Văn hoá học đường

Một cách nhìn khác về truyền thống hiếu học

Truyền thống hiếu học vẫn luôn được khẳng định là tài sản tinh thần to lớn của dân tộc Việt. Nhưng tại sao một dân tộc được xem là hiếu học lại có những vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực giáo dục mà các chuyên gia hàng đầu của đất nước đã tốn rất nhiều giấy mực và công sức vẫn chưa có những giải quyết triệt để. Phải chăng, có những hạn chế trong chính truyền thống hiếu học của dân tộc, mà nếu không nhìn nhận thấu đáo để có những quyết sách đúng đắn, thì những chủ trương đổi mới và chấn hưng nền giáo dục khó lòng có kết quả tốt?

Truyền thống hiếu học của nước ta hình thành cùng chế độ khoa cử dưới thời phong kiến mà tư tưởng chủ đạo chi phối những người đi học là Nho giáo. Tiếp đó, thông qua tầng lớp sĩ, Nho giáo chiếm vị trí hàng đầu trong đời sống tư tưởng người Việt. Chính chế độ khoa cử thời phong kiến và tư tưởng Nho giáo đã góp phần tạo nên truyền thống hiếu học của dân tộc ta. Chế độ khoa cử là công cụ tuyển chọn nho thần cho đất nước. Nho thần là chỗ dựa hàng đầu của vương quyền. Đại biểu của Pháp gia là Hàn Phi đã chỉ rõ rằng vua không thể tin tưởng vào quý tộc cùng hoàng thân quốc thích, vì đó đều là những người đầu tiên mong vua chết hoặc có khả năng cao nhất cướp đoạt ngai vàng. Thế nên, ông vua chuyên chế chỉ có thể tin tưởng nhà Nho vì họ là những người có tài nhưng xuất thân nghèo khó, ít thế lực, chỉ lo cúc cung tận tụy chứ không có khả năng tranh đoạt ngai vàng. Quyền lợi và địa vị mà nhà Nho có được cũng nhờ vào “ơn mưa móc” của thiên tử. Cũng do mục đích quan trọng nhất của chính sách tôn Nho là giữ vững vương quyền nên trong hai lựa chọn giữa người tài và người biết phục tùng thì người luôn phục tùng vương mệnh vẫn có phần được ưu ái hơn.

Nho giáo lấy mô hình gia đình để hình dung quốc gia và vũ trụ. Tất cả các quan hệ xã hội đều được quy về quan hệ gia đình, mà bản chất của quan hệ gia đình là thích êm ấm, trọng hòa khí, ngại va chạm đấu tranh. Điều này kết hợp với kiểu dùng người vừa nói trên tạo ra ở nhà Nho một lối sống và cách hành xử theo kiểu điều hòa mâu thuẩn mà không chủ trương đấu tranh đến cùng để chân lý được thực thi. Đây là lý do dẫn đến sự trì trệ cho bộ máy nhà nước lẫn tiến bộ xã hội. Với các nhà Nho có học vấn uyên thâm nhất cũng khó lòng khắc phục giới hạn này.

Thứ hai, để bảo vệ ngai vàng, các ông vua chuyên chế đã đẩy mạnh sự phân hóa nhân dân thành bốn đẳng cấp là sĩ, nông, công, thương. Kẻ sĩ – người có học là đẳng cấp đứng đầu tứ dân, và có khả năng cao nhất trong việc gia nhập vào hàng ngũ thống trị. Kế đến là nông dân. Nhưng nông dân lại bị cột chặt vào làng xã với chế độ hương đảng tộc cư phân biệt ngặt nghèo dân chính làng chính họ với dân ngụ cư. Họ lại không thể thâu tóm quá nhiều ruộng đất để làm giàu vì bị chế độ cấm chấp chiếm ruộng công ngăn cản. Cuộc sống của nông dân không đến nỗi cùng quẫn như nông nô của chế độ phong kiến Tây Âu nhưng cũng chỉ đủ ăn.

Thủ công nghiệp trong chế độ chuyên chế phương Đông cũng không có cơ hội để phát triển, do không thể sản xuất tập trung, không có thị trường thống nhất trên toàn quốc vì bị giới hạn bởi chế độ cát cứ làng xã. Thương nhân luôn bị xem là những kẻ buôn bán mạt nghiệp. Con đường thuận lợi nhất trong xã hội chuyên chế phương Đông chỉ có thể là đi học để làm quan, hưởng ơn vua lộc nước. Do đó nhân dân đâu đâu cũng chuộng sự học. Và khi thi đỗ, làm quan là đã thành tài. Mà thành tài thì không cần phải chí thú với việc học nữa. Vậy mới có sự sang ngang từ học thuật sang chính trị. Do vậy, rất nhiều nhà nho, người đi học mà hầu như vắng bóng những nhà học thuật. Số người đi học thì ngày càng phát triển mà học thuật lại không mấy ai chí thú cả đời để nghiên cứu. Số lượng người đi học không phải bao giờ cũng tỉ lệ thuận với sự phát triển của học vấn quốc gia. Đó là hạn chế thứ hai của truyền thống hiếu học trong trường chi phối của chế độ chuyên chế phương Đông và tư tưởng Nho giáo.

Thứ ba, Nho giáo đề cao sự học nhưng luôn đặt “trí” sau “nhân”, và điều quan trọng nhất là quy mọi sự hiểu biết về “tri lễ”. Dùng lễ để làm thước đo cho trí là ước thúc trí vào lễ, cản trở sự phát triển của khoa học tự nhiên, không tạo môi trường cho các phát minh sáng chế được ươm mầm. Theo cố giáo sư Trần Đình Hượu thì cách hiểu về “trí” của Nho giáo “không ra ngoài phạm vi lễ và đức”. Do vậy cái học của nhà Nho là cái học từ chương khoa cử, cốt trau chuốt câu văn cho hay, vế đối cho chuẩn để đỗ đạt làm quan mà không hướng đến phát triển tri thức các ngành khoa học tự nhiên. Đó là cái học theo tinh thần “thuật nhi bất tác” nên trong suốt cả ngàn năm, chế độ chuyên chế phương Đông hầu như rất ít cho ra đời các phát minh khoa học trong khi văn chương thơ phú lại nhiều vô kể. Đó là hạn chế thứ ba của truyền thống hiếu học mà chúng ta cần xem xét.

Với ba hạn chế vừa nêu, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong giải thích các hiện tượng như nạn học thêm, luyện thi rất khó để quản lý của nền giáo dục ngày nay. Rồi vấn nạn những sinh viên đại học ra trường không thể làm tốt các công việc mà mình được đào tạo. Rồi nạn sính bằng cấp… Phải chăng đó cũng là kiểu tâm lý quyết làm “kẻ sĩ” với bất cứ giá nào? Rồi vấn nạn nhiều trường đại học được mở ra, được nới rộng quy mô nhưng xã hội vẫn thiếu các phát minh sáng chế và các nhà khoa học chuyên sâu tầm cỡ. Phải chăng đó là thái độ lấy học vấn làm phương tiện để chuyển hướng sang phấn đấu “siêu chuyên môn” như cách nói của giáo sư Hoàng Tụy? Vậy có nghĩa là, khi nhắc đến truyền thống hiếu học hay bất kì một truyền thống tốt đẹp nào của dân tộc, chúng ta cũng cần nhìn thấy cả những mặt trái, hạn chế của nó để khắc phục được các trở lực từ nó.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558409

Hôm nay

27

Hôm qua

2384

Tuần này

21968

Tháng này

225952

Tháng qua

122920

Tất cả

114558409