Người xứ Nghệ

Nguyễn Khản - Quan thượng thư tài hoa

Ngày nay chúng ta chỉ còn biết đến Nguyễn Khản, là anh cả Đại thi hào Nguyễn Du và không còn biết đến tác phẩm thi ca nhà thơ một thời lừng lẫy, mỗi bài thơ ông làm ra ca kỹ, giáo phường đua nhau truyền tụng « Án phách tân truyền Lại bộ ca ». Gõ phách hát bài hát mới của quan Thượng Thư Bộ Lại Hành Tham Tụng. Chức vụ tương đương với Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ kiêm quyềnThủ Tướng ngày nay.

Một bậc công tử tài hoa, đỗ đạt sớm, tiếng tăm lừng lẫy, sành thơ Nôm, tài ứng đối khéo léo. Thế mà nay tài thi ca ấy đã bị lãng quên. Tác phẩm phần lớn bị thất lạc. Bài viết này góp nhặt lại những tác phẩm còn lại của Nguyễn Khản và những đoạn sách sử liên quan đến cuộc đời vị quan tài hoa này, là người anh nuôi nấng Nguyễn Du từ năm 12 tuổi, và ảnh hưởng lớn đến cuộc đời thi hào.

Nguyễn Khản sinh năm 1734. Con Quan Tư Đồ (Tể Tướng) Nguyễn Nghiễm(1708-1775) và bà vợ cả Đặng Thị Dương (còn có tên là Ôn). Quan Tư Đồ Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm có 8 bà vợ, 21 người con trong đó 12 người con trai. Theo tục lệ ngày xưa, vợ cả do cha mẹ cưới hỏi « môn đăng hộ đối », thường để làm dâu phụng dưỡng cha mẹ, cai quản gia trang nơi quê quán. Vợ thứ hai do bà vợ cả cưới cho chồng để làm bạn cho mình, bà cả hay ghen, nên thường cưới em gái mình cho chồng. Bà Đặng Thị Thuyết sinh ra Nguyễn Điều (1745 -1786) là em bà Dương. Hai bà đầu thường ở nơi quê nhà làng Tiên Điền để coi sóc gia trang, thờ tự. Bà Thuyết mất sớm, sau khi sinh, Nguyễn Điều được bà dì nuôi dưỡng. Từ bà thứ ba trở đi, mới thực sự là cụ Nguyễn Nghiễm tự cưới cho mình. Mẹ Nguyễn Du là bà thứ ba, bà Trần Thị Tần (1740-1778), là người được quan Tư Đồ yêu thương nhất, con người câu kế, giữ sổ sách quản lý gia đình. Bà ba thường được quan đem theo khi đi trấn nhậm các nơi, bằng chứng bà gần gủi với Xuân Quận Công là bà sinh con đông nhất, mẹ Nguyễn Du sinh 5 người con. Các bà khác chỉ một hai người con. (Điều này bác bỏ một số nhà nghiên cứu khác cho rằng, mẹ Nguyễn Du chỉ là thân phận lẻ, mọn, thấp kém trong gia đình). Bà Nguyễn Thị Tần quê làng Hoa Thiều, Bắc Ninh dòng dõi Tiến sĩ Trần Phi Chiêu (1549-1623), Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1589) làm quan đến Thượng Thư Bộ Hộ, kiêm Đô Ngự Sử tước Diên Quận công.

Nguyễn Khản đổi tên ba lần. Nguyên tên Khản. Năm 1760, tự đổi ra Hân. Năm 1767, chúa Tĩnh Vương cho tên Lệ. Năm 1778 lại tự trở lại tên Khản.

Nguyễn Khản lúc trẻ học thông minh. Đọc Nam Tống Sử, ông có bài thơ : Ngoài thành Nhưng Phàn cỡi ngựa vút làn roi. Là năm vâng lệnh đi tuần thú phương Bắc. Cây cối, bụi lùm là nơi bọn nghịch đảng, thảo khấu. Ba xứ Mân, bốn xứ Quảng là nơi tỏ rõ bản tính trời cho. Trên lầu cỡi mây nghe sầu thành mưa xuống. Giữa đình bên nước lệ tuôn thành dòng. Biện luận trang văn chương còn lại ít sức. Chỉ thừa chính khí làm bạc cả trời xanh.

ĐỌC NAM TỐNG SỬ

Nhưng Phàn thành ngoại vút roi song,

Vâng mệnh đi tuần thú Bắc phương.

Cấy cối bụi lùm nơi nghịch đảng,

Ba Mân, bốn Quảng tỏ lòng thiên.

Trên lầu mây nổi sầu mưa xuống,

Dưới nước trong đình lệ đẩm tuôn.

Biện luận văn chương còn lại sức.

Chỉ dư chính khí bạc trời xanh.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

ĐộC NAM TỐNG SỬ

Nhưng Phàn thành ngoại nhất nhung tiên,

Hữu thị hy khâm Bắc thú niên.

Bắc cối thiên lang lưu nghiệt đảng,

Tam Mân, tứ Quảng biến tình thiên.

Thế vân lâu thượng chung sầu vũ,

Chi thủy đình trung đảo lệ xuyên.

Phỉ biện văn chương tồn triệu lực.

Duy dư chính khí bạc trường thiên.

Mười bốn tuổi đã đậu Tam Trường. Nhân đi qua núi Dục Thúy, tuổi còn nhỏ chưa đạt đúng ý nguyện mình, ông đề thơ tỏ khí khái mình: Non nước này ở ta chưa nhận được công danh, ngày về (như Tô Tần lần đầu) còn mặc áo lông cừu cũ. Đường mây xanh thênh thang là chuyện năm khác. Thắng cảnh như trêu người buổi dạo chơi. Áo mặc nơi đất khách tùy theo vóc dáng gầy. Ngâm nga hoài như đuổi theo dòng nước êm chảy. Tuy nhiên còn nước biếc còn non xanh đó, Hãy xem ta như rồng bay, báo chạy buổi biến hóa thành đạt.

QUA NÚI DỤC THÚY

Non nước danh ta chưa nhận được,

Ngày về mặc áo cũ lông cừu.

Đường mây xanh đó còn năm khác,

Thắng cảnh trêu người buổi lãng du.

Áo khách mặc tùy gầy vóc dáng,

Ngâm hoài theo nước chảy luân lưu.

Xem ta nước biếc non xanh đó,

Rồng , báo tung bay buổi biến thu.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

QUÁ DỤC THÚY SƠN

Sơn thủy ư dư nhận đắc bất,

Quy lai do ỷ cựu điêu cừu.

Thanh vân đắc lộ tha niên sự,

Thắng cảnh trêu nhân thủ nhật du.

Lữ tụ dĩ tùy son cốt sấu,

Ngâm hoài án trục thủy thanh lưu.

Tuy nhiên thủy bích thanh sơn tại.

Khán ngã long tương báo biến thu.

Quả thật vài năm sau, hai mươi tuổi ông đậu Tứ Trường (Hương cống). 24 tuổi (1757), được phong chức Lại bộ Nguyên ngoại, tuyển dạy Lượng Quốc phủ cho con chúa là thế tử Trịnh Sum, và hai mươi bảy tuổi (1760) đậu Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ, Đệ nhị danh.. Phạm Đình Hổ bài Nhà họ Nguyễn ở Tiên Điền trong Vũ Trung tùy bút tr 174 chép: “Khi ông Khản đỗ, được tứ yến ở Lễ bộ đường, thì quan Tư Đồ là Nguyễn Nghiễm đương làm quan Lễ Thị, tự tay gài bông hoa mũ cho con. Thật là một sự hiếm có, đương thời truyền tụng “.

1760 được bổ làm Đốc Đồng xứ Sơn Tây.

1762 Mùa thu được cử làm Giám khảo Trường thi Hương Sơn Nam.

  1. Thăng Hàm lâm Hiệu lý Tiết chế Tĩnh quốc công.

1765 Thăng Thị Thư.

Năm 1767 Chúa Trịnh Doanh mất, Thế tử Trịnh Sâm lên nối ngôi, Ông càng được ưu đãi. Nhà ông ở gần hồ Kim Âu, xây dựng từ đời quan Tư Đồ Nguyễn Nghiễm, gọi là dinh Kim Âu, phía Nam chùa Bích Câu, phía Tây thuộc chùa Tiên Tích, nay ở phía Tây đường Hàng Lọng, gần ga Hà Nội. Chùa Tiên Tích nguyên là của bà Hoàng chính phi tiến cung nay còn nhưng thu bé lại. Hồ Kim Âu đã bị lấp nay khu vực đường Cát Linh, xóm Bích Câu ở chung quanh đền Tú Uyên. Phạm Đình Hổ , trong Vũ Trung Tùy Bút tr. 175 viết: “Khi chúa Trịnh Thịnh Vương (Trịnh Sâm) còn ở Lượng quốc phủ, thì ông Nguyễn Khản làm Phiên liêu, hàng ngày được vào hầu yến trong nội cung Thịnh Vương, thân thiết như bạn áo vải. “

“Năm Đinh Hợi (1767) chúa Trịnh Sâm thăng cho ông Khản làm Tri phiên liêu kiêm quản Nhất Hùng cơ, tước Kiều Nhạc hầu. Khi ấy trong nước bình yên vô sự. Thịnh Vương lại thích ngự chơi, lúc đi thưởng hoa, lúc đi câu cá., thế nào cũng có ông Nguyễn Khản cùng đi. Khi trở về, thì ông lại mặc áo chẽn tay hẹp ra vào nơi cung cấm. Nhà chúa đặc ban cho ông được đi lại ra vào, không khác gì quan nội giám. Khi chúa Trịnh thưởng ca, thường sai Nguyễn Khản ngồi hầu. Ông đội khăn lương, mặc thường phục, ngồi ngay bên cạnh, cầm chầu điểm hát. Những ngày rỗi, chúa Trịnh lên ngự chơi Hồ Tây, kẻ thị thần vệ sĩ, bày hàng buôn bán quanh cả bốn mặt hồ, nhà chúa chỉ cùng với bà Đặng Tuyên phi ngồi trên thuyền, mà Nguyễn Khản thì ngồi hầu ngang trước mặt, cùng thưởng lãm, cười nói, không khác gì bạn bè, người nhà. Trong cung có bày bể cạn, núi non bộ và cảnh hoa đá gì, đều phải qua tay ông Nguyễn Khản chăm sóc thì mới vừa ý nhà chúa. Nhà chúa lại thường sai ông đi sửa sang các hành cung ở Châu Long, Tư Trầm, Dục Thúy. Ông có tài đục nặn núi đá, vẽ vời phong hoa, nên thường được nhà chúa ban khen. Ông lại thích nghề hát xướng, sành âm luật, thường đặt những bài hát nhạc phủ ra làm điệu hát mới; viết xong bài nào thì những nghệ sĩ ngoài giáo phường tranh nhau truyền tụng. Ta có câu thơ rằng: Án phách tân truyền lại bộ ca (nghĩa là gõ phách truyền tụng bài hát mới của quan lại bộ) chính là chỉ việc ấy. Ông Nguyễn Khản khi làm quan, thường xin phép nghỉ ở nhà, chúa Trịnh có đưa bài thơ nôm rằng:

Đã phạt năm đồng bỏ lỗi chầu,

Lại phạt năm đồng bỏ thiếu câu.

Nhắn nhủ ông bay về nghĩ đấy,

Hãy còn phạt nữa chữa thôi đâu.

Vì khi ấy, buổi ngoại chầu và buổi ngự câu, đang lúc nghỉ, ông không tới hầu ngự được, nên đều bị phạt năm đồng. Nguyễn Khản có họa lại rằng:

Váng vất cho nên phải cáo chầu,

                Phiên chầu còn cáo, lọ phiên câu.

                Trông ân phạt đến là thương đến,

                Ấy của nhà vua chớ của đâu.

Chúa Trịnh Sâm lấy làm khen. Một ngày kia, trong nhà ông Nguyễn Khản bày cuộc yến tiệc., thiếu chè uống. Chợt quan Trung sứ có việc ra nhà ông, ông không kịp làm tờ khải, chỉ viết tay mấy chữ: “Thần Khản khuất trà nhất lạng “. Quan Trung sứ đem về dâng, chúa Trịnh ban cho một hòm chè.

Chúa Thịnh Vương thường ngự giá ra nhà Nguyễn Khản chơi, ông đi một chiếc thuyền nhỏ từ cừ Long Lâu ra hồ Tiên Tích rồi đến nhà Nguyễn Khản. Khi vào nhà chúa thăm hỏi cả đến vợ con, yêu mến Khản không ai bằng. Hồi ấy,(1769) con trai đầu lòng nhà chúa là Tông quận công (Trịnh Khài) ra ở học nhà quan Nội phó Nguyễn Phương Dĩnh. Ông Nguyễn Khản và ông Lý Trần Thản được sang làm quan tả hữu tư giảng. Sau Lý công mất, ông chuyên một mình làm chức tư giảng.”

1767 Thăng Đông Các đại học sĩ, kiêm Quốc Tử giám Tế tửu.

1768 Mùa thu Mậu Tý. Khâm sai Đề Điệu trường thi Hương Sơn Nam.

Tháng 10 năm Canh Dần 1770, chúa Trịnh Sâm đi tuần thú phía Tây Thanh Hóa, từng dãy núi, thắng cảnh đều có làm thơ vịnh, ông được sai đốc thúc thợ đục khắc thơ dựng nơi thắng cảnh và tu sửa Dục Thúy cung. Ông còn được giữ chức Đồn Điền sứ lộ Trường An, mộ dân đắp đê dài trị thủy. Mua thóc lúa dự trử ở kho Dục Thúy phòng mất mùa thiên tai. Tháng 12 được thăng Thiêm Đô Ngự Sử Đài.

Tháng 10 năm Tân Mão (1771), Quan Tư Đồ Nguyễn Nghiễm về hưu trí, ông được đưa cha về hồi hương. Nguyễn Du có làm bài thơ tả cảnh này. Tháng giêng năm Nhâm Thìn (1772) cụ Nguyễn Nghiễm được triệu trở lại chính phủ. Nguyễn Khản được thăng Phó Đô Đài Ngự Sử, Ngự Sử đài. tước Kiều Nhạc Hầu.

Tháng 9 năm Quý Tỵ (1773) Nhập thị Bồi Tụng, (chức vụ tương đương Phó Thủ Tướng cùng cha trong Chính phủ)

Tháng 9 Giáp Ngọ (1774) Thuận Hóa có loạn, ông chiêu dụ được chúng quy hàng.

Năm 1774, nhân đàng trong, chúa Nguyễn bị quyền thần Trương Phúc Loan chuyên chính. Tây Sơn nổi dậy từ năm 1771 chiếm cứ từ Quảng Nghĩa đến Bình Thuận. Chúa Trịnh Sâm phong Hoàng Ngũ Phúc làm Hữu Tướng Quân, Nguyễn Nghiễm làm Tả Tướng quân đem quân đánh lấy Phú Xuân. Quân Trịnh truyền hịch nói rằng quân Bắc chỉ đánh Trương Phúc Loan mà thôi chứ không có ý gì khác. Các quan chúa Nguyễn ở Phú Xuân bắt Phúc Loan đem nộp. Quân Trịnh thừa cơ đánh chiếm Phú Xuân.

Quân Trịnh đóng quân ở Châu Ô, giáp đất Quảng Nghĩa. Cụ Nguyễn Nghiễm có ghé thăm Miếu Quan Công ở Hội An, có đề thơ, bài thơ được khắc gỗ, cùng 2 bài thơ họa được lưu truyền đến ngày nay : Cơ đồ nhà Hán chông chênh, tỏ tấm thân khẳng khái. Anh em nơi vườn Đào cũng là vua tôi. Nêu tấm gương trung nghĩa ngàn đời. Chẳng kể anh hùng sức địch ngàn người. Tấm lòng hướng về Cao, Quang (dòng dõi Hán Cao Tổ nhà Hán, ý nói nhà Lê) mong giang sơn quy về một mối. Trong mắt nước Ngô, Ngụy, không còn chia làm ba. Câu thơ này ý nói về tình hình nước ta tam phân thời bấy giờ: Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn. Cho đến hôm nay vạn nước đều kính phục chiêm bái. Vời vợi nguy nga như vị thần trên biển.

ĐƯA QUÂN ĐẾN PHỐ HộI AN ĐỀ MIẾU QUAN PHU TỬ

Nghiêng đổ cơ đồ khẳng khái thân,

Đào viên huynh đệ cũng quân thần.

Tấm gương trung nghĩa lưu thiên cổ,

Chẳng kể anh hùng đánh vạn quân.

Lòng hướng Cao, Quang quy một mối,

Mắt nhìn Ngô, Ngụy chẳng ba phần.

Đến nay vạn nước cùng chiêm bái,

Vời vợi nguy nga vị Hải thần.

Nhất Uyên dịch thơ.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

SƯ ĐỂ Hội AN PHỐ ĐỀ QUAN PHU TỬ MIẾU

Niết ngột viêm đồ khẳng khái thân,

Đào Viên huynh đệ tức quân thần.

Trực tương trung nghĩa sư thiên cổ,

Vô luận anh hùng địch vạn nhân.

Tâm thượng Cao Quang hoàn nhất thống,

Mục trung Ngô, Ngụy thất tam phân.

Chí kiêm vạn quốc đồng chiêm phụng,

Phỉ trực nguy nhiên Hải thượng thần.

Cảnh Hưng năm 36 (1775) Tiến sĩ Khoa Tân Hợi . Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu. Phụng sai Tả Tướng quân. Nhập thị Tham Tụng Hộ Bộ Thương thư, Tri Đông Các kiêm Trung Thư giám Tổng tài, Đại Tư Đồ trí sĩ khởi phục Trung Tiệp quân Quản chưởng Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm, Hy Tư viết.

Tháng 1 Ất Mùi (1775) Nguyễn Khản làm việc tại Nghệ An kiêm Tham lĩnh Châu Bố Chính, huy độong phú hộ góp thóc giúp quân.

Năm 1775 quân nhà Trịnh bị dịch chết nhiều. Quan Tư Đồ Nguyễn Nghiễm cũng bị lây nhiễm. Nguyễn Khản phải đưa cha về làng Tiên Điền điều dưỡng, ông mất cuối năm ấy, Nguyễn Khản xin ở nhà lo việc tang cha.. Tướng Hoàng Ngũ Phúc cũng lâm bệnh, ông xin chúa Trịnh Sâm rút về giữ Thuận Hóa. Trịnh Sâm thuận cho. Hoàng Ngũ Phúc về đến Vĩnh Dinh, Nghệ An thì mất. Chúa Trịnh sai Bùi Thế Đạt vào thay và sai Lê Quý Đôn vào làm Tham Thị cùng giữ đất Thuận Hóa.

Các chúa Nguyễn bỏ trốn, Thái Thượng Vương và Tân Chính Vương nhà Nguyễn bị Tây Sơn Nguyễn Huệ bắt và giết đi, chỉ còn người cháu Thái Thượng Vương là Nguyễn Phúc Ánh 17 tuổi chạy thoát lại xưng vương. Năm 1777 nhà Trịnh phong Nguyễn Nhạc làm Quảng Nam trấn thủ, Tuyên úy đại sứ, Cung quận công. Nhưng năm sau Nguyễn Nhạc lại xưng đế hiệu tại thành Đồ Bàn. Thế cục chân vạc chia ba, một giai đoạn lịch sử được Ngô Văn gia phái viết thành Hoàng Lê Nhất Thống Chí hấp dẫn gây cấn không kém gì Tam Quốc Chí củaTrung Quốc.

Năm 1778, Nguyễn Khản được phong tước Hồng Lĩnh hầu và sai trấn thủ Sơn Tây. Bấy giờ có viên phụ đạo vùng Tụ Long tên là Hoàng Văn Đồng nổi loạn xưng vương. Tụ Long là nơi sản xuất đồng rất tốt. Đời Lê có bia biên giới ở phía Bắc xứ ấy. Khi Pháp chiếm Bắc Kỳ, quân Thanh cũng thừa thế chiếm Tụ Long. Nay Tụ Long thuộc Vân Nam ở phía Bắc Hà Giang. Tĩnh Vương ủy toàn quyền cho ông coi các trấn Tuyên Quang, Hưng Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn; thống lĩnh các đạo quân đi dẹp giặc. Tháng tám, kéo quân lên đóng đồn Ngọc Chúc, rồi ngược bờ sông Cháy, đến địa phận Tụ Long. Hoàng Văn Đồng chia quân giữ các chổ hiểm. Ông sai em là Nguyễn Điều đi xuyên qua đất Thanh, đánh tập hậu. Giặc bèn tan nhưng Hoàng Văn Đồng chạy thoát.. Cuối năm Kỷ Hợi (1779) mẹ ông là bà Đặng Thị Dương mất tại Thăng Long. Ông bèn xin rút quân về nghỉ. Chưa được ít tháng thì vợ ông bà Đặng Thị Vệ cũng mất luôn.

1780 cùng em là Trung Đình Công Nguyễn Điều trấn thủ Tuyên Quang.

Năm 1780, Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh xin về trí sĩ, ông có bài thơ xướng,(xem bài Nguyễn Huy Oánh bậc thầy thi ca thời Lê Trung Hưng cùng tác giả) được 76 danh sĩ đương thời họa lại, bài thơ họa của Nguyễn Khản cho ông thông gia là một bài Đường luật thuận nghịch đọc, một bài thành hai. (Con cả quan Thám Hoa là Nguyễn Huy Tự, tác giả Hoa Tiên lấy trưởng nữ Nguyễn Thị Bành sinh hai trai Tuấn, Kiệt, khi bà Bành mất năm 1773 , ông tục huyền với thứ nữ Nguyễn thị Đài sinh 9 trai, 4 gái con cả Nguyễn Huy Phó (1765-1838) đậu Giải Nguyên. Con thứ Nguyễn Huy Hổ (1783-1741) tác giả Mai Đình Mộng Ký.

Bài thơ đọc xuôi có nghĩa: Hàng hàng các quan lại trong triều hợp thành các ban, Ông đức và tuổi đều tôn quý, gọi là đạt trong đời. Khóm cúc điểm vàng ghế hoa thanh tịnh. Nhành mai rắc phấn song trăng nhàn nhã. Lầu hương bói được điềm lành, là nơi tụ họp của lân phượng, Gác tía truyền dạy sách vở, hội họp các loài chim loan, chim thước. Căng hay chùng cái lý đã rõ, giục giã kẻ ấn đạt chốn quan trường. Cái đạo ở La San quả gốc rễ bề thế vững vàng.

Đọc ngược: Núi La nơi bậc quân tử đạo gốc rễ vững bền. Về ở ẩn hay làm quan đều thành đạt như dây lúc thẳng lúc chùng. Cùng với chim loan, chim thước được điều hay nơi gác tía. Cùng với chim phượng chim loan bậc quyền quý danh tiếng nơi lầu hương. Bên khóm mai vàng trăng sáng lúc hưởng nhàn, Lúc ngồi bên khóm cúc vàng lòng thanh tịnh. Thế gian đều trọ ng ông tuổi và đức. Ông được ban thành đạt ngôi thứ cao trong triều đình.

 

HỌA THƠ THÁM HOA NGUYỄN HUY OÁNH

Đọc xuôi:

Vương triều đẳng liệt cộng liên ban,

Đức thả niên tôn đạt thế gian.

Hoàng điểm cúc triền hoa kỷ tịnh,

Phấn trang mai lý nguyệt song nhàn.

Hương lâu thụy chiếm đô lân phượng,

Tử các thư truyền hợp thước loan.

Trương thỉ lý minh suy lại ẩn,

Đường bản thể đạo La Sơn.

Đọc ngược :

Sơn La đạo thể vốn đường đường,

Ẩn lại suy minh lý thỉ trương.

Loan thước hợp truyền thư các tử,

Phượng lân đô chiếm thụy lâu hương.

Nhàn song nguyệt lý mai trang phấn,

Tịnh kỷ hoa triền cúc điểm hoàng.

Gian thế đạt tôn niên thả đức,

Ban liên cộng liệt đẳng triều vương.

Bản dịch thơ Đường luật thuận nghịch đọc của Nhất Uyên

HỌA THƠ NGUYỄN HUY OÁNH

Đọc xuôi :

Vương triều ngôi thứ họp thành ban,

Đức trọng tuổi cao đạt thế gian.

Thanh tịnh ghế hoa hoàng cúc điểm,

Tản nhàn trăng sáng phấn mai vàng.

Lầu hương điềm tốt cùng loan phượng,

Gác tía điều hay được thước loan.

Chùng, thẳng đạt thành quan với ẩn,

Bền sâu gốc rễ đạo La Sơn.

Đọc ngược :

Sơn La đạo rễ gốc sâu bền,

Ẩn với quan thành đạt thẳng chùng.

Loan thước được hay điều gác tía,

Phượng loan cùng tốt điềm lầu hương.

Vàng mai phấn sáng trăng nhàn tản,

Điểm cúc hoàng hoa ghế tịnh thanh.

Gian thế đạt cao tuổi trọng đức,

Ban thành hợp thứ ngôi triều vương.

Chú thích:

La Sơn là huyện quê Nguyễn Huy Oánh, Cụ Nguyễn Thiếp (1723- 1804) cùng quê được xưng tụng là La Sơn Phu tử.

Địa vị ông đang vững vàng, bạn thân của chúa Trịnh Sâm, và thầy dạy của thế tử Trịnh Tông. Bổng dưng thời vận ông gặp lúc đen đủi. Chúa Trịnh Sâm mê bà Tuyên phi Đặng Thị Huệ, sinh con trai là Trịnh Cán (1777). Dựa vào thế viên tả tướng Hoàng Đình Bảo, Đặng Thị Huệ khuyên chúa bỏ Trịnh Tông lập Cán lên làm thế tử năm 1780.

Nguyễn Khản và Nguyễn Khắc Tuân có ý bênh Tông. Khản ra trấn Sơn Tây, Tuân trấn Kinh Bắc đều có ý dự bị binh lực để đối phó Hoàng Đình Bảo khi chúa Trịnh Sâm mất. Âm mưu bại lộ vì Ngô Thời Nhậm. Cho nên Nguyễn Khản và Nguyễn Khắc Tuân đều bị giam. Lê Quý Đôn tra xét vụ án, các can phạm trong vụ án này đều bị giết.. Chỉ có Nguyễn Khản, chúa nghĩ tình cũ tha cho, bắt an trí nhà Châu quận công. Ông làm khúc tự tình bằng thơ Nôm, kể lại nỗi lòng, Chúa Trịnh đọc bài này dần dần bớt giận.

Bài Tự Tình Khúc của Thượng Thư Nguyễn Khản, có trong sách Quốc âm phú lưu giữ ở Thư viện Đông Phương bác cổ Paris mục Thuật hoài phú. GS Hoàng Xuân Hãn trích dẫn trong Chinh phụ ngâm bị khảo tr. 47, 48.

TỰ TÌNH KHÚC

Dặm nghìn cách diễn, – Lòng tấc cẩn phong.

Chốn tĩnh viện gửi lời cặn kẽ ; – Bức vân tiên bày sự thủy chung.

Bút châu cơ thảo chữ châu cơ, đỡ nỗi mặt từng khuất mặt, – Lời vàng đá đưa nơi vàng đá, dầu ai lòng lại hay lòng.

Tưởng từ :

Thanh điểu tin trao, – Hoàng oanh duyên quyến.

Thú Lam Kiều gió phận thoảng đưa; – Cung Đằng Các lửa hương chắp bén.

Đây đấy đường xe tơ đỏ, bức cẩm bình đòi thủa mây mưa. – Thốt thề hổ có vừng hồng, đường hòe lộ mấy lần oanh yến.

Những ngỡ:

Duyên ưa giải cấu, – Phận đẹp chung kỳ.

Cung đan quế nhờ tay bẻ quế; -Sự bất kỳ nên nghĩa tương kỳ.

Duyên cải kim nhờ nước ngự câu, lá thắm gửi đưa ả Thúy. Nghĩa giao tất mượn tay Nguyệt Lão, tơ hồng vất vít họ Vi.

Vách trúc dầu mặc người xạ trước. – Phòng hương sao cấm kẻ khiên ti.

Nhà lan huệ rủ áo chen vai, mặt đối mặt phỉ nguyền ao ước. – Thềm Tôn Tử đan tay sánh bước, lòng hay lòng bõ thuở vân vi.

Chín nguồn cạn, đã nguyền thiên tải.- Ba kiếp vui, há chỉ một thì.

Thuyền nhẹ khen ai quyến nguyệt hồ.

Mơ màng dường tưởng tới non Vu.

Mới hay xuân chiếng hoa gần điệp

Gạn hỏi trăng kia dễ cấm ru ? …

Xem trên chúng ta thấy văn chương ông đài các, chải chuốt nhẹ nhàng. Chúa Trịnh Sâm là vị chúa yêu văn chương sáng tác nhiều thơ Quốc âm, đọc bài Tự Tình Khúc chắc cũng cảm phục thương tài, nghĩ tình bạn cũ, biết rõ nỗi lòng trong sáng của ông nên không giết, cũng không ép ông tự vẫn. Thời gian 1780-1783, Nguyễn Du mất nơi nương tựa khi anh cả bị giam lõng. Nguyễn Du đã về Tiên Điền, Hồng Lĩnh học với chú là Nguyễn Trọng. Trong các bài thơ tặng Thực Đình, người bạn học tại Hồng Lĩnh, Nguyễn Du có nói đến mình ở cùng học với bạn trong thời gian này.

Có lẽ trong thời điểm ba năm bị tù này, Nguyễn Khản rảnh rỗi để dịch Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn phân vân không biết chính xác bản nào, ngày nay Viện Hán Nôm đã tìm được văn bản chính là bản F, có đề tên tác giả Thượng Thư Nguyễn Khản.

GS Hoàng Xuân Hãn đã lưu ý vế 137 No trông gốc bể bên trời, giống Mai Đình Mộng Ký cuả Nguyễn Huy Hổ và 106 Như nung gan sắt như mài lòng son, giống Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du. Bài thơ có rất nhiều chữ cổ đánh dấu * nhiều chữ ngày nay không còn dùng, Gs Hoàng Xuân Hãn đã thiết lập một tự điển trong Chinh phụ ngâm bị khảo để đọc các chữ này. Thật thú vị khi đọc được những chữ cổ thời Lê – Trịnh, đó là một đề tài thú vị cho một luận án Tiến Sĩ cần nghiên cứu chữ Nôm qua các thời đại.

 

CHINH PHỤ NGÂM KHÚC

NGUYỄN KHẢN DIỄN CA THƠ ĐẶNG TRẦN CÔN

Long phi chăm chắm ngôi trời,                                 1

Sửa trong chính giáo, dẹp ngoài đề phong.

Dẩy* xe, nảy* việc đổng nhung,

Cổ bề* sấm động, hịch lông sao truyền.

Trượng phu nắng nỏ* cung tên,                                             5

Chăm bề quốc sự gác bên khuê tình.

Vĩ Kiều dục thuở đăng trình,

Nước xanh lai láng, cỏ xanh rậm rầu*.

Tiễn đưa treo một gánh sầu,

Con thuyên chỡ nặng, vó câu nhẹ bồn*.                             10

Cẩm bào sùi sụt nỉ non,

Gót vàng còn bận, chén son nỡ lìa.

Áng công danh, quyết chí thề,

Lâu Lan bủa lưới, Man Khê tiêu đòng*.

Long tuyền một cán vẫy vùng,                                 15

Ngựa ô mây quẹn *, áo hồng sương xuyên.

Tất gang, xẩy phút dặm nghìn*,

Bên đường, ngại kẻ băng miền, xót xa.

Lá cờ trông đã xa xa,

Nào là Tế Liễu, nào là Trường Dương.                   20

Dàu dàu ngọn khói cành sương,

Liễu dương có thấu đoạn trường này không ?

Kẻ đi mưa gió mịt mùng,

Kẻ về, chăn chiếu lạnh lùng phòng hương.

Tất niềm vò võ đôi phương,                                     25

Hàm Dương chàng ngóng, Tiêu Tương thiếp ngừng*.

Tiêu Tương, khói toả nghìn từng,

Hàm Dương, cây cũng ngất chừng thẳm sâu.

Xanh xanh nọ khóm ngàn dâu,

Nỗi chàng, nỗi thiếp, đong sầu nhường bao.    30

Cõi ngoài từ diễn* âm hao,

Nước non chưa biết chốn nào ngụ nương.

Xưa nay, ở áng chiến trường,

Đã đành gối bác *, nằm sương dãi dầu.

Ít nhiều cơm ống nước bầu,                                      35

Trạng* chinh phu ấy, ai hầu vẽ nên.

Cách chừng chướng vụ, lam yên,

Bên đường ngại kẻ băng miền biết sao.

Đông Tây từ trỏ ngọn đào,

Ruổi rong chưa biết trận nào thu công ?             40

Xưa nay mấy kẻ anh hùng,

Mũi tên hòn đạn, đột xung những liều.

Bút nghiên đổi lấy cung đao,

Thuở vào ải Ngọc, chàng Siêu đã già.

Dưới cờ, trên ngựa xông pha,                                  45

Nỗi chàng, nỗi thiếp, ai hoà* nhỏ to.

Thiếp đành nương cửa vò vò,

Chàng sao lặn lội trình đồ cho quen ?

Ngán thay cùng bạn thiếu niên,

Quan sơn nỡ để hàn huyên bao đành.                 50

Thuở ra, liễu chửa chiệu* oanh,

Tiếng quyên, rằng hẳn đinh ninh độ về.

Bao ngờ quyên đã dục hè,

Ngày chày ánh ỏi* cầm ve góc tường.

Thuở ra, mai chửa chan* sương,                            55

Hỏi kỳ, rằng hẳn độ sang đào hồng.

Bao ngờ đào đã tàn bông,

Mai già, thoát đã phù dung lại vừa.

Lũng Sầm khi đợi ban trưa,

Tư* bề thôn vắng, lọn * giờ chim kêu.                  60

Hán Dương, khi đợi ban chiều,

Hàn Giang nước dẫy * cửa triều phôi pha.

Thẩn thơ tháng lọn ngày qua,

Lương nhân vắng đấy, ai là kẻ hay.

Chỉ ngân, nhẫn thiếp đeo tay,                                  65

Trâm đầu, ngọc thiếp xưa nay giữ giàng*.

Hán soa* của thiếp hồi trang,

Gương Tần của thiếp cùng chàng soi chung.

Mượn ai đưa đấy cho cùng,

Tỏ lòng chếch mác*, ngụ lòng khát khao.                           70

Thấy hồng thì tưởng thư trao,

Nghe sương thì vội cẩm bào chăm chăm*.

Xót người viễn thú xa xăm,

Chăn chiên tuyết lọt, trướng hầm sương in.

Mở phong thư gấm đòi * thiên*,                                                           75

Bói tiền gieo, lại nửa tin, nửa ngờ.

Hoàng hôn, trước chái thẩn thờ,

Trăng tròn, gối chếch, lần mơ giấc hòe.

Biếng cài, búi* rối dường xe,

Xiêm nghê lỏng lẻo, mình ve võ vàng.                                  80

Êm nềm* rủ bức mành tương,

Ngày mong tin thước, đêm nương bóng đèn.

Gượng làm quên, lại chẳng quên,

Mối sầu năm diễn, mạch phiền bể khơi.

Đài gương gượng ngắm khi rồi *                                            85

Thờ ơ trâm ngọc, đồi hôi mặt duềnh.

Lò vàng gượng đốt đêm thanh,

Hồn tiên mấy giống vẩn quanh khói trầm.

Càng buồn, mong gảy khúc trầm,

Phím loan lai láng, tri âm lại đành.                                        90

Càng buồn mong gảy khúc tranh,

Nước non sầu nặng e mành dây uyên.

Niềm riêng khôn mượn gió truyền,

Càng phen xúc cảnh, càng phen động lòng.

Chiều cổ thụ, dọt hàn song,                                                      95

Đã dương búa tuyết, lại đồng cưa mưa.

Sương bay sớm ác về trưa,

Dế kêu kẽ vách, kềnh đưa chái nhà.

Phất phơ ngọn chuối ban tà*,

Trướng mai gió lọt, thềm hoa nguyệt lồng.                        100

Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng,

Tủi hoa thẹn nguyệt tất lòng đăm đăm.

Chiều ai biếng chỉ biếng châm.

Biếng dồi, biếng điểm, biếng ngâm, biếng cười.

Nương song, thở vắn, thở dài,                                                                105

Như nung gan sắt, như mài lòng son.

Giấc nào thẳng, bữa nào ngon,

Hâm sầu làm thuốc, nấu buồn làm thang.

Chơi hoa hoa cũng bẽ bàng,

Dã dề cùng rượu, rượu càng lạt hơi.                                      110

Vì chàng chiếc bóng lẻ loi,

Vì chàng đũa ngọc* sụt sùi đòi nau*.

Trướng chàng nào thiếp đến đâu,

Khăn chàng nào thiếp nhuốm thâu dọt nào.

Đêm đêm luống những chiêm bao,                                        115

Ở ăn Lũng Thủy, ra vào Hàm Quan.

Say sưa bên gối dưới màn,

Khi mê dường có, khi tàn lại không.

Tin chàng, còn một tấm lòng,

Đăm đăm đã nhớ thì* trông lần lần.                                     120

Trông chàng, diêu vợi* giang tân,

Cỏ yên xanh ngắt, dâu Tần lục om.

Cô thôn, khói tỏa đòi* chòm,

So le trận nhạn về Nam tà tà.

Trông chàng, dịch lộ xa xa                                                         125

Mây tuôn non Thục, khói loà bể Ngô.

Ngắt xanh đội lúa mù mù,

Địch đâu lầu Bắc líu lo thét* dài.

Trông chàng, cây quạnh, lá rơi,

Bên khơi mai ngả, góc trời cỏ bay.                                         130

Ngàn Đông quanh quất khói xây,

Con chim bạt gió ấp cây ẻo* sầu.

Trông chàng, sông uốn dường câu,

Về xa thấp thoáng, thuyền đâu hôm chèo.

Tùng, thu, mấy gốc đìu hiu,                                                      135

Trời Tây khách quạnh*, như trêu sầu người.

No* trông gốc bể bên trời,

Ai du muôn dậm biết vời là đâu.

Gieo khăn* chỉn cậy chước mầu,

Có đường khôn rút, có cầu khôn thông.                                              140

Non non nước nước trùng trùng,

Nầy lòng kẻ nhớ, nào lòng người xa.

Hướng dương, lòng thiếp dường hoa,

Lòng chàng lẩn thẩn dễ tà bóng dương.

Bóng tà thấm thoát thoi vàng,                                                145

Đóa hoa nỡ để tuyết sương nên gầy.

Nhìn xem đuôi Đẩu vần xoay,

Duềnh Ngân mờ tỏ, đóa mây lạt nồng.

Càng năm càng lạt má hồng,

Trượng phu sao hãy long đong quê người.                        150

Khi sao hình ảnh chẳng rời,

Khi sao bở ngỡ cách vời Sâm Thương.

Gió xuân phảng phảng đưa hương,

Duyên nào Ngụy Tử, Diêu Hoàng sánh nhau.

Trăng thu vằng vặc in lầu,                                                         155

Phận nào ả Chúc, chàng Ngâu lại vầy.

Phòng không luống phụ đòi* ngày,

Phiền xuân chưa vợi, lại đầy sầu thu.

Sầu nên một mối tơ vò,

Rười rười* thêm tiếc phận bồ thiết tha.                                               160

Tiếc xuân xanh, nỡ để qua,

Gái tơ mấy phút sẩy ra nạ dòng*.

Tưởng khi cầm sắc vui chung,

Góc son cợt phấn, lầu hồng chiệu* hương.

Vì đâu nên nỗi đa mang,                                                            165

Nghĩ mình bao nả, thương chàng bấy nhiêu.

Kìa xem đôi én dập dìu,

Trọng mùa ríu rít sương siu* đầu rường.

Kìa xem hai cái uyên ương,

Bãi Tần chắp cánh bày hàng với nhau.                                170

Đòi * thời thảo mộc biết đâu,

Liền cành có liễu, liền đầu có sen,

Ước sao như vậy bằng nguyền :

Được vầy * cánh nọ, được liền cành kia.

Thôi thôi ấm lạnh quản gì,                                                         175

Thế tình khi hợp, khi li sự thường,

Khuyên chàng săm sắn tuyết sương,

Khuyên chàng hai chữ cần vương vẹn tròn.

Biển vàng chói chói đề son,

Chàng nên danh giá, thiếp còn trẻ trung.                           180

Nay mừng trăm trận thu công,

Truyền tên ải Bắc, treo cung non Đoài.

Khải ca lừng lẫy trong ngoài,

Tiệc dâng bệ Hán, thơ bài non Yên.

Đồng hưu rạng chép thẻ quyên*,                                           185

Danh thơm gác Phượng, dấu truyền đền Lân.

Chàng đà gặp hội phong vân,

Phần vinh thiếp cũng được nhuần ơn sang.

Vì chàng, cổi áo vội vàng,

Vì chàng, lần chuốc chén vàng vơi vơi.                                 190

Vì chàng, trang điểm tốt tươi,

Vì chàng, chải chuốt, rũ hơi phong trần.

Trước sau mấy nỗi ân cần,

Dã lòng cựu thoại, hoán niềm tân thanh.

Bõ khi chàng mãi công danh,                                                   195

Bõ khi thiếp luống một mình đêm thâu.

Đã mừng duyên sánh bạc đầu,

Lại mừng gia nghiệp cơ cầu y quan.

Đã mừng trên đội đức Càn,

Lại mừng nước trị, nhà an đời đời.                                         200

____________

Chú thích :

  1. Long phi : rồng bay. Trỏ vua trị vì.
  2. Đề phong: đất vua phong cho chư hầu.
  3. Cổ bề: trống quân bộ và trống quân kỵ

Sao truyền: truyền gấp do chữ Tinh trì: trong đêm tối cũng cưỡi ngựa chạy chóng.

  1. Khuê tình: Lòng nhớ vợ
  2. Rậm râu: rậm rì
  3. Chướng vụ lam yên: mù và hơi nước trong núi.
  4. Ngọn đào : Cờ đỏ
  5. Cửa vò vò: tức là khuê, trỏ cửa nhỏ, phía trên bán nguyệt vào phòng đàn bà.
  6. Chiệu: đùa ghẹo
  7. Kỳ: buổi hẹn
  8. Lương nhân: Tiếng vợ dùng chỉ chồng mình.
  9. Hồi trang: của con trai tặng con gái lúc cưới.
  10. Chếch mác : lẻ loi.
  11. Hầm : hùm (cọp, khái, hổ)
  12. Phong : bì thơ.
  13. Búi : tóc buộc thắt lại thành một nắm.
  14. Rồi : rỗi, không có việc gì làm.
  15. Đồi hôi : Hôi đồi trong Kinh Thi. Nghĩa là ốm lã, không còn chí khí phấn khởi.
  16. Càng cũng đọc là gượng.
  17. Hàn song : cửa sổ vắng vẻ
  18. bản A PHI. Sương như búa, đẽo mòn gốc liễu. Mưa dường cưa, xẻ héo cành ngô.99. Ban tà : buổi chiều tà
  19. Chiều : bộ dạng. Châm : kim
  20. Dã dề : thỏamãn sở thích.
  21. Thì : rồi.
  22. So le : không đều.132 : Ẻo viết chữ Yêu: nghĩa là kêu than, nguyền rủa.
  23. Ải du dịch chữ Du tái. Nghĩa là chỗ hiểm qua biên thùy. Xưa thường trồng cây du để ngăn đường qua lại.

Hướng dương : quay về mặt trời (hoa quì xoay mặt vào mặt trời. trỏ lòng trông ngóng, hâm mộ)

  1. Rười rười. Trỏ bộ buồn lắm
  2. Sương siu : vấn vít, bịn rịn ; Lưu Hương Ký, Hồ Xuân Hương bài Cảm cựu.. : « Biết còn mảy chút sương siu mấy »

171 Loài thảo mộc không biết gì.

  1. Săm sắm : Cẩn thận để ý vào, chăm chỉ làm chóng vánh.
  2. Thẻ quyên : sử sách. Thẻ mảnh tre ngày xưa dùng để khắc chữ. Quyên là tấm lụa ngày xưa dùng để viết.
  3. Niềm. Có lẽ chữ nầy là vần thì hợp ý hợp vần hơn.
  4. Cơ cầu : nối nghề nghiệp hay của cha ông.
  5. Đức Càn : Vua. Càn là trời.

Cụ Nguyễn Khản, khi làm Đốc Đồng Sơn Tây có làm thơ tại các đình chùa trong vùng, thơ được khắc bảng gỗ. Hiện nay mới tìm được một bài thơ Đền Và thờ Thần Tản Viên. Bài dẫn như sau:

“Khản tôi từ năm Canh Thìn làm Đốc Đồng Sơn Tây, qua hai kỳ khảo xét công trạng, Năm Đinh Dậu phụng mệnh trấn giữ hai trấn Sơn Tây, Hưng Hóa, chẳng bao lâu vì có việc mà giải nhiệm. Nay phò Vương Thượng nối theo nghiệp sáng, mà lại làm việc ở trấn. Bây giờ có đến lễ ở Chấn Cung ba lần, ngẫu hứng mà làm một bài thơ luật vụng về, viết lên bản gỗ để tỏ ý tôn trọng.”

THĂM ĐỀN VÀ THỜ THẦN NÚI TẢN VIÊN

Cây làm tản cái, đá làm ngai,

Vòi vọi thần cung rạng Đẩu, Thai.

Bảo triện đùn đùn mây nhiểu khám,

Ngọc hào rỡ rỡ ráng in đài.

Rông oanh hùm trạm thiêng ngôi đất,

Đà phẳng Lô trong vững bác trời.

Chiêm bái trót từng ba độ đến,

Trộm nhờ linh đức trấn phương Đoài.

Vào tiết Thanh Minh năm Quý Mão, Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783) Hồng Lĩnh Hầu Nguyễn Khản, người xã Tiên Điền, Nghi Xuân. Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1760) Tả Tư Giảng. Lại Bộ Thương Thư. Phụng sứ Trấn Thủ Sơn Tây kính đề.

Chú thích:

Phò Vương Thượng. Chỉ việc Đoan Nam Vương Trịnh Tông lên ngôi, năm 1782.

Đẩu, Thai hai ngôi sao sáng trong dãi ngân hà.

Bảo triện: cái bàn nhỏ có khảm các đồ quỳ.Rồng oanh hùm trạm: Rồng uốn hổ ngồi.

Đà, Lô: Sông Đà và sông Lô.

Phương Đoài: Phương Tây theo bát quái chỉ Sơn Tây.

Tháng 9 năm Nhâm Dần (1782) Chúa Trịnh Sâm mất. Trịnh Cán mới 6 tuổi được nối ngôi. Nhưng một tháng sau, Kiêu binh nổi lên giết Hoàng Đình Bảo và tôn Trịnh Tông lên làm chúa, hiệu Đoan Nam Vương. Nguyễn Khản thầy dạy Trịnh Tông nên được trọng vọng được chức Thượng Thư Bộ Lại, tước Toản Quận Công, nhưng ông lại khẩn hoãn xin được ban chức Trấn Thủ Sơn Tây, khi hữu sự tại trấn, vô sự tại triều. Hồ Sĩ Đống được cử làm Hành Tham Tụng (Thủ Tướng), nhưng mùa thu năm 1783 do cha mất, Hồ Sĩ Đống phải xin từ chức về thọ tang cha. Nguyễn Khản được cử Nhập thị Tham Tụng, giao lĩnh (chỉ huy từ xa) Trấn thủ Thái Nguyên, kiêm Đổng lý cương sự (việc biên cương) xứ Hưng Hóa. Tại Thái Nguyên, Nguyễn Khản giao quyền Trấn Thủ cho Nguyễn Đăng Tiến, tức Cai Già, tước Quản Vũ Hầu, một tân khách, dạy võ cho các em (Nguyễn Du, Nguyễn Ức..) gốc người Việt Đông, Quảng Tây. Nguyễn Du chức Chánh Thủ Hiệu Quân Hùng Hậu hiệu. Nguyễn Quýnh chức Trấn Tả Đội. Tại Hưng Hóa, con rễ Nguyễn Huy Tự làm quyền Trấn Thủ, có Nguyễn Trứ làm Tri huyện. Tại Sơn Tây, Nguyễn Điều thay làm Trấn Thủ, phụ tá bởi Nguyễn Nể làm Hợp Tán Nhung vụ.

Tháng 2 năm Giáp Thìn(1784) Kiêu binh rước Tự Hoàng (Lê Chiêu Thống) từ nhà giam lên làm Hoàng Thái Tử. Cậy công trạng, kiêu binh xin vua Lê Hiển Tông tưởng thưởng. Nhà vua sai bắt cá trám trong hồ làm gỏi thết đãi kiêu binh. Khi chư quân đang quần tụ ăn uống, thì có người phi báo với Đoan Vương Trịnh Tông. Chúa Trịnh nghị sự cùng Nguyễn Khản và Dương Khuông và triều đình. Nguyễn Khản xin sai người đến bắt và giết đi. Chúa Trịnh bèn sai Chiêm vũ hầu Nguyễn Triêm đem quân lính hiệu Phong Lôi đi bắt. Kiêu binh thấy lính phủ chúa đến bắt, bỏ trốn. Chiêm Vũ Hầu bắt được 7 tên giải về phủ chúa. Triều đình nghị sự, Dương Khuông và Nguyễn Khản bàn luận: Đem chém , bêu đầu. Kiêu binh nổi giận, căm phẩn kéo nhau vây bắt. Dương Khuông, Chiêm Vũ Hầu trốn vào phủ chúa. Chiêm tự nguyện ra chịu chết, Chúa Trịnh và mẹ khẩn hoản lo lót, kêu nài cho cậu thoát chết. Nguyễn Khản chạy thoát lên Sơn Tây. Kiêu binh phá tan dinh và nhà ba người này.

Nguyễn Khản bàn mưu cùng Nguyễn Điều toan đem quân các trấn về dẹp kiêu binh, mưu đem chúa Trịnh và cung phi ra khỏi kinh thành, nhưng việc bại lộ, kiêu binh giữ chặt chúa Trịnh nên các trấn không làm gì được. Hồ Sĩ Đống, được gọi về cùng Bùi Huy Bích đối phó với kiêu binh, việc tạm yên. Nguyễn Khản, Nguyễn Điều bị bãi chức về Hà Tĩnh.

Tháng 5 năm Canh Ngọ (1786) Nguyễn Hữu Chỉnh, thuộc tướng của Hoàng Ngũ Phúc, nhân Hoàng Đình Bảo bị giết vào đầu hàng Tây Sơn. Biết tình hình Phú Xuân quận Tạo Phạm Ngô Cầu là tướng bất tài, đa nghi, tham lam nên khuyên Nguyễn Huệ đem quân đánh Phú Xuân. Chỉnh dùng mưu viết thư dụ hàng gửi Phó Tướng Hoàng Đình Thể, nhưng vờ đưa lầm cho Chánh Tướng Phạm Ngô Cầu. Lại sai một thám tử giả làm người nói chuyện thuật số: nào phúc lộc hậu vận quận Tạo nhiều không sao nói xiết, duy có điều là gặp năm xung tháng hạn không may, nên cúng lễ cầu đảo thì được tốt lành. Quận Tạo tin theo lập đàn cúng tế suốt 7 ngày đêm khiến quân sĩ phục dịch mỏi mệt. Nguyễn Hữu Chỉnh biết tình hình, cho quân Tây Sơn tiến lên, quân thủy bộ quận Tạo bỏ trốn. Chủ tướng và phó tướng nghi kỵ không tiếp ứng nhau; Phú Xuân bị Tây Sơn chiếm nhanh chóng. Nguyễn Hữu Chỉnh đem tiền quân Tây Sơn chiếm kho lương thực Vị Hoàng, quân Tây Sơn tiến đánh Thăng Long. Ngô Cao Lãng trong Lịch Triều Tạp kỷ tập II. Nxb KHXH Hànội 1975. Tr 312 chép:

“Bấy giờ có cựu tham tụng Nguyễn Khản ở Nghệ An ở Nghệ An ra khuyên Đoan Vương “nên sai tướng đóng giữ kinh thành. Còn chúa thì rước xa giá vua Lê đi Sơn Tây, không chế miền thượng du để toan tính việc cử sự sau này. Vả lại ở bãi Tự Nhiên (Thường Tín, Hà Đông) kíp thả cầu phao để chặn thủy sư của giặc. Hai bên bờ sông đóng đồn quân theo lối “vẩy sộp” để đề phòng có sự xô xát xung đột. Lại xin chiêu dụ bọn giặc thủy như Trương Dao và Ba Bá, ban thêm quan tước cho chúng, khiến chúng chặn đánh phía sau quân Thủy Tây Sơn. Huệ và Chỉnh đã nêu danh nghĩa phò Lê, nhưng khi vào kinh thành không gặp được Lê hoàng thì tiến hay lùi cũng đều bất lợi. Một khi giặc mỏi mệt, hết lương ăn, tình thế tất không ở lâu được. Bấy giờ ta kíp viết thư phi báo cho các hào mục Thanh Hóa và Nghệ An khiến họ chận đánh đường về của Tây Sơn thì dù không bắt được Huệ, Chỉnh, chúng cũng bị thiệt hại nặng. Chứ nếu giao chiến với chúng thì kiêu binh (của ta) quyết không thể dùng được. Nếu thua một trận hết sạch như chùi, việc nước tất hỏng mất “. Chúa toan nghe theo mưu chước của Khản, nhưng các quân họp lại, làm ầm lên, cho rằng Khản đưa giặc đến, rồi chực giết Khản.”

Nguyễn Khản phải xin đi Sơn Tây, Hưng Hóa chiêu dụ nghĩa sĩ, được một tuần quân ứng mộ khá đông ông giao cho em là tri phủ Nguyễn Trứ điều khiển tại Mỹ Lương. Ông được lệnh chúa triệu hồi, vừa về thì bị cảm bệnh, ông qua đời ngày 17/9 Â.L. (1786). Chúa Trịnh tế ở linh tiền, cấp cho 50 lạng bạc tử tuất. Ban thụy Hoàng Mẫn hiệu Thuật Hiên tiên sinh, bao phong Thượng đẳng phúc thần Xiển Văn dương, Võ phụ Đức đại vương. Ông mất chẳng bao lâu thì nhà Trịnh sụp đổ, chúa Trịnh Tông bị bắt và tự sát.

Cuộc đời Thượng Thư Nguyễn Khản, một cuộc đời sóng gió, trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Tiếc là phần lớn tác phẩm đã bị mất mát, hủy hoại năm 1790 và năm 1954. Họ Nguyễn Tiên Điền đời nào cũng có người làm quan lớn. Đời Lê Trịnh có quan Tư Đồ (Tể Tướng) Nguyễn Nghiễm, thượng thư Bộ Lại kiêm Tham Tụng (Thủ Tướng) Nguyễn Khản, Nguyễn Điều Trấn thủ Sơn Tây, Nguyễn Trứ Tri phủ Hưng Hóa.. Thời Tây Sơn có Nguyễn Nể, Hữu Trung Thư (Quân sư) và hai lần đi sứ. Đời Nguyễn có Nguyễn Du Hữu Tham Tri Bộ Lễ, Chánh sứ, Nguyễn Ức Thiêm sự Bộ Công, Nguyễn Toản Tả Thị Lang và cuối cùng là cụ Nguyễn Mai Tiến sĩ Khoa Canh Tí 1900.., chưa kể các bậc đỗ Cử nhân, làm quan tri phủ, tri huyện khác.. Hà Tĩnh có câu:Bao giờ Ngàn Hống hết mây, sông Lam hết nước họ này hết quan. Thế thì một vấn đề tồn đọng của lịch sử, cần phải dứt khoát giải quyết đó là câu hỏi: Họ Nguyễn Tiên Điền có phải là giai cấp phong kiến thống trị không ?

Câu trả lời của tôi, diễn giải từ quan niệm của thầy tôi là sử gia Lê Thành Khôi là : Không.

Họ Nguyễn Tiên Điền không phải là giai cấp phong kiến thống trị . Sự sai lầm bắt nguồn từ các sử gia Việt Nam tự học đầu thế kỷ 20 khi dịch chữ ” féodale” ra “ phong kiến” do không tra tự điển, và không tìm hiểu về xã hội phong kiến Tây phương nên đã gán ghép máy móc, thô bạo vào lịch sử Việt Nam, đã tạo nên những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Phong kiến được định nghĩa là một chế độ chính trị, xã hội liên hệ đến lãnh địa của nhà vuaphong cho chư hầu. Chư hầu cha truyền con nối làm lãnh chúa, nắm giữ quyền lực chính trị, tôn giáo, nông dân là nông nô cho lãnh chúa. Với định nghĩa ấy làng Tiên Điền không phải là đất phong cho họ Nguyễn, Nho giáo không phải là tôn giáo thần quyền như Thiên Chúa giáo tại Tây phương. Làng Tiên Điền chỉ là một làng quê nghèo, ruộng đất cằn phèn chua nước mặn, ruộng lúa không đủ ăn, nhân dân phải sống thêm với nghề thủ công chằm nón. Họ Nguyễn Tiên Điền từ bao đời đến lập nghiệp sống bằng nghề thầy thuốc, và con cái cố gắng học hành để đỗ đạt. Phạm Đình Hổ cho rằng cụ Nguyễn Nghiễm xuất thân từ bạch đinh. Họ Nguyễn Tiên Điền người đỗ đạt ra làm quan, người không đỗ đạt thì trở về quê hương, hay đi các nơi khác dạy học, làm nghề thầy thuốc. Do đó họ Nguyễn Tiên Điền không hề là một giai cấp thống trị. Các phần ruộng gia tài họ Nguyễn Tiên Điền do các cụ mua để dành làm hoa lợi dùng trong việc cúng tế hằng năm. Do đó họ Nguyễn Tiên Điền không hề bóc lột một ai. Người họ Nguyễn Tiên Điền đời này nối tiếp đời khác ra làm quan, không do việc cha truyền con nối, mà do sự học hành tinh tấn tự bản thân mỗi người, do đó không thể gọi họ Nguyễn Tiên Điền là một giai cấp thống trị.

Do sự sai lầm đó cần thiết phải loại hai chữ phong kiến ra khỏi, các sách sử, sách giáo khoa trong giáo dục Việt Nam ngày nay. Các triều đại quân chủ Việt Nam không phải là triều đại phong kiến. Kẻ Sĩ không phải là một giai cấp, bản thân kẻ sĩ chia làm hai: người đỗ đạt làm quan và người không đỗ đạt về quê dạy học hay làm thầy thuốc.. sống với nhân dân; do đó không có giai cấp phong kiến trong lịch sử Việt Nam. Những lầm lẫn trong quá khứ, thời Cải cách ruộng đất, đem các cụ khoa bảng Tiến sĩ nho học vùng Thanh Nghệ Tĩnh, như cụ Nghè Nguyễn Mai ra đấu tố tội phong kiến bóc lột là một lầm lẫn nghiêm trọng, các nhà sử học ngày nay cần phải chính thức xin lỗi và phục hồi danh dự, cho các cụ. Ngày xưa nước ta có lập đàn tràng giải oan là một phong tục tốt đẹp. Chàng Trương hiểu lầm cái bóng của vợ, khiến vợ tự tử, lập đàn tràng giải oan, miếu thờ, đây không phải là một việc mê tín, mà là một việc hối lỗi, cần thiết cho tâm lý người sống, để đoạn tuyệt với quá khứ sai lầm.

250 năm kỷ niệm ngày sinh cụ Nguyễn Du, ước mơ hương hồn cụ Nghè Nguyễn Mai, bị án 15 năm tù chết trong trại tù Hương Sơn năm 78 tuổi, mong hồn cụ sẽ không còn, vất vưỡng nơi lùm cây, bụi cỏ, một âm hồn lang thang trong Thập loại chúng sinh. Cụ Tiến sĩ nho học cuối cùng của dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã gánh chịu những hậu quả vì sự sai lầm do sự dốt nát của con cháu vừa học, vừa viết, vừa làm lịch sử. Xin mời cụ vào cùng vinh danh đại thi hào Nguyễn Du. Người Việt Nam ngày nay hãnh diện với họ Nguyễn Tiên Điền đã đóng góp cho lịch sử văn học những tác phẩm văn chương kiệt xuất. Ngôn ngữ Việt Nam là ngôn ngữ Nguyễn Du, ngôn ngữ Truyện Kiều, chúng ta trân trọng từng di sản họ Nguyễn Tiên Điền và đoạn tuyệt với những lầm lẫn cha ông quá khứ.

TÀI LIệU THAM KHẢO

Hoàng Xuân Hãn. Chinh Phụ ngâm bị khảo. Minh Tân Paris 1953.

Nguyễn Xuân Diện. Nguyễn Khản. Hán Nôm số 4. 1993.

Ngô Văn Gia phái. Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Văn Học. Hà Nội 1970

Ngô Cao Lãng. Lịch triều tạp kỷ. nxbKHXH HàNội 1975.

Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền. site Di tích Nguyễn Du

 

Paris 8-2-2015

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512051

Hôm nay

2377

Hôm qua

2337

Tuần này

22425

Tháng này

218924

Tháng qua

121356

Tất cả

114512051