Diễn đàn
Tắc đường vì không nhường nhịn
Tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra ở đường Đinh Công Tráng. Ảnh: Báo Nghệ An
Trước đây, khách các tỉnh thành về Vinh đều khen thành phố có đường và hè phố rộng, thông thoáng. Nay thì khác rồi. Nạn kẹt xe tắc đường xảy ra thường xuyên.
Khoảng vài ba năm trở lại đây, ở thành phố Vinh, vào giờ cao điểm, nạn tắc đường đã xuất hiện và ngày càng nhiều hơn, nhất là các trục đường, các điểm giao cắt có nhiều công sở, trường học. Không ít lần, nhất là những hôm trời mưa, hai bên đường từ ngã tư ga Vinh đến đầu đường Quang Trung dòng xe hai bên đường chen cứng nhau, mỗi bên không chỉ là hai làn mà có khi 3 - 4 làn. Ở khu vực ngã tư Lê Hồng Phong - Nguyễn Văn Cừ cũng vậy. Nhiều lúc cả dòng xe dồn lại như tổ ong, tiến không được, lùi cũng không xong, phải mấy chục phút, thậm chỉ cả giờ đồng hồ mới giải tỏa xong.
Có nhiều nguyên nhân gây kẹt xe, tắc đường. Có thể là do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được so với lưu lượng xe ngày càng tăng cao, do bố trí các khu chung cư trong nội thị quá nhiều, ý thức chấp hành luật giao thông chưa nghiêm túc… Tuy nhiên, qua quan sát tôi thấy, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến nạn kẹt xe, tắc đường là do nhiều người thiếu sự tôn trọng và nhường nhịn lẫn nhau trong quá trình tham gia giao thông. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp, nếu các tài xế chịu nhường đường nhau chỉ 30, 50cm thì các dòng xe vẫn có thể lưu thông. Thế nhưng, họ đã không nhường nhau, cố vượt lên chặn đầu để đi trước. Những người lái xe máy cùng không vừa, với tâm lý “xe to phải nhường xe nhỏ”, họ cũng cố len lên. Đó là chưa tính đến nhiều trường hợp do chen lấn nên xảy ra va quyệt, sẵn tâm lý không chịu thua, họ không bỏ qua cho nhau mà dừng xe lại để tranh cãi với nhau. Thế là cả dòng xe lại phải ùn lại. Có vô số trường hợp gây ùn tắc tương tự như vậy nhưng chung quy lại là do thiếu sự tôn trọng, nhường nhịn và chia sẻ lẫn nhau trong quá trình tham gia giao thông của nhiều người. Không ít người có thể bỏ ra hàng giờ ngồi tán gẫu trong quán rượu, quán cà phê nhưng dứt khoát không chịu thua bạn đường vài chục giây! Những người trẻ thường mắc lỗi này nhiều hơn so với những người lớn tuổi. (Thêm một quan sát, cho thấy, với bản tính bộc trực, nóng nảy, tính “hiếu thắng” ở xứ ta hình như cũng “trội” hơn nên chuyện “vượt lên” có vẻ cũng trội hơn các nơi khác?).
Văn hóa giao thông được hiểu là “… tự giác chấp hành trật tự an toàn giao thông, ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, tôn trọng, nhường nhịn người khác, tận tình giúp đỡ người tham gia giao thông gặp hoạn nạn, giúp đỡ người tàn tật, trẻ em, người cao tuổi để hướng tới một xã hội giao thông an toàn, thân thiện”. Như vậy, văn hóa giao thông, trước hết là ý thức tự giác chấp hành luật, thứ hai là ý thức cộng đồng, sự tôn trọng, nhường nhịn, chia sẻ lẫn nhau trong quá trình tham gia giao thông.
Thái độ, cách ứng xử nhân ái, biết tôn trọng, nhường nhịn lẫn nhau là một giá trị quan trọng trong văn hóa giao thông và có ý nghĩa cộng đồng rất lớn. Văn hóa giao thông không chỉ là chuyện ngoài đường, chỉ là chấp hành luật giao thông mà còn thể hiện cả văn hóa và đạo đức của mỗi người. Để có được điều này, không bỗng dưng mà có. Nó chỉ có thể hình thành trong một quá trình lâu dài bởi các hoạt động giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội và tự rèn luyện của bản thân.
Bởi vậy, giáo dục văn hóa giao thông là công việc không hề dễ, không phải chỉ một lúc mà có. Nó phải “vun trồng” lâu dài và thường xuyên trong các môi trường văn hóa./.
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, Số 13 - Tháng 6/2024)
tin tức liên quan
Videos
Thế Vận hội Tokyo 2020: Liều thuốc khuây khỏa giữa đại dịch
Mười thư viện lớn nhất thế giới
Nguyễn Duy Trinh - Người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ, một nhà ngoại giao xuất sắc
EVFTA và cơ hội thay đổi cơ cấu hợp tác kinh tế quốc tế
Cuộc sống bình thường mới và những bất bình thường cũ hiện nay
Thống kê truy cập
114497347
244
2365
22128
214740
120308
114497347