Những góc nhìn Văn hoá

Xô viết Nghệ Tĩnh - Ý nghĩa lịch sử và định hướng thực tiễn xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc

Cách đây 92 năm, với khí thế tiến công thần tốc, Nhân dân ta đã làm nên một cao trào cách mạng vô cùng mạnh mẽ - cao trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh. 92 năm năm đã trôi qua, nhưng âm hưởng, hào khí của Xô viết Nghệ - Tĩnh vẫn vang mãi bản anh hùng ca cách mạng Việt Nam. Tinh thần Xô viết Nghệ - Tĩnh không chỉ tạo đà để toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng giành được những thắng lợi vĩ đại trong thế kỷ XX, mà còn tạo niềm tin và động lực để toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước trong bối cảnh hiện nay

Tinh thần quật khởi của Xô viết Nghệ Tĩnh

Từ năm 1858, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược và từng bước chúng đặt ách đô hộ tại nước ta, Nhân dân ta sống trong cực khổ, lầm than, dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 3-2-1930), dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của Nhân dân bùng lên mạnh mẽ từ đầu năm 1930 trên khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Nhân ngày 1-5-1930, Trung ương Đảng chủ trương phát động phong trào đấu tranh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên ở Việt Nam. Phong trào đã diễn ra trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó Nghệ An, Hà Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất.

Ngày 1-5-1930, hơn 1.200 nông dân các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên (Nghệ An) đã kéo vào thành phố kết hợp với công nhân Vinh - Bến Thủy đòi thực dân Pháp thực hiện các yêu sách như: tăng lương, giảm sưu thuế, ngày làm việc 8 giờ, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy dệt Nam Định, ủng hộ Liên bang Xô Viết... Cũng trong ngày 1-5-1930, ở Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, nổ ra cuộc biểu tình của 3.000 nông dân đấu tranh phá đồn điền Ký Viễn, tịch thu ruộng đất chia cho nông dân. Ngày 1-8-1930, hơn 500 nông dân Can Lộc (Hà Tĩnh) biểu tình kéo vào huyện đường đưa yêu sách. Nông dân các huyện Nghi Xuân, Hương Khê, Đức Thọ, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tập trung mít tinh, tuần hành qua các làng. Ngày 30-8-1930, hơn 3.000 nông dân huyện Nam Đàn (Nghệ An) kéo về huyện đường phá nhà giam, giải thoát tù nhân, thiêu hủy giấy tờ sổ sách và bắt tên tri huyện ký nhận vào bản yêu sách của Nhân dân.

Phong trào đấu tranh ngày càng lan rộng, ngày 1-9-1930, trên 2 vạn nông dân 5 tổng (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) biểu tình kéo về huyện lỵ, phá nhà giam giải phóng tù nhân và thiêu hủy toàn bộ huyện đường, sau đó về các làng trừng trị bọn tổng lý phản động, làm chủ thôn, xã. Cuộc biểu tình này được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô viết ở Nghệ Tĩnh. Tiếp sau đó, làn sóng biểu tình của quần chúng bao vây huyện đường liên tiếp nổ ra. Phong trào công - nông Nghệ Tĩnh phát triển lên đỉnh cao.

Trong các ngày 7 và 8-9-1930, Nhân dân các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên biểu tình kéo về huyện đường Cẩm Xuyên. Nhân dân các huyện Anh Sơn, Kỳ Anh, Nghi Lộc liên tiếp giành thắng lợi trong các ngày 9 và 10-9-1930. Đặc biệt là cuộc biểu tình ngày 12-9-1930, khoảng 8.000 nông dân hai huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Hưng Nguyên, đã kéo đến ga Yên Xuân, phá hủy đường dây điện tín, bắt viên ký ga, sau đó tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên. Hoảng sợ, thực dân Pháp đã cho máy bay ném bom và bắn vào đoàn biểu tình, làm 217 người chết, 125 người bị thương.

Mặc dù vậy, suốt trong tháng 9, tháng 10-1930, nông dân các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu (Nghệ An), Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã đấu tranh phá huyện lỵ, phá đồn điền của Pháp. Công nhân Vinh - Bến Thủy bãi công trong suốt hai tháng liền để ủng hộ phong trào nông dân...

Chỉ từ 1-5-1930 đến đầu năm 1931, phong trào đấu tranh của công - nông hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã lan rộng từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền núi, làm cho bộ máy chính quyền của thực dân và phong kiến tay sai ở nhiều huyện tê liệt. Các tổ chức đảng ở địa phương đã lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, tự đứng ra quản lý xã hội. Các ban chấp hành Nông hội đỏ do các chi bộ đảng lãnh đạo đứng ra quản lý mọi mặt đời sống chính trị - xã hội ở nông thôn và làm nhiệm vụ của chính quyền Nhân dân theo hình thức Xô viết.

Như vậy, có thể thấy, các “làng đỏ” đã hình thành ở một số vùng nông thôn Nghệ - Tĩnh. Tại Nghệ An, sau các cuộc biểu tình quyết liệt đầu tháng 9/1930, chính quyền Xô viết  hình thành ở gần như khắp các làng, xã của huyện Thanh Chương, Nam Đàn và nhiều vùng khác thuộc Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Anh Sơn… Còn ở Hà Tĩnh, các Xô viết cũng xuất hiện ở nhiều xã của huyện Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân… Trong các Xô viết, quần chúng nhân dân tự tổ chức, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội và đó chính là những Xô viết đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam - Xô viết Nghệ - Tĩnh.

Trước thực tế phong trào phát triển mạnh mẽ ở Nghệ - Tĩnh, nhất là việc bạo động lập Xô viết, Trung ương Đảng nhận định chủ trương đó là “chưa đúng hoàn cảnh vì trình độ dự bị của Đảng và quần chúng trong nước chưa đủ, vũ trang bạo động cũng chưa có - bạo động riêng lẻ trong vài địa phương trong lúc bấy giờ là quá sớm, là manh động”[1]. Cho nên, “những chỗ đã lập Xô viết rồi phải huấn chỉnh cho chu đáo, làm sao cho các hạng cố, bần, trung nông hết sức ủng hộ Xô viết và cho Xô viết là chính quyền của mình mới được. Mỗi việc trong làng đều lấy danh nghĩa Xô viết chớ không bao giờ lấy danh nghĩa đảng hay nông hội”[2]. Đồng thời, Trung ương cũng chỉ thị các cấp ủy đảng hai tỉnh vừa phải tiếp tục duy trì ảnh hưởng của Đảng, của các Xô viết trong lòng quần chúng vừa phải “tổ chức lại huyện bộ và cán sự chi bộ dự bị bí mật, còn những đảng bộ bây giờ thì cứ hoạt động công khai”. 

Thành quả của chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh

Xô viết Nghệ - Tĩnh là kết quả cao trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân và tại các “làng đỏ” - các Xô viết, Ban Chấp hành Nông hội đỏ (xã bộ nông) đã lãnh đạo quần chúng thực thi một số biện pháp đầu tiên của chính quyền cách mạng: 1) Chính quyền thực dân và những luật lệ cũ bị xóa bỏ, thực hiện quyền tự do, dân chủ cho Nhân dân và mọi người dân đều được tự do thảo luận và góp sức vào công việc chung; 2) Thi hành tịch thu ruộng đất công, tiền, lúa công để chia cho dân cày nghèo; bãi bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò, thuế muối, xóa nợ cho người nghèo, thực hiện giảm tô…; 3) Quần chúng nhân dân được hưởng cuộc sống mới; sách, báo và tài liệu của cách mạng được phổ biến rộng rãi. Việc học chữ quốc ngữ được coi trọng gắn với đẩy mạnh phong trào bài trừ hủ tục mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội; 4) Các đội tự vệ đỏ được thành lập để bảo vệ chính quyền nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự, trấn áp kẻ thù, chống khủng bố. Các tổ chức quần chúng hoạt động động mạnh, trong đó phụ nữ và thiếu niên tham gia sinh hoạt đoàn thể và nhiều hoạt động xã hội như tự vệ, liên lạc, tuyên truyền, cổ động, rải truyền đơn… 5) Tình làng, nghĩa xóm gắn kết chặt chẽ; trong đó, nhiều hội ái hữu, tương tế được thành lập; người neo đơn, ốm đau được chăm sóc…Cụ thể:

Về chính trị, Xô viết Nghệ Tĩnh đã phá bỏ được bộ máy chính quyền của thực dân phong kiến ở thôn, xã. Nông hội Đỏ đã buộc bọn lý trưởng nộp sổ sách, con dấu cho chính quyền Xô Viết.

Chính quyền Xô viết đã ban bố quyền tự do dân chủ cho Nhân dân trong làng như: tự do hội họp, tự do học chữ và tự do tham gia vào các đoàn thể cách mạng.

Về kinh tế, chính quyền Xô Viết tịch thu ruộng đất công, tiền, lúa công chia cho dân nghèo.

Xô viết bãi bỏ các thứ thuế như: thuế thân, thuế muối, thuế chợ, thuế đò; buộc các tổng lý phải trả lại cho dân khoản tiền đã thu, các chủ nợ phải xóa nợ cho người nghèo, chủ ruộng phải giảm tô chính, bỏ tô phụ cho nông dân. Xô viết quy định mức tiền công cho người đi làm thuê và thực hiện chế độ ngày làm 8 giờ. Chính quyền Xô viết tổ chức ra các phường, hội để giúp đỡ nhau làm ăn

Về quân sự, từ tháng 9-1930, chính quyền Xô viết đã thành lập được 411 đội Tự vệ đỏ với 9.114 đội viên, trong đó có 322 đội viên tự vệ cảm tử. Tự vệ đỏ có nhiệm vụ tuần tra canh phòng bảo vệ các cuộc hội họp của Đảng, tính mạng và tài sản của Nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự xóm làng, xung kích trong các cuộc biểu tình.

Về văn hóa - xã hội: Chính quyền Xô viết tổ chức dạy chữ quốc ngữ cho Nhân dân, có 13.592 người đi học với 886 lớp và 553 giáo viên. Đồng thời tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ để tuyên truyền tinh thần yêu nước cho Nhân dân; bài trừ những hủ tục mê tín dị đoan, nạn cờ bạc, rượu chè...

Trước những thành quả của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách “khủng bố trắng” nhằm đàn áp, dập tắt phong trào cách mạng ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Để bảo vệ cơ sở đảng và bảo toàn lực lượng cách mạng, Tỉnh ủy Nghệ An và Hà Tĩnh đã chủ trương rút lui vào hoạt động bí mật.

Xô viết Nghệ Tĩnh - Ý nghĩa lịch sử và định hướng thực tiễn trong xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam hùng cường hiện nay

Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, song Xô viết Nghệ Tĩnh đã có những giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn: Xô Viết Nghệ Tĩnh là cao trào cách mạng đầu tiên của quần chúng công - nông ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân Việt Nam đã khẳng định được vai trò, vị trí lãnh đạo của mình trong thực tế.

Xô viết Nghệ Tĩnh là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam, là thiên anh hùng ca bất diệt trong chương đầu “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng Cộng sản Việt Nam, là một trong những trang tiêu biểu nhất của khí phách anh hùng muôn thuở của dân tộc Việt Nam. Gọi là cuộc tổng diễn tập bởi vì qua cao trào này, một loạt vấn đề cơ bản về đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng được thử thách và đã đem lại những kinh nghiệm bổ ích cho tiến trình cách mạng tiếp theo.

Thắng lợi nhất của Đảng ta trong phong trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh là đã xây dựng được khối liên minh công - nông vững chắc. Xô viết Nghệ Tĩnh cổ vũ mạnh mẽ Nhân dân ta, chủ yếu là công nhân và nông dân, làm cho họ thấy có đủ khả năng lật đổ ách thống trị của thực dân và phong kiến, xây dựng xã hội mới.

Xô viết Nghệ Tĩnh là hiện tượng độc đáo trong phong trào giải phóng dân tộc toàn thế giới, gây tiếng vang trong toàn quốc và làm chấn động dư luận quốc tế. Thể hiện ý chí kiên cường và tinh thần bất khuất của một dân tộc thuộc địa, khiến cho những dân tộc cùng chung số phận thấy được vai trò lịch sử của mình, càng tin tưởng ở khả năng sáng tạo lịch sử của những người cách mạng. Lần đầu tiên ở nước ta, vấn đề nông dân trở thành một nội dung quan trọng trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và cũng là lần đầu tiên vấn đề phản phong được đề cập đến. Phong trào cách mạng 1930-1931 đã đào tạo cho cách mạng nước ta một đội ngũ cán bộ rất lớn, vững vàng qua thử thách ác liệt trong cuộc chiến sống mãi với kẻ thù của giai cấp và của dân tộc.

Xô viết Nghệ Tĩnh đã để lại cho Đảng ta bài học về xây dựng khối liên minh công - nông vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bài học về xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất trong đấu tranh cách mạng. Bài học về tổ chức áp dụng bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng, giành và giữ chính quyền. Bài học về xây dựng Đảng vô sản kiểu mới của giai cấp công nhân, xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân. Xô viết Nghệ - Tĩnh còn cho thấy sự sáng tạo của quần chúng nhân dân trong việc vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức và đấu tranh bảo vệ chính quyền qua các giai đoạn khác nhau của phong trào. Bài học về phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bài học lớn bao trùm đó là sự khẳng định dứt khoát vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng tiên phong đối với cách mạng Việt Nam.

92 năm đã trôi qua, nhưng âm hưởng, hào khí của Xô viết Nghệ - Tĩnh vẫn vang mãi bản anh hùng ca cách mạng Việt Nam. Tinh thần Xô viết Nghệ - Tĩnh không chỉ tạo đà để toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng giành được những thắng lợi vĩ đại trong thế kỷ XX, mà còn tạo niềm tin và động lực để toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước trong bối cảnh hiện nay. Những bài học đúc kết được từ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cao trào 1930-1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần tiếp tục được chắt lọc, vận dụng trong lãnh đạo xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu giữa thế kỷ thứ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; qua đó, xây dựng thành công một Việt Nam: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

92 năm đã trôi qua nhưng với những ý nghĩa to lớn của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, tinh thần, hào khí của Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn bất diệt. Xô viết Nghệ Tĩnh không chỉ đồng hành cùng Nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao niềm tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; qua đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; góp phần thống nhất ý chí, tư tưởng để xây dựng nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn và ước vọng của toàn dân tộc để tiếp tục giành thắng lợi to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1998, t.2, tr. 83.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1998, t.2, tr. 84.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511017

Hôm nay

216

Hôm qua

2359

Tuần này

21391

Tháng này

217890

Tháng qua

121356

Tất cả

114511017