Đề tài “Mai hóa Long” ở Nhà thờ họ Nguyễn Tư (Trung Phúc Cường, Nam Đàn). Ảnh: Nguyễn Hưng
Trong nghệ thuật tạo hình truyền thống, mỗi mùa được thể hiện dưới dạng biểu trưng. Người xưa đã căn cứ vào thời tiết, đặc tính sinh trưởng để chọn ra một số loài cây đại diện cho bốn mùa và bốn loài cây ấy gọi là tứ quý (hay tứ thời), bao gồm: Mai, Lan, Cúc, Trúc hoặc Mai, Sen, Cúc, Tùng…
Riêng ở Nghệ An, bộ tứ quý phổ biến được các nghệ nhân sử dụng để biểu đạt cho bốn mùa là: Mai, Trúc, Cúc, Tùng. Theo đó, Mai là biểu tượng của mùa xuân, mùa gieo hạt, mùa của vạn vật sinh sôi; Trúc là biểu tượng của mùa Hạ, cũng là biểu tượng của đức tính cao thượng, trong sạch, luôn giữ trọn khí tiết của người quân tử; Cúc với đặc điểm “Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa” (nghĩa là lá không rời cành, hoa không rụng xuống đất) hàm ý tượng trưng cho khí tiết kiên trung của người quân tử - biểu tượng của mùa Thu và Tùng - loài cây có sức sống rất mãnh liệt, mọc trên núi cao, chịu được khô cằn, sỏi đá, thiếu dinh dưỡng, vào mùa Đông lạnh giá mà lá vẫn hiên ngang xanh tươi, thể hiện ý chí, sự bền bỉ, đại diện cho sự sống trường thọ của con người - tượng trưng cho mùa Đông.
Các loài cây trong bộ tứ quý khi chạm khắc trên kiến trúc gỗ thường không đi một mình mà kết hợp với các linh vật hoặc tự mình chuyển hóa thành linh vật (Trúc hóa Long, Tùng hóa Long, Mai hóa Long…) nhằm truyền tải một thông điệp nào đó về cuộc sống. Các dạng đề tài về tứ quý thường gặp là:
Dạng thứ nhất: Tứ quý chuyển hóa thành linh vật như Trúc hóa Long, Mai hóa Long, Tùng hóa Long…
Đề tài này rất phổ biến tại các công trình kiến trúc gỗ cổ truyền như đình, đền, chùa, nhà thờ họ…, tiêu biểu là đình Đông Viên, đình Trung Cần, đình Hoành Sơn, Nhà thờ họ Nguyễn Tư (Nam Đàn), đền Phú Thọ, đình Long Thái (Đô Lương); đền Bạch Mã, đền Cả, Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ, Nhà thờ họ Bùi (Thanh Chương), đình Hậu, đình Trụ Pháp, đình Mõ (Yên Thành)…
Tại đình Đông Viên (xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn), ở 2 bẩy hiên, khắc họa một bên là Mai hóa Long, một bên là Trúc hóa Long. Nếu xét về bốn mùa thì Trúc là biểu tượng cho mùa Hạ, Mai biểu tượng cho mùa Xuân. Nếu xét về âm dương thì Mai là dương, Trúc là âm. Nếu xét về con người thì Mai là tượng trưng cho người thiếu nữ đoan trang, hiền hậu (truyện Kiều có câu “mai cốt cách” khi miêu tả chị em Thúy Kiều); còn Trúc là biểu tượng cho người quân tử tài hoa, phong nhã. Sự kết hợp trúc mai như là sự đoàn viên gia đình (truyện Kiều có câu “một nhà sum họp trúc mai”). Như vậy, Trúc, Mai là biểu tượng cao quý của âm dương hòa hợp, của sự hài hòa nam nữ, của sự thanh tao lịch thiệp, của nếp nhà gia phong. Qua đó có thể thấy người xưa đã gửi gắm vào những hình tượng ấy nhiều tầng ý nghĩa sâu xa, và trang trí không đơn thuần chỉ là trang trí. Nó đã vượt tầm thành những hình tượng chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.
Trong mối tương quan giữa Trúc và Rồng (Long), nó lại được hiểu theo một trường nghĩa khác cũng không kém phần giá trị. Con Rồng gắn với cây Trúc. Với đặc điểm của cây Trúc là có nhiều đốt nên cây Trúc còn mang tư cách là trục vũ trụ nối giữa trời và đất, có đốt là thang đi về của thần linh. Ruột Trúc rỗng là biểu trưng cho tâm không của đạo nhất là đối với đạo Phật và Lão. Trúc thân cứng nhưng không giòn, dễ uyển chuyển, cương nhu hợp đức, hợp thời, có thể chống chọi với điều kiện khó khăn nên nó là biểu tượng cho người quân tử. Với những đặc tính cao đẹp như vậy, mô típ “Trúc hóa Long” trở thành một biểu tượng thiêng liêng.
Ở đền Phú Thọ (xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương), mặt ngoài đầu bẩy bên trái cũng chạm đề tài “Trúc hóa Long”, đang chầu về chữ Thọ. Và chữ Thọ này cũng đã được “Mai hóa Long” bao quanh như đỡ lấy chữ Thọ đó. Trúc, Mai vẫn mang ý nghĩa như trên và sẽ đi đến hạnh phúc mà chữ Thọ là trung tâm của ngũ phúc.
Đề tài “Mai hóa Long”, “Trúc hóa Long” ở đền Phú Thọ (Lưu Sơn, Đô Lương). Ảnh: Công Vinh
Tại Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ (xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương), đề tài “Tùng hóa Long” được thể hiện với hình ảnh cây Tùng trong thế trực huyền, vươn mình vững chãi với những khóm lá xum xê, gốc cây đang từng bước chuyển hóa thành đầu rồng trong tư thế vươn lên. Các chi tiết thân, lá được khắc họa rõ nét, sinh động nhờ kĩ thuật chạm bong kênh. Ngoài là biểu tượng cho mùa Đông, Tùng còn có ý nghĩa trong việc xua đuổi bách quỷ, mang lại cuộc sống bình yên cho con người. Phần dưới thân cây tùng có khắc họa bầu rượu - một trong những bát bảo của Đạo giáo. Cả đề tài mang thông điệp về sự vươn lên, vượt mọi khó khăn trong cuộc sống, để tiến tới một tương lai tốt đẹp, bình yên, thư thái.
Dạng thứ hai là kết hợp với các linh vật, tạo thành các mô típ như “Tùng - Lộc”, “Mai - Điểu”, “Trúc - Điểu”…
Các đề tài này cũng rất phổ biến, thường được chạm khắc ở các kẻ, bẩy hiên của công trình. Tại Nhà thờ họ Nguyễn Tư (xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn), bước chân lên bậc thềm, chúng ta bắt gặp ngay đề tài “Tùng - Lộc” được lặp lại hai lần với hình ảnh 2 con Nai dưới gốc cây cổ thụ nhưng một con đứng phía sau, con nằm phía trước, cả hai con đều ngoái đầu nhìn ra sau, phía trên đầu chúng là những cành cây và những chùm lá hình tròn. "Nai" chữ Hán đọc là "Lộc" đồng âm với "Lộc" (bổng lộc) và sự kết hợp này mang ý nghĩa về phúc lộc và trường thọ.
Đề tài “Tùng - Lộc” tại Nhà thờ họ Nguyễn Tư (Trung Phúc Cường, Nam Đàn). Ảnh: Nguyễn Hưng
Cũng tại di tích này, đề tài Mai - Điểu được khắc họa nhiều lần tại bẩy hiên và xà ngang, với hình ảnh cây mai cổ thụ, cành lá xum xuê và trên cành cao những chú chim đang líu lo chuyền cành. Chim được tạc theo 2 thế: thế nhìn nghiêng (tại bẩy hiên) - nhìn thấy hình ảnh chú chim với chiếc mỏ xinh xắn và cánh khép lại; thế nhìn từ phía sau (ở xà ngang) - thấy rõ đôi chân, đuôi, và đôi cánh rộng đang chuẩn bị khép lại, phần đầu được ẩn đi. Mô típ “Mai - Điểu” mang ý nghĩa vạn vật sinh sôi nảy nở, âm dương hòa hợp cân bằng bền vững.
Tại đình Hoành Sơn (xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn), hình ảnh “Trúc - Điểu” được lặp đi lặp lại nhiều lần trên các trụ bồng, cốn..., tiêu biểu là mảng chạm “Trúc - Điểu” tại cốn của vì nách. Cây Trúc với lá trĩu cành, phía trên một cành cây là hình ảnh một chú chim đậu vắt vẻo, nhìn theo hướng chiếc đầu, ta lại bắt gặp một chú chim khác đang ngồi thư thái bên gốc cây trúc, đầu ngoảnh lại theo hướng chú chim phía trên. Tư thế của chiếc đầu khiến ta liên tưởng đến sự đáp lại của tiếng gọi bầy nhưng cũng có thể là cái đáp lại đầy tình tứ của chú chim khi nghe tiếng “tỏ tình” ở phía trên. Cái dáng khum khum của chú chim bên dưới toát lên vẻ e thẹn, đáng yêu. Trên khoảng không giữa hai chú chim đang tự sự, thấp thoáng một cánh chim đang dang cánh bay, miệng ngậm vào lá trúc. Trong trường hợp này, chim không chỉ mang lại cảm giác vui tươi, hạnh phúc mà còn có ý nghĩa về sự sống, về sự sinh sôi, phát triển. Như vậy, mô típ này vừa gợi cho ta cảm giác bình yên, vừa khơi dậy niềm tin về một tương lai sung túc, đầy đủ và hưng thịnh.
Mảng chạm “Trúc - Điểu” tại đình Hoành Sơn (Khánh Sơn, Nam Đàn). Ảnh: Thùy Lâm
Riêng hình ảnh hoa Cúc, biểu trưng cho mùa Thu lại thường được khắc họa một mình, trên các ván gió (hay còn gọi là ván ấm). Cúc thường được thể hiện trong tư thế “mãn khai”, tức là thời điểm hoa đã nở rộ, bung tỏa các cánh hoa, để lộ phần đài hoa ở phía trong. Tại Nhà thờ họ Nguyễn Bá chi 2 (xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc), 2 bông hoa Cúc được khắc họa rõ nét trên ván ấm. Các cánh hoa được xếp chồng lên nhau khiến chúng ta liên tưởng đến sự tích hoa Cúc, kể về một cô gái hiếu thảo muốn cứu mẹ bị bệnh. Bụt cảm động trước tấm lòng của cô nên đã chỉ cho cô hái một bông hoa rực rỡ, mà cánh hoa tương ứng với số năm người mẹ được sống trên đời. Cô gái hiếu thảo đã xé nhỏ những cánh hoa sẵn có để người mẹ được sống lâu hơn bên cạnh mình. Như vậy, ngoài ý nghĩa biểu trưng cho tiết trời, cho người quân tử thì hoa Cúc còn đại diện cho sức khỏe, sự trường thọ và lòng hiếu thảo của con cái. Trong một số trường hợp, hoa cúc cũng được kết hợp với một số linh vật như Lân hay Hổ Phù…, tiêu biểu là đề tài “Lân ngậm hoa cúc” ở Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ (xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương). Lân là linh vật có đầu nửa rồng nửa thú, tai chó, trán lạc đà, mắt quỉ, mũi sư tử, thân ngựa, trên thân có hình các xoắn ốc, chân cá sấu, đuôi được tạo như hình dây hoa. Hình tượng Lân ở đây được nghệ nhân tạo dáng trong tư thế 2 chân trước quỳ, hai chân sau nghiêng, đầu ngoảnh sang một bên, khiến toàn bộ phần thân trước chuyển động theo, làm nổi rõ các bắp thịt ở phía sau. Đầu Lân hướng ra phía ngoài, miệng há rộng ngậm bông hoa Cúc. Nếu nhìn kĩ, bông hoa Cúc thật ra là một phần của chiếc lưỡi Lân, được cách điệu một cách khéo léo. Nếu như Lân mang ý nghĩa của sự thịnh vượng, của sức mạnh, sự dũng cảm, khát vọng ý chí vươn lên thì hoa Cúc là biểu tượng của mùa Thu, tượng trưng cho khí tiết kiên trung của người quân tử, sự trường thọ và cả phúc lộc. Như vậy, hình ảnh này biểu trưng cho ước mơ, khát vọng và ý chí vươn lên trong cuộc sống của cha ông, hướng tới sự trường tồn, thịnh vượng và hạnh phúc.
Đề tài “Lân ngậm hoa cúc” tại Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ (Thanh Dương, Thanh Chương). Ảnh: Linh Nhâm
Như vậy, dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, trong một không gian có thể nói là hạn hẹp của các cấu kiện như kẻ, bẩy, xà…, bốn mùa hiện lên vô cùng sinh động, phong phú với nhiều mô típ khác nhau, thậm chí cùng một mô típ nhưng lại được thể hiện dưới nhiều góc nhìn khác nhau, vừa tạo nên sự đa dạng, nhiều màu sắc nghệ thuật, góp phần tăng thêm tính thẩm mĩ cho không gian thiêng của di tích, vừa tạo sự hứng thú, hấp dẫn cho người thưởng ngoạn. Và dù được thể hiện dưới dạng nào thì mục đích, ý nghĩa của bốn mùa cũng đều hướng đến mơ ước về một cuộc sống bình an, trường thọ, phúc lộc đủ đầy, vạn sự sinh sôi, phát triển./.