Người xứ Nghệ

Nguyễn Huy Oánh và tác phẩm biên soạn khi đi sứ Nhà Thanh năm 1776

1. Khái quát về Nguyễn Huy Oánh và các tác phẩm đi sứ của ông

Nguyễn Huy Oánh húy Xuân, hiệu Lựu Trai, tự Kính Hoa, sinh ngày 17 tháng 9 năm Quý Tỵ niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 9 (1713) tại làng Trường Lưu xã Lai Thạch huyện La Sơn, nay là xã Trường Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con trai đầu của Nguyễn Huy Tựu (1690-1750). Năm Long Đức thứ nhất (1732), khi tròn 20 tuổi, Nguyễn Huy Oánh đi thi và đỗ đầu kỳ thi Hương. Mùa xuân năm sau đi thi Hội, nhưng không đỗ. Đến khoa thi Hội năm Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) ông lại đi thi và đỗ Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh.

Ngay sau khi đỗ Tiến sĩ, ông được bổ làm Hàn lâm viện Đãi chế và năm sau Kỷ Tỵ (1749) được làm Tham mưu đạo Thanh Hoa. Năm Canh Ngọ (1750) làm Hiệp đồng Nghệ An, năm đó cha mất, ông về cư tang. Sau khi mãn hạn tang, ông được bổ làm Đông các Hiệu thư, rồi Thượng bảo tự khanh. Năm Quý Dậu (1735), được cử làm Đề điệu các trường thi Hương hai xứ Hải Dương, Yên Quảng. Năm Giáp Tuất (1754), được cử làm Khám quan ở các huyện Yên Phong, Yên Việt. Năm Đinh Sửu (1757) được thăng Đông các đại học sĩ. Năm Kỷ Mão (1759) được triệu về kinh ban thêm chức Tri Binh phiên, Tư nghiệp Quốc tử giám. Năm Tân Tỵ (1761) ông được ban phẩm phục hàng tam phẩm, tiếp đón sứ nhà Thanh. Vì có tài ứng đối mà năm Ất Dậu (1765) ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh, thăng chức Thiêm đô Ngự sử. Năm Mậu Tý (1768) thăng Hữu thị lang bộ Công. Vì có công dẹp loạn ở Thanh Hoa (nay là Thanh Hóa) nên được phong Đô ngự sử, quan Chánh nhất phẩm. Đến năm 1782 được phong làm Thượng thư bộ Công. Khi nhà Lê sụp đổ (năm 1786), ông buồn bã, cảm hoài và ốm mất vào năm Kỷ Dậu (1789).

Chuyến đi sứ của Nguyễn Huy Oánh được sử sách ghi là năm Ất Dậu (1765), nhưng thực tế, năm đó phải liên lạc, trao đổi thư từ với nhà Thanh để sắp xếp lịch trình chuyến đi. Chuyến đi thực sự bắt đầu vào năm sau, năm Bính Tuất (1766).

Trong sự nghiệp văn chương, ông hiện để lại kho tàng di sản văn hóa quý giá, trong đó có ba tác phẩm được biên soạn trong chuyến đi sứ năm 1766 là Bắc dư tập lãm, Phụng sứ Yên đài tổng caHoàng hoa sứ trình đồ.

- Bắc dư tập lãm, sách chữ Hán, kí hiệu tại kho sách Hán Nôm: A.2009, gồm 240 trang, có lời tựa. Lời tựa của cuốn sách cho biết khi ông được xem một cuốn sách đồ sộ ghi chép tỷ mỉ về những nơi danh lam thắng cảnh của Trung Hoa, nhan đề Danh thắng toàn chí, dựa vào đó ông đã biên soạn lại thành Bắc dư tập lãm với ý thức rõ ràng là để khi trở về tặng cho các đồng liêu để mở rộng thêm hiểu biết về Trung Quốc. Tuy là lược giản, nhưng cuốn sách cũng ghi chép khá kỹ lưỡng từ tên thành quách huyện phủ, dân số đến núi sông, chùa quán, đền đài, điện các, cùng hệ thống hành chính các cấp của Trung Quốc khi đó.

- Phụng sứ Yên đài tổng ca, kí hiệu A.373 tại kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm, là tập nhật ký viết bằng thơ đi đường trong lần đi sứ này. Mở đầu là 470 câu lục bát viết bằng chữ Hán được gọi là “Tổng ca” của toàn bộ cuộc hành trình, sau đó là 120 bài thơ chữ Hán. Mỗi bài đều ghi rõ địa điểm, địa danh cụ thể, là những ghi chép mắt thấy tai nghe của tác giả. Dường như đến đâu, ông cũng ghi lại và hầu hết các điểm dừng chân đều có thơ đề vịnh. Mang đậm tính chất của một tập thơ kỷ sự, nhưng thơ ông vẫn giàu xúc cảm trước thiên nhiên, cảnh vật và ẩn chứa khá nhiều tâm sự.

- Hoàng Hoa sứ trình đồ là tác phẩm được họa đồ bằng thực tế cuộc hành trình. Tập họa đồ này hiện có một bản duy nhất được lưu giữ tại dòng họ Nguyễn Huy ở Hà Tĩnh. Sách gồm 232 trang, được tác giả vẽ lại một cách khá liên tục từ điểm xuất phát từ Thăng Long qua các cửa ải, đến nơi kết thúc là thành Yên Kinh. Các trạm dịch, cung đường, đồn trấn, tên đất, tên núi, tên sông, sản vật... đều được ghi thành chữ bên cạnh các bức vẽ, biến chúng thành những minh họa sinh động về khung cảnh địa lý, hành chính của Trung Quốc thế kỷ XVIII dọc theo đường sứ bộ.

2. Giá trị tác phẩm đi sứ của Nguyễn Huy Oánh

2.1. Những tác phẩm đi sứ của Nguyễn Huy Oánh là ký sự trên hành trình đi sứ phương Bắc.

Trong các tác phẩm đi sứ của Nguyễn Huy Oánh, Phụng sứ Yên đài tổng ca và Hoàng Hoa sứ trình đồ là hai tác phẩm trực tiếp ghi lại hành trình chuyến đi sứ năm 1766 của ông. Nếu tác phẩm Phụng sứ Yên đài tổng ca là tập nhật ký viết bằng thơ đi đường trong lần đi sứ này, thì Hoàng Hoa sứ trình đồ là tác phẩm được họa đồ bằng thực tế cuộc hành trình đi sứ từ Thăng Long đến Yên Kinh.

Mở đầu Phụng sứ Yên đài tổng ca gồm các câu lục bát viết bằng chữ Hán, ghi lại năm tháng, địa điểm của cuộc hành trình đi sứ phương Bắc:

“Năm hai bảy, hiệu Cảnh Hưng

Là năm Bính Tuất, cỡ chừng ra Giêng

Ngựa bay thắng đủ đai giềng

Ruổi xe đường lớn, kiệu riêng xuất hành

Ly câu vang nhịp ca nhanh

Sớm chiều Ái Mộ vượt thành trú chân

Sứ người ngửa đoái hồng ân

Đinh ninh mấy chữ, ân cần một chương (1).

Đoạn mở đầu này cho biết sứ Thần xuất phát từ Thăng Long qua sông Nhị Hà sang làng Ái Mộ thuộc huyện Gia Lâm, rồi đi lên phía Bắc đến cửa Nam Quan. Thời gian khởi hành từ ngày mồng 9 đầu tháng Giêng năm Bính Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 17 (1766). Cuộc hành trình kéo dài đến cuối tháng Giêng (ngày 28) mới đến Nam Quan:

Sớm hai mươi tám hạ tuần

Đến đài Ngưỡng Đức thấm nhuần lệ xưa.

... Nam Quan then khóa mở mang

Bên đài Chiêu Đức biểu chương dâng bày

Kho Đông bạc phát, tiền thay

Họ tên sứ bộ tỏ hay từng người

Ngựa phu thì phát thẻ bài

Mạc phủ giờ Tuất tới nơi nhận phòng.

Ngày 30, buổi sớm xuất phát đi 30 dặm thì đến châu Bằng Tường. Ngày mồng 1 tháng hai đến Ninh Thành, xuống thuyền, tiếp tục tuyến đi đường thủy.

“Tháng Hai mồng một vừa sang

Hết Quỳ, Độc, thuyền đón ngang Ninh Thành” (2).

Cứ như vậy, cứ mỗi điểm xuất phát và điểm đến lại có thơ vịnh và được chú thêm ngày tháng, địa danh đến. Chẳng hạn đoạn ghi chú câu thơ trên được dịch ra như sau:

“Ngày mồng một đi tiếp 20 dặm thì qua bờ đập Bạch Mã, lại 10 dặm nữa đến Dinh Quỳ Độc, trong dinh có phủ Đô Khổn. Lại 15 ngày nữa đến bờ đập Tùng Lâm. Lại 15 dặm nữa đến thành Ninh Minh, thành có tên cũ là Tư Minh. Vùng này có nhiều núi đất, có đình Ma Thiên, có suối Mã Phao, có cột đồng Phục Ba. Các quan ở châu đã đợi sẵn bên bờ, chuẩn bị cho 14 chiếc thuyền mộc mã, (...). Sứ thần lấy nước ở giếng ấy để vào sông Minh Giang phủ Thái Bình.

Ngày 17 đến thành phủ Nam Ninh, có đoạn thơ rằng:

Ba mươi sáu phố Nam Ninh

Quán thơm hương rượu, chùa thanh cảnh Thiền

Chất đầy sa gấm, lụa len

Bán mua tấp nập xe, thuyền khách buôn

Nhà san sát, người như tuôn

Thật là Lưỡng Việt đất phồn hoa đây (3).

Trải trọn một năm trời, sứ đoàn mới tới Yên Kinh vào những ngày cuối tháng Giêng năm đó. Sau Tết nguyên đán năm sau Đinh Hợi (1767), vào tháng 2 sứ thần lên đường về nước, đến ngày mồng 1 tháng Mười một về đến Thăng Long, chờ xét công phụng mệnh đi sứ.

Đây thực sự là một tập tổng ca về hành trình chuyến đi sứ khởi hành từ Thăng Long nước Đại Việt qua cửa Nam Quan vào đất nhà Thanh theo hướng đi lên phía Bắc đến Yên Kinh qua các tỉnh Quảng Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, Sơn Đông và Hà Bắc, rồi trở về Thăng Long. Thời gian cuộc hành trình này được ghi khá cụ thể là từ mồng 9 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 27 (1766), đến cuối tháng Chạp năm đó mới tới Yên Kinh, kịp đón Giao thừa ở đây. Tháng 2 năm sau trở về và cũng đến cuối năm về đế Thăng Long.

Đó là hành trình chuyến đi sứ được ghi lại bằng Tổng ca trong Phụng sứ Yên đài tổng ca, còn trong Hoàng Hoa sứ trình đồ, thì những nơi đến, những sự việc nổi bật trên hành trình cũng được ghi lại cùng bản đồ đường đi với nét vẽ khá tinh tế và đẹp mắt.

Mở đầu cho tập đồ bản là phần lược khảo hành trình này, có tên là Sứ trình lược khảo, trong đó có đoạn “Ngày bái biệt lên đường, từ đình Kiên Nghĩa qua sông Phú Lương, đóng ở Diêu Phố. Ngày hôm sau đóng ở Phù Lưu. Ngày tiếp theo đóng ở Thị Cầu....”.

Đây là phần lược khảo hành trình từ Thăng Long đến cửa Nam Quan. Sau đó là chặng đường đến Yên Kinh qua nhiều trạm lộ, tất cả được vẽ lại và ghi chú cụ thể. Chẳng hạn, bản đồ về thành Quảng Tây được vẽ và ghi chú khá chi tiết.

 

Đây là bản đồ thành Quảng Tây, với ghi chú ở góc phía trên là: “Quảng Tây. Núi Thất Tinh. Đá Thất Tinh (Thất Tinh nham) có mùi thơm, đi xuyên qua thì có chùa. Cảnh đẹp tổng cộng có 7 nơi (4).

 

Thôn cư có phố buôn bán các vật, nhiều nhà có học. Nhà có Giám sinh được dựng 2 cột cờ, nếu đỗ Tiến sĩ được dựng thêm 2 cột cờ nữa, tổng cộng là 4 cột. Cầu Lư Trục cho thông hành với cầu Bình Lạc. Nếu có nước sông thì mở hết 40 chiếc, dùng 2 chiếc ghép lại làm thành một, lại có bán các vật ở dưới thuyền”. Đoạn văn phía dưới: “Quảng Tây có thành. Trong thành có phủ quan của quan Tổng đốc, quan Bố chánh, quan Án sát, quan Hiệp trấn, quan phủ Quế Lâm, …”.

Hoặc thành Nam Kinh, thành được vẽ khá chi tiết, cùng nhiều đoạn ghi chú, trong đó có đoạn: “Thứ 2 là thành Nam Kinh, nơi thời Lục Triều đóng đô. Thành này chu vi 960 dặm, các cửa vào thành mỗi cửa 4 tầng. Trong thành có 4 ngọn tháp đẹp vô cùng, nhưng chưa kịp vẽ”.

 

Dưới đây là thành Dương Châu được vẽ và ghi chú là: “Phủ Dương Châu. Trong thành có quan Hiệp trấn, quan Phủ, quan Tuần, quan huyện Giang Đô cùng đóng ở đó. Theo lệ, không được gặp gỡ, chỉ được cấp lương thực và được gặp quan Tuần mà thôi. Thành phủ Dương Châu dài khoảng một hai dặm. Triều Tùy xây dựng. Hai bên thành, cảnh phố sá đẹp đẽ”.

 

 

 

Những bức họa đồ này từ màu sắc đến bố cục đều khá đẹp mắt, lại chi tiết đầy đủ số liệu cần thiết, vừa có giá trị thẩm mỹ vừa là chỉ dẫn đường đi và tư liệu quý về từng địa danh, thành lũy tiêu biểu của Trung Quốc trên  đường đi sứ.

 2.2. Những tác phẩm đi sứ của Nguyễn Huy Oánh chính là cái nhìn của sứ giả Việt Nam khi trực tiếp tiếp cận với kho tàng trí thức đồ sộ và những điều mắt thấy tai nghe trên hành trình trên đất Trung Hoa rộng lớn.

Trong số các tác phẩm của ông có một số tác phẩm do ông biên soạn trong thời gian đi sứ nhà Thanh năm 1766. Những sáng tác này là cái nhìn của ông đối với Trung Hoa khi ông có dịp tiếp xúc với đất nước Trung Hoa rộng lớn, với kho tàng kiến thức đồ sộ.

Trước hết là sự ngưỡng mộ và học hỏi theo cách thức biên soạn sách địa dư mà ông lược chép thành Bắc dư tập lãm. Qua tài liệu này, thấy được hệ thống hành chính ở Trung Quốc dưới thời nhà Thanh bao gồm hệ thống 4 cấp là tỉnh – phủ – châu – huyện. Hệ thống hành chính này từng được áp dụng ở Việt Nam trong một số triều đại lịch sử, nhưng có sự thay đổi nhất định. Chẳng hạn đơn vị hành chính đứng đầu địa phương từ thời Lê về trước được gọi là đạo, hay lộ, còn đơn vị hành chính tỉnh chỉ xuất hiện ở Việt Nam dưới thời Nguyễn từ năm 1841. Đơn vị hành chính huyện ở Trung Quốc là đơn vị hành chính cơ sở, trong khi đó ở Việt Nam huyện là đơn vị hành chính trung gian vì dưới nó còn cấp tổng và xã. Đơn vị hành chính huyện ở Trung Quốc thuộc châu, châu thuộc phủ, trong khi đó ở Việt Nam, châu và huyện đều thuộc phủ (châu tương đương với huyện, nhưng dùng ở vùng miền núi, còn huyện dùng vùng đồng bằng).

Về hệ thống quan chức của Trung Quốc cũng được Nguyễn Huy Oánh ghi chép đầy đủ xem như những khuôn mẫu, như trong triều có các đại thần...

 Điều nổi bật khác qua các tác phẩm đi sứ của Nguyễn Huy Oánh là thể hiện sự ngưỡng mộ trước cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và những công trình kiến trúc tuyệt hảo. Đi sứ, được thấy tận mắt những nơi mà trước kia chỉ được học, được thâm nhập qua sách vở, ngòi bút miêu tả cảnh vật tinh tế và ông cũng gửi gắm được vào đấy tâm sự của mình.

Đi đến đâu, ngoài việc miêu tả phong cảnh, ông còn có những ghi chép về phong tục, tập quán, con người của xứ ấy. Khi qua thành Hoành Châu, tác giả viết: “Người ở đây trọng liêm sỉ, chuộng văn học, kẻ đầu xanh hái rau trên núi, bọn nữ tỳ cõng gạo đi chợ, trang phục giống nhau” (5). Chỉ vài nét phác họa như vậy, mà ta thấy được nghĩa khí, sở thích và cách ăn mặc, sinh hoạt, làm lụng của cả một vùng. Thậm chí chỉ bằng một câu ghi lại một cách khách quan rằng ở thành Vĩnh Đôn, ông chỉ thấy “toàn phụ nữ làm việc trên gò cao” cũng khiến người đọc cứ băn khoăn mãi một câu hỏi: Tại sao lại chỉ có phụ nữ phải làm việc?

Qua Quý Huyện, một huyện núi nhỏ nhưng khá đẹp, ông ngợi khen dân tình và học phong của huyện này “Dân rất chuộng sự chất phác, kẻ sĩ phần nhiều dốc chí học hành, tuy nhà nghèo cũng mời thầy dạy con, cho nên khoa danh riêng vùng này rất thịnh”. Ở đây có nét gì đó gần giống với một làng quê Việt Nam mà phải chăng giống chính với làng quê ông làng quê xứ Nghệ, người dân thì chất phác, thật thà và tuy còn nghèo khổ, cũng cố công vào việc học, lấy học hành khoa bảng làm vẻ vang.

Qua phủ Quế Bình, ông còn có một ghi chép dân tộc học về một tộc người thiểu số: người Đãn. Tộc người này “Đời đời dùng thuyền làm nhà, duy bắt cá làm thức ăn, người bắt cá gọi là Ngư Đãn, người mò trai sò gọi là Hào Đãn” (6).  

Thường sau những ghi chép đó đều có thơ như bài thơ làm về Du Ngoạn đình, ông viết: Dừng mắt ở đó mà nhìn ra bốn phương, có muốn vẽ lại cũng không bút nào tả xiết”. Hay trước hồ Động Đình, ông viết “Trời nước liền nhau, trên dưới một màu xanh biếc, thuyền bè tung hoành trong khoảng áng mây, áng ảnh”.

Đi sứ là cả một công việc gian nan, vất vả, có sứ đoàn phải đi đến vài năm như Trần Văn Hoán từ năm 1747 đến 1740; thời Mạc thế kỷ XVI có Lê Quang Bí đi sứ và lưu biệt 19 năm, sau trở về thì đầu tóc bạc phơ. Nguyễn Huy Oánh có đoạn viết: “Suốt đường khí trời cực rét, tay không thể thò ra ngoài. Nhổ ra thành đá, nước mắt, nước mũi giàn giụa ra râu tóc, một lát đọng lại như hạt ngọc, chất đầy như đeo xuyến. Nhân đó ông làm bài thơ, có ý là: “Ra khỏi cửa, thành ngay khách gió bụi; Ngồi trước lửa mà vẫn nhớ lúc ngoài tuyết mưa” (7).

Qua sự mô tả gian nan trên lộ trình đi sứ ấy, thấy được thời tiết, thiên tai có chỗ có nơi trên đất Trung Hoa dưới con mắt của sứ giả Việt Nam, thật là khắc nghiệt.

Tóm lại, ba tác phẩm của Nguyễn Huy Oánh được biên soạn khi đi sứ nhà Thanh năm 1766 là những ghi chép và cảm nhận của ông về thế giới tri thức lớn lao mà bao thế hệ người Trung Hoa đã tạo nên, đồng thời cũng ghi chép và cảm nhận được những phong tục tập quán, những hiện thực xã hội Trung Quốc ở những nơi mà sứ đoàn đi qua. Đây chính là một trong cái nhìn của sứ giả Việt Nam đối với Trung Quốc vào những thập niên cuối thế kỷ XVIII.

Chú thích:

(1): Nguyên văn chữ Hán được phiên âm như sau: “景興二十七年,歲逢丙戌日纏陬眥. 馬維騏轡如絲, 周道倭遲我出我車. 驪駒聲鬧行歌, 朝渡珥河駐愛慕村. 體臣遙憶皇恩, 丁寧數語溫存一章/Cảnh Hưng nhị thập thất niên, Tuế phùng Bính Tuất nhật triền tưu ti. Mã duy kỳ bí như ti, Chu đạo uy trì, ngã xuất ngã xa. Ly câu thanh náo hành ca, Triêu độ Nhị Hà, trú Ái Mộ thôn. Thể thần dao ngưỡng hồng ân, Đinh ninh sổ ngữ, ôn tồn nhất chương”. Lại Văn Hùng (Chủ biên), 2005, Tuyển tập thơ văn Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), Nxb. Hội Nhà văn, tr. 48, 67 và 87.

 (2), (3): Phần dịch trên và các đoạn dịch trích dẫn ở sau được dẫn trong Lại Văn Hùng (Chủ biên), 2005, Tuyển tập thơ văn Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), Nxb. Hội Nhà văn, tr. 70,90.

(4). Tư liệu Hoàng Hoa sứ trình đồ bản do ông Nguyễn Huy Mỹ, con cháu dòng họ Nguyễn Huy cung cấp. Xin chân thành cám ơn.

(5) (6) (7) Đây là những đoạn dịch từ lời dẫn của các bài thơ chữ Hán ở sau phần Tổng ca của tập Phụng sứ Yên đài tổng ca. Lại Văn Hùng (Chủ biên), 2005, Tuyển tập thơ văn Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), Nxb. Hội Nhà văn, tr. 25-31.

 

Tài liệu tham khảo

Đại Việt sử ký toàn thư(1988), Bản dịch, Nxb. KHXH, Hà Nội.

Nguyễn Huy Oánh (2014), Phụng sứ Yên đài tổng ca, Bản dịch của Lại Văn Hùng và Nguyễn Thanh Tùng, Nxb. KHXH, Hà Nội.

Lại Văn Hùng (Chủ biên), 2005, Tuyển tập thơ văn Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), Nxb. Hội Nhà văn.

Kỷ yếu Hội thảo khoa học (2015) Nghiên cứu bảo tồn mộc bản Trường Lưu, Hà Tĩnh.

Nguyễn Thanh Tùng (2011), “Vài nét về tình hình văn bản Hoàng Hoa sứ trình đồ bản của Nguyễn Huy Oánh”, Tạp chí Hán Nôm, số 1.

Trần Hải Yến (1994), “Nguyễn Huy Oánh với Hoàng Hoa sứ trình đồ bản”, Tạp chí Văn học, số 4.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512007

Hôm nay

2333

Hôm qua

2337

Tuần này

22381

Tháng này

218880

Tháng qua

121356

Tất cả

114512007