Dấu ấn của Cao Biền ở Giao Châu
Cao Biền (821-887) người Bột Hải, sau ngụ ở U Châu (ngoại thành Bắc Kinh ngày nay). Cha là Cao Nguyên, ông nội là Cao Sùng Văn (một danh tướng chỉ huy cấm quân dưới thời Đường Hiến Tông – Lý Thuần). Trong thời kỳ Bắc thuộc lần thứ III, ông được Đường Hy Tông – Lý Huyền phong cho làm Tĩnh Hải Quân Tiết Độ Sứ, cai quản cả Giao Châu và Quảng Châu từ năm Hàm Thông thứ bảy (866) đến năm Càn Phù thứ hai (875).
Đánh lui quân Nam Chiếu
Nam Chiếu là vương quốc của người Bạch và người Di (nằm trong khu vực tỉnh Vân Nam ngày nay) đã phát triển rực rỡ ở Đông Nam Á trong các thế kỷ VII và thể kỷ IX sau Công nguyên.
Người Bạch là cư dân nông nghiệp trong các vùng đất màu mỡ xung quanh hồ Nhị Hải. Mỗi bộ lạc của người Bạch là một tiểu Vương quốc, được gọi là chiếu; tất cả có 6 chiếu: Mông Huề, Việt Thác, Lãng Khung, Đằng Đạm, Thi Lãng và Mông Xá; trong 6 chiếu đó Mông Xá ở về phía Nam. Vì thế năm 737 khi vua của chiếu Mông Xá là Bì La Cáp lần lượt thống nhất các chiếu kia thành lập một vương quốc mới thì đặt tên là Nam Chiếu.
Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép:
“Trong khoảng năm Khai Nguyên (713-742) đời vua Huyền Tông nhà Đường, Nam Chiếu là Bì La Cáp cường thịnh lên, mà 5 chiếu kia suy hèn đi. Bì La Cáp mới đút lót cho quan Tiết Độ Sứ đạo Kiếm Nam là Vương Dục để xin hợp cả 6 chiếu lại làm một. Triều đình nhà Đường thuận cho, và đặt tên là Qui Nghĩa. Từ đó Nam Chiếu càng ngày càng thịnh lên, đem quân đi đánh Thổ Phồn… Bấy giờ Nam Chiếu đã mạnh lắm, bèn xưng đế và đặt quốc hiệu là Đại Mông Quốc rồi lại đổi lại là Đại Lễ…”
Nam Chiếu phát triển và bành trướng rất nhanh, đầu tiên vào Miến Điện, sau đó là toàn bộ Vân Nam, xuống Lào, vào Thái Lan, rồi ngược về phía bắc tới Tứ Xuyên (Trung Quốc). Năm 764, Nam Chiếu thiết lập kinh đô thứ hai tại Côn Minh (Trung Quốc). Năm Kỷ Dậu (829), quân Nam Chiếu chiếm đóng Thành Đô (Trung Quốc).
Năm 865 (Ất Dậu), Cao Biền được Đường Ý Tông cử làm đại tướng cùng giám quận Lý Duy Chu đem quân sang đóng ở Hải Môn để dẹp quân Nam Chiếu.
Đại Việt sử ký toàn thư chép:
“Năm Bính Tuất – 866 (Đường Hàm Thông, thứ 7). Mùa hạ, tháng 4, Nam Chiếu sai Trương Tập giúp Tù Thiên đánh Giao Châu, cho Phạm Nật Ta làm Đô Thống Giao Châu, Giám trận nhà Đường là Trần Sắc sai Vi Trọng Tể đem hơn 7.000 quân đến Phong Châu. Biền được thêm quân, tiến đánh Nam Chiếu, nhiều lần đánh tan được. Tháng ấy, Biền đánh tan quân Nam Chiếu, giết và bắt sống rất nhiều. Nam Chiếu thu quân còn sống sót chạy vào Châu thành cố giữ. Mùa đông, tháng 10, Cao Biền vây Châu Thành hơn 10 ngày, người Man rất khốn quẫn. Biền đến nơi đốc thúc, khích lệ tướng sĩ, lấy được thành, giết Tù Thiên và Chu Cổ Đạo là người thổ man dẫn đường cho quân Nam Chiếu, chém hơn 30.000 đầu. Quân Nam Chiếu trốn đi, Biền lại phá được hai động thổ man đã theo Nam Chiếu, giết tù trưởng. Người thổ man rủ nhau quy phục đến 17.000 người ”.
Từ đó nhà Đường đổi Giao Châu thành Tĩnh Hải Quân Tiết Trấn và để Cao Biền ở lại làm Tiết Độ Sứ.
Đắp thành Đại La (Hà Nội ngày nay)
Thành này ban đầu do Trương Bá Nghi đắp từ năm Đại Lịch thứ 2 (767) đời Đường Đại Tông – Lý Dự; năm 791 Triệu Xương đắp thêm; năm 808 Lý Nguyên Gia dời phủ trị tới bên sông Tô Lịch, đắp một cái thành nhỏ gọi là La Thành. Năm Hàm Thông thứ 6 (866) đời Đường Ý Tông – Lý Thôi, Cao Biền đắp lại có quy mô to lớn hơn gọi là Đại La:
“Thành có chu vi 1.982,5 trượng (H”6,6km), cao 2,6 trượng (H”8,67m), chân thành rộng 2,5 trượng (H”8,33m), nữ tường (bức tường nhỏ đắp trên tường thành lớn) 4 mặt cao 5,5 thước (H”1,83m), với 55 lầu vọng dịch, 6 nơi úng môn (thứ thành đắp vòng ngoài cửa thành), 3 hào nước, 34 đường đi. Cao Biền còn cho đắp đê vòng quanh ngoài thành dài 2.125,8 trượng (H”7,09km), đê cao 1,5 trượng (H”5,00m), chân đê rộng 2 trượng (H”6,66m).”
Dùng “thần quyền” và “tâm linh” nhằm diệt ý chí giành độc lập của dân ta.
Vốn là một tông đồ tầm cỡ của Đạo giáo, khi cai trị Giao Châu, trước ý chí quật cường của người Việt, bên cạnh việc dùng sức mạnh quân đội cùng hệ thống cai trị vô cùng ngặt nghèo, Cao Biền còn lợi dụng “thần quyền”, lợi dụng “tâm linh”, dựng lên những truyện thần kỳ nhằm diệt ý chí giành độc lập của dân ta.
Được thần thánh giúp đỡ.
Khi đắp La Thành, mấy lần bắt đầu đều bị sụt lở, tưởng như công việc không thành. Một đêm, Cao Biền đứng trên vọng lâu nhìn ra, thấy một vị thần cưỡi ngựa trắng chạy đi, chạy lại như bay rồi bảo Cao Biền cứ theo vết chân ngựa chạy mà đắp quả nhiên thành đắp được, sau khi đắp xong Cao Biền cho lập đền thờ vị thần ấy ở ngay nơi hiển hiện, gọi là đền Bạch Mã. Đền thờ này ngày nay vẫn còn ở phố Hàng Buồm, Hà Nội.
Kết nghĩa với anh em với thần thánh.
Ở làng Nam Trì (xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên ngày nay) có miếu thờ Lữ Gia (Thừa tướng thời Triệu Đà – Bắc thuộc lần thứ I) người Nam Trì gọi là Bảo Công và tướng Danh Lang (em kết nghĩa của Lữ Gia) được gọi là Lang Công. Theo Ngọc phả Thần tích do Hàn Lâm Đông Các Đại Học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Nhâm Thân (1572) triều Lê Anh Tông niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất thì:
Một lần qua đây, Cao Biền đã đến miếu tế lễ và cầu khấn rằng: “Nay ta cầm quân đi đánh giặc Nam Chiếu, hai vị thần có anh linh thì âm phù cho ta thắng giặc. Sau khi thành công hẳn được sắc phong cúng tế, hương hỏa muôn đời”
Đêm ấy, Cao Biền chiêm bao thấy hai vị tướng mặc long bào, giáp ngọc long lanh, đội mũ trăm sao. Một vị cưỡi ngựa trắng, cao hơn bảy thước tay cầm siêu đao vàng, một vị cưỡi hổ vàng tay cầm búa việt. Cao Biền hỏi: “Danh tướng ở đâu đến đây?”. Một vị xưng: “Ta vốn là Trung Thiên Bảo Quốc”, vị kia xưng: “Ta là Trung Lang Tế Thế, đều là đại thần của nhà Triệu hồi xưa, nay thấy Ngài đem quân đi đánh giặc, chúng ta xin tòng chinh, âm phù cho Ngài thắng giặc”.
Hôm sau Cao Biền truyền cho phụ lão, dân làng Nam Trì rằng: “Ta với hai vị tướng Thượng Đẳng Linh Thần tại đây như có nhân duyên từ trước. Vừa qua giặc Nam Chiếu xâm phạm An Nam, làm cho nhân dân lầm than khổ cực, ta mang quân đi tiễu trừ giặc cướp. Qua nơi đây biết chắc là Thần linh rất thiêng. Quả nhiên đêm về, hai vị Thượng Đẳng Linh Thần hiện lên xin tòng chinh, âm phù cho quân ta thắng giặc ”.
“Ta với hai vị thần ấy tuy âm dương cách biệt, nhưng đã chung một huyết khí bẩm sinh. Tuy rằng Nam Bắc hai phương nhưng đều chung một Trời một Đất nên từ nay ta cùng hai vị Thần kết nghĩa anh em và muốn hai vị Thần được hưởng cúng tế vạn năm, tiếng thơm lưu truyền bất hủ”.
Có kiếm thần
Cách chùa Hàm Long (thôn Thái Bảo, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh) về phía nam – tây nam chừng hơn một cây số có núi Con Rùa, một núi nhỏ, dáng mai rùa, chu vi khoảng trên một nghìn mét. Núi Con Rùa có một chỗ sạt về phía Đông, mùa mưa thường rỉ ra nước màu gỉ sắt; cách núi Con Rùa chừng hai cây số về phía đông – đông nam là thôn Phương Lưu, cư dân quần tụ trên một đảo gò đất có dáng đầu rùa, người ta truyền tụng rằng “rùa bị kiếm thần của Cao Biền chém đứt đầu, đến nay máu vẫn chảy, đầu rùa bị văng ra đến tận thôn Phương Lưu”!
Có phép “tản đậu thành binh”
Ở núi Chè (Trà Sơn) Bắc Ninh, về phía làng Móng (xã Hoàn Sơn) cách đường số 1 mới chừng 1 km còn có nơi “quân Cao Biền dậy non”. Vì khi ra trận, ngoài quân lính bằng xương bằng thịt, Cao Biền còn dùng “âm binh” (lính từ cõi âm). Khi cần kíp ông ta chỉ rắc hạt đậu xuống đất, lấp cho kín (như kiểu ủ giá đỗ) rồi đọc mấy câu thần chú… Khi mở ra, mỗi hạt đậu hóa thành một người lính xung trận được ngay! Đó gọi là phép “tản đậu thành binh”. Mỗi hạt đậu, mỗi người lính; quân Cao Biền không những nhiều mà còn có một sức mạnh ma quái! (Có lẽ núi Chè xưa là nơi tuyển, luyện quân của Cao Biền).
Cưỡi diều giấy đi trấn yểm ở nhiều nơi
Trong cuốn Việt Nam sử lược tác giả Trần Trọng Kim viết: “Sử chép, Cao Biền khi làm Thái thú ở quận Giao Châu nổi danh với tài phong thủy, thấy nước ta lắm huyệt đế vương, đã “cưỡi diều giấy đi trấn yểm khắp đó đây, làm hại mất nhiều long mạch””
Những truyền thuyết loại ấy tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Tất cả đều nhằm nêu bật sức mạnh ghê gớm của quan Thái thú phương Bắc. Nó thể hiện uy danh rất lớn của Cao Biền, không chỉ lúc ông đang còn cai trị tại Giao Châu mà cả khi vua Đường điều chuyển ông đi nhậm chức ở Tây Xuyên hay khi ông đã tan thành cát bụi nhưng vẫn như còn hiển hiện đâu đó trên đất này! Dám chắc những truyền thuyết ấy có bàn tay dàn dựng của Cao Biền nhưng đến mức nào và ở đâu? Không có dữ liệu lịch sử nào để xác định.
Những truyền thuyết nhằm bài bác lại
Dân ta dường như hiểu được thâm ý của Cao Biền nên đã dựng lên những câu chuyện dân gian nhằm hạ uy thế và bài bác lại:
Sơn thánh Tản Viên
Theo truyền thuyết khi sang Giao Châu, Cao Biền thấy long mạch rất vượng, nên muốn phá đi, thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi để xem địa thế, hoặc giả tảng lập đàn cúng tế để lừa Thần bản địa đến rồi dùng kiếm báu chém đầu, chém xong đào hào, chôn kim khí để triệt long mạch. Cao Biền có lần đến núi Tản Viên, định dùng chước này, nhưng Tản Viên Sơn Thánh biết được liền mắng Cao Biền rồi đi.
Đắp thành Đại La
Một hôm, Cao Biền ra chơi ngoài cửa đông của thành, chợt thấy trong chỗ mây mù tối tăm, có bóng người kỳ dị, mặc áo hoa, cưỡi rồng đỏ, tay cầm thẻ bài màu vàng, bay lượn mãi theo mây. Cao Biền kinh sợ, định lấy bùa để trấn yểm. Bỗng đêm hôm ấy thấy thần báo mộng rằng:
Ta là tinh anh ở Long Đỗ, nghe tin ông đắp thành nên đến để hội ngộ, việc gì mà phải trấn yểm?
Cao Biền lấy làm kỳ lạ, bèn lấy vàng, đồng và bùa chôn xuống để trấn yểm. Ngay đêm hôm đó mưa gió sấm sét nổi lên dữ dội, sáng ra xem, thấy vàng, đồng và bùa trấn yểm đều đã tan thành cát bụi. Cao Biền sợ hãi, bèn lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và phong cho thần là thần Long Đỗ.
(Về thần Long Đỗ, có một dị bản nói rằng: khi vua Lý Thái Tổ dời kinh đô về Thăng Long, nhà vua sai đắp lại thành, nhưng hễ thành đắp xong lại lở, bèn sai người đến cầu đảo thần Long Đỗ. Chợt người cầu đảo thấy có con ngựa trắng từ trong đền đi ra, dạo quanh thành một vòng, đi tới đâu, để vết chân rõ ràng tại đó và cuối cùng vào đền rồi biến mất. Sau nhà vua cứ theo vết chân ngựa mà đắp thành thì thành không lở nữa, bèn nhân đó, phong thần Long Đỗ làm Thành Hoàng của Thăng Long)
Chúng tôi cho rằng sự kiện đắp thành Đại La đã có trước thời vua Lý Thái Tổ hơn một trăm năm nên truyền thuyết về thần Long Đỗ gắn với việc xây thành Đại La của Cao Biền là hợp lý hơn. Vả lại ngay trong Thiên đô chiếu của vua Lý Thái Tổ cũng có câu: Huống Cao Vương cố đô Đại La thành (Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương) để thuyết phục quần thần.
“Cao Biền dậy non”
Như trên đã nói, Cao Biền có phép thuật “tản đậu thành binh”. Có lần Cao Biền đọc thần chú ”còn thiếu mấy câu” (hay mấy chữ gì đó), mỗi hạt đậu đã nở thành một âm binh nhưng đều còn non, đứng lên không vững, lẩy ba lẩy bẩy! Vì thế mỗi khi thấy người nào yếu sức, chân tay run rẩy, người ta sử dụng thành ngữ: “lẩy bẩy như quân Cao Biền dậy non”
Cũng là truyện “tản đậu thành binh”, nhưng có cách kể khác: Cao Biền sang nước Nam với mục đích yểm bùa và triệt phá long mạch, ông ta nuôi 100 âm binh phục vụ mục đích này. Muốn nuôi được 100 âm binh, Cao Biền nhờ một bà hàng nước mỗi ngày thắp một nén hương để gọi dậy một âm binh, khi thắp đủ 100 nén hương trong vòng 100 ngày sẽ gọi dậy đủ 100 âm binh. Nhưng bà lão đã phá âm mưu của Cao Biền bằng cách thắp một lúc cả 100 nén hương trong vòng 1 ngày. Quả nhiên, âm binh của Cao Biền dậy đủ 100 nhưng vì “dậy non” nên không có tác dụng gì.
Truyện “tản đậu thành binh” còn có một cách kể khác nữa, cách kể này đậm chất thôn dã, mang dáng vẻ “hài hước” khiến người kể và người nghe cùng thích thú: “Cao Biền có tham vọng làm Hoàng đế Trung Hoa: Ông ta xây dựng một lực lượng quân đội mạnh bằng cách “ủ giá đỗ thành quân”! Buồn cho ông! Bà vợ thấy ông cứ thì thà thì thụt, giấu giấu giếm giếm; sốt ruột quá, nhân lúc ông “bận công vụ” lén mở ra xem… Thế là cả một đội quân hàng ức, vạn tên lính của Cao Biền hùng dũng bước ra… Nhưng vì “dậy non” nên chỉ một lát sau chúng lăn đùng ra chết sạch!”
Những truyền thuyết mạo danh Cao Biền của các nhà phong thuỷ Việt Nam.
Khi Đạo giáo phát triển rộng lan xuống phía Nam, có những tín đồ lợi dụng uy danh của Cao Biền để đề cao Đạo giáo, nhất là đề cao phép thuật và thuật phong thuỷ:
Đá trấn yểm của Cao Biền ở Phù Cát (Bình Định).
Trong quyển Địa dư Bình Định của ông Bùi Văn Lăng viết từ năm 1930 cũng đề cập đến di tích Cao Biền như sau: “Dọc theo đường Quốc lộ số 1 chạy ra đến Phù Cát có đá Cao Biền. Đó là một cái thẻ thời xưa Cao Biền trấn yểm. Thẻ ấy bằng đá và chôn rất sâu. Thuở xưa dân làng đã có nhiều lần thuê voi về nhổ nhưng nhổ không lên”.
Ở Phù Mỹ, đường đi Đề Gi có một cụm núi nhỏ, cách đó không xa, lại có một hòn đá lớn nổi lên rất ngộ nghĩnh. Theo truyền thuyết thì đó là nơi Cao Biền đã dụng phép trấn yểm thuở xưa.
Mả Cao Biền ở Phú Yên.
Đấy là một độn cát nơi chân núi gần biển. Độn cát không lớn lắm, nhưng không bao giờ san bằng được, bốn mùa gió cát lại vun lên. Vì có thuật địa lý giỏi, Cao Biền đã tìm một nơi bốn mùa cát vun thành gò lớn để “trấn yểm” nên dân trong vùng có câu:
Ngó lên núi cả thấy mả Cao Biền.
Thấy đôi chim nhạn đang chuyền nhành mai.
Xin lưu ý rằng khi Cao Biền làm thái thú ở Giao Châu, lãnh thổ thuộc nhà Đường chỉ đến Quảng Nam, chưa đến Quảng Ngãi chứ chưa nói đến tận Phú Yên, vì từ đó trở vào thuộc Vương quốc Chămpa. Vùng đất này từ năm 192 đến năm 605 được gọi là Lâm Ấp, khởi đầu cho giai đoạn lịch sử Chămpa độc lập, trong sử sách Trung Quốc trước năm 859 gọi vương quốc này là Hoàn Vương, sử ta gọi là Chiêm Thành.
Thơ của Cao Biền ở Bắc Ninh.
Bài thơ bằng chữ Hán, “tương truyền” là của Cao Biền viết về thế đất (theo thuyết phong thủy) của ngôi mộ tổ họ Đỗ tại xã An Bình huyện Thuận Thành như sau:
Phiên âm Hán Việt:
Gia Định, Bình Ngô, hình thế bất cô.
Thần Đồng tiền lập, quỷ sứ hậu phù,
Sĩ khôi thiên hạ, danh bá hoàng đô.
Đãn hiềm sơn xạ, khước kỵ thuỷ tù,
Khủng đa phi luỵ, chung hãm phi cô.
Dịch nghĩa:
Đất Gia Định, Bình Ngô, hình thế khéo điểm tô.
Thần đồng đứng trước trực, quỷ sứ đứng sau hầu.
Học đỗ đầu thiên hạ, tiếng lừng lẫy hoàng đô.
Nhưng hiềm có đường phạm, và sợ có nước tù.
Hay tai bay vạ gió, không lỗi mà phải lo
Không dám lạm bàn về lý thuyết phong thuỷ, cũng không có ý định mổ xẻ những luận đoán đúng sai của bài thơ về thế đất của mộ tổ họ Đỗ, càng không có ý định hướng theo câu ca xưa “hòn đất mà biết nói năng, thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn”, chúng tôi chỉ muốn tìm lời giải cho câu hỏi: tác giả bài thơ này là Cao Biền hay của một kẻ mạo danh nào khác?
Xin hãy chú ý đến những địa danh “Gia Định, Bình Ngô” trong câu thứ nhất:
Gia Định, Bình Ngô, hình thế bất cô.
Tìm trong sử sách: Xã An Bình (nơi có mộ tổ họ Đỗ) nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, thời các vua Hùng vùng đất này nằm trong bộ lạc Dâu (gần thành Luy Dâu(1) xưa); đến thời Bắc thuộc lần thứ II (43-544 sau CN) có tên là Long Ngô Động thuộc đất Gia Định, nằm trong phủ Thuận An; mãi đến năm 1469 thời Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận (1460-1469) mới có tên là “xã Bình Ngô, tổng Bình Ngô, huyện Gia Định, phủ Thuận Thành”. Như vậy những địa danh “Gia Định, Bình Ngô” chỉ có thể xuất hiện sau năm 1469.
Và đây, xóm Ngo Giữa của thôn Bình Ngô hiện cso đến Bình Ngô, một di tích lịch sử cấp quốc gia. Đền thờ Tổ nước (có Hồng Bàng phả), được xây dựng từ năm Vĩnh Tộ thứ 8 (Lê Thần Tông – 1627), qua nhiều lần trùng tu, hiện vật còn lại rất cổ kính, trong đền có hai bức hoành phi “Cổ Long Động” và “Ngô Động Hiển Linh”, ở cổng (tam quan) có 2 đôi câu đối, một câu ở hai bên cổng tả hữu ghi như sau:
Phiên âm Hán Việt:
Long Ngô Động thiên thu hiển hách.
Văn Miếu Bình vạn cổ anh linh.
Dịch nghĩa:
Long Ngô Động nghìn thu rạng rỡ.
Văn miếu An Bình muôn đời chói lọi khí thiêng.
Như ta đã biết, Cao Biền cai trị xứ này từ năm Hàm Thông thứ 7 (866) đến năm Càn Phù thứ 2 (875), tức là vào cuối thế kỷ thứ IX. Bài thơ trên nếu đúng là của Cao Biền thì lúc nhìn thấy mảnh đất Long Ngô Động ông chỉ có thể phán: “… nơi này 600 năm nữa sẽ có tên là Gia Định, Bình Ngô” khi đang “cưỡi trên diều giấy”!
Thật quá hoang đường! Vì tự nhiên luôn luôn biến đổi “bãi bể nương dâu”, “vật đổi sao dời”, “nước chảy đá mòn”… Các nhà phong thuỷ bao giờ cũng đi “thực địa”, có nhìn thấy hiện trạng của thế đất mới đánh giá “tốt”, “xấu”… Có lẽ nào thầy địa lý siêu hạng như Cao Biền lại ấu trĩ đến mức đánh giá một thế đất của 600 năm sau! Vả lại nếu Cao Biền luận đoán tương lai giỏi đến thế thì sao mới rời quận Giao Châu về nước “nhận nhiệm vụ khác” được 12 năm (875-887) đã “bị bộ tướng là Tất Sư Đạc giết”!
Rõ ràng bài thơ này không phải của Cao Biền và cũng chẳng có yếu tố gì mang bóng dáng Cao Biền. Không nghi ngờ gì nữa, bài thơ này chỉ có thể là sản phẩm sau năm 1469 (thế kỷ thứ XV) của các nhà phong thuỷ Việt Nam. Nhưng vì sao phải mạo danh Cao Biền. Phải chăng người ta muốn lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của dân chúng, mỗi khi nghe “các thầy Tàu đã phán” là nhất tề bái phục. Vả lại, một khi ông chúa trùm phong thuỷ của các thầy Tàu là “Cao Biền đã nói” thì … cứ gọi là “chắc như đinh đóng cột”!
Cao Biền, một quan “toàn quyền” năng nổ và thâm hiểm – vượt trên tất cả các Thái thú khác – của phương Bắc. Về cuối đời, Cao Biền càng tin vào phép thuật thần tiên, trọng dụng thuật sĩ là Lã Dụng Chi làm lòng quân ly tán. Năm Trung Hoà thứ 5 (885), Cao Biền tạo phản ở Dương Châu. Năm Quang Khải thứ 3 (887), Đường Hy Tông (Lý Hoàn) cử Tuyên Châu Quan Sát Sứ là Tần Ngạn, trợ chiến với Tất Sư Đạc phá Dương Châu, Cao Biền bị Tần Ngạn và bộ tướng là Tất Sư Đạc giết chết.
Dưới bàn tay một mãnh tướng, một nhà phong thuỷ, một tông đồ của Đạo Giáo, chính sách cai trị nước ta của ông rất hiểm độc: “Dùng sức mạnh, đồng thời lợi dụng thần quyền và tâm linh” hòng khuất phục dân ta. Đáng tiếc có người Việt vô tình đã là tòng phạm trong mưu đồ này.
Những công lao của ông trong việc thực hiện ý đồ bành trướng, bá quyền ở Giao Châu dám chắc được các sử gia phương Bắc đánh giá cao. Thời nay cũng không loại trừ người phương Bắc không lợi dụng tàn dư này để thực hiện mưu đồ vốn rất thâm hiểm của họ.
—
CHÚ THÍCH: Sách Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên viết rằng: “Các vua đời sau cũng theo đó mà phong tới Bạch Mã Quảng Lợi Tối linh Thượng đẳng thần”. Các nhà nghiên cứu ở Viện Hán Nôm dựa vào sách Trấn Vũ quán lục, thấy rằng “Long Độ” vốn là tên đất Long Biên vào cuối đời Hùng Vương, Sĩ Nhiếp khi làm Thái Thú Giao Châu, được phong tước “Long Độ linh hầu”. Vậy Long Độ là tên gọi gốc, đến đời nhà Trần, do có lệ kiêng húy tên Thái sư Trần Thủ Độ nên mới đổi thành “Long Đỗ”. Cũng như vậy, sang thời Lê, theo sách Bạch Mã thần từ khảo chính, “vì kiêng húy Thái Tổ là Lê Lợi mà đổi chữ “Lợi” trong “Quảng Lợi” thành chữ “Lại” trong “Quảng Lại” *
Thành Luy Dâu xưa, nay là thôn Khương Tự, còn gọi là làng Dâu thuộc địa phận Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh. Hiện còn một phần tường thành, hào nước bao quanh thành (cách tam quan chùa Dâu chừng 300m về phía bắc)
Nguồn: Xưa & Nay(9/2009)
–