Người xứ Nghệ

Nguyễn Ái Quốc, năm 1925

Cách đây 100 năm, sau hành trình hơn 10 năm tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) trong vai trò cán bộ của Quốc tế Cộng sản. Tại đây, Người đã hướng mọi nỗ lực vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc thành lập một chính đảng Maxit - Lêninit của giai cấp công nhân và nhân dân lao động để thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ theo con đường chủ nghĩa vô sản.

 

1. Ngày 11-11-1924, từ Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc về đến Quảng Châu trong vai trò là người của Bộ Phương Đông, Quốc tế Cộng sản, làm việc trong phái bộ M.M.Bôrôđin bên cạnh Chính phủ Trung Hoa dân quốc. Quảng Châu lúc này là nơi tập trung khá đông đảo các chiến sỹ yêu nước và cách mạng Việt Nam. Lớp các sỹ phu có Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền… Lớp sau đông đảo hơn, là các thanh niên yêu nước. Phần đông họ được tập hợp trong tổ chức Việt Nam quang phục hội (do Phan Bội Châu và Cường Để thành lập năm 1912, chủ trương Khôi phục Việt Nam, kiến lập Việt Nam dân quốc). Tuy vậy, năm 1923, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái, Lâm Đức Thụ.. đã thành lập một tổ chức yêu nước, có tư tưởng tiến bộ là Tâm Tâm xã. Tâm Tâm xã (còn gọi là Tân Việt Thanh niên đoàn). Tâm Tâm xã có tôn chỉ “Liên hiệp những người có tri thức trong toàn dân Việt Nam, không phân biệt ranh giới, đảng phái; miễn là có quyết tâm hi sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân, đem hết sức mình tiến hành mọi việc để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam". Để thức tỉnh đồng bào, ngày 19/6/1924, Phạm Hồng Thái đã mưu sát toàn quyền Merlin tại khách sạn Victoria nhưng không thành công.

2. Về Quảng Châu, mục đích chủ yếu của Nguyễn Ái Quốc là hướng tới chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết nhất để xây dựng một Đảng mác xít ở Đông Dương và giúp đỡ các nhà cách mạng các nước khác trong vùng.

Qua phái bộ M.M.Bôrôđin, Nguyễn Ái Quốc có điều kiện để nắm thông tin, tìm hiểu và tiếp xúc với những nhà yêu nước Việt Nam đang hoạt động tại đây. Trước tiên, Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc với những thanh niên hăng hái nhất trong Tâm tâm xã. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc biết được chỗ ở đã có cuộc gặp với Phan Bội Châu tại nhà Hồ Học Lãm để cùng nhau bàn công việc cứu nước.

Sau khi tiếp xúc với Phan Bội Châu và nắm trong tay bản danh sách những đồng chí thân cận của Cụ, Nguyễn Ái Quốc mở ngay một lớp huấn luyện về phương pháp tổ chức lựa chọn những thanh niên tích cực, được thử thách qua huấn luyện và công tác để đến tháng 2-1925 thì lập ra một nhóm bí mật, tức là Cộng sản đoàn. Cộng sản đoàn gồm có: Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Hồng Phong, Lưu Quốc Long (Quý),Trương Vân Lĩnh, Quảng Đạt, Lâm Đức Thụ. Nhóm này được phát triển trong suốt thời gian mà Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo, tức là đến tháng 4-1927. Trong các lớp huấn luyện thanh niên từ trong nước sang, sau khi học xong, tất cả vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nhưng chỉ 5 người được chọn kết nạp vào Cộng sản đoàn là: Trần Phú, Nguyễn Văn Lợi, Phan Trọng Bình, Phan Trọng Quảng, Nguyễn Ngọc Ba.

Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên cánh mạng dồng chí hội). Cộng sản đoàn đóng vai trò hạt nhân của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập vào tháng 6/1925.

Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên một tổ chức có tính chất quần chúng rộng lớn hơn nhằm tập hợp các phần tử thanh niên yêu nước trong và ngoài nước. Hội công bố Chương trình Điều lệ. Điều lệ lần đầu của hội xác định mục đích: Hy sinh tư tưởng, quyền lợi, tính mệnh để làm cuộc cách mạng dân tộc (đập tan bọn Pháp và giành lại xứ sở) rồi sau đó làm cách mạng thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản). Chương trình hành động cũng được xác định: i. Lựa người giác ngộ, huấn luyện họ, tổ chức họ vào Hội. ii. Cử những hội viên đã được đào tạo vào trong nhân dân để tuyên truyền điều phải và tổ chức các đoàn thể như Công hội, Nông hội, Hội học sinh, Hội phụ nữ, v.v… iii. hội đầu tiên tập hợp lực lượng của những đoàn thể quốc gia để đập tan bọn Pháp và lấy lại chính quyền. iv. Thành lập chính phủ nhân dân gồm đại biểu của các đoàn thể công nhân, nông dân và binh sĩ. v. Áp dụng những nguyên tắc tân kinh tế chính sách để thúc đẩy sự phát triển các cơ quan sản xuất trong nước, bài bỏ sản nhân sự giao lưu những tài nguyên quốc gia. vi. Đoàn kết với những giai cấp vô sản của tất cả các nước và thành lập xã hội cộng sản...''.

Hội Thanh niên cách mệnh được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ; Là một hệ thống gồm năm cấp: Tổng bộ, kỳ bộ, tỉnh bộ, huyện bộ và chi bộ. Không chỉ xây dựng tổ chức trong nước, mà ngay từ năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã cử Hồ Tùng Mậu sang Xiêm cùng với Đặng Thúc Hứa tổ chức Chi bộ Thanh niên đầu tiên ở Phì Chịt trong cộng đồng Việt Kiều, sau đó là các chi bộ ở Na Khon, U Đon, Sa Khôn và nhiều bộ phận ở các nơi như Bản Mạy, Noóng Bùa, Mục Đa Han, v.v…

Đ gắn kết cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới, mà trước hết là phong trào cách mạng ở các nước Đông Nam Á, ngày 9/7/1925, với sự hoạt động tích cực của Nguyễn Ái Quốc, Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ra đời, do Liêu Trọng Khải, lãnh tụ phái tả Quốc dân Đảng Trung Quốc làm Hội trưởng. Hội có sự tham gia của các nhà cách mạng Trung Quốc, Triều Tiên, Inđônêxia, Việt Nam, Ấn Độ. Mỗi nước có một phân bộ. Phân bộ Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo.

Trong bức điện gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pari, Toàn quyền Môngghiô (Montghillot) cho biết:Trong tổ chức ''Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á châu'' […], Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành một cuộc vận động vô cùng khôn khéo phù hợp với điều kiện của người An Nam nhằm giáo dục cách mạng cho nông dân và công nhân An Nam và đoàn kết họ chống lại sự thống trị của người Pháp''.

3. Để có một tổ chức  mạnh, hoạt động hiệu quả, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức các lớp huấn luyện mà học viên đầu tiên là những thanh niên Việt Nam yêu nước đang hoạt động ở miền Nam Trung Quốc, đặc biệt là những người có chân trong tổ chức Tâm tâm . Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn từ những lớp huấn luyện đầu tiên những thanh niên có đủ tiêu chuẩn để thành lập Cộng sản Đoàn (2/1925) và tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6/1925), sau đó cử về nước tuyên truyền và tổ chức những đoàn xuất dương sang học tập tại Quảng Châu. Vào khoảng cuối năm 1925 hoặc đầu năm 1926, trường huấn luyện chính trị mới được chính thức thành lập. Trong một bản báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản đề ngày 3-6-1926, Nguyễn Ái Quốc viết: ''Tổ chức một trường tuyên truyền. Các học viên được mật đưa đến Quảng Châu. Sau một tháng rưỡi học tập họ trở về nước. Khóa thứ nhất được 10 học viên. Khóa thứ hai sẽ mở vào tháng 7 tới, sẽ có khoảng 30 người.

Trường này đặt tại ngôi nhà số 13 đường Văn Minh (sau đổi là phố 422, đường Diên An 1, Quảng Châu). lối vào tòa nhà gắn tấm biển đề “Ban huấn luyện chính trị đặc biệt''. Trường huấn luyện chính trị đặc biệt được Chính phủ Tôn Dật Tiên coi như một phân hiệu của Trường Quân chính Hoàng Phố và đã hoạt động dưới sự giúp đỡ của Chính phủ Quảng Châu và Đoàn cố vấn Liên Xô.

Là giáo viên chính, Nguyễn Ái Quốc đã dành hầu hết thì giờ cho lớp huấn luyện. Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn tham gia công việc này với tư cách là giáo viên phụ giảng. Bôrôđin và các giáo viên Liên Xô ở trường Quân chính Hoàng Phố như V.K.Bluikhe, B.A.Páplốp, M.V,Quybưsép, V.M. Primacốp cũng đến giảng bài cho các lớp huấn luyện.

Trong các khóa học, học viên được nghiên cứu tình hình quốc tế, lịch sử tiến hoá nhân loại có nhấn mạnh thời kỳ chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, phong trào giải phóng dân tộc ở Triều Tiên, Trung Quốc và Việt Nam; chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên, chủ nghĩa Mác - Lênin Cách mạng Tháng Mười Nga; về lịch sử và tổ chức Quốc tế I, Quốc tế II, Quốc tế III và các tổ chức quần chúng của Quốc tế Cộng sản. Học viên được huấn luyện về vận động và tổ chức quần chúng như công hội, nông hội v.v… Học viên không những chỉ được trang bị về luận còn được trang bị về kỹ năng thực hành các công việc cách mạng như làm báo, diễn thuyết, v.v.. Từ năm 1925 đến năm 1927, nhiều thanh niên yêu nước từ khắp các miền đất nước, cả Việt kiều ở Xiêm đã đến Quảng Châu dự các lớp huấn luyện chính trị. Tính đến tháng 4-1927, Nguyễn Ái Quốc đã mở được 10 lớp cho khoảng 250-300 người. Tuyệt đại đa số học viên sau khi học xong được tung về nước và về Xiêm hoạt động. Họ trở thành người tuyên truyền và xây dựng các tổ chức cách mạng trong nước và trong Việt kiều ở Xiêm.

Cùng với việc mở trường huấn luyện, Nguyễn Ái Quốc còn lựa chọn và cử học sinh đi học tại Trường đại học phương Đông Trường Quân chính Hoàng Phố để đào tạo cho đảng mácxít tương lai một đội ngũ cán bộ đa dạng, đáp ứng nhiều mặt cho phong trào. Tại Đại học Phương Đông, một nhóm cộng sản An Nam đã được thành lập.Theo Tiến sĩ sử học Alanh Rútxiô thì ''Sở mật thám Pháp thống kê từ năm 1923 đến năm 1931 đã có 75 người Việt Nam đi học những trường đó''. Một số học sinh Việt Nam tốt nghiệp trường này đã trở thành những nhà lãnh đạo nổi tiếng của Quốc tế Cộng sản và của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này như Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong, Trần Phú và nhiều nhà lý luận xuất sắc khác của Đảng.

Đồng thờikhoảng 30 học viên Việt Nam đã tốt nghiệp Trường quân sự Hoàng Phố. Nhiều học viên Việt Nam tốt nghiệp ở đây về sau trở thành những cán bộ quân sự của Đảng ta như Phùng Chí Kiên, Trương Vân Lĩnh, Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn, v.v.

4. Để thực hiện sứ mệnh truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê Nin, đồng thời với việc thiết lập các tổ chức cách mạng, mở các lớp huấn luyện trực tiếp, Nguyễn Ái Quốc rất chú trọng công tác tuyên truyền. Nguyễn Ái Quốc chủ trương xuất bản báo Thanh niên làm phương tiện tuyên truyền mục đích, tôn chỉ và chủ trương của Hội, hướng dẫn hoạt động cách mạng cho mỗi hội viên.

Báo Thanh niên ra số đầu tiên vào ngày 21-6-1925 tại Quảng Châu,là tờ báo mở đầu cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập và là cây bút chủ chốt của tờ báo. Từ ngày 21-6-1925 đến tháng 4-1927, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc, báo Thanh niên ra được 88 số và suốt cả thời kỳ tồn tại của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, báo ra được trên 200 số. Báo Thanh niên được bí mật đưa về phổ biến trong nước được một số địa phương tổ chức in lại. Báo Thanh niên góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, góp phần quan trọng chuẩn bị về mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức để tiến tới thành lập chính đảng của giai cấp công nhân vào đầu năm 1930.

Ngoài báo Thanh niên, Hội còn xuất bản ba tờ báo định kỳ khác tuần báo Công nông, bán nguyệt san Lính cách mệnh nguyệt san Việt Nam tiền phong nhằm tuyên truyền cho những đối tượng hẹp hơn công nhân, nông dân hay binh sĩ người Việt Nam trong quân đội Pháp ở Đông Dương.

Ngoài báo chí, Hội Thanh niên Cách mạng còn in một số sách tuyên truyền về chủ nghĩa vô sản và cách mạng các nước, trong đó có cuốn Đường cách mệnh tập hợp những bài viết của Nguyễn Ái Quốc do Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản đầu năm 1927. Nhà sử học người Nga I.A.Ognhetốp xác định: Đường cách mệnh mà trong đó người cộng sản Việt Nam đầu tiên trình bày dưới dạng dễ hiểu bản chất của học thuyết Mác - Lênin và phương hướng phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam đã đóng vai trò chủ đạo trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam những năm 20 và trong việc kết hợp phong trào yêu nước với chủ nghĩa Mác''.

Năm 1925 là năm đầu tiên Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động với vai trò là cán bộ của Quốc tế cộng sản nhưng đã hướng toàn bộ hoạt động của mình cho sự phát triển của phong trào cách mạng nước nhà. Người đã nắm bắt tình hình một cách nhạy bén và chính xác để tiếp tục truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê Nin, xây dựng các tổ chức cách mạng, chuẩn bị cơ bản mọi mặt về tư tưởng và chính trị, tổ chức và lực lượng cho việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam vào năm 1930.

Năm 1925, có thể coi như là năm bản lề của cách mạng Việt Nam. Với vai trò dẫn đầu của Nguyễn Ái Quốc, phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam từ đây bắt đầu chuyển hướng sang một giai đoạn mới theo đường lối cách mạng vô sản./.

 

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số Tết Ất Tỵ - Tháng 01/2025)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114535249

Hôm nay

2285

Hôm qua

2398

Tuần này

21111

Tháng này

2114318452

Tháng qua

120069

Tất cả

114535249