Đất Nghệ

Các lễ hội của cư dân miền biển Nghệ An

1. Đặt vấn đề:
Trong dòng chảy dựng nước và giữ nước của dân tộc, mỗi ngọn núi dòng sông từ vùng biển Cửa Lò đến vùng núi Bồ Đằng, Trà Lân, làng Vạc, Thẩm ồm,v.v… đều mang đậm dấu ấn văn hoá- văn minh của các thế hệ cư dân người Nghệ. Các dân tộc Việt, Thái, Thổ, Mường, Hơ Mông,v.v… suốt từ nhiều thế kỷ chung lưng đấu cật, dốc toàn tâm toàn lực, toàn trí, chinh phục cải tạo tự nhiên, dựng bản, lập làng, ổn định đời sống kinh tế, văn hoá và góp phần không nhỏ vào sự nghiệp chống ngoại xâm bảo vệ độc lập chủ quyền của quốc gia dân tộc. Mỗi cộng đồng dân tộc đều có sắc thái văn hoá riêng mà người ta có thể phân biệt qua ngôn ngữ, trang phục, nhà cửa, nông cụ, phong tục tập quán, lối sống,…

Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi dân tộc cũng có nhiều nét riêng biệt. Chỉ tính riêng cư dân người Việt cư trú ở vùng đồng bằng , trung du thì mỗi làng, mỗi xã, mỗi huyện lại có những nét văn hoá riêng khá độc đấo. Đời sống tín ngưỡng của cư dân thuần nông, cư dân miền biển, các làng nghề thủ công, những người buôn bán,… cũng có nhiều nét riêng mà việc nghiên cứu về những nét chung- riêng ấy dường như chỉ mới bắt đầu.

Bài viết của chúng tôi tập trung trình bày về một số lễ hội của cư dân miền biển Nghệ An sau ngày đất nước thống nhất đi lên Chủ nghĩa xã hội và hội nhập vào cộng đồng khu vực thế giới.
2. Các loại hình lễ hội
* Lễ hội định kỳ: được quy định theo chu kỳ hàng năm  thường gắn với các Di tích lịch sử -Văn hoá, đền thờ, miếu mạo của các thần linh hay các nhân vật lịch sử cụ thể bao gồm:
- Lễ hội truyền thống: Là lễ hội cũ có từ trước đây được lưu giữ trong nhân dân và cứ đến định kỳ lại tổ chức lễ hội như: lễ hội đền Cuông, đền Cờn, lễ hội Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí mỗi năm tổ chức một lần. Riêng lễ hội cầu ngư của ngư dân phường Nghi Hải (Cửa Lò) mới được phục hồi từ năm 2006 và được tổ chức hai năm một lần. Các lễ hội này thường gắn với đời sống văn hoá tâm linh, đề cao tinh thần yêu nước, yêu thiên nhiên, lòng tự hào dân tộc, truyền thống chống ngoại xâm, tôn vinh anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá,…Trong xu thế hội nhập các lễ hội này còn có đóng góp không nhỏ trong việc phát triển ngành “công nghiệp không khói”, phát triển kinh tế địa phương, giới thiệu với du khách trong ngoài nước về Đất và Người xứ Nghệ.
- Lễ hội mới: Là các lễ hội có thời gian tồn tại chưa lâu, được tổ chức
 hàng năm để đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hoá tinh thần  của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, mở rộng quan hệ giao lưu văn hoá với cư dân khắp các vùng miền trong và ngoài nước tiêu biểu ở vùng biển Nghệ An là lễ hội Du lịch Cửa Lò. Riêng lễ hội mùa du lịch Cửa Lò còn gắn với lễ hội sông nước của ngư dân miền biển Cửa Lò. Cả truyền thống và hiện đại hoà quyện tạo nên một sắc thái độc đáo có sức hấp dẫn đối với cả du khách và ngư dân Cửa Lò.
* Lễ hội không định kỳ: Đây là một dạng của lễ hội mới, nhưng mỗi lễ hội chỉ diễn ra một lần và thường không lặp lại như lễ hội đón bằng Di tích lịch sử văn hoá; lễ hội đón  bằng công nhận làng Văn hoá.
3. Một số lễ hội tiêu biểu:
- Lễ hội Đền Nguyễn Xí :
Lễ hội Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí được con cháu của ông từ khắp mọi miền tổ quốc cùng với các cấp ngành liên quan ở địaphương tổ chức hàng năm trong hai ngày30 tháng giêng và mồng một tháng hai âm lịch. Địa điểm tổ chức lễ hội tại đền thờ Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí thuộc xã Nghi Hợp huyện Nghi Lộc.
Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí là Người có công lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV(1417- 1427) và là một trong những công thần bậc nhất dưới triều Lê Sơ. Ông là người văn võ song toàn, là vị đại thần duy nhất dốc toàn tâm toàn tài phụ giúp việc triều chính trong suốt bốn triều vua: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, làm phụ chính cho hai vua: Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông. Với Nguyễn Xí phò vua chính là phò nước, giúp dân xây dựng và phát triển đất nước. Trong cuộc đời oanh liệt của mình, ngoài những võ công hiễn hách nơi chiến trận, Nguyễn Xí từng phải hy sinh tình phụ tử đành đạp chết người con trai chưa đầy một tuổi trong nỗi đau xé ruột, xé lòng. Chính ông còn phải giả mù, giả điếc, chờ cơ hội, lập kế tiêu diệt bọn phản loạn Lê Nghi  và đám gian thần, nịnh thần, lộng thần trong triều, đưa Lê Tư Thành lên ngôi vua, lập nên vương triều Lê Thánh Tông - vương triều thịnh vượng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Vua Lê Thánh Tông mà Nguyễn Xí tận tâm phò giúp từ khi nhà vua lên ngôi, là vị vua anh minh có công đưa quốc gia Đại Việt phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục, quân sự, bang giao(1),…
Lễ hội Nguyễn Xí là lễ hội tôn vinh anh hùng dân tộc không chỉ có giá trị đối với hậu duệ của ông mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với  cộng đồng cư dân xứ Nghệ và cả dân tộc thể hiện đạo lý: “ Uống nước nhớ nguồn”. Trong ngày lễ hội, con cháu từ khắp các tỉnh thành trong cả nước và cả một số Việt kiều từ nước ngoài về dự chưa kể nhân dân trong vùng và du khách thập phương. Ngoài phần lễ được tổ chức trang nghiêm theo nghi thức truyền thống, phần hội có các trò chơi: chọi gà, thi đấu bóng chuyền, đánh cờ(2),…
- Lễ hội Đền Vạn Lộc( phường Nghi Tân - Thị xã Cửa Lò )
Diễn ra vào 2 ngày 15 và 16 tháng Giêng AL hàng năm, nhưng lễ chính thường diễn ra 3 năm một lần vào năm (Tí, Ngọ, Mão, Dậu ) gọi là “ lễ cầu phúc” hay còn gọi là “ lễ cầu yên “, để tưởng nhớ công ơn Thái uý Quận công Nguyễn Sư Hồi (Con trai Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí) - Người có công lớn trong việc giúp vua Lê Thánh Tông dẹp loạn Đồn - Ban, đem quân Trấn thủ Thập nhị hải môn (canh giữ 12 cửa biển từ Sầm Sơn - Thanh Hoá đến Cửa Tùng - Quảng Trị )giúp dân khai hoang lập nên làng Vạn Lộc xưa, Cửa Lò nay và cầu cho sóng yên, biển lặng, cư dân ra khơi đánh bắt được nhiều tôm cá, mùa màng bội thu góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội đền thờ Vạn Lộc gồm có 2 phần: Phần lễ và phần hội:
Phần lễ bao gồm: Lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ xuất thần, lễ khai hội, lễ rước, lễ yên vị, lễ đại tế (lễ kỳ phúc, lễ kỳ yên ), lễ tạ. Nhìn chung trình tự phần lễ cũng diễn ra như ở các di tích khác: lau chùi, tẩy uế các hiện vật, đồ tế khí trong đền. Báo cáo với các thần linh xin pháp được mở hội, kính mời thần linh về dự lễ hội để ban phước lành cho sóng yên, biển lặng, dân khang, vật thịnh, ngư dân ra khơi vào lộng được an toàn… sau khi tiến hành xong các phần lễ thì tổ chức làm lễ yên vị và lễ tạ.
Riêng phần lễ rước ở lễ hội đền Vạn Lộc có phần khác so với các lễ hội khác. Sáng ngày16 tháng giêng, vào khoảng lúc 3h sáng tiến hành làm lễ xuất thần với nội dung: Xin các vị thần nghênh giá tiến hành lễ diễu hành ra tại sân đền tham gia khai mạc lễ hội. Sau khi tham dự xong lễ khai hội thì tiến hành lễ rước, tổ chức các đoàn rước như sau:
Tốp 1: Đội múa lân và trống nhạc.
Tốp 2: Đội cờ: cờ tổ quốc và cờ hội.
Tốp 3: Kiệu ảnh Bác.
Tốp 4: Kiệu bằng Di tích Lịch sử Văn hoá.
Tốp 5: Đội bát bửu - ngựa - hạc.
Tốp 6: Kiệu rồng có ngai thờ Thái uý Quận Công Nguyễn Sư Hồi (có Tàn lọng)
Tốp 7: Chiêng trống đại.
Tốp 8: Cờ thượng đẳng thần, cờ anh linh vạn cổ, hương án bày lễ vật, bát hương.
Tốp 9: Mâm ngũ quả.
Tốp 10: Đại biểu, nhân dân, du khách…
Đặc điểm riêng trong lễ rước là các dòng họ có nhà thờ ở dọc đường đoàn rước đi qua (ở phường Nghi Tân có 71 dòng họ) và các gia đình hai bên đường đều mang bát hương, một ít vàng mã, hoa quả,... trước cổng nhà mình để cầu lộc, cầu may.
Đường đi của đoàn rước: Xuất phát từ đền Vạn Lộc, đoàn rước đi lên khối 6, rẽ qua UBND phường Nghi Tân - quay về khối 4 - sau đó trở về đền . Mỗi khi đến gần một hương án dòng họ, đoàn rước lại đi chậm lại để đại diện dòng họ dâng hương, bái vọng và đội sư tử lại múa trò, còn đội trống thì biểu diễn múa, đánh tróng và đoàn rước tiếp tục đi.
Sau khi đoàn rước về đến đền thì ban nghi lễ và ban tổ chức vào làm lễ xin vào đền xong khi đó đoàn rước mới được vào, sau đó cử hành lễ yên vị.
Tiếp đến là lễ đại tế (lễ cầu yên, cầu phúc) đây là lễ chính được tiến hành từ khoảng 19h đến hết các thủ tục tế trong đêm. Ban hành lễ gồm có: 1 đại bái, 2 bồi tụng, chấp sự mỗi bên 5 người; 2 đội trống chiêng, bát âm; 2 vị thông xướng (đông xướng, tây xướng ) để hô hiệu lệnh.
Các bước hành tế được tiến hành theo đúng nghi thức truyền thống . Trong nội dung lễ có phần quan trọng là đọc chúc văn của đền và đọc văn thúc ước của làng. Trong khi tế, lúc đọc chúc văn, cũng như dâng hương, dâng rượu đều có nhạc bát âm, chiêng trống đệm vào làm cho không khí trang nghiêm, linh thiêng.
Phần hội: Trong lễ hội đền Vạn Lộc tổ chức nhiều trò chơi mang tính truyền thống cũng như hiện đại như: Chọi gà, đánh cờ người, bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá, cắm trại, thi văn nghệ… nhưng có lẽ trò chơi sôi nổi và cuốn hút nhiều người tham gia cũng như người xem đó chính là: đua thuyền truyền thống. Dưới sông thuyền đậu dọc đường đua, cờ đỏ, cờ hội, phấp phới. Trên bờ cả dãy dài người xem chật cứng, tiếng hò reo cổ vũ vang động cả một quãng sông. Các làng trong phường Nghi Tân  chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền trước đó một tháng; mỗi làng chuẩn bị một thuyền đua, một đội đua với những tay chèo khoẻ mạnh, có nhiều kinh nghiệm. Lễ hội đua thuyền trở thành hoạt động văn hoá tinh thần lôi cuốn tất cả các thành viên trong phường tham gia.
- Lễ hội Du lịch Cửa Lò: Diễn ra vào hai ngày 30/4 và 01/5 hàng năm.
       Ngành văn hoá du lịch Nghệ An phối hợp cùng các cấp ngành ở Thị xã Cửa Lò tổ chức lễ hội Du lịch Cửa Lò kết hợp với lễ hội sông nước truyền thống trên cơ sở lễ hội đền Vạn Lộc, tạo ra một nét văn hoá độc đáo kết hợp giữa truyền thống và hiện đại mở đầu cho mùa du lịch tại vùng biển Cửa Lò.
      Phần lễ nó cũng bao gồm các phần lễ từ lễ khai quang, lễ yết cáo… đến khi xong thì có lễ tạ, tất cả đều diễn ra tại đền Vạn Lộc. Riêng lễ rước kiệu xuất phát từ đền Vạn Lộc rước về Quảng trường Bình Minh - Trung tâm của thị xã Cửa Lò đã thu hút hàng vạn người xem. Cấu trúc của đoàn rước không có gì thay đổi so với cấu trúc đoàn rước ở lễ hội đền Vạn Lộc, nhưng thời gian tiến hành lễ rước từ buổi chiều đi quanh Thị xã qua các trục đường chính đóng trên địa bàn với đoàn rước có đến hàng nghìn người tham gia, với đầy đủ chiêng trống, đội múa lân, kiệu rước được trang trí lộng lẫy, cờ hoa rợp trời, áo quần sặc sỡ,… Đoàn rước thu hút sự tham gia của đông đảo du khách tạo nên một không gian văn hoá đa chiều để lại nhiều ấn tượng trong suốt mùa lễ hội.
     Phần hội được tổ chức rất sôi nổi với nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao như: Chương trình văn nghệ “ Nối vòng tay biển” do các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp biểu diễn, đốt pháo bông; bóng chuyền bãi biển, kéo co, cầu lông, Tennít, chọi gà, cờ người, trưng bày ảnh các Di tích lịch sử, thắng cảnh của Cửa Lò và Nghệ An trong quá trình chiến đấu và xây dựng quê hương …trước khi diễn ra lễ hội giữa các khách sạn còn tổ chức hội thi văn hoá ẩm thực, thi đầu bếp, lễ tân giỏi… và một hoạt động đặc biệt không thể thiếu trong lễ hội du lịch Cửa Lò hàng năm đó chính là hội đua thuyền truyền thống thu hút hàng vạn người xem và cổ vũ náo nhiệt. Hội đua có sự hội tụ của các tay chèo từ phường, xã có nghề biển, có năm mời cả huyện bạn như Hưng Nguyên, Diễn Châu,tỉnh bạn  Thừa Thiên, Huế cũng tham gia. Mỗi thuyền thường có 20 tay chèo và một người cầm chịch thường gõ trống hoặc thổi còi để làm hiệu lệnh. Khu vực đua thuyền là bãi biển phía trước Quảng trường Bình Minh với đường đua dài 1000m, có tàu Hải quân trực bảo vệ và cứu hộ. Cuộc đua không những làm sống lại một nét đẹp văn hoá truyền thống của người dân biển mà còn trở thành một hoạt động văn hoá du lịch đặc sắc trên bãi biển Cửa Lò.
- Lễ hội Đền Cuông, xã Diễn Trung- huyện Diễn Châu:
      Được diễn ra vào 3 ngày từ 14 đến 16 tháng 2 AL, để tưởng nhớ Thục An Dương Vương, người có công  trong việc hợp nhất Âu Việt và Lạc Việt lập ra nhà nước Âu Lạc, biến vùng Cổ Loa( Đông Anh - Hà Nội) thành trung tâm kinh tế , văn hoá, quân sự, chính trị của cả nước và nhiều lần đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của Triệu Đà. Thất bại trong công cuộc giữ nước Thục An Dương Vương  chọn vùng đất Diễn Châu làm nơi yên nghỉ.
        Ngày 14 tháng 2 tại đền Cuông tổ chức lễ yết cáo, sang ngày 15 tổ chức lễ rước kiệu thần từ đền Cuông về đình làng Cao ái để vua Thục xem hội, hưởng lễ vật và ban phúc lành cho dân, rồi lại rước kiệu thần về đền. Lúc này, tổ chức lễ tế thần, mỗi năm có một kỳ đại tế gọi là quốc tế, lễ tế thần phải có đủ tam sinh(trâu hoặc bò, lợn, gà). Kỳ đại tế hàng tổng rất long trọng, khu đền rợp cờ, lọng, tàn. Một lá cờ đaị to phấp phới trên đỉnh cổng tam quan, trống chiêng vang dậy cả vùng. Người về dự lễ hội đủ lứa tuổi, khắp các vùng miền. Từ các đình làng khác nhau trong tổng Cao Xá nhân dân cũng rước thành hoàng của làng mình về đền Cuông để dự lễ hội.
         Sáng hôm sau dân làng Tập Phúc(nay thuộc xã Diễn An) rước cỗ lên đền, lễ rước cỗ cũng không kém phần long trọng, có đủ cờ, trống, bát âm, ngựa, kiệu,v.v… Trước cách mạng Tháng Tám 1945, lễ hội đền Cuông do quan tổng đốc An Tĩnh làm chủ tế, cư dân tổng Cao Xá và cả Phủ Diễn chuẩn bị lễ vật, đoàn rước, cờ quạt, trống chiêng,… tham gia tế lễ. Các hưu quan, các vị đại khoa, trung khoa, các bậc lão,… trong phủ, trong tỉnh đều đến dự(3).
         Ngoài phần Lễ theo nghi thức truyền thống, lễ hội Đền Cuông hàng năm còn tổ chức phần hội với nhiều hoạt động văn hoá - văn nghệ thể thao như: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, chọi gà, đánh cờ, cắm trại, thi văn nghệ. múa lân,v.v… Đây là một trong những lễ hội truyền thống mang nhiều ý nghĩa trong đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng cư dân xứ Nghệ từ xưa đến nay.
- Lễ hội đền Cờn, xã Quỳnh Phương- huyện Quỳnh Lưu
      Trong dân gian từ xưa tới nay vẫn tồn tại một câu thành ngữ: “ Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần”. Trên địa bàn Nghệ An hiện còn nhiều đình thờ miếu mạo, thờ Phật và các vị thần núi ,thần sông hay các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá,v.v…   nhưng người ta quan niệm: “ Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Nổi tiếng là linh thiêng, lễ hội đền Cờn trước đây thường được tổ chức 15 tháng chạp đến hết tháng giêng âm lịch hàng năm. Từ ngày 15 tháng chạp đến hết đêm Trừ Tịch(30 tháng 12 al) chủ yếu  nhân dân các làng, xã, và cá nhân làm lễ tạ. Từ sau tết Nguyên đán đến 15 tháng giêng, các tổ chức làng xã và nhân dân làm lễ Cầu đảo, cầu yên, cầu phúc, cầu tài và cầu lộc… Ngày 16, Bốn giáp rước thánh lên chùa, ngày 17 rước thánh về đình làng và làm lễ tại đình 3 ngày 2 đêm. Ngày 20 rước trả về đền. Ngày 21,, chạy ói về phù lương, ngày 22 là ngày đại tế(4).
      Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, lễ hội đền Cờn không còn được duy trì, mãi đến năm 1998 mới được khôi phục lại, đây là một trong những lễ hội tuyền thống văn hoá lớn của xứ Nghệ. Ngày nay lễ hội được tổ chức vào ngày 21 tháng giêng âm lịch hàng năm.
    Lễ hội được tổ chức trước hết là để tưởng nhớ đức Thánh Mẫu, tứ vị Thánh Nương - nữ thần bảo vệ và phù hộ cho dân làm ăn thịnh vượng và vượt qua hiểm nguy, đã nhiều lần giúp đỡ cho đội quân nhà Trần, nhà Lê vượt biển bình an.
       Lễ hội đền Cờn chính thức được tổ chức vào ngày 21 tháng giêng, nhưng bắt đầu từ mồng 1 tết Nguyên đán hàng năm, lễ hội mở màn bằng những đoàn thuyền du xuân trang trí cờ hoa cùng với tiếng chiêng trống ầm vang. Đến ngày hội chính thức sẽ diến ra một trận thuỷ chiến giả có quân xanh, quân đỏ giao chiến trên một giải núi non hiểm trở kéo dài10km từ làng ói về đền Cờn. Những trai đinh khoẻ mạnh, đóng khố, đầu chít khăn thủ rìu khác nhau để phân biệt là người của đội nào. Khi lâm trận họ phải mang theo vũ khí là đòn khiêng, dây chạc… trận giả này cứ 3 năm một lần gắn liền với truyền thuyết dựng đền. Đây chính là nét riêng nghi lễ và tín ngưỡng văn hoá đền Cờn.
       Trong trò chơi trận giả còn có trò chơi “ Chạy ói “. Đám rước chạy ói gồm có 4 kiệu, 4 ngai, 4 tàn, 4 quạt khởi hành từ đêm. Sáng ra lại đi tiếp 4 kiệu, 2 voi, 2 ngựa, cùng đi theo đoàn rước có đoàn cờ, nhạc Bát âm, đoàn cầm đồ Bát bửu nghi trượng, đội nữ quan, đội nữ tướng. Chỉ huy đám rước là người đứng đầu 4 giáp và 1 vị thủ chỉ. Ngoài đám rước, trên bọ có đoàn thuyền 16 chiếc xếp thành chữ Nhất xuất phát từ bến đền đi theo sông ra biển men theo bờ tiến về đền Quy Lĩnh ở Quỳnh Lương. Hai đoàn rước liên lạc với nhau để khi qua Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng và cùng lúc tới Quỳnh Lương. Khi đám rước xuống Phú Lương, đến Quy Lĩnh, dân ở hai làng Phú Lương - Phương Cần gây xô xát và cùng hô “ Xô bề cá ông về với bà “. Sau đó làng Phú Lương làm lễ khuất lưu, làng Phương Cần làm lễ Phụng Nghinh. Xong lễ, đoàn rước khứ hồi lại đền Cờn. Lễ vật hiến tế lớn: 5 trâu, 5 lợn, 5 bò, 5 dê, gà, xôi, rượu vào mồng 6 tháng giêng. Sáng ngày mồng 7 tế bánh. Toàn bộ dân đình Phương Cần góp 1 đinh 2 chiếc bánh chưng, từ ngày 17 đến ngày 22 đại tế tam sinh như ngày mồng 6.
    Người dân ở đây tin rằng năm nào Giáp Tam(đội 3)thắng trò chơi chạy ói thì năm đó biển lặng sóng yên, sản xuất mùa màng tốt tươi, thuyền chài kéo được nhiều tôm cá, đời sống no đủ.
      Trong quá trình tổ chức lễ hội tại đền, các khu vực ngoài đền, sân đình, chùa, đền, bến sông tổ chức các trò chơi dân gian như: đua thuyền, đấu vật, kéo co, đánh cờ người,cờ thẻ, bài điểm, chơi đu, chọi gà, biểu diễn tuồng, hội hát ca trù…
       Sau nghi lễ và các trò chơi hội là lễ cúng tế mang đậm nét dân gian, thể hiện tín ngưỡng của người dân địa phương như: lễ cầu yên, cầu tài, cầu lộc, lễ tạ ơn, bốc xăm, xem quẻ…
       Lễ hội đền Cờn được xem là lễ hội truyền thống ở xứ Nghệ, nó đã có rất lâu đời từ thời Trần đến thời Nguyễn đều tổ chức lễ hội này, nó không chỉ còn là lễ hội của xã mà trở thành lễ hội của vùng, của tỉnh và cả nước.
       Lễ hội của cư dân miền biển Nghệ An là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng cư dân xứ Nghệ từ xưa tới nay. Nó không chỉ làm phong phú đời sống tín ngưỡng, tôn giáo mà còn là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là khát vọng hướng tới điều thiện của các thế hệ cha ông trong suốt dòng chảy lịch sử – văn hoá của dân tộc. Trong xu thế hội nhập các lễ hội đó đã và đang được các thế hệ tiếp nối trân trọng giữ gìn.
        Chú thích:
1.    Xem Gia phả Nguyễn Xí và các bài Hội thảo về Thái Sư Cương quốc công Nguyễn Xí do UBND tỉnh Nghệ An, Dòng họ và TTKHXHNV quốc gia tổ choc.
2.    Xem: Địa chí lễ hội Nghệ An. NXB Nghệ An, 2005.
3.    Xem: Nguyễn Nghĩa Nguyên: Từ Cổ Loa đến Đền Cuông,NXB Nghệ An, 2006 và Ninh Viết Giao: Thần tích, thần phả và tục thờ thần ở Nghệ An, NXB Nghệ An, 2004.
4.     Xem: Nghệ An di tích và danh thắng, Sở văn hoá Nghệ An, NXB Nghệ An, 2005.
 
 
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511017

Hôm nay

216

Hôm qua

2359

Tuần này

21391

Tháng này

217890

Tháng qua

121356

Tất cả

114511017