Khách mời văn hóa

Chúng ta đang cần tới một cuộc đại chấn hưng văn hóa của quốc gia - dân tộc!

GS Trần Ngọc Vương

VHTTNA: Ngày 24/11/2021 vừa rồi tại Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã được tổ chức với thông điệp phát triển văn hóa để chấn hưng dân tộc. Nhân dịp này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Trần Ngọc Vương đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội về lịch sử văn hóa dân tộc, về những lần chấn hưng trong lịch sử. Sau đây là phần tiếp theo của cuộc trao đổi (1).

Phan Văn Thắng:Trong lịch sử, người Việt đã chống “nghẽn văn hóa” như thế nào?

Gs Trần Ngọc Vương: Thực tình, trong bức tranh mang tính hologram (ảnh toàn hiện theo cả các chiều quy chiếu nD, nghĩa là theo các tọa độ không thời gian đồng hiện) về văn hóa, rất ít người nghiên cứu ở ta thực sự đã quan tâm đến vấn đề trong câu hỏi mà anh nêu lên! Đối với con người trong đời sống cộng đồng nói chung, thường rất khó biết, khó nhận ra là đang lâm vào “điểm nghẽn văn hóa” của cả một nền văn hóa, để có thể khái quát, có thể “kêu to lên”! Nhưng trực giác của đời sống lại khiến người trong cuộc của một nền văn hóa cụ thể cảm nhận rõ về trạng thái “nghẽn” đó. Về nguyên tắc, điểm nghẽn văn hóa chỉ xuất hiện khi xảy ra hiện tượng những dòng chảy văn hóa lạ, có lai nguyên khác nhau, “ập” vào nhau. Tôi cho rằng “kinh nghiệm” hay “truyền thống” của cộng đồng người Việt trong việc nhận ra, và vì thế, chống “nghẽn văn hóa” không thật rõ ràng cho lắm, vì thế, ở tầm quản trị quốc gia, quản trị cộng đồng, những người hay nhóm người chịu “trách nhiệm lịch sử” trước sự bế tắc, lại thường hành xử một cách lúng túng, bế tắc, nên họ lại cũng thường không có giải pháp gì rõ ràng, mạch lạc, mà thường đến đâu hay đó, hoặc thi thoảng đề ra những giải pháp mang tính cực đoan, “giật cục” nên không tránh khỏi những phản ứng của cộng đồng. Hai thập kỷ cuối thế kỷ XIV cho đến hết triều nhà Hồ, cuộc Hán hóa và giải Hán hóa diễn ra trong và sau thời Minh thuộc, tiếp biến văn hóa Mường - Việt xảy ra gay gắt và cực đoan vài thập kỷ đầu thời Lê sơ,cuộc tiếp xúc, xung đột văn hóa Đông - Tây từ thời Minh Mạng cho đến hết triều Tự Đức... đều là những biểu hiện như thế.

Có một vài điểm sáng hay rất sáng trong cuộc “chống tắc nghẽn văn hóa” mà tôi thiết tưởng cần ghi nhận nổi bật, đó là “những giải pháp chống ách tắc” của Trần Nhân Tông cùng những triều thần xuất chúng của Người, hoạt động kiến tạo văn hóa và thâu thái văn hóa của Nguyễn Trãi, tính toàn diện mạnh mẽ và quyết đoán trong các giải pháp của Lê Thánh Tông, những giải pháp điều hòa tránh xung đột lớn thời nhà Mạc và Nguyễn Bỉnh Khiêm, và thời hiện đại, là ứng xử văn hóa của Hồ Chí Minh ...

Nhưng những cá nhân nhà văn hóa xuất sắc và những thành tựu, những thành tích làm phát triển và phong phú nền văn hóa cộng đồng không hẳn là song hành với nhau trong tiến trình lịch sử văn hóa!

Phan Văn Thắng: Theo tôi, văn hóa Việt Nam, ít nhất là từ đầu Công nguyên đến nay là một quá trình tiếp nhận, chung đụng và hòa hợp văn hóa rất uyển chuyển, gần như không có xung đột nào đáng kể. Văn hóa bản địa của người Việt với văn hóa Hán, với văn hóa Champa, tín ngưỡng bản địa với tam giáo (Đạo, Phật, Nho) và sau đó với Ki tô giáo…. Có nghĩa là khả năng thích ứng, hòa hợp, hòa giải rất tốt. Nếu đúng vậy thì theo ông đâu là chìa khóa để thực hiện sự hòa hợp đó? Ai, cộng đồng nào, lực lượng nào nắm giữ chìa khóa đó?

Gs Trần Ngọc Vương: Không hoàn toàn như anh nghĩ! Tôi cho rằng trong bề sâu, văn hóa Việt Nam không phải đã hòa hợp hoàn toàn, cả từ trong các thành tố của bản thân cộng đồng lớn với giữa các thành viên (các cộng đồng văn hóa tộc người) lẫn cộng đồng Việt với các nền văn hóa ngoại nhập. Với tư cách là một quốc gia đa tộc người, nền văn hóa Việt Nam đang rất cần những sự cộng thông, cộng hưởng và những kiến tạo văn hóa mới và mới nữa! Chắc anh vẫn còn nhớ những vấn đề mà trong bài viết của tôi mấy năm trước đây, đã in trên tạp chí Văn hóa Nghệ An đặt ra đối với nền văn hóa quốc gia đa tộc người ở Việt Nam?

Còn đối với các nền văn hóa lớn “nhập cảng” vào Việt Nam từ xưa tới nay, thì về đại thể, văn hóa Việt Nam tiếp nhận và chịu ảnh hưởng trước thời hiện đại là các nền văn hóa Trung Quốc và văn hóa Ấn Độ, còn từ thời cận đại thì tiếp xúc và chịu tác động lớn của văn hóa Pháp, rồi văn hóa Xlavian, văn hóa Mỹ, mà theo tôi, ảnh hưởng lớn nhất là văn hóa nhìn theo ý thức hệ (xã hội chủ nghĩa thực tế thời trước 1990), Mỗi một nền hay truyền thống văn hóa đó đều cần nhìn nhận lại hết sức nghiêm túc, nghiêm khắc trong khung khổ sự tiếp thu, đồng hóa và sự “giải tỏa” nếu không có sự thích hợp với nền văn hóa Việt Nam hiện tại và tương lai!

Đó là một công việc khổng lồ, đòi hỏi một thái độ nghiêm túc, khách quan, tinh tế, uyên áo, với những trực giác văn hóa nhạy cảm nhưng cởi mở!Nó cũng đòi hỏi sự trưởng thành trước hết của những nhà nghiên cứu văn hóa thực sự đại diện và có tầm cỡ! Với các quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ đang diễn ra mấy thập niên vừa qua, trong thực tế tỷ trọng văn hóa mang bản sắc Việt đang bị thu hẹp lại, hay nói khác đi, phần văn hóa Việt đang “thua và tự thua ngay trên sân nhà của mình”. Thật khó chỉ ra những thành tựu văn hóa nào do người Việt tạo dựng nên ghi được những dấu son trong chính công chúng văn hóa của mình! Người Việt khá nhạy bén với những gì thuộc văn hóa tiêu dùng, nhưng rất khó tạo nên những văn hóa phẩm thật mới, thật nổi bật đáp ứng với chính sự nhạy bén ấy. Khả năng ứng dụng công nghệ trong các hoạt động và sinh hoạt văn hóa của cộng đồng nói chung thì không đến nỗi nào ở bình diện cá nhân, nhưng công nghệ hóa văn hóa để tạo ra những thành tựu văn hóa có dấu ấn nổi bật thì phải nói thật, là mờ nhạt! Những căn bệnh kinh niên, thậm chí là bệnh thiên niên kỷ của văn hóa Việt như thiếu những sáng tạo có quy mô lớn, do thiếu những hoài bão văn hóa, thiếu sự đột phá thành đỉnh cao, tuy rất linh hoạt, thiết thực (như cố giáo sư Trần Đình Hượu, cố giáo sư Phan Ngọc từng thẳng thắn chỉ ra). Trong vài thập kỷ gần đây, những căn bệnh ấy lại được “khắc phục,chữa trị” theo một số định hướng lạ lùng khác, như chiếm đất rộng xây chùa to, nhà thờ lớn, tượng đài mọc lên nhiều cùng “công đường” đồ sộ ,... nhưng thiếu đặc sắc và phong cách văn hóa, không lưu ký được dấu ấn của thời đại!

Phan Văn Thắng: Từ xưa đến nay, trí thức mặc dù gần như đứng ngoài quyền lực nhưng vẫn là lực lượng tiên phong sáng tạo văn hóa và dẫn dắt tư tưởng. Nếu nhìn lại lịch sử về vấn đề trí thức, theo ông, những bài học nào đáng giá nhất cho việc xử lý mối quan hệ giữa quyền lực và trí thức?Và ông có liên hệ gì về trách nhiệm của trí thức đối với sự sa sút về văn hóa, nói cách khác là “điểm nghẽn văn hóa” hiện nay?

Gs Trần Ngọc Vương: Như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã bày tỏ sự đồng tình, văn hóa, đó là cái tồn đọng lại sau khi nhiều thứ đã qua đi sau nhiều những cuộc biến thiên lịch sử, nó thuộc về con người, là bằng chứng của sự tồn tại của con người, cả thuộc về con người cá nhân lẫn cộng đồng, sáng tạo văn hóa được tạo ra, trong tính toàn thể, và được gìn giữ chủ yếu là ở cấp độ cộng đồng, nhưng “những cá thể vượt trội trong cộng đồng lại có tỷ trọng cống hiến văn hóa nhiều hơn là những “đám đông vô danh” khác. Đó là một điều tự nhiên!

Tôi muốn nói đôi điều về đặc điểm của đẳng cấp trí thức Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, trước hết là đẳng cấp trí thức cựu học theo đòi nền học vấn phương Đông, tạm gọi là trí thức tam giáo.

Nhà sư ở Việt Nam có vai trò khá lớn trong đời sống tinh thần xã hội và cả trong đời sống chính trị của ít nhất 5 triều đại đầu, tính từ ngày Ngô Quyền dựng nên kỷ nguyên độc lập, là các triều đại Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần. Nhiều vị cao tăng được xưng tụng hay chính thức được phong danh hiệu Quốc sư, trong số họ có những nhân vật kiệt xuất, in dấu ấn đậm nét trên tiến trình văn hóa Việt Nam như Khuông Việt, Vạn Hạnh, cho tới Trúc Lâm tam tổ. Nhưng thực chất Phật giáo chưa bao giờ được các triều đại coi là quốc giáo (dù các sử gia đời nay thường khẳng định như thế!).

Trí thức nho học ở Việt Nam có vai trò kiến tạo và xây dựng nền văn hóa Việt Nam khá lâu dài và mẫu người trí thức chính yếu trong lịch sử Việt Nam cho đến thời kỳ Tây học, cận - hiện đại hóa. Nhưng nhà nho Việt Nam không có ai, kể cả Nguyễn Trãi hay Nguyễn Bỉnh Khiêm, được các nhà cầm quyền tối cao và tài năng nhất, thực sự coi là “quốc sư” hay một danh xưng khác, “đế sư”!

Đến thời Tây học, từ thập kỷ thứ hai đến thập kỷ thứ 5 của thế kỷ XX, một khoảng thời gian không lấy gì làm dài, một đội ngũ trí thức Tây học xuất sắc đã thực sự mang lại những đóng góp quan trọng trong đời sống xã hội nước ta. Rất tiếc tình trạng chia cắt, sự tồn tại của những thế lực chính trị và vùng lãnh thổ khác biệt đã làm manh mún hóa những nỗ lực và đóng góp của họ!

Thực chất, xét về nguồn gốc ra đời cùng vai trò thực tế của họ xuyên suốt lịch sử, trí thức là tầng lớp xã hội đặc biệt, ra đời từ rất sớm, ngay từ đầu đã gắn bó với giai cấp thống trị, nhưng lại luôn luôn tự “giữ khoảng cách” hay bị giữ lằn ranh giới với giai cấp thống trị, cho nên hàng nghìn, mấy nghìn năm tồn tại, họ không thể tự trở thành một giai cấp xã hội được, nhưng bao giờ cũng vậy, họ có vị trí là một “thiểu số tinh hoa” của xã hội. Để có “thái bình thịnh trị”, các đấng quân vương xưa không thể không cầu đến sự giúp đỡ của họ, để họ làm cầu nối hữu hiệu giữa bộ phận quyền lực - chính quyền, với cộng đồng mà đến thời cận hiện đại, vai trò của tầng lớp đặc biệt này càng ngày càng lớn, giữ vai trò quyết định sự thịnh vượng và tiến bộ xã hội nói chung! Chắc hẳn nhà báo chưa quên nội dung những bài học chính trị về “ba dòng thác cách mạng”, trong đó “cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt”? chủ thể của cuộc cách mạng khoa học công nghệ là ai, nếu không phải là trí thức?

Với xã hội hiện đại, hàng loạt những lĩnh vực trước đây chỉ được khẳng định là sáng tạo tinh thần,còn từ góc độ kinh tế, được khẳng định là “bất vụ lợi” là “vô tư” là không thể “hạch toán kế hoạch hóa, kinh tế hóa” được, đặc biệt rõ là các hoạt động trên bình diện văn hóa, thì ngày nay, đã là những ngành kinh tế khổng lồ! Nền kinh tế tri thức đã làm cho những lao động chất xám, lao động phi vật thể trở nên là loại lao động “có giá” bậc nhất! Thiết nghĩ, có cần đưa ví dụ nữa không?

Tôi cho rằng, với nền văn hóa Việt Nam hiện nay, để có thể tiến tới những bước chuyển có thể gọi là thay đổi, cách mạng, thì không thể thiếu được sự gia tăng mật độ chất xám trong từng bình diện cơ bản: gấp rút tìm kiếm và hình thành cho được một đội ngũ những người lãnh đạo và quản trị văn hóa đủ tầm vóc, một đội ngũ những người nghiên cứu chuyên sâu và thông thái về tri thức cũng như đổi mới được lý luận văn hóa, càng đông đảo hơn nữa những người sáng tạo và thực hành hoạt động văn hóa chuyên nghiệp, lành nghề. Đó chính cũng là nhu cầu xã hội cấp bách đặt ra trước cả và sau khi tiến hành những “hội nghị” cấp nọ hay cấp kia!

  1. 1.Xin xem VHTT Nghệ An từ số Tết Nhâm Dần, phát hành tháng 01/2022

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114510966

Hôm nay

2324

Hôm qua

2347

Tuần này

21340

Tháng này

217839

Tháng qua

121356

Tất cả

114510966