Đất Nghệ

Nghệ thuật chạm khắc độc đáo tại đền Phùng Hưng

Đền Phùng Hưng (đền Quỳnh Tụ)

Đền Phùng Hưng còn có tên gọi khác là đền Quỳnh Tụ thuộc phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, được xây dựng vào thời Lê Trung hưng và trùng tu lớn vào thời Nguyễn. Đây là một trong những di tích ở mảnh đất địa đầu xứ Nghệ (nay thuộc thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu) thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng.

Phùng Hưng là thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa nổi dậy chống lại sự đô hộ của nhà Đường vào khoảng đời Đại Lịch (766 -779). Cha ông là Phùng Hạp Khanh, một người hiền lành, đức độ, từng tham gia nghĩa quân Mai Thúc Loan ở Nghệ An. Có lẽ, chính vì vậy mà bản thân ông được Nhân dân nơi đây yêu mến, thêu dệt cho một lai lịch gắn liền với vùng đất này. Truyền thuyết kể lại rằng: Trước kia, vùng Quỳnh Lưu (nay là huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai) là núi rừng rậm rạp, thú dữ thường xuyên hoành hành, Nhân dân luôn sống trong nơm nớp, lo âu. Nghe danh lúc sinh thời, Phùng Hưng nổi tiếng có sức khỏe hơn người, có thể hàng trâu, vật hổ, nhân dân muốn lấy uy linh của ông để trấn trị thú rừng nên đã xây dựng đền để thờ phụng. Lại có truyền thuyết khác cho biết, trong những năm cầm quyền (784 - 791), một lần Phùng Hưng kéo quân vào kinh lý ở Hoan Diễn, đến khu vực vùng Kẻ Hà, Kẻ Vân, Kẻ Dòi... thuộc khu vực núi Tùng Lĩnh (nay thuộc xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu) thấy hổ hay bắt gia súc và người, ông đã dừng lại để diệt hổ. Khi ông cùng quân lính quần nhau với một con hổ chưa phân thắng bại thì có 3 con hổ khác xuất hiện. Sau nhiều giờ vật lộn với 4 con hổ, bị kiệt sức, ông và một số quân lính đã hy sinh. Nhân dân vùng này biết ơn lập đền thờ phụng.

Đền Phùng Hưng đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992, gồm 4 công trình tiêu biểu là phương đình, Hạ, Trung, Thượng điện và nhiều công trình phụ trợ. Trong đó, 3 công trình chính của đền (Hạ, Trung, Thượng điện) được xây dựng theo kiểu “Trùng thềm điệp ốc” - các tòa nhà xây liền nhau, mái của nhà sau gắn liền với mái của nhà trước, không có khoảng sân lộ thiên. Điều đặc biệt là trên các khung nhà của cả 4 tòa đều được chạm khắc mật độ dày đặc với đề tài truyền thống “tứ linh” (long, ly, quy, phượng), “tứ quý” (tùng, cúc, trúc, mai) được thể hiện dưới nhiều đồ án nghệ thuật khác nhau.

Trên các kẻ, bẩy, ván dong, ván gió… các đề tài được chạm khắc đan xen nhau, đường nét tinh xảo, trau chuốt, khiến các linh vật hiện lên một cách chân thực, đẹp mắt, tiêu biểu như: “Long ngư hý thủy” (Rồng và cá chép cùng nhau vui đùa dưới dòng nước) - một biểu tượng cầu học hành, công danh thành đạt; “Tùng - Lộc” (con nai dưới gốc cây tùng) - biểu tượng cầu trường thọ, phúc lộc đầy nhà; “Liên quy” (rùa đội lá sen) - biểu tượng của trường thọ, từ bi bác ái…Ngoài ra, còn có những mảng chạm khắc rồng dưới dạng “long ẩn vân” (rồng ẩn trong mây) khá độc đáo.

 

Đề tài “Long ngư hý thủy”

 

Đề tài “Tùng - Lộc”

Tại các vì đốc, nghệ nhân đã tận dụng các ván mê, câu đầu, cốn để thỏa sức sáng tạo những bức tranh nghệ thuật đặc sắc, hình ảnh “tứ linh” xuất hiện trong cùng một không gian, mỗi con được khắc họa một vẻ với trung tâm là “phượng vũ”. Phía trên, bao trùm cả ván mê là hình ảnh “hổ phù ọe chữ Thọ” (một biến thể của “hổ phù ọe mặt trăng”) - biểu tượng cầu mùa màng, cầu sức khỏe, hạnh phúc.

 

Trang trí ở một bộ vì đốc

Về với đền Phùng Hưng, du khách sẽ cảm giác như lạc vào một thế giới khác, một thế giới tâm linh đầy huyền bí, hư ảo. Đây chính là hiệu ứng mà nghệ thuật chạm khắc độc đáo đã mang lại cho không gian thiêng của di tích./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443981

Hôm nay

2232

Hôm qua

2307

Tuần này

21794

Tháng này

219155

Tháng qua

112676

Tất cả

114443981