Đất Nghệ

Phủ Đăng Cao: Công trình văn hóa đồ sộ, độc đáo bậc nhất Nghệ An

Tọa lạc giữa cánh đồng Am, thôn Thanh Cao, xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, Phủ thờ Đăng Cao là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Lầu nghi môn của Phủ được xem là độc đáo thuộc vào bậc nhất Nghệ An với sự đồ sộ, cổ kính nhưng cũng rất đẹp đẽ, thanh cao. Phủ thờ Đăng Cao được công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2013 và được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lich xếp hạng là di tích quốc gia theo Quyết định số 3548 ngày 24/11/2024.


Toàn cảnh mặt trước Phủ thờ Đàng Cao

Phủ thờ Đăng Cao được Nhân dân Tổng Đại Đồng huyện Nam Đường (nay là huyện Thanh Chương) lập nên vào khoảng cuối thời Lê đầu thời Nguyễn và lấy tên gọi theo tên Giáp Đăng Cao xưa, để phụng thờ những người có công lớn dưới thời Lê Trung Hưng là Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, Cường quận công Nguyễn Cảnh Vãn và Phó Nham Hầu Nguyễn Cảnh Yên.  Đây là các cặp anh - em, cha - con, những nhân vật lịch sử kiệt xuất của dòng họ Nguyễn Cảnh nổi tiếng của Nghệ An và cả nước.

Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (1521-1576), là con trai thứ hai của Phúc Khánh Quận công Nguyễn Cảnh Huy.. Trải qua hơn 40 năm làm tướng, Nguyễn Cảnh Hoan là một danh tướng lương thần nổi tiếng dưới thời Lê Trung Hưng, tận trung phò 4 đời vua, được ban quốc tính là Trịnh Mô. Luôn được tin yêu, giao nhiều chức vụ quan trọng và được phong thưởng đến hết bậc thang danh vọng. Đã có 24 làng xã có Đền, Phủ thờ Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan trên cả nước. Trong đó có một số di tích được xếp hạng cấp Quốc gia như Đền thờ Thái phó Nguyễn Cảnh Hoan tại xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, Đền Hữu tại xã Thanh Yên huyện Thanh Chương và tại Phủ Đàng Cao.

Cường Quận Công Nguyễn Cảnh Vạn (1529-1589) là con trai của Phúc Khánh Quận Công Nguyễn Cảnh Huy và là em trai của Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống võ nghiệp, sớm tiếp thu đạo lý nhân nghĩa lại có tính cương trực, khảng khái ghét sự bất công nên ông đã theo cha và các anh chiêu binh, dẹp giặc cướp, che chở Nhân dân vùng Nam Đường, hết lòng phò giúp nhà Lê Trung Hưng giành, giữ ngôi báu, ổn định đất nước. Nguyễn Cảnh Vạn thường xuyên tháp tùng bên cạnh anh trai là Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan chặn đánh quân Mạc giành được nhiều thắng lợi.

Phó Nham Hầu Nguyễn Cảnh Yên (không rõ năm sinh, năm mất) là con trai của Cường Quận Công Nguyễn Cảnh Vạn và là cháu ruột của Tấn Quận công Nguyễn Cảnh Hoan. Xuất thân trong một gia đình làm tướng, lớn lên Nguyễn Cảnh Yên đã nối nghiệp cha ông tham gia "phò Lê diệt Mạc". Do lập được nhiều công lớn nên được triều Lê phong tặng đến chức "Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân cẩm y vệ đô chỉ huy sứ, Thự vệ sự, Phó Nham Hầu". Sau khi ông mất được nhà Lê phong thần, Nhân dân địa phương đưa vào phối thờ tại Phủ Đăng Cao cùng với Nguyễn Cảnh Hoan và Nguyễn Cảnh Vạn.

Ngoài sự đầy đủ, hài hòa trong kiến trúc của một phủ thờ cổ, nơi thờ các vị quận công dòng họ Nguyễn Cảnh có công với dân với nước, nét đáng chú ý nhất của Phủ Đàng Cao là Nghi môn có kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa giữa Phương Đông và Phương Tây.

Theo các tư liệu lịch sử cho biết: Vào năm 1941, Nhân dân trong vùng và con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh đã quyên góp tiền để tổ chức xây dựng nghi môn và via tăng đa trước trung điện. Trong 13 bản vẽ của các chủ thầu, Nhân dân và con cháu dòng họ đã chọn bản vẽ của ông Đậu Trọng Hiềng (thường gọi là ông Đậu Hiềng) người làng Nguyệt Bổng (nay thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương) để thi công. Công trình sử dụng 50 bao xi măng, nhiều vôi, vỏ sò, mật mía, giấy bản và nhựa cây bời lời và do những người thợ địa phương thi công.

Họa tiết rồng chầu tinh xảo

Theo khảo tả tại hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích: Nghi môn Phủ Đăng Cao được thiết kế với 3 cổng ra vào. Ba cổng này không nằm trên một đường thẳng mà được bố cục lồi, lõm tạo chiều sâu và độ hoành tráng cho công trình. Ngoài cùng là 2 cổng phụ, được thiết kế đăng đối hai bên. Mỗi cổng phụ có tổng chiều dài là: 3,45m, cao: 3m, được cấu tạo bởi 4 cột trụ, khoảng cách hai trụ giữa tạo thành lối ra. Mái cổng phụ đổ bê tông dán ngói vảy. Cổng chính thụt sâu vào 2m so với cổng phụ, để nối từ cổng phụ và cổng chính các nghệ nhân đã xây 1 bức tường dzắc dài 2m nối từ trụ trong cùng của cổng phụ với 2 trụ lớn, khoảng cách 2 trụ lớn này rộng 6,85m. Từ 2 trụ lớn này xây 2 bức tường hình chữ V nối với 2 trụ trước của cổng chính. Cổng chính có mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật với diện tích 14,52m2, được thiết kế theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, với tổng chiều cao: 8,7m. Tầng 1 được tạo bởi 4 trụ lớn kích thước 1,1m x 1,1m cao 4,35m, lối ra vào tạo hình vòm cuốn có kích thước rộng: 1,95m; cao: 3,45m, trần tầng 1 đổ bê tông kiểu mái vòm giống với trần của các nhà thờ thiên chúa giáo với phong cách kiến trúc Gothic. Mặt chính diện nghi môn (phía trên vòm cuốn) được nhấn nổi bức đại tự bằng chữ Hán: “Cao phối thiên” có nghĩa là: Cao sánh với trời. Tầng 2 cao từ đỉnh tầng 1 đến mái là 3,65m, mái được kết cấu kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, các mái tạo độ cong hình thuyền, tại các góc mái gắn đầu rồng Makara, giữa bờ nóc trang trí hình ảnh vòng mặt trời với 5 tia lửa, hai đầu bờ đốc là hình ảnh 2 hồi long đang chầu vào tạo thành đề tài “Lưỡng long chầu nhật”. Mái lợp ngói âm dương, rải rui bản, rui ở hai mái trước, sau và rui ở hai mái hồi, hoành, thượng lương. Trên các trụ chính Nghi môn được nhấn nổi 2 đôi câu đối bằng chữ Hán.

Cận cảnh Nghi Môn phủ Đăng cao với các họa tiết tinh xảo 

Nghệ thuật trang trí trên Nghi môn thể hiện rất rõ sự kết hợp Đông - Tây, được chú trọng và tuân thủ các quy định truyền thống với các đề tài như: Long, ly, quy, phượng. tùng, trúc, cúc, mai… Nổi bật là hình ảnh 2 con lân trên đỉnh trụ lớn đăng đối với nhau, nghê được ốp sành rất sắc nét. Bên cạnh đó là hình ảnh 2 con rồng chạy trên bờ tường dzắc. Tiếp đến tại vòm tầng 1 thể hiện 2 con lân đang chầu vào chữ thọ, chữ thọ ở đây được thể hiện dưới dạng 1 hình tròn. Tiếp theo là hình tượng “Lưỡng long triều nguyệt” trên mái cổng chính. Rồi hình ảnh liên quy với 1 đầm sen có hoa, lá, búp, đài và lấp ló dưới ao là chú rùa và đôi uyên ương…Đan xen là các đề tài trang trí có sự kết hợp với phong cách kiến trúc hiện đại phương Tây nổi bật là đề tài cây nho, hoa Hồng, hoa Hải Đường, chim bồ câu…Các loại hoa Hải Đường, hoa Hồng, Nho trước đây không phổ biến ở Việt Nam mà đặc biệt là hiếm khi người ta đưa những đề tài này lên các công trình kiến trúc tâm linh. Điều đặc biệt là từ thiết kế đến tổ chức thi công đều do bàn tay của con cháu và người dân địa phương làm nên.

Các loại hoa lá trang trí sống động trên nghị môn

Có thể nói đây là Nghi môn có sự kết hợp độc đáo, xây đắp công phu, quy mô to lớn, kiểu dáng kiến trúc đăng đối, thuộc vào loại đẹp nhất trong hệ thống Nghi môn di tích xứ Nghệ hiện nay.

Với các giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc đặc biệt, Phủ Đăng Cao đã được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật vào ngày 07/11/2013 và nay đã được Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch xếp hạng là Di tích quốc gia theo Quyết định số 3548 ngày 24/11/2024.

Huyện Thanh Chương, xã Đại Đồng và dòng họ Nguyễn Cảnh đang chuẩn bị tổ chức lễ đón Bằng công nhận di tích gắn với lễ tế thần hàng năm vào đầu mùa xuân tới. Các hoạt động này không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, thể hiện các phong tục tập quán, các giá trị văn hóa của một dòng họ mà còn của cộng đồng, góp phần giáo dục truyền thống, niềm tự hào về sự cống hiến của cha ông, ý thức bảo vệ di sản của thế hệ trẻ, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa tốt đẹp của Dân tộc.

                                                                   TĐH.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114535289

Hôm nay

2325

Hôm qua

2398

Tuần này

21151

Tháng này

2114318492

Tháng qua

120069

Tất cả

114535289