Tuy nhiên, khi phong trào duy tân đất nước (duy tân nói chung, không chỉ là phong trào mang tên Duy tân bắt đầu từ miền Trung) nổi lên thì chữ Quốc ngữ trở thành một công cụ được sử dụng có ý thức. Nếu tính từ khi thành lập Duy tân Hội (1904), mở đầu các phong trào duy tân – tức cũng mở đầu thời kỳ Khai sáng cho dân tộc (tương tự như thời kỳ Khai sáng ở châu Âu thế kỷ XVIII, thời kỳ Duy tân Minh trị ở Nhật Bản 30 năm cuối thế kỷ XIX) cho đến khi chữ Quốc ngữ hoàn toàn thắng thế (được đánh dấu bằng việc báo chí và sách văn học bằng chữ Quốc ngữ chiếm lĩnh diễn đàn) – giữa những năm hai mươi của thế kỷ XX – tất cả chỉ khoảng 20 năm.
Đây là cuộc chuyển đổi văn tự quốc gia mau lẹ và suôn sẻ đến ngạc nhiên, nếu ta biết rằng một cuộc chuyển giao tương tự như thế ở nhiều nước là một quá trình dài lâu, với những cuộc đấu tranh gay gắt. Chẳng hạn trường hợp Nhật Bản, phải mất 80 năm (1868 – 1946) giằng co giữa phương án Latinh hoá hay cải cách chữ Kana truyền thống. Và cuối cùng chữ Kana cải cách thắng thế chứ không phải chữ Latin hóa.
Trong bài này, chúng tôi đi tìm lý do thắng thế của chữ Quốc ngữ từ cơ sở chính trị – xã hội, văn hoá – văn học, và phần nào đó về mặt ngôn ngữ học.
1. “Sóng cách mạng bởi châu Âu dồn tới”[1] hay là nhu cầu cấp bách “mở trí khôn”
Dọc ngang trời đất rực vẻ văn minh
Tức tối nước nhà cam đường hủ bại
Đó là hai câu trong bài Văn tế của Phan Bội Châu viết về người đồng chí của mình – chí sỹ Phan Châu Trinh – nhưng cũng là tâm trạng, tư tưởng của chính Phan Bội Châu cùng tất cả thế hệ chí sỹ dấn thân cho đất nước thời đó.
Vì tức tối nước nhà cam đường hủ bại nên tháng 5-1904, Phan Bội Châu và Nguyễn Thành thành lập Duy tân Hội, với chủ trương ban đầu là đánh Pháp, giành độc lập. Đầu năm 1905, thực hiện chủ chương của Duy tân Hội, Phan Bội Châu lên đường sang Nhật Bản. Mục đích ban đầu là cầu viện (nhờ Nhật Bản giúp đỡ Việt Nam về binh lực để đánh Pháp), nhưng mục đích này mau chóng được thay đổi bằng cầu học (học lấy văn minh, nền tảng sức mạnh để giành độc lập về sau). Cuộc vận động sang Nhật cầu học phát triển thành phong trào Đông du như ta đã biết.
Đồng thời với Đông du, cũng bùng nổ phong trào Duy tân, như một hiệu ứng do Đông du kích hoạt. Phong trào bắt đầu Trung Kỳ, mau chóng lan ra Bắc Kỳ, biến thành phong trào Đông Kinh nghĩa thục (1907). Đông Kinh nghĩa thục không chỉ là chuyện mở trường học, mà đó là một phong trào cải cách toàn diện trên cả ba lĩnh vực: tư tưởng, văn hóa và giáo dục. Các trào lưu cổ động cho công cuộc Âu hóa và thay cũ đổi mới tiếp sau đó người viết bài này đều coi là trào lưu “duy tân” (không viết hoa), ví dụ tờ Đông dương tạp chí và tờ Nam Phong tạp chí.
Việc cổ động sử dụng chữ Quốc ngữ có quan hệ khăng khít với các phong trào này. Như chúng ta đã biết, vào mấy năm cuối của thế kỷ XIX, những tiếng súng Cần vương cuối cùng cũng tắt lịm. Nhưng may mắn thay, chỉ khoảng một thập niên sau đó, bỗng nhiên ý thức dân tộc bừng tỉnh. Một bộ phận sỹ phu nước ta lúc đó do tiếp xúc với “Tân thư”[2] qua sách báo Trung Quốc đã nhận ra mình là ai, Tây là ai, vì sao ta thua Tây thắng. Là vì trong thế giới “cạnh tranh sinh tồn” (mà kết quả bao giờ cũng là “ưu thắng liệt bại”) này ta yếu hèn. Mà yếu hèn là do không lo học lấy văn minh.
Nhìn sang các nước Âu – Mỹ, các sỹ phu ta thấy họ vốn cũng từ chế độ chuyên chế dã man nhưng rồi họ đã phế bỏ chế độ ấy, xây dựng chế độ dân trị. Họ khai hóa muộn mà tiến hóa nhanh, còn ta thì ngược lại, khai hóa sớm mà tiến hóa chậm (theo cách nói của sách Tân đính quốc dân độc bản, dạy trong nhà trường Đông Kinh nghĩa thục). Nhìn người hiểu ta, xã hội Việt Nam dưới mắt các chí sỹ đương thời là “một tấn xú kịch, nước không thành nước, người không thành người” (Ngô Đức Kế). Trong Thư gửi Toàn quyền Đông Dương, Phan Chu Trinh còn phân tích chi tiết cái thảm trạng nước không thành nước, người không thành người” ấy. Ông viết những lời hết sức nặng nề và đau đớn: “Cả mấy mươi triệu người như một đàn ruồi lũ kiến, không còn có chút nhân cách nào”, “Nước Nam đã lâu nay học thuyết sai lầm, phong tục hư hỏng, không có liêm sỷ, không có kiến thức, trong cùng một làng một ấp cũng xâu xé lẫn nhau”, “Than ôi, nước Nam bây giờ, dân khí thì yếu hèn, dân trí thì mờ tối, ví với các nước châu Âu châu Mỹ, cách xa không biết bao nhiêu dặm đường”.
Vậy nên muốn thay đổi thảm trạng này, không có cách nào khác là phải học Âu – Mỹ và Nhật Bản. Ngay sau khi đến Nhật Bản, Phan Bội Châu đã gửi về nước bức thư thống thiết – Hải ngoại huyết thư, trong đó ông chỉ ra sức mạnh của Nhật Bản và các nước Âu – Mỹ, đó là nhờ vào nền dân quyền: “Nhật, Anh, Đức, Pháp, Mỹ đều là những nước cường quốc, tức đều là những nước mà dân quyền được đề cao. Hình pháp, chính lệnh, thuế khóa, tiêu dùng đều do nghị viện quyết định, mà nghị viện đều do nhân dân tổ chức nên, chính phủ không được can thiệp vào”. Dân quyền do đâu mà có? Lại do dân trí mà ra. Phan Bội Châu viết trong Việt Nam quốc sử khảo (1908): “Nền cộng hoà của nước Pháp, nước Mỹ là do dân trí mà có; nền lập hiến của Nhật, Anh, Đức cũng do dân trí mà ra. Ở Nhật, Thiên hoàng phải ban chiếu lập hiến, là vì không ngăn nổi ý dân. Cho nên Dân trí có công với dân quyền lớn vậy thay”.
Chính vì vậy, các sỹ phu đương thời, dù theo xu hướng nào, cũng đều nhất trí chủ trương “Khai dân trí”, coi đó là nền tảng để đi đến độc lập, tự cường. Con đường đi đến độc lập chưa phải là cầm vũ khí đánh Pháp, mà trước hết thâu thái lấy tri thức.
Nhưng cánh cửa đi vào tri thức, trước hết là ngôn ngữ. “Tiếng và chữ của một dân tộc là cái gươm cùng cái thuẫn của dân tộc ấy” – câu tục ngữ của người phương Tây được Ngô Đức Kế dẫn lại trong bài Nền quốc văn (Hữu Thanh, 1924) – cho thấy các chí sỹ đương thời đã ý thức rất rõ vai trò của ngôn ngữ dân tộc.
Từ sáu bảy trăm năm trước, dân tộc ta đã có chữ Nôm, nhưng nó chỉ là “đặc sản” của một số rất ít, vì phải biết chữ hán mới học được chữ Nôm được. Cho nên lúc này các cụ chỉ nghĩ đến nền quốc văn bằng chữ Quốc ngữ mà thôi.
Như trên đã nói, chữ Quốc ngữ đã được dùng ở Nam Kỳ từ ba mươi năm trước. Nhưng ý thức về chữ Quốc ngữ trong giai đoạn này, nhất là ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ khác nhiều với ở Nam Kỳ trước đây. Về việc này có thể tham khảo ý kiến của nhà văn Hoàng Tiến: “Trong Nam, chữ Quốc ngữ chỉ như chiếc cầu nối, để bước sang học tiếng Pháp dễ dàng hơn, để dễ dàng được nhận vào làm việc và dễ dàng được du học sang Pháp. Nó khác với tình hình ngoài Bắc đầu thế kỷ XX, là một sự bức bách, một nhu yếu phương tiện cần thiết để chuyển tải những điều mới lạ của Phương Tây cho đông đảo quốc dân, một lối thoát cho tư duy tù túng bởi lối Nho học từ chương mòn sáo mà chữ Hán là công cụ thống trị hàng ngàn năm”[3]. Tất nhiên ở Nam Kỳ còn có thêm lý do thực dân Pháp bắt bỏ chữ Hán để chuyển sang Quốc ngữ, nhưng lý do như Hoàng Tiến đưa ra quan trọng hơn, như lời cổ động học chữ Quốc ngữ dưới đây:
Cuộc hoàn hải liệt cường tranh cạnh
Mở trí khôn giàu mạnh dường bao
Nước ta học vấn thế nào
Chẳng lo bỏ dại, lẽ nào đặng khôn
Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước
Phải đem ra tính trước dân ta
Sách nước ngoài sách Chi-na
Chữ kia chữ nọ dịch ra tỏ tường.
(Trần Quý Cáp)
2. “Tân vận hội” cho chữ Quốc ngữ: cuộc mưa Âu gió Mỹ cùng chính sách “khai hóa” của thực dân
Trong hồi ký Cỏ dại, Tô Hoài kể rằng hồi đầu thế kỷ XX, ở Hà Nội lưu truyền mấy câu văn vần:
Ông Tây ngồi nghĩ cũng tài
Sinh ra đèn máy thắp hoài năm canh
Ông Tây ngồi nghĩ cũng sành
Sinh ra đèn điện chạy quanh phố phường.
Như vậy, sang đầu thế kỷ XX, người dân Việt Nam cũng đã chấp nhận văn minh Pháp, không còn thái độ kỳ thị như buổi đầu. Người Việt Nam thấy người Pháp không chỉ đem đến bóc lột và áp bức mà còn đem đến “nhiều cái hay của cuộc đời mới” (chữ của Hoài Thanh) nên sẵn sàng hoà nhập, tận dụng những gì có lợi cho mình. “Cái hay của cuộc đời mới” trước hết đó là lần đầu tiên xứ sở này xuất hiện các yếu tố của một xã hội hiện đại: nhà máy, ô tô, xe lửa, trường đại học, viện nghiên cứu, trạm khí tượng, nhà băng, nhà thương,… Người Pháp cũng biết dựa vào “mặt bằng” tương đối cao của người Việt Nam (so với các thuộc địa khác của họ) để khai thác sao cho tốt nhất[4]. Vì vậy, giới trí thức nắm ngay lấy cơ hội này. Chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của Phan Châu Trinh là một cách khôn ngoan để vừa chấn hưng đất nước, vừa tránh đối đầu với thực dân Pháp. Phan Bội Châu từ sau thế chiến thứ nhất cũng chủ trương “Pháp Việt đề huề” (Việt Nam thôi không chống người Pháp nữa, trái lại, dựa vào Pháp để cầu tiến bộ). Lớp trí thức đi sau như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh thì trước sau chủ trương chỉ làm văn hóa nên càng có điều kiện tung hoành trên trường ngôn luận.
Mặt khác, sau khi triều Nguyễn đầu hàng theo điều ước Harmand (1883), thực dân Pháp vẫn không lúc nào được yên bởi tinh thần chiến đấu bất khuất của nhân dân ta[5]. Họ cũng thấy không thể cai trị mãi bằng áp chế và ngu dân. Một số toàn quyền Đông Dương là những chính khách lớn, đã tính đến một Đông Dương ổn định và phát triển[6]: Paul Bert, Paul Dumer, Albert Sarraut, Alexandre Varenne,…. là những người như vậy. Trong phiên toà đề hình xử cụ Phan Bội Châu, trạng sư Bona đã dẫn lời Varenne: “Nếu chính sách của ta ở Đông Dương không kịp đem một cái tinh thần mới là cái tinh thần hoà bình, công chính, cải lương mà sửa đổi lại, thì chỉ nay mai là gặp những biến động chẳng khác gì ở Moroc”.
Cũng có thể ghi lại đây thêm chút “công” nữa của chính quyền thực dân (dù mục đích của họ có khi chỉ để triệt tiêu văn hóa truyền thống), đó là bãi bỏ các kỳ thi Hán học (Bắc Kỳ năm 1915, Trung Kỳ năm 1918). Việc này làm kết thúc nhanh vai trò của chữ Hán, buộc những ông nghè, ông cống phải “đổi bút lông ra bút sắt”, nếu không muốn trở nên vô dụng. Tuy nhiên điều quan trọng hơn, nền quốc văn mới được xây dựng không phải từ số không mà từ sự kế thừa các di sản. Trên báo Hữu Thanh năm 1924, cụ ngô Đức Kế đã viết: “Ôi, nền quốc văn! Đang lúc nền Hán văn chưa đổ hết, nền Pháp văn chưa vững vàng, mà vun đắp nền quốc văn này thực là dịp gặp thời, không phải tìm tài liệu ở đâu xa, không phải phí công trình cho trọng đại. Lấy cái tinh thần trong Hán văn làm đất cát, lấy cái trí thức trong Pháp văn làm gạch đá, mà lấy chữ Quốc ngữ làm vôi hồ, thực là một cái nền tốt đẹp cho mấy mươi triệu con Hồng cháu Lạc cất nhà xây vách ở trên ấy”.
Do những điều kiện như vậy, nhìn chung, các học giả không bị nhiều áp lực từ chính quyền. Cuộc chung đụng Âu - Á không phải là không có cái khó chịu của thời buổi “Tây Tàu nhố nhăng”, nhưng nhìn chung là một cuộc cọ sát đem lại nhiều kết quả theo hướng tiến bộ. Không kể lớp Tây học không vướng bận với quá khứ, ngay cả lớp cựu học, trong đó có nhiều nhà cách mạng thất thế, cũng tham gia rất tích cực. Tiêu biểu là các cụ Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng sau khi ra tù đã trực tiếp mở tòa báo; cụ Phan Bội Châu, trong suốt 15 năm còn lại của cuộc đời, tuy bị giam lỏng ở Huế, nhưng vẫn góp sức hết sức lớn lao trên diễn đàn tư tưởng và văn hóa. Trẻ hơn lớp chí sỹ này một chút là hàng loạt các nhà cựu học lẫn tân học, đã chọn văn chương, báo chí làm sự nghiệp chứ không chọn ngạch quan trường: Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Trúc Khê, Nguyễn Đỗ Mục, Tản Đà, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phan Khôi, v.v..
Tóm lại, lợi dụng cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, tận dụng một số chính sách tiến bộ của một số quan cai trị Pháp, trong đó có sự nới lỏng các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, các trí thức thời đó đã đồng thời làm được hai việc: khai dân trí và tiến hành thắng lợi một cuộc cách mạng về chữ viết.
3. Xóa vòng kim cô “tiếng, chữ khác nhau”, mở đường tăng tốc lịch sử dân tộc
Chúng ta trở lại so sánh sự khả dụng của chữ Hán và chữ Quốc ngữ đối với người Việt Nam.
Đã hàng nghìn năm người Việt sử dụng chữ Hán. Nhưng việc dùng chữ Hán của người Việt khác hẳn người Trung Quốc. Đối với người Trung Quốc, chữ Hán song hành với tiếng Hán, còn chúng ta viết chữ Hán nhưng nói tiếng Việt, dẫn đến tiếng nói một đằng, chữ viết một nẻo. Chữ Hán với người Việt trở thành một thứ tử ngữ. Dễ hiểu vì sao các cụ ngày xưa khi viết văn chương bằng chữ Hán nặng về mô phỏng văn chương Trung Quốc mà không thể đưa vào đó lời ăn tiếng nói hằng ngày của người Việt Nam.
Để thoát khỏi thứ chữ Hán tử ngữ đó, chữ Nôm thì rất khó như trên kia đã nói, cho nên chỉ có dùng chữ Quốc ngữ là tiện lợi nhất. Nó ghi lại được tất cả các tiếng (âm tiết) của tiếng Việt mà chỉ bằng một số ký tự Latin.
Một số nhà Việt ngữ học thường cho rằng chữ Quốc ngữ được lựa chọn trong buổi giao thời chỉ vì nó dễ học (so với chữ Hán, chữ Pháp). Điều đó hiển nhiên đúng, tuy nhiên, điều này quan trọng hơn: chữ Quốc ngữ là chữ ghi lại tiếng nói dân tộc, làm cho chữ với tiếng là một[7]. Trong quan hệ với tiếng nói dân tộc, nó khác hẳn chữ Hán về bản chất: chữ Quốc ngữ gắn với tiếng nói hằng ngày của người Việt, luôn luôn sinh động và phát triển, điều không thể có nếu dùng chữ Hán. Nên biết rằng vào những năm hai mươi của thế kỷ XX, ở Trung Quốc có phong trào văn học mới, chuyển từ “văn ngôn” sang “bạch thoại”, tức là bỏ lối văn chương cũ đầy những tư tưởng trừu tượng, những ngôn từ khuôn sáo sang văn chương giàu tính hiện thực, đưa ngôn ngữ đời sống vào văn học. Việc đó không thể diễn ra đối với văn học Việt Nam nếu sử dụng chữ Hán. Thực ra điều này các học giả đương thời cũng đã ý thức được. Nguyễn Văn Vĩnh viết trên Đăng Cổ Tùng Báo, 1907: “Như nước Nam ta có học hành đã mấy nghìn năm nay, mà tư tưởng vẫn hẹp hòi, người vẫn ngu dốt, cũng vì tại đi học chữ mượn. Một người cầm quyển sách đọc mà có hiểu ra nữa, thì cũng chỉ hiểu lấy một mình, nữa huống chi là lõm bõm chữ biết chữ không. Mà sự không hiểu ấy, có phải tại ngu độn gì. Tiếng tổ tiên mình, tiếng mẹ ru, nhời vú nói với mình, từ thuở biết ngồi, mà học được hay cũng còn khó thay, nên huống chi là đi học chữ người (…) Như thế thì học làm sao cho thông được!”
Cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh cũng là người xông xáo trên cả trước tác bằng văn Quốc ngữ (dịch thuật, giới thiệu, khảo cứu, viết du ký,...), lẫn phương diện lý luận về vai trò của chữ Quốc ngữ. Ngay Nam Phong số đầu tiên (1917), ông đã đặt vấn đề xây dựng nền văn tự Quốc ngữ là nhiệm vụ cao cả của tờ báo: “Vấn đề quan trọng nhất trong nước ta ngày nay là vấn đề văn Quốc ngữ. Vấn đề ấy có giải quyết được thì sự học mới có thể tấn tới, dân trí mới có thể mở mang, bước tiến hoá sau này mới có thể mong mỏi được. Đến ngày chữ quốc ngữ dùng làm quốc văn được thì người nước Nam mới thâu thái được các khoa học mới mà gây thành một nền học thích hợp với trình độ, mới phát biểu được tinh thần cốt cách của mình. Nói rút lại, Quốc ngữ có phát đạt thì nền quốc học mới gây dựng được, quốc dân ta mới không đến nỗi chung kiếp đi học mượn, viết nhờ như từ trước đến nay”.
Khoảng bốn mươi năm sau (1961), Phạm Thế Ngũ làm sáng tỏ thêm luận điểm của hai cụ Quỳnh, Vĩnh khi phân tích những hạn chế trong nghệ thuật văn chương chữ Hán của ông cha ta: “Lý do chính vẫn là mình sử dụng một thứ chữ không phải của nước mình. Người mình tất không dám đặt ra những từ ngữ, thành ngữ Hán văn mới. Thi gia mình tất không dám tự ý sáng tạo ra những thể cách diễn bằng chữ Hán khác người Tàu. Có khi chỉ vì sợ người ta chê cười”[8].
Thay lời kết, chúng tôi muốn độc giả hình dung nền văn chương Việt bằng Quốc ngữ, ngay khi còn non trẻ, đã có ưu thế so với văn chương chữ Hán qua việc so sánh một đoạn trong bài thơ Ái quốc ca (1911) của Phan Bội Châu, giữa bản chữ Hán và bản tiếng Việt, cũng do chính cụ viết (hoặc dịch), có thể coi là hai bài cũng được:
Bản chữ Hán (phiên âm):
Ngô hà ái?
Ái ngô quốc
Ngô quốc tứ thiên niên
Sơn hà biểu lý kim âu tuyền
Hùng Vương triệu tạo hất Lê Nguyễn
Mộc vũ trất phong di ngã tiên
Ngã tiên kinh doanh lao thả khổ
Vạn lũ can trường nhất thốn thổ
Nhất thốn sơn hà nhất thốn kim…
(Dịch nghĩa: Ta yêu gì/ Ta yêu nước ta/ Nước ta bốn ngàn năm, núi sông trong ngoài toàn vẹn như chiếc lọ vàng/ Từ Hùng vương gây dựng cho đến triều Lê, triều Nguyễn/ Tổ tiên ta vất vả dãi gió dầm mưa/ Tổ tiên ta sửa sang gian lao khổ cực/ Một tấc đất là muôn mối ruột gan/ Một tấc non sông là một tấc vàng)
Bản tiếng Việt:
Nay ta hát một thiên ái quốc
Yêu gì hơn yêu nước nhà ta
Trang nghiêm bốn mặt sơn hà
Ông cha để lại cho ta lọ vàng
Trải mấy lớp tiền vương dựng mở
Bốn nghìn năm dãi gió dầm mưa
Biết bao công của người xưa
Gang sông tấc núi dạ dưa ruột tằm…
Rõ ràng ta thấy bài thứ nhất trang nghiêm cổ kính nhưng hơi khô khan, trong khi bài thứ hai “nôm na” nhưng biểu cảm, vì nó gần gũi lời ăn tiếng nói của người Việt Nam.
[1] Thơ Phan Bội Châu trong Văn tế Phan Chu Trinh (1926).
[2] Thực ra, một vài nho sỹ thế kỷ XIX đã tiếp xúc với “Tân thư”, tiêu biểu là Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Lộ Trạch, nhưng những đề xuất của họ bị các vua quan triều Nguyễn cổ hủ và ngu muội bỏ ngoài tai.
[3] Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX, Quyển 1, NXB Lao động, 1994, tr.90.
[4] Ví dụ, Viện Paster Sài Gòn thành lập từ năm 1891, sau viện Paster Pháp có 3 năm, là viện Paster ở hải ngoại đầu tiên của Pháp. Sau Viện Paster Sài Gòn, người Pháp còn thành lập Viện Paster Nha Trang (1895) do nhà bác học lỗi lạc Yersin đứng đầu. Nghĩa là Việt Nam phải ở một “tầm” như thế nào so các thuộc địa khác của Pháp thì người Pháp mới đầu tư như vậy.
[5] Phong trào Cần Vương ba thập niên cuối thế kỷ XIX, Phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ (1908), Vụ Hà Thành đầu độc (1907), Vụ ném tạc đạn vào khách sạn ở Hà Nội và Thái Bình (1913), Khởi nghĩa binh lính Thái Nguyên (1917), Vụ mưu sát toàn quyền Merlin (1924),v.v..
[6] Vài ví dụ: Paul Doumer (1897 – 1902) là một chính khách ngoại hạng, ông rất chú trọng xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở cho Đông Dương, về sau ông là tổng thống Pháp, uy tín tới mức lúc mất, người Pháp định mang thi hài ông táng trong điện Panthéon (nhưng vợ ông không đồng ý). Jean Beau (1902 – 1907) có tinh thần cấp tiến và mềm mỏng, chủ trương khai hóa dân trí, thành lập các trường học, y tế cục, bệnh viện, giúp đỡ dân nghèo. Ông cố gắng kiềm chế thanh niên xuất dương bằng cách thành lập trường đại học, Hội đồng Tư vấn Bắc kỳ và các hội đồng tỉnh, hạt. Albert Sarraut (1911 – 1918) được đánh giá là một chính khách lỗi lạc, sau làm Bộ trưởng Thuộc địa và đắc cử thủ tướng Pháp hai nhiệm kỳ. Sarraut thuộc Đảng Cấp tiến Pháp, chủ trương làm đúng tinh thần liên hiệp, cho tổ chức lại trường đại học, mở thêm các trường học các cấp, nới rộng các hội đồng quản trị cho người Việt tham gia. Maurice Long (1919 – 1923) cũng có chính sách mềm mỏng tương tự Sarraut. Alexandre Varenne (1925 – 1928) là một người có ý thức nhân đạo. Ông cho tiêm phòng dịch tả, cải cách các trường học, ân xá cho Phan Bội Châu vừa bị tuyên án tử hình, lập viện Dân biểu Bắc kỳ và Trung kỳ, cho người Việt có bằng cấp tương đương có quyền nắm giữ các chức vụ như người Pháp, thành lập Bình dân Nông phố Ngân quỹ để giúp đỡ nông dân.
[7] Tất nhiên chữ Nôm cũng có khả năng này, nhưng chữ Nôm mắc phải vấn đề cấu tạo rắc rối, và nhất là nó mượn từ chữ Hán, cho nên phải biết, thậm chí phải giỏi chữ Hán mới dùng được chữ Nôm.
[8] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 1, 1961, NXB Đồng Tháp tái bản, 1996.