Văn hóa và đời sống

Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Lễ phát động hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Nghệ An năm 2022 được tổ chức tại huyện Đô Lương. Ảnh: Ngọc Mai

Xác định vai trò quan trọng của xây dựng môi trường văn hóa (MTVH) trong mọi hoạt động, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến xây dựng và phát triển đời sống văn hóa; gìn giữ những giá trị di sản văn hóa tạo sự gắn kết cộng đồng; bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ của con người làm hạt nhân cơ bản cho sự phát triển xã hội để phát triển đất nước bền vững.

1. Tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa cơ sở

Theo các chuyên gia văn hóa, MTVH được xem như “thiên nhiên” thứ hai, là vườn ươm tạo nên nhân cách văn hóa của con người từ chính mỗi cộng đồng. MTVH có ý nghĩa đặc biệt trong hình thành nhân cách con người; là cơ sở để tạo một xã hội tốt đẹp, hạnh phúc và đáng sống; là nguồn tài nguyên văn hóa, xã hội và kinh tế đặc biệt… Do đó, MTVH cơ sở có ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bền vững của đất nước. MTVH lành mạnh là cơ sở để phát triển kinh tế, bình ổn xã hội, cân bằng môi trường. MTVH bị tổn thương sẽ làm trầm trọng thêm sự bất ổn trong xã hội, dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Ở Việt Nam, MTVH được hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm nên luôn có sự bảo lưu các yếu tố truyền thống và sự hiện diện các yếu tố mới, hiện đại. Cảnh quan văn hóa là yếu tố dễ nhận biết sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Các sinh hoạt văn hóa cũng thay đổi không ngừng, lễ hội truyền thống thay đổi về thời gian, không gian, quy mô... Các thiết chế văn hóa truyền thống được bổ sung bằng các thiết chế văn hóa hiện đại. Đáng chú ý, sự tiếp thu các ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài là tất yếu đối với hầu hết các MTVH. Trong xu thế mở cửa, hội nhập và công nghệ số phát triển, yếu tố văn hóa nước ngoài có điều kiện tác động sâu rộng đến các loại MTVH ở nước ta, từ các sinh hoạt văn hóa, tư tưởng đến lối sống, nếp sống của các cá nhân, gia đình, cộng đồng.

Xây dựng MTVH cơ sở lành mạnh là quá trình gìn giữ, lan tỏa các giá trị, chuẩn mực văn hóa của gia đình, cộng đồng, quốc gia, tạo điều kiện cho các giá trị văn hóa tốt đẹp, nhân văn nảy nở, ngăn ngừa và loại bỏ tiêu cực, phản văn hóa không phù hợp, hoặc làm tổn hại đến các giá trị, chuẩn mực văn hóa. Theo đó, cần phát huy vai trò của các cộng đồng, nhóm cộng đồng, nơi mỗi gia đình sinh sống để xây dựng MTVH. Bởi MTVH ở các địa bàn dân cư có ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành nhân cách của mỗi cá nhân cũng như sự lành mạnh của MTVH gia đình….

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của MTVH trong đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết 33 của Đảng đã đưa ra những nội dung cơ bản, bao quát nhất của công cuộc xây dựng MTVH, với ba MTVH quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và hoàn thiện nhân cách con người, cũng như củng cố và phát triển văn hóa: Xây dựng MTVH gia đình; xây dựng MTVH trong nhà trường; xây dựng MTVH trong cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, đây là những nội dung lớn mang tính định hướng cho công cuộc xây dựng MTVH nói chung. Đối với từng không gian, MTVH cụ thể cần phải có sự vận dụng, phát triển, mở rộng, cụ thể hóa thì mới phù hợp và tương thích. 

2. Thực trạng về xây dựng MTVH cơ sở của nước ta thời gian qua

2.1. Thành tựu đã đạt được trong xây dựng MTVH cơ sở cần được phát huy và lan tỏa

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt được nhiều kết quả tích cực

 Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng MTVH lành mạnh từ cơ sở. Tại các địa phương, ngày càng xuất hiện nhiều nhân tố mới về điển hình tiên tiến trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Phong trào đã mang tính toàn diện, được khẳng định trong cuộc sống và có ý nghĩa chính trị - xã hội, nhân văn sâu sắc; đồng thời, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò và động lực của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước; nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển. Nhiều giá trị văn hóa, các quy định pháp luật và quy chế, quy tắc ứng xử văn hóa ngày càng thẩm thấu vào đời sống, tạo dựng môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng dân cư, mỗi gia đình và cá nhân.

Phong trào đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội một cách bền vững. Truyền thống đoàn kết và đạo lý dân tộc được phát huy, trở thành nội lực giúp nhau “xóa đói, giảm nghèo”, “đền ơn, đáp nghĩa”; xây dựng con người về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nếp sống được chú trọng, vai trò và vị trí của gia đình và cộng đồng được nâng lên; tình làng, nghĩa xóm được củng cố. Nhiều giá trị văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy, làm phong phú đời sống văn hóa của người dân.

Nếp sống văn hóa, đạo đức, lối sống ngày càng được chú trọng xây dựng và phát huy hiệu quả.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, hạn chế và đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, những hủ tục lạc hậu. Nhiều địa phương đã tổ chức cưới, tang văn minh, tiết kiệm, gọn nhẹ, giảm bớt các hủ tục phiền hà, nhiều nét văn hóa mới được phát huy, như tổ chức các đám cưới không hút thuốc, xuất hiện mô hình tổ chức các đám cưới tập thể… Việc xây dựng đạo đức, lối sống ngày càng được chú trọng; xuất hiện nhiều tấm gương đạo đức, hành động xả thân vì xã hội, dũng cảm cứu người trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh COVID-19,...

Việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu

Các giá trị, chuẩn mực cốt lõi của văn hóa, của MTVH được gìn giữ, phát huy; các giá trị mới, chuẩn mực mới từng bước được hình thành, hoàn thiện; nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của Nhân dân được quan tâm; truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng được phát huy; các sản phẩm văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân; công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, đẩy mạnh, góp phần đáng kể vào việc xây dựng, từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, góp phần xây dựng MTVH trong sạch, lành mạnh. Hệ thống di sản văn hóa được khai thác, gắn kết việc đẩy mạnh xây dựng MTVH, xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa từng bước được nâng cao

Trung tâm văn hóa xóm 6, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: Ngọc Mai

Thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng để tổ chức các hoạt động văn hóa cho Nhân dân, đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt chung của cộng đồng; qua đó, cộng đồng tổ chức xây dựng và tổ chức thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương... Hiện nay, trên toàn quốc, đặc biệt ở địa bàn cấp huyện, cấp xã (phường, thị trấn) hầu hết đều có trung tâm văn hóa, hoặc nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các thôn, bản, buôn, làng, ấp có nhà văn hóa... Với độ bao phủ và sự năng động, tích cực trong việc phát huy vai trò của các thiết chế, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở ở nhiều nơi đã thực sự trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, bồi dưỡng nghiệp vụ, là hạt nhân có tác động tích cực nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội,... phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, định hướng thẩm mĩ lành mạnh cho Nhân dân địa phương.

2.2. Những bất cập, hạn chế trong xây dựng MTVH cơ sở cần khắc phục trong thời gian tới

Chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chưa thật sự bền vững

Chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, ấp, bản, buôn văn hóa chưa vững chắc và đồng đều giữa các vùng, vẫn còn có biểu hiện chạy theo thành tích và số lượng, chưa chú ý nâng cao chất lượng. Chất lượng các danh hiệu văn hóa, như gia đình văn hóa, làng văn hóa, thôn, ấp, bản văn hóa ở nhiều nơi còn hạn chế; chưa phát huy hiệu quả và hấp dẫn được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa vẫn còn một số bất cập

Công tác quản lý và tổ chức một số lễ hội còn bộc lộ những yếu kém. Có biểu hiện thương mại hóa trong lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi, ... Trong việc hiếu, hỉ, vẫn còn hiện tượng tổ chức đám cưới linh đình, tốn kém; lối sống, nếp sống văn hóa truyền thống tốt đẹp đang có biểu hiện suy giảm…

Vẫn còn biểu hiện xuống cấp, suy thoái về đạo đức, lối sống, gây nên những bức xúc, tạo hệ lụy xấu trong đời sống xã hội. Văn hóa ứng xử giữa con người với tự nhiên còn nhiều hạn chế, khiến môi trường sinh thái bị xâm hại. Môi trường thiên nhiên bị hủy hoại ngày càng tác động tiêu cực trở lại đến đời sống của con người, như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, triều cường, nước biển dâng, sạt lở núi, đồi, sạt lở ven sông, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Mối quan hệ giữa con người với con người cũng chưa được chú ý đúng mức. Quan hệ giữa người và người dễ bị lấn át, che khuất trong các mối quan hệ trao đổi hàng - tiền, tiền - tiền, tiền và vật chất,... đã vô tình tạo ra cách nhìn nhận và đánh giá con người thông qua giá trị của cải vật chất, mà không phải là giá trị tình cảm trong sáng, nhân văn vốn là vốn quý trong đạo đức, lối sống truyền thống mà cha ông ta đã để lại.

Tệ nạn xã hội gia tăng, gây hậu quả nghiêm trọngTỷ lệ thanh thiếu niên gây ra các vụ án ngày một tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Tình trạng bạo hành gia đình, bạo lực học đường, xâm phạm trẻ em... vẫn là những vấn đề nóng trong xã hội. Đặc biệt, ở một số vùng nông thôn, phụ nữ và trẻ em vẫn là những đối tượng chính trong các vụ án mua bán người. Các tệ nạn xã hội, như cờ bạc, buôn lậu, mua bán trái phép chất ma túy, cá độ, tín dụng đen, cho vay nặng lãi... hoạt động ngày một tinh vi và thách thức cán bộ quản lý, gây nên những bức xúc trong xã hội. Vẫn còn hiện tượng du nhập, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, hoạt động thiếu lành mạnh thông qua các cơ sở dịch vụ văn hóa, như vũ trường, karaoke, in-tơ-nét công cộng...

Tính ổn định, bền vững của những giá trị truyền thống tích cực trong đời sống văn hóa chưa cao

Tốc độ đô thị hóa, xu thế nông thôn hóa thành thị đang phá vỡ nền tảng văn hóa truyền thống, nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị xói mòn hoặc bị phá vỡ như giá trị văn hóa làng, xã. Sự bền vững của nền tảng gia đình truyền thống bị lay chuyển, bản sắc văn hóa có nguy cơ suy giảm; các giá trị văn hóa trong gia đình, dòng họ, làng, xã có biểu hiện ngày càng đi xuống; từ đó, ảnh hưởng tới việc nuôi dưỡng và rèn luyện nhân cách con người. Sự phân cực giàu nghèo, biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường sống vẫn tồn tại đã và đang làm biến đổi đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân, khiến cho cuộc sống thường ngày của người dân bị ảnh hưởng.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gặp nhiều khó khăn, bấp cập; nhiều di sản văn hóa bị xuống cấp, bị xâm phạm, ảnh hưởng tới sự tôn nghiêm của di sản. Nhiều phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của các dân tộc bị ảnh hưởng do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa làm mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc, vùng, miền. Một số phong tục, tập quán cũ không còn phù hợp, trong khi đó các giá trị văn hóa mới chậm hình thành, chưa được khẳng định trong đời sống xã hội hiện nay; một số hình thức văn hóa, lối sống không lành mạnh thâm nhập về nông thôn, làm mất đi nét đẹp mang tính văn hóa truyền thống làng, xã ở nông thôn.

3. Giải pháp về xây dựng MTVH cơ sở đáp ứng phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của MTVH cơ sở đối với sự phát triển bền vững; khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng XHCN.

Hai là,phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về xây dựng MTVH cơ sở lành mạnh, tiến bộ, hướng tới việc bảo vệ các giá trị, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa tốt đẹp, bảo vệ, tôn trọng quyền làm chủ của người khác, của cộng đồng. Thông qua vai trò quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, dùng luật pháp để điều chỉnh hành vi con người cho phù hợp, nhằm dần trở thành ý thức tự giác của mỗi người, hướng tới thực hiện chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa.

Giao lưu mô hình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở xóm 6, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, Nghệ An.                                                             Ảnh: Ngọc Mai

Ba là, chú trọng xây dựng MTVH cơ sở lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa, nhất là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ những giá trị “chân - thiện - mỹ”.Đồng thời, có chính sách phát triển văn hóa tương ứng với phát triển kinh tế, đầu tư về nguồn lực con người, nguồn lực tài chính nhằm hoàn thiện các thể chế, thiết chế văn hóa phục vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Bốn là, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện chế độ tôn vinh khen thưởng kịp thời. Chú trọng các phong trào hạt nhân, như phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa và phong trào thi đua người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến. Thường xuyên chú trọng công tác tôn vinh, khen thưởng những điển hình tiên tiến về tư tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh việc nêu gương người tốt, việc tốt; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; đồng thời, phê phán, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống.

Năm là, Xây dựng và triển khai các chương trình, đề án trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa và các di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, quốc tế. Khuyến khích thu hút các nguồn lực xã hội hóa trong công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa.

Sáu là, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phát huy có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng MTVH gắn với xây dựng môi trường kinh tế - xã hội. Sự kết hợp giữa MTVH và môi trường kinh tế - xã hội đều nhằm đạt tới sự lành mạnh, tiến bộ, phát triển của con người và xã hội. Do đó, cần phải thực hiện nghiên cứu khoa học, kiểm kê, đánh giá tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống, nếp sống truyền thống, để trên cơ sở đó, cái gì tốt thì kế thừa, cái gì xấu, cản trở sự phát triển phải loại ra khỏi đời sống thực tiễn.

Hiện nay, trong điều kiện mở cửa, hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, để xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta cần tiếp thu những giá trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa, văn minh tiến bộ của các dân tộc; đồng thời, phải chống lại những yếu tố phản động, đồi trụy, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc đang tác động vào MTVH của chúng ta. Hướng đích, tạo nguồn lực nội sinh mạnh mẽ đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, hướng tới mục tiêu năm 2030 “là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”[1].

 

 

(Bài đã đăng Văn hóa Thể thao Nghệ An Số 7/tháng 12/2022)

 


[1] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H.2021, tập I, tr.36.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511629

Hôm nay

2292

Hôm qua

2336

Tuần này

22003

Tháng này

218502

Tháng qua

121356

Tất cả

114511629