GS.TS Nguyễn Thúc Tùng sinh năm 1916 tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là hậu duệ của một dòng họ có truyền thống khoa bảng ở xứ Nghệ với nhiều nhân vật nổi tiếng. Ông nội ông là cụ Nguyễn Thúc Kiều, làm đến Hành tẩu bộ Công triều Nguyễn và là thầy dạy của nhà cách mạng Phan Bội Châu. Cha ông là quan Thượng thư Nguyễn Thúc Dinh (vẫn thường gọi là Cụ thượng Dinh). Anh trai của ông là GS Nguyễn Thúc Hào, một nhà giáo được giới toán học Việt Nam kính trọng.
Lớn lên trong không khí giàu cảm xúc về sự học của gia đình, từ năm 1924 Nguyễn Thúc Tùng đã được theo cha vào Phú Yên học trung học. Năm 1929, tốt nghiệp trung học, ông chuyển ra Hà Nội học tú tài Pháp tại một ngôi trường rất nổi tiếng là Trường Trung học Anbert Sarraut. Năm 1935 ông tốt nghệp tú tài và thi vào Trường Y khoa Đông Dương, ông được học nhiều nhà y học nổi tiếng của Pháp, trong đó có nhà quân y xuất sắc, Giáo sư Pierre Huard đã hướng dẫn và giảng dạy ông. Năm 1945, ông tốt nghiệp và tham gia kháng chiến. Là bác sĩ quân y, Nguyễn Thúc Tùng có mặt hầu hết các điểm nóng của chiến trường khu vực Nam Trung Bộ trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ Quân y trưởng Trung đoàn 94 kiêm Trưởng Bệnh viện Đại đoàn 23 (1946); Quân y trưởng tỉnh Bình Định (1947); Quyền Vụ trưởng Quân y Khu V(1948); Viện trưởng Viện Quân y 1 (1950); Trưởng ban Quân Dược kiêm Phó phòng Quân y Liên Khu V (1951); Trưởng phòng Quân y Liên khu V (1956). Ông là người đứng ra xây dựng và phát triển ngành quân y ở Quân khu V từ những ngày đầu kháng chiến, và là người có công lớn trong việc xây dựng ngành quân y Việt Nam. Là một bác sĩ quân y, tham gia kháng chiến để cahwm sóc sức khỏe và điều trị cho thương binh của mình là nhiệm vụ. Nhưng là một bác sĩ, cứu người là nhiệm vụ cao cả nhất, đứng trên cả lập trường chính trị. Năm 1949, trên đường rút lui khỏi một chiến dịch, Nguyễn Thúc Tùng gặp một lĩnh Pháp bị thương. Đó là kẻ thù của đất nước, không thể cứu chữa cho nó để rồi nó quay lại bắn đồng bào mình. Nhưng đó là một con người đang bị thương, là một người bác sĩ thì không thể bỏ mặc cho một con người đang chịu đau đớn, không thể đi ngược lại với lời thề Hippocrates được. Chủ nghĩa nhân đạo đã vượt qua sự mâu thuẫn chính trị. Nguyễn Thúc Tùng đã dừng lại băng bó cho người lính Pháp đó rồi mới rút lui. Đó là một câu chuyện nhỏ, nhưng tràn đầy ý nghĩa nhân văn của một người bác sĩ.
Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông ra công tác tại Viện Quân y 108. Thời điểm này có nhiều cán bộ được cử đi học tập ở Liên Xô. Với những đóng góp cho ngành quân y, ông xứng đáng nhận được một suất đi học nước ngoài. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn, các ông có kinh nghiệm nên cần ở lại làm việc và “nhường” cho các cán bộ trẻ đi học. Sau khi những cán bộ trẻ này về làm việc thì các ông lại đi học. Vậy nên, năm 1960 ông cùng với bác sĩ Võ Văn Vinh và Nguyễn Thế Khánh được cử đi học ở Liên Xô học tập. Năm 1964, ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ y học. Về nước ông được cử vào chiến trường B công tác. Tại chiến trường khu V, với kinh nghiệm về quân y và sự trải nghiệm qua nhiều trận đánh ở khu vực này, Nguyễn Thúc Tùng đã có nhiều đóng góp lớn trong việc tổ chức, củng cố lại hệ thống quân y nhằm làm tốt hơn việc cứu chữa thương, bệnh binh. Nhưng do làm việc quá sức và đi lại nhiều, ông bị sốt rét và sức khỏe bị giảm sút. Năm 1968, căn cứu vào tình hình sức khỏe của ông, Cục Quân y điều chuyển ông ra Bắc làm việc.
Từ 1968, trên cương vị Phó Giám đốc Viện Quân y 108, ông đã đặt ra việc thực thi nghiêm chỉnh hệ thống các chế độ chuyên môn trong bệnh viện (chế độ làm việc theo kế hoạch tuần, tháng, chế độ làm bệnh án vào viện, ra viện, chế độ hội chẩn, chế độ thông qua mổ, chế độ khám bệnh, chế độ vô trùng, chế độ nuôi dưỡng bệnh nhân theo tính chất bệnh lý…) mà đến ngay nay vẫn còn được thực hiện.
Khi nhu cầu tăng cường quân y cho chiến trường miền Nam chuẩn bị tổng tấn công giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, Nguyễn Thúc Tùng lại tiếp tục mang ba lô vào Nam công tác. Với tài năng và uy tín của mình, ông đã góp phần vào công tác tiếp quản và tái cơ cấu, xây dựng lại các viện quân y trên dường quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Sau khi mọi việc ổn định, ông lại quay về Bắc công tác.
Năm 1978, khi chiến tranh biên giới phía Tây Nam diễn ra khốc liệt, Nguyễn Thúc Tùng lại được cử vào làm Viện trưởng Viện Viện Quân y 175 để tổ chức điều trị cho các thương, bệnh binh ở đây. Từ năm 1980, ông nghỉ làm quản lý và chuyển về làm chuyên môn, nghiên cứu khoa học phục vụ khám chữa bệnh. Đến năm 1990, ông được cho nghỉ hưu ở tuổi 75.
Cuộc đời của GS Nguyễn Thúc Tùng gắn liền với việc xây dựng ngành quân y ở khu V nói riêng và ngành quân y nước ta nói chung. Ông có mặt ở những mặt trận quan trọng, những chiến dịch khốc liệt để giải quyết các vấn đề quân y. Mặt trận nào cần, ông đều có mặt, không lùi bước, ái ngại cuộc sống khó khăn, vất vả, thiếu thốn, không ngại hiểm nguy, ông luôn là người đi tiên phong vào các điểm nóng. Cả chiến sĩ giải phóng lẫn kẻ thù đếu nể phục và kính trọng khi biết đến ông. Đồng thời, ông cũng là một người thầy đã tham gia đào tạo nhiều thế hệ quân y, từ những lớp y tá ở khu V năm 1946 đến các Tiến sĩ Quân y sau này. Ông là một người thầy đáng kính, một biểu tượng trong ngành quân y: dũng cảm, trung thực, nghiêm khắc nhưng giàu lòng nhân ái.
Sau khi về hưu, ông sống với gia đình ở một chung cư cũ kỹ trên đường Trần Hữu Tước. Cuộc sống hàng ngày của ông rất đỗi giản dị, đến mức có những lúc gặp ông đi dạo ở quanh hồ Hồ Đắc Di, tay xách một cái túi còn tay kia cầm một cái gậy đi vướt những cọng rác trên mặt hồ cho vào túi bóng để vứt vào xe rác. Có lẽ lúc đó, người ta nghĩ ông là một người hành khất hơn là một nhà y học, một nhà giáo nổi tiếng. Khi chúng tôi hỏi, ông chỉ cười rằng: “Mình chỉ góp một chút nhỏ để làm cho xã hội trong lành hơn”.
Tuổi tác không làm cho khát khao chiếm lĩnh tri thức của ông giảm đi phần nào. Hàng ngày, ông vẫn đọc sách, ghi chép các thông tin thời sự về tình hình đất nước, thông tin y học, và đặc biệt, ngoài 90 tuổi ông vẫn tiếp tục học ngoại ngữ, đọc các tài liệu từ tiếng nước ngoài để bổ sung vào kho tri thức sâu rộng của mình. Khi nghe một thông tin, một câu chuyện mói thú vị, ông lại mang sổ ra ghi chép lại. Có những thông tin chưa rõ ràng, ông sẵn sàng đi hỏi cho rõ mới thôi. Ông không quan tâm nhiều người này là ai, học hàm học vị hay chức vụ gì không. Ông hỏi những điều ông còn thắc mắc với một tinh thần cầu thị đầy trân trọng và lắng nghe dù người ông hỏi chỉ là những người trẻ tuổi, chưa xứng là “đồ tử, đồ tôn” của ông.
Ông ra đi, đó là một tổn thất lớn của nền y học Việt Nam, để lại sự tiếc nhớ cho gia đình, đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò đã được ông dày công đào tạo. Ông ra đi, đất Nghệ An lại mất đi một người con tài năng và đức độ, một trong những người cuối cùng của thế hệ được sỉnha từ đầu thế kỷ XX.
Vào 13h ngày 11-9-2013, gia đình cùng các đồng nghiệp, bạn bè và học trò sẽ tổ chức lễ truy điệu Đại tá, GS.TS Nguyễn Thúc Tùng tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Vẫn biết “nhân sinh hữu mệnh, sinh ký tử quy”, nhưng trước sự ra đi của một nhân cách lớn thì không ai không khỏi ngậm ngùi thương tiếc. Xin được kính cẩn thắp một nén hương tiến đưa anh linh ông về với “thế giới người hiền”.