Những góc nhìn Văn hoá

Thống nhất non sông và thống nhất về văn hóa

Sự thống nhất, một giá trị mà dân tộc Việt Nam theo đuổi gần như xuyên suốt tiến trình lịch sử gắn với độc lập dân tộc. Bằng mọi giá, người dân mong muốn gìn giữ sự thống nhất. Dù hoàn cảnh nào, việc cắt xẻ lãnh thổ hay phân chia non sông đều không được người dân chấp thuận. Vậy nên thống nhất là một giá trị thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Cũng như nhiều quốc gia khác sau chiến tranh, chúng ta bước ra khỏi cuộc kháng chiến trường kỳ với vị thế của người chiến thắng. Hình ảnh một Việt Nam hiên ngang đánh bại cả thực dân Pháp lẫn đế quốc Mỹ, hai cường quốc xâm lược lúc bấy giờ được truyền đi rộng rãi trên toàn thế giới và trở thành nguồn cảm hứng to lớn cho các đất nước đang tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nhưng cũng vì ra khỏi chiến tranh với vị thế chiến thắng nên chúng ta không khỏi say sưa với những bài ca chiến thắng. Chiến thắng được nói đến trên mọi phương tiện truyền thông và cả hầu hết trong các sách vở kéo dài trong nhiều thập niên. Điều đó cũng làm cho nhiều người đã ngủ say trên chiến thắng mà quên mất rằng, chiến thắng không phải là mục tiêu cuối cùng của tiến trình cách mạng Việt Nam, càng không phải là mục tiêu cuối của cuộc trường kỳ kháng chiến. Chúng ta dành 9 năm đánh Pháp để giành và giữ nền độc lập, bảo vệ chủ quyền và bảo vệ chế độ mới của toàn dân tộc. Chúng ta mất 20 năm đánh Mỹ và các thế lực khác để bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ chứ không chấp nhận chia cắt. Nói cách khác, vì cần độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước nên chúng ta đã chiến đấu và không tiếc hi sinh mọi thứ vì điều đó. Với riêng cuộc kháng chiến chống Mỹ, mục tiêu quan trọng của chúng ta là để thống nhất đất nước. Nên thống nhất là một mục tiêu vô cùng quan trọng và chiến thắng 30/4/1975 nói riêng và cả cuộc kháng chiến nói chung là điều kiện cần thiết để chúng ta thực hiện thống nhất đất nước.

Chấp nhận hi sinh mọi thứ không phải để trở thành người chiến thắng. Ánh hào quang của người chiến thắng không thể che mờ đi những đau thương, mất mát mà dân tộc ta đã phải hứng chịu trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến. Nhưng chúng ta phải thắng, bởi chỉ có đánh đuổi được kẻ thù thì Việt Nam mới thống nhất được, mới có được độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Chiến thắng để thống nhất đất nước. Đó là mục tiêu quan trọng mà chúng ta hướng tới và chiến thắng trong cuộc trường kỳ kháng chiến là điều kiện quyết định để chúng ta thực hiện điều đó.

Nếu chiến thắng là điều kiện cần thiết để thống nhất đất nước, thì thống nhất cũng là điều kiện quan trọng để xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Hai mươi năm chia cắt Nam - Bắc là hai mươi năm dài đằng đẵng mà mỗi con người Việt Nam đều đau đáu không nguôi như cơ thể con người bị chia làm hai vậy. Những người dân miền Nam cũng phải chia cắt vì có rất nhiều cán bộ chiến sĩ phải tập kết ra Bắc theo cách mạng. Và hàng triệu người miền Bắc cũng phải xa quê hương, xa gia đình, xa vợ, xa con vào Nam chiến đấu. Không chỉ đất nước bị phân chia mà các gia đình Việt Nam cũng bị phân chia. Ngoài cảnh chia ly, vợ chồng xa cách, cha con ly tán, có người may mắn còn được về với vợ con, và cũng có hàng triệu người đã nằm xuống trên một mảnh đất linh thiêng nào đó của Tổ quốc. Đương nhiên đó không phải là đất khách quê người, không phải là miền đất lạ như những kẻ xâm lược, mà là những mảnh đất của đất nước, là một phần của Tổ quốc mà họ chấp nhận hi sinh để bảo vệ. Và càng đau thương hơn nữa khi trong một gia đình, một dòng họ cũng bị chia cắt thành kẻ thù ở hai bên chiến tuyến vì hệ tư tưởng, cũng như vì những điều kiện cụ thể khác nhau. Chẳng thiếu những gia đình mà cha, anh ra Bắc làm cách mạng còn con, em ở lại quê lại thành lính Cộng hòa. Và trên chiến trường khốc liệt, nhiều khi anh em, cha con lại phải chĩa súng đạn vào nhau. Có nỗi đau nào đau hơn những điều đó. Thế nên, thống nhất trở thành một khát vọng mãnh liệt, một nhu cầu thiết tha của mọi người con trên đất nước này.

Thống nhất đầu tiên là thống nhất đất nước, xóa bỏ phân tranh Bắc - Nam. Việt Nam chỉ và phải là một đất nước thống nhất. Dù phải trả bao nhiêu xương máu, bao nhiêu của cải thì mọi người dân Việt Nam nhất quyết làm được điều đó mới thôi. Nó là tư tưởng xuyên suốt trong cả hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, như từ đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn chúng ta cũng kiên quyết dành cho được độc lập”. Thứ hai chính là thống nhất trong gia đình. Chỉ có thống nhất đất nước, không còn phân chia Bắc - Nam thì những gia đình mới được sum họp, mới không còn cảnh cha Bắc con Nam, không còn cảnh vợ chồng ly tán, anh em chia lìa. Và cũng chỉ có thống nhất thì sự phân chia Cộng sản - Cộng hòa mới chấm dứt, sự hòa giải, hòa hợp mới được thực hiện. Và thống nhất đất nước, thống nhất gia đình, hòa giải dân tộc là con đường, là nhân tố quan trọng để xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao chân lý: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Thống nhất về chính trị phải đánh đổi nhiều xương máu nhưng lại thực hiện dễ dàng hơn, mất ít thời gian hơn so với thống nhất về văn hóa, về con người và về tình cảm cá nhân. Sau bao nhiêu đau thương mà cả hai phía Bắc - Nam phải hứng chịu, con người trở nên mặc cảm. Đặc biệt với những người thua cuộc. Khi chúng ta càng nói về chiến thằng càng nhiều thì càng như khoét thêm vào nỗi đau của người thua cuộc mà thực ra họ cũng là nạn nhân của chiến tranh. Thế nên để thống nhất có giá trị thì phải đoàn kết được mọi người. Muốn vậy phải xem chiến tranh là nỗi đau không ai muốn và cũng chẳng có ai chiến thắng cả. Đặc biệt cùng là con người Việt Nam thì càng không có chiến thắng hay chiến bại mà chỉ là những số phận đau thương do chiến tranh gây ra. Vậy nên cần phải có sự hòa giải sau chiến tranh để đoàn kết toàn dân cho mục tiêu mới. Mà trước hết và quan trọng nhất là phải bỏ ánh nhìn chia cắt do chiến tranh gây ra, dùng tình yêu thương và sự chia sẻ đối xử với nhau thì mới thật sự đoàn kết được.

Sự thống nhất về lãnh thổ dân tộc là nhiệm vụ, là mục tiêu và động lực của các cuộc cách mạng. Xuyên suốt quá trình lịch sử lâu dài hàng ngàn năm phải đối diện với ngoại xâm, với phân chia đất nước nên sự thống nhất lại càng thêm giá trị. Lần gần nhất phải chứng kiến sự phân chia Bắc - Nam là giữa thế kỷ XX. Và phải mất hơn 2 thập kỷ, đánh đổi bằng nhiều xương máu, của cải vật chất, tinh thần, tâm lực, tài lực và sức lực của nhiều thế hệ mới giành lại được sự thống nhất đất nước thông qua chiến thắng mùa Xuân năm 1975. Sự thống nhất có nhiều ý nghĩa, nhiều giá trị với các vòng xoắn nội hàm của nó. Chiến thắng mùa Xuân 1975 là điều kiện để thống nhất lãnh thổ, thống nhất hệ thống chính trị và thể chế Nhà nước. Và nó cũng mở đầu cho quá trình thống nhất về văn hóa sau một thời gian dài bị phân chia, biệt lập và phát triển theo những chiều hướng khác nhau. Thống nhất văn hóa là điểm tựa, là nguồn lực của quá trình Đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay.

Để rõ hơn giá trị đó cần phải hiểu rằng bối cảnh văn hóa sau 1975 vô cùng phức tạp. Trong khi miền Bắc trải qua hơn hai thập kỷ xây dựng chủ nghĩa xã hội lấy kinh tế tập thể làm trọng tâm, coi trọng giá trị văn hóa cộng đồng, thì miền Nam lại phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, lấy giá trị cá nhân làm trọng tâm với xã hội thị trường và văn hóa tiêu thụ khá phát triển. Đương nhiên điều đó chủ yếu ở các đô thị, vùng địch chiếm. Nhưng về cơ bản, các giá trị văn hóa đó cũng đã ảnh hưởng đến nhiều người dân ở miền Nam. Vậy nên việc thống nhất văn hóa dân tộc trong bối cảnh lúc đó là thách thức rất lớn. Mà văn hóa là lĩnh vực đặc thù, không giống như chính trị có thể thống nhất bằng con đường từ trên xuống một cách nhanh chóng, còn văn hóa phải cần có thời gian và phải đi theo con đường nhận thức đến hành vi mới có hiệu quả. Khó khăn lớn nhất trong thống nhất văn hóa lúc đó chính là sự thiếu hiểu nhau giữa những người vốn từng ở hai bên chiến tuyến nay về lại một nhà. Đừng nói đâu xa mà ngay trong một gia đình, việc hiểu nhau cũng trở thành một vấn đề phức tạp. Trong một cuộc trò chuyện với tôi, con trai của một nhà nông học lỗi lạc từng về nước theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ra Bắc phục vụ kháng chiến đã thốt lên rằng: “Cho đến bây giờ, tôi và mẹ tôi vẫn không hiểu tại sao ba tôi lại quyết định ra Bắc theo Bác Hồ để phục vụ cách mạng. Trong khi đó, mẹ tôi kể rằng thầy giáo của ba tôi ở nước ngoài đã khuyên ông nên đến một cơ quan nghiên cứu quốc tế có văn phòng trong khu vực Đông Nam Á để tìm đến những vinh quang lớn lao của khoa học ở tầm quốc tế, nhưng ba tôi không nghe. Và ông cho rằng, những “người miền Nam” vẫn không hiểu hết được những “người miền Bắc” cho dù trải qua nhiều năm tháng thống nhất”. Đúng là sau khi thống nhất về mặt lãnh thổ và hệ thống chính trị, giữa hai miền vẫn còn những khoảng cách về mặt văn hóa. Như câu chuyện của thầy tôi, một nhà xã hội học nổi tiếng ở Hà Nội chia sẻ: Là con trai cả trong một gia đình có bố theo cách mạng. Sau 1954, bố tập kết ra Bắc. Nhưng do cấp bậc không cao nên bố chỉ được đưa một người con ra Bắc mà không được đưa cả gia đình. Ông là con trưởng lại là con trai duy nhất trong gia đình nên được theo bố tập kết. Còn mẹ và 3 cô em gái thì phải ở lại vùng địch tạm chiếm. Sau đó, một em gái lấy một chiến sĩ cách mạng, nhưng hai người em gái còn lại thì lấy hai cán bộ của chính quyền Sài Gòn. Khi quân đội Cộng hòa thắng thế truy đuổi thì người mẹ che dấu cha, con rể theo cách mạng. Sau này, khi quân cách mạng thắng thế thì người mẹ cũng phải chở che con rể của mình. Đất nước thống nhất, gia đình cũng căng thẳng, khó sum họp vì mấy anh em vẫn còn e ngại nhau. Phải mất nhiều năm, mối quan hệ gia đình mới cởi mở hơn và các anh chị em mới có thể sum họp dù vẫn có gì đó không thoải mái. Trong gia đình mà còn như vậy thì ngoài xã hội đương nhiên phức tạp hơn nhiều. Cái nhìn từ ý thức hệ chính trị, từ sự khác biệt văn hóa sau nhiều thập kỷ tiếp biến văn hóa vẫn khó mà san lấp được. Dù biểu hiện theo những cách khác nhau thì trong tâm thức mỗi người cũng có những khoảng trống khó vượt qua. Thế nhưng, thống nhất văn hóa dân tộc là điều kiện quan trọng, là nguồn lực cơ bản để phát triển đất nước. Và dù khó khăn, gian khổ thì vẫn phải làm cho bằng được. Đó cũng là quan điểm chính về văn hóa trong suốt một thời gian dài sau khi thống nhất đất nước.

Cần phải nhấn mạnh rằng thống nhất lãnh thổ, thống nhất hệ thống chính trị là nhân tố cực kỳ quan trọng, tạo điều kiện để tiến hành quá trình thống nhất về văn hóa. Bản chất của văn hóa là đa dạng. Đó là tính vùng miền, tính địa phương, tính cộng đồng tộc người hay các nhóm địa phương…. Vậy nên, thống nhất văn hóa được hiểu tương đối là đưa ra định hướng giá trị văn hóa cơ bản để xây dựng nền văn hóa nhưng đảm bảo giữ gìn và tôn trọng các giá trị văn hóa đặc trưng của các vùng miền, các tộc người… Điều đó được khẳng định các cương lĩnh về văn hóa là “thống nhất trong đa dạng và đa dạng trong thống nhất”. Và thực tế, hơn 4 thập kỷ qua chúng ta không ngừng thực hiện các chính sách để thống nhất nền văn hóa dân tộc. Sau khi thống nhất hệ thống chính trị, Việt Nam tiến hành thống nhất luật pháp, thống nhất ngôn ngữ chính, hệ thống văn bản, hệ tư tưởng chung và đặc biệt thống nhất hệ thống giáo dục. Đó là nền tảng để xây dựng nền văn hóa thống nhất.

Sự luân chuyển cán bộ giữa hai miền, xây dựng cơ cấu chính trị phù hợp nhằm phát huy được thế mạnh về nhân lực cũng như văn hóa của cả hai miền sau chiến tranh. Đặc biệt trong việc phát huy tinh thần dân tộc của người dân cả nước. Vừa kêu gọi, động viên mọi người vượt qua quá khứ để đoàn kết phục vụ dân tộc, vừa phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng của toàn thể người dân vào phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa cả nước nói chung cũng như các địa phương cụ thể nói riêng. Đảng và Nhà nước xây dựng những chính sách vĩ mô định hướng các giá trị cơ bản của văn hóa trong quá trình phát triển đồng thời tôn trọng bản sắc địa phương, bản sắc vùng miền. Sự thống nhất nền văn hóa là một quá trình cần nhiều thời gian và tâm sức. Và cho đến ngày nay, những vấn đề về văn hóa, về tâm thức con người giữa hai miền vẫn chưa hẳn đã hết. Tuy nhiên, những nỗ lực của Đảng và Nhân dân Việt Nam trong nhiều năm qua làm cho càng ngày, nền văn hóa dân tộc càng kết dính với nhau thành một thể thống nhất trong sự đa dạng. Nó vừa tạo động lực cho quá trình hội nhập và phát triển, vừa phát huy được sức mạnh tinh thần đoàn kết của con người Việt Nam vào xây dựng đất nước./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511669

Hôm nay

2332

Hôm qua

2336

Tuần này

22043

Tháng này

218542

Tháng qua

121356

Tất cả

114511669