Diễn đàn
Cần hiểu đúng về phát triển du lịch trải nghiệm
Lâu nay, người ta vẫn hiểu du lịch trải nghiệm theo một cách hời hợt, đơn giản là tạo môi trường và điều kiện để du khách có thể tham gia vào một số hoạt động với người dân địa phương. Có thể đó là các hoạt động trong sinh hoạt sản xuất, hay trong sinh hoạt văn hóa, thậm chí là các sinh hoạt xã hội. Hiểu như vậy không sai nhưng không đầy đủ và dễ rơi vào việc giản đơn hóa một khái niệm quan trọng, làm chệch hướng mục tiêu của du lịch trải nghiệm.
Trải nghiệm không chỉ/phải là các hoạt động đơn thuần mang tính chất thể nghiệm. Một du khách hay rộng hơn là những cá thể ngoài cộng đồng không phải cứ tham gia vào một hai hoạt động sinh hoạt cùng với người bản địa hay người trong cộng đồng thì có nghĩa là trải nghiệm. Dù rằng, muốn trải nghiệm thì phải tham gia vào các hoạt động cùng/với cộng đồng. Nhưng trải nghiệm phải được hiểu một cách đúng đắn và đầy đủ hơn, đó là một quá trình để làm cho một người ngoài cộng đồng dần hòa nhập với cuộc sống cộng đồng mà họ đang muốn trải nghiệm. Đó là một quá trình chủ thể hóa những cá thể ngoài cộng đồng. Ở đây, nhấn mạnh đến “quá trình” để khẳng định đây yếu tố chủ thể hóa và khách thể hóa, hành vi hóa và nội tâm hóa. Nếu như hiểu trải nghiệm một cách đơn giản với các hành động thì nó chỉ mới là quá trình hành vi hóa, còn một quá trình quan trọng hơn là nội tâm hóa thì chưa được quan tâm. Nội tâm hóa mang đặc tính tiếp nhận giá trị văn hóa của cộng đồng chủ thể mà khách thể đang muốn trải nghiệm. Đây chính là quá trình trải nghiệm theo chiều sâu, không chỉ đơn thuần là các hành động mà là nội tâm, là nhận thức, là sự trải nghiệm trong tâm hồn, trong tinh thần của du khách.
Nghề truyền thống luôn tạo ra những trải nghiệm thú vị cho du khách (Nghề đan võng gai của người Thổ)
Du lịch trải nghiệm có thể hiểu là một quá trình mà khách du lịch được chuyển đổi từ khách thể hóa sang chủ thể hóa các giá trị văn hóa cộng đồng qua quá trình hành vi hóa và nội tâm hóa. Ở đó, du khách bước vào nền văn hóa của người địa phương một cách tự nhiên nhưng có sự chủ động và có chương trình, kế hoạch bài bản. Du lịch trải nghiệm là một quá trình cần cả sự hài hòa giữa hành vi hóa và nội tâm hóa, tức là từ tham gia vào các hoạt động văn hóa cùng với người dân địa phương đến hiểu và tiếp nhận dần những giá trị văn hóa đó một cách chủ động hơn. Như vậy, du lịch trải nghiệm là hệ thống hoạt động có tổ chức để tạo môi trường và điều kiện cho khách du lịch tham gia vào các hoạt động văn hóa xã hội cùng với người dân bản địa và từ đó tiếp cận và tiếp nhận các giá trị văn hóa của cộng đồng người bản địa một cách tự nhiên nhưng chủ động và sự tương tác của họ được dẫn dắt bởi những người làm du lịch cùng cộng đồng người dân địa phương. Với tư cách là một loại hình, một sản phẩm du lịch thì du lịch trải nghiệm cũng cần phải đặt giá trị kinh tế, giá cả trong quá trình tương tác. Nhưng giá trị của du lịch trải nghiệm còn cao hơn nữa khi nó góp phần quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương đến với du khách một cách trực tiếp nhất qua quá trình hành vi hóa và nội tâm hóa, cũng là quá trình khách thể hóa sang chủ thể hóa các giá trị văn hóa truyền thống. Vậy nên, du lịch trải nghiệm có giá trị quan trọng trong việc phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Du khách sẽ rất vui vể khi tự mình có thể tham gia với chủ nhà cùng làm món cơm lam truyền thống của người Thái và sau đó thưởng thức nó
Du lịch trải nghiệm là một quá trình văn hóa hóa khách thể, nên xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm cần phải dựa vào các giá trị văn hóa đặc trưng. Sản phẩm du lịch trải nghiệm phải hướng đến là sản phẩm đa giá trị, gắn với nhiều hoạt động khác nhau và nhiều mục tiêu khác nhau. Sản phẩm du lịch trải nghiệm chính là những tương tác để giúp cho khách du lịch hoàn thành quá trình hành vi hóa và nội tâm hóa các giá trị văn hóa của cộng đồng bản địa, từ đó giúp cho khách du lịch tiến gần hơn việc chia sẻ các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương. Mục tiêu là hướng đến hiểu biết và chia sẻ các giá trị văn hóa truyền thống nhưng nhất thiết phải được thực hiện bằng các hành vi tương tác giữa chủ thể văn hóa với các du khách và cả những bên liên quan khác như doanh nghiệp, chính quyền địa phương, du khách khác…
Đặc tính cơ bản của một sản phẩm du lịch trải nghiệm phải đáp ứng được một số tiêu chuẩn quan trọng. Trước hết là có tính bản sắc văn hóa, tức là sản phẩm đó biểu hiện được những nét đặc trưng cơ bản của bản sắc văn hóa cộng đồng. Nó cũng là sản phẩm được hình thành từ các giá trị văn hóa cộng đồng bản địa để khi người ta nhìn thấy hay nghĩ đến nó là cảm nhận được bản sắc văn hóa của cộng đồng bản địa trong đó. Thứ hai là đặc tính tương tác. Trải nghiệm là một quá trình tương tác nên sản phẩm du lịch trải nghiệm phải có đặc tính tương tác, tạo môi trường để du khách có thể tương tác với chủ thể văn hóa nhằm hoàn thành quá trình trải nghiệm của mình. Thứ ba là đặc tính chia sẻ. Sản phẩm du lịch dù thế nào đi chăng nữa cũng là một loại hàng hóa và đương nhiên nó phải có tính chia sẻ. Trước hết, sản phẩm du lịch trải nghiệm phải mang tính chia sẻ được giữa du khách và cộng đồng chủ thể. Du khách đến trải nghiệm nghĩa là được chia sẻ những giá trị văn hóa của người bản địa, qua đó cũng tương tác trở lại người bản địa. Sau nữa, sản phẩm du lịch trải nghiệm đó cũng có thể chia sẻ được giữa các du khách với nhau. Tức là qua sự chia sẻ của du khách mà các giá trị văn hóa hay sản phẩm du lịch trải nghiệm được lan tỏa nhanh hơn. Thứ tư là tính truyền thụ. Sản phẩm du lịch trải nghiệm phải có tính truyền thụ giữa các thế hệ, các cá nhân hay các nhóm với nhau thì mới có thể tiếp nối và không ngừng phát triển nhằm phục vụ du khách một cách tốt hơn. Thứ năm là tính kinh tế, đặc trưng quan trọng của một sản phẩm hàng hóa. Xét cho cùng phát triển du lịch là để tìm kiếm các giá trị kinh tế nên sản phẩm du lịch trải nghiệm cũng phải đảm bảo tính kinh tế của nó. Nghĩa là có thể luân chuyển, buôn bán và tạo ra lợi nhuận cho các bên liên quan. Và cuối cùng, sản phẩm du lịch trải nghiệm phải đảm bảo tính bền vững. Trong kỷ nguyên phát triển bền vững thì du lịch bền vững là điểm mấu chốt. Sản phẩm du lịch trải nghiệm cần có tính bền vững ở chỗ không chỉ thân thiện với môi trường, với du khách mà còn góp phần bảo tồn di sản văn hóa của cộng đồng một cách tích cực hơn.
Rượu cần luôn mang lại những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách khi về vùng dân tộc thiểu số
Vậy nên, xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm cũng cần theo một quy trình cụ thể nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản bên cạnh sự linh động khi vận dụng vào những địa phương, những cộng đồng cụ thể. Trước hết, phải xác nhận được các giá trị văn hóa cốt lõi của cộng đồng chủ thể nhằm đảm bảo tính bản sắc của sản phẩm. Đó là xác nhận về những đặc trưng văn hóa cơ bản của địa phương dựa trên hai yêu cầu quan trọng là giá trị đó còn được cộng đồng lưu giữ hoặc giá trị đó có thể khôi phục lại một cách phù hợp. Chỉ có như vậy thì mới có thể tạo ra sản phẩm du lịch trải nghiệm được. Có nhiều giá trị văn hóa mà cộng đồng rất mong muốn nhưng đã bị mất mát quá lâu và khó khôi phục thì dù muốn cũng không thể tạo ra để phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm được. Giá trị văn hóa cốt lõi của cộng đồng là cơ sở nền tảng để xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm. Sau khi xác nhận được giá trị văn hóa cốt lõi thì tiến hành thăm dò thị trường. Nghĩa là phải xem xét sản phẩm tương tự như vậy đã xuất hiện ở đâu chưa, hay thăm dò các doanh nghiệp lữ hành, du khách và chuyên gia về sản phẩm du lịch trải nghiệm mà mình đang định hướng xây dựng. Thăm dò thị trường quan trọng bởi nó xác định có nên xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đó hay không và xây dựng đến mức độ nào cho phù hợp. Sau hai bước trên thì bắt đầu xác định xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm. Trải nghiệm là một quá trình nên xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm không được nóng vội, đảm bảo được các đặc tính của nó. Ban đầu xây dựng sản phẩm du lịch chính, sau đó dần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Ngoài các sản phẩm trải nghiệm để chủ thể hóa du khách thì cũng cần có những sản phẩm hàng hóa liên quan để buôn bán nhằm tạo điều kiện cho du khách tiêu tiền và tăng nguồn thu cho người dân tham gia và địa phương. Sau khi có sản phẩm du lịch trải nghiệm thì tiến hành các bước để thương mại hóa sản phẩm đó trong các hoạt động du lịch. Ban đầu là hướng dẫn các tri thức văn hóa truyền thống của cộng đồng cho du khách nhằm xác định rõ mục đích trải nghiệm mà du khách hướng đến trong quá trình sử dụng sản phẩm du lịch trải nghiệm. Cùng với đó cũng tiến hành xây dựng hệ thống hoạt động tương tác giữa du khách và cộng đồng chủ thể để xác định và thực hành các hành vi trải nghiệm. Đây cũng là quá trình hiện thực trải nghiệm để hành vi hóa và nội tâm hóa các giá trị văn hóa truyền thống của người bản địa ở trong các sản phẩm du lịch trải nghiệm. Cuối cùng là bước quảng bá sản phẩm du lịch trải nghiệm ra một cách rộng rãi nhằm thu hút du khách nhiều hơn. Cần phải đa dạng hóa các phương thức quảng bá sản phẩm, từ phương thức truyền thống qua các tương tác trực tiếp với các doanh nghiệp lữ hành, các du khách hay các bên liên quan, qua các phương tiện truyền thông và nhất là qua các mạng xã hội vốn rất phổ biến và hiệu quả trong bối cảnh hiện nay./.
tin tức liên quan
Videos
Lần đầu tiên Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được tổ chức tại thành phố Vinh, Nghệ An
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh
Diễn Châu biểu dương 38 khu dân cư văn hóa tiêu biểu 5 năm liên tục (2019-2023)
Quỳ Hợp - Lịch sử và tri thức bản địa
Nguyễn Ái Quốc và vấn đề phụ nữ ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Thống kê truy cập
114586960

2146

2432

22377

224663

128795

114586960