Những góc nhìn Văn hoá
Cảnh quan ngôn ngữ ở Brunei: Vì sao một số ngôn ngữ không xuất hiện trên đường phố?[1]
Bài viết xem xét vai trò và ý nghĩa của ký hiệu ngôn ngữ trên đường phố ở Brunei Darussalam, một nước Đông Nam Á. Bài viết phân tích cảnh quan ngôn ngữ trên một đường phố chính của Bandar Seri Begawan, Thủ đô Brunei. Điều thấy ngay là sự đa dạng với ba ngôn ngữ (Malay, tiếng Anh và ở mức độ ít hơn là tiếng Hoa), viết bằng ba dạng chữ khác nhau (Latin, Arab và Hoa). Không thấy ngôn ngữ thiểu số khác. Điều đó do một vài yếu tố như vị thế ngôn ngữ thấp, không có chữ viết, không có người sử dụng. Ngược lại, sự hiện diện của chữ Hoa là do vị thế ngôn ngữ cao, truyền thống chữ viết, nhiều người sử dụng. Tiếng Anh đóng vai trò đáng chú ý, như là ngôn ngữ super partes, được người dân chấp nhận và Chính phủ khuyến khích.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nghiên cứu ngôn ngữ trên các biển hiệu xuất hiện từ thập niên 1970 (Backhaus, 2007, tr. 12), song chỉ từ sau khi có bài viết mang tính khai mở của Landry và Bourhis năm 1997 thì mới trở thành một lĩnh vực quan trọng trong ngôn ngữ học xã hội, ngày càng nhiều nhà ngôn ngữ học và nhà nghiên cứu khác trên thế giới quan tâm. Landry và Bourhis định nghĩa cảnh quan ngôn ngữ như sau: “Ngôn ngữ trên các biển báo công cộng, biển quảng cáo, tên đường phố, tên địa điểm, ký hiệu cửa hàng, biển hiệu treo trước cơ quan công quyền, tất cả chúng tạo nên cảnh quan ngôn ngữ của một lãnh thổ, một vùng hay một đô thị nhất định” (Landry & Bourhis, 1997, tr. 25).
Nghiên cứu cảnh quan ngôn ngữ giúp ta hiểu địa vị và uy thế (prestige) của các ngôn ngữ sử dụng trên một lãnh thổ nhất định. Theo cách nói của Landry và Bourhis, “Ưu thế của một ngôn ngữ trên các biển hiệu công cộng so với ngôn ngữ khác có thể phản ánh quyền lực và địa vị của các nhóm ngôn ngữ” (Landry & Bourhis, 1997, tr. 25).
Trong trường hợp một hay nhiều ngôn ngữ có địa vị chính thức, nghiên cứu cảnh quan ngôn ngữ giúp ta hiểu chính sách thực sự của Nhà nước và ý định thực trong việc hậu thuẫn cho ngôn ngữ được thừa nhận, nhất là trên các biển hiệu chính thức.
Xem xét tình hình khi các ngôn ngữ được thừa nhận là ngôn ngữ thiểu số hoặc ngôn ngữ vùng (địa phương), Landry và Bourhis cho rằng: “Giả sử nhóm ngôn ngữ thống trị có thể kiểm soát hiệu quả bộ máy hành chính chuyên trách về ngôn ngữ nơi công cộng, thì người ta có thể xem vị trí tương đối của các ngôn ngữ trên cảnh quan ngôn ngữ là một thước đo cho việc nhóm thống trị xử lý như thế nào về mặt ngôn ngữ đối với các dân tộc thiểu số sống trên một lãnh thổ nhất định” (Landry & Bourhis, 1997, tr. 29).
Nghiên cứu cảnh quan ngôn ngữ đang bắt đầu mạnh ở châu Âu và châu Á. Nhưng ở Đông Nam Á thì cho đến nay mới chỉ có hai bài. Một bài về cảnh quan ngôn ngữ ở Bangkok (Huebner, 2006). Bài thứ hai của tôi dựa trên nghiên cứu ở Brunei năm 2009 (Coluzzi, 2012a). Bài của tôi so sánh cảnh quan ngôn ngữ ở Italy và Brunei, tập trung vào vấn đề chính sách ngôn ngữ quốc gia ở hai nước.
Đây là bài thứ hai dựa trên nghiên cứu của tôi ở Brunei. Bài viết tập trung vào hai vấn đề: sự hiện diện của các ngôn ngữ thiểu số và nguyên nhân của việc chúng được đưa vào hay loại trừ khỏi cảnh quan ngôn ngữ cả trong những biển hiệu mang tính trên xuống (top-down) hay chính thức và trong những biển hiệu mang tính dưới lên (bottom-up) hay phi chính thức. Bài viết cũng đề cập đến vị trí đặc thù của Anh ngữ với tính cách là một ngôn ngữ trung tính, super partes. Bài viết mở đầu bằng một giới thiệu chung về Brunei và ngôn ngữ ở nước này, sau đó trình bày về phương pháp và kết quả nghiên cứu, chủ yếu về những trường hợp sử dụng ngôn ngữ thiểu số. Tiếp theo, bài viết thảo luận về kết quả nghiên cứu, tập trung vào những nguyên nhân của tình trạng hiện diện ngôn ngữ thiểu số này (Hoa ngữ) mà lại hoàn toàn không hiện diện các ngôn ngữ thiểu số khác.
2. THÔNG TIN CHUNG
Brunei Darussalam là một vương quốc Hồi giáo, diện tích 5.765 km2, nằm ở phía Bắc đảo Borneo nhìn ra biển. Bên cạnh ngôn ngữ chính thức là Malay Chuẩn (Standard Malay), tiếng Anh và ngôn ngữ của các công nhân mới nhập cư, Brunei còn có ít nhất 11 ngôn ngữ nữa do dân địa phương dùng (Brunei Malay, Kedayan, Tutong, Belait, Dusun, Bisaya, Murut (Lun Bawang), Iban, Penan, Mukah, và tiếng Hoa). Đấy là chưa tính đến các thổ ngữ Hoa bên cạnh tiếng Hoa phổ thông (Mandarin), gồm Hakka, Hokkien, Cantonese, Hainanese, Teochew, Foochow (Martin, 1995, 1996, 1998). Hầu như mọi ngôn ngữ thiểu số ở Brunei đều là phương ngữ thấp (low varieties in a diglossic situation) so với tiếng Malay Chuẩn và tiếng Anh. Không ngôn ngữ thiểu số nào có địa vị chính thức.
Bandar Seri Begawan là thủ đô của Brunei và là trung tâm hành chính của Quận Muara, nằm ở phía Bắc, dân số khoảng 27.000 người. Hai ngôn ngữ truyền thống ở quận này là Malay Brunei và Kedayan, về mặt ngôn ngữ hai tiếng này gần gũi nhau. Vì là thủ đô và là thành phố lớn nhất của Brunei, nên người dân của thành phố này gồm mọi tộc người, trong đó có người Hoa và rất nhiều dân nhập cư. Tiếng Anh là ngôn ngữ hành chính từ thời thuộc địa năm 1888, là ngôn ngữ quan trọng nhất cùng với tiếng Malay kể từ khi Brunei độc lập ngày 1/1/1984.
3. PHƯƠNG PHÁP LUẬN
Bài viết đề cập đến cảnh quan ngôn ngữ ở Thủ đô Brunei. Thu thập dữ liệu theo phương pháp như đã làm trong công trình ở Italy và kết quả đã công bố trong một bài báo trước đây (Coluzzi, 2009), tuy có vài điều chỉnh. Đây là phương pháp luận mà Cenoz và Gorter sử dụng để nghiên cứu về cảnh quan ngôn ngữ ở xứ Basque và Friesland (Cenoz and Gorter, 2006). Họ chọn một phố dài khoảng 600 m trong khu trung tâm mua sắm ở Donostia/ San Sebastián và một phố ở Ljouwert/ Leeuwarden. Họ thu thập tổng cộng 975 bức ảnh của mọi văn bản (texts) mà họ thấy trên phố. Liên quan đến các cửa hiệu và cơ sở thương mại khác, “đơn vị phân tích là mỗi cửa hiệu (establishment) chứ không phải là mỗi ký hiệu, tức mỗi cửa hiệu là ‘một ký hiệu đơn nhất’ cho phân tích [...] Quyết định này dựa trên thực tế là mọi ký hiệu trên một cửa hiệu, cho dù chúng là những ngôn ngữ khác nhau, [...] đều thuộc về một tổng thể lớn hơn, thay vì hoàn toàn tách rời nhau (Cenoz and Gorter, 2006, tr. 71).
Nghiên cứu này chọn đường Sultan, một trong những đường chính ở trung tâm Bandar Seri Begawan (dài khoảng 750 m). Chọn đường này vì nó tỏ ra là con đường duy nhất ở trung tâm thành phố mà có mật độ dày cửa hiệu và đơn vị kinh doanh (kéo dài đến tận cuối đường ở phía Nam), đồng thời lại có số lượng đáng kể công sở và những biển hiệu công cộng (Hình 1 và 2). Tương tự nghiên cứu của Cenoz và Gorter (2006), ở đây mỗi cửa hiệu được xem là một đơn vị phân tích. Nghĩa là nếu có bất kỳ văn tự nào trong cửa hiệu ở ngôn ngữ khác với những văn tự còn lại, thì cửa hiệu này được xem là một đơn vị phân tích song ngữ hay đa ngữ. Điều này cũng áp dụng cho những đơn vị phân tích nhỏ hơn như biển quảng cáo, biển báo đường phố, và bọng nước. Ở Brunei, nhiều cửa hiệu có hơn một cơ sở kinh doanh. Trong trường hợp như vậy, mỗi cơ sở là một đơn vị phân tích, cho dù chúng cùng chung một không gian.
Hình 1: Một biển hiệu chính thức: Chữ Jawi ở trên, chữ Anh ở dưới
Hình 2:
Không giống công trình của Cenoz và Gorter, những bức ảnh ở đây chỉ bao gồm các ký hiệu đa ngôn ngữ, các ký hiệu mà ở đó ngôn ngữ thiểu số hay khu vực được sử dụng, và các ký hiệu có chữ viết Jawi. Jawi là chữ viết dựa trên chữ Arab, dùng làm chữ viết cho tiếng Malay cho đến tận thế kỷ XIX, khi chữ Latin được đưa vào và dần thay thế chữ Jawi. Sử dụng các dấu nhấn (diacritic dots), chữ Jawi thể hiện được sáu thanh mà tiếng Arab không có. Ngày nay người ta chỉ sử dụng chữ viết này trong khung cảnh tôn giáo ở Malaysia và Indonesia. Nhưng có thể thấy chữ Jawi trong cảnh quan ngôn ngữ ở những vùng bảo thủ hơn ở Malaysia, trong khi ở Brunei thì vẫn là chữ viết chính thức.
Mọi văn bản khác đều được xem như là Malay đơn ngữ, tiếng Anh hoặc ngôn ngữ khác. Mọi biển hiệu trên đường phố đều đưa vào phân tích, kể cả những biển hiệu đằng sau hoặc trên cửa sổ của cửa hiệu, miễn là chúng đủ to để có thể đọc dễ dàng từ phía ngoài. Tính cả những quảng cáo tạm thời như thông báo tìm người làm. Tuy nhiên các biển hiệu, áp phích hay tờ quảng cáo (poster) lặp lại thì chỉ được tính một lần. Tờ quảng cáo và nhãn (sticker) cũng được đưa vào phân tích nếu chúng là hoàn chỉnh và dễ đọc.
4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Khảo sát thực địa trong tháng Chín và tháng Mười 2009 thu thập được 102 đơn vị phân tích dọc đường Sultan. Trong đó, 21 đơn vị chỉ gồm tiếng Malay Chuẩn (có hoặc không có chữ Jawi), 64 đơn vị là đa ngữ, và 17 là đơn ngữ tiếng Anh (xem Bảng 1).
Bảng 1. Đơn vị phân tích trong tiếng Malay Chuẩn và các ngôn ngữ khác ở Brunei
Ngôn ngữ |
Đơn vị phân tích |
Chỉ Malay Chuẩn |
21 (20,5%) |
Có hơn một ngôn ngữ |
64 (62,7%) |
Chỉ Anh ngữ |
17 (16,6%) |
Trong 64 đơn vị đa ngữ, có 63 đơn vị có chữ Malay (viết bằng chữ Jawi hay Latin), tất cả đều có tiếng Anh, 19 đơn vị có chữ Hoa, và chỉ có 4 đơn vị có ngôn ngữ khác (Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy trong một đơn vị; và Pháp, Thái và Arab trong một đơn vị khác). Kết quả thể hiện trong Bảng 2.
Bảng 2. Sử dụng ngôn ngữ trong các đơn vị phân tích đa ngữ
Ngôn ngữ |
Đơn vị phân tích |
Malay Chuẩn |
63 (61,7%) |
Anh ngữ |
64 (62,7%) |
Hoa ngữ |
19 (18,6%) |
Các ngôn ngữ khác |
4 (3,9%) |
Nếu thêm vào các đơn vị đa ngữ những đơn vị có chữ Jawi (cho đến giờ chỉ tính chúng là tiếng Malay) và những đơn vị chỉ dùng Anh ngữ, thì ta có kết quả sau đây. Jawi có trong 67 đơn vị (phần lớn để phiên âm tiếng Malay, nhưng trong một số trường hợp để phiên âm tên từ các ngôn ngữ khác). Malay dưới dạng Latin xuất hiện trong 67 đơn vị, tiếng Anh trong 81 đơn vị, Hoa ngữ trong 19 đơn vị, và các ngôn ngữ khác là 4 đơn vị. Bảng 3 thể hiện kết quả này.
Giờ nếu chỉ xét các ký hiệu song ngữ hay đa ngữ, ta có 103 đơn vị phân tích. Kết quả trình bày trong Bảng 4. Việc dịch sang chữ Jawi các câu tiếng Malay hay Anh bao giờ cũng dịch sát nghĩa sát từ. Hình 3 mô tả một ký hiệu có cả chữ Jawi, chữ Latin cũng như chữ Anh.
Hình 3: Một biển hiệu tiếng Malay dạng chữ Jawi và dạng chữ Latin, dưới cùnglà chữ Anh
Bảng 3. Sử dụng ngôn ngữ trong các đơn vị phân tích đa ngữ bao gồm cả chữ Jawi và các đơn vị đơn ngữ tiếng Anh
Ngôn ngữ |
Đơn vị phân tích |
Jawi |
67 (65,6%) |
Malay (chữ Latin) |
67 (65,6%) |
Anh ngữ |
81 (79,4%) |
Hoa ngữ |
19 (18,6%) |
Các ngôn ngữ khác |
4 (3,9%) |
Bảng 4. Số lượng các biển hiệu song ngữ hoặc đa ngữ (trong tổng số 103 đơn vị)
Ngôn ngữ |
Số lượng |
Hoa ngữ (có hoặc không có ngôn ngữ khác) |
30 |
Jawi và Anh ngữ |
27 |
Malay chữ Latin và Anh ngữ |
23 |
Jawi, Malay và Anh ngữ |
22 |
Jawi, Malay, Anh ngữ và Hoa ngữ |
15 |
Các ngôn ngữ khác |
4 |
Có 30 ký hiệu có chữ Hoa (trong số 19 đơn vị phân tích). Phần lớn dịch giữa Anh và Hoa là sát nghĩa, mặc dù trong một số ký hiệu có thêm thông tin. Có tính cả đến 5 ký hiệu bổ sung hay đa âm (khi không có từ tương đương ở ngôn ngữ kia) (Backhaus, 2007, tr. 90-99).
Nếu xét trật tự xuất hiện, thì trật tự phổ biến nhất là chữ Jawi trên cùng (thường to gấp đôi chữ Latin), tiếp theo là chữ Malay, và sau đó là chữ Anh. Hoặc trong trường hợp cửa hàng của người Hoa thì chữ Jawi trên cùng, chữ Malay, chữ Hoa và cuối cùng là Anh ngữ. Nếu trên biển hiệu không có chữ Jawi, thì thông thường chữ Malay đầu tiên. Rõ ràng chữ Jawi thống trị trong cảnh quan ngôn ngữ, cả về mặt số lượng ký hiệu có chữ Jawi lẫn về mặt vị trí ưu tiên và cỡ chữ, trên các biển hiệu công và thậm chí còn rõ nét hơn trên các biển hiệu tư nhân. Đó là do quy định chính thức đối với cảnh quan ngôn ngữ. Một thông tư của Văn phòng Thủ tướng ban hành ngày 19/7/1988 (Số 21/1988) nêu rõ: “Chấp hành chỉ thị của Đức Sultan Brunei, Haji Hassanal Bolkiah, thông tư này quy định mọi cơ quan phải giám sát và thực thi việc sử dụng chữ Jawi bổ sung vào chữ Latin trên các ký hiệu của công sở và cơ sở tư nhân, bao gồm các ký hiệu tên, tiêu đề, yết thị, áp phích, quảng cáo, biểu ngữ, tên và ký hiệu đường phố, v.v. Chữ Jawi phải to gấp đôi chữ Latin và phải để trên cùng” (Dewan Bahasa dan Pustaka Brunei, 2009, tr. 19. Coluzzi dịch từ tiếng Malay).
Sau cùng, ta xét các ký hiệu chính thức và không chính thức (công và tư nhân) (Bảng 5). Có 24 đơn vị phân tích với các ký hiệu chính thức. Trong đó chữ Jawi được sử dụng trong 9 đơn vị, chữ Malay dạng Latin có trong 16 đơn vị, và Anh ngữ trong 16 đơn vị. Không hề có chữ Hoa hay ngôn ngữ nào khác trong 24 đơn vị phân tích này.
Có 78 đơn vị phân tích với biển hiệu phi chính thức (phần lớn là doanh nghiệp tư nhân). Trong đó, 58 đơn vị có chữ Jawi, 51 có chữ Malay dạng Latin, 65 có Anh ngữ, 19 có chữ Hoa, và 4 có các ngôn ngữ khác.
Bảng 5. Phân loại các ngôn ngữ được sử dụng trong 24 đơn vị phân tích chính thức và 78 đơn vị phân tích không chính thức (xếp riêng Malay chữ Jawi và Malay chữ Latin)
Ngôn ngữ |
Chính thức |
Phi chính thức |
Tổng |
Jawi |
9 (8,8%) |
58 (56,8%) |
67 (65,6%) |
Malay (chữ Latin) |
16 (15,6%) |
51 (50,0%) |
67 (65,6%) |
Anh ngữ |
16 (15,6%) |
65 (63,7%) |
81 (79,4%) |
Hoa ngữ |
- |
19 (18,6%) |
19 (18,6%) |
Các ngôn ngữ khác |
- |
4 (3,9%) |
4 (3,9%) |
5. NGÔN NGỮ THIỂU SỐ TRÊN BIỂN HIỆU Ở BRUNEI
Như kết quả trên cho thấy, không ngôn ngữ thiểu số Austronesian bản địa nào xuất hiện trên các biển hiệu. Nhưng chữ Hoa xuất hiện trên nhiều đơn vị phân tích không chính thức. Có 30 biển hiệu sử dụng chữ Hoa (chiếm 29,1% tổng số biển hiệu song ngữ hay đa ngữ), phần lớn đều kèm theo chữ Malay và/hoặc chữ Anh được dịch đủ và sát nghĩa. Chỉ có hai trường hợp là kết hợp (phiên bản Hoa cung cấp nhiều thông tin hơn chữ Malay và Anh) và một trường hợp đa nghĩa (một bức thư chữ Hoa tuyển nhân viên bán hàng dán trên cửa sổ cửa hiệu ghi tên người chủ và địa chỉ ở cuối bằng chữ Malay và Anh). Trong phần lớn trường hợp, những biển hiệu này ghi tên cửa hiệu/chủ cửa hiệu và mô tả loại hình kinh doanh (dược phẩm, vàng trang sức, kính, quán ăn, v.v.). Lý thú là chỉ một biển hiệu dùng chữ Hoa giản tự, còn lại đều dùng chữ Hoa truyền thống. Một bằng chứng nữa của chủ nghĩa truyền thống trong cộng đồng người Hoa ở Brunei là có bảy biển hiệu được viết từ phải sang trái, lối viết xưa. Cuối cùng, việc dịch từ Hoa sang Anh cho thấy mọi danh từ chỉ tên đều từ vùng Nam Trung Hoa (Hokkien, Cantonese, v.v.). Điều này nói lên xuất xứ của người Brunei gốc Hoa và thổ ngữ mà họ dùng. Một thú vị nữa là trong hầu hết biển hiệu, phiên bản Malay đều có một tên riêng Hoa được dịch sang Malay, không giống như phiên bản Anh. Ví dụ, Sing Lee dịch thành kemenangan, nghĩa là “thắng lợi” (trong chữ Hoa), còn Teek Onn dịch thành aman bahagia, nghĩa là “bình an và hạnh phúc”. Có lẽ như thế để giữ cho phiên bản Malay được “thuần khiết”, trông như Malay hoàn toàn, cả trong dạng chữ Latin hay Jawi. Có lẽ đây cũng là lý do mà phiên bản Jawi của một số tên cửa hiệu quốc tế được dịch hẳn sang Jawi. Ví dụ, trên đường Sultan có “Pizza Hut” dịch sang chữ Malay/Jawi thành “pondok pizza” (tiếng Malay “pondok” nghĩa là “hut”, xem Hình 4).
Hình 4: Biển hiệu Pizza Hut bằng chữ Jawi và chữ Anh
Hình 5 và 6 cho hai ví dụ liên quan đến điều nêu trên. Hình 5 đọc là Shèng Lì yáng fú tiếng Hoa phổ thông (Mandarin), nghĩa là “Sing Lee Taylor”, và đọc là “kedai jahit kemenangan” tiếng Malay. Hình 6 đọc là lìdì meifà meiróngyàn, dịch sang tiếng Anh là “Lady Fine Hair and Beauty Salon”, với việc chuyển ngữ lý thú “Lady” thành “lìdì”, nét chữ đầu có nghĩa là “xinh đẹp”. Phiên bản Malay chuyển từ nghĩa tiếng Anh thành “salun rambut elok dan kecantikan perempuan”.
Hình 5: Biển hiệu bên ngoài một cửa hiệu may: Malay Jawi và Malay
Hình 6: Biển hiệu bên ngoài một beauty salon: Malay Jawi, Malay Latin,
tiếp theo là chữ Anh và dưới cùng là chữ Hoa
6. THẢO LUẬN
Các dữ liệu trên cho thấy cảnh quan ngôn ngữ ở Brunei rất đa dạng, đa số đơn vị phân tích (78,6%) có hơn một ngôn ngữ. Nó còn đa dạng cả về văn tự nữa, gồm Jawi, Latin và Hoa.
Một hiện tượng nổi bật với người quan sát là sự phổ biến của Anh ngữ, có mặt trong 79,4% đơn vị phân tích. Đối với các ngôn ngữ thiểu số, chỉ Hoa ngữ xuất hiện nhiều trên biển hiệu phi chính thức. Mọi ngôn ngữ thiểu số Austronesian địa phương khác hoàn toàn không thấy trong cảnh quan ngôn ngữ.
Landry và Bourhis (1997), cũng như nhiều người khác sau họ, đã lập luận rất đúng rằng cảnh quan ngôn ngữ khó mà luôn phản ánh được thành phần ngôn ngữ tộc người của toàn bộ dân cư một khu vực. Thay vì như vậy, nó phản ánh địa vị ưu thế của các ngôn ngữ khác nhau và/hoặc chính sách ngôn ngữ của Nhà nước. Hai tác giả viết: “Cảnh quan ngôn ngữ có thể là chỉ dấu trực tiếp và dễ thấy nhất về quyền lực và vị thế tương đối của các cộng đồng ngôn ngữ trên một lãnh thổ nhất định” (Landry and Bourhis, 1997, tr. 29).
Là ngôn ngữ chính thức quốc gia, tiếng Malay Chuẩn hưởng vị thế mà không ngôn ngữ nào khác có được, một phần do chính sách ngôn ngữ chính thức hậu thuẫn cho ngôn ngữ này, thông qua sử dụng nơi công cộng và qua những quy định như đã đề cập ở trên, yêu cầu phải thể hiện chữ Jawi trên biển hiệu của cửa hiệu.
Theo cách nào đó, tiếng Hoa là một trường hợp không thông thường. Không được thừa nhận là một ngôn ngữ thiểu số, nhưng lại có vị thế đáng kể trong cảnh quan ngôn ngữ. Tỷ lệ hiện diện của chữ Hoa cao hơn nhiều so với tỷ lệ người Hoa sống ở Brunei (dù là công dân đầy đủ hay thường trú nhân dài hạn). Sự hiện diện này đã có thể nhiều hơn, nếu không có những quy định mới đây yêu cầu chỉ chữ Jawi và văn tự Latin được ghi trên biển hiệu chính của cửa hiệu ở khu vực đô thị. Những biển hiệu có chữ Hoa mà tôi ghi lại rõ ràng đã có trước khi quy định trên có hiệu lực.
Có thể giải thích theo vài cách khác nhau về sự hiện diện phổ biến của chữ Hoa và về tình trạng không hiện diện của các ngôn ngữ thiểu số khác trên cảnh quan ngôn ngữ, mặc dù có một bộ phận tương đối lớn dân cư nói những ngôn ngữ ấy, như người Kedayan, Iban hay Murut (xem Martin, 1995; Coluzzi, 2010). Thứ nhất, văn tự của những ngôn ngữ thiểu số này chưa bao giờ được dùng trong truyền thông, vì vậy chúng thường được coi là những ngôn ngữ nghe-nói (oral language), gắn với quá khứ mà nhiều người muốn rời bỏ. Thứ hai, những ngôn ngữ ấy không được hưởng bất kỳ hậu thuẫn nào và phần lớn mọi người đều không thực sự ý thức được sự chuyển dịch ngôn ngữ đang diễn ra. Vì vậy, nếu không có giải pháp bảo vệ và hậu thuẫn, hầu hết ngôn ngữ thiểu số chắc chắn sẽ bị thay thế bởi Malay và Anh ngữ.
Đối với Hoa ngữ, nguyên nhân chính khiến nó hiện diện mạnh trên cảnh quan ngôn ngữ là ở uy thế cao của người Hoa. Dù ít về số lượng, người Hoa ở Brunei là tộc người mạnh nhất về kinh tế và mang tính kinh doanh nhất, có sự sống động về ngôn ngữ tộc người cao (xem Dunseath, 1996). Tiếng Hoa phổ thông (Mandarin) hiện được sử dụng rộng rãi và là một trong những ngôn ngữ quan trọng nhất của thế giới, có vô số ấn phẩm ở Trung Hoa đại lục và ở các nước, là một trong những văn tự cổ xưa nhất. Tiếng Hoa phổ thông được dạy ở một số ít trường của người Hoa ở Brunei, và là một môn học tự chọn ở Đại học Quốc gia Brunei Darussalam. Hệ thống giáo dục mới cũng đưa ngôn ngữ này vào thành một môn học tự chọn từ lớp 7 đến lớp 10 trong hệ thống giáo dục bắt buộc (Curriculum Development Department, 2009). Thêm nữa, chữ Hoa dùng tượng hình không dùng bảng ABC theo âm, điều này khiến nhiều người nói thổ ngữ Hoa sống ở Brunei có thể hiểu được. Ngay cả những thổ ngữ Hoa ở phía Nam, như Hokkien hay Cantonese (rất khác với tiếng Hoa phổ thông), nói chung khi viết đều dùng nét như chữ Hoa phổ thông.
Một ngôn ngữ khác đóng vai trò quan trọng trong cảnh quan viết và hội thoại ở Brunei là tiếng Anh, ngôn ngữ quốc tế par excellence, ngôn ngữ của toàn cầu hóa, tính hiện đại và đầy hương vị. Gần 80% đơn vị phân tích trên đường Sultan có Anh ngữ, trong số đó có một số rất nổi bật. Có nhiều yếu tố cho sự hiện diện đáng kể này, một sự hiện diện gần như ngang với tiếng Malay Chuẩn, ngôn ngữ chính thức. Có thể nêu lên ba yếu tố. Trước hết, yếu tố lịch sử: Brunei là thuộc địa của Anh cho đến tận cuối năm 1983, Anh ngữ là ngôn ngữ của hành chính và quyền lực thời đó. Thứ hai, Anh ngữ đã trở thành phổ biến toàn thế giới: “Anh ngữ mang đến hình ảnh về tính hiện đại và một ý nghĩa thời thượng” (Bogatto and Hélot, 2010, tr. 286). Thứ ba, hoàn toàn gắn với hai lý do trên và có thể là quan trọng nhất: phần lớn người Brunei cảm nhận tiếng Anh là ngôn ngữ ích lợi và ưu việt nhất, ngay cả so với tiếng Malay (xem Ozóg, 1996; Coluzzi, 2012b). Trong thực tế, tiếng Malay Chuẩn chỉ dùng cho một trong ba nhật báo ở Brunei, hai tờ còn lại bằng Anh ngữ. Đại đa số sách bày bán ở hiệu sách là tiếng Anh, chỉ một số ít bằng tiếng Malay, chủ yếu là sách về chủ đề tình yêu và tôn giáo. Trong nhà trường, tiếng Malay Chuẩn chỉ chiếm vị trí quan trọng ở ba năm đầu cấp tiểu học, sau đó các môn học dạy bằng Anh ngữ tăng lên và nhiều hơn hẳn số môn học dạy bằng tiếng Malay, đến khi vào đại học tiếng Anh là ngôn ngữ chủ yếu. Ở Brunei, thực sự tiếng Malay không quan trọng bằng tiếng Anh, về cơ bản ai muốn có một học vị và chỗ làm tốt trong khu vực tư, người đó phải nói giỏi tiếng Anh. Tuy nhiên, tiếng Malay Chuẩn còn có chức năng về bản sắc, nhưng chỉ phần nào, vì phần lớn mọi người thông thường nói với nhau bằng tiếng Malay Brunei và/ hoặc một ngôn ngữ thiểu số khác.
Một quan sát thú vị là ở Brunei ưu thế của Anh ngữ do các định chế công cộng áp đặt thực ra là ngầm định (covert): tiếng Anh không phải là chính thức, rất hiếm khi ở vị trí đầu tiên, không phải là ngôn ngữ hiển thị nhiều nhất trên các biển hiệu. Nhưng ta thấy nó ở khắp nơi: đường phố, tivi, nhật báo, và trong hệ thống giáo dục nó hiển lộ ở mức độ lớn hơn tiếng Malay Chuẩn. Nhưng hậu thuẫn chính thức cho tiếng Malay Chuẩn thì lại hoàn toàn hiển lộ (overt): không chỉ có những quy định cho việc dùng nó (như trích dẫn ở trên), người ta còn thấy những bích chương (billboard) trên đường phố và trong các tòa nhà thúc giục dân chúng sử dụng tiếng Malay! Có thể thấy ba bích chương với những thông điệp sau:
- Bahasa Melayu bahasa rasmi Negara (“Malay là ngôn ngữ chính thức của đất nước”) (Hình 7).
Hình 7
Bích chương có chữ Malay Jawi và Malay Latin, kêu gọi người dân ưu tiên dùng tiếng Malay
- Utamakan Bahasa Melayu (“Làm cho tiếng Malay là ưu tiên của bạn”).
- Gunakan Bahasa Melayu (“Hãy dùng tiếng Malay”).
Thực tế này không khác nhiều với tình hình ở Israel. Ở đó, tiếng Hebrew là ngôn ngữ chính thức được Nhà nước hậu thuẫn mạnh, nhưng Anh ngữ có ưu thế cao và sử dụng rộng rãi trong cảnh quan ngôn ngữ (xem, chẳng hạn, Ben-Rafael et al., 2006). Nhưng không như ở Brunei, tuy là một ngôn ngữ thiểu số nhưng tiếng Arab là một ngôn ngữ chính thức ở Israel.
Ta thấy một tình hình tương tự ở Ethiopia, ở đó Anh ngữ “được sử dụng de facto như là ngôn ngữ thứ hai […], mặc dù nó không phải là một di sản thời thuộc địa” (Lanza & Woldemariam, 2009, tr. 193). Nhưng khác với Brunei, ở Ethiopia các ngôn ngữ thiểu số được công nhận là chính thức.
Thêm một điều, chữ Jawi hiện diện mạnh ở Brunei. Trong khi tiếng Malay thể hiện Malay tính (Malayness), thì Jawi thể hiện tính Islam, tôn giáo chính thống của Brunei được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Nhà nước và Vương triều Islam. Có thể thấy những điều tương tự ở đây giống việc dùng chữ Hoa truyền thống hay giản thể ở Taipei, ở đó việc sử dụng dạng này hay dạng kia của cùng một ngôn ngữ rõ ràng là mang tính chính trị (xem Curtin, 2009). Điều thú vị cần ghi nhận ở đây là, không quan trọng việc người dân có thực sự đọc chữ Jawi hay không, sự hiện diện tuyệt đối của nó gợi nhớ đến tôn giáo chính thống và Vương triều. Đúng như Kallen và Ní Dhonnacha lý giải rất thuyết phục (2010, tr. 21): “các hệ thống chữ viết bản thân chúng thực hiện những lựa chọn tạo ra các ý nghĩa độc lập với nội dung thông điệp”. Về mặt lịch sử, chữ Arab liên hệ đến Kinh Qur’an, cả người Muslim hay không phải tín đồ Islam đều nhìn nhận theo cách như vậy. Dĩ nhiên, chữ Hoa cũng tạo ra những ý nghĩa vượt quá nội dung thông điệp, nhưng nó có thể gợi nên nhiều cách diễn giải khác nhau ở những người không phải Hoa. Một cách không thể tránh khỏi, “Khi các thông điệp được gửi đến những người có ý nghĩa ở nơi công cộng, những người biết ngôn ngữ đó, thì chiến lược là tạo ra một sự liên tưởng đến cộng đồng một cách hiển thị bằng những biển hiệu ở mặt tiền cửa hiệu hoặc bằng một trong thành phần của nó” (Bogatto & Hélot, 2010, tr. 287).
Nói ngắn gọn, có thể lập luận rằng các biển hiệu viết bằng những văn tự không phải Latin bao giờ cũng là “đa nghĩa (polysemous) – hàm chứa những thông điệp khác nhau đối với người nhìn khác nhau” (Leeman & Modan, 2010, tr. 195).
Mục tiếp theo tiếp tục thảo luận vấn đề này trong khung khổ tổng thể danh mục ngôn ngữ Brunei và lý thuyết của Spolsky và Cooper về khuynh hướng sử dụng các ngôn ngữ trong cảnh quan ngôn ngữ (Spolsky, 2009).
7. DANH MỤC NGÔN NGỮ Ở BRUNEI VÀ NGƯỠNG VĂN TỰ
Dựa vào thảo luận ở trên, có thể sơ đồ hóa tình hình ngôn ngữ xã hội ở Brunei về mặt người sử dụng ngôn ngữ tạo nên tổng thể (danh mục) ngôn ngữ (linguistic repertoire) và các chức năng biểu tượng của ngôn ngữ (xem Bảng 6). Bên trái là hai cực (pole) tạo nên quốc gia: chính phủ và người dân. Bên phải là các ngôn ngữ tạo nên danh mục ngôn ngữ Brunei. Những ngôn ngữ được Chính phủ sử dụng và hậu thuẫn, công khai hay ngầm định, nằm ở hàng trên. Những ngôn ngữ do người dân sử dụng và hậu thuẫn nằm ở hàng dưới. Những ngôn ngữ đặc thù (ngoại vi, marginal) để trong ngoặc vuông [], còn chức năng biểu tượng chính của ngôn ngữ được viết trong ngoặc đơn (ngay cả cụm từ “du lịch” và “giao tiếp với thế giới nói tiếng Malay” cũng mang nhiều tính thông tin hơn là tính biểu tượng). Dòng kẻ ngang đứt quãng chỉ ngưỡng chữ viết: các ngôn ngữ bên dưới dòng kẻ là ngôn ngữ không có văn tự. Dĩ nhiên việc sử dụng một ngôn ngữ và ưu thế gắn với ngôn ngữ ấy có xu hướng bị ảnh hưởng mạnh bởi việc sử dụng chính thức thông qua cơ chế quy định từ trên.
Bảng 6. Danh mục ngôn ngữ Brunei
Cực hình thành quốc gia |
Ngôn ngữ sử dụng và chức năng biểu tượng chính |
Chính phủ (trên xuống) |
Malay Chuẩn chữ Latin (chủ nghĩa dân tộc) Malay Chuẩn chữ Jawi (Islam, Hoàng gia) [Arab] (Islam) Anh ngữ (tính hiện đại, du lịch) |
Người dân (dưới lên)
-------------------------------- Ngưỡng văn tự |
Hoa ngữ (bản sắc cho người Hoa) [Malay Chuẩn] (giao tiếp với thế giới nói tiếng Malay) Anh ngữ (tính hiện đại, cơ hội kinh tế) ------------------------------------------------------------- Malay Brunei (bản sắc) Các ngôn ngữ thiểu số (bản sắc địa phương) |
Hai ngôn ngữ cùng được Chính phủ và người dân chia sẻ: tiếng Malay (kể cả Malay Chuẩn lẫn Malay Brunei) và tiếng Anh. Còn tiếng Hoa thì được hậu thuẫn mạnh bởi cộng đồng người Hoa. Đây là những ngôn ngữ có xu hướng được sử dụng trong cảnh quan ngôn ngữ, những ngôn ngữ Chính phủ hậu thuẫn trong các biển hiệu quy định từ trên (top-down signs) và những ngôn ngữ mà người dân hậu thuẫn trong những biển hiệu từ bên dưới (bottom-up signs). Những ngôn ngữ nằm dưới ngưỡng văn tự không bao giờ thấy xuất hiện trên cảnh quan ngôn ngữ, vì không có văn tự để viết và đọc. Phần nào vì lý do này mà chúng có vị thế thấp. Điều này có vẻ đúng với cả Brunei lẫn mọi nơi trên thế giới. Một ghi nhận thú vị là tiếng Malay Chuẩn thực ra không có bất kỳ chức năng chính yếu nào đối với người dân Brunei. Nó chỉ được dùng một cách thụ động để hiểu các nguồn thông tin chính thức hoặc những nguồn nói tiếng Malay và Indonesia khác, như sách, báo chí, phim ảnh, ca khúc, v.v… Nếu ta xem tiếng Malay Chuẩn và tiếng Malay Brunei là hai ngôn ngữ khác nhau, và Malay Chuẩn là một ngôn ngữ ngoại vi của người dân, thì có thể thấy là ở Brunei thực sự chỉ có một ngôn ngữ mà cả Chính phủ lẫn người dân cùng chia sẻ và hậu thuẫn, đó là Anh ngữ. Đây là một lý do khác nữa khiến Anh ngữ hiện diện phổ biến trong cảnh quan ngôn ngữ Brunei.
Spolsky và Cooper nêu ra ba điều kiện thiết yếu cho việc chọn ngôn ngữ đưa vào cảnh quan ngôn ngữ (Spolsky, 2009, tr. 33). Những điều kiện này quan hệ chặt chẽ với tình trạng hiện diện hay vắng mặt của các ngôn ngữ thiểu số trên cảnh quan ngôn ngữ ở Brunei. Điều kiện thứ nhất, những người đề xướng và những người làm biển hiệu (initiator and sign-maker) sẽ viết biển hiệu của họ bằng ngôn ngữ mà họ biết. Điều này thể hiện rõ ở tiếng Malay và Hoa. Ngay cả khi có nhiều người biết tiếng địa phương của mình, nhưng tiếng của họ không có văn tự và không hiện diện trong hệ thống giáo dục. Điều kiện thứ hai, những người đề xướng và những người làm biển hiệu sẽ viết bằng ngôn ngữ mà người dân hiểu được, những người được trông đợi là sẽ đọc các biển hiệu. Có một tỷ lệ cao người Hoa ở Brunei đọc được chữ Hoa, trong khi đó người dân nói tiếng địa phương lại không thể đọc được chữ viết tiếng của họ, hoặc cảm thấy lúng túng, vì họ không mong đợi thấy tiếng của họ trên các ký hiệu. Điều kiện thứ ba, những người đề xướng và những người làm biển hiệu sẽ viết ngôn ngữ mà họ mong muốn được hội nhập vào. Đây chính là trường hợp tiếng Malay, Anh và Hoa. Các nhóm nói ngôn ngữ thiểu số khác có xu hướng muốn đồng nhất với những ngôn ngữ vị thế cao như Malay hay Anh, chứ không muốn đồng nhất với những ngôn ngữ vị thế thấp.
8. KẾT LUẬN
Trừ Hoa ngữ, các ngôn ngữ thiểu số ở Brunei không hiển thị và đóng một vai trò rất bên lề bên ngoài gia đình và cộng đồng nhỏ. Hoa ngữ có ưu thế, hiển thị rõ trong cảnh quan ngôn ngữ mặc dù không được chính thức khuyến khích. Anh ngữ đóng vai trò là một ngôn ngữ super partes, “một nguồn lực ngôn ngữ trung tính” (neutral linguistic resource), như Ben-Rafael và cộng sự (2006, tr. 25) đã nhận xét khi nghiên cứu cảnh quan ngôn ngữ ở Israel. Chừng nào vị trí của nó trên biển hiệu không quá nổi bật, thì có thể dùng và thậm chí hậu thuẫn nó mà không hề gây hại cho sự thống nhất và bản sắc quốc gia. Anh ngữ trong cảnh quan ngôn ngữ vừa mang tính thông tin vừa mang tính biểu tượng: trong khi vẫn duy trì ấn tượng của một ngôn ngữ quốc tế và có ưu thế, nó còn được dùng để chuyển tải thông tin đến khách du lịch cũng như mọi người địa phương, những người có thể hiểu tiếng Anh ở mức độ khác nhau. Vì Anh ngữ xuất hiện gần như luôn luôn cùng với tiếng Malay, ta có thể giả định có mục tiêu giáo dục ở đây: người qua đường có thể nâng cao trình độ tiếng Anh khi nhìn vào cảnh quan ngôn ngữ (xem Cenoz and Gorter, 2008). Mục tiêu này cũng có thể là để cho cả tiếng Jawi, vì trong phần lớn trường hợp đều có kèm theo tiếng Malay dưới dạng Latin hoặc tiếng Anh. Sự hiện diện mạnh tiếng Anh ở Brunei đến mức, như nhiều người lo ngại, đang từ từ “thiểu số hóa” tiếng Malay, ngôn ngữ mà sự hiện diện của nó đang từ từ giảm dù Chính phủ vẫn đang hậu thuẫn (xem Coluzzi, 2011).
Nếu các ngôn ngữ thiểu số hiện diện đáng kể trong cảnh quan ngôn ngữ, thì vị thế của chúng sẽ được nâng lên, giúp cho việc duy trì chúng. Cenoz và Gorter viết: “Cảnh quan ngôn ngữ đóng góp vào việc kiến tạo bối cảnh ngôn ngữ-xã hội (sociolinguistic context), vì mọi người xử lý thông tin hình ảnh đập vào mắt họ, và ngôn ngữ viết trên các biển hiệu chắc chắn tác động đến cảm nhận của họ về địa vị của các ngôn ngữ khác nhau, thậm chí đến hành vi ngôn ngữ của họ. Cảnh quan ngôn ngữ hay một phần của cảnh quan ngôn ngữ sẽ ảnh hưởng đến việc dùng ngôn ngữ” (Cenoz and Gorter, 2006, tr. 68).
Tuy nhiên, để làm được điều này, các ngôn ngữ thiểu số ở Brunei cần có địa vị đọc-viết (literary status). Nói cách khác, chúng phải có trong chương trình học phổ thông, để người nói những ngôn ngữ ấy có thể học đọc và viết. Như vậy, các ngôn ngữ chưa có chữ viết cần được chuẩn hóa và cần một hệ thống văn tự (corpus planning). Liên quan đến Hoa ngữ, một cách tốt để thể hiện sự tôn trọng quyền về ngôn ngữ của các tộc người thiểu số là dùng ngôn ngữ ấy ít nhất là trong một số biển hiệu chính thức như nó đã xuất hiện trên các biển hiệu không chính thức.
Hiển nhiên là còn nhiều hạn chế khi nghiên cứu cảnh quan ngôn ngữ chỉ trên một đoạn phố, cần nhiều nghiên cứu hơn ở những nơi khác để kiểm nghiệm các nhận định trong công trình này. Đây có thể là xuất phát điểm cho việc phát triển và thực thi chính sách ngôn ngữ nhằm bảo vệ các ngôn ngữ thiểu số, thừa nhận tầm quan trọng của việc chúng được hiện diện trong cảnh quan ngôn ngữ để duy trì và phát triển trong tương lai.
LỜI CẢM ƠN
Tác giả cám ơn đồng nghiệp Min Shen giúp dịch và phân tích văn bản Hoa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Backhaus, P. (2006). Multilingualism in Tokyo: A look into the linguistic landscape. International Journal of Multilingualism, 3, 52–66.
2. Backhaus, P. (2007). Linguistic Landscapes: a Comparative Study of Urban Multilingualism in Tokyo. Clevedon: Multilingual Matters.
3. Ben-Rafael, E., Shohamy, E., Amara, M. H., & Trumper-Hecht, N. (2006). Linguistic landscape as symbolic contruction of the public space: The case of Israel. International Journal of Multilingualism, 3, 7–30.
4. Bogatto, F., & Hélot, C. (2010). Linguistic landscape and language diversity in Strasbourg: The ‘Quartier Gare’. In: E. Shohamy, E. Ben-Rafael & M. Barni (Eds.), Linguistic Landscape in the City (pp. 275–291). Bristol: Multilingual Matters.
5. Cenoz, J., & Gorter, D. (2006). Linguistic landscape and minority languages. International Journal of Multilingualism, 3, 67–80.
6. Cenoz, J., & Gorter, D. (2008). The linguistic landscape as an additional source of imput in second language acquisition. International Review of Applied Linguistics in Language Teaching, 46(3), 267–287.
7. Coluzzi, P. (2009). The Italian linguistic landscape: The cases of Milan and Udine. International Journal of Multilingualism, 6(3), 298–312.
8. Coluzzi, P. (2010). Endangered languages in Borneo: A survey among the Iban and Murut (Lun Bawang) in Temburong, Brunei. Oceanic Linguistics, 49(1), 119–143.
9. Coluzzi, P. (2011). Majority and minority language planning in Brunei Darussalam. Language Problems and Language Planning, 35(3), 222-240.
10. Coluzzi, P. (2012a). Multilingual societies vs. monolingual states: The linguistic landscape of Italy and Brunei Darussalam. In: D. Gorter, L. Van Mensel & H. F. Marten (Eds.), Minority Languages in the Linguistic Landscape (pp. 225–242). Basingstoke: Palgrave Macmillan,.
11. Coluzzi, P. (2012b). Modernity and globalization: Is the presence of English and of cultural products in English a sign of linguistic and cultural imperialism? Results of a study conducted in Brunei Darussalam and Malaysia. Journal of Multilingual and Multicultural Development, 33(2), 117-131.
12. Curriculum Development Department (2009). The National Education System for the 21st Century. Bandar Seri Begawan: Ministry of Education.
13. Curtin, M. L. (2009). Language on display: Indexical signs, identities and the linguistic landscape of Taipei. In: E. Shohamy & D. Gorter (Eds.), Linguistic Landscape: Expanding the Scenery (pp. 221–237). Abingdon: Routledge.
14. Dewan Bahasa dan Pustaka Brunei (2009). Utamakanlah Bahasa Melayu. Berakas: Dewan Bahasa dan Pustaka Brunei.
15. Dunseath, K. (1996). Aspects of language maintenance and language shift among the Chinese Community in Brunei: Some preliminary observations. In: P. W. Martin, C. Ozóg & G. Poedjosoedarmo (Eds.), Language Use and Language Change in Brunei Darussalam (pp. 280–301). Ohio: Ohio University Center for International Studies.
16. Gorter, D. (ed.) (2006). Linguistic Landscape: a New Approach to Multilingualism. International Journal of Multilingualism 3/1 (special issue).
17. Huebner, T. (2006). Bangkok’s linguistic landscapes: Environmental prints, codemixing and language change. International Journal of Multilingualism, 3, 31-51.
18. Kallen, J. L., & Ní Dhonnacha, E. (2010). Language and inter-language in urban Irish and Japanese linguistic landscapes. In: E. Shohamy, E. Ben-Rafael & M. Barni (eds.) Linguistic Landscape in the City (pp. 19–36). Bristol: Multilingual Matters.
19. Landry, R., & Bourhis, R. Y. (1997). Linguistic landscape and ethnolinguistic vitality: An empirical study. Journal of Language and Social Psychology, 16(1), 23–49.
20. Lanza E., & Woldemariam, H. (2009). Language ideology and linguistic landscape. In: E. Shohamy & D. Gorter (Eds.), Linguistic Landscape: Expanding the Scenery (pp. 189– 205). Abingdon: Routledge.
21. Leeman, J., & Modan, G. (2010). Selling the city: Language, ethnicity and commodified Space. In: E. Shohamy, E. Ben-Rafael & M. Barni (Eds.), Linguistic Landscape in the City (pp. 182–198). Bristol: Multilingual Matters.
22. Martin, P. (1995). Whither the indigenous languages of Brunei Darussalam? Oceanic Linguistics, 34(1), 44–60.
23. Martin, P. (1996). An Overview of the Language Situation in Brunei Darussalam. In: P. Martin, C. Ozóg & G. Poedjosoedarmo (Eds.), Language Use and Language Change in Brunei Darussalam (pp. 1–23). Ohio: Ohio University Center for International Studies.
24. Martin, P. (1998). Sociolinguistic perspective of Brunei. International Journal of the Sociology of Language, 130(1), 5–22.
25. Ozóg, A. C. K. (1996). The Unplanned Use of English: The Case of Brunei Darussalam. In: P. Martin, C. Ozóg & G. Poedjosoedarmo (Eds.), Language Use and Language Change in Brunei Darussalam (pp. 156-72). Ohio: Ohio University Center for International Studies.
26. Spolsky, B. (2009). Prologomena to a sociolinguistic theory of public signage. In: E. Shohamy & D. Gorter (Eds.), Linguistic Landscape: Expanding the Scenery (pp. 25- 39). Abingdon: Routledge.
[1]Nguyên tác: Paolo Coluzzi. 2012.The Linguistic Landscape of Brunei Darussalam: Minority Languages and the Threshold of Literacy. Trong: Southeast Asia: A Multidisciplinary Journal. Vol. 12/2012. Trang 1-16. Faculty of Arts and Social Sciences Universiti Brunei Darussalam. Người dịch và Tạp chí Khoa học Xã hội (TPHCM) cảm ơn tác giả và Tạp chí Southeast Asia: A Multidisciplinary Journal đã cho phép dịch sang tiếng Việt và in lại ở Việt Nam. Bản dịch thuộc Chương trình Kết Mạng Nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á. Bản dịch đã in trong Tạp chí Khoa học xã hội TPHCM, Số 7 (203)/2015, trang 79-92.
[2]Paolo Coluzzi, Tiến sĩ Giảng viên, Khoa Ngôn ngữ và Ngôn ngữ học, Universiti Malaya.
Bùi Thế Cường, Giáo sư Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Giáo sư thỉnh giảng Viện nghiên cứu châu Á, Universiti Brunei Darussalam.
tin tức liên quan
Videos
Đền Hồng Sơn
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Một nước Nhật quá xa xôi!
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Lenk
Thống kê truy cập
114513401
2187
2315
21338
220274
121356
114513401