Dẫu bao dâu bể, qua bao tháng năm nhưng con cháu họ Đinh Nho (Sơn Hòa) và nhân dân Sơn Hòa vẫn lưu giữ nhiều truyền thuyết, nhiều tác phẩm thi thư của danh nữ Phan Thị Viên, vợ thứ hai của quan Tả thị lang Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn.
Dẫu bao dâu bể, qua bao tháng năm nhưng con cháu họ Đinh Nho (Sơn Hòa) và nhân dân Sơn Hòa vẫn lưu giữ nhiều truyền thuyết, nhiều tác phẩm thi thư của danh nữ Phan Thị Viên, vợ thứ hai của quan Tả thị lang Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn.
Câu chuyện bà nên duyên với quan Tả thị lang Đinh Nho Hoàn thấm đượm tính nhân văn sâu sắc của người xưa "ăn mận trả đào", "trồng nhân được nghĩa". Chuyện rằng: Ngày xửa, ngày xưa đời Cảnh Trị (nhà Lê) Tiến sỹ Đinh Nho Công (1637 - 1695) khâm mạng triều đình làm giám sát Ngự sử ở bản trấn (Châu Hoan). Năm ấy trời bị hạn lớn, Ngự sử Châu Hoan đi đốc thị bản hạt chánh sứ, tra hỏi ngục tù xem có ai bị oan sai không? Trong lao, ngài đã phát hiện ra có quan Thủ bộ họ Phan bị giam giữ lâu ngày dù cho quan tỉnh xếp vào hạng tù bất khả tha thứ nhưng thực ra đó là một sự oan khiên. Ngài xét hỏi cặn kẻ và ra lệnh tha bổng. Ra tù, quan thủ bộ họ Phan đem hết của cải còn lại trong nhà ra hậu tạ, ông không những chối từ mà còn dung nạp Phan thủ bộ làm người hầu trong nha môn khi được vinh thăng chức Thiêm đô. Chuyện Ngự sử Đinh Nho Công liêm năng xét tù chuẩn xác, vàng bạc hậu tạ không màng, cưu mang người sa cơ lỡ vận nức tiếng gần xa.
Vừa được tha tù, vừa được ân hưởng sự chăm sóc của Đinh Nho Công, Phan Thủ bộ vô cùng cảm kích. Chẳng may bị bệnh trọng, Phan Thủ bộ nắm tay vợ và cô con gái vừa lên 3 tuổi dặn dò:
- Ta đội ơn quan Thiêm đô họ Đinh minh oanh như được sống lại. Ơn ấy bể rộng, trời cao chưa biết khi nào trả được. Nghĩ con là con gái giúp ta tạ ơn Ngài được việc gì thì gắng gỏi.
Nói xong, Phan Thủ bộ tắt thở.
Gặp buổi loạn ly, vợ Phan Thủ bộ dắt con gái ra Thăng Long trú tại cửa Nam, lần hồi buôn bán sống qua ngày nhưng trong lòng bà lời dặn của người chồng quá cố vẫn canh cánh khôn nguôi. Cô con gái quan Thủ bộ họ Phan là Phan Thị Viên lớn lên đẹp người, đẹp nết, thi thư, cầm kỳ, nữ công, gia chánh đều giỏi giang hơn người. Các cậu ấm dòng dõi thế gia đất kinh thành thư đi, tin lại biết bao nhiêu lần nhưng mẹ con bà vẫn lặng im.
Con trai thứ ba của quan Thiêm đô là Đinh Nho Hoàn nối được nghiệp nhà, đậu Hoàng giáp khoa Canh Thìn (niên hiệu Chính Hòa) làm quan ở Bộ. Lương duyên trời phật, một lần trăng thanh, gió mát ngài đi bách bộ dạo phố. Thấy một quán hàng nhỏ mà sạch sẽ, tinh tươm ngài ghé chân ẩm trà. Người ra tiếp Ngài là một bà già đầu tóc bạc phơ, đôi mắt tinh anh. Vừa chợt thấy ngài, linh tính đã làm bả thổn thức. Bà hỏi lính hầu danh tính, hương quán của vị quan trẻ tuổi này? Lính đáp lại, Bà kinh ngạc, mừng rỡ cúi sụp trước mặt Ngài mà thưa:
- Quan Thiêm đô đã cứu mạng chồng tôi. Chồng tôi chưa kịp đáp đền thì đã ra đi. Ăn mận, trả đào, uống nước nhớ nguồn chính là lúc này đây.
Bà rón rén thưa:
- Bà già này là vợ ông Thủ bộ bản trấn ngài. Tiền nhân ngài đã cứu chồng tôi thoát chết oan sai trong lao tù cũng như là đã tái sinh ra ông. Ơn ấy chưa đáp đền thì ông ấy khuất núi. Ai ngờ ngày nay lại gặp con trai Ngài Thiêm đô, phải chăng là cơ duyên trời phật. Tôi chỉ có một mụn con gái vậy mà khi chồng tôi lâm chung đã cầm tay nó mà than thở về ơn sâu, nghĩa nặng với phụ thân Ngài. Bây giờ nó đã lớn khôn, thấy nó nết na, hiểu biết, mấy nay nhiều nơi để ý nhưng mẹ con tôi đều chối từ, nay tôi xin dâng hầu Ngài để trả ơn sâu, thỏa lòng người quá cố nơi suối vàng.
Nói xong bà gọi con gái bà ra chào quan Thị lang.
Ông Thị lang hết sức bất ngờ trước cuộc gặp này. Trầm ngâm một lúc ngài mới nói:
- Nhân duyên thiên định, gặp được người tốt cũng là ân đức tiền nhân tôi để lại.
Không lâu sau, Đinh Nho Thị Lang cưới Phan Thị Viên làm vợ hai. Khi về làm dâu họ Đinh, Phan Thị Viên tròn 16 tuổi, vợ cả Đinh Nho Thị Lang là Lê Phu nhân hết sức hài lòng vì chồng mình đã cưới được cô vợ hầu bốn đức công, dung, ngôn, hạnh đến giỏi giang, thông chữ nghĩa, hay văn bài ra ngoài biết trên dưới, lễ nghĩa vào trong biết hiếu đạo, nhân từ.
Năm Ất Mùi đời Vinh Thịnh (nhà Lê), Tả thị lang Đinh Nho Hoàn vâng mệnh triều đình làm Phó sứ đi Bắc quốc. Bà cả Lê phu nhân bận quán xuyến việc nhà nơi hương quán, á phụ Phan Thị Viên đưa tiễn Đinh Thị lang đến trạm dịch Lã Côi (nay là Yên Viên - Hà Nội). Trong bùi ngùi chia tay, bà thưa với lang quân:
- Thiếp trộm nghĩ kẻ đại trượng phu không được làm quan tướng mà làm quan sứ, lấy miệng lưỡi mà làm nên yên hàn vận nước. Đó là một việc hay mong quân tử nơi đất khách quê người giữ lòng trung trinh được như các quan sứ thần lành đời trước, đừng vì chuyện vợ con mà quan hoài.
Nói xong bà trao cho Đinh Thị lang một túi gấm đựng 10 bài thơ bà đã làm:
- Xin dâng ngài để đi đường xa ngài đọc cho thêm phần đỡ nhớ nhà, nhớ nước.
Rất tiếc 10 bài thơ này đã thất truyền mất 7. Dẫu chỉ còn lại 3 bài nhưng cũng cho hậu thế thấy được tâm hồi nữ sỹ của bà. Bà đã góp vào dòng thơ "chinh phụ ngâm Việt Nam" những áng thơ thấm đẫm tình đôi lứa, tình người và sự trung trinh vì nước vì dân.
Bài 1:
Hành trình bất thị cổ quan san
Kỳ hử ư tình dụ thoại nan
Vị thẩm hồi văn hà nhật ký\
Khuyến quân vô cửu bắc thiên hàn.
Tác giả tạm dịch:
Đất người non nước lạ thay
Tình riêng muốn ngõ, dải bày ra sao?
Chúc cầm bên ngọn cơ đào
Bỏ ngày lạnh lẽo đất tàu xa xôi!
Bài 2:
Đỗ Mục Lưu thần kỳ ngộ dị
Tô Khanh Phú bất hữu nhân nan
Nã ông vật dị thuyền quyên cố
Đại đắc trung hương nhị tự hoàn.
Tác giả tạm dịch
Đỗ Mục, Lưu thần gặp tiên dễ
Sứ quân Tô, Phú khó hơn thay!
Đừng vì vợ trẻ mà thương nhớ
Hai chữ Lương, Trung đợi một ngày.
Bài 3:
Kim Triều thành thị do Nam Quốc
Dị nhật ý quan tự Bắc Triều
Liệt Nhật thu sương quân phận nội
Thiệp tương thùng vị trọng yêu kiều.
Tác giả tạm dịch:
Thành thị hôm nay trời nước Nam
Triều bắc ngày mai trong gió hàn
Sứ thần như mặt trời, như gió lạnh
Trẻ trung phận thiếp giữ lòng son
Cảm kích lúc chia xa, Phó sứ Đinh Nho Hoàn cởi chiếc áo đang mặc trên người khoác lên người bà rồi bâng khuâng bước lên xe. Bà lặng người lưu luyến nhìn bóng ngựa xe khuất dần mà lòng nhớ thương khôn xiết tả!
Là một thi nhân chắc rằng trên dặm đường xa Phó sứ Đinh Nho Hoàn xiết bao cảm động khi đọc những bài thơ bà tặng. Đây là những khúc ngâm của bản trường ca chinh phụ ngâm trong lịch sử văn học của đất nước và là một khúc ngâm mạnh mẽ, lý trí thắng tình cảm, nghĩa vụ và trách nhiệm tình yêu đất nước thắng nỗi nhớ chia xa. Những điển cố trong 3 bài thơ chứng tỏ bà là người am tường văn hóa, văn học. Sự chặt chẽ trong niêm luật, gieo vần, ý tứ, hình tượng, âm nhạc trong từng bài thơ chứng tỏ bà là một nữ sỹ có kỹ thuật làm đường thi điêu luyện, hàm súc. Thơ bà dạt dào tình cảm mà không bi lụy, mỗi bài thơ như một lời ân tình động viên, cổ vũ người đi vững bước giữ niềm trung chính với đất nước, quê hương, gia đình.
Tiễn Phó sứ lên đường, từ kinh thành trở về An Ấp bà ghé thăm mẫu thân nơi quê nhà Do Lễ (nay là xã Hưng Đạo, Thị trấn Hưng Nguyên, Nghệ An), mẹ bà muốn lưu bà lại một vài ngày, bà thưa với mẹ:
- Chồng con đang đi sứ Bắc quốc, đường xa khó nhọc, lòng con xiết nỗi lo phiền còn đâu tâm tưởng mà ở lại chơi với mẹ. Nội ngày hôm nay con xin mẹ về An Ấp để cùng bà cả một lòng kính thuận.
Hiểu rõ tấc lòng con gái, Phan phu nhân ngậm ngùi tiễn con về quê chồng.
Về lại An Ấp, một đèn, một gối, ngủ không thành giấc, ăn chẳng biết ngon, lòng bà canh cánh nơi trời Bắc. Những xúc cảm dạt dào, bà đã ghi lại bằng thơ để đợi ngày về đọc lại cho đức lang quân. Xót xa thay những bài thơ bà viết trong hơn một năm trời chồng Bắc, vợ Nam không còn. Nếu còn chắc rằng với những hiểu biết sâu sắc về thi thư với sự xúc cảm của người vợ trẻ chồng đang đi công vụ gian lao vất vả nơi xứ Người, hậu thế hôm nay sẽ được đón đọc những vần thơ chan chứa tình người, mẫu mực về thi pháp.
Rồi tin dữ bay về An Ấp, Ngài Phó sứ không may lâm bệnh từ trần ở Bắc quốc. Bà Viên như người không hồn chết lặng nhưng rồi có bao điều sâu xa khác đã vực bà đứng dậy. Những đêm đợi thi hài chồng từ Bắc quốc trở về là những đêm ngọn đèn trong phòng bà không bao giờ tắt. Tình cảm vợ chồng, mẹ con, chị cả, em hai... đang cháy lên trong lòng bà. Bà mượn bút gửi những tấc lòng đó! Việc bà không khóc lóc, kêu than như những người phụ nữ khác đã làm cho họ tộc, xóm làng bàn tán. Không ít người cho bà là kẻ phụ bạc.
Ngày linh cửu quan Phó sứ chuyển về An Ấp, bà ra đón lạy. Đêm về trong phòng, bà lấy chiếc áo chồng tặng lúc chia xa làm dây tự vẫn, thủ tiết theo chồng.
Đã mất chồng lại mất thêm bà Viên, bà cả Lê phu nhân vô cùng đau đớn. Đến khi khâm lượm bà Viên, gia đình mới tìm được ba bức di thư viết bằng thơ của bà, một bức là bài văn tế quan Tả Thị Lang, một bài là thư gửi mẹ Phan phu nhân ở Do Lễ và một bài là thơ gửi Lê Phu nhân. Lòng Lê phu nhân như muối xát. Những di văn để lại của Phan Thị Viên thật cảm động với cả tấm lòng thương tiết người chồng đoản mệnh, trong bài văn tế Đinh Thị lang bà Phan Thị Viên đã viết:
Phiên âm:
Ô hô!
Phu quân hà chi
Hà hữu vọng nhi vô quy
Hà tiết mao hề cự lạc
Hà kỳ vị hề sậu kỳ
Y!
Hướng giả khinh cừu phì mã
Kim yêu đan triệu tố nhi
Hướng giả tràng đình tặng cú
Kim yêu phỉ lộ ai từ
Liêu liêu nhạn tín
Vọng vọng thiên nhi
Hồn tiêu loan cánh
Trường đoạn la y
Y!
Sinh ư khoa, giáp
Danh thọ bảng bi
Tử ư quốc sự
Chí thù cách thi
Giả vinh giả ai
Hà Xá hà bi
Thiếp khỉ bất tri
Sự nan khấp chuyển
Vạn lệ hà tỳ
Thiếp khỉ bất tri
Trần gian nhất nhật
Minh Phủ thiên kỳ
Y!
Uyên loan ngất ngẩu
Nhi nữ tình si
Bạo vu trù bạn
Phiếm bách trù y
Túng giao thiên thọ
Bách dị vi kỳ
Chung thương bồ liễu
Đồ mai chung quỳ
Dự kỳ khế khoát
Hạt tự truy tùy
Vi tỵ dực điểu
Viên liên lý chi
Y!
Sinh nhi cân trất
Hạnh vô duy ly
Cửa nguyên hữu phụ
Hà bất tiến di
Ỷ lư hữu mẫu
Hà bất tâm di
Camtâm minh mục
Dị nhi dị nhi
Ô hô phu quân! Giám ty giám ty
Ô hô! Y hi
Dịch nghĩa:
Hỡi ôi!
Phu quân đi đâu
Đi sao mà không trở lại!
Khiến thiếp âu sầu!
Mao tiết nọ sao mà rụng vội?
Kỳ vị kia sao đã cưỡi mau?
Than ôi!
Xưa kia lừng lẫy, cưỡi ngựa bắc cừu
Giờ sao thảm đạm, xe trắng cờ đào
Xưa kia tiễn biệt, thi cú tặng nhau
Giờ sao ca vãn, phỉ lộ thương đau.
Tin nhạn trông mà vắng ngắt
Ven trời ngóng ở nơi nao
Xem gương loan mà mất vía
Thấy áo là mà ruột rầu.
Hỡi ôi!
Sống nên khoa giáp
Bia bảng còn ghi
Chết vì việc nước
Thỏa chí cách thi
Tử sinh cũng vậy
Than thở làm chi!
Thiếp sao chẳng biết
Chết không sống lại
Khóc có ích gì.
Thiếp sao chẳng biết
Một ngày dương thế
Ngày thuở âm ty.
Hỡi ôi!
Chim uyên chim loan một chốc lạc đàn
Tình si nhi nữ ngán nỗi cô đơn
Gối chiếc lạnh lẽo cùng ai thở than
Chiếc bách lênh đênh giữ ai bàn hoàn
Dẫu trời cho thọ
Đến tuổi kỳ vi (100 tuổi - Bách tuế)
Phận hèn bồ liễu
Uổng lấp chung quỳ.
Sống mà cách trở
Thà thác theo đi.
Làm chim liền cành
Làm gỗ liền chi.
Hỡi ôi!
Đỡ gối nâng khăn
Trước sau một tiết
Cha dưới suối vàng
Lòng chừng thỏa thiếp.
Dẫu mẹ có trông
Tưởng cùng ý hiệp
Nhắm mắt đành lòng
Thôi là hết kiếp
Hỡi ôi phu quân! xin soi lòng thiếp!
Ôi thương ôi!
Trong cảnh phận vợ bé, vợ hầu nhưng với cách cư xử đúng mực của người có văn hóa cao, bà cả (Lê phu nhân) và bà Viên vẫn nặng sâu tình nghĩa. Trong di thư để lại, bà Viên đã bày tỏ tấm lòng mình:
Phiên âm:
Thiết niệm thiếp
Thân thế phù bình
Phong tư bồ liễu
Hàn môn tiều tụy, cảm vãn quế tú giai nhân
Cù mộc huy oanh, cửu mộc hà chu nhã hóa
Hà hạnh thước sao đông Phúc Khánh
Thực đa chung vũ quảng bao dung
Tự tòng nhân bí sàng chinh thiếp dự quân
Tử cộng nhiễm hoài nhân chi mộng
Nhất đán tiết mao tuyết lạc, thiếp dự
Quân tử đồng canh phiến bách chi thi
Tự thỉ mỹ tha, các thành ngô chí
Ngã gia hương hỏa
Tu quân tử hề thi tảo tần
Đế sở y quan
Nguyện thiếp thân hề cung thị phụng
Tâm thậm tràng nhi phác thậm đoản
Cảm tích châu trầm
Tử chi nhật do sinh chi niên
Hạnh duy đan chiếu
Dịch nghĩa:
Trộm nghĩ thiếp
Thân thế bọt bèo
Phong tư yếu ớt
Thói nhà hèn hạ, dám khoe phái tốt dịu dàng
Nấp bóng cây cao, nhờ được phu nhân dạy bảo
Chung chạ đã vịnh câu Sào Thước
Bao dung nhớ lại khúc Chung Từ
Từ phen vó ngựa bước lên đường, bà cùng thiếp vẫn một lòng mộng tưởng
Đến lúc cờ mao bay rụng tuyết, thiếp cùng bà đành chiếc bách lênh đênh!
Vẫn thề nhau một kiếp thờ chồng
Nhưng vì nỗi đôi đường khác nẻo
Đốt hương khói ở nơi miếu tổ, bà phải còn chăm sóc việc cúng đơm; Sửa áo xiêm chầu đức Ngọc Hoàng, thiếp không thác lấy ai hầu hạ.
Lòng tuy dài mà kiếp ngắn ngọc chìm nào dám tiếc đâu
Ngày đã chết như buổi đương còn, lòng đã dám xin soi tới.
Trong thư tạ mẹ, tấc lòng của một người con trung hiếu của bà đã để lại cho hậu thế một nỗi xót thương, một niềm kính phục:
Phiên âm:
Bất năng tất hạ thưa hoan, tốt tiết sảnh ôn chi luyến
Vỵ học đình tiền hý thái, cự tình ly biệt chi thư
Như hà như hà, tri tội tri tội
Như chất đàm uyển chuyển, tiếu thâm khuê cô
Vô đoạn hiệp mộng hủy xà, hà hành tịch đầu loan phụng
Trinh kỳ kỷ hỉ, thượng vô phụ mẫu duy ly
Xuân mộng vi viên, thúc nhi công gia bất tại
Thệ bất Lý thê, Trương phụ tự sài tục nữ gia lưu
Cẩu truyền tuyết tháo băng tâm, hạnh viết ngã gia hữu tử
Tư duy đồng huyệt
Nguyện thỉ mỵ tha
Huyết lệ hòa đô
Liêu đại minh chi cáo
Đan thần vị tử
Tràng mình vọng cực chi ân
(Sở hữu ngân can lượng phụng vi từ mẫu thọ)
Dịch nghĩa:
Khi ấm lạnh cách xa dưới gối, việc thừa hoan con những đau lòng
Vẽ hoa lan chưa múa trước sân
Thư ly biệt từ đâu đem tới
Tội thì đã vậy, tình biết làm sao
Con sức vẫn đã yếu hèn, tình càng khuê cách
Mông xà hủy, hổ sinh gái
Duyên loan hoàng, may được gặp người
Tình cờ chưa được bao lâu, may cũng khỏi tiếng chê đến mẹ
Giấc mộng còn đương chếch mác vì đâu việc nặng tới chồng
Mình con chẳng như ai, thề không học gái Trương, vợ Lý
Phận gái phải lo cho sạch, may người khen cháu giống con dòng
Rày xin một thác theo chồng, thề chẳng hai lòng trông nọ
Vài lời huyết lệ gửi về thay lời cáo quy minh
Một tấm lòng son chưa mất bởi nhớ ơn vọng cực
(Vậy có mấy lượng bạc xin gửi về mừng thọ mẹ)
Văn tế quan Phó sứ của bà Viên đã được Lê phu nhân cho cáo trước linh cửu ngài. Lê phu nhân cho người mang vàng, bạc và thư tạ lỗi mẹ của bà Viên sang Do Lễ dâng bà Phan mẫu.
Tiếp thư họ Đinh Nho, gia tộc họ Phan Do Lễ ai cũng buồn rầu, than thở, chỉ có Phan mẫu là bình tĩnh nói rằng:
- Xưa nay đàn bà có đức trọng, được tiết hạnh là ít. Chẳng dè con ta lại được như thế. Chết như vậy thì cũng như sống chớ oán thán gì.
Bà còn ân cần nói với gia nhân họ Đinh:
- Nhờ cáo với linh hồn con tôi, nên theo quan Tả Thị lang mà phụng thờ ngài trên mây bạc. Chớ vì bà già này mà không siêu thoát.
Trở lại gia đình bà Lê phu nhân, sau khi chọn được ngày lành tháng tốt, Lê phu nhân và họ tộc tổ chức lễ mai táng quan Tả thị lang và bà Phan Thị Viên ở Lăng Sắn Trà.
Phần mộ hai người được đặt bên nhau ở Lăng Sắn Trà. Xót thương bà Viên hiếu nghĩa mà chỉ được hưởng dương 21 năm Lê phu nhân đã có bài văn tế rất cảm động lời lẽ thống thiết, ý tính day dứt, đọc trước linh cửu bà. Rất tiếc bài văn này đã bị thất truyền.
Việc bà Phan Thị Viên vợ bé quan Tả thị lang Phó sứ Đinh Nho Hoàn tận tiết được quan tỉnh bẩm báo lên triều đình. Vua nhà Lê vô cùng cảm phục tấm lòng trung, trinh, hiếu nghĩa của bà đã ban lời khen và tặng biển vàng 3 chữ "Tiết phụ môn" treo trước cửa. Hạ chiếu chỉ phong tặng bà là A Thân Nhân sai quan tỉnh lập đền thờ bà, cấp ruộng để hương khói quanh năm cho sáng công đức hậu thế noi theo.
Huyền tích bà Phan Thị Viên là cổ tích về người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến. Dẫu những giá trị văn hóa của người phụ nữ Việt Nam hôm nay có những đổi thay nhưng đức độ tài năng thi phú, nhân cách cao đẹp của bà thì vẫn vẹn nguyên giá trị. Qua huyền tích này ta có dịp hiểu thêm về người phụ nữ xưa, hiểu thêm và tự hào về một nữ sỹ tài ba. Dẫu thơ phú của bà thất truyền mất quá nhiều nhưng chỉ cần qua 6 bài thơ còn lại trong văn đàn Việt Nam bà vẫn có một vị trí xứng đáng./.
2388
2337
22436
218935
121356
114512062