Góc nhìn văn hóa
Một loại bánh, hai “số phận”
Trong dịp đi điền dã ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), chúng tôi khám phá ra nhiều điều thú vị từ phong tục, tập quán đến âm nhạc, ẩm thực… của các dân tộc sinh sống tại đây. Trong đó, có sự thú vị đến từ một loại bánh, mà tôi gọi vui là “một loại bánh, hai số phận”. Đó là bánh Sừng trâu.
Bánh Sừng trâu không biết ra đời từ lúc nào và cũng chưa ai lý giải được tại sao hai dân tộc sống ở Quỳ Hợp (Thái và Thổ) có phong tục, tập quán khác nhau lại sử dụng chung một loại bánh vào các dịp lễ, tết?
Sở dĩ bánh có tên như vậy là vì hình dáng của bánh giống sừng trâu, con vật quan trọng, gắn bó với cư dân nông nghiệp. Bánh sừng trâu đơn giản, dễ làm, không cầu kỳ như nhiều món ăn khác. Nguyên liệu để làm món này bao gồm: Gạo nếp, đậu đen hoặc đậu đỏ, kê. Các nguyên liệu này vo kỹ, rửa sạch, để ráo nước.
Trải lá dong, cho gạo nếp vào, cho nhân đậu, kê vào giữa và gói lại. Khâu khó nhất chính là gói sao cho đầu bánh nhọn như sừng trâu. Xong xuôi, cho bánh vào nồi, đổ ngập nước, đun sôi. Khi nước sôi hãm nhỏ lửa, để lửa liu riu tầm 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ.
Bánh sừng trâu. Ảnh NL
Ý nghĩa và các dịp dùng bánh Sừng trâu
Đây chính là lý do dẫn đến “số phận” khác nhau của loại bánh này:
Đối với cộng đồng người Thổ, bánh Sừng trâu được sử dụng nhiều vào các dịp tết, rằm hoặc mùng 5 tháng 5 âm lịch. Đặc biệt, vào ngày mồng 5 tháng 5, người dân sẽ dùng bánh Sừng trâu cho trâu ăn để tạ ơn những cống hiến của loài vật này trong đời sống. Bởi với họ, “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Đồng thời, treo bánh lên các cây không có trái với niềm tin cây sẽ đậu nhiều trái. Tuyệt đối, không dùng lại bánh này vào việc cưới hỏi. Theo lý giải của người Thổ nơi đây, bánh Sừng trâu nhọn, tượng trưng cho những người nhiều chuyện, gây bất hòa khiến vợ chồng không hạnh phúc.
Đối với cộng đồng người Thái, bánh Sừng trâu được sử dụng chủ yếu vào dịp tết, đặc biệt, loại bánh này không thể thiếu vào dịp cưới hỏi. Bởi người Thái không chỉ quan niệm “con trâu là đầu cơ nghiệp”, mà con trâu còn đại diện cho sự no đủ, sung túc. Sự có mặt của bánh trong đám cưới, đám hỏi như thay lời của hai bên gia đình, cầu chúc cho hai con có cuộc sống hạnh phúc, ấm no.
Rõ ràng, cùng một loại bánh nhưng tồn tại ở hai dân tộc khác nhau, với những quan niệm khác nhau đã tạo nên “số phận” khác nhau cho bánh Sừng trâu. Như vậy, món ăn này không chỉ có giá trị đơn thuần về mặt ẩm thực mà còn có giá trị về văn hóa thậm chí là tượng trưng cho quan niệm, phong tục, tập quán của hai dân tộc cùng sinh sống trên một địa bàn./.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thống kê truy cập
114511073
272
2359
21447
217946
121356
114511073