Những góc nhìn Văn hoá

Nguyễn Đăng Mạnh: chân dung và phong cách

 

 

 

 

Thời học sinh, sinh viên, tôi không được học với giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh. Nghĩa là không được lên lớp nghe ông giảng lần nào. Hồi ấy, tôi biết ông chủ yếu là qua những trang sách, những bài phê bình, nghiên cứu văn học của ông.

Thế mà hơn hai mươi năm gần đây, không chỉ đọc văn mà còn biết và quen ông; được thân thiết trao đổi và trò chuyện với ông... tôi thấy mình thật may mắn. Cứ nghĩ được làm học trò của giáo sư cũng là được nhiều rồi, ấy thế mà lắm khi ông còn coi tôi là bạn vong niên. Nhiều lần cùng ông đi đến chỗ này, chỗ khác, gặp người này, người nọ, ông cứ chỉ vào tôi và “giới thiệu”: “Đây là ông bạn tôi”. Những lúc ấy tôi rất ngượng. Nhưng ngay sau đó là lòng khâm phục bởi sự tự nhiên, chân thực, thoải mái và rất tươi trẻ trong cách ứng xử của ông. Với giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, tôi là kẻ hậu sinh, một học trò chỉ đáng tuổi con cháu. Cứ nhớ một lần ông nói với tôi về việc đến gặp Nguyễn Tuân để làm tuyển tập cho cụ. Ông bảo: “Thường là chỉ khi nào có việc mình mới đến và đến là để làm việc. Mình chỉ đáng hàng con cháu ông ấy, bạn bè thì chẳng phải, đến không khéo lại bị ông ấy mắng cho thì khốn...”. Nói thế nhưng hình như chưa bao giờ Nguyễn Tuân tỏ ra khó chịu về ông cả... Tôi cũng có tâm trạng ấy trong những lần đầu gặp Nguyễn Đăng Mạnh. Đó là vào năm 1986 khi ông vào giảng bài cho một lớp tại chức ở Thanh Hoá, còn tôi lúc đó là một giáo viên đang dạy chuyên văn trường PTTH Lam Sơn. Tôi vốn mê văn ông từ lâu, nay gặp con người thật ngoài đời, vừa thấy thân thiết, gần gũi, vừa thấy kính cẩn, xa xôi. Thành ra ngày ấy tôi chỉ dám hỏi ông những gì liên quan đến công việc dạy - học văn.

Thế mà thấm thoát đã hai chục năm tôi được sống gần gũi và thân thiết với giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh. Cho đến bây giờ, mặc dù chưa hề được nghe ông giảng một bài nào trên lớp, kể cả thời gian làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng tôi vẫn nghĩ ông là người đã dạy cho tôi nhiều nhất, ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất, cả cuộc sống lẫn quan niệm văn chương. Nhiều lúc thấy chưa làm được gì; văn chương còn non nớt, cạn hẹp; viết lách còn cẩu thả, vụng về... cứ thấy như có lỗi với thầy.
Những năm tháng gần đây, tôi càng hiểu ông trọn vẹn hơn, một Nguyễn Đăng Mạnh văn và đời. Có thể văn chương và tư tưởng học thuật của ông, tôi chưa hiểu hết, nhưng con người, nhân cách, tính khí, quan niệm sống, quan niệm về cái đẹp, cái đáng tôn thờ, cái nên khinh bỉ và cả những thói quen thường nhật của thầy... tôi đã hiểu hơn nhiều.
Nhân dịp ông tròn 80 tuổi, xin ghi lại đôi dòng như mấy nét phác thảo sơ lược, vụng dại về chân dung và phong cách một người thầy đáng kính, một nhà phê bình văn học tài hoa, một con người đời thường như trăm ngàn con người ta thường vẫn gặp.
1
 
Bây giờ mọi người vào thăm nhà ông, tuy chưa phải là biệt thự cao sang gì, nhưng cũng đã là niềm mơ ước của ông vào thời điểm mới cách đây khoảng hơn chục năm. Cũng ít người biết được, Nguyễn Đăng Mạnh có một thời sống thật khốn khó, khốn khổ. Cách đây không lâu, vào dịp cuối năm, khi cùng tôi đi lên Nhật Tân mua đào, tự nhiên ông bảo: “đời sống vật chất nhà mình tăng dần theo cách chơi đào ngày tết”. Đã thành thông lệ, mỗi khi tết đến, xuân về, vốn là người thích đào, bao giờ ông cũng tìm mua. Đào Hà Nội không thiếu nhưng nhiều lần ông đã phải mua một số nhánh đào để gép lại, cũng gọi là để có cành đào ngày tết... Thế mà nghe đâu có lần ông đã bị kẻ nào lấy trộm mất cành đào “lắp ghép” ấy. Mấy năm nay, bao giờ ông cũng lên tận vườn đào Nhật Tân tìm cho được một gốc đào ưng ý. Có lần tôi hỏi: sao thầy không mua quất? Ông bảo, chỉ người già mới hay chơi quất. Tôi bỗng liếc nhìn mái tóc đã điểm sương của ông... nhưng lại nghĩ thầm, đúng ông còn trẻ thật. Trẻ trong cách nghĩ, trẻ trong cách sống và trẻ trong cách viết. Lớp trẻ chúng tôi, mỗi khi tụ họp “nhậu nhẹt” thường nghĩ ngay đến việc cần phải mời cho được"cụ Mạnh". Và quả thật có ông hình như truyện trò vui hơn, hình như không ai phân biệt già trẻ, thầy trò, cứ thế vui cười thoải mái, không câu nệ, khách khí, ít phải giữ gìn, ý tứ trong cử chỉ nói năng... Có nghĩa là ông hoà đồng vào lớp trẻ, thậm chí còn trẻ hơn nhiều “anh trẻ” khác. Về chuyện này, ông rất khác với một số vị giáo sư “mũ cao áo dài”, bao giờ cũng chăm chút cho mình một dáng vẻ đạo mạo, tạo ra bằng được một cốt cách đĩnh đạc, uy nghi. Nguyễn Đăng Mạnh không thế. Ông luôn“loà xoà”mình đi, bình thường, dân dã. Tôi đã cùng ông ở những khách sạn khá sang trọng, nhưng cũng có lúc được"nhốt"chung ở một gian buồng không thể gọi là chỗ ngủ được. Có điều lạ là cả hai nơi, tôi thấy ông đều vui vẻ chấp nhận. Không ít lần tôi thấy vợ ông đã phải"uốn nắn” và“chỉnh huấn" về trang phục trước khi ông ra đường. Ông tiếp thu ngay, sau đó ngồi sau xe, vừa cười, vừa kể cho tôi nghe câu chuyện về Anhxtanh một cách rất hóm hỉnh. Cái ông Anhxtanh khi chưa nổi tiếng ăn mặc rách rưới, có người góp ý, ông ấy bảo: tôi mặc thế cũng có ai biết tôi là ai đâu. Khi nổi tiếng rồi, ông ta vẫn ăn mặc như thế, người ta góp ý, ông lại bảo: tôi có mặc thế này người ta vẫn biết tôi là Anhxtanh cơ mà... Đấy ông thấy không, mình cũng chẳng so bì được với Anhxtanh, nhưng quần áo có quan trọng gì đâu. Vấn đề là nghĩ và viết cho tử tế, cho nghiêm chỉnh. Nguyễn Đăng Mạnh là người sẵn sàng ngồi xuống một quán nước cạnh vỉa hè, uống với bạn một li trà nóng, ăn một bát bánh đúc hay bún riêu cua nóng hổi. Những lúc như thế, tôi cứ nghĩ ông giống Nguyên Hồng, nhà văn mà ông cho rằng “đã viết rất hay về những thú ẩm thực của người dân nghèo. Người đọc cảm thấy ngon lành thật sự khi nhà văn tả một bữa cơm có rau muống chấm tương và quả cà pháo giòn tan, một bát canh cua đồng chan bánh đúc, hay một bát nước vối chế hắc hương... Đây là cây bút, từ tác phẩm đến con người, đều là hiện thân của cần lao, của đói nghèo với tất cả những đau khổ và chất thơ của nó”[1]. Trong Nguyễn Đăng Mạnh có một Nguyên Hồng chăng?
Có đấy! Ông đã từng kể cho tôi nghe về những ngày gian khổ, thuở “chân đất đầu trần”. Sinh năm Đảng ra đời, cách mạng tháng Tám đến, ông vừa tròn 15 tuổi. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, cùng gia đình tản cư lên Thái Nguyên, đi học trung cấp sư phạm rồi trở thành người phụ trách môn Văn của Sở Giáo dục liên khu Việt Bắc. Những ngày kháng chiến gian khổ, “củ khoai, củ sắn thay cơm” ông làm công tác chỉ đạo môn văn thì ít mà vùi đầu vào đọc sách thì nhiều. Ông bảo chỗ ông ở có một nhà kho chứa rất nhiều sách được sơ tán từ Hà Nội lên. Và cứ thế, ông như con mọt sách, đọc cả ngày, cả đêm; nghiền ngẫm và ghi chép say mê...
Cho đến sau ngày kháng chiến chống Pháp thắng lợi, về học đại học sư phạm Hà Nội, rồi được phân công vào trường Đại học sư phạm Vinh... Suốt một chặng đường dài vẫn là những năm tháng gian khó và vất vả đối với ông: đi bộ, đạp xe đạp hàng trăm cây số về Hà Nội đọc sách; những ngày sơ tán lên rừng, xuống biển, đêm đêm cùng Hoàng Ngọc Hiến soi đèn đi bắt ốc sên làm thực phẩm thay thịt, cá... và cho đến đầu những năm 90 của thế kỉ trước, cái đói khổ, sự thiếu thốn về vật chất vẫn còn là nỗi ám ảnh với gia đình ông... Dễ hiểu vì sao ông rất thông cảm và thấu hiểu Nguyên Hồng. Viết về Nguyên Hồng ngòi bút của ông bao giờ cũng nặng trĩu yêu thương. Để kịp hoàn thành bài Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng, ông vừa viết, vừa khóc trên trang giấy. Và thực sự bài văn là một tiếng khóc nghẹn ngào, một tiếng nói tri âm nặng tình, nặng nghĩa của Nguyễn Đăng Mạnh đối với nhà văn của tầng lớp nghèo khổ cần lao: "Nguyên Hồng là con người rất dễ xúc động, rất dễ khóc. Ai từng tiếp xúc với Nguyên Hồng đều thấy như thế. Khóc khi nhắc đến nỗi khổ của con người trong xã hội cũ. Khóc khi nghĩ đến công ơn của cách mạng. Khóc khi ôn lại những kỷ niệm thắm thiết của mình với bạn bè, đồng chí. Khóc cả khi kể lại nỗi bất hạnh của những nhân vật do chính mình sáng tạo ra (...)
" Nguyên Hồng đã sống hơn 60 năm, đã viết hơn 40 năm, ai biết được ông đã đổ ra bao nhiêu nước mắt cho đời và cho nghệ thuật? Bây giờ nằm dưới ba thước đất, nguồn nước mắt ấy có bao giờ khô cạn được chăng?"[2]
 
 
 
 
2
Ai ở gần Nguyễn Đăng Mạnh cũng có thể thấy rõ điều này: ông rất vụng về trong nói năng, ứng xử đời thường. Ví như nhân dịp lễ tết cần phải nói đôi câu chúc tụng; khi vào bệnh viện thăm người ốm cần nói vài ba câu thăm hỏi, động viên; lúc chia tay tan cuộc cần nói đôi lời giã từ... tất cả trong những trường hợp như thế, tôi thấy ông cứ ấp a ấp úng, nói năng lúng túng, ngượng ngập, vụng về... Cũng có những lúc ông phát ngôn rất bốc, rất hay; những đối thoại thẳng thắn, sắc sảo và dữ dội đến “nảy lửa”... Nhưng đó đều là ở các “tình huống có vấn đề”, không liên quan mấy đến sinh hoạt đời thường. Đó là ở những hội thảo khoa học, những buổi sinh hoạt, bảo vệ luận án hoặc tọa đàm, phát biểu trước công chúng... Và thường là lúc ông đối mặt với những ý kiến “dớ dẩn”, “trái chiều”; trước những đối tượng mà ông cho là có cái gì đó rất “ khó coi”, “phản thẩm mĩ”...
Kể cũng lạ, vẫn là con người ấy thôi, trong đời thường nói năng ứng xử có vẻ “vụng về” sao trong văn chương lại sắc sảo, sâu lắng, tinh tế và tài hoa đến thế. Nhìn ở phương diện này, dường như người ta lại thấy trong Nguyễn Đăng Mạnh có nét uyên bác, tài hoa của Nguyễn Tuân; có tình cảm nồng nàn đắm say của Xuân Diệu; có giọng điệu mỉa mai bóng gió của Vũ Trọng Phụng; có thế giới nội cảm phức tạp, phong phú và sâu sắc của Nam Cao... Có lẽ vì thế mà rất nhiều bài viết của ông gần như là những sản phẩm “đồng sáng tạo”với các nhà văn mà ông yêu thích.
Trong phê bình văn học vẫn thường thấy hiện tượng này: người có ý rất hay nhưng văn viết không hay, hành văn khô cứng, ý tứ cứ trơ ra trên trang giấy; lại có người ý chẳng có gì mới, nhưng văn rất hay, biết cách diễn đạt độc đáo, khác lạ, lời văn mềm mại, uyển chuyển... Xin gọi vắn tắt hai hiện tượng ấy là có ýcó văn. Văn phê bình viết một cách sang trọng là những bài vừa có cả ý mới mẻ, vừa thấm đẫm chất văn. Rất ít người luôn thống hợp được hai yếu tố ấy trong tất cả các bài viết của mình. Nguyễn Đăng Mạnh là một trong số ít người viết văn phê bình một cách sang trọng. Đọc các bài viết của ông, người ta thấy có nhiều khám phá, khái quát mới mẻ, chính xác, thú vị và có sức thuyết phục về tư tưởng nghệ thuật, về phong cách nhà văn. Không ít những nhận xét, đánh giá về phong cách các nhà văn Việt Nam hiện đại đã in đậm dấu ấn Nguyễn Đăng Mạnh. Nói đến Nguyễn Tuân, người ta nhớ ngay đến khái quát của ông về cái ngông của một phong cách tài hoa, uyên bác: “ Nguyễn Tuân bước vào nghề văn như để chơi ngông với thiên hạ [...] Đúng là muốn chơi ngông thì phải có tài. Làm khác đời mà không tài, người ta gọi là cái gì gì đó chứ không gọi là ngông. Vì thế, nhân vật Nguyễn Tuân thuần một loại tài hoa tài tử, dù là nam hay nữ, già hay trẻ, dù làm nghề nghiệp gì,[...] Nguyễn Tuân mỗi khi cầm bút dường như lại tự đặt cho mình yêu cầu này: phải chứng tỏ cho được cái tài hoa, uyên bác hơn đời của mình. Ông có thói quen nhìn sự vật ở mặt mỹ thuật của nó, cố tìm cho ra ở đấy những gì nên hoạ, nên thơ."[3]
Nói đến Xuân Diệu, người ta nhớ ngay đến nhận xét của Nguyễn Đăng Mạnh về một nhà thơ luôn khát khao giao cảm với đời: "Con người ấy rất sợ cô độc và khát khao giao cảm với đời, coi đấy là niềm hạnh phúc tuyệt vời trên thế gian này. Nói Xuân Diệu là nhà thơ của tình yêu (tình yêu nam nữ) tất nhiên là đúng, nhưng có phần quá hạn hẹp, không khái quát được đầy đủ hồn thơ rộng mở của Xuân Diệu. Khái niệm giao cảm ôm trùm toàn vẹn hơn:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn.
                                                              (Vội vàng)
Ông muốn ôm tất cả cuộc sống này, riết lấy tất cả trong đôi tay hăm hở của mình. Và ông tha thiết được mọi người đến với mình: "Đây là quán tha hồ muôn khách đến" (Cảm xúc), ông mở rộng tâm hồn và chào mời tất cả và muốn lòng mình như phấn thông trên bãi biển bay vàng cả trời đất mênh mông, đem tình yêu đi khắp thế gian.”[4]  
Với nhiều ý tưởng mới mẻ, độc đáo, hàng loạt khái quát của ông đã bất tử hóa nhiều phong cách nhà văn Việt Nam. Vũ Trọng Phụng gắn liền với“Niềm căm uất không nguôi[5]; Nguyên Hồng sống mãi bởi “chủ nghĩa nhân đạo thống thiết[6]; Nam Cao được ghi nhận bởi vấn đề“Đôi mắt”- Có thể nói, vấn đề "đôi mắt"là đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa hiện thực của Nam Cao”[7]... Nguyễn Đăng Mạnh cũng là người đầu tiên chỉ ra và phân loại sự nghiệp sáng tác văn học phong phú và đa dạng của Nguyễn ái Quốc- Hồ Chí Minh theo những tiêu chí khoa học một cách sáng sủa, nhất quán và có sức thuyết phục cao[8]... Những phát hiện, nhận xét và khái quát của ông thường được dồn nén trong một vài bài viết không dài. Với nội dung đó, có người đã “pha loãng” ra thành cả một cuốn sách.
Bên cạnh các nhà văn nổi tiếng trước cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đăng Mạnh còn dựng chân dung nhiều nhà văn hiện đại sau này rất có hồn, chính xác và sống động. Qua ngòi bút của ông, Nguyên Ngọc được xem là“con người lãng mạn[9]; Nguyễn Khải có cả dại và khôn[10]; Chế Lan Viên, người luôn mang cái“ách nặng văn chương[11]cả đời; Tô Hoài luôn hóm hỉnh với quan niệm giản dị “con người là con người[12]; Nguyễn Đình Thi viết rất hay về đất nước,“nhưng đất nước này chỉ đẹp trong gian nan, vất vả, trong nhọc nhằn bất hạnh: anh yêu em như yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần[13]; Chính Hữu viết cứ như “hành quân trên những trang thơ[14].v.v...
Văn hay không chỉ ở những nhận xét, khái quát chính xác như vừa nêu mà còn thể hiện ở cách viết, cách diễn đạt. Văn phê bình của Nguyễn Đăng Mạnh hay bởi ông biết tạo ra những lời văn sắc sảo, cách nói giản dị mà đầy ấn tượng; lời văn có giọng điệu riêng như truyền được cả những thái độ, tư tưởng, tình cảm chân thực, xúc động của người viết tới bạn đọc. Khi viết về tiểu thuyết ở xã Trung Nghĩa của Nguyễn Thi, chỉ với 3 câu văn ngắn dài khác nhau, ông đã diễn tả được rất tài tình sự gấp gáp khẩn trương, cái không khí ngột ngạt, oi bức, dồn nén như muốn nổ tung lên tất cả - cái không khí ở xã Trung Nghĩa trước ngày đồng khởi :
"Cuốn tiểu thuyết bỏ dở ở chương thứ ba. Bóng tối còn dày đặc bầu trời Trung Nghĩa. Nhưng ngọn lửa vĩ đại của cách mạng đã được chuẩn bị, không phải ở đâu xa mà ngay trong cái tâm trạng u uất của anh Hai Rô, trong cái thế đứng dữ dội của ông Tư Trầm trước mặt thằng cảnh sát, trong cái giọng nói dẽ dàng mà đáo để của chị Năm Bưởi, trong lời ru con lửng lơ mà hàm ý đe doạ của chị Hai Khê đối với thằng đại diện "mai kia phượng đáo về đình”, trong những câu chuyện ba lơn có tính chất như một thứ tiếu lâm hiện đại của ông Ba Lung và cái hành vi ngang ngược cũng rất tiếu lâm của ông khuấy động giấc ngủ của vợ chồng Ba Sồi và cũng khuấy động luôn cả vào cái trật tự của chế độ Mĩ - nguỵ."[15]
Nguyễn Đăng Mạnh đặc biệt có tài trong việc dựng lại không khí của tác phẩm hoặc diễn tả cảm nhận chung, ấn tượng chung toát ra từ thế giới hình tượng của tác phẩm bằng một đoạn văn ngắn. Đây là đoạn ông diễn tả chất thơ rất khỏe từ đoạn văn kể chuyện mẹ La vượt ngục trong tiểu thuyết Cửa biển của Nguyên Hồng:"... một đoạn thơ ca ngợi ánh sáng và sự sống. Nhưng nào phải ánh bình minh với những ngón tay hồng hay vầng trăng như liềm vàng đĩa bạc! Đây chỉ là một ngọn đèn dầu tù mù như chút linh hồn hấp hối trong cái bệnh xá khủng khiếp của nhà tù Hà Giang. Chao ôi! Cái ngọn đèn nhập nhoè, đùng đục ấy bỗng được vặn sáng lên vào một thời khắc nào đó, của những đêm đông dằng dặc nơi núi rừng, thì có khác nào ánh hào quang lung linh nơi toà sen bão tháp đối với những người tù khổ sai đang tưởng mình bị vùi sâu dưới đáy cùng của âm ti địa ngục! Cái ánh sáng ấy lọc qua sương đêm buốt lạnh, lọt vào khe cửa nhà giam, đã thức tỉnh mẹ La từ cõi chết, làm sống lại trong tâm hồn người tù khổ sai này những kỷ niệm đầy chất thơ của tình mẹ con, tình chồng vợ, tình quê hương, làng xóm và đã làm bùng cháy trong trái tim người đàn bà vô cùng oan khổ này ngọn lửa căm thù mãnh liệt quyết chống lại số mệnh, chống lại bóng tối đầy tử khí của tiếng kẻng tù, trong nhạc điệu hoang dại của gió rừng thác núi hoà với tiếng rên rỉ của tù nhân và tiếng xích xiềng loảng xoảng"[16].
Rõ ràng viết được như thế không phải chỉ nhờ những kiến thức lí luận, phê bình uyên bác mà trước hết phải có năng khiếu của một nhà văn, một sáng tạo“ngang ngửa”với Nguyên Hồng. Trong đoạn văn trên, thế giới hình tượng của nhà văn“được soi rọi qua hoạt động tư duy tổng hợp và tâm hồn của nhà phê bình và vì thế trở nên tập trung hơn, tổng hợp hơn, ngắn gọn hơn và nổi bật hơn”[17].
So sánh là một thủ pháp luôn được Nguyễn Đăng Mạnh vận dụng một cách đắc địa, sáng tạo để tạo nên chất văn cho ngòi bút. Nhiều bài viết của ông vấn đề đang bàn luận được sáng tỏ và sâu sắc nhờ so sánh. Chẳng hạn khi ông so sánh để thấy những khám phá, phát hiện khác nhau về nỗi khổ của người nông dân trước cách mạng tháng Tám giữa Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan và Nam Cao. “Khi Tắt đèn của Ngô Tất Tố và Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan ra đời, tôi chắc ít ai nghĩ rằng thân phận người nông dân dưới ách đế quốc phong kiến lại có thể có một nỗi khổ nào hơn những nỗi khổ của chị Dậu, anh Pha. Nhưng khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta liền nhận ra rằng, đây mới là hiện thân đầy đủ những gì gọi là khốn khổ, tủi nhục nhất của người dân cùng ở một nước thuộc địa: bị giày đạp, bị cào xé, bị huỷ loại từ nhân tính đến nhân hình. Chị Dậu bán chó, bán con, bán sữa.. nhưng chị còn được gọi là người. Chí Phèo phải bán cả diện mạo và linh hồn của mình đi để trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại”[18]
Trong rất nhiều trường hợp Nguyễn Đăng Mạnh thường kết luận bằng một câu hỏi, khêu gợi sự suy nghĩ cho độc giả :"Quang Dũng bây giờ anh đang ở đâu? Hồn thi nhân đang lang thang nơi đâu? Hẳn anh đang du ngoạn thảnh thơi giữa trời mây non nước xứ Đoài yêu dấu của anh. Bởi vì xưa kia anh từng ao ước như thế:
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khuắt thổi đêm trăng..."[19]
Đọc văn phê bình của Nguyễn Đăng Mạnh, người đọc vừa thích thú với những ý tưởng mới, những khám phá phát hiện tinh tế, sâu sắc; lại vừa được thưởng thức giọng điệu rất riêng do ông tạo ra. Giọng điệu ấy có nhiều cung bậc khác nhau, khi thì buồn rầu, xúc động; khi thì trầm lắng, xót xa; khi trang trọng, đĩnh đạc; lúc lại sôi nổi, khỏe khoắn... Nhưng có lẽ nổi bật hơn cả là giọng mỉa mai bóng gió. Đọc lên cứ như ông đang có ý định “cà khịa” với ai đó, có khi với chính mình. Chẳng hạn khi ông viết về Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân:
“...thử nghĩ mà xem, con người không biết sợ cái gì trên đời này cả, liệu có phải là con người không? Cái gì cũng “vô uý”, cũng tỏ thái độ sắt thép, nghĩa là không biết mềm lòng trước bất cứ một cái gì, đấy là loại quỷ sứ chứ đâu phải là người! Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân dạy cho người ta hiểu rằng, muốn nên người, phải biết kính sợ ba điều này: Cái tài, cái đẹp và cái thiên tính tốt của con người (thiên lương). Vậy kẻ nào không biết sợ cái gì hết, đó là loài quỷ sứ. Loại người này, thực ra rất hiếm hoi, hay nói đúng hơn, không thể có được. Nhưng loại người sau đây thì chắc không ít: sợ rất nhiều thứ, nhất là quyền thế và đồng tiền, nhưng đối với cái tài, cái đẹp, cái thiên lương thì lại không biết sợ, thậm chí sẵn sàng lăng mạ, giầy xéo. Đấy là hạng người hèn hạ nhất, thô bỉ nhất, đồi bại nhất”[20].
 
 
 
3
Trước khi quen nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh, tôi đã từng nghe chuyện này như một giai thoại trong giáo giới: Có lần một số anh chị lớp cao học sư phạm kéo đến hỏi GS. Mạnh, kinh nghiệm làm thế nào để dạy văn cho hay. Ông trả lời: tốt nhất là không nên học môn phương pháp giảng dạy văn (Giáo học pháp). Tất cả đều ngơ ngác, rồi tất cả cùng bật cười.       
Tất nhiên tôi hiểu đó chỉ là "một chuyện đùa nho nhỏ”. Ấy thế mà sau này, có người vẫn nói với tôi một cách nghiêm túc: "không, ông ấy nói thật đấy". Tôi đã nhắc lại chuyện này trong một đêm khó ngủ bên bờ biển Qui Nhơn. Ông cười và bảo: "Mình có nói thế thật, nhưng chỉ là đùa cho vui. Cánh sư phạm nhiều khi"nghiêm túc"và khắt khe quá". Lẽ ra chỉ thế, bỗng nhiên ông lại thêm: Nhưng công bằng mà nói, trong thực tế cũng đúng là có phương pháp dạy văn, học văn, phương pháp nghiên cứu, phê bình văn đáng vất đi thật. Chứ còn phương pháp đích thực, đúng đắn thì đến việc bắt dế của trẻ con cũng cần có phương pháp, huống chi là việc học văn, dạy văn, nghiên cứu phê bình văn. Đấy, cậu xem, chính mình là người đã viết cuốn "Mấy vấn đề phương pháp tìm hiểu, phân tích thơ chủ tịch Hồ Chí Minh", hàng loạt bài hướng dẫn phân tích các tác phẩm trong nhà trường và cả cuốn "Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn" nữa. Đấy chẳng phải phương pháp là gì ?
Lần giở cuốn Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, tôi hiểu, đây là chiếc chìa khoá mà ông đã dùng suốt mấy chục năm qua để mở cánh cửa đi vào thế giới tâm hồn vô cùng phong phú, phức tạp, đầy bí ẩn và thú vị của mỗi nhà văn.
Cuốn sách tập trung trả lời câu hỏi: Làm thế nào để nghiên cứu nhà văn một cách chính xác ? Có nghĩa là, tác giả muốn vạch ra một "Con đường ...", đề xuất một phương pháp nghiên cứu nhà văn. Chính vì thế có thể gọi cuốn sách này bằng một cái tên khác "Dẫn luận nghiên cứu tác giả văn học".
Toàn bộ lí thuyết nghiên cứu tác giả văn học của Nguyễn Đăng Mạnh đều nhằm vào cái đích: làm thế nào để chỉ ra được chính xác tư tưởng nghệ thuật của một nhà văn. Tư tưởng nghệ thuật (idée poétique) là cái đinh để ông treo toàn bộ “chiếc áo khoác” trên đó. Mọi sự hình thành, phát triển hệ thống lí thuyết, phương pháp nghiên cứu tác giả văn học đều bắt đầu từ điểm chốt ấy. Ba chương sách của phần lí thuyết được triển khai một cách chặt chẽ, có hệ thống, xung quanh khái niệm cơ bản này. Từ việc xác định Thế nào là tư tưởng nghệ thuật đến Những căn cứ để tìm hiểu tư tưởng nghệ thuật (chương I). Từ việc phân tích ý nghĩa tư tưởng rút ra từ hệ thống hình tượng "ám ảnh" trong thế giới nghệ thuật của nhà văn đến việc rút ra Những qui luật nội tại của thế giới nghệ thuật và việc đưa ra Giả thuyết về nguồn gốc tư tưởng nghệ thuật của nhà văn (chương II).
Giải quyết những vấn đề khái quát, phức tạp và then chốt ở trên, tác giả không rơi vào tình trạng áp đặt một cách cứng nhắc, máy móc, hay cực đoan, siêu hình. Ông dành hẳn chương III để xem xét Sự vận động, biến đổi, phát triển của tư tưởng nghệ thuật và qúa trình sáng tác của nhà văn. Ông cũng chỉ ra những Tác động của hoàn cảnh khách quan tới sự vận động của tư tưởng nghệ thuật và cho rằng Con đường nghệ thuật hay là quá trình tự tìm mình của người cầm bút. Ta là ai ? Ta vì ai ?
Xuất phát từ quan niệm "Phương pháp là lí thuyết về đối tượng nghiên cứu", bản lĩnh của người nghiên cứu văn học là luôn luôn xác định đúng và bám sát đối tượng văn chương mà vận dụng hoặc đề xuất lí thuyết nghiên cứu văn học của mình. Có thể nói, toàn bộ chuyên luận "Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn" đã được triển khai theo tinh thần đó.
Sự chặt chẽ, biện chứng của công trình này không chỉ thể hiện ở tính logic giữa các phần, các chương, mà còn biểu hiện ngay trong việc trình bày, lí giải nội dung trong từng mục đề. Ví như: khi xác định những căn cứ để khảo sát và tìm hiểu tư tưởng nghệ thuật của nhà văn, ông cho rằng "hình tượng nghệ thuật là căn cứ duy nhất để nhà nghiên cứu có thể "tóm bắt" được tư tưởng nghệ thuật của ông ta. Nhưng ngay sau đó, ông lưu ý rằng cần phải thu thập và tìm hiểu càng nhiều càng tốt những cứ liệu ngoài văn chương của nhà văn như tiểu sử, đời tư... Mặt khác, ông cũng lưu ý người nghiên cứu phải căn cứ vào những hình tượng được đẻ ra từ máu thịt, tâm hồn của nhà văn. Bởi vì có những hình tượng giả, những hình tượng "chỉ là sản phẩm của lí trí khô khan, minh hoạ cho khái niệm chính trị, xã hội hay đạo đức nào đó mà thôi". Đối với hình tượng như thế "nhà nghiên cứu sẽ chỉ mất công, vô ích khi muốn đi tìm tư tưởng nghệ thuật đích thực của người cầm bút". Nhiều người vội vã, chỉ căn cứ vào một câu hay một ý nhỏ nào đó, không hề chú ý đến cả toàn bộ lập luận của ông, thế là tha hồ phê phán, vặn vẹo...
Ai cũng biết, khi đánh giá trình độ phát triển một xã hội nào đó, Các-Mác cho rằng, không nên căn cứ vào sản phẩm mà phải căn cứ vào công cụ và cách thức làm ra sản phẩm ấy. Đánh giá trình độ phát triển của một nền lí luận phê bình cũng vậy, hãy nhìn vào công cụ và cách thức tạo nên những"sản phẩm" lí luận phê bình. Thực tế nền lí luận, phê bình ở ta cho thấy, hệ thống công cụ và phương pháp nghiên cứu một phần được tạo nên bởi kinh nghiệm cá nhân của một số cây bút có uy tín, phần nữa chủ yếu là "hàng nhập ngoại". Tức là tiếp thu từ những nguồn tài liệu nước ngoài để biên soạn, biên khảo, dịch thuật ..., hoặc dựa vào một lí thuyết, một chủ nghĩa hay một trường phái học thuật nào đó để ứng dụng vào việc nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam. ít có những công trình vừa xuất phát từ thực tế nghiên cứu của bản thân mình, vừa tiếp cận được những thành tựu lí luận phê bình thế giới, lựa chọn, soi sáng cho những kinh nghiệm cá nhân. Từ đó mà tổng kết và khái quát thành lí thuyết riêng, học thuyết riêng của bản thân mình một cách có hệ thống và có sức thuyết phục. Không ít người đến cuối cuộc đời nghiên cứu, viết lách của mình sẽ rất lúng túng khi đối mặt với câu hỏi: Mình nghiên cứu lí luận, phê bình văn học theo lí thuyết nào ? Lý thuyết ấy có phải là chỗ dựa đáng tin cậy và có tạo được sự nhất quán trong suốt cuộc đời nghiên cứu của mình không ? Sẽ càng nghiệt ngã hơn khi phải tính sổ với chính mình, khi cộng, trừ, nhân, chia, vốn người, vốn ta, để rồi dám mạnh dạn công bố với đời: Đây là lí thuyết của riêng mình.
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ tới nhận xét của một nhà lí luận phê bình, khi anh cho rằng: Nền học thuật của ta nặng về tính truyền bá - ứng dụng hơn là khai sáng - phát kiến. Nhận xét ấy là xác đáng. Đó là chưa kể tình trạng làm lí luận, phê bình tự phát. Ở đó, người viết không cần tới lí luận, lí thuyết gì cả, không cần học hành bài bản gì cũng có thể viết được lí luận phê bình. Dường như lí luận phê bình là chỗ ai cũng có thể phát biểu được. Nhiều khi, những người tranh luận không cùng xuất phát từ một mặt bằng nghiên cứu với những chuẩn hoá về tri thức lí luận, phê bình. Thêm vào đó là cách nhìn, động cơ và mục đích rất khác nhau của người cầm bút đã tạo nên khá nhiều tình trạng "ông nói gà, bà nói vịt" và các cuộc tranh luận không ngã ngũ, ít có lợi cho sự phát triển của học thuật.
Trong bối cảnh trên, cuốn "Con đường ..." của Nguyễn Đăng Mạnh thực sự là đóng góp có ý nghĩa, nhằm góp phần chuẩn hoá việc nghiên cứu lí luận, phê bình văn học nước nhà.
Nguyễn Đăng Mạnh công bố công trình Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn như là một lí thuyết nghiên cứu tác giả văn học của riêng mình. Lí thuyết ấy cho rằng: Nghiên cứu tác giả văn học là nghiên cứu một đối tượng rất đặc biệt. Vì thế người nghiên cứu vừa phải có một phương pháp luận khoa học, đồng thời và "bao giờ cũng phải vượt qua những khâu "phi phương pháp luận". Đó là năng lực cảm thụ thẩm mĩ và những phán đoán trực giác. Không có năng lực ấy, theo ông "mọi phương pháp luận tốt nhất cũng trở thành vô ích". Đi sâu vào lí thuyết ấy, dĩ nhiên, người ta thấy còn có điểm này, điểm nọ, không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng có thể khẳng định được giá trị của công trình này ở một số điểm sau đây:
Thứ nhất: Tính thuyết phục. Tính thuyết phục của chuyên luận này được tạo bởi hệ thống các luận điểm sáng sủa, chặt chẽ, có căn cứ xác đáng, cộng với hàng loạt bài nghiên cứu tác giả văn học rất phong phú, minh hoạ một cách sáng tỏ cho lí thuyết ấy. Nói đúng hơn là lí thuyết ấy được khái quát lên từ thực tế nghiên cứu văn học của chính tác giả trong suốt mấy chục năm qua.
Thứ hai: Tính nhất quán. Tác giả khởi thảo lí thuyết này từ 1968, hoàn thành 1991. Tính cho đến bây giờ (2009) là hơn bốn mươi năm, ông đã ứng dụng một cách triệt để lí thuyết ấy vào việc nghiên cứu văn học của mình. Đọc nó, người ta thấy có sự nhất quán, giữa lí thuyết và thực hành ứng dụng, giữa việc nghiên cứu nhà văn này với nhà văn khác và đặc biệt là sự nhất quán trong suốt chặng đường nghiên cứu mấy chục năm qua của chính ông. Sự bền bỉ và thuỷ chung với "Con đường..." và phương pháp nghiên cứu của tác giả là bài học hết sức có ý nghĩa đối với những ngòi bút cơ hội, dễ thay đổi trước sau "tiền hậu bất nhất". Nó thể hiện bản lĩnh của người cầm bút.
Thứ ba: Tính hiệu quả. Nghiên cứu một tác giả văn học là gì ? Nếu không phải cuối cùng để chỉ ra được phong cách độc đáo, riêng biệt, cũng như là những đóng góp của nhà văn đó đối với lịch sử văn học. Xét từ phương diện này, lí thuyết nghiên cứu tác giả văn học của Nguyễn Đăng Mạnh đã tạo ra được nhiều kết quả đáng trân trọng. Lí thuyết ấy đã giúp ông "có khả năng nhận ra được cái thần của mỗi nhà văn" như cố thi sĩ Hồ DZếnh đã nói. Và quả là khi nghiên cứu, phê bình một tác giả nào đó, chỉ cần một vài từ ngữ rất độc đáo, ông đã gọi ra và định danh được cái "thần" của nhà văn ấy.
Thứ tư: Chất văn của ngòi bút phê bình. Điểm này xin mượn lời của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến, khi ông nhận xét về công trình này: "Sự xuất sắc của tập Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn là ở chỗ, đọc xong người ta yêu văn học, người ta cảm thấy văn học Việt Nam hiện đại là một nền văn học phong phú, không thiếu những tài năng độc đáo và cá tính sáng tạo (...). Tái hiện lại thế giới nghệ thuật của họ, Nguyễn Đăng Mạnh đã viết những trang văn hay, những trang thực sự là văn chương, chứng tỏ rằng người viết cũng là một tài năng văn học".
Tất cả những điều nói trên tạo nên giá trị đáng trân trọng của cuốn sách. Nhưng có lẽ điều đáng trân trọng hơn là ở tấm lòng và mục đích của người viết ra nó. Trong cuộc đời, thông thường người ta chỉ công bố sản phẩm, còn cách làm ra sản phẩm thì luôn được coi là "bí quyết" (nhất là những lao động đặc biệt). Rượu làng Vân ai thích uống có ngay, nhưng cách nấu thứ rượu ấy thì mấy ai được biết. Thưởng thức một bài phê bình văn học hay cũng như được uống rượu làng Vân vậy. Nguyễn Đăng Mạnh không những đã cho bạn đọc xa, gần uống thứ rượu ngon này mà ông còn chỉ cho họ cả cách nấu rượu nữa. Ngẫm trong những người cùng giới, đã đành là không phải ai cũng có, nhưng ngay cả người có"bí quyết" riêng, mấy ai được hào phóng như ông. Âu đó cũng là cái Tâm của người nghiên cứu vậy.
*
Nhà giáo nhân dân- Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh năm nay đã bước vào tuổi 80. Hơn 50 năm gắn bó với nghề dạy học, việc ông tham gia viết sách giáo khoa môn Văn là chuyện bình thường. Nhiều người đều biết trong chương trình và sách giáo khoa Văn học giai đoạn cải cách giáo dục (1980-1992) ông làm chủ biên sách văn học 11 và 12. Với quan niệm“giờ văn phải thực sự là giờ văn”, ông là người có công đưa nhiều tác phẩm theo đúng nghĩa văn chương hình tượng vào sách giáo khoa Văn học. Các thế hệ giáo viên và học sinh trong nhà trường phổ thông cũng như đại học khoảng ba- bốn mươi năm nay không thể không biết đến cái tên Nguyễn Đăng Mạnh. Nhiều người chịu ảnh hưởng rất lớn ở ông. Với uy tín và kinh nghiệm chuyên môn cao như thế, việc mời ông tham gia viết sách Ngữ văn THPT trong lần đổi mới (sau năm 2000) này là chuyện bình thường. Có lạ chăng là việc ông từ chối, không tham gia viết lách gì nữa.
Đó là vào năm 2002 khi Bộ GD&ĐT bắt đầu triển khai biên soạn lại SGK Ngữ văn THPT, ban đầu chủ trương chỉ có một bộ, trong danh sách tác giả, người ta nhắc ngay đến Nguyễn Đăng Mạnh. Khi mời, ai cũng nghĩ là ông sẽ tham gia, nhưng không ngờ ông từ chối một cách quyết liệt. Cả nhà ông từ chối, nhất là vợ ông. Lí do bà đưa ra để từ chối thay ông là: đã về hưu, già rồi, mệt mỏi, chẳng được gì, chỉ tổ cho thiên hạ họ đem ra phê phán, thậm chí còn xuyên tạc, bôi nhọ trên báo chí...
Là người được giao đến để thuyết phục ông tham gia, tôi thật sự lúng túng. Tôi cứ nghĩ thầy không nhận lời thì rất thiệt cho giáo viên và học sinh. Nhưng thuyết phục bằng cách nào đây? Bảo là viết SGK để cho sang thì với ông sang cái nỗi gì! Mà ông cũng đã viết SGK nhiều rồi. Bảo là để có tiền, thì tiền có đáng là bao! (lúc đó NXB đang trả cho các tác giả 300.000đồng /1tiết, lớp 10 ông chỉ viết bài Khái quát văn học Việt Nam (2 tiết), vị chi ông được 600.000 đồng). Bảo để có tên tuổi, thì tên tuổi ông đã nổi trước đó rồi! Mà nổi không phải vì mấy cuốn SGK văn... Nghĩ mãi, tôi bèn nói nhỏ với ông: lần này có nhiều anh em trẻ viết sách giáo khoa, thầy tham gia vừa giúp đỡ họ, vừa đi đây đi đó cho thay đổi không khí ( chẳng là NXB thường tổ chức các trại viết sách ở một số địa phương để các tác giả có thời gian tập trung làm việc). Vừa nghe nói "lớp trẻ" và "đi đây đi đó", ông thay đổi ngay thái độ, dường như xuôi xuôi... Cuối cùng ông đồng ý. Tôi cũng không biết ông thuyết phục vợ bằng cách nào nữa. Chỉ biết là sau đó ông tham gia làm đồng chủ biên bộ sách Ngữ văn THPT ( bộ nâng cao) một cách rất nhiệt tình, nghiêm túc.
Chuyện vừa kể không có gì lớn, nhưng nói được rất đúng về một nét chân dung Nguyễn Đăng Mạnh. Ông là người sợ sự tẻ nhạt, nhàm chán, cô đơn; thích thú lang thang, giao du, vui vẻ... Ông thích gần lớp trẻ, hoà đồng với lớp trẻ, thích sự trẻ trung... Thể xác ông có thể già đi vì năm tháng, nhưng tâm hồn và văn chương ông cho đến tuổi tám mươi này, tôi thấy vẫn còn rất trẻ.
Nguyễn Đăng Mạnh được phong danh hiệu Giáo sư và Nhà giáo nhân dân khá sớm. Nhưng về chức vụ, ông chẳng được giữ chức gì đáng chức cả. Có lần ông nói với tôi: chức to nhất trong đời mình là tổ trưởng...
Một người như thế, sống và viết như thế, tôi cho là sướng.
                                                                                   
 
 
 



[1]   Nguyễn Đăng Mạnh- Nhà văn Việt Nam hiện đại: Chân dung và phong cách - nxb Trẻ- 2000
[2] Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng - từ Nguyễn Đăng Mạnh tuyển tập - tập 2- NXB GD 2006
[3] Nguyễn Tuân- từ Nguyễn Đăng Mạnh- Tuyển tập, tập 1, NXB GD, 2006
[4] Xuân Diệu- Tư tưởng và phong cách một nhà thơ lớn- từ Nguyễn Đăng Mạnh- Tuyển tập, tập 2 ( sđd)
[5] Vũ Trọng Phụng và niềm căm uất không nguôi- từ Con đường đi vào thế giới nghệ thuật...NXB GD, 1994
[6] THƯƠNG TIẾC NHÀ VĂN NGUYÊN HỒNG- TỪ CON ĐƯỜNG ĐI VÀO THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT... (SĐD)
[7] Nhớ Nam Cao và những bài học của ông- từ Con đường đi vào thế giới nghệ thuật... (sđd)
[8] Một sự nghiệp lớn, phong phú, đa dạng- từ Nguyễn Đăng Mạnh- Tuyển tập, tập 1 (sđd)
[9] Nguyên Ngọc- Con người lãng mạn-Từ Nhà văn VN hiện đại chân dung và phong cách (sđd)
[10] Dại khôn Nguyễn Khải- Từ Nhà văn VN hiện đại chân dung và phong cách (sđd)
[11] Chế Lan Viên và cái ách nặng văn chương- từ Nguyễn Đăng Mạnh- Tuyển tập, tập 2 ( sđd)
[12] Tô Hoài với quan niệm: con người là con người- Từ Nhà văn VN hiện đại chân dung và phong cách (sđd)
[13] Nguyễn Đình Thi như tôi biết- Từ Nhà văn VN hiện đại chân dung và phong cách (sđd)
[14] Chính Hữu hành quân trên những trang thơ - Từ Nhà văn VN hiện đại chân dung và phong cách (sđd)
[15] Sức sống của ngòi bút Nguyễn Thi- Từ Nhà văn tư tưởng và phong cách - NXB ĐHQG HN, 2001
[16] Nhà văn, tư tưởng và phong cách ( sđd)
[17] Kinh nghiệm viết một bài phê bình văn học- từ Nguyễn Đăng Mạnh- Tuyển tập, tập 2 ( sđd)
[18] Nhớ Nam Cao, suy nghĩ về bài học của ông ( sđd)
[19] Quang Dũng, người và thơ- Từ Nhà văn VN hiện đại chân dung và phong cách (sđd)
[20] Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn( sđd)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512741

Hôm nay

2278

Hôm qua

2400

Tuần này

2678

Tháng này

219614

Tháng qua

121356

Tất cả

114512741