Đất Nghệ

Đền Giáp Bảo - trầm tích vùng quê khoa bảng

Cùng với nhiều di tích được khôi phục trên địa bàn, đền Giáp Bảo ở xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã được người dân xây dựng, tôn tạo khang trang, trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng ở địa phương.

Đền Giáp Bảo dưới chân núi Động Sơn. Ảnh: Huy Thư

Theo các bậc cao niên ở vùng “Năm Nam”, đền Giáp Bảo là một trong những công trình cổ của làng Dương Liễu xưa. Đền được xây dựng dưới chân núi Động Sơn (rú Hốc) theo thế “tọa sơn vọng thủy”, cửa đền mở theo hướng Bắc, nhìn ra dòng sông Lam. Ngày trước, đền có 2 tòa: thượng điện 1 gian 2 hồi; hạ điện 3 gian 2 hồi, bên trong thờ nhiều đồ tế khí cổ kính. Trước hạ điện, hai tháp hóa vàng được bố trí đối xứng nhau qua sân đền cùng với hệ thống tượng quan văn, quan võ uy nghiêm. Cổng đền được xây dựng theo kiểu tam quan có voi quỳ, ngựa chầu đầy đủ.

Đền thờ Nghĩa quận công Tống Tất Thắng và những vị thần có công với quê hương đất nước. Tống Tất Thắng (1487-?) quê ở làng Nam Hoa Thượng (Trung Phúc Cường). Thuở nhỏ, ông thông minh nổi tiếng, năm 18 tuổi đã đậu tiến sĩ. Trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê, ông đã đảm trách nhiều chức vụ quan trọng, có nhiều công lao trong việc hộ quốc an dân, được phong tước Nghĩa quận công. Sau khi ông mất, triều đình truy tặng “Thái bảo lộc quận công, Thống Chinh tôn thần”, xuống chỉ cho các làng ở vùng đất "Chín Nam" lập đền thờ, hàng năm tổ chức tế lễ theo nghi thức “quốc tế”. Cảm phục trước tài năng, đức độ và công trạng của Nghĩa quận công Tống Tất Thắng, người dân nhiều địa phương ở hữu ngạn sông Lam đã lập đền, đình, thờ ông như đền Giáp Bắc, đình Trung Cần, Võ hội thánh thất, đền Thống Chinh… Tại đền Giáp Bảo, ngoài thờ Nghĩa quận công, còn thờ một số vị thần khác là tiên hiền đỗ đạt...

Trong kháng chiến, đền Giáp Bảo từng là nơi trú nạn của người dân địa phương. Phía sau đền, trên đỉnh Động Sơn là trận địa phòng không đánh Mỹ quan trọng của dân quân du kích địa phương. Xung quanh đền, bọm Mỹ đã từng cày xới, nay vẫn còn những hố bom sâu. Ngay cạnh đền, 1 hố bom đang được người dân cải tạo thành hồ non bộ. Do yêu cầu của cuộc kháng chiến cũng như công cuộc tái thiết sau đó, nhiều ngôi đền trong vùng đã bị dỡ đi làm công trình tập thể, phục vụ dân sinh. Đền Giáp Bảo cũng chung số phận, 2 tòa thượng, hạ của đền đều bị tháo dỡ, di chuyển, chỉ còn lại nền móng, tượng voi quỳ, lầu hóa vàng… đứng chơ vơ dưới chân núi. Từ khi đền bị dỡ, nỗi luyến tiếc về một di tích cổ vẫn còn khắc khoải trong lòng người dân làng Dương Liễu, đặc biệt là những thế hệ đã được sinh ra và gắn bó với ngôi đền. Vùng đất nơi đền đứng chân ngày trước vẫn được người dân xem là vùng đất thiêng.

Sau hàng chục năm chỉ còn dấu tích sân nền, với tâm nguyện khôi phục lại ngôi đền cũ của làng, người dân xóm Trung Chính, xã Nam Trung, nay là xã Trung Phúc Cường đã phát tâm đóng góp công của và tiến hành xây dựng, tôn tạo lại đền Giáp Bảo. Cụ Nguyễn Văn Đàm (78 tuổi), người tham gia khôi phục lại đền cho biết: Khi chúng tôi bắt tay xây dựng lại đền, người dân trong và ngoài xóm ủng hộ rất nhiệt tình. Lần khôi phục thứ nhất năm 1996, trên nền đất trống đã xây dựng được cả thượng điện lẫn hạ điện. Tuy công trình còn sơ lược, chưa được khang trang, nhưng bà con địa phương cũng cảm thấy phấn khởi vì ngôi đền cổ đã được hồi sinh. Lần khôi phục thứ 2 vào năm 2020, nhờ sự đồng tâm hợp lực của bà con ở quê và con em đi xa, ban vận động đã quyên góp được 220 triệu đồng, tiến hành xây dựng lại cả thượng, hạ điện, sân đền…. đồng thời mua sắm thêm nhiều đồ tế khí mới. Sau khi khôi phục được cơ sở thờ tự, các nghi thức cúng tế tại đền cũng được phục dựng. Hàng năm, vào ngày Rằm tháng Giêng và tháng 6, làng lại tổ chức lễ lớn.

Bia đá cổ tại đền Giáp Bảo. Ảnh: Huy Thư

Tại đền Giáp Bảo, hiện còn lưu giữ được 2 hiện vật cổ là bia đá và khánh đá. Theo các cụ cao tuổi ở làng Dương Liễu, trước đây vùng đất quanh đền Giáp Bảo có nhiều công trình cổ. Sau lưng đền, bên kia núi Động Sơn là ngôi chùa cổ thờ Phật, tựa lưng vào núi, nhìn về dãy Thiên Nhẫn, dân gian thường gọi là chùa Cây Phượng, vì có cây phượng già đứng trước sân. Dưới cổng chùa là giếng Động Sơn, mạch nước mát ngọt của làng. Bên phải, cách đền khoảng 100m là nhà thánh uy nghiêm, nơi thờ khổng tử và các vị tiên hiền. Xa hơn xíu là đền Lum Tum. Khi đền Giáp Bảo, chùa Cây Phượng, nhà thánh bị tháo dỡ, hư hỏng, quanh núi Động Sơn không còn công trình cổ nào. Những năm qua, cùng với việc khôi phục đền Giáp Bảo, người dân địa phương đã tôn tạo lại giếng Động Sơn, trở thành “đệ nhất giếng làng” ở xứ Nghệ. Trong quá trình cày ruộng vùng nhà thánh để sản xuất, người dân địa phương đã tìm thấy 1 chiếc khánh đá cổ. Nghi là khánh của nhà thánh xưa, nên bà con đã đưa về đền Giáp Bảo. Hiện nay, bia nhà thánh (cao khoảng 0,8m, rộng 0,5cm) được dựng uy nghi bên phải sân đền. Chữ Hán trên mặt bia vẫn còn sắc nét. Tấm bia cổ này là hiện vật quý của đền.

 

Khánh đá tại đền Giáp Bảo. Ảnh: Huy Thư

Tọa lạc trên một vùng đất có bề dày truyền thống hiếu học, cách mạng với nhiều di tích lịch sử (đình Trung Cần, lăng mộ Tiến sĩ Tống Tất Thắng, nhà lưu niệm đồng chí Trần Quốc Hoàn, đình Dương Liễu, nhà thờ và khu lăng mộ Nguyễn Nhân Mỹ, đền Giáp Đông, đền Lum Tum, chùa Quỳnh Trai, nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Tiềm…), đền Giáp Bảo không chỉ là địa điểm sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng, nơi dâng hương tưởng nhớ tiền nhân, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của người dân địa phương, mà còn là nơi chiêm bái của du khách gần xa khi về khám phá vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Với người dân quanh vùng núi Động Sơn, niềm tự hào về một vùng quê cổ đang được hun đúc, nhân lên như chính câu đối ở đền còn lưu truyền: “Bảo Sơn vượng khí chung linh thạch/Dương Liễu hòa phong phiếm dĩ hương”.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114510959

Hôm nay

2317

Hôm qua

2347

Tuần này

21333

Tháng này

217832

Tháng qua

121356

Tất cả

114510959