Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống Mali Môđibô Câyta đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ngày 21/10/1964). (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, không có thầy giáo thì không có giáo dục, và không có giáo dục thì không có bất kỳ sự nghiệp cách mạng vẻ vang nào được thực hiện. Người khẳng định: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa” [1]. Đồng thời, Người nhấn mạnh rằng, đối với sự nghiệp phát triển đất nước, thì bất kể thời bình hay thời chiến, lúc nào cũng cần đến giáo dục, cần đến đào tạo cán bộ và phát huy vai trò của các nhà giáo. Trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ, thì giáo dục là khâu mở đầu. Tuy khâu mở đầu sự nghiệp “trồng người” này rất bình dị, thường nhật, nhưng nó rất cao quý và vô cùng vẻ vang. Người chỉ rõ: “Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu. Tuy không có gì đột xuất, nhưng rất vẻ vang. Không có tượng đồng bia đá, không có gì là oanh liệt, nhưng làm tròn nhiệm vụ là anh hùng, anh hùng tập thể” [2].
Trong tư tưởng của Bác, sự nghiệp trồng người được xác định rõ là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, nhưng người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ là nhà giáo. Họ chính là lực lượng then chốt, quyết định chất lượng giáo dục đào tạo. Vì lẽ đó, Người đã dày công xây dựng hệ thống quan điểm về những tiêu chuẩn, phẩm chất cần có của đội ngũ giáo viên dưới mái trường Việt Nam xã hội chủ nghĩa, gồm:
Một là, giáo viên cần phải không ngừng rèn luyện nhân cách, trau dồi đạo đức cách mạng.
Suốt cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của Đảng, của từng cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ những người làm nghề giáo. Đó không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, mà còn là nỗi bận tâm đau đáu của Người. Ngày 21/10/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống nước Cộng hòa Mali Môđibô Câyta đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tại đây, Người đã nói chuyện với các thầy cô giáo, sinh viên và cán bộ, công nhân viên của trường: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng” [3]. Trong bài viết “Sư hinh” đăng trên báo Nhân dân số ra ngày 9/7/1963, Người viết: “Sư hinh” nghĩa là đạo đức thơm tho của người thầy. Ngày xưa các cụ nhà nho ta hay dùng hai chữ ấy để khuyến khích những người làm nghề dạy học. Ngày nay, tuyệt đại đa số cô giáo và thầy giáo của chúng ta đều cố gắng trau dồi đạo đức cách mạng, làm gương mẫu tốt cho học trò và xứng đáng với hai chữ “sư hinh”. Nhưng vẫn còn một số (tuy là rất ít) thầy giáo kém đạo đức cách mạng, làm những việc vu vơ. “Con sâu làm rầu nồi canh”, hành động của họ vừa ảnh hưởng không tốt đến vinh dự cao quý của giáo viên khác, vừa ảnh hưởng xấu đến các em học trò” [4]. Với Hồ Chí Minh, trau dồi đạo đức cách mạng trở thành một nhiệm vụ tất yếu, tối quan trọng, là điều kiện “cần” và “đủ” mà tất cả thầy cô giáo đều phải hướng đến.
Hai là, giáo viên cần đề cao trách nhiệm nêu gương
Thực tế đã chứng minh, sở dĩ Chủ tịch Hồ Chí Minh thành công trong sự nghiệp giáo dục vĩ đại của mình là vì trước hết Bác là một con người chân chính, một người yêu nước, một người cộng sản, một nhà cách mạng, một nhà nhân văn đích thực, một con người xứng đáng nhất với danh hiệu con người. Nghiên cứu về cuộc đời của Hồ Chí Minh, có thể nhận thấy sở dĩ Nhân dân nghe Bác, tin lời Bác, đi theo Bác vì bên cạnh lời nói - phần nhiều rất giản dị, ngắn gọn - bao giờ cũng song hành là hành động, việc làm thiết thực và hiệu quả của Bác, cuộc đời của Bác cho Nhân dân, đất nước như một đảm bảo vững chắc, đầy sức thuyết phục.
Trong sự nghiệp giáo dục, Hồ Chí Minh cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của “nêu gương” - nêu gương từ chính bản thân của mỗi người thầy. Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi toàn miền Bắc (19/2/1959), Người nhấn mạnh: “Trẻ em hay bắt chước, cho nên thầy giáo, cán bộ phụ trách, v.v… phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm. Nếu các cô các chú bảo: “Các em phải siêng làm” nhưng các cô các chú lại đi ngủ, hoặc dạy “các em phải thật thà”, nhưng các cô các chú lại nói sai, hay bảo “các em phải giữ vệ sinh chung”, nhưng các cô các chú bẩn, như thế là không được. Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ là một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt”. Bác căn dặn: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu. Các cô, các chú phải nhận rõ trách nhiệm của mình” [5], vì vậy “thầy giáo phải gương mẫu, trực tiếp làm nhiệm vụ: Đào tạo những công dân tốt, những cán bộ tốt sau này, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội” [6]. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “nêu gương” trở thành một biện pháp, cách thức, nguyên tắc quan trọng trong giáo dục mà Người là “hình mẫu” lý tưởng. Giáo sư Trần Thanh Đạm đã rất có lý khi nhận xét rằng, “con người của Bác là sản phẩm ưu tú của dân tộc, của thời đại. Cho nên đối với dân tộc, đối với nhân loại, Bác là một tấm gương để noi theo, là con đường để đi theo” [7]. Dạy người bằng lời nói đi đôi với việc làm, tự mình làm việc đi đôi với lời nói, lời nói có việc làm và cuộc đời hậu thuẫn, điều đó làm nên sức mạnh, giáo dục kỳ diệu của Bác Hồ. Và đó cũng chính là tâm tư mà Người muốn gửi tới đội ngũ thầy, cô giáo trong sự nghiệp “trồng người”.
Ba là, người giáo viên phải thật sự yêu nghề, gắn bó, tận tâm, tận hiến với nghề; sẵn sàng đón nhận những nhiệm vụ mà Đảng và ngành giao phó.
Thực tế cho thấy, “yêu nghề” trở thành một phẩm chất tối quan trọng của bất cứ một ngành, một nghề nào, đặc biệt là nghề giáo. Bởi lẽ, sự nhiệt huyết, tận tâm, tận hiến của mỗi một thầy, cô giáo sẽ có sức lan tỏa tới cả một lớp học, khóa học, một thế hệ học sinh, sinh viên. Với Hồ Chí Minh, người đặc biệt nhấn mạnh sự “yêu nghề” trong hoạt động giáo dục: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất” [8].
Bên cạnh đó, Người đặc biệt chú trọng đến tinh thần trách nhiệm, dám đối mặt với khó khăn, thử thách, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ mà xã hội, Đảng giao cho các thầy, cô giáo. Người căn dặn: “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và Nhân dân giao cho” [9]. Đó là tinh thần trách nhiệm dành cho sự nghiệp giáo dục, mang tri thức tới cho các em học sinh, các thế hệ sinh viên; là nghĩa cử cao đẹp và sự dấn thân vì mục tiêu “trăm năm trồng người”.
Bốn là, giáo viên cần đặc biệt chú trọng đến phương cách, nội dung trong quá trình giáo dục
Theo Người, “Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở trong trường sẽ ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên, và tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà” [10]. Chất lượng và hiệu quả giáo dục không phải ở chỗ học nhiều, học vẹt, học thuộc lòng từng câu từng chữ, mà là giáo dục người học trở nên “những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em” [11]. Với mỗi thầy cô giáo, Người đặc biệt chú trọng đến tác phong, tư duy, cách truyền đạt tri thức cho học trò: “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn” [12]. Khi nói đến lộ trình, bước đi phù hợp, Hồ Chí Minh khuyên rằng “chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được” [13].
Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, trách nhiệm của mỗi người thầy trong sự nghiệp giáo dục, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến giáo dục đào tạo, luôn xác định giáo dục là “quốc sách hàng đầu”. Xuyên suốt nhiều kỳ Đại hội Đảng cũng như nhiều Hội nghị Trung ương, quan điểm “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” trở thành tư tưởng chỉ đạo mang tính chiến lược. Đặc biệt, từ thực tiễn đổi mới, Đại hội lần thứ XI (2011) của Đảng đã đề ra ba đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về nguồn nhân lực, với biện pháp trọng tâm là đổi mới giáo dục, đào tạo.
Trên tinh thần đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ra đời (Nghị quyết 29), khẳng định 7 quan điểm chỉ đạo nhằm thực hiện mục tiêu: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt... gắn với xây dựng xã hội học tập… xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc” [14]. Bên cạnh đó, Nghị quyết 29 xác định một số nhiệm vụ trọng tâm: “Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề”; “giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân”; “tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực”…
Kế thừa hệ thống quan điểm chỉ đạo đã có, Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu việc xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Đảng ta xác định rõ trong văn kiện: “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người” [15], trong đó nhấn mạnh: “Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” [16]. Những quan điểm trên của Đảng chính là trở về với triết lý giáo dục Hồ Chí Minh nhằm thực hiện thành công chiến lược trồng người - “những người hữu ích cho nước Việt Nam” như Hồ Chí Minh mong muốn.
Trên thực tế, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
Ngày nay, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tri thức đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải vật chất và nâng cao chất lượng cuộc sống thì giáo dục và đào tạo chính là chìa khóa cho sự thành công của mỗi quốc gia. Do đó, vai trò của người thầy lại càng quan trọng và yêu cầu đặt ra cho người thầy cũng ngày càng cao hơn về mọi mặt, vì vậy tư tưởng Hồ Chí Minh về người giáo viên càng có ý nghĩa và giá trị to lớn. Đây cũng là sự khẳng định sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo nói riêng trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Quan điểm Hồ Chí Minh xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo Việt Nam bao gồm nhiều nội dung sâu sắc, có giá trị bền vững, có ý nghĩa thực tiễn cấp thiết hiện nay. Để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà trong thời gian tới, đội ngũ nhà giáo cần phải quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng quan trọng này của Người. Trên cơ sở đó, mỗi nhà giáo không ngừng nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao chất lượng toàn diện cả phẩm chất và năng lực, thật sự xứng đáng là “Thầy giáo tốt”, Thầy giáo đúng nghĩa theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh - luôn coi trọng con người, coi trọng giáo dục, coi trọng đạo đức, lời nói đi đôi với việc làm, có tình có lý, tôn trọng, yêu thương, tin tưởng con người, tự rèn luyện mình để giáo dục người... Đó là những chân lý giản dị, tự nhiên, hoàn toàn có thể trở thành bí quyết thành công của mỗi người giáo viên hôm nay và mai sau.
Chú thích:
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.10, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.345.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.10, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.345.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.14, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.403.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.14, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.134.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.12, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.269.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.12, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.271.
[7] Xem Phan Văn Hoàng (2018), Hồ Chí Minh chân dung và di sản, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.249.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.14, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.402.
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.15, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.507.
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.120.
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.34.
[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.11, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.99.
[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.217.
[14] Ban Chấp hành Trung ương (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Hà Nội, tr.3.
[15] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr.136.
[16] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr.139.