Người xứ Nghệ

Từ Nguyễn Công Trứ, phác thảo về hình ảnh một cán bộ tư duy ở cấp chiến lược

Dân gian có câu “Quan nhất thời, dân vạn đại”, nhưng kỳ thực trong lịch sử, vẫn có một số vị quan được lưu danh thiên cổ. Có người được trọng vọng vì tấm lòng ưu thời mẫn thế, có người uy danh rạng ngời nhờ công nghiệp lẫy lừng. Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) rơi vào trường hợp thứ hai. Bất kể mục đích tham chính của ông là gì, thì khát vọng tế thế kinh bang để “có danh gì với núi sông”, khả năng nhập cuộc quyết liệt, cùng với một chút “may mắn” đắc thời đắc thế… đã làm nên tầm vóc Nguyễn Công Trứ - điển hình mẫu mực cho một cán bộ tư duy ở cấp chiến lược.

  1. Hành trạng Nguyễn Công Trứ

Một điều hiển nhiên, Nguyễn Công Trứ không phải là nhân vật quyền thế bậc nhất một thời, nhưng ông lại là một trong số ít người được chính sử nhà Nguyễn nhắc đến với tần suất dày đặc – hầu như năm nào cũng có những sự kiện được ghi chép ít nhiều liên quan đến ông; tên ông xuất hiện trong tất cả các bộ sử chính thống của triều Nguyễn do Quốc sử quán biên soạn (Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam chính biên liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí, Quốc triều sử toát yếu). Ông cũng là nhân vật sinh động trong nhiều giai thoại thú vị, “để đời” lưu truyền dân gian. Nguyễn Công Trứ trở nên một thứ hấp lực đặc biệt khiến người đời phải quan tâm, luận bàn, không chỉ ở chốn cung đình mà cả ngoài nhân gian.

Ông bước vào quan lộ khá muộn màng – ngoài bốn mươi tuổi, khi đã ở “cái dốc bên kia của cuộc đời”, mới đậu Giải nguyên, và một năm sau (1821) mới bắt đầu tham chính với chức quan Hành tẩu mang tính “tập sự” ở Sử quán. Năm 1822 (Minh Mệnh thứ 3), Nguyễn Công Trứ được bổ Thực thụ Biên tu, từ chỗ chỉ là một anh thư lại lo việc giấy tờ, từ lúc này đã được chính thức tham gia vào việc viết sử. Cũng trong năm này, Nguyễn Công Trứ được cử làm Sơ khảo kỳ thi Hương trường Thừa Thiên và Phúc khảo kỳ thi Hương trường Sơn Nam – một chức vụ tuy không to, nhưng sang trọng, thể hiện sự tín nhiệm của triều đình nhà Nguyễn, bởi đâu dễ để một vị quan nhỏ, mới đỗ đạt không lâu đi chấm thi cho các sĩ tử; văn tài không đủ lỗi lạc để được tín phục thì nguy cơ loạn trường thi không phải là không thể xảy ra!

Năm 1823, ông được bổ làm Tri huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương.

Một năm sau (1824), ông được thăng bổ Lang trung ở Thanh Lại ty thuộc Bộ Lại, rồi đổi làm Thự Quốc Tử Giám Tư nghiệp (tương đương như Hiệu phó ngày nay; có điều, lúc này ông mới chỉ “Thự”, tức là lĩnh quyền phụ trách công việc này chứ chưa hẳn là một chức danh chính thức). Tháng 10 năm ấy, Nguyễn Công Trứ thăng làm Thiêm sự Bộ Hình, tuy không hoàn toàn là một chân sai vặt nhưng cũng không được làm công việc chính.

Năm 1825, ông được bổ làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên (tương đương Phó chủ tịch Kinh đô), chẳng bao lâu lại thăng làm Tham hiệp trấn Thanh Hoa, tức là một chức quan văn, cố vấn cho quan Hiệp trấn ở Thanh Hoa. Tuy chỉ là một quan văn, một vị cố vấn nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn dâng sớ xin đi tiễu trừ giặc Lê Duy Lương ở vùng Ngọc Sơn, Nông Cống.

Tháng 7 năm 1826, mẹ mất, Nguyễn Công Trứ về cư tang. Sau khi lo xong việc tang cho mẹ, ông lại được cử ra giữ chức Tham hiệp trấn Thanh Hoa, nhưng chưa đến nơi thì có chỉ sai ông ra Bắc Thành, giữ chức Tham tán quân vụ, tương đương như tham mưu trưởng ngày nay. Sau đó ông được thăng Thị lang Bộ Hình (tương đương Thứ trưởng), coi việc tào hình (tư pháp) ở dinh Tổng trấn Bắc Thành.

Năm 1827, Nguyễn Công Trứ được lệnh hiệp đồng với quan Thống quản Phạm Văn Lý, đi tiễu trừ giặc Phan Bá Vành ở vùng Trà Lũ (Nam Định). Ông được thăng chức Tả Thị lang Hình bộ (tương đương hàm Thứ trưởng ngày nay nhưng có quyền lớn hơn Hữu Thị lang một chút), vẫn quyền lĩnh Hình tào Bắc Thành, kiểu như trưởng quan, vừa có quyền, vừa phải chịu trách nhiệm về công việc tư pháp ở nơi đây. Sau đó, ông lại tiếp tục thăng Hữu Thị lang bộ Lễ (tuy là Hữu Thị lang nhưng vẫn coi là “thăng” vì trong lục bộ thì bộ Lễ được đánh giá cao hơn bộ Hình; để được làm Thị lang của bộ Lễ, phải là người có học vấn, đạo đức cao, kể cả “âm đức” cũng phải cao); sung chức Toản tu biên soạn Bách ty chức chế, đặt ra chế độ cho hàng trăm cơ quan công quyền; qua đó có thể thấy uy tín về văn tài và khả năng hoạch định pháp chế của Nguyễn Công Trứ.

Năm 1828, ông được luân chuyển trở lại Hình bộ, giữ chức Tả Thị lang. Ông dâng sớ xin khẩn hoang, lại dâng sớ xin chống tệ cường hào. Vua Minh Mệnh thăng ông làm Thự Hình bộ Hữu Tham tri (kiểu như Thứ trưởng thường trực), sung chức Dinh điền sứ, ra các hạt Nam Định, Ninh Bình khai khẩn đất hoang ở miền duyên hải. Đây là một chức vụ quan trọng nhất với Nguyễn Công Trứ, mang ý nghĩa là đi mở đất cho vua. Năm này, ông lập được huyện Tiền Hải.

Năm 1829, Nguyễn Công Trứ lập huyện Kim Sơn; dâng sớ xin đặt Hương ước. Trong năm này, Nguyễn Công Trứ bị vu cáo tội “Mại trực” (tức là mua lấy sự thẳng thắn), nhưng vua cho miễn nghị. Tuy nhiên, sau đó ông bị giáng một cấp lưu do không xét ra vụ buôn lậu gạo của thương nhân người Thanh.

Năm 1830, ông được gọi về Kinh, lĩnh Thự Hữu Tham tri quyền giữ ấn triện Hình bộ (chữ “Thự” để nói rằng không chính thức, nhưng chữ “quyền” lại hàm ý là cũng có quyền hành – đó là một trong những ví dụ điển hình cho cách đặt chức danh khá cắc cớ của vương triều Nguyễn!; hơn nữa Nguyễn Công Trứ được giữ ấn triện của Hình bộ nên địa vị có cao hơn vị Tham tri còn lại của bộ này).

Năm 1831, vì việc đề cử không đúng thủ tục hành chính một người làm Huyện thừa huyện Tiền Hải trước đây, ông bị giáng xuống làm Tri huyện ở Kinh.

Một năm sau (1832), ông được bổ Viên ngoại lang Nội vụ phủ - chức phó quan, dưới Lang trung trong các ty Thanh lại thời bấy giờ (một kiểu công chức cao cấp). Sau đó ông được thăng Thự Lang trung quyền giữ ấn quan phòng Nội vụ phủ, rồi bổ làm Thự Bố chính Hải Dương, sau một thời gian ngắn mới thăng Bố chính Hải Dương. Tiếp đó, ông được bổ chức Tuần phủ Hải Dương (tương đương Tỉnh trưởng), tạm giữ ấn quan phòng Tổng đốc Hải Yên (tức là được coi xét, thẩm định những tài liệu quan trọng, giải quyết những việc quan trọng nhưng không được bổ nhiệm Tổng đốc – một kiểu “dền dứ” trong cách trao quyền của nhà Nguyễn!). Tháng 10 năm ấy, ông được thăng hàm Binh bộ Tham tri nhưng vẫn kiêm chức cũ.

Năm 1833, do có công dẹp giặc ngụy xưng Trương Nghiêm ở Hải Dương, Nguyễn Công trứ được khởi phục hai cấp bị giáng trước đó. Ông được bổ làm Tham tán quân vụ, hiệp với quan Tổng đốc Lê Văn Đức đi đánh dẹp giặc Nông Văn Vân nổi lên ở phía Bắc.

Năm 1834, Nguyễn Công Trứ làm Tham tri bộ Binh, vẫn thụ lý ấn quan phòng Tổng đốc Hải Yên. Ông bị giáng ba cấp vì sai phạm việc binh nhưng vẫn được cầm quân. Sau đó, nhờ thắng trận ở Chợ Rã, ông được thưởng tiền vàng và cho khởi phục một cấp. Tiếp đó, ông lĩnh chức Tham tán đạo Thái Nguyên (kiểu như tham mưu trưởng của bộ chỉ huy quân sự tỉnh, mà, Thái Nguyên lại là một tỉnh đặc thù, trọng yếu vì có đồng bào người dân tộc sinh sống), và vẫn giữ chức Tham tán quân vụ Tuyên Quang, một lúc lĩnh hai chức, phụ trách công việc ở hai vùng - một kiểu tin cậy nên được ban thêm việc, nhưng dĩ nhiên không có chuyện thăng chức, tăng lương. Nhờ lập công, ông được khởi phục một cấp. 

Năm 1835, nhờ phá được sào huyệt của Nông Văn Vân, Nguyễn Công Trứ được trả lại áo mũ và lương bổng trước đây bị tước, thăng bổ Thượng thư Binh bộ, kiêm Tổng đốc Hải Yên. Tuy hàm Thượng thư bộ Binh (kiểu như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), nhưng Nguyễn Công Trứ chủ yếu quản lĩnh việc cai trị ở vùng Hải Yên. Thời gian này, ông cho đào sông Cửu An ở Hưng Yên. Sau vì chuyện một tên tù vượt ngục, ông lại bị giáng bốn cấp.

Năm 1836, nhờ đào xong sông Cửu An, ông lại được thăng một cấp quân công và kỷ lục.

Tiếp đến, năm 1837, ông lại được gia thưởng một cấp quân công nhờ hoàn thành việc trị thủy ở vùng Hưng Yên, Hải Dương.

Năm 1838, việc đánh dẹp ở Quảng Yên không hiệu quả, ông lại bị giáng hai cấp, sau đó tiếp tục giáng thêm một cấp nữa. 

Năm 1839, Nguyễn Công Trứ đến Chàng Sơn đánh bắt giặc biển, bị giáng xuống làm Hữu Tham tri bộ Binh kiêm Tả phó Đô ngự sử Viện Đô sát (hàm ngang với Tham tri các bộ, giúp việc cho Tả Hữu Đô ngự sử, có nhiệm vụ trình bày điều phải, đàn hặc điều trái).

Năm 1840, lại bị giáng một cấp vì bênh vực Tuần phủ Nam Ngãi Vương Hữu Quang. Nhưng sau đó ông được gia quân công ba cấp vì có công, được cử làm Chánh chủ khảo trường thi Hà Nội – một chức học quan danh giá, đánh dấu niềm tự hào trong sự nghiệp “kinh bang hoa quốc” của ông. Sau đó, ông được thăng Thự Tả đô Ngự sử Đô sát viện, vẫn kiêm Tham tri bộ Binh, làm Tán lý cơ vụ Trấn Tây thành, tham mưu cho Trương Minh Giảng đánh phá nhiều đồn giặc.

Năm 1841 (Thiệu Trị nguyên niên), vì tình thế khó khăn, ông dâng sớ xin rút quân ở Trấn Tây về, bị đình thần khép tội “trảm giam hậu”, vua xét giáng xuống Binh bộ Lang trung, quyền lĩnh chức Tuần phủ An Giang; ít lâu, nhân việc giết được tướng giặc là Phiên Tăng, nên lại được khôi phục hàm Binh bộ Thị lang, nhưng vẫn làm Tuần phủ An Giang.

Năm 1842, Nguyễn Công Trứ bị giáng một cấp vì binh thuyền quân Xiêm quấy rối bờ biển Quảng Biên. Trong năm này, ông mắc bệnh nên tạm nghỉ việc quân.

Năm 1843, Nguyễn Công Trứ được bổ Tham tri bộ Binh, vẫn lĩnh Tuần phủ An Giang.

Năm 1844, bị Nguyễn Công Nhàn vu cáo buôn lậu, ông bị cách làm lính thú trấn thủ Quảng Ngãi.

Năm 1845, ông lại được khởi phục làm Chủ sự bộ Hình, quyền Viên ngoại lang Đại lý tự  (tương đương hàm cục trưởng bây giờ).

Năm sau (1846), ông lĩnh quyền Án sát tỉnh Quảng Ngãi; sau hai tháng, được bổ làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên.

Năm 1847, thăng Thự Phủ doãn phủ Thừa Thiên (tức quyền chủ tịch Kinh đô), được cử làm chủ khảo trường thi Hương Nam Định. Năm này, ông xin nghỉ hưu, nhưng vua Thiệu Trị không cho.

Năm 1848 (Tự Đức nguyên niên), ông lại xin về hưu, được vua gia ân chức Thực thụ Phủ Doãn Thừa Thiên, khép lại một đời hoạt động sôi nổi, với nhiều phen thịnh suy đắp đổi[1].

Vậy là 3/4 hành trình quan lộ của Nguyễn Công Trứ phụng sự dưới triều vua Minh Mệnh – giai đoạn có thể coi là thịnh trị nhất, “tập quyền” nhất trong lịch sử vương triều Nguyễn, với ít nhất năm lần bị giáng cấp dưới triều Minh Mệnh và ba lần giáng cấp dưới thời Thiệu Trị. “Mùi xa mã, áo công khanh”, với ông, thật chẳng dễ dàng gì!

  1. Những lần cách giáng oan ức điển hình

Như trên đã nói, trong cuộc đời làm quan của mình, Nguyễn Công Trứ đã trải nhiều lần cách giáng. Lý do thì đủ cả, khi bị vu oan, lúc do lạm quyền (theo cách định tội của triều đình), có thời điểm lại là do hành sự thiếu cẩn trọng, hoặc làm việc không hiệu quả... Số lần giáng trên hai cấp không phải là ít, mà sự thăng thưởng thì có phần “khiêm tốn”, có khi, mỗi lần được thăng một cấp, thăng mãi chưa kịp bù cho bốn cấp bị cách giáng thì đã lại tiếp tục một lần cách giáng nữa. Vậy nên mới có chuyện Nguyễn Công Trứ cứ loay hoay quay đi trở lại với cấp “Lang trung”, đến nỗi hai chữ “Lang trung” đã trở thành một niềm ám ảnh, một nỗi bi hài mà tự ông từng đem ra biếm họa. Trong những lần bị cách giáng đó, có lẽ, nặng nhất là lúc đang làm Tham tri bộ Hình mà bị giáng bổ Kinh Tri huyện (1831) và lúc đang làm An Giang Tuần phủ thì bị cách làm lính thú, mà cả hai lần này, xét ra đều có nhiều phần oan ức.

Lần thứ nhất, đó là nhân việc Nguyễn Công Trứ lúc làm Dinh điền sứ ở trấn Nam Định đã cho phú hào Phí Quý Trại, nguyên quyền sai đội trưởng trấn ấy, làm Huyện thừa huyện Tiền Hải. Chính biên Thực lục chép, bấy giờ, Hộ Bộ Tả Thị lang Hoàng Quýnh dâng sớ hặc, nói rằng: “Tên Trại chỉ là một kẻ hào phú, ruộng đất công tư trong hạt đều bị nó chiếm cứ, cho nên bọn cùng dân vô nghệ đều bị nó khu xử. Nếu nay sự bảo cử ấy mà đắt lời thì chẳng những các hàng Tri huyện có chân khoa mục lấy làm xấu hổ mà cả hạt Tiền Hải lại làm nơi tụ tập cho bọn côn đồ(tác giả nhấn mạnh). Phương chi quan tước là của các Liệt thánh và đức Thế tổ Cao hoàng đế truyền lại cho Hoàng thượng ta để đãi những người hiền tài trong nước, cho nên dẫu một tư, một cấp, đức Hoàng thượng ta cũng chưa từng cho riêng những người thân ái của mình. Thế mà hai gã này (ý chỉ Nguyễn Công Trứ và Thự Nam Định Hiệp trấn Nguyễn Nhược Sơn – tác giả chú) cả gan đem tước Triều đình làm cái vật để đãi kẻ ơn riêng(tác giả nhấn mạnh), vậy xin Triều đình trị tội để trừ cái thói kiêu hãnh và để làm gương cho những kẻ làm tôi mà dối trên để làm việc tư”[2]. Đình thần nghị sự, dâng sớ xin cách chức cả hai người, lần lượt giáng làm Tri huyện Thừa Thiên và Tiền Hải, còn Phí Quý Trại thì bị trượng một trăm và thu bằng đội trưởng, hạ làm dân tráng.

Lần thứ hai, Nguyễn Công Trứ bị một người đồng liêu vu cáo. Vốn, Nguyễn Công Nhàn (Tổng đốc An Hà) từng có hiềm với Nguyễn Công Trứ. Một lần, nhân khi ông đi coi việc đào sông, có viên đề đốc Đoàn Quang Mật bắt được tên đội trưởng coi bến Châu Giang là Mai Văn Thạch tự tiện cho bốn chiếc thuyền đồ gian chèo đi, Nguyễn Công Nhàn và Phùng Nghĩa Phương (Bố chính An Giang) hội lại tra xét, trích phát rằng thuyền ấy là Nguyễn Công Trứ phái sang Trấn Tây do thám, nhân mua riêng sừng tê và đậu khấu. Triều đình cử Khâm sai đại thần tới nơi tra xét, làm rõ được chuyện Nguyễn Công Nhàn bịa đặt ra để mưu hại Nguyễn Công Trứ, bèn kết án lên rằng: Phùng Nghĩa Phương và Nguyễn Công Nhàn mắc tội vu cáo, xin phạt trượng và đày đi xa; còn Nguyễn Công Trứ “biện sự sơ suất”, Đoàn Quang Mật nghe lời Công Nhàn và Nghĩa Phương, đều bị phạt trượng và cách chức. Thiệu Trị dụ xuống, lẽ ra y lời án nghị “phạt trượng đày xa” đối với Công Nhàn nhưng vì xét y từng lập công ở Vĩnh Tế khi dẹp giặc Sa Tôn nên được gia ân cách chức đi hiệu lực. Trong khi đó, Nguyễn Công Trứ “trước kia phải qua Trấn Tây, lo việc quân lữ, lâu ngày không làm nên công trạng gì, trẫm đã ngơ cho (kỳ thựclần này, sau khi rút quân về An Giang, đã bị giáng xuống Binh bộ Lang trung – tác giả chú), lại cho làm Tuần phủ An Giang, gần đây chỉ ngồi yên một chỗ, không quan tâm việc gì, tuy rằng cái việc thuyền buôn chở đồ gian, vẫn là người khác bịa đặt vu cho, nhưng xét ra việc của viên ấy làm đại để “mượn công làm tư”, cái tình giống như không sao che được. Nghĩa Phương và Quang Mật a tòng với quan trên, cũng nên trị tội, nhưng Quang Mật đã có trích phát được việc buôn đồ gian thì chỉ giáng xuống Suất đội theo tỉnh Hà Tiên sai phái. Còn Nguyễn Công Trứ, Phùng Nghĩa Phương và Lê Quốc Trinh thì đều sung binh, Công Trứ thì phát đi các đồn ở duyên biên tỉnh Quảng Nghĩa, còn Nghĩa Phương và Quốc Trinh thì phát ra đảo Côn Lôn”[3].

Nhìn lại hai lần giáng cấp điển hình ấy, mới thấy cái “oai” bậc quân chủ giáng xuống thực to tát! Chuyện Nguyễn Công Trứ cho Quý Trại làm Huyện thừa Tiền Hải, nếu nhìn sơ thì hai cái tội triều đình nghị án – làm “biếm mặt” những bậc huyện quan hiển đạt nhờ học hành thi cử, và mượn danh thơm triều đình thường dùng đối đãi người hiền tài để “đãi ơn riêng” – vẻ chừng không phải là hoàn toàn thiếu lý lẽ. Tuy nhiên, có phải là Nguyễn Công Trứ mượn việc công để đãi ơn riêng hay không, thì còn cần xem tình hình thực tế của Tiền Hải khi ấy - huyện lỵ mới lập, cơ sở cai trị chưa bền chặt, dân phần nhiều là những kẻ xiêu tán, nên, dùng một phú hào trong vùng, sẵn có thế lực, có oai quyền, giúp quan huyện để quản trị dân chúng, có thể xem là một lựa chọn sáng suốt. Lẽ dĩ nhiên không phải ai cũng nhìn ra và mạnh bạo bổ nhiệm nhân sự theo một cách sai “quy trình” như thế; đó chỉ có thể là lựa chọn của một bậc kỳ tài quản lý, có “con mắt xanh” khi nhìn người và biết tỉnh táo phán xét thực trạng.

Lần thứ nhất còn có thể cảm thông, vì như đã nói, nó liên quan đến năng lực và tầm tư duy chiến lược của người quản lý (dù cũng không có gì để chắc chắn là bậc quân chủ không nhìn ra cái “lẽ” dùng người ấy, hay là cố tình “nhắm mắt làm ngơ”, nghe lời gian nịnh (?), vì đã đến lúc phải giáng “oai” xuống để cầm chừng kẻ ngày càng đức cao vọng trọng, được nhân dân kính ngưỡng!), nhưng lần giáng tội thứ hai, và có lẽ là lần giáng nặng nề nhất trong hoạn lộ ba đào của ông, thì quả là còn nhiều nghi vấn. Nguyễn Công Trứ bị vu cáo, điều này chính vua đã công nhận. Nhưng rồi Thiệu Trị lại viện những lý lẽ bông lông và phần nhiều “nhảm nhí”, hàm hồ để kết tội. Rằng, khi trước đi đánh Trấn Tây vô công – tức là tội vô dụng – nhưng sao khi ấy không bắt tội, chưa kể, thực tế là Nguyễn Công Trứ cũng đã bị giáng xuống Binh bộ Thị Lang; hay, “ngồi yên không quan tâm việc gì” – tức là tội vô trách nhiệm – trong khi, vào thời điểm Nguyễn Công Trứ bị bịa tội vu cáo thì ông còn đang đi coi đào sông. Vậy là, bị giáng, đã hẳn do có tội? Hay, bị giáng vì đến lúc cần-phải-giáng, để kìm cái uy vọng, cái thanh thế đang ngày một lên cao, để nhắc cho kẻ “kinh luân gồm tài” nhớ ra phận vị tôi thần của mình, để kìm hãm mọi nguy cơ có thể là mầm loạn!

  1. Đáp ơn “tri ngộ”

Tuy có những lần phải chịu ấm ức, trải không ít cảnh ba đào, nhưng công bằng mà nói thì các vua Nguyễn, từ Minh Mệnh đến Thiệu Trị và kể cả Tự Đức (dẫu rằng sau khi Tự Đức đăng cơ thì Nguyễn Công Trứ cũng sớm cáo quan về cố thổ), đều đánh giá đúng và sử dụng Nguyễn Công Trứ một cách có kết quả. Bắt đầu lĩnh chức Hành tẩu Sử quán, chưa đầy chín năm đã thăng Hình bộ Tham tri Thự Tổng đốc, bước công danh như thế đã là nhanh. Rồi mới làm Tri huyện Đường Hào chưa được một năm, đã được vời về bệ kiến, bổ Lang trung, bổ Tư nghiệp, rồi kế tiếp Thừa Thiên Phủ thừa, Thanh Hoa Tham hiệp. Lúc làm Tham tri bị giáng bổ Kinh Tri huyện, mới một năm đã được thăng Lang trung, rồi liền đó bổ thụ Hải Dương Bố chính, Thự lý Hải Yên Tổng đốc. Ơn “tri ngộ” như thế cũng có thể coi là hậu. Ấy là chưa nói đến không ít lần được “đặc cách”, như cái chuyện đi trấn nhậm đất Hải Yên, túng thiếu mà được vua ban cho hai mươi nén bạc, gói vào trong thuốc trà; đi đường bị cảm mạo thì được vua hạ chiếu yên ủy, lại phái người thị vệ đem một viên Ngự y tới điều trị; lúc tòng chinh còn được ban cho cái quyền dâng tấu sớ trực tiếp... Trong cách đối đãi ấy của Minh Mệnh với Nguyễn Công Trứ có cả cái ân cần, gần gũi, lại có cả nét cắc cớ, “chơi ngông” – có lẽ là cách đặc biệt riêng dùng cho Nguyễn Công Trứ, để đáp đối lại cho tương xứng với tính “ngông” trong con người ông. Dường như, trong quan hệ vua – tôi giữa các vua Nguyễn và Nguyễn Công Trứ tồn tại một thứ giao ước ngầm, dĩ nhiên không ai nói cho ai, cũng không được xướng lên bao giờ, nhưng nằm ngoài khuôn khổ của quan hệ vua - tôi thông thường theo tiêu chí Nho gia. Cái nghĩa “tri ngộ” ấy, cái “biệt nhãn” mà Nguyễn Công Trứ thường xuyên được dành riêng ấy, vừa khiến cho ông vững tâm mà thi thố năng lực, tận lực, lại cũng lắm lúc khiến ông dở khóc dở cười. Vẫn biết câu “Hóa nhi đa hý lộng”, nên chuyện có thường xuyên bị đấng quân vương “chơi khăm” cũng là lẽ thường tình. Vậy nên, trong những lần thăng giáng thất thường, lý do dù đa phần không minh bạch hoặc thậm chí chỉ là cái cớ vu vơ, Nguyễn Công Trứ vẫn giữ một phong thái thản nhiên, phần nhiều là hài hước, và luôn luôn trong suốt cuộc đời, vẫn sục sôi một nhiệt huyết hành động, đem khát vọng “kinh bang tế thế” ra mà thực thi với đời. Và Nguyễn Công Trứ, trong suốt gần ba mươi năm “chìm nổi” chốn quan trường, thật sự đã để lại dấu ấn đặc biệt trong sử sách với những thành tựu, những kết quả nổi bật ở hầu hết mọi cương vị ông nắm giữ, dù thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nguyễn Công Trứ - nhà quân sự

Nguyễn Công Trứ xuất chính theo ngạch văn quan, nhưng chẳng bao lâu đã trở thành một võ tướng, tham gia những đội quân lớn của triều đình trong những cuộc tiễu phạt quan trọng. Nhà quân sự Nguyễn Công Trứ đã hoạt động ở cương vị Tham tán quân vụ của Bắc Thành (1826), đồng chủ tướng trấn áp cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành (1827), Binh bộ Tham tri (1832), Tham tán quân vụ của đạo binh trấn áp cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân (1833 – 1835), Binh bộ Thượng thư, Tổng đốc Hải Yên cầm quân đánh dẹp giặc biển (1833 - 1838), Binh bộ Tham tri (1839), Tán lý cơ vụ (1840), Tham tán đại thần, Binh bộ Lang trung rồi Binh bộ Thị lang và Tuần phủ An Giang (1841) trong các cuộc chiến tranh của triều đình Minh Mệnh và Thiệu Trị ở phía Tây Nam, và cuối cùng là lính thú ở Quảng Ngãi (1848). Như vậy, mặc dù có lúc Nguyễn Công Trứ là đại tướng, giữ vai trò của một tư lệnh trên chiến trường, nhưng phần nhiều trong sự nghiệp binh bị của ông lại là tham mưu, chuyên bàn mưu tính kế sau rèm. Tham tán quân vụ, Tán lý cơ vụ… đều là những chức tước chủ về việc tham mưu và giám sát. Ngay cả khi giữ các chức Thượng thư, Thị lang, Lang trung… ở Binh bộ, thì công việc của Nguyễn Công Trứ cũng là theo ngạch văn quan. Ông là bậc “nho tướng”, làm việc quân sự với tư cách là một trí thức Nho học.

Hầu hết những chiến dịch Nguyễn Công Trứ tòng chinh đều giành thắng lợi cuối cùng, thậm chí là chiến thắng lừng lẫy. Trong các cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành và Nông Văn Vân, Nguyễn Công Trứ đều độc lực hoặc hiệp đồng tiêu diệt được đối tượng, để khi thì được vua ban thưởng tòa bạch ngọc chạm hình núi, con ngựa mã não và kim khánh mang bốn chữ “lao năng khả tướng”, khi lại được vua thân triệu về Kinh để rót rượu khuyên mời… Đánh đuổi giặc biển thì giết đươc ngụy thủy quân tướng lĩnh và ngụy tiền quân, bình định cả vùng đảo biển, được “lọt vào danh sách đề cử” hai mươi người được ghi công ở tấm bia dựng trước Võ miếu (dù rằng sau đó ông lại nằm trong số mười người bị loại ra). Chỉ đến khi dự trận ở phía Tây Nam thì Nguyễn Công Trứ mới có lần phải chịu lui quân – dù lần lui quân ấy khiến ông bị khép tội “trảm giam hậu”, nhưng rõ ràng, kinh nghiệm lịch sử sau  này đã chứng minh, những lời tâu của ông khi đó về việc không thể dùng đại binh để tiêu diệt tận gốc đảng giặc ở vùng Trấn Tây trong khi cứ cố chiếm giữ giằng dai, cứ giữ mãi cái xác thành không, đất có chiếm được cũng không thể cày cấy, dân không thể sai khiến, thì “chỉ tổn hao, chứ không ích gì” là hoàn toàn xác đáng.

Nguyễn Công Trứ có thể cầm quân giao chiến ở mọi mặt trận, khi thì ở miền rừng núi, lúc ở giữa đồng bằng, khi lại điều khiển cả binh thuyền trên biển. Điều đó thể hiện nhà quân sự Nguyễn Công Trứ có khả năng chỉ huy nhiều thứ quân, và có thể đánh trận ở nhiều chiến trường. Ông thường đề xuất, bàn luận đến nhiều vấn đề quân sự, từ an ninh dân gian đến phân hóa kẻ địch, từ tuyển mộ và huấn luyện quân sĩ đến đóng đồn lập trại, kế sách công thủ… Những điều đó thể hiện ông là nhà quân sự có óc lý luận, là chiến lược gia (dù có lẽ chưa đủ để ông hệ thống hóa lại các tư tưởng của mình trong một cuốn binh thư).      

Nguyễn Công Trứ - nhà cai trị

Sự nghiệp quân sự của Nguyễn Công Trứ còn có lúc gây nhiều tranh cãi (về sự “hiển hách” thực sự trong những lần chinh phạt thành công; về chuyện có hay không cái “tội” đàn áp phong trào khởi nghĩa nông dân…) nhưng tầm vóc của một bậc cai trị toàn năng, toàn tài lại là điều khó bàn cãi về ông. Trên phương diện này, ông đã đem lại những đóng góp hữu ích.  

Nguyễn Công Trứ từng được giao trấn nhậm nhiều vùng đất. Cuộc đời làm quan của ông được kinh lý qua nhiều nơi. Đang ở Kinh thì được cử ra Bắc, có thời gian làm Trưởng quan ở một tỉnh đồng bằng Bắc bộ, chủ trị việc khai hoang lập ấp; rồi đang ở giữa đồng bằng lại được đề đạt kiêm quản việc tham mưu quân sự vùng dân tộc thiểu số ở miền núi; từ đó được điều về miền biển; rồi lại từ phương Bắc xa xôi vào tận vùng biên viễn phía Nam sát đất Cao Miên (Campuchia ngày nay), quyền lĩnh cả một vùng rộng lớn hiểm hóc, chuyên giải quyết các vấn đề liên quan đến Cao Miên… Ông thực đã bôn ba khắp một dải non sông đất Việt, “dọc ngang” một” “vòng trời đất”. Thậm chí có lúc, Nguyễn Công Trứ một mình đảm nhiệm mấy cương vị, vừa lo việc binh vừa phát triển kinh tế ở các vùng trấn nhậm, đào sông, lấn biển, khai mở đất đai, ổn định an ninh trật tự.

Trong suốt cuộc đời mình, Nguyễn Công Trứ chưa khi nào phát biểu thành lời, rằng mục đích của ông là xây dựng một xã hội thái bình thịnh trị, nhưng rõ ràng những việc làm của ông (tại những vùng đất ông được toàn quyền quản lý) đều để đi tới một xã hội như thế. Nguyễn Công Trứ nói nhiều về nghĩa vụ gánh vác “quân thân”, “trung hiếu”, đau đáu nhiều khát vọng trả nợ “tang bồng”, “bút nghiên”, nhưng tất cả những thứ nghĩa vụ và trách nhiệm đó, với ông, dường như chỉ là một phương tiện để đạt tới một xã hội bình trị, có kỷ cương. Thuở chỉ là một hàn sĩ, chàng nho sinh Nguyễn Công Trứ từng nhiệt huyết dâng lên Gia Long bản điều trần Thái Bình thập sách, dù đến giờ không có cơ sở gì để biết nội dung của bản điều trần này, nhưng rõ ràng nó cho thấy mục đích xuất thế, mục đích mọi việc làm của ông. Cho đến khi có cơ hội thi triển tài kinh luân, các chủ trương, kiến nghị, các bài tấu sớ tâu lên vua của ông đều nổi lên là các chính sách trị quốc an dân. Nguyễn Công Trứ nhìn ra mọi mầm họa đều xuất phát từ chỗ dân nghèo phiêu linh điêu tán, không được an cư lạc nghiệp, vì vậy ông chủ trương khai hoang lập ấp để ổn định đời sống của dân và để xóa bỏ nạn dân thiếu ruộng đất phải xiêu tán, xây đắp các công trình thủy lợi để mùa mùa màng được đảm bảo, từ đó góp phần cho xã hội được thanh bình, no đủ; ông chủ trương hạn chế nạn cường hào để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của dân, giảm thiểu tình trạng oan sai; dân có cái ăn rồi thì ông nghĩ đến việc đặt nhà học, tạo nền tảng cho việc giáo hóa lâu dài, phát triển nho phong sĩ khí; đặt xã thương để tính kế ổn định, tránh nạn đầu cơ; “dưỡng” cho dân an cư, yên tâm lập nghiệp nhưng không quên củng cố trị an để đề phòng trộm cướp, nghiêm khắc khuyến trừng để hạn chế tệ nạn... Nguyễn Công Trứ thể hiện mình là một nhà chính trị thực hành, trọng thực tiễn chứ không phải con người ý chí luận. Những chủ trương kiến thiết của ông, tuy không phải lúc nào cũng được nhà Nguyễn thông qua, như đề xuất thực hiện chia ruộng cho dân ở những vùng khai hoang, nhưng qua đó có thể thấy tầm nhìn, tài tổ chức của Nguyễn Công Trứ.

Được biết đến như một con người toàn tài, nhưng dấu ấn quan trọng nhất, “đóng đinh” Nguyễn Công Trứ trong lịch sử lại là khi ông xuất hiện với tư cách là một “nhà khẩn hoang lỗi lạc”. Đại Nam thực lục chép, chính ông là người chủ động dâng sớ xin nhà nước “lấy tiền công cấp cho dân khẩn trị”, mở đường làm ăn cho dân nghèo, “xuống chiếu cho các quan tại trấn chiêu mộ dân phu khai khẩn, cứ năm mươi người lập thành một làng, ba mươi người lập thành một ấp, tính đất cho ở, lại cấp cho trâu và đồ làm ruộng, ba năm thành điển chiếu lệ trước bộ thự thuế. Làm như vậy thì đất không sót lợi mà dân cũng chăm việc cày bừa, tự nhiên dân phong cơ, xấu cũng hóa ra tốt”[4]. Nhờ những lời tấu trình đó, Minh Mệnh bổ ông làm Dinh điền sứ. Ban đầu, ông mang theo ít người làng thân tín ra làm nòng cốt. Về sau, dân sở tại hưởng ứng ngày càng đông, ông liền phát cho ngưu canh điền khí, chia đất cho khai khẩn. Hễ ai mộ được mười người thì lập thành một giáp và được nhận hơn trăm mẫu ruộng, mộ được hơn mười lăm người lập thành một trại, năm mươi người lập thành một lý (làng). Ông lại tâu xin lấy tiền công làm cho nhà ở, cấp trâu cho cày, cứ năm người thì cấp một con trâu, một cái bừa, một cái cày, một cái xuổng, một cái cuốc, một cái liềm. Do đó, kẻ xa người gần, lũ lượt kéo nhau đến, ra công cày bừa mong có lúa xanh khoai tốt. Chẳng bao lâu, một dải Tiền châu, khẩn được 18.970 mẫu ruộng, mộ được hơn 2.350 đinh, chia làm 14 lý, 72 ấp, 20 trại, 10 giáp. Để rồi đến cuối năm 1828, sau hai năm khẩn hoang, huyện Tiền Hải đã được thành lập. Các xã Ninh Cường, Cát Hải thuộc huyện Nam Trực (Nam Định), tổng Hoành Nha thuộc huyện Giao Thủy (Nam Định) cũng đều được khai khẩn theo chính sách này của Nguyễn Công Trứ.

Tiếp đó, ông lại dâng sớ, xin đi khai khẩn vùng đất hoang ở huyện Yên Mô (Ninh Bình); huyện Kim Sơn do đó mà lập thành. Về sau, ở đây khai khẩn được hơn 4.600 mẫu, tập hợp được 1.260 đinh. Cả một cánh đồng bát ngát, bốn bề là ruộng, dưới là sông, trên là đường, cứ cách một quãng thì đào một con sông hay một cái ngòi thẳng tuột từ đầu đến cuối, cho mãi đến bờ biển, dọc mỗi con sông lại đào một con đường để dân đi lại cày cấy làm ăn, muốn đi đò thì có sông, muốn đi bộ thì có đường, hết sức tiện lợi. Lại có những con đường ngang hợp với đường dọc chia mặt đất thành từng khu, y theo phép “tỉnh điền” ngày trước của nhà Chu (Trung Quốc), cứ mỗi khu là địa phận một thôn hay ấp.

Khu hoạch ruộng đất như vậy là nhằm mục đích lâu dài vừa giải quyết được vấn đề có đất cao ráo cho nhân dân mỗi làng làm nhà ở, vừa dùng được sức của nhân dân mỗi làng mà đấu tranh với thiên nhiên, cụ thể là chống mặn và chống sóng biển. Để đạt mục đích đó, Nguyễn Công Trứ đã hạn chế chiều ngang của mỗi làng, không cho rộng quá một cây số, còn chiều dọc thì địa phận làng nào cũng ra giáp bờ biển. Do đó, các làng chỉ có thể phát triển dài mãi ra biển tùy theo sự bồi đắp của đất phù sa. Và để củng cố diện tích mới được bồi lên, dân làng nào cũng lo đắp đê phòng ngự sóng biển, tiếp tục khai ngòi để rửa nước mặn mà trồng cói, trồng lúa. Có thể nói, chính cách chia địa phận các làng theo kế hoạch của Nguyễn Công Trứ đã tạo ra kết quả là những cánh đồng phì nhiêu, tươi tốt như vùng Phát Diệm ngày nay. Bởi nếu buổi đầu mà chia cho vài làng chiếm hết vùng đất cao thì dân các làng gần biển sẽ không đủ sức khai khẩn những đất phù sa hằng năm bồi thêm mãi ra biển. Chưa kể, đất phù sa là đất tốt, nếu làng xóm chia theo bề ngang thì những làng trên cao tuy có nhiều đất ở nhưng lại thiếu đất cày, kinh tế nông thôn sẽ phát triển không đều, những làng nhiều ruộng trồng cói thì thiếu đất trồng màu, thậm chí có làng thiếu đất làm nhà ở và gieo mạ để cấy sau mùa mưa lụt. Ưu điểm của Nguyễn Công Trứ là làm cho các làng đều phát triển theo chiều dài, có đủ đất cao và đất thấp, tức là có đủ ruộng cạn, ruộng sâu, tránh sản xuất theo lối độc canh. Từ đó cho thấy con mắt nhìn xa trông rộng của “nhà kinh tế” Nguyễn Công Trứ.

Sau khi hai huyện Tiền Hải và Kim Sơn lập xong, Nguyễn Công Trứ lại dâng sớ xin lập năm quy ước mà ông cho là cần để “nhân dân có tính đoàn tụ ăn ở với nhau, kiềm thúc lẫn nhau ngày thành thói tốt”. Sớ ấy tuy không được triều đình chấp nhận vì cho là “vội quá” song nhân dân các làng mới thành lập đã dựa theo ý muốn của ông, chăm lo làm ăn sinh sống, trở nên giàu có và nhớ mãi công ơn của ông. Nhiều làng lập đền kỷ niệm hoặc sinh từ ngay khi ông còn sống, đặt lễ chúc mừng, mỗi năm gặp ngày sinh nhật và xuân thu hai kỳ, các sở sinh từ đều trần thiết đồ nghi trượng rất long trọng, rồi rước bách linh, xem ông như một vị thần sống – khiến cho có kẻ vin cớ này mà vu ông có “dị chí”, may khi đó có các quan tại triều và các tỉnh Bắc Kỳ đều dâng sớ kêu oan, nếu không, cũng không biết số mệnh của vị lão thần phụng sự ba triều ấy đi về đâu! Sự kiện đó đã cho thấy uy vọng của Nguyễn Công Trứ cao đến mức nào. Dễ hiểu vì sao triều đình Nguyễn luôn ghi nhận thực tài nhưng lại hết sức dè dặt trong cách sử dụng Nguyễn Công Trứ. Bởi nếu ông thật sự có “tà tâm”, thì hai vùng Tiền Hải, Kim Sơn biết đâu lại trở thành một “cõi biên thùy” dành riêng cho Nguyễn Công Trứ. Ông đã làm được một việc vô tiền khoáng hậu trong lịch sử - mở thêm hai vùng đất trù phú cho vua.  

Đành rằng, để có thể khẩn hoang thuận lợi, một phần lớn là nhờ sự ủng hộ và đồng thuận của triều đình Minh Mệnh. Nhưng, như Chính biên Thực lục đã chép, cũng có những thời điểm, nhiều đề nghị của ông không được thông qua. Vậy mà người dân vẫn theo nếp xưa do ông định ra mà mở rộng vùng đất. Không có vùng nào do Nguyễn Công Trứ chủ trị khai hoang bị hoang hóa trở lại; công cuộc khẩn hoang nhờ đó mà đạt được thành tựu lâu dài, vững bền. Điều này, có lẽ phải được lý giải từ “lực hấp dẫn” đặc biệt tỏa ra từ chính nội lực của con người – nhân cách Nguyễn Công Trứ.

  1. Nhân cách Nguyễn Công Trứ

Tự thuở hàn vi, ông đã luôn đau đáu về ba chữ “chí nam nhi”, về khát vọng “làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ”. Công hầu khanh tướng, tuy không được Nguyễn Công Trứ xem như mục đích, nhưng lại coi là phương tiện để ông “trang trắng” món “nợ trần hoàn”, “nợ công danh”. Chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ là tinh thần nhập thế tích cực của nhà nho muốn đem tài năng cống hiến cho sự nghiệp cứu chúa an dân và đã nhận ra điều kiện xã hội đủ thuận lợi cho việc thực hiện lý tưởng đó. Điều đặc biệt ở chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ là ông không ngần ngại đề cao cái quyền được hưởng thụ khi có công danh, sự nghiệp, “Khanh hầu xa mã tướng công lâu đài”, tức là đề cao yếu tố cá nhân mà giới nho sĩ nhiều thế kỷ đi thi và làm quan vẫn giữ kín, né tránh. Trong thơ ca cũng như trong thực tiễn hành động, ông luôn nhấn mạnh một cách cân bằng cả hai phương diện: “công nghiệp” và “quân thân”, “công danh” và “trung hiếu”. Ông đã công nhiên đặt ngang hàng công danh với trung hiếu, cố gắng tìm một thế hài hòa giữa hai mặt đối lập này chứ không chấp nhận xóa bỏ cái cá nhân trước trung hiếu như các nhà nho thế kỷ trước. Cái tôi của ông, như nhiều nhà nghiên cứu đã ghi nhận, là cái tôi hành động. Ông không chỉ nói chí một cách công thức, sách vở mà đã thực hiện chí hướng bằng hành động cụ thể, bằng cuộc đời hoạt động sôi nổi, đầy ắp sự kiện, không biết mỏi mệt trên một địa bàn trải dài từ Đông sang Tây, từ Bắc vào Nam trong suốt mấy chục năm làm quan cho nhà Nguyễn. Vì ý chí và khát vọng ấy, ông chưa bao giờ mỏi mệt, chưa bao giờ gục ngã, ngay cả lúc tưởng như đã bước đến đường cùng của số phận, làm một anh lính thú nơi biên thùy. Nhưng ngay cả khi ấy, Nguyễn Công Trứ vẫn ngạo nghễ, vẫn điềm nhiên, vì bản thân đã không từng thấy việc được làm tướng là vinh, thì cũng không thấy chuyện làm quân là nhục. Binh hay tướng, suy cho cùng cũng vẫn là phụng sự quốc gia. Cũng chính tâm thế ấy, khiến Nguyễn Công Trứ hồ hởi tham gia mọi cuộc dẹp loạn. Tuy rằng nhiều cuộc tiễu trừ trong đó đã đem lại những tranh cãi, luận bàn về sự mâu thuẫn trong tư tưởng Nguyễn Công Trứ, như cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành, Nông Văn Vân, và cho dù giới nghiên cứu gần đây đã trả lại cho Nguyễn Công Trứ một đánh giá khách quan, cách nhìn nhận thực tế hơn, nhưng suy cho cùng, ngay cả khi còn tranh cãi, cũng không ai có thể phủ nhận một sự thực hiển nhiên - đối với nhà nho Nguyễn Công Trứ, mọi cuộc nổi dậy chống triều đình đều là loạn, mà đã loạn thì sẽ đe dọa đến sự ổn định, sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và vì thế, dẹp loạn là cứu chúa an dân. Đó là triết lý hành động rất đúng với tinh thần Nho gia và phù hợp với thực tế tình hình lúc đó.

Đáng quý là ngay cả khi tham gia dẹp loạn, ông vẫn công tâm phân tích nguyên nhân các cuộc biến động trong nước. Đó là cái tệ hại của bọn quan lại phong kiến kiếm chác ở án từ, ở thuế khóa; là cái tệ hại của bọn “điêu hào”, tức bọn cường hào gian ác. Chúng “công nhiên không sợ hãi gì, tự hùng trưởng với nhau, chuyên lợi làm giàu, khi lộng quan lại, để làm việc tư của mình. Những nơi có ruộng đất công thường thường chúng mượn việc cấm mướn, để làm mưu béo mình”[5]. Ông thấy dân nghèo sở dĩ làm loạn là vì không có nghề làm ăn, không có ruộng cày, bần cùng mà sinh trộm cướp; lại có kẻ, sau bao nhiêu năm loạn lạc, trở thành lưu vong, không có đường trở lại “tất phải nương nhờ vào bọn dật cừ”. Vì vậy, Nguyễn Công Trứ đã đề ra những chính sách cụ thể như đặt nghiêm pháp để trừ thổ phỉ, trừng phạt những bọn lại dịch tham nhũng, khẩn ruộng hoang để dân nghèo có nghề làm ăn, rồi khi đã nhóm họp được dân xiêu dạt thì đặt nhà học, rước thầy, trích ruộng làm học điền, đặt xã thương khi giá cao thì bán, giá hạ thì mua, gặp có thủy bất thường thì đem thóc đi chiêu cấp từng người, năm nào được mùa thì thu lại để dự trữ… Tất cả những chính sách đó không ngoài mục đích là làm cho dân có ruộng cày, có cơm ăn áo mặc, được học hành… Tấm lòng và tầm nhìn của một vị quan đều hướng đến cùng một mục tiêu: ích nước lợi dân.

Nguyễn Công Trứ sở dĩ có thể chiêu mộ được dân binh, người người tín phục, không chỉ bởi ông hiểu thấu được tình cảnh của họ, đặt ra các chính sách để họ được yên tâm an cư lạc nghiệp, mà còn vì trong suốt cả quá trình ấy, ông không hề nghĩ đến lợi ích riêng, chỉ muốn vì dân hưng lợi trừ hại theo đúng ý nguyện của mình, cũng như theo đúng chủ trương của một nhà nho chân chính. Đứng ra khẩn hoang, nhưng Nguyễn Công Trứ không hề xin vua ban cho mình những khoảnh đất riêng lập thái ấp, lấy công sức của nhân dân làm lợi cho bản thân. Ông không nhận của hối lộ, cũng không tham ô ăn bớt của công. Khi làm Dinh điền sứ, ông có nhận ở kho Nam Định 7.000 quan tiền và 500 vuông gạo để phát cho dân nghèo giúp họ có vốn và có cơm làm ăn. Số tiền và số gạo ấy cấp phát xong, còn lại một ít cho vay tạm. Sau khi trở về kinh, ông thu lại đủ số, đem nộp cho công khố, không hề giấu để dùng riêng. Thế nên khi về hưu trí, ông vẫn tay không, đủng đỉnh trên lưng bò vàng đạc ngựa, tìm nơi thanh vắng tĩnh mịch mà ở. Thậm chí ngay cả khi đương chức, cũng có lúc gia cảnh cơ hàn, phải “mật tấu” về xin vua chu cấp cho ít tiền chi dùng!

Rõ ràng, trong suốt gần 30 năm “vẫy vùng trong bốn bể”, “xẻ núi lấp sông”, Nguyễn Công Trứ đã “làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ”. Ông là một anh hùng thư kiếm, văn võ toàn tài, mà lại là những “tài” có thể thực hành, vận dụng được trong suốt hành trình kinh lược. Ông từng trải nhiều chức vụ, đảm nhận các công việc từ lớn đến nhỏ, trong ngạch văn quan thì khởi đầu là một thư lại, cuộc đời binh nghiệp thì lại có khi làm anh lính thú nơi hải giác; lúc trấn nhậm ở một vùng đất, khi chuyên trách công việc tại một bộ ngành (Nguyễn Công Trứ trải đi trải lại bốn bộ, trải biến nhiều cương vị - một điều không từng có trong lịch sử quan trường Việt Nam)… Trên phương diện nào Nguyễn Công Trứ cũng năng nổ, toàn tâm toàn ý. Có lẽ nhờ vậy mà ông có kinh nghiệm thực tế và điều kiện để thi thố, triển khai những kinh nghiệm, những tri thức lý luận về cái gọi là “trị an”. Nguyễn Công Trứ không chỉ là một nhà quân sự, nhà chính trị thực hành, mà, cũng có những thời điểm, ông đảm đương vai trò của một học quan, như khi làm Tế tửu Quốc Tử Giám, hay làm chánh chủ khảo trường thi ở các vùng đất văn vật. Những công việc này, tuy không đem lại tước cao lộc hậu, nhưng lại làm vẻ vang sự nghiệp “hoa quốc”. “Văn trị” không chỉ ở chính sách cai trị nhằm làm phát triển kinh tế, ổn định trị an, mà “văn trị” là còn phải phát triển được sự học, để làm đẹp cho quốc gia dân tộc. Văn tài tuy không đem lại giá trị vật chất hiện hữu nhưng là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ phát triển của một xã hội, một quốc gia. Nên, ba lần làm chánh chủ khảo hay phúc khảo các trường thi lớn, một lần làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám (chăm lo giáo dục cấp cao), đủ để làm đẹp thêm, hoàn thiện thêm cho hành trạng lẫy lừng của Nguyễn Công Trứ. Nó chứng tỏ tài học, sở học của ông; và kỳ thực, Nguyễn Công Trứ cũng đã giữ một địa vị quan trọng trong quốc văn, đặc biệt tên tuổi ông gắn liền với sự hình thành và phát triển của hát nói – một loại hình nghệ thuật cao cấp, tinh hoa. Hiếm có trong lịch sử một nhân vật nào được ghi nhận và vinh danh trên tất cả các phương diện quân sự - chính trị - văn học/ văn hóa như thế!

Nguyễn Công Trứ có khát vọng lớn – khát vọng kinh bang tế thế. Nguyễn Công Trứ có thực tài, mà toàn là những tài lớn – tài định quốc an dân. Nguyễn Công Trứ có tấm lòng rộng mở, am hiểu, tri nhận và nỗ lực thừa hưởng những triết lý quản lý đã được cổ nhân đúc rút - như quan điểm “dĩ dân vi bản”, biết “khoan thư sức dân là kế sâu gốc bền rễ” đã được thấm nhuần sâu sắc suốt từ thời Nghiêu, Thuấn ở Trung Hoa sang đến vương triều Trần ở Việt Nam hồi thế kỷ XIII. Nguyễn Công Trứ có tinh thần xông xáo, nhập cuộc tích cực, chú trọng thực tiễn – khi có loạn thì đánh đông dẹp bắc, trừ loạn đảng, dẹp nhiễu nhương, huân nghiệp rạng ngời; lúc bình trị thì đặt phương sách phát triển kinh tế, mở mang đất đai, thực hiện giáo hóa, phát triển văn trị. Quản việc dân thì mẫn cán, cần kiệm, biết dùng đúng người đúng việc. Tầm nhìn lại xa rộng, từ hoạch định đường lối, phương thức quản lý, cho đến lộ trình phát triển đều phù hợp với thực tế mà đem lại lợi ích vững bền… Dường như ở Nguyễn Công Trứ có đầy đủ những tố chất để chúng ta mơ ước về một mẫu hình nhân cách quản lý mẫu mực – có khát vọng, có thực tài, có tầm nhìn chiến lược, có tấm lòng vị quốc thương dân, có nhiệt huyết hành động, có tinh thần lăn xả vào mọi cương vị, mọi lĩnh vực, sẵn sàng đương đầu và chịu trách nhiệm… Có thể, không phải ai cũng may mắn được trời phú cho đa tài và toàn năng như Nguyễn Công Trứ, nhưng những phẩm chất còn lại, nếu thiếu đi, thì khó có thể mong mỏi trở thành một vị quan tốt và quan giỏi.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đoàn Tử Huyến (Chủ biên, 2008), Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, NXB Nghệ An – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.

2. Vũ Ngọc Khánh (1983), Nguyễn Công Trứ, NXB Văn hóa, Hà Nội.

3. Lê Thước – Hoàng Ngọc Phách – Trương Chính (Giới thiệu, hiệu đính, chú thích, 1958), Thơ văn Nguyễn Công Trứ, NXB Văn hóa, Hà Nội.ăn hóa, Hà Nội.

 


[1]Chúng tôi mô tả hành trạng Nguyễn Công Trứ dựa theo tham khảo bảng “Niên biểu Nguyễn Công Trứ”, trong sách Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Đoàn Tử Huyến (Chủ biên, 2008), NXB Nghệ An – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, tr. 1079 – 1085.

[2]Dẫn theo: Lê Thước – Hoàng Ngọc Phách – Trương Chính (1958, Giới thiệu, hiệu đính, chú thích), Thơ văn Nguyễn Công Trứ, NXB Văn hóa, Hà Nội, tr. 198.

[3]Dẫn theo: Lê Thước – Hoàng Ngọc Phách – Trương Chính (1958), Sđd, tr. 200.

[4]Dẫn theo: Đoàn Tử Huyến (Chủ biên, 2008), Sđd, tr. 486.

[5]Dẫn theo: Lê Thước – Hoàng Ngọc Phách – Trương Chính (1958), Sđd, tr.180.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511837

Hôm nay

2163

Hôm qua

2337

Tuần này

22211

Tháng này

218710

Tháng qua

121356

Tất cả

114511837