Dù đã khá lớn tuổi những bà Vi Thị Dung vẫn ngày ngày nỗ lực gìn giữ trang phục truyền thống của dân tộc Ơ Đu
Ơ đu là 1 trong 5 dân tộc ít người nhất của Việt Nam, cũng là dân tộc duy nhất có ở Tương Dương, Nghệ An. Bấy lâu, phong tục văn hóa, bản sắc riêng người Ơ đu đã bị mai một. Còn rất ít người biết và nhớ được trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Trước đây, người Ơ Đu sinh sống ở hai bản Xốp Pột, Kim Hòa, xã Kim Đa (huyện Tương Dương) và một số hộ rải rác ở hai bản của xã Kim Tiến và xã Xá Lượng (huyện Tương Dương). Năm 2006, người Ơ Đu di chuyển về sinh sống tại bản tái định cư Văng Môn nhường đất xây dựng Thủy điện Bản Vẽ.
Về chung sống tập trung ở bản Văng Môn, giao thông đi lại thuận lợi hơn nhiều so với nơi ở đây, nhờ đó mà đời sống của đồng bào dân tộc ơ Đu đã có nhiều khởi sắc, nhưng cũng xuất hiện thách thức, bởi khi về đây, bà con tiếp xúc nhiều và thường xuyên với người Thái. Vì vậy, không ít những giá trị văn hóa mang tính nhận diện của đồng bào dân tộc Ơ Đu có nguy cơ bị mai một và bị quên lãng. Đau đáu trước thực trạng này, nhiều năm qua, có một người con dâu đồng bào dân tộc Ơ Đu đã miệt mài thêu, dệt may nên những bộ trang phục truyền thống, gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Ơ Đu. Đó là bà Vi Thị Dung, ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện miền núi rẻo cao Tương Dương.
Bà Vi Thị Dung là một trong số ít người còn biết dệt, thêu, may trang phục dân tộc Ơ Đu. Bà Dung chia sẻ: “Năm 2007, gia đình tôi chuyển về bản Văng Môn định cư. Về đây nhận thấy trang phục của đồng bào dân tộc Ơ Đu đang dần bị mai một. Trước thực trạng đó, vào khoảng năm 2010, tôi bắt tay sưu tầm và làm trang phục của dân tộc Ơ Đu cho người dân trong bản. Từ đó đến nay, ngày ngày tôi làm bạn với khung cửi. Với tôi, bây giờ dệt vải, thêu thùa dường như đã ngẫm vào máu thịt”.
“Để làm ra một bộ trang phục cần sự kiên trì, tỉ mỉ và mất không ít thời gian vì tất cả các công đoạn đều phải làm bằng phương pháp thủ công. Vì vậy, thế hệ trẻ bây giờ không còn mặn mà với nghề truyền thống của dân tộc. Trong bản, hiện chỉ còn rất ít người lớn tuổi biết được nghề dệt. Điều tôi mong muốn nhất là làm thế nào để gìn giữ, truyền dạy lại cho con cháu cách thức tạo ra bộ trang phục truyền thống của dân tộc. Trong những năm qua, tôi còn chỉ dạy cho một số chị em trong bản cách thêu, dệt và may trang phục Ơ Đu” - Bà Dung cho biết thêm.
Nhận thức được vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc, những người phụ nữ dân tộc Ơ Đu như bà Dung luôn tâm huyết, gắn bó với công việc may trang phục truyền thống, vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, vừa tăng thu nhập cho gia đình.
Hiện nay ở bản Văng Môn, từ nỗ lực của bà Vi Thị Dung, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ơ Đu trong bản vẫn được duy trì. Nhiều chị em đã ý thức được việc cần thiết phải bảo tồn, gìn giữ trang phục truyền thống của dân tộc.

Bà Vi Thị Dung đang truyền nghề cho cháu nội
Theo bà Dung, bấy lâu nay, trang phục của người Ơ Đu sử dụng gần giống với trang phục người Thái và bị ảnh hưởng của văn hóa Thái. Váy, thắt lưng và khăn quấn đầu của người Ơ đu đều được dệt bằng sợi tơ tằm. Tuy nhiên điểm khác biệt dễ nhận thấy là chân váy của người phụ nữ Thái thường được thêu với nhiều loại hoa văn phần lớn là các hình mô phỏng về thiên nhiên như hoa lá, động vật, mặt trời, các hình khối với nhiều màu sắc sặc sỡ. Còn chân váy của người phụ nữ Ơ Đu thường thêu các hình khối zíc zắc và nhỏ bản hơn so với chân váy người phụ nữ Thái.
Thân váy và áo của người phụ nữ Ơ Đu thường là màu đen. Áo của phụ nữ Ơ Đu có tay phải dài, không có áo tay ngắn. Tuy nhiên, chiều dài của áo thì chỉ quá ngực, vừa chạm đến phần eo. Áo không khuy, không cúc, mà dùng 4 sợi dây buộc chéo; thắt lưng và khăn quấn đầu không thêu hoa văn.
Là người được bà Dung chỉ dạy, mà chị Lo Thị Nga (SN 1972), ở bản Văng Môn, xã Nga My đã có thể tự dệt, thêu, may và nhuộm một bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Ơ Đu. Chị Nga chi sẻ: “Nhờ được bà Dung tận tình chỉ dạy, tôi đã tự dệt, thêu sau đó may thành bộ trang phục truyền thống của dân tộc Ơ Đu”.

Bà Vi Thị Dung luôn giáo dục con cháu biết quý trọng những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình
Với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của chị Nga, trang phục truyền thống không chỉ để mặc hằng ngày mà đang từng bước trở thành hàng hóa, đem lại giá trị đáng kể, nâng cao thu nhập cho gia đình. Được biết hiện nay, giá bán mỗi bộ trang phục đầy đủ gồm có: váy, áo, dây thắt lưng, khăn quấn đầu có giá bán từ 700.000 - 1.000.000 đồng/bộ
Những năm qua, nhờ được sự quan tâm của các cấp, ngành cùng với sự nỗ lực giữ nghề và truyền nghề của bà Vi Thị Dung, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Ơ Đu đã được gìn giữ. Hiện này, gần như tất cả mọi người dân đều có ít nhất một bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, để mặc trong những ngày lễ, tết hay ngày hội bản.
Bà Vi Thị Mùi - Phó Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết: “Trang phục Ơ Đu được gìn giữ đến ngày hôm nay, ngoài việc được các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm đầu tư kinh phí để phục dựng lại những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Ơ Đu thì còn có công rất lớn của bà Vi Thị Dung. Nhờ sự chỉ dạy của bà Dung mà nay đã có thêm các chị, các mẹ người Ơ Đu duy trì nghề dệt thổ cẩm”.
Được biết, những năm qua cấp ủy, chính quyền xã Nga My thường xuyên quan tâm, đối với những cá nhân đang có đóng góp trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Ơ Đu, hằng năm đều tuyên dương để ghi nhận, tôn vinh, khuyến khích họ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Ơ Đu.
Thiết nghĩ, nếu những nét văn hóa dân tộc đặc trưng của đồng bào dân tộc Ơ đu được gìn giữ và phát triển có lẽ sẽ mang lại lợi thế cho người dân trong phát triển du lịch cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho người Ơ đu - dân tộc chỉ có duy nhất ở Tương Dương, Nghệ An.