Văn hoá học đường

Thi học sinh giỏi - nghịch lý và đổi mới

 Ảnh minh hoạ (LĐO)

Thi học sinh giỏi từ lâu vốn đã là tâm điểm bàn luận của đông đảo các tầng lớp trong xã hội, bởi tính bất ổn của nó. Đã có quá nhiều ý kiến chỉ ra sự bất cập, phi khoa học, phản giáo dục và những sự nhiêu khê trùng trùng ở đó. Chúng tôi không nhắc lại những điều ấy ở đây nữa, mà chỉ thông qua một số nghịch lý điển hình đã và đang tồn tại để giúp bạn đọc hình dung và chọn lựa, ít nhất là về mặt nhận thức trước khi nó được “cải cách” bởi ngành Giáo dục và Nhà nước nói chung.

1.Học để thi

 

Theo lẽ thường thì thi là để học, tức lấy thi làm động lực, và hơn hết là thông qua kết quả kiểm tra mà giúp người học tự nhìn thấy vị trí và những hạn chế của mình, từ đó mà lên kế hoạch rồi nỗ lực hoàn thiện học vấn của bản thân. Cung cách thi cử nói chung và thi học sinh giỏi nói riêng ở Việt Nam thì lại đang làm ngược lại: lấy thi làm mục đích. Thi xong rồi vuốt mồ hôi và coi như “hoàn thành nhiệm vụ”. Những học sinh giỏi các cấp, đặc biệt là lớp 12, sau khi đoạt giải thì làm gì và ở đâu? Không có chương trình riêng đặc biệt nào dành cho các em để “bồi dưỡng nhân tài” ở đại học và sau đại học cả. Những kỳ thi học sinh giỏi ở phổ thông đều dẫn đến cùng một nơi: đại học. Một học sinh giỏi quốc gia học chung lớp với học sinh chưa từng đoạt giải với cùng một chương trình, cùng một giảng viên, cùng phòng thí nghiệm… Tóm lại là trăm sông đổ về một biển, hòa lẫn. Đó là một sự lãng phí và phi lý không thể chấp nhận được.

2. Thi để lấy thành tích.

 

Cái mà các kỳ thi này quan tâm là điểm số và giải thưởng để báo cáo chứ không phải năng lực và phẩm chất của người học. Điều này là tai hại, vì nó bỏ quên con người. Cái đích tối hậu là điểm số, chứ không phải là người học, hiểu như là chủ thể cuối cùng của chuỗi hoạt động giáo dục, cho nên người ta dồn tổng lực để đạt được mục tiêu là điểm số kia. Tệ nạn học nhồi nhét, mẹo mực, tủ bài, mánh khóe…, từ đây mà sinh ra. Việc sẵn sàng chi tiền tỉ để mời giáo sư nhằm kiếm vài cái giải quốc gia cũng từ đây mà sinh ra. Nạn mớm đề, thông đồng, đi đêm cũng từ đây mà sinh ra. Tệ gửi gắm, trao đổi, đánh dấu bài để chấm “gà nhà” cũng từ đây mà sinh ra. Cuộc chạy đua thành tích này đã bào mòn sức khỏe và lòng yêu nghề trong sáng của thầy cô, làm thui chột tính sáng tạo và sự năng động của học trò, biến môi trường giáo dục trở thành một chiến trường căng thẳng và sống còn. Nó bóp méo tất cả. Và, không ở đâu căn bệnh này lại nặng nề, ghê gớm như trong hệ thống trường chuyên.

3. Tạo ra người giỏi bằng cách thi

 

Đây là một quy trình nghịch và phản khoa học. Đáng ra, thi là để tìm kiếm tài năng nhưng cách làm ở Việt Nam lại ngược lại. Học sinh vừa vào lớp 10 đã lựa chọn và đưa vào đội tuyển, “luyện” ròng rã 3 năm bằng muôn phương nghìn cách để phục vụ cho một kỳ thi sinh tử vào năm cuối cấp. Quy trình này cho thấy, ban đầu những học sinh ấy vốn chưa “giỏi”, chính vì mục tiêu “đào tạo” để đi thi nên phải làm mọi cách để các em “giỏi” lên. Trớ trêu thay, cách làm đó không mấy khi sinh ra một học sinh giỏi thực thụ - tức là có năng lực tư duy sáng tạo, linh động, cá tính, đột phá - mà thường vì sự an toàn nên dễ đi vào các đường ray, không dám nghĩ khác, nói khác, thậm chí sa vào tình trạng văn mẫu, toán mẫu, lý mẫu, hóa mẫu… Những gì vừa mô tả là quá lạ lùng đối với các nền giáo dục tiên tiến. Ở đó, họ chỉ thông báo, đại loại: có một kỳ thi, lịch, và ai muốn thì tham gia. Không có chuyện “luyện thi”, càng không có gióng trống mở cờ đón rước rình rang như ở ta. Thi, đó chỉ là một trải nghiệm cá nhân, không nhân danh, không dán nhãn, không làm thước đo để tự hào hay ngạo nghễ gì cả.

4.“Học sinh giỏi” và học sinh gì?

 

Điều làm chúng tôi băn khoăn nhất là ngoài một tỉ lệ rất nhỏ được gọi là “học sinh giỏi” thì những em còn lại sẽ gọi là học sinh gì? Có nhiều “cấp bậc” nhưng trong quan hệ logic này thì tất yếu dẫn tới một ý niệm rằng các em còn lại là “không giỏi”. Một quan niệm như vậy là lạc hậu và phi giáo dục. “Tất cả đều là học sinh giỏi”. Sứ mạng của giáo dục là phát hiện, rồi tạo ra môi trường và điều kiện để những cá tính và năng lực đặc thù ở mỗi người học được tìm thấy mảnh đất và vùng trời của mình. Một nền giáo dục tiến bộ sẽ không có cái tôn ti thứ bậc kia. Ở đó, một học sinh giỏi toán cũng được coi trọng như một em nhảy cao xuất sắc, như một em khác hát hay và một em khác nữa vẽ đẹp. Không có học sinh dốt, chỉ có nền giáo dục lạc hậu đã quan niệm lệch lạc và sai lầm.

Cái hệ trọng ở một nền giáo dục không chỉ ở chỗ tìm ra người giỏi, dù đó là giỏi thật, mà quan trọng là phải làm sao để các em phát huy tố chất và thiên tư của mình. Mục đích cuối cùng là Học để biết, học để làm, học để hoàn thiện bản thân mình, học để cùng chung sống -chứ không phải để có giải học sinh giỏi hay để báo cáo thành tích. Tóm lại, điểm đến của hành trình giáo dục phải là cuộc đời, xã hội và hạnh phúc cá nhân của chính người học, chứ không thể chỉ dừng lại bên trong khuôn viên trường học bằng trên những tờ giấy chứng nhận giải thưởng và xếp loại trên học bạ.

“Thi học sinh giỏi” như cách đã và đang tiến hành, đó là điển hình của việc chúng ta đã duy trì một lối tư duy lạc hậu và có tính kìm hãm con người. Nếu không cải tiến được theo hướng khai phóng thì có lẽ việc dừng lại những kỳ thi nhiều tác hại ấy sẽ có lợi hơn cho giáo dục nước nhà chăng?

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114485444

Hôm nay

285

Hôm qua

2310

Tuần này

22015

Tháng này

212756

Tháng qua

120271

Tất cả

114485444