Văn hoá học đường
Vai trò của giáo dục kịch nghệ qua bài viết "Một thiếu sót lớn trong giáo dục Việt Nam: giáo dục kịch nghệ" của Nguyễn Văn Xuân
Một cảnh trong vở kịch "Di họa" do CLB Kịch nghệ Life's So Drama. trường chuyên Amsterdam Hà Nội biểu diễn. Nguồn cand.com.vn
Hiện nay, vấn đề đổi mới “căn bản và toàn diện” ngành giáo dục và đào tạo đang được cả nước quan tâm. Trong quá trình đổi mới, một khía cạnh đang được đặt ra và trao đổi, đó là vai trò của giáo dục nghệ thuật trong nhà trường, trong giáo dục con người phát triển toàn diện. Cụ thể, ngay đầu năm học 2019-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học”. Bộ trưởng phát biểu đã khẳng định: “những môn quan trọng để phát triển toàn diện con người thì chúng ta bỏ quên”; giáo dục nghệ thuật có vai trò quan trọng trong hình thành nhân cách học sinh, nên không thể xem là môn phụ[i]. Nhân đây, khi đọc bài viết Một thiếu sót lớn trong giáo dục Việt Nam: giáo dục kịch nghệ của Nguyễn Văn Xuân trênTạp chí Tân Vănnăm 1969 ở Sài Gòn, thấy có nhiều luận điểm độc đáo và có giá trị. Tôi thiết nghĩ bài viết có ý nghĩa về vai trò của giáo dục nghệ thuật trong giáo dục toàn diệnhiện nay, xin giới thiệu và cùng bàn luận.
Trước tiên, tôi xin giới thiệu đôi nét về tác giả Nguyễn Văn Xuân (1921-2007). Ông vừa là nhà văn, là học giả và là nhà giáo. Ông viết nhiều đề tài, song mối quan tâm thường trực là về con người, văn hóa, lịch sử quê hương xứ Quảng, nên được mọi người gọi một cách trìu mến là “nhà Quảng học”. Những tác phẩm chính mà Nguyễn Văn Xuân để lại đã khẳng định sự đóng góp cả trong sáng tác văn học (2 tập truyện ngắn: Dịch cát- 1966 và Hương máu- 1969; 2 tiểu thuyết: Bão rừng- 1957, Kỳ nữ họ Tống- 2002) và trong nghiên cứu, biên khảo (Khi những lưu dân trở lại- 1967, Phongtrào Duy Tân - 1970, Chinh Phụ Ngâm diễn âm tân khúc - 1971...). Các tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân có cách tiếp cận độc đáo, có nhiều sáng tạo, để lại những dấu ấn và giá trị lâu dài. Như nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã khẳng định:Các tác phẩm Nguyễn Văn Xuân“đều là những di sản quý, có ích cho chúng ta, cho hậu thế. Trong di sản đó chứa đựng rất nhiều tình yêu đối với con người và xứ sở mình, chứa đựng rất nhiều tài liệu, dữ liệu về lịch sử, văn hóa, con người của xứ Quảng, của Đàng Trong, của đất Việt và người Việt chúng ta”[ii].
Như trên đã nói, trong phạm vi bài viết, tôi chỉ xin đề cập những luận điểm chính của tác giảtrong Một thiếu sót lớn trong giáo dục Việt Nam: giáo dục kịch nghệ. Tác giả bàn về “kịch nghệ” ở đây không chỉ là thể loại kịch hiện đại của phương Tây, mà là nói chung về các môn văn nghệ trình diễn (sân khấu). Đó là các môn đã có từ trước ở ta như chèo, tuồng, cải lương và các môn kịch nghệ hiện đại sau này. Tác giả là người sống ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, nên phạm vi giáo dục Việt Nam trong bài viết chủ yếu đề cập đến nền giáo dục của chế độ Việt Nam Cộng hòa giai đoạn ấy. Tuy nhiên, các luận điểm khoa học thì không chỉ phù hợp ở thời ấy, mà hiện nay vẫn còn giá trị. Nói như nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: “Nguyễn Văn Xuân cũng rất có lý khi phê bình nền giáo dục Việt Nam chưa đặt rađúng mức việc “giáo dục kịch nghệ” trong nhà trường phổ thông, điều mà những nền giáo dục phổ thông ở nhiều nước văn minh không hề bỏ qua. Bài báo ông viết những năm 1960, thiết nghĩ, vẫn còn nguyên ý nghĩa đối với giáo dục hiện nay”[iii].
Nguyễn Văn Xuân cho rằng, nền giáo dục thời ấy có rất nhiều khiếm khuyết, rằng: “Giáo dục của ta thực sự chưa phải giáo dục (éducation) mà mới chỉ là học vấn (instruction). Mà xét cho đúng, ta chỉ mới học chứ chưa vấn. Ta học chỉ cốt để thuộc bài, để nhớ bài cho kỹ mà thi, mà đỗ. Còn cái môn hỏi nhiều khi biến thành xa xỉ phẩm ở học đường”[iv]. Ông cho đó là nền giáo dục nặng nề, chậm chạp, tiêu cực nên nó không giúp các học sinh phát triển toàn diện được. Kết quả là sản phẩm của nền giáo dục ấy “đào tạo mãi những từng lớp thanh niên rù rờ, e thẹn (nên hay nói ẩu, làm tàng)”. Nguyễn Văn Xuân có nhận định rất đúng đắn tuy thật chua chát về thất bại trong giáo dục, rằng: “trường học Việt Nam chỉ mới đào tạo những con người cho chính nhà trường, và đó chính là căn bản của sự thất bại trong nền giáo dục của ta”. Tác giả chỉ ra, muốn khắc phục hạn chế này thì nhà trường phải chú ý đến mục đích lớn nhất là “đào tạo những con người cho cuộc đời, cho sự sống phức tạp chứ không phải cho nhà trường”. Phải cho học sinh tham gia sinh hoạt, hiểu biết, tiếp xúc với cuộc sống phức tạp để qua đó mà hướng dẫn họ. Đọc những lời đánh giá từ năm 1969 ấy, làm chúng ta chạnh lòng, nền giáo dục hiện tại đã hết thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI vẫn còn không ít hạn chế tương tự.
Vậy cần phải thay đổi, phải cải tiến nền giáo dục ấy theo hướng nào? Tất nhiên là rất nhiều vấn đề. Ở đây, Nguyễn Văn Xuân cho rằng, giáo dục kịch nghệ trong trường phổ thông sẽ là một trong những bộ môn góp phần giúp học sinh khắc phục bớt những hạn chế đó.
Với vốn kiến thức Pháp văn thuần thục, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về kịch nghệ và việc giảng dạy kịch nghệ trong nhà trường ở nhiều nước trên thế giới (trước 1975, ông là giáo sư chuyên dạy về sân khấu truyền thống của Đại học Văn khoa Huế). Ông thấy rằng, “Ở các nước Âu Mỹ, việc giảng dạy kịch nghệ trong các lớp học ở các cấp không còn ai bàn tới nữa vì nó đã thành một môn thông dụng”. Họ rất chú ý giáo dục nhiều bộ môn nghệ thuật trong các cấp học phổ thông, ngay cả bậc học nhỏ nhất: “các trường tiểu học ở Hoa-Kỳ đều có dạy mỹ thuật, âm nhạc và kịch nghệ trong tất cả các lớp”. Các trường không chỉ dạy kiến thức cho các em, họ còn mời các ban kịch hoặc diễn viên diễn kịch hoặc đọc kịch cho học sinh nghe. Thậm chí, họ còn trình diễn các vở kịch trên sân khấu do chính học sinh tự đảm nhiệm các vai… Nóinhư nhà văn Victor Hugo rằng, “kịch nghệ là một rèn luyện của nền văn minh”. Không chỉ các nước phương Tây, mà ngay Trung Quốc, sau khi tiếp xúc với các nền văn minh tiên tiến cũng sớm đề cao kịch nghệ ngay từ đầu thế kỷ XXvà cũng đưa vào các trường phổ thông. Bộ môn kịch nghệ còn được dạy trong các trường tiểu học người Hoa ngay tại Hội An, chính tác giả “vẫn đến xem các em bé lớp năm, lớp tư múa và đóng các màn tiểu nhạc kịch”.
Theo sự phân tích của học giả, kịch nghệ là một nghệ thuật tổng hợp: “kiến trúc, trang trí, ca, vũ, nhạc, diễn xuất, hóa trang…”. Vì vậy, nó cũng đòi hỏi sự đóng góp tổng hợp của số đông và “Đó là cơ hội thật tốt, thật cần thiết để học sinh có thể cộng tác với nhau, trao đổi, điều khiển, tập luyện và phát huy hết cả khả năng của mình”. Kịch nghệ giúp các em tập trên một sân khấu nhỏ để chuẩn bị cho các em ra đời sống trong một sân khấu lớn: cuộc đời. Là cơ hội cho các em tập ăn, tập nói, tập đối đáp thích hợp với vai trò và hoàn cảnh, tập xem kịch và đọc kịch... Khi học sinh được cùng nhau đóng một vở kịch, cùng nhau xem một vở kịch do tự bạn bè mình đóng sẽ đào tạo được tính cộng đồng, tính tập thể, sự phối hợp, kết hợp với nhau… Qua đó, “sẵn sàng để thông cảm với những tâm hồn xa lạ, sẵn sàng để phản ứng cùng lúc với toàn thể những ai có mặt với mình rồi chung nhau mà buồn mà thương mà giận mà hò hét, mà kêu rú trước đám diễn viên đang thể hiện một phần nhỏ của cuộc đời, đang trình bày chính vấn đề của họ: vấn đề lương tâm, vấn đề xã hội, vấn đề giáo dục, vấn đề đất nước...”. Đó là cơ sở quan trọng để giáo dục tư tưởng, tình cảm, đó là một phương diện để học sinh “tăng mọi sinh hoạt trong và ngoài học đường, phải tập ngay cho họ tiếp xúc với đời sống xã hội phức tạp và hướng dẫn xã hội ấy”.
Nguyễn Văn Xuân còn chỉ rõ, khi đưa giáo dục kịch nghệ vào nhà trường phổ thông thì mới nâng tầm, phát triển kịch nghệ và phim ảnh của mình lên được. Khi đó, một mặt sẽ phát hiện ra các em có năng khiếu, tài năng trong lĩnh vực kịch nghệ để đào tạo phát triển; bên cạnh đó cũng nâng cao thị hiếu, sự am hiểu, sự yêu thích của các em với vai trò là người thưởng thức, là khán giả. Khi đưa kịch nghệ vào trường phổ thông thì xã hội sẽ có cách nhìn khác, sẽ xem trọng bộ môn này, sẽ phát hiện để đào tạo các diễn viên chân tài, sẽ giáo dục được lực lượng quần chúng rộng lớn am hiểu về kịch nghệ. Khi ấy, chắc chắn kịch nghệ sẽ phát triển, bởi “Kịch nghệ nước Pháp cao lắm, không phải chỉ tại diễn viên thiên tài nhiều mà vì quần chúng Pháp có trình độ rất cao”. Còn nếu không đưa kịch nghệ vào nhà trường phổ thông thì “Dầu các cá nhân, hội đoàn nào ngoài học đường cố gắng tới đâu, chắc chắn chỉ đưa kịch nghệ đến một trình độ không cao quá hát rong. Phải được giáo dục tiếp tay thì mới mong đẩy mạnh kịch nghệ đi tới và đi xa và cũng nhờ đó nền giáo dục mới tự kiện toàn, mới có tính cách toàn diện”. Do chúng ta chưa làm được điều này nên “Tương lai kịch nghệ Việt Nam có vẻ rất mờ mịt”.
Và đặc biệt, theo quan sát của Nguyễn Văn Xuân trong xã hội miền Nam giai đoạn 1954-1975 thì phim ảnh đang tác động rất lớn tới toàn xã hội. Song chính nhờ bộ môn Tuồng và Cải lương “mà còn giữ lại được những quần chúng đông đảo chưa bị phim ảnh tàn hại của Tây phương thu hút để bắt chúng ta phải tôn thờ triết lý đế quốc, triết lý tiền bạc, triết lý súng lục, triết lý dâm đãng, triết lý da trắng của Âu Mỹ. Chính ở bộ môn này còn gợn lên trong lòng quần chúng miền Nam niềm tin ở tiếng nói dân tộc, ở âm nhạc dân tộc, ở những nguyên tắc đạo lý dân tộc”. Ngược lại, nếu chúng ta không nâng tầm, phát triển kịch nghệ và phim ảnh lên được “thì phim ảnh ngoại quốc ồ ạt đổ vào để tự do truyền cảm và giáo dục thanh thiếu niên ta bằng một nền văn hóa đế quốc, hiếu chiến, đồi trụy…”.
Thực tế hiện nay, chúng ta cũng thấy có các biểu hiện này, văn hóa nghe nhìn đang lấn át văn hóa đọc, đang tác động lớn tới toàn xã hội. Bởi văn hóa nghe nhìn đang đáp ứng tốt hơn nhu cầu rộng lớn của xã hội, nhất là nhu cầu giải trí, và nhiều em vẫn thích văn hóa nghe nhìn hơn. Vậy nên, một mặt chúng ta khuyến khích các em đọc, song mặt khác cần thiết trang bị cho các em có kiến thức về thưởng thức, về trình diễn, về sáng tác kịch, phim, nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu, màn ảnh. Bởi “Chính kịch nghệ, phim ảnh đã và sẽ giữ vai một trong những việc tuyên truyền, thể hiện đời sống, tác động tâm tình, đào tạo tính khí, hướng dẫn cuộc đời”.
Những phân tích, luận giải của Nguyễn Văn Xuân cũng đúng ngay trong bối cảnh hiện nay. Khi mà thực tế đang diễn ra chúng ta có thể kiểm nghiệm: các bộ môn nghệ thuật truyền thống gần với kịch như Chèo, Tuồng, Cải lương dù rất đặc sắc, mang tâm hồn, bản sắc dân tộc Việt song ít được công chúng hiểu biết, yêu thích, nhất là lớp trẻ. Mà mọi người ít hiểu, ít tập, ít diễn thì làm sao phát hiện được tài năng để mà phát triển. Người xem cũng ít hiểu về kịch bản, nắm bắt không vững các động tác, tình tiết, kịch biến, thắt, mở… của vở kịch nên cũng chẳng buồn xem. Ông cho rằng, không chỉ là học sinh phổ thông, mà ngay cả nhiều thầy cô giáo, thậm chí là “học sinh ban C mà ù ù, cạc cạc trước một vở kịch thì thật là chúng ta có lỗi lớn với họ. Thế mà họ đều không biết gì hết!”. Và cũng vì vậy mà Chèo, Tuồng, Cải lương rất khó duy trì chứ nói gì phát triển. Kịch cũng chậm phát triển thì bộ môn gần gũi và gắn bó với nó là phim ảnh cũng chậm phát triển theo. Khi đó ta phải nhường “sân chơi”, màn hình cho các nền kịch nghệ, phim ảnh, giải trí của các nước phát triển hơn (phim Trung Quốc, phim Hàn, phim Mỹ, phim Ấn…) vì đang đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của nhân dân. Nguy cơ thì đã hiện hữu, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra, từ việc họ xem rồi dần dần họ tập nhiễm lối sống, lối nghĩ, văn hóa của các nước có nền kịch nghệ, điện ảnh phát triển đó.
Và điều đó cũng lý giải vì sao quần áo, tóc tai, mỹ phẩm, thị hiếu, quan điểm của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên ta có biểu hiện “lai căng”… Và thậm chí, như nhiều báo chí đã phản ánh, con cái của một số gia đình vùng cao còn đặt tên theo những nhân vật mà họ yêu thích trong phim Hàn. Từ vấn đề nhỏ dẫn đến những mất mát lớn hơn, chúng ta không chỉ bị mai một về văn hóa truyền thống mà còn đánh mất thị phần hàng hóa cho các quốc gia khác khi người dân đã thích họ. Từ thích phim ảnh, đến thích văn hóa, thích hàng hóa. Âu đó cũng là quy luật tập nhiễm trongtâm lý con người.
Với những phân tích như trên, tôi cũng đồng tình với khuyến nghị thiết tha và đầy lo lắng của nhà Quảng học: “Phải đưa ngay kịch nghệ vào học đường! Đã quá muộn rồi. (…) Kịch nghệ không thực hiện nổi tất cả các phương diện ấy, nhưng sẽ góp phần không nhỏ vào tất cả các phương diện đào tạo con người toàn diện”.
Tuy nhiên, đưa vào nhà trường phổ thông như thế nào? Đây là vấn đề hết sức phức tạp, ở đây, tôi cũng xin nêu ra một vài gợi ý của học giả Nguyễn Văn Xuân. Trước hết, ông khẳng định rất rõ rằng: “phải làm sao Việt hóa nó cho được cũng như phục hồi và cải tiến hoặc biến đổi những lối Tuồng, Chèo cổ của ta cho hợp với trào lưu và nhãn quan mới”. Tức chúng ta phải cải tiến, cải biên các bộ môn sân khấu truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương… cho gần gũi, cho phù hợp hơn với khán giảhiện nay. Đối với kịch hiện đại, thì chúng ta phải có sự quan tâm, đầu tư để phát triểnnhư nhiều nước đã và đang làm. Còn về các vở Chèo, Tuồng truyền thống dạy trong nhà trường thì ở các lớp nhỏ có thể dạy Lục súc tranh công; Ngêu, Sò, Ốc, Hến… Bởi các vở ấy có thể tạo hứng thú cho học sinh bởi nó gần gũi với tâm lý trẻ em, phù hợp với tâm lý con người của một đất nước nông nghiệp, lại “đầy tính cách ngụ ngôn”, “có giá trị rất lớn chống đối mê tín, quan ô, lại nhũng, bọn tu hành vô luân, nói chung có tinh thần phản phong rất mạnh đã gây được tiếng cười sâu rộng”. Lớn hơn một chút có thể cho các em học Lưu Bình Dương Lễ; Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương… Với kịch nghệ hiện đại chúng ta có thể học các vở kịch dịch như Người bệnh tưởng, Trưởng giả học làm sang, và tìm thêm một số vở kịch Việt hiện đại đưa vào…
Với quỹ thời gian trên trường lớp có hạn, Nguyễn Văn Xuân cho rằng, để tăng cường giáo dục kịch nghệ thì trong dạy văn, chúng ta nên lược bỏ bớt một số tác phẩm chưa thật phù hợp như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc… vì nội dung xa lạ, “không thích hợp chút nào với học sinh ngày nay”, đó là “những danh tác chuyên khóc than sầu oán rất tai hại cho tinh thần học sinh”. Cũng cần bớt văn tả cảnh, tả cây, tả người, bớt giảng văn nghị luận lại, bởi “Người ta có cảm tưởng ta đang đào tạo học sinh làm tiểu thuyết gia” …
Nhà trường không chỉ dạy cho học sinh hiểu về kịch, mà rất cần tạo điều kiện để các học sinh tập kịch và diễn kịch, đây mới là điểm cốt yếu. Bởi học phải đi đôi với hành, học sinh có thể“đóng những vở kịch đã học cuối mỗi năm”. Và để làm được điều đó, thì tiên phong “là các sinh viên trường kịch nghệ, văn khoa, mỗi kỳ nghỉ hè, nên lập các đoàn đi lưu diễn ở các tỉnh để gây một không khí sôi nổi về kịch hoặc tuồng cổ”. Điều này, sinh viên các nước châu Âu, Mỹ, thậm chí Trung Quốc cũng thực hiện khá thường xuyên. Nguyễn Văn Xuân rất coi trọng năng lực của người học: “Học sinh bao giờ cũng có những khả năng đặc biệt nhưng thường không có cơ hội phát triển. Do đó, khi được học kịch, chơi nhạc, bài trí họ sẽ tìm hết cách để thích ứng, để tiến bộ, không có một bài học nào của nhà trường ích lợi hơn bài học do chính tự học sinh cố gắng thực nghiệm mang lại”.
Kết luận và khuyến nghị
Hiện nay, tinh thần đổi mới “căn bản và toàn diện” theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tếđã và đang từng bước thực hiện. Vì vậy, rất mong những nhà quản lý, nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục và lĩnh vực nghệ thuật cần nghiên cứu sâu hơn về Tuồng, Chèo, Cải lương, kịch nghệ, phim ảnh để thấy rõ hơn vai trò của các bộ môn ấy trong giáo dục toàn diện cũng như sự tác động trong xã hội hiện nay.
Nếu đúng những luận điểm mà nhà văn Nguyễn Văn Xuân đề ra vẫn còn giá trị, vẫn mang tính thời sự thì cần sớm có kế hoạch thực hiện: “đưa kịch nghệ ngay vào học đường đi. Chậm lắm rồi. (…) Chỉ chừng đó cũng đã góp phần quan trọng cho một nền giáo dục và kịch nghệ tương lai”. Khi đưa các bộ môn này vào trường phổ thông, chúng ta sẽ phát hiện được nhiều tài năng của các lĩnh vực này để đào tạo phát triển, mặt khác, sẽ đào tạo được khán giả, người thưởng thức am hiểu Tuồng, Chèo, Cải lương, kịch nghệ, phim ảnh. Và đểđưa các bộ môn này vào nhà trường, cần có lộ trình đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu, có lộ trình xây dựng bổ sung vào chương trình, sách giáo khoa các cấp. Chúng ta cần có kế hoạch hành động ngay, bởi các bộ môn Tuồng, Chèo, Cải lương… truyền thống rất ít khán giả, không nhiều nghệ sĩ tài năng theo nghề; thể loại kịch hiện đại thì mờ nhạt, các kênh truyền hình chiếu phim nước ngoài chiếm thời lượng lớn, người xem thì tự mò mẫm, tự khám phá một cách tự phát, thiếu am hiểu về các bộ môn này./.
[i] Thanh Hùng (2019), Đừng coi giáo dục nghệ thuật như rau thơm,
[ii] Lại Nguyên Ân(2019), “Về tác gia Nguyễn Văn Xuân”, Nguyễn Văn Xuân toàn tập, Tập 1, Nxb Hội Nhà văn, tr.56.
[iii] Lại Nguyên Ân(2019), “Về tác gia Nguyễn Văn Xuân”, Nguyễn Văn Xuân toàn tập, Tập 1, Nxb Hội Nhà văn, tr.49.
[iv] Tất cả các trích dẫn từ đây đến hết bài viết đều trích từ: Nguyễn Văn Xuân (1969), “Một thiếu sót lớn trong giáo dục Việt Nam: giáo dục kịch nghệ”, Tạp chí Tân Văn, số 18&19, tháng 10&11/1969, Sài Gòn, tr.61-81
tin tức liên quan
Videos
Lenk
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An trong phát triển bền vững
Mikhail Bulgakov – Tình yêu vượt lên số phận
Khu di tích Kim Liên sơ kết 5 năm hoạt động của mô hình tự quản về ANTT giai đoạn (2018 - 2023)
Vài lời tạm với Hồ Bá Thâm
Thống kê truy cập
114515349
227
2367
2950
213288
121009
114515349