ thích đọc “Lục Vân Tiên”, thích đàn ca tài tử, thích cởi lòng với con người, thích gần gũi và hòa mình với tự nhiên,...Nói phong vị Nam Bộ trong “Cánh đồng bất tận” là nói đến thế ứng xử của những con người trọng nghĩa khinh tài (“kiến ngãi bất vi vô dũng dã”). Vì thế mà nhân vật Tôi (người kể chuyện) mới thấy rằng “Tôi mất mấy giây để háo hức thấy mình nghĩa hiệp như Lục Vân Tiên”. Người nông dân Nam Bộ nửa sau thế kỷ XX nhưng vẫn thích “thiên di” vì nhiều lẽ. Dường như sự xê dịch, chuyển đổi không gian sinh tồn đôi khi khiến cho cuộc sống có được cái cảm giác thay đổi cần thiết “Tôi giục cha rời khỏi cái xóm tàn tạ đó. Những cánh đồng chúng tôi qua, lúa chết khô khi mới trổ bông. Người ta không thể trồng đậu, trồng dưa vì thiếu nước (...). Mà mùa mưa vẫn còn xa lắm”. Nói phong vị Nam Bộ trong “Cánh đồng bất tận” là nói đến mối giao duyên giữa đất và nước, người và đất, người và nước. Nếu có “thiên di” cũng là để đi tìm nước. Nếu Khởi thủy là Lời (“Kinh Thánh”), thì với con người khởi nguyên là Thủy (trong ngũ hành:“Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ”. Trong “Cánh đồng bất tận” có đủ cả “ngũ hành”.

          LỜI KẾT

         “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư đã chinh phục được một phần độc giả thế giới. Giao lưu văn hóa bằng văn học là con đường ngắn nhất và hữu hiệu nhất trong xu thế toàn cầu hóa. Từ sự kiện này, nhen lên niềm hy vọng thiêng liêng về vị thế của văn học Việt Nam trên bản đồ văn học thế giới hiện đại. Với một tinh thần lạc quan có cở sở, trong tương lai gầntiếng Việt sẽ không còn cô đơn./.

                                                                                        Hà Nội, 8-2018

                                                                                                                                                                   

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569004

Hôm nay

2220

Hôm qua

2405

Tuần này

21387

Tháng này

227528

Tháng qua

129483

Tất cả

114569004