Góc nhìn văn hóa
Nhìn lại chính sách hỗ trợ phát triển dân tộc Ơ Đu trong thập kỷ qua
Thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/10/2016 về việc Phê duyệt “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025”, ngày 22/8/2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 3829/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025. Mục tiêu của Đề án là xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu một cách bền vững, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của họ; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu. Cố gắng để đến năm 2025, đời sống của người dân Ơ Đu theo kịp được các cộng đồng xung quanh. Và giờ đây, khi thời gian thực hiện đề án này không còn nhiều nên chúng ta cùng nhìn nhận lại một số điểm nhấn quan trọng trong quá trình xây dựng và thực hiện.
1. Những hạn chế trong khâu xây dựng đề án
Thủy điện Bản Vẽ đã tác động lớn đến đời sống của người Ơ Đu (Một góc hồ thủy điện Bản Vẽ, nơi trước đây người Ơ Đu đã sinh sống).
Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025 (sau đây gọi tắt là Đề án) được UBND tỉnh phê duyệt với tổng kinh phí là 120 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 90% và ngân sách đối ứng địa phương 10%), giao cho Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư quản lý thực hiện. Đề án được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2016-2020 với kinh phí 61,6 tỷ đồng, giai đoạn 2 từ 2021-2025 với kinh phí 58,4 tỷ đồng. Đề án có 5 nội dung cơ bản để hỗ trợ phát triển, bao gồm: 1. Đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng; 2. Hỗ trợ phát triển sản xuất; 3. Hỗ trợ phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nguồn cán bộ Ơ Đu; 4. Hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào và phát triển du lịch cộng đồng; 5. Đào tạo, sử dụng cán bộ dân tộc Ơ Đu và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2018 do nguồn ngân sách chưa được phân bố nên thực tế Đề án chưa đi vào thực hiện. Phải đến ngày 23/4/2019 UBND tỉnh Nghệ An mới ra Quyết định số 1303/QĐ-UBND.VX về việc phê duyệt chủ trương hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu ở tỉnh Nghệ An năm 2019 dựa trên nguồn kinh phí do ngân sách Trung ương hỗ trợ là 28,18 tỷ đồng. Khi bắt tay vào thực hiện các nội dung hỗ trợ thì những hạn chế của Đề án cũng xuất hiện.
Khi xây dựng Đề án, những người tham gia đã không tiến hành khảo sát thực địa một cách nghiêm túc nên đưa ra những số liệu không sát với thực tế. Trong Đề án được UBND tỉnh duyệt ngày 22/8/2017 nêu rõ phạm vi thực hiện “được thực hiện tại 02 bản Văng Môn và bản Đửa, nơi sinh sống tập trung dân tộc Ơ Đu thuộc 02 xã Lượng Minh và Nga My của huyện Tương Dương”. Trong Đề án này cũng khẳng định xã Lượng Minh có 45 hộ gia đình người Ơ Đu với 231 nhân khẩu. Tuy nhiên, khảo sát thực địa tại xã Lượng Minh và bản Đửa lại có những thông tin hoàn toàn khác. Lãnh đạo xã Lượng Minh cho biết, hiện tại chỉ có một số ít hộ gia đình Ơ Đu sống rải rác và xen kẽ với người Thái và Khơ Mú. Như ở bản Côi có 3 hộ gia đình với 13 nhân khẩu mà thực ra là ba cha con tách hộ ra. Có một số phụ nữ người Ơ Đu láy chồng là người Thái hay Khơ Mú và sinh sống trong xã nhưng họ không phải là chủ hộ. Chủ tịch UBND xã cũng nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên họ biết đến Đề án này cũng như số liệu thống kê mà Đề án đưa ra là không chính xác. Nhiều cán bộ làm việc trong xã khi nghe đến những số liệu thống kê về người Ơ Đu ở đây cũng phủ nhận độ chính xác của nó. Riêng ở bản Đửa, nơi được Đề án lựa chọn để xây dựng thành bản trung tâm của người Ơ Đu ở Lượng Minh lại không có hộ gia đình người Ơ Đu nào. Thông tin này được người dân trong bản, từ người cao tuổi đến thanh niên khẳng định và cũng được Bí thư chi bộ Đảng và Trưởng bản Đửa xác nhận. Như vậy, ở địa phương, từ chính quyền xã đến bản và người dân đều khẳng định không có nhiều người Ơ Đu sinh sống ở Lượng Minh nói chung và bản Đửa thì càng không có. Phòng Dân tộc huyện Tương Dương cũng không hề đưa ra số liệu như vậy. Việc xây dựng Đề án khi chưa khảo sát thực địa kỹ càng gây ra hệ quả là khi bắt tay vào thực hiện lại phải sửa đổi Đề án. Sau khi biết các số liệu trong Đề án được phê duyệt không sát với tình hình thực tế, ngày 26/9/2019, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã làm Công văn số 577/BDT-CSDT về việc đề nghị đưa bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương ra khỏi diện hỗ trợ phát triển KT-XH theo Quyết định 2086/TTg gửi lên UBND tỉnh Nghệ An. Đến ngày 30/9/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3869/QĐ-UBND đồng ý việc đưa bản Đửa ra khỏi danh sách thôn bản được hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội mà Đề án trước đó đã được phê duyệt.
Hạn chế thứ hai thuộc về quy trình thực hiện và mối quan hệ giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương. Ban Dân tộc tỉnh là chủ đầu tư và quản lý thực hiện Đề án và họ xuống làm việc trực tiếp với người dân ở thôn bản, thông báo cho chính quyền cấp huyện và xã biết chứ không giải ngân và phân công công việc từ trên xuống qua các cấp chính quyền như nhiều đề án khác. Cách làm này về mặt tích cực là giảm thiểu các bước trung gian để hỗ trợ thẳng đến người dân. Nhưng mặt trái của nó là không huy động được chính quyền địa phương tham gia vào việc thực hiện. Nhiều lúc còn gặp khó khăn khi các cấp chính quyền thờ ơ với những việc liên quan. Như lãnh đạo xã Nga My cho biết thì do Ban Dân tộc trực tiếp xuống làm việc với người dân ở bản nên chính quyền xã chỉ nắm tình hình chung chứ không biết rõ cụ thể từng việc. Đó cũng là ý kiến của lãnh đạo xã Lượng Minh khi nói đến Đề án này. Có phần nào đó họ cảm thấy bị tổn thương trong tâm lý quản lý. Điều đó cũng làm cho chính quyền địa phương không mấy thiết tha với việc tham gia hỗ trợ thực hiện Đề án. Và như vậy thì quá trình thực hiện Đề án cũng mất đi một nguồn lực quan trọng.
2. Đối diện với những thách thức lớn
Trước hết, đó là sự biến đổi trong không gian cư trú làm cho vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống, chống nguy cơ đồng hóa người Ơ Đu càng khó khăn hơn. Theo Nguyễn Đình Lộc (1993) thì trước đây, người Ơ Đu tuy ít nhưng sống khá tập trung ở hai bản Xốp Pột (xã Kim Hòa) và Coom (xã Kim Đa). Nhưng từ năm 2004, người Ơ Đu bị phân tán ra nhiều nơi do chính sách di dân khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Hầu hết tản ra sinh sống xen kẽ với các cộng đồng khác ở các xã khác nhau trong huyện Tương Dương. Tập trung đông nhất là khu tái định cư ở bản Văng Môn, xã Nga My với 94 hộ (đến năm 2019, ở bản Văng Môn có 100 hộ gia đình Ơ Đu), còn lại rải rác ở các xã như Lượng Minh, Xá Lượng, Tam Đình, Thạch Giám và một số người đã kết hôn với người Thái và di cư xuống vùng Thanh Chương. Sự phân tán dân cư ra một cách nhỏ nhặt, làm cho cộng đồng vốn dân số rất ít này lại không sống tập trung với nhau nên việc đồng hóa văn hóa lại càng mạnh mẽ hơn. Sự thay đổi không gian xã hội cũng làm cho các chính sách hỗ trợ bị xé nhỏ và khó đạt được hiệu quả của nó. Đáng ra, ngay từ đầu khi có kế hoạch di dân đối với những cộng đồng đặc biệt này cần có chính sách phù hợp, đảm bảo sự tập trung dân cư trong bối cảnh không gian xã hội nhất định để có thể thực hiện các dự án hỗ trợ hợp lý và hiệu quả. Còn hiện nay, sự phân tán rải rác ra nhiều địa phương khác nhau cũng làm cho việc thực hiện chính sách thêm phần khó khăn hơn.
Thứ hai là cơ sở khoa học cho việc nhận thức và thực hiện Đề án còn nhiều hạn chế. Cho đến nay, có rất ít các nghiên cứu khoa học khách quan và nghiêm túc về người Ơ Đu. Nhiều vấn đề chưa được giải quyết rõ ràng từ nguồn gốc lịch sử, quan hệ tộc người lẫn sự biến đổi văn hóa trong quá trình lịch sử của cộng đồng này còn chưa được làm rõ. Đặc biệt, vẫn còn thiếu những nghiên cứu nghiêm túc về văn hóa truyền thống của người Ơ Đu và sự biến đổi văn hóa của họ trong quá trình lịch sử. Cái nguyên gốc của họ như thế nào và những yếu tố nào họ tiếp thu của các nhóm khác… Dù trong Đề án nhấn mạnh đến vấn đề nghiên cứu khoa học để phục vụ Đề án từ việc xây dựng cơ sở khoa học của đề tài đến việc nghiên cứu quá trình thực hiện cũng như nghiên cứu đánh giá tác động của Đề án qua các giai đoạn. Nhưng những việc đó đều chưa thực hiện được. Theo Ban Dân tộc tỉnh cho biết thì trong quá trình thực hiện Đề án gặp nhiều khó khăn và tranh cãi về những vấn đề liên quan đến nhận thức về dân tộc Ơ Đu, nhưng do không có nhiều kinh phí để thực hiện công tác nghiên cứu nên đành chấp nhận. Trong khi đó, các dự án phát triển, đặc biệt là các dự án phát triển thực hiện các ở khu vực, các nước chậm phát triển đã chứng minh vai trò quan trọng của các nhà nghiên cứu trong quá trình xây dựng và thực hiện đề án phát triển. Công tác nghiên cứu phải đi trước để khảo sát nhằm xây dựng nội dung đề án sao cho phù hợp và cách thức thực hiện sao cho hiệu quả. Rồi đội ngũ nghiên cứu cũng đồng hành với những người thực hiện. Và qua các giai đoạn, công tác nghiên cứu phải theo sát, đánh giá tình hình để có những kiến nghị, trao đổi khi xuất hiện những vấn đề không hợp lý để dừng lại hoặc thay đổi nội dung dự án hoặc cách thức thực hiện. Nhưng trường hợp Đề án hỗ trợ phát triển dân tộc Ơ Đu thì thiếu hẳn công tác nghiên cứu. Nó cũng làm cho những người thực hiện không hình dung được hết về tác động của Đề án với đời sống người dân.
Một vấn đề quan trọng nữa là quan điểm hỗ trợ đầu tư khi xây dựng Đề án vẫn còn quá coi nặng yếu tố vật chất (đầu tư nhiều vào vốn vật chất) và xem kinh tế như là chìa khóa cơ bản để giải quyết các vấn đề còn lại. Theo đó, với nguồn kinh phí 120 tỷ đồng sẽ được phân bố cho các hạng mục như đầu tư cơ sở hạ tầng 50 tỷ, hỗ trợ sản xuất 30 tỷ, hỗ trợ văn hóa 20 tỷ, hỗ trợ giáo dục 18 tỷ, các chi phí khác 2 tỷ. Xây dựng và giải ngân hàng năm với các hạng mục nhất định. Như năm 2019, tập trung hỗ trợ điều kiện phát triển sản xuất như hỗ trợ khai khẩn đất đai, xây dựng chuồng trại, cung cấp con giống, vốn và tập huấn để nâng cao kiến thức; hỗ trợ bảo tồn văn hóa qua việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, xây dựng nhà cộng đồng và tổ chức truyền dạy một số giá trị văn hóa Ơ Đu; hỗ trợ đào tạo cán bộ…. mỗi hạng mục đều được phân bổ nguồn kinh phí theo từng thời điểm nhất định của Đề án. Trên quan điểm tìm kiếm nguồn kinh phí để đầu tư vật chất cho các hoạt động nhằm nâng cao đời sống người dân qua việc phát triển kinh tế. Đúng là không thể phủ nhận vai trò của phát triển kinh tế đối với sự phát triển của một cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng đang gặp khó khăn trong phát triển như người Ơ Đu. Hỗ trợ phát triển kinh tế là điều kiện cần thiết để cải thiện đời sống vật chất cho người dân. Nhưng cũng phải nhận thức rằng, kinh tế không phải là chìa khóa vạn năng để giải quyết các vấn đề khác, nhất là các vấn đề văn hóa, xã hội. Và không phải cứ đổ nhiều tiền vào thì có thể phát triển kinh tế một cách bền vững được. Có kinh phí chúng ta có thể xây nhà văn hóa, mua trang thiết bị, công cụ, nhạc cụ, trang phục, nhưng khó khăn ở chỗ làm sao để người dân yêu thích, học tập và sử dụng được hết các trang bị này trong cuộc sống sau khi Đề án kết thúc. Vậy nên, ở nhiều khía cạnh, tiền chưa chắc đã giải quyết được mọi vấn đề. Bằng chứng là ở nhiều cộng đồng, người dân càng thiếu ý thức lao động, thiếu tinh thần trách nhiệm do họ nhận được quá nhiều hỗ trợ từ Nhà nước. Đương nhiên, chúng ta không thể nói suông mà không có đầu tư để phát triển. Nhưng phát triển và tăng trưởng kinh tế là hai câu chuyện khác nhau. Với người Ơ Đu, cái quan trọng là phát hiện được nội lực của họ và có biện pháp để phát huy nguồn nội lực đó vào quá trình phát triển của chính họ.
Thất bại của chính sách hỗ trợ nuôi bò là bất cập lớn trong Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc Ơ Đu.
3. Khó tránh khỏi những tác động tiêu cực
Mục tiêu xuyên suốt và quan trọng nhất trong tất cả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của các dân tộc thiểu số rất ít người là nâng cao năng lực tiếp cận các nguồn lực phát triển của người dân và xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Nhưng trong quá trình thực hiện, nếu như quan điểm và cách thức thực hiện không hợp lý và thiếu sự linh hoạt cho phù hợp với điều kiện thì dễ gây ra những hệ quả tiêu cực, làm cho các chính sách không đạt được các mục tiêu quan trọng trên. Trường hợp Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội dân tộc Ơ Đu ở Nghệ An cũng không ngoại lệ. Vậy nên cần phải nhận thức rõ vấn đề này để rút kinh nghiệm và tránh những tác động tiêu cực.
Chuyển đổi sinh kế trở thành thách thức lớn đối với người Ơ Đu sau gần hai thập kỷ tái định cư ở bản Văng Môn
Một trong những tác động tiêu cực của chính sách hỗ trợ chính là tạo ra tâm lý ỷ lại của người dân, góp phần làm tha hóa con người. So với các cộng đồng khác ở Nghệ An, người Ơ Đu là cộng đồng có chỉ số lao động khá thấp, nhiều khi còn bị coi là lười nhác, hay ỷ lại. Nhiều người Thái ở địa Tương Dương đồng ý cho con cái kết hôn với người Mông, người Khơ Mú nhưng lại hay ngăn cản việc kết hôn với người Ơ Đu vì họ cho rằng người Ơ Đu không chịu khó làm ăn. Nhiều hộ gia đình người Ơ Đu hiện nay cũng thể hiện tâm lý ỷ lại này. Khi có cán bộ đến khảo sát, họ cố gắng chứng minh rằng gia đình mình rất nghèo và cần phải được hỗ trợ. Dù so với các gia đình Khơ Mú bên cạnh thì họ cũng tương đương nhau về mọi phương diện. Hầu hết các gia đình Ơ Đu ở bản Văng Môn từ khi nhận nhà tái định cư để ở đến nay đã gần 20 năm nhưng họ không biết sửa sang nhà cửa khi nó đã bị hư hỏng nhiều. Với họ, Nhà nước đã cấp nhà để ở và giờ nhà hỏng Nhà nước có nhiệm vụ phải đến sửa sang hoặc cấp lại nhà cho họ. Dù rằng, khi tái định cư đến xã Nga My, người Ơ Đu được ưu tiên hỗ trợ nhiều hơn trong quá trình phát triển và điều kiện để sản xuất của họ cũng không thua kém các cộng đồng bên cạnh. Với tâm lý như vậy, nếu chỉ đầu tư ngoại lực mà không tìm ra và phát huy được nội lực thì không những không giải quyết được việc bị đồng hóa văn hóa mà còn đẩy người dân vào sự tha hóa con người. Điều này sẽ đi ngược lại mục tiêu của Đề án đặt ra.
Thiếu đất trồng lương thực là vấn đề lớn nhất của người Ơ Đu ở bản Văng Môn (một khu đất chủ yếu để trồng cây keo của người Ơ Đu ở Văng Môn)
Vấn đề thứ hai cũng vô cùng quan trọng là nguy cơ tạo ra những mâu thuẫn dân tộc từ việc bất bình đẳng trong việc nhận đãi ngộ từ các chính sách hỗ trợ. Tinh thần của chính sách hỗ trợ là củng cố khối đoàn kết dân tộc thông qua việc hỗ trợ cho các dân tộc rất ít người. Tuy nhiên, nhiều khi thực tế lại đi ngược lại tinh thần đó. Nhiều trường hợp ghi nhận được ở Tương Dương về việc người dân bày tỏ thái độ bất bình. Nhiều người Thái, người Khơ Mú cùng sinh sống bên cạnh người Ơ Đu, họ cùng canh tác trên một quả đồi, cùng uống nước một con suối, cùng nghèo khó như nhau. Nhưng người Ơ Đu lại được hỗ trợ nhiều trong khi các cộng đồng khác lại không được hoặc ít hơn. Điều đó làm cho họ thiếu thiện cảm với người Ơ Đu, qua đó hình thành nên những mâu thuẫn giữa các hộ gia đình này với nhau và khi có đủ điều kiện nó sẽ bùng phát. Phải chăng, đã đến lúc cần phải suy nghĩ lại về việc lấy tộc người làm đơn vị để xây dựng chính sách, nhằm đảm bảo sự bình đẳng giữa những con người với nhau.
tin tức liên quan
Videos
Lần đầu tiên Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được tổ chức tại thành phố Vinh, Nghệ An
Trần Lê Hữu - một nhân sĩ đất Nghệ
Từ quan niệm về lối viết nữ (L’écriture Féminine) đến việc xác lập một phương pháp nghiên cứu trong phê bình nữ quyền
Khai mạc Hội thi Thể thao Lễ hội Làng Sen năm 2024
MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT NAM RA ĐỜI - SỰ KIỆN CÓ Ý NGHĨA ĐẶC BIỆT TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC
Thống kê truy cập
114590092

2226

2355

2226

227795

128795

114590092