Ấn vàng triều Nguyễn lưu lạc ở Pháp.
Với lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm trên một lãnh thổ trải dài hơn 2.000km bên bờ Thái Bình Dương, Việt Nam luôn tự hào là một quốc gia có bề dày văn hiến, có nền văn hóa giàu có và đa dạng. Và dĩ nhiên, chúng ta cũng rất tự hào vì có một di sản cổ vật phong phú...
Nhưng có một sự thật đáng buồn là, toàn bộ hệ thống bảo tàng công lập của Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng trên dưới 4 triệu hiện vật, và sau 11 đợt công nhận của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2012 đến nay, mới chỉ có 265 hiện vật/nhóm hiện vật là Bảo vật quốc gia. Đó là những con số vô cùng khiêm tốn so với những gì Việt Nam vốn có!
Trấn phong bằng vàng, cổ vật thuộc sưu tập của cựu hoàng Bảo Đại được đưa ra bán đấu giá ở London vào năm 2008. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam
Chiến tranh, những biến động của thiên nhiên và lịch sử đã phá hủy và mang đi của Việt Nam rất nhiều di sản quý giá, trong đó có vô số cổ vật và các tư liệu lịch sử. Và đến nay, có một số lượng rất lớn thuộc loại hình di sản đặc biệt này chưa trở về Tổ quốc, chúng được trưng bày trong nhiều bảo tàng lớn, các sưu tập tư nhân, trong tay nhiều nhà buôn bán cổ vật…Trong ít năm trở lại đây, khi các cổ vật quý của Việt Nam được rao bán trên một số sàn đấu giá cổ vật nổi tiếng ở Pháp, Tây Ban Nha, Hồng Kông… thì dư luận trong nước mới thực sự quan tâm đến vấn đề hồi hương cổ vật.
Những cổ vật đã “ra đi” như thế nào?
Không kể quá trình giao lưu thương mại đã đưa một số lượng không nhỏ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam ra nước ngoài như gốm Chu Đậu, Bát Tràng… từ nhiều thế kỷ trước, phần lớn các cổ vật và tư liệu của chúng ta đều bị cướp bóc hoặc thất thoát do chiến tranh hay các biến động lịch sử.
Trong hơn nghìn năm Bắc thuộc và ngót nghìn năm dưới chế độ quân chủ phong kiến độc lập, phần lớn các cổ vật và tư liệu lịch sử của người Việt Nam đã bị các thế lực phong kiến phương Bắc vơ vét, cướp bóc một cách tàn bạo mỗi khi chúng xâm lăng nước ta. Các bộ sử của ta và của chính Trung Quốc đều ghi chép lại khá rõ những vụ cướp bóc này. Đây cũng là lí do hiện nay các cổ vật quý giá có nguồn gốc cung đình của các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê trở nên vô cùng hiếm hoi. Ngay cả Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng vắng bóng các bảo vật tiêu biểu của các triều đại này (kim bảo, ngọc tỷ, kim sách và các đồ ngự dụng…).
Xe kéo 108 năm tuổi của vua Thành Thái được đưa về Việt Nam năm 2015
Qua thời Cân đại, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, và một lần nữa, hầu hết các tài sản quý, các cổ vật và tư liệu lịch sử lại bị vơ vét, tước đoạt bằng nhiều cách khác nhau.
Năm 1862, sau khi để mất 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ vào tay thực dân Pháp và phải ký hòa ước Nhâm Tuất, triều Nguyễn phải huy động rất nhiều vàng bạc và các cổ vật trong kho tàng của mình để đền trả số chiến phí mà Pháp đòi là 4 triệu piastre (quy đổi thành 2.880.000 lạng bạc). Nhiều tư liệu cho biết, vua Tự Đức đã phải lấy rất nhiều đồ vật quý giá chế tác bằng vàng ngọc, thậm chí tận thu những kim ấn, kim sách của hoàng tử, công chúa, thân vương; các tư trang bằng vàng, bạc của cung phi để trả nợ. Vì lí do này, phần lớn cổ vật chế tác bằng vàng bạc của Huế trở nên khan hiếm, thậm chí cả lá ngọc cành vàng trong cung điện, lăng tẩm, miếu đền của triều Nguyễn cũng đã bị thay bằng loại lá ngọc cành gỗ (nhũ vàng).
Nhưng vụ mất mát lớn nhất của Huế trong lịch sử lại gắn liền với sự kiện Thất thủ kinh đô! Ngày 5 tháng 7 năm 1885 (23 tháng 5 năm Ất Dậu), khi tấn công vào kinh đô Huế, quân đội Pháp đã cướp bóc, đốt phá và giết hại người dân một cách vô cùng dã man. Trong sự kiện đẫm máu này, không chỉ hàng vạn người bị giết hại mà Huế còn bị cướp đi phần lớn những gì quý báu nhất. Linh mục Père Siefert, người chứng kiến sự kiện thảm khốc này đã ghi lại:
“Kho tàng trong hoàng cung đã mất đi gần 24 triệu quan vàng và bạc… Cuộc cướp cạn ấy kéo dài trong 2 tháng còn gây tai tiếng hơn cuộc cướp phá Cung điện Mùa Hè của Thanh Đế ở Bắc Kinh”.
Cũng theo Père Siefert, khi đối chiếu với bảng kiểm kê tài sản của hoàng gia lập trước ngày 5.7.1885 với những gì đã mất, thì quân Pháp đã cướp: “228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hại trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Từ Dũ… Tại các tôn miếu thờ các vua: Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị thì hầu hết các thứ có thể mang đi như mũ miện, đai áo, thảm đệm, triều phục, long sàng và bàn xoay có chạm trổ, các giá treo vũ khí, hộp đựng trầu để thờ, ống nhổ, chậu quán tẩy bằng vàng; hỏa lò, mùng và màn thêu hoa, đỉnh trầm, ấm trà và khay chén, tăm xỉa răng... đều bị cướp”.
Ngay bản thân tướng De Courcy, người chỉ huy cuộc tấn công vào kinh đô Huế, vào ngày 24/7/1885 (tức 20 ngày sau khi khởi đầu cuộc tấn công) đã gửi cho chính phủ Pháp một bức điện với nội dung sau:
“Trị giá phỏng chừng các quý vật bằng vàng hay bằng bạc giấu kỹ trong các hầm kín là 9 triệu quan. Đã khám phá thêm nhiều ấn tín và kim sách đáng giá bạc triệu. Xúc tiến rất khó khăn việc tập trung những kho tàng mỹ thuật. Cần cử sang đây một chiếc tàu cùng nhiều nhân viên thành thạo để mang về mọi thứ cùng với kho tàng” .
Như vậy, phần lớn của cải trong hoàng cung Nguyễn và cả trong giới quý tộc Huế đã bị người Pháp cướp bóc, đưa về “chính quốc”. Và một phần còn lại (có lẽ cũng không nhỏ) đã được phe chủ chiến đứng đầu là Tôn Thất Thuyết cho đem ra chiến khu Tân Sở - Quảng Trị để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Số vàng bạc ngân lượng và của cải này về sau cũng thất tán hoàn toàn.
Sau năm 1945, ngoài số tài sản đã bàn giao cho chính quyền cách mạng số cổ vật còn lại của triều Nguyễn trở thành tài sản riêng của gia đình cựu hoàng Bảo Đại và một số gia đình thân vương, quý tộc khác. Phần lớn số cổ vật quý hiếm này sau đó đã được đưa ra khỏi Việt Nam do chủ nhân của chúng di tản ra nước ngoài hoặc bán cho giới sưu tầm do hoàn cảnh khó khăn.
Trong thời gian nước ta bị Pháp đô hộ và trong chiến tranh, giới buôn bán sưu tầm cổ vật quốc tế cũng đã đưa không ít cổ vật có giá trị của Việt Nam ra nước ngoài; một số sỹ quan, lính tráng của quân đội viễn chinh Pháp, Nhật, Mỹ không chỉ tiếp tay cho giới buôn bán mà còn trực tiếp đem về quê hương những thứ mà họ cướp bóc hay kiếm chác được.
Cổ vật Việt Nam đang ở đâu?
Như vậy, rất nhiều cổ vật và tư liệu quý của Việt Nam, do nhiều nguyên nhân khác nhau đã không còn ở trong nước. Vậy chúng đang ở đâu?
Trước hết là trong hệ thống các thư viện, bảo tàng công lập, bảo tàng tư nhân ở nhiều quốc gia trên thế giới: Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Indonesia, Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Italia, Hà Lan, Mỹ, Úc...Các cổ vật/sưu tập cổ vật Việt Nam tại các bảo tàng này được công bố và trưng bày công khai. Theo TS. Trần Đức Anh Sơn, ở Nhật Bản có khoảng 20 bảo tàng có các đồ gốm sứ Việt Nam từ thời Bắc thuộc đến thời Nguyễn; còn riêng Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật ở vương quốc Bỉ thì có đến khoảng 3.000 cổ vật Việt Nam với đủ các loại hình. Tuy nhiên, số lượng nhiều nhất và có nhiều cổ vật quý hiếm nhất có nguồn gốc từ Việt Nam phải kể đến là các bảo tàng của Pháp, trong đó nổi bật là bảo tàng Guimet với nhiều món cổ vật xứng đáng xếp vào hàng Bảo vật quốc gia.
Chiếc mũ quan văn chánh nhất phẩm được đưa từ Tây Ban Nha về Huế
Thứ hai là trong các sưu tập tư nhân của những người sưu tầm, buôn bán cổ vật, trong các gia đình, dòng họ ở rất nhiều quốc gia vốn có nguồn gốc hoặc đã từng liên quan đến Việt Nam. Số lượng cổ vật, tác phẩm nghệ thuật, tư liệu lịch sử thuộc loại này rất phong phú nhưng không thể biết hết do chưa được công khai hoàn toàn. Gần đây, giới chuyên môn và dư luận đã chú ý hơn đến các cuộc đấu giá cổ vật khi nhà đấu giá công bố các hiện vật/sưu tập hiện vật của Việt Nam, điển hình như vụ đấu giá chiếc long sàng và xe kéo hoàng gia thời Nguyễn năm 2014 tại Pháp, vụ đấu giá chiếc mũ quan đại thần và áo nhật bình tại Tây Ban Nha cuối năm 2021, và gần đây nhất là vụ đấu giá lô cổ vật thời Nguyễn trong đó có chiếc bát vàng thời Khải Định và chiếc ấn vàng Hoàng Đế Chi Bảo của nhà đấu giá Millon (Pháp)./.