Văn hoá học đường

Ký ức trường xưa và chuyện di dời các ngôi trường

Tranh minh họa (nguồn intenet)

Dịp hè vừa rồi, nhóm bạn bè cùng khóa chúng tôi tổ chức gặp mặt kỷ niệm 50 năm nhập trường cấp ba.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là trường cũ. Thực ra ngôi trường cũ không còn. Những dãy lán - nơi ngồi học của chúng tôi năm lớp 9 và 10 đã bị dỡ đi từ lâu rồi, sau chiến tranh chừng ba năm. Nơi trường xưa nay đã trở thành một xóm dân cư. Đứng từ ngoài ngắm vào một hồi, chỉ trỏ với nhau chỗ này là lán lớp A, chỗ kia là lán lớp B, lớp C…, một bạn đề xuất về cơ sở mới của trường cách đó hơn 10 cây số. Dùng dằng mãi bởi bạn đồng ý, bạn không nhưng rồi chúng tôi vẫn lên thăm trường. Đang dịp hè, nhà trường vắng hoe, chỉ có anh bảo vệ miễn cưỡng mở cổng cho chúng tôi vào thăm. Chúng tôi về trường cũ mà như đi tham quan một nơi xa lạ. Thầy cô cũ không còn. Không có một ký ức gì cả. Chúng tôi ra về. Nhẹ tênh. Hùng, cùng lớp với tôi, bỗng có sáng kiến thăm các gia đình nơi đặt các lán học năm 1972. Mọi người tán thành. Khi đang bom đạn, để đề phòng rủi ro, mỗi lớp một lán, cách nhau có khi hàng cây số và đều dựng trong vườn của dân. Chúng tôi đến được 3 gia đình như thế. Lán cũ không còn nhưng vẫn còn dấu vết của các lũy bao che quanh lớp học và những cây mít cạnh lớp mà mỗi giờ ra chơi chúng tôi vẫn tụ tập. Nói thêm, năm 1972, đầu năm học, thầy trò chúng tôi phải tự vác tranh, tre đến rồi tự làm lấy lán, đắp lũy, đào hầm mà học. Tuần đầu tiên của cấp ba là vậy. Vào một gia đình nơi chúng tôi ở trọ, ông bà chủ nhà mất đã lâu rồi. Giờ chỉ còn anh con trai nay cũng đã gần 60 tuổi. Lúc chúng tôi học lớp 8 ở đây thì anh còn nhỏ lắm mới học lớp 2, nhưng câu chuyện vẫn rất rôm rả và vui vì có chung ký ức về lớp học và về cha mẹ của anh đã bao bọc, cơm nước cho chúng tôi.

Rồi cuối cùng chúng tôi cùng quay về phố huyện để tiếp tục những câu chuyện “biết rồi nói mãi” đến tận lúc chia tay vào chiều tối với một nỗi tiếc chung là không còn mái trường xưa, dù đó chỉ là những ngôi nhà tạm mà ta vẫn thường gọi là cái lán, bao quanh là 4 chiếc hầm chữ A dài làm lũy.

Tuổi học trò của chúng tôi gần trọn trong 10 năm chiến tranh phá hoại của Mỹ (1965 - 1975). Chiến tranh, trường lớp tạm bợ, nay không còn là đương nhiên. Thế nhưng, chúng tôi vẫn tiếc, vẫn cảm thấy thiệt thòi vì không có một ngôi trường để gim giữ ký ức. Chúng tôi có thầy, có bạn để nhớ nhưng không còn ngôi trường xưa để đi về.

Đọc sách, xem báo, xem TV, chúng tôi thấy mỗi dịp kỷ niệm, các thế hệ học trò của những ngôi trường lớn như Chu Văn An ở Hà Nội, Quốc học ở Huế… nô nức về trường và họ thường chụp những tấm ảnh gắn với không gian, kiến trúc của trường cũ. Sân trường, cổng trường, phòng học, những cây xanh trong trường… là một phần ký ức của các thế hệ học trò. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, trong một bài viết đã mô tả ngôi trường Quốc học Vinh rất chi tiết và đều gắn liền với kỷ niệm thuở học trò của ông và bạn bè. Chỉ cần thấy ảnh cổng trường Quốc học Huế từng tồn tại hàng trăm năm nay như một biểu tượng của ngôi trường này chắc chắn hàng trăm thế hệ học trò Quốc học đều tự hào và yêu thương ngôi trường của mình. Tuy không cao to như cổng mới nhưng cổng parabôn của Đại học Bách khoa Hà Nội đã, đang và sẽ là niềm tự hào, niềm thương nhớ của hàng chục vạn kỹ sư ra đi từ mái trường này.

Hay như ở Nghệ An ta, rồi đây cổng trường và màu nâu sẫm của ngôi trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Vinh) sẽ sống mãi với các thế hệ học trò Huỳnh Thúc Kháng.

Lan man vậy khi chợt thấy, chợt nghe đây đó chuyện dời trường này, trường nọ. Nhiều khi dời trường cũng là cần thiết, là bất đắc dĩ. Nhưng dời trường là không như dời một công trường, công xưởng. Vì mỗi ngôi trường gắn liền với vô vàn ký ức của các thầy cô và học trò trải suốt hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Kho tàng kí ức ấy, theo  tôi, cũng là di sản văn hóa. Lớn hơn nữa, những ký ức ấy còn là cái neo để giữ lại, nhân lên tình cảm của họ với quê hương và đất nước. Tôi biết, nhiều chính khách, nhà khoa học, doanh nhân người Việt nổi tiếng thường chọn một nơi đến là ngôi trường cũ, thậm chí chỉ đến rồi dừng lại để ngắm cái cổng trường và nói với người đồng hành rằng tôi đã học ở ngôi trường này.

Vậy thì, nên chăng cần tính toán thật kỹ khi xóa bỏ hay di dời những ngôi trường. Và để tránh điều đó trong tương lai, ngay bây giờ các nhà quy hoạch, các nhà quản lý hãy cân nhắc thật kỹ khi chọn địa điểm mới cho các ngôi trường, bất kể là bậc học nào, từ tiểu học đến đại học, để sau này không phải cân nhắc nên hay không nên dời.

Những cái cổng trường, những ngôi trường đâu chỉ là vôi vữa, gạch gỗ mà rất khác, khác lắm. Khác vì nó là nơi chứng kiến quá trình Nên Người của hàng nghìn, hàng vạn con người; Nơi cất cánh cho những Trí tuệ; Nơi lưu giữ kho tàng Ký ức tuổi trẻ của cả huyện, cả tỉnh, thậm chí cả nước./.

( Bài đăng trên Văn hóa - Thể thao Nghệ An số 08/2023)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434873

Hôm nay

2144

Hôm qua

2349

Tuần này

21523

Tháng này

211921

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434873