Góc nhìn văn hóa
Phát triển du lịch từ các sản phẩm dược liệu
Dược liệu đang dần trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng ở nhiều địa phương. Nó tương tác với các ngành khác và tạo ra những động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế, trong đó có du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch từ các sản phẩm dược liệu là một xu hướng được nhiều được phương vận dụng thành công và đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị.
Cuối năm 2024, trong một chuyến đi dự một hội thảo khoa học quốc tế tại thành phố Mông Tự, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, sau khi tham gia các phiên thảo luận trong hội trường thì chúng tôi được nước bạn mời đi tham quan khá nhiều nơi. Một điều đặc biệt là thành phố Mông Tự có khá nhiều cửa hàng buôn bán các loại dược liệu và thu hút được rất nhiều du khách. Một người Việt Nam đang giảng dạy đại học tại đây đã đưa đoàn chúng tôi đi tham quan và gợi ý cho chúng tôi ghé đến một tiệm thuốc có tên là Nhất Tâm Đường. Một cửa hiệu không lớn nhưng có rất nhiều loại dược liệu khác nhau, từ các loại thuốc chữa bệnh đến các loại trà giảm cân, trà uống đẹp da hay các loại thức uống khác nhau. Theo chị cho biết, hầu hết người Việt Nam qua đây đều đến tiệm này mua thuốc và họ chi khá nhiều tiền cho các loại này. Càng mua nhiều thì cửa hàng giảm giá càng sâu. Đoàn chúng tôi có gần 20 người thì ai cũng mua một ít dược liệu. Có người mua dăm bảy trăm đồng, có người mua đến gần chục triệu đồng. Khi về đến cửa khẩu thì đoàn còn vào tham quan hội chợ nông lâm sản. Tại đây, nhiều người lại tiếp tục mua các loại dược liệu khác từ táo tàu, các loại thuốc Bắc… Cứ như vậy, sau một chuyến đi hội thảo và tham quan về thì trong túi hành lý ai cũng có một túi các loại dược liệu khác nhau mua từ Trung Quốc mang về. Nói vậy để thấy, việc xây dựng các sản phẩm du lịch từ dược liệu có sức hấp dẫn rất lớn. Những người dân bên kia biên giới đã làm rất tốt việc này và họ khiến cho những du khách từ Việt Nam sang tiêu tiền một cách hào phóng với các loại dược liệu đó.
Khách du lịch có nhu cầu về dược liệu khá cao. Quan sát các đoàn đi du lịch có thể thấy rõ điều đó. Những người đi du lịch về vùng núi cao tỉnh Kon Tum đều mong muốn mua được một ít sâm Ngọc Linh chất lượng tốt để về ngâm rượu. Và hiện nay, chính quyền địa phương đang cố gắng xây dựng các tour du lịch để cho du khách có thể được trải nghiệm việc trồng, chăm sóc hay tham quan các vườn trồng loại sâm quý giá và đắt đỏ này. Những người đi du lịch vào Đắk Lắk cũng muốn mua được một ít thuốc ngâm rượu Ama Kông chất lượng về làm quà cho bạn bè hoặc mình ngâm để sử dụng. Tương tự như vậy, những người đi du lịch đến vùng biến Quảng Ninh cũng tìm mua cho được một ít cân ba kích để về ngâm rượu. Những người đi du lịch đến Đà Lạt thì cũng có thể tìm mua hàng chục loại dược liệu khác nhau, trong đó có hàng chục loại sản phẩm từ cây Atiso, từ hoa để ngâm rượu, cao để sắc uống hay trà atiso để uống nước… Ở Nghệ An, trong quá trình đi khảo sát cũng như đi trải nghiệm với nhiều đoàn khách du lịch khác nhau, tôi cũng được chứng kiến việc tìm kiếm các loại dược liệu. Nhiều người lên vùng núi Tương Dương, Kỳ Sơn thì muốn đi tìm mua các loại dược liệu để ngâm rượu như sâm cau, sâm ngọc cẩu… Nhiều du khách khi lên vùng rừng quốc gia Pù Mát ở Con Cuông thì không quên mua một ít chai mật ong rừng để về sử dụng. Rồi những người đi về vùng núi Quỳ Châu thì tìm mua quế, trầm. Những người đi lên vùng núi Quế Phong lại không quên tìm mua ít trà hoa vàng nổi tiếng… Giá cả của những loại dược liệu này đều không hề rẻ, nhưng cũng thu hút được nhiều du khách sẵn sàng bỏ tiền ra mua.
Một thầy lang người Khơ Mú ở Tương Dương đang phơi thuốc để bán cho du khách
Nhưng có lẽ thành công nhất trong việc đưa dược liệu vào phát triển du lịch là người Dao ở Sa Pa, Lào Cai, mà nổi tiếng nhất là dược liệu của người Dao Đỏ ở xã Tả Phìn. Tôi bắt đầu khảo sát về du lịch cộng đồng tại Tả Phìn từ năm 2007, trải qua gần hai mươi năm theo dõi sự phát triển du lịch ở đây thấy rất rõ vai trò quan trọng của dược liệu. Người Dao Đỏ có kho tàng tri thức về dược liệu đa dạng và phong phú. Họ đã vận dụng hệ thống tri thức này để tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ du lịch. Hầu hết khách du lịch đến Tả Phìn đều sử dụng các sản phẩm từ dược liệu. Đó là tắm thuốc Dao Đỏ, ngâm chân bằng dược liệu, rồi mua các sản phẩm dược liệu do người dân tạo ra. Như vậy, từ dược liệu, người Dao Đỏ ở đây đã sáng tạo ra các dịch vụ như tắm thuốc, ngâm chân, chữa bệnh, massage trị liệu… và cũng tạo ra hàng chục loại hàng hóa khác nhau để bán cho du khách. Dược liệu của người Dao Đỏ cũng mở rộng ra thị trường và có mặt ở hầu hết các đô thị lớn để phục vụ nhu cầu của du khách. Vậy nên, có thể gọi du lịch cộng đồng của người Dao ở Sa Pa chính là du lịch dược liệu.
Một điều quan trọng nữa để khẳng định vai trò của dược liệu đối với phát triển du lịch chính là liên quan đến vấn đề ẩm thực. Ẩm thực có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Người ta đi du lịch luôn mong muốn được thưởng thức các món ẩm thực đặc sản của địa phương. Và hầu hết các đặc sản ẩm thực nổi tiếng đều phải có những loại dược liệu trong đó. Đó chính là các loại hương liệu hoặc gia vị. Từ các món ăn nổi tiếng hay các loại thức uống đều cần có những loại dược liệu để chế biến. Những khách du lịch khi đến Hà Nội đều không bỏ qua việc ăn một bát phở truyền thống nổi tiếng. Trong phở Hà Nội thì cần phải có nhiều loại gia vị, hương liệu khác nhau, trong đó có thảo quả - một loại gia vị nổi tiếng được coi là “nữ hoàng gia vị” được người Hmông, người Dao trồng ở vùng núi Tây Bắc. Hay những đặc sản thu hút du khách của người Nghệ An như cháo lươn hay canh gà nấu xáo thì cũng nhất thiết phải có hành tăm - một loại gia vị phổ biến của người Nghệ. Rồi những người đi du lịch cộng đồng ở vùng miền núi, khi ăn món gà nướng nổi tiếng mà thiếu đi quả mắc khén thì cũng mất đi một hương vị đặc trưng của núi rừng… Nhìn chung, các loại dược liệu làm gia vị, hương liệu là linh hồn của nhiều đặc sản ẩm thực quan trọng và nó góp phần thúc đẩy du lịch ẩm thực phát triển.
Khách du lịch nước ngoài sử dụng thuốc ngâm chân của người Dao Đỏ
Một trong những giá trị quan trọng mà phát triển du lịch từ các sản phẩm dược liệu đưa lại bên cạnh lợi ích kinh tế chính là thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị của tri thức về dược liệu của các cộng đồng. Trước những năm 2010, những người Dao ở Tả Phìn không biết nhiều về các loại dược liệu. Cơ bản chỉ có một số thầy lang biết nhiều bài thuốc dân gian vẫn hay bốc thuốc chữa bệnh cho người dân trong các bản và một số người già biết được. Sự hiểu biết về các bài thuốc cũng rất khác nhau. Ví dụ, liên quan đến bài thuốc tắm thì có thì có người chỉ biết 3-4 loại cây thuốc để nấu với nhau, nhưng cũng có người biết được 7-8 loại cây thuốc khác nhau để đạt hiệu quả cao hơn. Nhưng đến đầu những năm 2020, hầu như người Dao ở Tả Phìn đều biết về bài thuốc tắm và bài thuốc ngâm chân. Họ có thể lấy được các loại cây thuốc cần thiết để nấu thuốc tắm hoặc thuốc ngâm chân. Nhiều gia đình còn biết được 13-14 loại cây thuốc khác nhau để tạo thành bài thuốc tắm hoàn chỉnh hơn. Đây là tác động của du lịch làm cho tri thức về dược liệu của người Dao được sưu tầm, vận dụng và phát triển. Nhưng bên cạnh đó, những bài thuốc này cũng bị các cộng đồng khác vận dụng khiến người Dao mất bản quyền, và sự phát triển quá mạnh mẽ làm cho nguồn cây thuốc ở vùng núi Sa Pa đang dần bị cạn kiệt. Điều này chứng tỏ du lịch tác động rất mạnh mẽ đến hệ thống tri thức dược liệu và việc bảo tồn tri thức dược liệu trong phát triển du lịch là điều quan trọng.
Một gian giới thiệu sản phẩm dược liệu với khách du lịch ở Tả Phìn
Nếu dược liệu có vai trò quan trọng trong quá trình đẩy mạnh phát triển du lịch, thì ngược lại, du lịch cũng tác động mạnh mẽ đến hệ thống tri thức dược liệu của các cộng đồng. Việt Nam có nguồn gen dược liệu đa dạng và phong phú, và cũng có một hệ thống tri thức về dược liệu rất đa dạng. Mỗi cộng đồng đều có những tri thức liên quan đến tìm kiếm, khai thác, chăm trồng và sử dụng các loại dược liệu. Du lịch có tác động hai mặt đến hệ thống tri thức dược liệu của các cộng đồng. Trước hết, du lịch tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy giá trị của các bài thuốc cổ truyền của các cộng đồng, rộng hơn là bảo tồn hệ thống tri thức dược liệu của cộng đồng đó. Khi các tri thức về dược liệu được vận dụng để tạo thành các sản phẩm phục vụ du khách, mang lại nhiều thu nhập cho người dân, thì người dân sẽ ý thức được việc phải giữ gìn các tri thức dược liệu đó. Mặt khác, du lịch cũng tạo sức ép đối với hệ thống tri thức dược liệu của các cộng đồng, làm cạn kiệt nguồn gen dược liệu và làm mai một các bài thuốc cổ truyền khi mà cộng đồng chưa đủ năng lực và bản lĩnh để bảo tồn các giá trị văn hóa này trước sự phát triển của kinh tế thị trường.
tin tức liên quan
Videos
Martin Heidegger: Cuộc đời và ngôn ngữ triết học
Lần đầu tiên Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được tổ chức tại thành phố Vinh, Nghệ An
Vẫn còn tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về văn học nghệ thuật
Mười thư viện lớn nhất thế giới
U19 SLNA xuất sắc đánh bại U19 Hà Nội trên chấm luân lưu 11m dành vé vào chơi trận Chung kết.
Thống kê truy cập
114583112

222

2312

21682

220815

128795

114583112