Diễn đàn
Về việc UBND tỉnh Thanh Hóa và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đề nghị UNESCO công nhận nhà sử học Lê Văn Hưu là danh nhân văn hóa thế giới
Hội thảo quốc gia "Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký" được tổ chức tại Thanh Hóa nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất của Lê Văn Hưu (1322-2022). nguồn ảnh CTTĐT Thanh Hóa
Theo báo Thanh Niên, ngày 20.4, tại Trung tâm Hội nghị H.Thiệu Hóa (Thanh Hóa), Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký” nhân dịp kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu. Ban tổ chức hội thảo thống nhất kiến nghị các cơ quan hữu trách lập hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh nhà sử học Lê Văn Hưu nhân dịp kỷ niệm 800 năm ngày sinh của ông[1].
Đại Việt sử ký toàn thư cho biết:
Nhâm Thân, [Thiệu Long] năm thứ 15 [1272], (Tống Hàm Thuần năm thứ 8, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 9). Mùa Xuân, tháng giêng, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc Sử viện giám tu Lê Văn Hưu vâng sắc chỉ soạn xong bộ Đại việt sử ký từ Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 quyển, dâng lên. Vua xuống chiếu khen ngợi.
Lê Văn Hưu là Nho sĩ nổi tiếng thời Trần. Ông thi đỗ Bảng nhãn ở khoa thi Đinh Mùi (1247), niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình đời vua Trần Thái Tông, khi mới 17 tuổi. Đây là khoa thi đầu tiên ở Việt Nam có đặt danh hiệu Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Sau khi thi đỗ, ông được giữ chức Kiểm pháp quan, rồi Binh bộ Thượng thư, sau đó được phong chức Hàn lâm học sĩ kiêm Giám tu quốc sử. Ông cũng là thầy dạy của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải.
Hội thảo khoa học “Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký” như một lời tri ân, tôn vinh Tổ sư nghề viết Sử Việt Nam Lê Văn Hưu; khẳng định vai trò không thể thay thế của Sử học trong dòng chảy thời gian. Thông qua quá trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, tâm huyết và trách nhiệm, các tác giả đã khẳng định giá trị, ý nghĩa của bộ Đại Việt sử ký và những đóng góp to lớn của Lê Văn Hưu cho nền sử học nước nhà. Tại Hội thảo, các ý kiến đều khẳng định, Lê Văn Hưu là người xây nền, đắp móng cho nền sử học nước nhà, là tác giả của Đại Việt sử ký - bộ Quốc sử đầu tiên của đất quốc gia 2, dân tộc Việt Nam. Ông còn là một nhà giáo dục kiệt xuất, một tấm gương, một nhân cách hoàn hảo và cao hơn, ông là một danh nhân văn hóa tiêu biểu. Chính vì vậy, hội thảo đi đến thống nhất thời gian tới sẽ phối hợp với các ngành chức năng xây dựng đề án đề nghị UNESCO tôn vinh ông là Danh nhân văn hóa thế giới.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc đề nghị UNESCO tôn vinh Nhà sử học Lê Văn Hưu là Danh nhân văn hóa thế giới chưa hợp lý, bởi:
1. Nho sĩ Lê Văn Hưu chỉ là người viết quốc sử đầu tiên, chứ không phải là người viết sử đầu tiên tại Việt Nam. Từ buổi đầu của nền độc lập tự chủ, đất nước chúng ta đã có nhiều trước tác, đặc biệt là sách lịch sử. Thời Lý có bộ Sử ký của tác giả Đỗ Thiện được biên soạn vào khoảng thời Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông, nhưng hiện nay đã bị thất lạc.
Ngoài ra, thời Lý còn có “Sử sách”. Tư liệu có niên đại cổ nhất đề cập đến hai chữ “sử sách” là tư liệu văn khắc thời Lý. Trong bài văn bia 鉅越國太尉李公石碑銘序 “Cự Việt quốc Thái úy Lý công thạch bi minh tự” (bài tựa và bài minh khắc trên bia đá về quan Thái úy Lý công nước Cự Việt) tại thôn An Lạc xã Trưng Trắc huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên. Văn bia không ghi người soạn và năm dựng bia nhưng được đoán định là được soạn sau khi Đỗ Anh Vũ mất (1159). Trong đó có ghi rõ: “Chúa thượng ưu kỳ thưởng, tứ SỬ SÁCH ký kỳ nhung huân, gia tứ tam trùng quang” (Chúa thượng thưởng lớn, ban SỬ SÁCH ghi chép công lao, lại tặng thêm mũ ba tầng).
Theo đoạn văn ở bài văn bia trên, chúng ta thấy thời Lý đã xuất hiện hình thức chép sử kiểu “thực lục” tức ghi chép lại những sự kiện quan trọng của triều đình diễn ra vào thời điểm lúc bấy giờ.
Đặc biệt, ở văn bia “Phụng Thánh phu nhân Lê thị mộ chí” tại chùa Phúc Thánh, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, lại ghi rõ:
Nãi mệnh QUỐC SỬ thuật thử phương du, chí vu mộ thạch” (Rồi lệnh cho QUỐC SỬ thuật lại những nết đức tốt đẹp để khắc vào đá mộ).
Văn bia này cho biết rõ thêm về nhiều chi tiết quan trọng, trong đó có khái niệm “Quốc sử”, hơn nữa lại ghi chép đầy đủ riêng về một nhân vật. Điều này khiến cho chúng ta liên tưởng tới những mục về “Nhân vật chí” ở những bộ thư tịch địa dư vào thời đại sau này. Qua đó cho thấy ngay vào thời Lý đã có sách lịch sử, nhưng đáng tiếc là “Quốc sử” hay “sử sách” (kể cả bộ luật Hình thư) nói trên không rõ tên và cũng không còn được lưu truyền tới tận ngay nay. Chính vì vậy, ngay từ thời Lý, đất nước chúng ta đã có “bộ môn Lịch sử” tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như sách thực lục các triều, hay bộ sử do từng cá nhân biên soạn nên, như sách Sử ký của Đỗ Thiện đã nói ở trên.
2. Về nội dung, bộ Đại Việt sử ký của Nho sĩ Lê Văn Hưu được hiệu chỉnh và bổ sung từ cuốn sách Việt Chí của tác giả Trần Phổ, chứ không phải do chính bản thân tác giả Lê Văn Hưu độc lập biên soạn. Sách An Nam chí lược của tác giả Lê Tắc có nói rõ sử quan Trần Phổ viết nên sách Việt chí, đồng thời cũng cho biết thêm Lê Văn Hưu là người sửa sách Việt chí. Còn về hình thức, Đại Việt sử ký được Lê Văn Hưu biên soạn theo hình thức như sách Tư trị thông giám của Tư Mã Quang (nhà Tống).
3. Nho sĩ Lê Văn Hưu công nhận Triệu Đà là triều đại chính thống của Việt Nam. Điều này được ghi trong quốc sử, chính vì vậy đã dẫn tới việc rất nhiều người trong đó có các anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi cũng chịu ảnh hưởng từ quan điểm đó mà xem Triệu Đà là người gây dựng nền độc lập dân tộc. Tuy nhiên, quan điểm này đã bị một số sử gia triều Lê Trung hưng và triều Nguyễn phủ nhận; và cho tới nửa sau thế kỷ 20, các nhà sử học nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều nhất trí coi Triệu Đà là kẻ thù xâm lược. Giáo sư Phan Huy Lê trong lời giới thiệu cuốn Đại Việt Sử ký Toàn thư (2000) cho rằng việc Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên coi nhà Triệu là một vương triều chính thống của Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng.
4. Ngoài lĩnh vực sử học với công trình Đại Việt sử ký, Nho sĩ Lê Văn Hưu chưa có những dấu ấn nổi bật khác về các lĩnh vực khác.
- Về chính trị: Chưa thấy sử chép về những chính sách ích nước lợi dân của ông.
- Về quân sự: Trong thời kỳ ông làm quan triều đình, đất nước ta trải qua ba cuộc chiến tranh với Nguyên Mông, ông từng giữ chức Binh bộ Thượng thư (tương đương Bộ trưởng bộ Quốc phòng), ắt sẽ có nhiều đóng góp lớn lao trong cuộc chiến chống quân xâm lược, nhưng chưa thấy sử sách ghi chép cụ thể những việc đó.
- Về giáo dục: Sử sách ghi nhận ông là thầy của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, nhưng lại chưa thấy ghi chép thêm về những người học trò khác.
- Về văn học: Hiện nay chưa tìm được tác phẩm văn học nào của ông.
Như vậy, tầm vóc của Nhà sử học Lê Văn Hưu mới chỉ ở trong khoảng thời gian một triều đại và trong không gian một quốc gia chứ chưa vượt tầm thời đại và vươn tầm thế giới. Nói những điều này không có nghĩa rằng chúng tôi phủ nhận tài năng và đức hạnh của Nhà sử học Lê Văn Hưu.
- Chúng tôi luôn khẳng định tài năng, đức hạnh, cũng như những cống hiến đóng góp của Nhà sử học Lê Văn Hưu xứng đáng có một vị trí lớn lao trong lịch sử dân tộc. Thông qua những lời bình của ông chép trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cho thấy ông là người có tinh thần dân tộc khi đề cao nền độc lập dân tộc trong sự bình đẳng, ngang hàng của Việt Nam đối với Trung Quốc (khi ông cho rằng Triệu Đà là người mở đầu cho nền độc lập và ngang hàng với phương Bắc); đồng thời cho thấy ông là người có tư tưởng thân dân và lấy dân làm gốc (khi ông phê phán những vị vua xây dựng nhiều chùa chiền, lao lực thổ mộc quá lạm, làm ảnh hưởng tới sức dân)… Những điều này luôn chứa đựng giá trị lớn lao xuyên suốt xưa nay, để ông xứng đáng là một trong những danh nhân nổi bật của lịch sử dân tộc Việt Nam.
[1] https://thanhnien.vn/se-de-nghi-unesco-vinh-danh-nha-su-hoc-le-van-huu-post1450634.html
tin tức liên quan
Videos
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Khai mạc lớp tập huấn trọng tài, huấn luận viên võ cổ truyền toàn quốc
Thống kê truy cập
114511752
278
2337
22126
218625
121356
114511752