Người xứ Nghệ

Lê Viết Thuật - người cộng sản kiên trung trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Lê Viết Thuật - Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ năm 1931, cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng, người con ưu tú của quê hương Bến Thủy. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí tuy không dài nhưng những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và Nhân dân ta vô cùng to lớn.

Chân dung đồng chí Lê Viết Thuật

Lê Viết Thuật (bí danh là Văn Mưu, Thanh Luyện, Túc, Nhiên, Danh) sinh năm 1902, trong một gia đình nghèo giàu lòng yêu nước tại phường Bến Thủy, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Không chỉ được sinh ra trên quê hương Bến Thủy giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, đồng chí Lê Viết Thuật còn là con cháu của dòng họ Lê Viết nổi tiếng.

Thân phụ của đồng chí Lê Viết Thuật là ông Lê Viết Hiến, vừa là một nhà Nho vừa là một thầy thuốc chuyên chữa bệnh cho dân nghèo. Thân mẫu là bà Phạm Thị Hai, một người phụ nữ chịu thương, chịu khó, luôn hết lòng vì chồng, vì con. Đồng chí Lê Viết Thuật là con trai cả trong gia đình có 8 anh em… Năm 14 tuổi, anh theo người lớn vào làm thợ trong Nhà máy Diêm. Hàng ngày, chứng kiến cảnh lao động khổ cực dưới làn roi vọt của chủ nhà máy, Lê Viết Thuật vô cùng căm tức, anh bắt đầu giác ngộ được ý thức giai cấp và dân tộc. 

Sau khi Hội Phục Việt ra đời, Lê Viết Thuật được kết nạp vào Hội và là hội viên của tổ chức Công hội. Anh hăng hái đi đầu trong các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực hàng ngày của anh em công nhân Nhà máy Diêm… Ngoài thời gian tham gia đấu tranh ở nhà máy, Lê Viết Thuật đã cùng các đồng chí Lê Mao, Nguyễn Phúc vận động Nhân dân phố Đệ Thập đấu tranh chống bọn hào lý, đưa người tiến bộ làm phố trưởng. Hoạt động sôi nổi một thời gian tại Nhà máy Diêm, anh tiếp tục được Công hội bố trí sang làm thợ nguội tại Nhà máy Cưa. Sau khi gây dựng được cơ sở cách mạng tại Nhà máy Cưa, anh lại được chuyển sang Nhà máy Xe lửa Trường Thi tiếp tục gây dựng phong trào. Căm thù bọn chủ xưởng, Lê Viết Thuật đã nhiều lần tổ chức công nhân bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm. Vì những hoạt động ấy, anh lại bị đuổi khỏi nhà máy.

 Năm 1929, các đồng chí Trần Văn Cung, Nguyễn Phong Sắc đã vào Nghệ An cùng đồng chí Võ Mai thành lập Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ, đặt trụ sở tại Làng Vang (nay thuộc phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh). Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đặc biệt chú ý phong trào công nhân Vinh - Bến Thuỷ. Nguyễn Phong Sắc đã gặp và chọn Lê Viết Thuật, Lê Mao, Lê Doãn Sửu làm nòng cốt để gây dựng tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng trong giai cấp công nhân. 

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Lê Viết Thuật nhanh chóng được kết nạp vào Đảng và được chỉ định vào Ban Chấp hành Tỉnh ủy Nghệ An, trực tiếp làm Bí thư chi bộ Nhà máy Xe lửa Trường Thi (ngày 20/3/1930). Với một nhà máy có hàng ngàn công nhân, việc xây dựng lực lượng và tổ chức phong trào cũng gặp không ít khó khăn nhưng dưới sự chỉ đạo của Lê Viết Thuật, phong trào đấu tranh của công nhân Nhà máy Xe lửa Trường Thi diễn ra rất mạnh mẽ.

 Đồng chí Lê Viết Thuật cùng các đồng chí Lê Mao, Lê Doãn Sửu đã chỉ đạo cuộc biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01/5/1930. Đây là cuộc biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động đầu tiên trong tỉnh và trong cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng “Lần đầu tiên trong lịch sử xứ ta, Công - Nông - Binh bắt tay nhau giữa trận tiền”. Tuy bị thực dân Pháp đàn áp nhưng nó đã tạo ra bước phát triển mới, là sự kiện mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh. Sau cuộc biểu tình này, không chỉ có phong trào đấu tranh của công nhân Vinh - Bến Thủy phát triển như vũ bão mà phong trào của nông dân ở các địa phương thuộc hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cũng diễn ra sôi nổi chưa từng thấy.

Trước tình hình phát triển của cách mạng, Xứ ủy Trung Kỳ đã cử đồng chí Lê Viết Thuật theo dõi diễn biến tình hình vùng Vinh - Bến Thủy, tổ chức các cuộc họp để bàn bạc kế hoạch ổn định tinh thần quần chúng, tiếp tục phát động đấu tranh trong nhà máy, xí nghiệp và vùng nông thôn, nhất là những nơi vốn có mâu thuẫn gay gắt giữa phe hộ và phe hào, đồng thời về các địa phương ở Nghệ An, Hà Tĩnh để kiểm tra và chỉ đạo phong trào đấu tranh của nông dân.

Từ khi bị bọn cai chủ theo dõi và bị đuổi ra khỏi Nhà máy Xe lửa Trường Thi vào cuối năm 1929, Lê Viết Thuật vừa làm công nhân khuân vác ở cảng Bến Thủy, vừa tích cực hoạt động cách mạng. Do hoạt động ở nhiều nhà máy, làm nhiều công việc khác nhau như: thợ Nhà máy Diêm, thợ cưa, thợ nguội, phu khuân vác trên địa bàn Bến Thủy, từng chạm trán với bọn mật thám nhiều lần nên Lê Viết Thuật bị chúng theo dõi ráo riết. Gia đình Lê Viết Thuật cũng thường xuyên bị theo dõi, lục soát. Chính vì vậy, Lê Viết Thuật đã nghĩ ra cách giả vờ say rượu rồi chết đuối để đánh lạc hướng mật thám, thoát ly hẳn gia đình để hoạt động. Sau sự việc này, Lê Viết Thuật được Xứ ủy phân công vào xây dựng phong trào ở Hà Tĩnh. Tháng 12/1930, đồng chí được bầu là Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ. Đây là thời điểm mà phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh cũng như trong cả nước đang đứng trước những thử thách ác liệt bởi chính sách “khủng bố trắng” của thực dân Pháp, nhiều cán bộ của các cấp bộ Đảng từ cơ sở đến Trung ương đã bị giết hoặc bị cầm tù.

 Trong thời gian các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Hồng Kông, Lê Viết Thuật trở về cơ quan Xứ ủy cùng các đồng chí Lê Doãn Sửu (Bí thư Khu ủy Bến Thủy), Nguyễn Phúc... chỉ đạo phong trào hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nhằm duy trì thành quả của chính quyền Xô Viết và đối phó với những âm mưu thủ đoạn mới của địch.

Từ tháng 4/1931, cán bộ lãnh đạo của Xứ ủy lần lượt bị hy sinh và bị sa lưới địch. Đồng chí Lê Mao hy sinh, Nguyễn Đức Cảnh và Nguyễn Phong Sắc bị bắt, Nguyễn Phúc bị sa lưới địch… Xứ ủy chỉ còn 4 đồng chí là: Lê Viết Thuật, Nguyễn Lợi, Mai Kính, Nguyễn Tiềm.

Trước sự khủng bố tàn khốc và âm mưu thủ đoạn xảo quyệt của địch, đồng chí Lê Viết Thuật - người đứng đầu Xứ ủy đã tìm mọi cách để hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của quần chúng, bảo vệ tổ chức Đảng, tổ chức đoàn thể cách mạng. Hầu hết các địa điểm trong nhà dân và cơ quan Xứ ủy đã đóng trụ sở đều bị địch dò la, khám xét. Chúng treo giải thưởng cao cho người nào bắt được Lê Viết Thuật và Nguyễn Lợi. Do vậy, có những lúc các đồng chí đã rơi vào tình trạng không nơi ẩn nấp. Nhưng nhờ tài xoay xở của đồng chí Nguyễn Thị Nình, một căn lán nhỏ đơn sơ lợp bằng lá tơi đã được dựng lên tại một nơi hoang vu rậm rạp với nhiều cây dứa gai sắc nhọn thuộc vùng Đệ Thập. Tại đây, Lê Viết Thuật đã ngày đêm soạn thảo nhiều bài viết cho báo Chỉ đạo của Xứ ủy, ra các chỉ thị, thông cáo quan trọng và giao cho đồng chí Lê Thị Vi (Vi Nình) chuyển đi các cơ sở Đảng.

Trước sự truy lùng gắt gao của kẻ thù, Lê Viết Thuật đã quyết định làm biến dạng khuôn mặt của mình để dễ bề hoạt động. Anh đã nhờ đồng chí Nguyễn Lợi ở lại sắc thuốc cho anh uống. Thuốc ngấm vào người, Lê Viết Thuật lên cơn sốt và toàn thân đau đớn dữ dội, anh phải nghiến chặt hai hàm răng chống chọi với những cơn đau. Ít lâu sau, khuôn mặt trẻ đẹp của Lê Viết Thuật đầy những vết rỗ, biến dạng hoàn toàn.

Từ khi đồng chí Nguyễn Phong Sắc bị bắt (03/5/1931), đồng chí Lê Mao bị bắn chết, đường dây liên lạc với Trung ương bị đứt, Lê Viết Thuật lo củng cố lại tổ chức Xứ ủy Trung Kỳ. Anh chủ trương phải bằng mọi cách liên lạc với Trung ương.

Cuối tháng 6/1931, Xứ ủy họp mở rộng và bầu bổ sung thêm 3 ủy viên là Phan Thái Ất, Lê Xuân Đào, Nguyễn Xuân Thanh. Như vậy, cùng 4 ủy viên cũ: Lê Viết Thuật, Nguyễn Tiềm, Nguyễn Lợi, Mai Kính, Xứ ủy có 7 đồng chí uỷ viên chỉ đạo phong trào hai tỉnh. Nhưng đến tháng 12/1931, đồng chí Phan Thái Ất, Nguyễn Xuân Thanh, Nguyễn Lợi, Nguyễn Tiềm đều bị bắt. Lê Viết Thuật phải chiến đấu trong tình trạng gần như “đơn thương độc mã” trước bối cảnh thoái trào cách mạng nhưng đồng chí vẫn không hề nao núng. Với mạng lưới giao thông còn duy trì được trong chừng mực nhất định, đồng chí vẫn ngày đêm chỉ đạo các địa phương cố gắng bảo vệ tính mạng, tài sản của quần chúng, bảo vệ những hạt nhân nòng cốt của cách mạng còn sót lại, để có thời gian sẽ phục hồi lại tổ chức và phong trào cách mạng.

Nhưng tiếc thay, cuối năm 1931 cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ bị lộ, đồng chí Lê Viết Thuật, người Bí thư Xứ uỷ cuối cùng bị sa vào tay địch. Bọn mật thám đã vây bắt đồng chí tại một túp lều ở giữa cánh đồng Trẻn, làng Hưng Dũng, thành phố Vinh. Biết mình không thể chạy thoát, Lê Viết Thuật đã nhai và nuốt vội một số tài liệu của Đảng, rồi vớ lấy cái chai đập mạnh vào đầu tự sát. Trong hồ sơ tù của đồng chí Lê Viết Thuật lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh có một bức điện tín của thực dân Pháp ngày 08/12/1931 với nội dung như sau: “… Lê Thuật ủy viên Đại biểu Ủy ban Trung ương tại Xứ ủy Trung Kỳ bị An ninh Vinh bị bắt cùng với 2 phụ nữ Giao thông vào 9 giờ sáng nay gần thành phố Vinh. Lê Thuật lãnh đạo rất quan trọng đã cố tình tự sát bằng cách đập vỏ chai rỗng nhiều lần. Tình trạng của y không nghiêm trọng. Phát hiện nhiều tài liệu, 19 vỏ đạn. Đang tìm súng ngắn.”

Sau khi bắt được Lê Viết Thuật, thực dân Pháp đã đưa anh vào giam tại Nhà lao Vinh. Dù sử dụng đủ mọi thủ đoạn mua chuộc và tra tấn dã man Lê Viết Thuật nhưng kẻ thù đã bất lực, không thể lay chuyển được tinh thần của người cộng sản kiên trung. Thực dân Pháp đã hèn hạ bắt người cha là thầy giáo Lê Viết Hiến vào Nhà lao Vinh để nhận mặt con, nhằm lung lạc tinh thần Lê Viết Thuật, tra tấn cực hình cả hai cha con trước mặt nhau. Chúng nghĩ rằng vì thương cha, Lê Viết Thuật có thể mềm lòng. Đứng trước người con trai bị đánh dập và tra tấn đến sưng vù mặt mũi, chân tay và thân hình bị biến dạng, ông Lê Viết Hiến đã nén cơn xúc động, mở mắt thật to để nhìn chằm chằm vào mắt của người con trai yêu quý rồi quay phắt sang nhìn bọn mật thám đang nóng lòng chờ đợi mà dõng dạc nói to rằng: “Người này không phải là con trai của tôi! Các ông đã nhầm rồi, con trai tôi là Lê Viết Thuật đã chết đuối ở sông Lam năm ngoái rồi. Tôi không biết người này là ai cả…”

Nghe vậy, bọn mật thám tức lồng lộn, cho bọn tay chân tra tấn, đánh đập tàn nhẫn ông ngay trước mặt đồng chí Lê Viết Thuật đến tàn phế, nhưng ông vẫn kiên quyết không nhận mặt con. Tinh thần chiến đấu và sức chịu đựng kiên cường của hai cha con đồng chí Lê Viết Thuật đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Tin đó được lan truyền khắp các phòng giam tại Nhà lao Vinh, làm cho tù chính trị rất khâm phục. Họ quyết noi gương và học tập, giữ vững lòng tin để khỏi sa ngã trước mọi âm mưu xảo quyệt của kẻ thù.

Sau một thời gian chịu đựng tra tấn và mọi thủ đoạn đê hèn của kẻ thù, đồng chí Lê Viết Thuật hy sinh tháng 3/1932 tại xà lim giám binh Nhà lao Vinh.

Được tin Lê Viết Thuật hy sinh, đồng chí Nguyễn Tiềm (nguyên Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Nghệ An, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ) đã làm bài thơ tiễn biệt:

“Nhớ ai, ai có nhớ ta không?

Ta nhớ người xa cách mấy trùng

Nhớ lúc luận đàm câu vận mệnh

Nhớ khi hò hét nợ non sông

Nhớ trăng in bóng lòng sông Cả

Nhớ gió lùa mây đỉnh núi Hồng

Càng nhớ, càng trông, càng thổn thức

Nhớ ai, ai có nhớ ta không?”

 

Sau này cụ Lê Thị Lục, em gái Lê Viết Thuật có kể lại lần cuối cùng anh mình trở về nhà gặp gia đình như sau: “Hôm đó, có một người bán nước mắm, cũng gáo dừa, cũng thùng, xin vào nhà nấu nhờ một bữa cơm. Nấu xong cơm, ông đặt cái mẹt ngồi ăn ngoài thềm, thỉnh thoảng lại ngước nhìn những người trong nhà. Thấy ông ăn cơm không có gì, người nhà đưa cho mấy con cá mu, cá ve. Ăn xong, ông trả mấy đồng bạc và nói rằng trả công cho gia đình vì đã cho ông trọ nhờ. Sau đó ông đi, mọi người trong nhà cứ ngờ ngợ nhưng không nghĩ ra. Mãi sau này mọi người mới biết đó chính là người con, người anh Lê Viết Thuật đã bí mật cải trang để trở về thăm lại bố mẹ, anh em sau nhiều tháng ngày thoát ly hoạt động cách mạng. Trước mặt gia đình, mặc dù tình cảm trào dâng nhưng Lê Viết Thuật vẫn cố nuốt nước mắt vào lòng, cố nén tình riêng để giữ vẹn lời thề trước Đảng, trước Nhân dân.”

Để làm tròn nghĩa vụ đối với quê hương, đất nước, Lê Viết Thuật và nhiều đồng chí khác đã phải hy sinh tất cả, kể cả những tình cảm gần gũi nhất như gia đình, cha mẹ, anh em. Nhưng chính môi trường khắc nghiệt của những năm tháng đất nước đắm chìm trong đau thương nô lệ đã rèn giũa, đã tôi luyện nên phẩm chất người chiến sĩ cộng sản, hình thành lý tưởng sống cho một thế hệ thanh niên Việt Nam vì mục tiêu đánh đuổi kẻ thù, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, dành cơm áo, ruộng đất cho Nhân dân.

Dù hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng tên tuổi, hình ảnh Lê Viết Thuật còn sống mãi với quê hương và trong lòng mỗi người dân xứ Nghệ, nhắc nhở mỗi chúng ta không ngừng nỗ lực, phấn đấu, vươn lên xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước. Tri ân những đóng góp của Lê Viết Thuật cho cách mạng, tên của ông đã được đặt cho nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, đường phố như: Xưởng cơ khí Lê Viết Thuật tại Thanh Chương (trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), đường Lê Viết Thuật và trường THPT Lê Viết Thuật tại thành phố Vinh. /.

(Bài đã đăng VHTT số 14 - Tháng 9/2024)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114552894

Hôm nay

231

Hôm qua

2265

Tuần này

2590

Tháng này

220437

Tháng qua

122920

Tất cả

114552894