Văn hoá học đường

Cái nhìn khác về xếp hạng đại học và công bố quốc tế

Trong bối cảnh các nền học thuật đang chạy theo cuộc đua tiêu chuẩn quốc tế, mà phổ biến nhất là chạy đua công bố quốc tế và xếp hạng đại học, liệu có một con đường khác cho sự phát triển của khoa học xã hội và khẳng định lại vị thế của nhà nghiên cứu hay không? Có thể đó là một gợi mở để chúng ta nhìn ngược lại các trào lưu chính trong dòng chảy học thuật toàn cầu hóa.

Tạp chí Times Higher Education (THE) của Anh đêm 27/9 vừa công bố bảng xếp hạng đại học (ĐH) thế giới năm 2024. Việt Nam tiếp tục có 6 đại diện được xếp hạng, đó là ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Huế, Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng (trong ảnh Thứ hạng các trường Việt Nam trên bảng xếp hạng ĐH thế giới năm 2024 của THE. Ảnh: VGP/NN)

 

Cuộc chạy đua tiêu chuẩn quốc tế

Hầu hết các trường đại học đều đặt ra mục tiêu chen chân vào các bảng xếp hạng đại học của các tổ chức đánh giá giáo dục trên thế giới. Đó là nỗ lực để được xuất hiện trên bản đồ hệ thống giáo dục đại học thế giới. Đó là định hướng, là mục tiêu được nhiều người chấp nhận và ủng hộ. Bởi người ta coi đó cũng là một con đường thể hiện quá trình hội nhập thế giới và toàn cầu hóa trong lĩnh vực giáo dục. Và đương nhiên, quá trình xếp hạng đại học cũng là một quá trình cạnh tranh vị trí giữa các trường đại học với nhau ở nhiều phạm vi khác nhau. Bởi bên cạnh những bảng xếp hạng toàn thế giới thì còn có xếp hạng khu vực, xếp hạng quốc gia…. Chính động lực đó đã thôi thúc các trường đại học không ngừng thu hút nhân tài để tăng cường nguồn lực cạnh tranh của trường mình. Trong đó, quan trọng nhất chính là thu hút đội ngũ các nhà nghiên cứu được đào tạo ở nước ngoài về với những mức lương và đãi ngộ khác nhau. Nhìn chung, các chương trình thu hút nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học tập trung vào điều kiện vật chất và môi trường làm việc.

Các nhà khoa học cũng bị cuốn vào cuộc chạy đua công bố quốc tế để khẳng định vị thế chuyên gia quốc tế của mình và qua đó cũng để tìm kiếm những lợi ích khác. Trong khi các nhà nghiên cứu được đào tạo từ các đại học uy tín ở nước ngoài về có nhiều thuận lợi trong việc công bố quốc tế. Từ trình độ ngoại ngữ, trải nghiệm giáo dục quốc tế, kinh nghiệm về nghiên cứu và công bố quốc tế. Bên cạnh đó là mạng lưới xã hội rộng lớn với các nền học thuật quốc tế. Những điều đó mang lại cho họ rất nhiều cơ hội để có nhiều công trình công bố quốc tế hơn. Còn với các nhà nghiên cứu được đào tạo trong nước, trong bối cảnh hiện tại cũng phải cố gắng vươn ra để có công trình công bố quốc tế. Họ không ngừng nỗ lực học ngoại ngữ, cố gắng để có những chuyến đi thực tập, trao đổi, học hỏi ở nước ngoài để tăng cường năng lực về công bố quốc tế của bản thân. Những nhà khoa học có bài công bố trên các tạp chí hàng đầu, các tạp chí thứ bậc càng cao thì càng được giới chuyên môn đánh giá cao và họ được coi là những chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực đó.

Các nhà nghiên cứu càng có nhiều bài công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín thì trở thành các chuyên gia quốc tế, các nhà học thuật xuất sắc hay nhiều danh hiệu mỹ miều khác. Và uy tín của họ trong giới học thuật cũng tăng cao. Không chỉ là chuyện danh vọng, mà còn nhiều lợi ích kèm theo. Các trường đại học hàng đầu sẽ mời gọi họ với những ưu đãi lớn để cải thiện hay khẳng định vị thế của trường trên bảng xếp hạng như đã nói ở trên. Các chính phủ, doanh nghiệp và các hiệp hội cũng sẽ mời họ tham gia và các hoạt động khác vì họ có uy tín lớn. Nói chung, công bố quốc tế có thể định danh một nhà nghiên cứu và mang lại cho họ nhiều lợi ích cả vật chất lẫn tinh thần nên người ta chạy theo cuộc chơi công bố quốc tế là một lựa chọn duy lý.

Mục đích của sản xuất tri thức khoa học

Đưa nền khoa học nước nhà phát triển theo các tiêu chuẩn học thuật quốc tế là một biểu hiện của việc hội nhập quốc tế về khoa học, cũng là chứng minh cho việc Việt Nam sẽ hội nhập quốc tế một cách toàn diện. Và về xu hướng học thuật chung của nhân loại trong bối cảnh toàn cầu hóa thì quốc tế hóa các nền học thuật là con đường chính mà nhiều quốc gia theo đuổi. Nhưng nếu sản xuất tri thức khoa học chỉ để phục vụ mục tiêu duy nhất là công bố quốc tế và xếp hạng đại học thì sẽ có nhiều vấn đề xẩy ra. Dù rằng, việc phê phán quá trình quốc tế hóa học thuật ở Việt Nam sẽ gặp những phản đối mạnh mẽ bởi phải trải qua nhiều khó khăn nền học thuật mới hội nhập được với thế giới phát triển, nay bảo nó dừng lại hay thay đổi thì thật sự rất ít người chấp nhận.

Nhìn nhận lại cuộc chạy đua theo tiêu chuẩn quốc tế trong học thuật và giáo dục đại học ở Việt Nam khi tập trung chạy đua xếp hạng đại học và công bố quốc tế thì thấy bên cạnh những giá trị lớn lao mà nó làm thay đổi nền học thuật nước nhà, vẫn còn những vấn đề phải suy nghĩ. Trước hết đó là “sự bất đối xứng giữa nhà nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu”, một vấn đề đã được học giả Stan BH Tan - Tangbau đã đề cập đến trong nghiên cứu của mình. Khi thảo luận về cuộc chạy đua xếp hạng đại học và công bố quốc tế, Giáo sư Stan BH Tan - Tangbau đã phải thốt lên rằng: Thứ nhất, giờ đây, học giả khoa học xã hội có địa vị khoa học cao đến mức người ta có thể đại diện cho tiếng nói/suy nghĩ/quan điểm của đối tượng mà ông ta/bà ta nghiên cứu. Thứ hai, sự sáng tạo tri thức khoa học cơ bản được đo lường về số lượng công bố quốc tế (bằng tiếng Anh) trong các kênh được chứng thực (qua các nhà xuất bản học thuật có tính thương mại). Trong khi đó, các nhà bản địa học phê phán lại đưa ra những quan điểm chống lại việc coi “đối tượng nghiên cứu” vốn là những con người, trong lĩnh vực tộc người thì họ chủ yếu là những người bản địa, đang bị các “nhà nghiên cứu” xem như là những công cụ để họ tham gia vào cuộc chơi công bố quốc tế. Như học giả Linda Tuhiwai Smith đã gay gắt phê phán: “Bản thân từ “nghiên cứu” có lẽ là một trong những từ ngữ bẩn thỉu nhất trong từ vựng của người bản địa”.

Những phê phán đó cho thấy bên cạnh xu hướng chung là chạy đua công bố quốc tế và xếp hạng đại học thì cũng xuất hiện những khuynh hướng nhỏ lẻ hơn phê phán lại các dòng chảy chính đó. Ở đó, người ta đặt ra câu hỏi “sản xuất tri thức khoa học để làm gì?” khi mà nó chỉ phục vụ lợi ích của nhà nghiên cứu còn đối tượng nghiên cứu thì bị bỏ quên?! Câu hỏi này sẽ ngày càng hiển hiện hơn, nhất là ở các nước đang phát triển, bởi ở đó, mối quan hệ giữa đối tượng nghiên cứu và nhà nghiên cứu thật khó mà tách bạch ra về các quan hệ xã hội.

Giải độc quyền của các nhà nghiên cứu

Nghe có vẻ hơi lãng mạn hóa khi đi tìm sự bình đẳng xã hội từ góc nhìn học thuật, nhưng càng ngày, nhu cầu tương tác giữa nhà nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu càng tăng lên và các đối tượng nghiên cứu cũng có những yêu cầu, đòi hỏi đối với nhà nghiên cứu. Điều đó làm cho “nghiên cứu” không còn là việc độc quyền của các nhà nghiên cứu nữa. Thay vào đó, khoảng cách giữa đối tượng nghiên cứu và nhà nghiên cứu ngày càng phải thu hẹp, thậm chí cả về lợi ích và cả những tiêu chí đánh giá các công trình nghiên cứu khoa học. Sẽ thật bất công khi một công trình nghiên cứu về đối tượng nghiên cứu được xuất bản sau khi được các chuyên gia đánh giá vốn là những người ngoài cuộc, không phải là đối tượng nghiên cứu trong khi người trong cuộc là đối tượng nghiên cứu lại không được tham gia, thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của nó. Những quan điểm này đang được nhiều nhà khoa học ủng hộ nhằm giải tình trạng độc quyền của các nhà nghiên cứu trong sản xuất tri thức khoa học.

Nhưng phải nhấn mạnh rằng, việc phê phán cuộc chạy đua công bố quốc tế vốn chỉ mang lại lợi ích cho nhà nghiên cứu hay giải độc quyền của nhà nghiên cứu trong sản xuất tri thức khoa học, xét cho cùng không phải để dẹp bỏ công bố quốc tế hay để phủ nhận công lao các nhà khoa học. Mà quan trọng hơn, sự phê phán này muốn tìm đến những phương pháp mới, những lý thuyết mới trong tiếp cận nghiên cứu khoa học. Cái mà Stan BH Tan - Tangbau gọi là để hướng đến công bằng xã hội từ thực tiễn nhận thức trong thời đại kỹ thuật số. Ông cho rằng trong sự phát triển kỹ thuật số hiện nay, các mạng lưới xã hội sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nhà nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu và tăng sự tương tác giữa hai nhóm này lên nhằm đảm bảo công bằng hơn trong quá trình sản xuẩt tri thức. Từ đó, cần thay đổi phương pháp tiếp cận khoa học với sự bổ trợ của kỹ thuật số. Trong khi đó, Linda Tuhiwai Smith cũng cho rằng “khi sự bất cân xứng giữa nhà nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu bị loại bỏ hoặc giảm bớt, các nghiên cứu với tư cách là hoạt động, về cơ bản, sẽ khác nhau và kết quả là, “các câu hỏi sẽ khác nhau, các ưu tiên được xếp hạng khác nhau, các vấn đề được định nghĩa khác nhau, và mọi người tham gia vào các khoản mục khác nhau”. Và chính những phê phán này đã tạo ra nguồn cảm hứng cho nhiều nhà nghiên cứu xây dựng ra một lĩnh vực riêng gọi là bản địa học phê phán. Cùng với đó là hàng loạt các phương pháp tiếp cận khác nhau được đưa ra và vận dụng. Những lý thuyết mới, phương pháp mới đã góp phần làm cho mối quan hệ giữa nhà nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu được sát lại gần nhau hơn, qua đó cũng dần ảnh hưởng đến những công bố quốc tế khi mà người ta đang dần để mắt đến vai trò của đối tượng nghiên cứu trong quá trình đánh giá các công trình nghiên cứu./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443988

Hôm nay

2239

Hôm qua

2307

Tuần này

21801

Tháng này

219162

Tháng qua

112676

Tất cả

114443988