Cuốn sách “Những linh hồn bất tử vì Tổ quốc” được Nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản năm 2017, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2017). Đây chỉ là tập hợp của một số tấm gương trong muôn vàn tấm gương của các anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh, những người đã cống hiến cuộc đời mình để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Đây là công trình tâm huyết của tác giả sau nhiều năm thu thập tài liệu, đi thực tế, gặp gỡ nhân chứng và người thân của các liệt sĩ. Cuốn sách trở thành điểm nhấn đặc biệt trong dòng sách ký sự - lịch sử - cách mạng.
Cuốn sách gần 400 trang, chia làm 3 phần, tái hiện 71 chân dung anh hùng và liệt sĩ tiêu biểu trên các mặt trận lịch sử.
Phần I và II: Gồm các câu chuyện về 58 anh hùng, liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như: Trần Văn Ơn - biểu tượng học sinh yêu nước; Võ Thị Sáu - người con gái đất đỏ can trường: Lê Lương - “Hùm xám miền Đông”, Trần Thị Tính - người nữ giao liên quả cảm; và nhiều tấm gương lặng thầm nhưng vĩ đại khác.
Phần III: Gồm 13 liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, được tái hiện sinh động qua ký ức đồng đội và người thân.
Mỗi câu chuyện trong sách là một lát cắt của lịch sử, không chỉ ghi lại diễn biến trận đấu mà còn lột tả nội tâm, lý tưởng, phẩm chất của những người sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Trong những câu chuyện viết về những tấm gương oanh liệt và quả cảm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” ấy có rất nhiều câu chuyện làm người đọc cảm phục.
Đó là chị Võ Thị Sáu, quê ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (nay là TP.HCM). 13 tuổi, chị đã tham gia làm liên lạc tiếp tế cho cách mạng. Chị đã làm nên chiến công hiển hách diệt 1 quan ba và làm bị thương 12 tên lính Pháp, bị bắt rồi bị tòa án binh Pháp kết án tử hình tháng 4/1951 và bị bắn vào ngày 13/3/1952. Bước ra pháp trường Côn Đảo hiên ngang, ngẩng cao đầu, hoa cài trên mái tóc, chị cất vang tiếng hát. Trước khi bị xử bắn, chúa ngục Pác-xi rót rượu mời chị: “Cố uống đi một cốc, hơi rượu sẽ làm cô thêm can đảm”. Chị đã mỉm cười, trả lời: “Nếu các ông cần rượu để có thêm can đảm, xin cứ tự nhiên”. Cận kề cái chết, chị vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng. Gặp những người đào huyệt cho chị, rút bông hoa cài trên mái tóc, chị tặng họ với lòng biết ơn, chị nói: “Hôm nay mấy anh mới đào một cái nhỏ. Nhưng ngày mai, mấy anh cần đào một cái huyệt thật to…để chôn những kẻ bắn tôi hôm nay…”. Hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng tinh thần bất khuất của chị đã trở thành bất tử. Chị không chết. Chị sống cùng lịch sử cách mạng Việt Nam. Chị đã làm rạng rỡ cho non sông đất nước này, tô điểm cho khuôn mặt tuổi trẻ Việt Nam dám ngẩng cao đầu sánh vai cùng tuổi trẻ năm châu trong lịch sử chống phát xít và đế quốc thực dân.
Là anh Phan Đình Giót sinh năm 1922 tại tỉnh Hà Tĩnh. Trong trận chiến đấu chiều ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiêu diệt cứ điểm Him Lam, cả trận địa rung chuyển mù mịt sau nhiều loạt pháo của địch, các đồng chí, đồng đội của anh cứ lần lượt ngã xuống. Phan Đình Giót bị thương ngất đi, khi tỉnh dậy bằng một sức mạnh căm thù quân giặc và lòng yêu nước, anh đã nhích từng bước tiến lên, lê từng chút một, rồi rướn người lao cả tấm ngực thanh xuân vào bịt kín lỗ châu mai địch. Phan Đình Giót hy sinh, đồng đội đỡ anh xuống, và rất nhiều nước mắt cháy bỏng, thấm vào thân hình đầy vết đạn của anh. Và ngọn cờ đang bừng đỏ trên nóc cứ điểm dường như nhuốm máu trái tim anh cùng bao chiến sĩ khác.
Là anh Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo “Nát thân nhắm mắt còn ôm”. Không một tiếng thét gào, lặng im anh hiến dâng cả cuộc đời cho cách mạng, sự im lặng đó đã hóa lời ca, bay tới những trái tim trẻ tuổi của bao nhiêu thế hệ nối tiếp tận xa sau. Là “Anh hùng đánh xe tăng” Cù Chính Lan, tay không đuổi địch cướp súng, dẫu địch có xe tăng cũng không cho chúng chạy thoát. Là Tiểu đoàn trưởng Lê Lương chỉ huy đơn vị lập nhiều chiến công vang dội, khiến quân địch phải đặt biệt danh cho ông là “Hùm Xám miền Đông”. Trong một trận đánh giáp lá cà, Tiểu đoàn trưởng Lê Lương như một con mãnh hổ, tay gươm, tay súng xông xáo giữa trận tiền, cổ vũ tinh thần chiến đấu của chiến sĩ và đã anh dũng hy sinh. Thi sĩ Hoàng Cầm đến viếng ông đã viết điếu văn bằng những vần thơ xúc động lòng người:
...Rồi một chiều kia dưới mái gianh,
Cụ Hồ bỗng nhận được tin Anh
Lê Lương đã mất, hai hàng lệ,
Ướt áo Cha già, ướt áo xanh…
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tác giả giới thiệu 47 tấm gương tiêu biểu đã hy sinh anh dũng bất khuất, trong đó có những chiến sỹ hy sinh khi tuổi đời mới mười chín, đôi mươi, cái tuổi đẹp nhất.
Là anh hùng Vũ Văn Huynh sinh năm 1947 tại xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Nhập ngũ tháng 12 năm 1965. Trong 10 năm (1965-1975), anh tham gia chiến đấu ở những chiến dịch lớn như: Đường 9 - Khe Sanh, Bắc Tây Nguyên, Nam Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.... đánh 10 trận lớn trên cương vị từ cán bộ tiểu đội đến cán bộ tiểu đoàn. Bằng mưu trí và lòng dũng cảm, Vũ Văn Huynh đã chỉ huy các đồng đội chiến đấu với quyết tâm đánh đến cùng, đơn vị còn một người cũng đánh. Bản thân anh diệt gần 100 tên Mỹ và cùng đơn vị diệt 51 xe tăng, xe bọc thép của địch. Anh được tặng 3 Huân chương Chiến công, ba lần là Dũng sĩ diệt Mỹ. Vũ Văn Huynh được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang giải phóng năm 1970.
Là liệt sĩ Khương Văn cùng 30 liệt sĩ khác đã hy sinh anh dũng trên đồi Cát Trắng (điểm cao 21 - Quảng Trị). Vào trung tuần tháng 10 năm 1968, ta và địch giằng co từng điểm cao ở Quảng Trị. Trung đội 4 rồi Trung đội 6 của Đại đội 2 thay nhau chốt giữ điểm cao 21. Pháo bầy của địch trút bão lửa xuống trận địa. Tiếp theo là hàng đoàn xe tăng, thiết giáp kéo theo 2 đại đội bộ binh điên cuồng lao về điểm cao 21. Trung đội 6 dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Khương Văn bám trụ trận địa, thiết lập 3 tầng chiến đấu, vừa dùng mìn chống tăng, mìn định hướng vừa dùng thủ pháo, súng AK, lựu đạn, lưỡi lê đánh giáp lá cà. Xe tăng địch hung hãn quần nát đồi cát. Sau 3 ngày chiến đấu, lực lượng mỏng, đạn dược hết, Trung đội trưởng Khương Văn cùng 30 chiến sĩ đã hy sinh. Giảng đường Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội không còn được đón Khương Văn trở về viết tiếp ước mơ trở thành thầy giáo của anh. Anh cùng 30 chiến sĩ của mình đã nằm lại giữa chiến trường Quảng Trị. Các anh không có ngày trở về, không kịp nghe tin chiến thắng, cũng chẳng một lần gặp lại người thân nơi quê nhà. Nhưng các anh đã trở thành biểu tượng của lòng quả cảm, sự hy sinh vô điều kiện của thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phơi dậy tương lai”. Hơn 40 năm sau, tại lễ khánh thánh nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ trên đồi Cát Trắng, hơn nửa ngàn người dự lễ đã xúc động nghẹn ngào khi đọc bài thơ khóc đồng đội khắc ghi ngay dưới những dòng tên liệt sĩ của chiến sĩ Bùi Ngọc Hồng (người duy nhất của Trung đội 6 còn sống sót trong trận đánh điểm cao 21):
Nào đâu có phải sinh cùng
Xót thương trung đội giỗ chung một ngày
Người Nghệ Tĩnh, người Hà Tây
Tuổi còn trẻ lắm chưa đầy hai mươi
Thế mà mấy chúc năm rồi
Thịt xương vùi khắp ngọn đồi không tên…
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mười cô gái thanh niên xung phong anh dũng hy sinh tại Ngã Ba Đồng Lộc, đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Ngã Ba Đồng Lộc, một cái tên đã in sâu vào tâm khảm người Việt Nam như biểu tượng thiêng liêng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tuổi trẻ bất khuất. Trong mười bông hoa bất tử ấy, có liệt sĩ Hồ Thị Cúc. Dù tuổi đời còn rất trẻ, chị đã cùng đồng đội viết nên khúc tráng ca bất từ bằng chính máu xương và trái tim yêu nước nồng nàn.
Hồ Thị Cúc sinh năm 1944, quê ở tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1965, chị đã xung phong lên đường, gia nhập lực lượng thanh niên xung phong để tham gia mở đường, san lấp hố bom, đảm bảo thông suốt tuyến đường 15A trên trận địa Ngã Ba Đồng Lộc. Ngày 24 tháng 7 năm 1968, sau một trận bom dữ dội, các cô gái vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ giữa đất trời mịt mù khỏi lửa. Rồi, loạt bom thứ 2 bất ngờ trút xuống. Cả mười cô gái, trong đó có Hồ Thị Cúc, đã anh dũng hy sinh. Mãi sang ngày thứ ba, đồng đội mới tìm thấy thi thể chị Cúc. Và tên chị đã đi vào những khúc hát, trong những trang sách, sống mãi trong trái tim của hàng triệu người con đất Việt.
Trên dải đất hình chữ S, có biết bao ngọn núi, cánh rừng mang trong mình máu thịt của người lính. Nhưng có những điểm cao không chỉ hiện diện trong bản đồ quân sự - mà khắc sâu trong tim Tổ quốc như biểu tượng của lòng dũng cảm và sự hy sinh. Điểm cao 404 là một điểm cao như thế, một điểm cao khốc liệt trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên cương của Tổ quốc. Nơi đây ba người chiến sĩ Nguyễn Văn, Bùi Quang và Lưu Bá đã ngã xuống, để giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Các anh, ba người lính mang ba cái tên bình dị, họ đến từ những vùng quê khác nhau, nhưng cùng chung một lời thề “Sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc”. Thật cảm phục trước tinh thần vì đồng đội và quyết tâm chiến đấu đến cùng của Lưu Bá. Khi bị thương nặng, biết mình khó qua khỏi, Lưu Bá đã nói với y tá Nguyễn Xuân Quảng: “Đừng tiêm thuốc cho mình nữa, để dành thuốc tiêm cho đồng chí khác”, anh còn dặn dò đồng đội: “Còn một người cũng đánh, giữ chốt đến cùng”. Với sự kiên cường, gan dạ, dũng cảm và không tiếc cả tuổi thanh xuân, bộ đội ta đã đánh lui 3 đợt tiến công của địch tại điểm cao này.
Bằng thể loại ký sự chân dung, tác giả cuốn sách “Những linh hồn bất tử vì Tổ quốc” đã giúp bạn đọc hiểu thêm sự khốc liệt của các cuộc chiến tranh và ý chí chiến đấu dũng cảm, kiên cường, sự hy sinh anh dũng của bao thế hệ thanh niên Việt Nam. Họ mãi là biểu tượng bất tử của lòng yêu nước, của tinh thần bất khuất, là ngọn lửa truyền sức mạnh cho các thế hệ mai sau tiếp bước xây dựng và bảo vệ giang sơn gấm vóc Việt Nam.
Cuốn sách là một “bảo tàng ký ức sống”. Những trang viết không khô cứng mà đầy cảm xúc, làm lịch sử trở nên gần gũi, chân thực và sống động. Không những có giá trị về mặt tư liệu, cuốn sách còn có giá trị giáo dục nhân văn sâu sắc. Tác phẩm khơi gợi lòng biết ơn, trách nhiệm và ý chí vươn lên trong thế hệ trẻ. Qua mỗi trang viết, bạn đọc nhận ra rằng sự bình yên hôm nay được đánh đổi bằng bao gian khó, máu xương của những người đi trước.
Bên cạnh giá trị tư liệu, giá trị giáo dục nhân văn, cuốn sách còn có giá trị về mặt nghệ thuật - văn học bởi lối viết dung dị, chân thành, giàu hình ảnh và đầy cảm xúc. Tác giả không tô vẽ nhân vật bằng những sáo ngữ tuyên truyền, mà để họ tự tỏa sáng qua hành động, suy nghĩ, sự hy sinh. Bằng chất liệu đời thường kết hợp với cảm xúc văn chương, tác giả đã làm nên một tác phẩm chạm đến trái tim người đọc.
Chiến tranh đã đi qua nhiều năm nhưng những hậu quả và dư âm của nó vẫn còn mãi. Ngày 27/7 hàng năm là ngày mà Nhân dân cả nước đã giành riêng để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì đất nước, vì độc lập tự do. Và Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam. Trong những ngày tháng bảy lịch sử này, chúng ta đọc lại cuốn sách “Những linh hồn bất tử vì Tổ quốc” như một nén tâm nhang để tưởng nhớ đến các liệt sĩ đã hi sinh anh dũng vì Tổ quốc, vì Nhân dân, trong đó có những con người tuổi đời mới mười chín, đôi mươi đã để lại phía sau hạnh phúc riêng tư, những trang sách, giảng đường… sẵn sàng lên đường đi chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trong dòng chảy tri ân nhân ngày 27/7 - Ngày Thương binh Liệt sĩ, cuốn sách “Những linh hồn bất tử vì Tổ quốc” là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc rằng: Tổ quốc không bao giờ quên những con người bình dị ấy - dù đã ngã xuống nhưng vẫn sống mãi trong tâm thức của bao thế hệ, là những vì sao bất tử trên bầu trời Việt Nam./.