Làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, nơi ông khóc chào đời là một làng vì ruộng ít không sống bằng nghề nông, mà chủ yếu sống bằng nghề dệt lụa và học hành ra làm quan. Người Nghệ hay làm ca dao quảng bá cho những vùng đất nổi danh, trong đó có làng Quỳnh Đôi: Đô Lương dệt gấm thêu hoa / Quỳnh Đôi tơ lụa, thủ khoa ba đời. Làng Quỳnh Đôi nổi danh trong thiên hạ là đất học. Từ mãnh đất này lưu truyền giai thoại đèn đom đóm, truyền tai nhau về một gia đình có 3 cha con thi đậu…Mãnh đất và nếp nhà, nơi ông chào đời và lớn lên chắc chắn để lại những dấu ấn quan trọng trong sự hình thành nhân cách và tư duy của Hồ Tùng Mậu thời trẻ.
Lúc ông lớn lên, nhận thức được điều hay lẽ phải trên đời, thì tiếng tăm của Phan Bội Châu hoạt động ở Nhật Bản, Trung Quốc vọng về trong nước, đến vùng quê của ông. Đã mang sẵn trong mình “thù nhà, nợ nước”, anh cùng với Lê Hồng Sơn, Ngô Chính Học, Nguyễn Thị Tích, Đặng Thị Quỳnh Anh, dưới sự đẫn đường của Đặng Xuân Thanh, vượt Trường Sơn, băng qua đất Lào đến Phì Chịt, Xiêm với Đặng Thúc Hứa, một đồng chí trung thành của Phan Bội Châu xây dựng cơ sở ở đây để đưa đón thanh niên Việt Nam sang Quảng Châu theo Phan. Sau 3 tháng chờ đợi ở đây, tháng 7/1920, Hồ Tùng Mậu cùng Lê Hồng Sơn được Đặng Thúc Hứa bố trí theo đường biển Băng Cốc – Hồng Công đến Quảng Châu. Anh lên Hàng Châu, tá túc trong nhà người chú là Hồ Học Lãm (1). Tại đây, anh gặp thần tượng của giới trẻ là Phan Bội Châu cũng đang nường nhờ Hồ Học Lãm và viết bài cho Binh sự tạp chí kiếm kế sinh nhai, đợi thời. Trong mắt Hồ Tùng Mậu, thần tượng Phan Bội Châu không còn nguyên vẹn như trước lúc xuất dương. Anh cùng với những người bạn xuất dương sang Quảng Châu sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đứng trước sự lựa chọn: hoặc là chấp nhận con đường cũ của Phan Bội Châu hoặc đi tìm một con đường mới. Tình hình phức tạp đó buộc họ phải chọn con đường mới, nhưng phải hành động khôn khéo và bí mật để lớp đàn anh, đặc biệt là Phan Bội Châu, không biết. Hồ Tùng Mâu cùng với 6 thanh niên trí thức lập ra Tâm Tâm Xã, một tổ chức cách mạng giao thời giữa “cái cũ đang tan rã và cái mới đang nảy sinh. Nói một cách khác, Tâm Tâm Xã là một tổ chức của những nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX có khả năng đi từ những xu hướng chính trị khác nhâu chuyển sang khuynh hướng cách mạng vô sản” (2) Tiếp theo chuyến về nước của Lê Hồng Sơn, đầu năm 1924, Hồ Tùng Mậu về nước qua ngã Xiêm mang theo thư từ, tài liệu cách mạng để phân phát cho những địa chỉ cần thiết. Được tin Phạm Hồng Thái, thành viên trong Tâm Tâm Xã ném tạc đạn mưu sát Toàn quyền Merlin đi thăm Nhật Bảm trên đường về ghé qua Sa Diện, tháng 7/1924, anh trở lại Quảng Châu. Tâm Tâm Xã là tổ chức chính trị mà Nguyễn Ái Quốc từ Mátxcơva về Quảng Châu công tác theo sự điều động của Quốc tế Cộng sản đã dựa vào để tuyên truyền và lựa chọn lực lượng cho các tổ chức cách mạng của mình, đầu tiên là nhóm Cộng sản đoàn đóng vai trò hạt nhân cho một tổ chức cách mạng rộng lớn hơn là Việt Nam Cách mạng Thanh niên ( xin được gọi tắt là Thanh niên) ra đời vào tháng 6 năm 1925. Hồ Tùng Mậu trở thành người tin cậy, chỗ dựa, cánh tay phải của Nguyễn Ái Quốc, bởi lẽ anh không chỉ là người đồng hương, mà hơn thế nữa qua anh móc nối với Hồ Học Lãm và Phan Bội Châu, những người có tầm ảnh hưởng lớn trong hai thế hệ những nhà cách mạng Việt Nam đang lưu vong ở Quảng Châu. Đầu năm 1925, Hồ Tùng Mâu trong chuyến lên Hàng Châu thăm chú Hồ Học Lãn, anh đã gặp Phan Bội Châu ở đây. Và khi trở lại Quảng Châu, anh mang theo lá thư của Phan Bội Châu gửi cho Nguyễn Ái Quốc.
Hồ Tùng Mậu trở thành thành viên của Tổng bộ Thanh niên, tham gia vào những hoạt động quang trọng của Thanh niên. Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, anh tham gia tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, từ việc xuống tận biên giới đón thanh niên yêu nước từ trong nước sang, sắp xếp nơi ăn chốn ở cho họ đến việc phân công công tác sau khi mãn khóa, làm báo Thanh niên, Công nông, Lính cách mệnh…từ viết bài, biên tập, in ấn đến phát hành.
Tổ chức Thanh niên đang phát triển mạnh mẽ trong nước thì tháng 4-1927 Tưởng Giới Thạch làm cuộc chính biến, quay mặt đàn áp Đảng Cộng sản Trung Quốc và phong trào cách mạng Trung Hoa, và những nhà cách mạng Việt Nam cũng không thể tránh khỏi. Hồ Tùng Mậu bị Chính quyền Tưởng bắt giam 2 lần vào các năm 1927, 1928. Khi Thanh niên họp Đại hội I ở Hồng Kông vào tháng 5 năm 1929 thì Hồ Tùng Mậu là người có ảnh hưởng lớn trong Thanh Niên đang ở trong tù lần thứ ba, nên ý kiến thành lập đảng cộng sản từ Thanh niên do đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ nêu ra không được ủng hộ. Đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ ly khai đại hội. Ngày 17-6-1929, Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, công bố Cương lĩnh, Điều lệ, ra báo Búa Liềm và cử những đặc phái viên vào Trung Kỳ và Nam Kỳ tuyên truyền và xây đựng tổ chức Đảng. Quả trình giải thể Thanh Niên bắt đâu từ đó. Ra tù, Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn ủng hộ cho giải pháp thành lậpAn Nam Cộng sản Đảng từ số hội viên còn lại của Thanh niên, chủ yếu là Tổng bộ và Kỳ bộ Thanh niên Nam kỳ. Điều cần nhấn mạnh ở đây là An Nam Cộng sản Đảng ra đời sau, trong thế bị động, nhưng Hồ Tùng Mậu là người sớm phát hiện sự chia rẽ trong hàng ngũ những người cộng sản Việt Nam và phong trào công nhân nếu không nhanh chóng hợp nhất hai tổ chức cộng sản lại làm một. Vì thế, Hồ Tùng Mậu không chỉ ủng hộ , mà còn trực tiếp cử người về nước gặp những đại diện của Đông Dương Cộng sản Đảng bàn về hợp nhất, nhưng đều không thành. Có hai lý do chủ yếu: 1) Đại diện của Đông Dương Cộng sản Đảng tự cho minh là những người có công trong quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản nên nhất quyết đòi giải thể ANCSDD để họ lựa chọn những người thích hợp kết nạp lại. 2) Những người đại diện của hai Đảng gặp nhau bàn về hợp nhất đều là những người cùng trang lứa, nên không ai chịu ai. Chính Hồ Tùng Mậu là người phát hiện ra điểm yếu này nên nảy ra ý tưởng đi tìm Nguyễn Ái Quốc, đưa Người về Hồng Kông để triệu tập hội nghị quan trọng này. Trong mắt Hồ Tùng Mâu, Nguyễn Ái Quốc có hai điểm trội không ai có thể so sánh được, đáp ứng vai trò chủ trì Hội nghị hợp nhất: là người có thâm niên 10 tuổi đảng (là người sáng lập ĐCS Pháp năm 1920), hoạt động sôi nổi trong QTCS, là người thầy đối với những nhà cách mạng theo khuynh hướng vô sản. Nhưng khi nghĩ ra điều đó, Hồ Tùng Mâu và những nhà cách mạng Việt Nam có mặt tại Hồng Kông lúc đó không một ai biết Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở đâu. Mọi người đoán già đoán non, còn Hồ Tùng Mậu đinh ninh Nguyễn Ái Quốc đang làm việc tại QTCS ở Mátxcơva. Vì thế, ông liền tiến cử Lê Duy Điếm là giao liên kỳ cựu, có nhiều kinh nghiệm và là người đồng sáng lập ANCSĐ đi Matxcơva tìm Nguyễn Ái Quốc. Trong khi Lê Duy Điếm đang chuẩn bị hành trang cho chuyến đi xa, thì Cao Hoài Nghĩa, một giao liên của Đảng từ Xiêm vừa về Hồng Kông và cho biết một tin sốt dẻo là ông vừa gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với bí danh Chin Thầu. Tức thì, Hồ Tùng Mậu thay đổi kế hoạch: hủy chuyến đi Mátxcơva của Lê Duy Điếm, thay vào đó, cử Trương Vân Lĩnh, người thông thạo địa bàn Xiêm, đi đón Nguyễn Ái Quốc về Hồng Kông. Do vậy, giữa tháng 12/1929 Nguyễn Ái Quốc đã có mặt ở Hồng Kông, sẵn sàng cho việc triệu tập Hội nghị hợp nhất, sau khi được Hồ Tùng Mậu báo cáo về những bất đồng tư tưởng của những lần gặp gỡ của đại diện hai Đảng. Hồ Tùng Mâu và Lê Hồng Sơn có mặt trong Hội nghị hợp nhất với địa vị là những người có công trong việc triệu tập hội nghị quan trọng này, chứ không phải là những người giúp việc như trong các công trình lịch sử Đảng miêu tả. Như vậy, Hồ Tùng Mậu là người chủ động trong quá trinh hợp nhất các Đảng Cộng sản, và xứng đáng với danh xưng là người đồng sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khi Nguyễn Ái Quốc bị mật thám Anh bắt giam ở Hồng Kông, Hồ Tùng Mậu cùng Truơng Vân Lĩnh liên hệ với Quốc tế Cứu tế Đỏ nhờ can thiệp và vận động luật sư Francis Henry Loseby bào chữa cho Người. Đồng thời, ông cũng nhanh chóng liên lạc với Ban phương Đông của QTCS ở Thượng Hải và Đảng Cộng sản Trung Quốc nhờ giúp đỡ. Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc) được trả lại tự do trong đó nhờ sự nổ lực lớn của Hồ Tùng Mậu. Sau đó, ông bị nhà cầm quyền Hương Cảng bắt giam. Không có chứng cớ để buộc tội, ông bị trục xuất khỏi Hương Cảng.
Ngày 26/6/1931 khi ông đặt chân lên đất Thượng Hải nhượng địa của Nha Thanh cho Pháp, thì bị mật thám Pháp bắt và giải vè Việt Nam xét xử và bị kết án chung thân. Ông trải qua nhiều nhà lao như Vinh, Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Ma Thuật, Trà Khê. Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, ông vượt ngục Trà Khê về hoạt động ở Trung Kỳ.
Sau cách mạng tháng Tám, Hồ Tùng Mậu đã kinh qua các chức vụ: Phụ trách Trường Quân-Chính Nhượng Bạn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, Chủ tịch UBKC Liên khu IV. Sau chiến thắng Việt Bắc 1949, cục diện giữa ta và thực dân Pháp thay đổi đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra. Nhận thấy Ban Thanh tra đặc biệt không còn phù hợp nữa, Chính phủ đã quyết định lập một Ban Thanh tra mới để thống nhất hoạt động thanh tra trên cả nước. Ngày 18/12/1949 Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra Chính phủ trực thuộc Phủ Thủ tướng và cử Hồ Tùng Mậu làm Tổng thanh tra.
Thắng lợi của quân dân ta trong chiến dịch Biên Giới năm 1950 đã phá thế bao vây, phong tỏa của thực dân Pháp trên thực tế, đã đưa nước ta gia nhập vào phe dân chủ thế giới. Năm 1951, một đợt sinh hoạt chính trị mới lan nhanh trên cả nước. Đầu tiên là thành lập các Hội hữu nghi, trong đó có Hội Hữu nghị Việt-Trung do Hồ Tung Mậu là Chủ tịch Hội ra đời. Quan trọng nhất là Đại Hội II của Đảng Cộng sản Đông Dương, đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam và ra công khai hoạt động. Tại Đại hội này, Hồ Tùng Mậu được bầu làm Ủy viên dự khuyết BCHTU Đảng Lao Động Việt Nam.
Ngày 23/7/1951, Hồ Tùng Mậu hy sinh trên đường vào Liên khu IV công tác tại phố Còng, huyện Tỉnh Gia, Thanh Hóa.
Khi được tin ông hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và tự tay viết lời điếu viếng Hồ Tung Mậu:
“ Chú Tùng Mậu ơi ! Lòng ta rất đau xót, linh hồn Chú biết chăng ? Về tình nghĩa riêng- tôi với Chú là đồng chí, lại là thân thiết hơn anh em ruột. Khi hoạt động ở đất khách quê người, khi bị giam ở lao tù đé quốc, khi tranh đấu ở nước nhà…đã bao phen chúng ta đồng cam cộng khổ như tay với chân. Mất Chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một cán bộ lão luyện, đoàn thể mất một người đồng chí trung thành và tôi mất một người anh em chí thiết !Mấy nguồn thương tiếc ! Mấy nguồn thương tiếc cộng vào một lòng tôi…”
Hồ Tùng Mậu từ giã cõi đời về với cõi tiên ở tuổi 55, còn trẻ, còn nhiều năng lực cống hiến cho đất nước còn đạn bom. Công lao của ông đất nước này mãi khắc ghi và trường tồn với nong sông đất nước.
Chú thích.
1.Trong phong trào Đông du, Hồ Học Lãm được Phan Bội Châu đưa vào học quân sự tại Trường Võ bị Tôkyo, Nhật Bản cùng khóa với Tưởng Giới Thạch. Năm 1909 bị trục xuất, ông về Trung Quốc, xin vào học tại Trường quân sự Bảo Định và tốt nghiệp sĩ quan năm 1911, trở thành sỉ quan cao cấp trong quân đội Trung Quốc. Năm 1927, Tưởng làm chính biến, thay đổi đường lối chính trị, nhưng Ông vẫn được nể trọng và được điều về làm việc trong Bộ Tổng tham mưu quân đội. Từ đó, gia đình ông là điểm hẹn của các nhà cách mạng Việt Nam từ thế hệ Phan Bội Châu đến thế hệ Nguyễn Ái Quốc.
2. Nguyễn Thành, Phạm Xanh… Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Nxb Thông tin lý luận, HN, 1985, tr, 68.