Góc nhìn văn hóa

Ba bài học lớn rút ra từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945

Bài học thứ nhất: Chớp thời cơ

Nhìn lại lịch sử thế giới và lịch sử nước ta đầu những năm bốn mươi của thế kỷ hai mươi, ta thấy rõ rằng thời cơ của Cách mạng tháng Tám 1945 bắt đầu từ khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945) đang đi đến những ngày cuối cùng, lúc này, bọn phát xít Đức và Ý ở Châu Âu đã bị đánh bại, còn bọn phát xít Nhật ở Châu Á thì đang chật vật chống chọi với quân Đồng minh. Ngày 13/8/1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc với chiến thắng thuộc về quân Đồng minh. Đó là tình hình trên thế giới. Còn ở Việt Nam lúc này thì nhân dân ta đang sục sôi tinh thần đấu tranh cách mạng, còn tình hình quân Nhật ở Đông Dương thì hàng ngũ chỉ huy quân Nhật bị chia rẽ đến cực điểm, lính Nhật thì rệu rã, mất hết tinh thần chiến đấu, bọn Việt gian thân Nhật thì hoang mang, hoảng sợ. Vào thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, với kinh nghiệm và sự nhạy bén đã nhận định rằng: “Lúc này những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi”. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Lúc này, thời cơ đã đến, dù phải hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Toàn thể nhân dân Việt Nam đã hưởng ứng Lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên quyết vùng lên tiến hàng tổng khởi nghĩa trong cả nước. Chỉ trong vòng 11 ngày (từ ngày 14/8/1945 đến ngày 25/8/1945), Cách mạng tháng Tám đã thành công rực rỡ. Có thể khẳng định rằng thời cơ của Cách mạng tháng Tám, thời cơ để nhân dân ta đứng lên tổng khởi nghĩa nằm trong khoảng thời gian từ ngày 13/8/1945 đến 5/9/1945, bởi vì khoảng thời gian này hội tụ được các yếu tố khách quan và chủ quan, đó là các yếu tố sau:

Thứ nhất, phát xít Nhật đã đầu hàng quân Đồng minh, do đó quân Nhật ở Đông Dương hoang mang, rệu rã, hoảng sợ, mất tinh thần chiến đấu.

Thứ hai, nhân dân ta đã giành chính quyền từ tay Nhật, lật đổ chính quyền Bảo Đại và thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (ngày 2/9/1945) trước khi quân Đồng minh tiến vào nước ta giải giáp quân Nhật.

Thứ ba, tổng khởi nghĩa diễn ra trong thời điểm này sẽ giành được thắng lợi nhanh chóng và sẽ bị tổn thất về người và của ít nhất, đồng thời, tổng khởi nghĩa diễn ra trong thời điểm này cũng sẽ triệt tiêu một đầu mối quan trọng mà các thế lực đế quốc, phản động muốn duy trì, sử dụng để mưu toan chống phá chính quyền cách mạng, đặt lại ách thống trị trên đất nước ta. Như vậy, nếu cuộc tổng khởi nghĩa diễn ra sớm hơn hoặc chậm hơn thời gian này (13/8-5/9/1945) thì cơ hội để giành độc lập, tự do rất khó thành công, bởi vì trước ngày 13/8/1945 quân Nhật còn mạnh, còn sau  ngày 5/9/1945 thì các thế lực đế quốc, phản động đội lốt danh nghĩa quân Đồng minh vào tiếp quản chính quyền từ tay quân Nhật, thực hiện âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Điều đó cho thấy, chớp đúng thời cơ là nhân tố có tính quyết định sự thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, đồng thời chứng minh một cách hùng hồn nghệ thuật tạo thời cơ, chớp thời cơ tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cũng cần nói thể rằng để chớp được thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có sự chuẩn bị chu đáo từ trước đó 15 năm, chuẩn bị về đường lối, về chủ trương, về lực lượng và tập dượt qua các phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), Mặt trận phản đế (1939-1941), Mặt trận Việt Minh (1941-1945) v.v… Năm 1941, từ khi Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã thành lập Mặt trận Việt Minh, thành lập Khu giải phóng Việt Bắc, triệu tập Quốc dân Đại hội Tân Trào, thành lập Ủy ban giải phóng (sau này gọi là Chính phủ lâm thời) v.v… Ngay từ tháng 5/1941, khi xem xét tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (khoá 1) đã nhận định: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, nếu không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì toàn thể dân tộc phải chịu mãi kiếp ngựa trâu…”.

Có thể nói, với thành công vĩ đại của Cách mạng tháng Tám 1945, có thể rút ra được nhiều bài học quý báu, trong đó chớp thời cơ là bài học quan trọng hàng đầu.

Bài học thứ hai: Bài học về xây dựng Đảng.

Đảng ta đảm nhận vai trò lãnh đạo cách mạng, chỉ trong 15 năm (1930-1945), Đảng đã tổ chức và lãnh đạo bốn cuộc vận động cách mạng lớn: Cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh (1930-1931), Đấu tranh khôi phục phong trào cách mạng (1932-1935), Đấu tranh trong mặt trận dân chủ (1936-1939), Cao trào cách mạng trực tiếp giành chính quyền (1940-1945), qua đó, Đảng đã được xây dựng và lớn mạnh về mặt chính trị, đã đề ra được cương lĩnh, đường lối và các chương trình hành động đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, Đảng đã tổ chức được bộ máy rộng khắp để giác ngộ, vận động quần chúng tham gia cách mạng. Mặc dù bị thực dân Pháp khủng bố ác liệt nhưng Đảng vẫn củng cố an toàn lại các tổ chức, vẫn nhen nhóm được ngọn lửa cách mạng. Có thể nói, sức mạnh vô địch của Đảng là kết quả của quá trình kiên trì xây dựng Đảng. Nhờ có bản lĩnh chính trị vững vàng mà Đảng đã xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc và lực lượng tham gia Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, cũng nhờ đó mà Đảng đã nắm bắt được một cách nhanh chóng tình hình trong nước, tình hình thế giới để chớp thời cơ, huy động được mọi lực lượng giành chính quyền.

Trong bài học về xây dựng Đảng, cần nhấn mạnh một vấn đề quan trọng tưởng như không mới nhưng thực ra không bao giờ cũ, đó là vấn đề chất lượng đảng viên. Tháng 8/1945, Đảng ta mới chỉ có gần 5.000 đảng viên, thế mà các đảng viên của Đảng đã biết đi sâu vào quần chúng, tuyên truyền, giác ngộ, động viên, đoàn kết quần chúng, lãnh đạo quần chúng nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ. “Đảng không phải chỉ cần con số đảng viên cho nhiều mà cái quan trọng là phải có cái chất của người đảng viên. Mỗi đảng viên cần xác định được rằng mình vào Đảng là để làm đầy tớ cho Nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Tr.292).

Bài học thứ ba: Xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Đảng ta thấm nhuần sâu sắc quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, cho nên ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta rất chú trọng đến vấn đề xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất như Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1939-1941), đặc biệt, với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh (thành lập ngày 19/5/1941) đã đảm bảo cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức một cách bài bản, vững chắc và sâu rộng. Nhờ thực hiện chủ trương đoàn kết toàn dân không phân biệt tôn giáo, xu hướng chính trị, không phân biệt giai cấp v.v… mà Mặt trận Việt Minh đã trở thành hạt nhân quy tụ, tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân vào hàng ngũ của mình để đồng lòng đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, tham gia khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã đem đến thành công to lớn của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.

Bảy mươi chín năm đã trôi qua nhưng ba bài học lớn rút ra từ cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự nóng hổi./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511025

Hôm nay

224

Hôm qua

2359

Tuần này

21399

Tháng này

217898

Tháng qua

121356

Tất cả

114511025