Xứ Nghệ ngày nay

Trải lòng cùng “Thế giới tuổi thơ”

Nguyễn Trọng Tuất xuất hiện trên văn đàn xứ Nghệ và cả nước gần nửa thế kỷ nay. Năm 1969, ông đạt giải 3 cuộc thi thơ báo Văn nghệ (cùng một lần với nhà thơ Phạm Tiến Duật). Đến nay, đã bước vào tuổi bát tuần ông vẫn say sưa viết, hồn thơ vẫn trẻ trung bay bổng. Quê gốc của ông ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh nhưng từ tuổi 20 đến bây giờ ông sống, dạy học, nghỉ hưu ở thành phố Vinh, Nghệ An. Ông nguyên là giáo viên Tiếng Nga trường Đại học Sư phạm Vinh, đã hai lần đi thực tập tiếng tại trường Đại học Gecxen, Leningrat (1978) và Viện Puskin, Matxcơva (1983). Thơ của ông có mặt trên nhiều tờ báo, tạp chí trung ương và địa phương, có những bài hay về Bác, về người mẹ nhưng sở trường của ông là viết cho trẻ em; là một trong số ít tác giả Nghệ An viết cho thiếu nhi được khẳng định. Ông có đến 6 tập thơ viết cho các em đã xuất bản (trong đó có 2 tập in chung), sắp in hai tập “Mặt trời ngủ cùng bé ” và “Giăng đèn kéo quân”. 

 Và, tôi đang ngồi với “Thế giới tuổi thơ”, Tuyển tập thơ dành cho thiếu nhi, ông mang đến tặng tháng trước. Tập thơ dày trên 300 trang, 199 bài, Nhà xuất bản Hội Nhà văn XB; được Tiến sĩ Lê Thống Nhất - nguyên giảng viên Toán Đại học Vinh, học sinh của ông từ hồi ông dạy tiếng Nga lớp chuyênTtoán Đại học Sư phạm Vinh - làm mạnh thường quân in tặng thầy. Nhà thơ “Thần đồng” Trần Đăng Khoa - nay là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - viết lời mở sách. Tuyển tập được chia làm 4 phần: “Bầu trời của em”; “Sân chơi của em” ; “Bầu bạn của em”; “Tình thương của em”. Theo lời bạch của Tiến sĩ Lê Thống Nhất “Thầy tôi với Thế giới tuổi thơ” sau  “Mấy lời mở sách” của Trần Đăng Khoa thì do yêu mến, kính phục thầy - một nhà giáo hết lòng vì học sinh, thấy sách tham khảo môn Toán chủ yếu bằng tiếng Nga, thầy đã soạn luôn một giáo trình tiếng Nga có nhiều thí dụ liên quan đến môn Toán; thầy làm thơ hay, năm 1969 từng đạt giải thơ Báo Văn nghệ cùng nhà thơ Phạm Tiến Duật; hàng chục năm về hưu sống đời giáo chức nghèo, vào tuổi cổ lai hy vẫn say mê gắn bó với nàng thơ - nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Trường Đại học Vinh, gặp thầy, đã đề nghị: “Thầy làm tuyển thơ đi, em sẽ giúp thầy xuất bản ở một nhà xuất bản Trung ương”. Mãi tới 5 năm sau mới thực hiện được, lý do chủ yếu là thầy không muốn làm phiền. Nhưng bất ngờ, thầy gửi ra hoàn toàn thơ thiếu nhi. Ông Nhất điện thoại: “Các bài thơ “người lớn” của thầy đâu rồi, kể cả bài “Ngô vàng Cẩm Vân” đạt giải báo Văn nghệ?”. Thầy cười hiền trả lời: “Kể cả bài được giải mình cũng không thích. Mình chỉ tâm đắc với thơ viết cho tuổi thơ thôi”.

     

  Nhà thơ Nguyễn Trọng Tuất (đứng thứ 3, bên phải sang) trong buổi gặp mặt hội viên cao tuổi Hội VHNT Nghệ An, Xuân 2008. Ảnh Đăng Việt

Chừng đó cũng biết tấm lòng quý mến, thương yêu và trân trọng các em của ông sâu sắc mạnh mẽ lắm lắm. Tôi nhớ, thời gian công tác ở cơ quan Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, hàng năm tổ chức trại sáng tác cho thiếu nhi, lứa tuổi học đường, chúng tôi đều mời ông tham gia với tư cách hướng dẫn, thẩm định, đánh giá kết quả. Thấy ông tận tình săn sóc, bày vẽ cho các cháu từng li từng tí tôi càng khẳng định ông đúng là  “Ông trăng vàng của bé” như câu thơ ông viết trong tập. Nhưng theo tôi, chỉ có tấm lòng chưa đủ, chưa thể có nhiều thơ hay cho các cháu mà phải có cả tiếng nói con tim, tiếng lòng tha thiết hòa điệu tâm hồn với trẻ; suy nghĩ, rung động, cảm nhận cùng “thế giới tuổi thơ ”. Có vậy, mới “hiểu” mới “chơi” (chữ của Trần Đăng Khoa), mới cảm được cái hồn nhiên, ngây thơ có khi ngộ nghĩnh, khác thường của bọn nhỏ. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tuất đã có được cái “Tiếng lòng” đó. Đọc Tuyển thơ của ông ta thấy ông rất hiểu trẻ em và có “tâm hồn rất trong, càng già tâm hồn lại càng phải trong” như lời nhà văn Nguyễn Đình Thi nói về việc viết cho trẻ em.  

 Vũ trụ, mặt trời, trăng sao, chị Hằng, chú Cuội, trời mây, chim chóc, cỏ cây, hoa lá cùng các con vật nuôi trong nhà, trong thế giới tự nhiên, trong cổ tích, ca dao, tranh vẽ, các đồ chơi gần gũi, thân quen với trẻ từ thủa nằm nôi đến tuổi cắp sách tới trường, hiện diện hầu khắp bốn phần trong tập. Bằng các thủ pháp quen thuộc với thơ thiếu nhi như nhân cách hóa, liên tưởng, so sánh, đồng hiện, kể, tả…, mỗi bài một vẻ nhà thơ tìm tòi, khám phá dẫn dắt các em vào “thế giới tuổi thơ” đa dạng, phong phú. Có lúc biểu dương, ca ngợi, có khi phê phán nhẹ nhàng, có khi lại hoạt kê, hồn nhiên hóm hỉnh mà lấp lánh tư tưởng nhân văn. “Đọc thầy, ta quên chữ, quên câu, thậm chí quên cả thơ… chỉ thấy thầy trải lòng mình, để lòng mình tràn ra trang giấy. Đó là một tấm lòng nhân hậu, yêu thương con người, yêu thương cuộc đời. Và đặc biệt là yêu thương các em. Yêu thương với một tâm hồn trong vắt. Tâm hồn của trẻ thơ… ” (Trần Đăng Khoa, bài đã dẫn).

 Bài thơ đầu tiên trong phần “Bầu trời của em” có nhan đề “Bầu trời trăng” ông viết: “Ông mặt trời đỏ rực/Thắp lửa vàng cho trăng… ”. Người ta nói xa cách, lạnh nhạt với nhau như mặt trăng mặt trời nhưng bằng cảm nhận hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng của trẻ thì mặt trời lại gần gũi giúp đỡ mặt trăng. Ý thơ mộc mạc, hồn nhiên mà thật độc đáo, tính giáo dục không nhỏ. Trong bài “Gà và Vịt ” ở phần “Bầu bạn của em”, nhà thơ phát hiện một cái tứ độc đáo, hóm hỉnh mà hợp lý có ý nghĩa giáo dục cao: Gà khoe mình nào mào đỏ, lông sặc sỡ, chùm đuôi xòe như quạt giấy, tiếng gáy thức bé dậy học bài; vịt vẫn thin thít đứng im, chẳng cần vỗ cánh. “Thế rồi vịt bơi lặn/- Nào! Thách gà sang sông?”. Đọc bài thơ chẳng ai mà không hiểu: Kẻ thích khoe khoang khoác lác chỉ được cái mẽ bề ngoài. Không một lời bình luận mà thật thấm thía! Bài “Mèo” liền sau, cũng trên cơ sở quan sát đặc điểm hình dạng, cử chỉ, tính nết con vật, tác giả “nêu gương sáng” cho các cháu một cách nhẹ nhàng, khéo léo đầy thuyết phục: Mùa Đông rét mướt, bốn đêm liền mèo thức rình chuột ăn vụng nồi cơm; vậy mà lúc ngồi co ngủ “Hai mắt thiêm thiếp/Thế mà ngủ no”. Ngủ mà mắt vẫn canh chừng, vẫn lo bổn phận của mình. Tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm của mèo thật đáng khen, đáng học tập!

 Trong phần “Tình thương của em”, tác giả vận dụng Truyện cổ tích, ca dao, đồng dao, những lời hát ru vào thơ của mình một cách tự nhiên làm cho lời thơ hồn hậu, trong trẻo mà có sức lay động thu hút mạnh mẽ:

                                         Cô giáo của em

                                            Dịu hiền như mẹ

                                            Cô tập cho bé

                                            Chào ông chào bà

                                            Chào mẹ chào cha

                                            Em chào cô ạ…                   

                                                                      (Cô giáo em).

 Gió hòa quyện trong tiếng bà ru, từ cánh võng gió tỏa ra ru hời ru hỡi cho bé ngủ ngoan. Bất ngờ, câu thơ bay lên: “Ru hời ru hỡi như là diều bay…”( Gió). Lời ru được gió nâng lên như cánh diều. Đấy chính là tiếng lòng nhà thơ hòa điệu với trái tim non trẻ mà đầy ắp tưởng tượng mơ ước thấm đẫm cổ tích của bé. Bài “Tý lên hai ” khép lại tuyển thơ mà tôi cứ thấy hiện lên cái dáng lửng chửng bước khắp nhà, nghịch đòi cái này cái kia của đứa trẻ hiếu động, vang mãi trong tai tôi lời bập bẹ chơn chớt tập làm người - con người có đạo đức, có văn hóa:

                                      Suốt ngày Tý tập “dạ”

                                   Giọng chơn chớt buồn cười

                                    Ai gọi Cu Tý ơi!

                                   Tý gật đầu: “Ạ…ạ…”

Nhà thơ Trần Đăng Khoa không trích ra một câu thơ đặc sắc nào trong tập để phân tích bình phẩm nhưng qua những lời dẫn luận sau đây cũng đủ thấy nhà thơ đánh giá cao về thơ, về nhân cách của tác giả đến nhường nào: “Chỉ riêng “Bầu trời của em” một xứ sở thân thuộc, chỉ nhìn lên nóc nhà hay mái phố các em cũng đã thấy rồi. Trăng, Sao, chú Cuội, chị Hằng, cây đa… Phong phanh có bấy nhiêu thi liệu, tưởng chỉ đủ cho mấy câu thơ mỏng manh, thế mà thầy dựng được cả một thế giới sinh động mà không trùng lặp. Phải yêu trẻ con lắm mới làm được thế. Thầy yêu các em đến quên cả bản thân mình. Thầy cũng quên luôn cả mình là một thi sĩ…” (Mấy lời mở sách)

 Thiết nghĩ, chính tấm lòng của một thầy giáo hết mực yêu nghề, quan tâm đến thế hệ tương lai, được cổ vũ bởi giải thưởng danh giá của báo Văn nghệ đã tiếp lửa cho ông trong sự nghiệp sáng tạo Văn học nghệ thuật vất vả, nhọc nhằn để tiếng lòng ông ngân nga hòa điệu với tâm hồn trẻ thơ hồn nhiên, trong trẻo tới tận bây giờ.

                                                                                               

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441873

Hôm nay

2273

Hôm qua

2317

Tuần này

21777

Tháng này

217047

Tháng qua

112676

Tất cả

114441873