Những góc nhìn Văn hoá

Những bước đột phá của sân khấu Kịch hát Nghệ Tĩnh

Một đoạn trong vở kịch " Hừng Đông" do các diễn viên Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An thể hiện.

Kịch hát Nghệ Tĩnh ra đời là sự chuyển hóa quan trọng từ loại hình ca hát dân gian sang loại hình ca kịch sân khấu. Ngay từ lúc ra đời, Kịch hát Nghệ Tĩnh chưa thể trở thành một loại hình sân khấu hoàn thiện mà còn phải trải qua một quá trình dài vừa làm nhiệm vụ thể nghiệm sân khấu, vừa làm nhiệm vụ nghiên cứu, phổ biến và quảng bá dân ca. Đến nay, qua một chặng đường dài hơn 60 năm nghiên cứu thử nghiệm, sân khấu Kịch hát Nghệ Tĩnh đã đạt được những thành công nhất định. Đến nay, quá trình thử nghiệm sân khấu hóa dân ca đã hoàn tất chưa? Sân khấu kịch hát đã thực sự trở thành một bộ môn sân khấu hoàn chỉnh trong làng sân khấu Việt Nam hay chưa? Đó là câu hỏi mà mỗi chúng ta thông qua những vở diễn đạt HCV, HCB tại các Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp sẽ tự có câu trả lời riêng cho mình. Tuy nhiên, trong bài viết này không đề cập đến thành tựu và giá trị bảo tồn dân ca Nghệ Tĩnh trên sân khấu mà chỉ đề cập đến những bước đột phá trong việc lựa chọn đề tài cho các vở diễn của Nhà hát Dân ca Nghệ An (Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An) từ lúc thử nghiệm đến nay.

Đề tài kịch bản chính là khâu đầu tiên, có giá trị nền móng cho một vở diễn. Lúc đầu, khi còn ở giai đoạn định hình sân khấu và rút kinh nghiệm, Nhà hát có xu hướng sử dụng các đề tài dân gian, lịch sử, dã sử được lấy cảm hứng từ những nhân vật có công lao, có ảnh hưởng lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước như Mai Thúc Loan, Trần Thủ Độ, Quang Trung Nguyễn Huệ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Nguyễn Xí, Trần Thánh Tông... Với tinh thần Xô Việt Nghệ Tĩnh, như những bản hùng ca gắn với những mốc son chói lọi, hào hùng của dân tộc, những vở diễn xoay quanh hình tượng nhân vật lịch sử đã phản ánh những chặng đường lịch sử vĩ đại của dân tộc nhằm truyền tải những thông điệp nhân văn về tình cảm gia đình, tình đồng đội đồng chí, lòng yêu thương con người, tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, giáo dục cho thế hệ sau hiểu biết hơn về thế hệ ông cha, qua đó góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tiêu biểu là các vở diễn: “Chuyện tình ông vua trẻ”, “Phan Bội Châu”, “Dòng lệ Tố Như”, “Danh nhân lớn lên từ câu Hò Ví Giặm”, “Cô gái Sông Lam”, “Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí”...

Vở diễn " Vụ án Am Bụt mọc" là một trong những tác phẩm do Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An thực hiện đã gây được nhiều ấn tượng trong công chúng và giới sân khấu cả nước.

Sau khi thể nghiệm thành công hàng loạt vở diễn và có chỗ đứng nhất định, sân khấu Kịch hát Nghệ Tĩnh đã mạnh dạn dồn tâm sức thể hiện thêm nhiều vở mang đề tài hiện đại có tính chính luận. Hàng chục vở diễn bề thế, chững chạc, nghiêm túc, đạt chất lượng tốt về tư tưởng và nghệ thuật đã nối tiếp nhau ra đời. Trong đó, có nhiều vở đã được dư luận công chúng và giới Sân khấu cả nước đánh giá như những công trình nghệ thuật, liên tiếp nhận được những giải cao trong các kỳ Liên hoan, Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và khu vực như: “Người thi hành án tử”, “Đường đua trong bóng tối”, “Thầy và trò”, “Nước mắt đứa con út”, “Góc khuất đời người”, “Sóng dậy một vùng quê”, “Vụ án Am Bụt Mọc”, “Món hàng tội lỗi”... Không đứng ngoài cuộc chiến chống tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, hầu hết các vở diễn đều đi thẳng vào những vấn đề thời sự nóng bỏng; phê phán trực diện thói hư tật xấu, tiêu cực, lãng phí làm khuấy động dư luận, mở ra không khí đối thoại, tư tưởng và nhận thức trên sân khấu. Đó cũng chính là sứ mệnh của văn nghệ sĩ với tư cách là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, nhằm định hướng, nâng đỡ con người hướng tới chân - thiện - mỹ.

Cho dù là theo xu hướng đề tài nào, lịch sử hay hiện đại thì các vở diễn cũng đều hướng tới mục tiêu bồi dưỡng nhân cách con người. Rất nhiều vở như “Soi vào quá khứ”, “Giá đời phải trả”, “Hận thù từ đâu tới”, “Nước mắt đứa con út”, “Quyền uy và tội ác”... là những vở diễn mà lúc ra đời đều gây chấn động trong dư luận công chúng bởi cách nói thẳng, nói thật. Và cái đích hướng tới không chỉ dừng ở việc phản ánh hiện thực mà qua phản ánh hiện thực, tác giả đều gửi những thông điệp về tư tưởng, những chuẩn mực về tình cảm, thẩm mỹ đối với con người và xã hội. Sắp tới đây sân khấu Kịch hát Nghệ Tĩnh sẽ “trình làng” thêm một tác phẩm chất lượng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc vào năm 2022 đó là “Vầng sáng của trái tim”(tác giả Nguyễn Thị Nguyệt). Một vở diễn không phải xem xong là hết, mà hơn cả là còn lại những dư âm, những trăn trở, day dứt của khán giả về việc đấu tranh không khoan nhượng với những thói hư, tật xấu, từ đó nhằm bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người. Song hành với đó là một thái độ làm sân khấu nghiêm túc, cẩn trọng, vì nghệ thuật. Đây là sứ mệnh cao quý, đồng thời cũng là trọng trách nặng nề của văn nghệ sĩ.

Nhìn lại chặng đường hơn 60 năm tồn tại và phát triển, sân khấu Kịch hát Nghệ Tĩnh đã không ngừng xoay chuyển, tự đổi mới bản thân mình bằng cách thử nghiệm qua nhiều dạng đề tài và xu hướng nghệ thuật khác nhau. Từ đó tạo được cho mình một chỗ đứng vững chắc trong làng sân khấu Việt Nam, xây dựng được nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức và phong cách thể hiện, được độc giả nhiệt tình đón nhận, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Tuy rằng, với loại hình sân khấu thông thường, dựng một vở diễn mang tính hiện thực đạt chất lượng đã khó, nhưng vừa thực hiện sứ mệnh phản ánh hiện thực, vừa giữ được những chất trữ tình mượt mà, truyền cảm của dân ca Nghệ Tĩnh trong từng vở diễn lại càng khó hơn. Vậy nhưng, qua những vở diễn được công nhận trong các Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, chúng ta có thể khẳng định rằng sân khấu Kịch hát Nghệ Tĩnh hoàn toàn có khả năng thể hiện tốt các vở lớn đủ mọi thể loại đề tài từ dân gian, lịch sử đến hiện đại, cho dù là chính kịch, bi kịch, bi hài kịch hay là là chính sử, dã sử, huyền thoại…thì sân khấu Kịch hát Nghệ Tĩnh đều có thể đảm đương được hết.

Dẫu có nhiều thành công về nghệ thuật đã được ghi nhận, song vấn đề kịch bản sân khấu vẫn còn nhiều lỗ hổng, bởi vì kịch bản viết riêng cho sân khấu Kịch hát Nghệ Tĩnh hầu như là chưa có, kịch bản viết về đề tài xứ Nghệ hôm nay cũng cực kỳ hiếm. Lâu nay các vở diễn lớn tham gia Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp đều là kịch bản chuyển thể từ kịch bản văn học hoặc viết riêng cho ca kịch. Gần đây Nhà hát Dân ca Nghệ An có dựng một số vở diễn viết về xứ Nghệ lấy bối cảnh chiến tranh như “Khoảng trời con gái”(Nguyễn Sỹ Đại) và “Hoa lửa Truông Bồn” (Nguyễn Thế Kỷ) nhưng cũng là chuyển thể từ kịch bản văn học. Nguyên nhân một phần do đặc trưng của dân ca Nghệ Tĩnh, chất trữ tình đằm thắm, truyền cảm của dân ca đòi hỏi người viết vừa phải am hiểu sâu sắc về nó để tìm chọn những làn điệu đắt nhất cho những tình huống và chi tiết kịch, vừa nắm chắc những đặc điểm, tính chất của con người Nghệ Tĩnh để phản ánh câu chuyện một cách chân thực và sinh động nhất. Vì thế đang rất thiếu và cần lắm những kịch bản riêng đi sâu vào cuộc sống hiện đại mang dấu ấn xứ Nghệ.

Để hoàn thiện phong cách nghệ thuật và không bị mờ nhạt bởi nhiều loại hình nghệ thuật đa dạng khác, sân khấu Kịch hát Nghệ Tĩnh cần giữ được sắc thái văn hóa của địa phương, trước hết thể hiện qua các đề tài kịch bản sân khấu, viết về Nghệ Tĩnh lại được thể hiện bằng Ví, Giặm thì còn gì bằng. Cũng chính điều đó sẽ tạo sức sống cho sân khấu Kịch hát Nghệ Tĩnh, bởi một tác phẩm vừa mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, vừa mang tính cách tân hợp lý thì đều có sức sống mạnh mẽ trong lòng độc giả và có vị thế nhất định trong đời sống văn hóa nghệ thuật của cả nước. Hi vọng trong một thời gian không xa, chúng ta sẽ được thưởng thức nhiều hơn nữa những vở diễn kịch hát đặc sắc viết về xứ Nghệ.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513241

Hôm nay

227

Hôm qua

2315

Tuần này

21178

Tháng này

220114

Tháng qua

121356

Tất cả

114513241