Diễn đàn

Gìn giữ một di tích, cần phải gìn giữ cả phần hồn của di tích ấy (Từ trường hợp đền Quả Sơn)

                                    

Lễ rước trên sông Lam trong lễ hội đền Quả Sơn

Nằm bên bờ con sông Lam, đền Quả Sơn thuộc xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An là một trong những di tích quan trọng nhất miền Trung Việt Nam. Theo truyền thuyết tại đây, đền Quả Sơn là nơi thờ tự và tưởng niệm Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, một hoàng tử và một danh tướng nhà Lý đã có công an định hai xứ Hoan - Ái (tức Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa ngày nay). Ngôi đền trải qua những biến động thời gian, qua chiến tranh, từng bị đổ nát, bị lãng quên. Thế rồi, ngôi đền hồi sinh, cùng với tinh thần của mình, dù không còn có được vẻ bề thế và khang trang khi xưa.

Không chỉ khôi phục ngôi đền, mà cần khôi phục tinh thần của ngôi đền

Đại diện Cục Di sản Văn hóa trao bằng công nhận lễ hội đền Quả Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo huyện Đô Lương. Ảnh Hoàng Nguyên

Uy Minh vương Lý Nhật Quang (?-1057) là người con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ. Khi Lý Thái Tổ qua đời, Lý Thái Tông lên ngôi vua, Lý Nhật Quang được phong là Uy Minh hầu, đảm nhiệm trấn thủ Hoan Châu. Khi chiến tranh Đại Việt - Chiêm Thành diễn ra, Uy Minh vương chinh phạt Chiêm Thành, đưa các tù nhân và nô lệ người Chăm an cư lạc nghiệp ở xứ Nghệ, biến đổi nơi này từ một vùng đất hoang vu, loạn lạc, nhiều giặc cướp thành một nơi trù phú, yên ổn. Chính bởi thế, người dân miền Trung từ Thanh Hóa đến đèo Ngang đều thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang như một vị phúc thần. Ông được nhắc đến trong “Việt điện u linh” như một trong các vị thần quan trọng nhất của người Việt.

 

Đền Quả Sơn còn lưu giữ phần mộ của Uy Minh vương, và được coi là đền quan trọng nhất trong hệ thống di tích thờ ông. Tương truyền, vùng đất quanh đền Quả Sơn cũng chính là nơi xưa kia Uy Minh vương đóng quân trấn thủ. Ông Nguyễn Huy Hỷ, Phó ban quản lý đền Quả Sơn, kể lại rằng xưa kia, đền rất bề thế, được các triều đại trọng vọng, người dân quanh đền được miễn thuế để chăm lo tế tự cho đền.

Trong khi các tín ngưỡng nhân thần khác tại Việt Nam, đặc biệt là thờ phụng các danh tướng, thường mang ý nghĩa chống giặc ngoại xâm và tôn vinh chiến thắng trong các cuộc chiến tranh, thì tín ngưỡng thờ Uy Minh vương Lý Nhật Quang đại diện cho một tinh thần khác: tinh thần xây dựng văn hiến và gìn giữ hòa bình ở vùng biên cương Đại Việt. Chính sách gìn giữ biên cương của Uy Minh vương Lý Nhật Quang - theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt điện u linh”, “Lịch triều hiến chương loại chí” và lời kể của ông Nguyễn Huy Hỷ cho biết - không phải là dùng chiến tranh để bình định, mà là giúp dân an cư lạc nghiệp để hóa giải oán thù từ những cuộc nổi dậy và xâm lược. Thấu hiểu tinh thần và chính sách cai trị của Uy Minh vương, đền Quả Sơn vẫn giữ không khí tôn nghiêm và truyền thống tôn trọng văn hiến truyền từ thời Lý tới nay.

Bước vào đền Quả Sơn là bước vào một không gian khác biệt so với những địa điểm tâm linh khác. Dù người dân nơi đây rất nghèo, nhưng đền vẫn khang trang, cây cối được chăm tỉa cẩn thận, nghi trượng và tượng thờ giản dị nhưng trang nhã, không lòe loẹt, không có sự hiện diện của các hình thức tâm linh mê tín dị đoan như xem bói, đồng cốt. Mặc dù ngôi đền cũng phải trải qua cuộc trùng tu để có vẻ ngoài khang trang hơn, nhưng vẫn gợi được vẻ uy nghiêm của nơi này. Đi vãn cảnh đền Quả Sơn trong sự thanh tịnh, nghe trên loa những lời nhắc nhở nhẹ nhàng của Ban quản lý đền, tôi biết rằng đằng sau đó, câu chuyện gìn giữ và bảo tồn đền Quả Sơn không hề đơn giản.

Người hồi sinh đền Quả Sơn

Năm 1952, đền Quả Sơn phải chịu một cuộc ném bom của quân đội Pháp, các gian nhà đều bị thiêu rụi, người dân phải đưa bàn thờ và nghi trượng thờ Uy Minh vương vào giấu ở một ngôi chùa gần đó. Trong suốt những năm tháng chiến tranh, đền không được quan tâm, đồ tế tự thất tán, lễ hội truyền thống không được tổ chức, nhiều người dân đã chẳng còn nhớ đến Uy Minh vương. Tình trạng ấy kéo dài, cho đến khi ông Nguyễn Huy Hỷ, một cựu chiến binh sau khi về hưu đã quyết tâm khôi phục lại ngôi đền.

Dòng họ Nguyễn Huy nhiều đời sống cạnh đền Quả Sơn, chăm lo tế tự cho đền. Thời thơ ấu của ông Hỷ là những năm tháng rực rỡ nhất của đền tính từ thời điểm ấy tới giờ. Ông kể lại không khí của đền lúc bấy giờ với nụ cười hưng phấn. Tôi cũng bắt gặp nụ cười ấy khi nói chuyện với những người khác trong họ Nguyễn Huy sống quanh đền mỗi lần nhắc tới đền Quả Sơn. Ông Hỷ còn kể lại rằng năm 1948, khi một bộ phận của chính quyền Việt Nam bấy giờ di tản tới Đô Lương, đền Quả Sơn là nơi các cơ quan văn hóa văn nghệ sinh hoạt, thường xuyên tổ chức những buổi đàn hát, ngâm thơ, diễn kịch, chiếu bóng. Nhưng những năm tháng đó không còn được lưu giữ bất cứ dấu vết nào tại đền Quả Sơn hay tại xã, mà chỉ còn được nhắc lại bởi những người cao tuổi.

Ông Nguyễn Huy Hỷ, Phó ban quản lý đền Quả Sơn kể rằng, xưa kia đền rất bề thế, được các triều đại trọng vọng. 

Ông Hỷ giữ mãi ký ức ấy trong suốt những năm tháng chiến tranh, cho đến khi chiến tranh kết thúc, ông về hưu, và quyết định khôi phục lại đền Quả Sơn. Ông tập hợp các tư liệu cổ về Uy Minh vương Lý Nhật Quang, tự bỏ tiền lương đi khắp các đền thờ Lý Nhật Quang trên cả nước, tìm kiếm hậu duệ của vị phúc thần này, rồi vừa in ấn tài liệu kết hợp tuyên truyền giáo dục tại địa phương vừa vận động các chức sắc của tỉnh - huyện đưa ra chính sách và chủ trương phục hồi đền. Sau bao nhiêu năm, ngôi đền đã được đưa trở lại khu vực cũ của mình. Năm 1998, đền Quả Sơn được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, năm 2019, lễ hội đền Quả Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia với lễ rước quy mô trên sông Lam tái hiện hành trình tâm thức của Uy Minh vương Lý Nhật Quang, một con đường chuyển đổi từ con hiếu tôi trung thành một vị phúc thần với tinh thần Phật giáo.

Ông Hỷ chia sẻ với tôi rằng điều khiến ông lo lắng nhất chính là trong tương lai, ngôi đền liệu có giữ được sự tôn nghiêm sau những biến động của xã hội hay không. Thời chiến, thứ tàn phá ngôi đền là mưa bom bão đạn, nhưng ở thời bình, thì đồng tiền và những niềm tin lầm lạc có thể hủy hoại ngôi đền không kém phần trầm trọng. Rất nhiều di tích lịch sử trên cả nước sau những lần được trùng tu bằng nguồn vốn xã hội đã “thay da đổi thịt” tới mức những đồ tế tự biến mất không dấu vết, đến các vị thần trong đền cũng bị thay thế, nạn mê tín dị đoan lan tràn, không gian linh thiêng của đền bị thay thế bằng không gian xô bồ của những người dân tới cầu xin tài lộc. Đây chính là điều trăn trở nhất của ông Hỷ trong những năm gần đây khi tuổi đã già, sức đã yếu, và ngôi đền lúc nào cũng phải đương đầu với những nguy cơ bị tổn hại bởi thứ “quyền lực mềm” của đồng tiền.

Kết luận

Ngôi đền giờ đây vẫn là nơi chốn bình yên mà người dân xứ Nghệ tôn kính, nhưng ẩn chứa bên trong là một cuộc đấu tranh: đấu tranh với sự lãng quên, với sự tàn phá của các biến động thời đại, đấu tranh với tình trạng thiếu nhận thức của người dân… Để có một di tích được lưu giữ sau những biến động lịch sử, không phải chỉ có hỗ trợ tài chính và chính sách của nhà nước, mà cần những con người tâm huyết với lịch sử và văn hóa, biết trân trọng các giá trị tinh thần cốt lõi của di tích, tham gia vào quá trình bảo tồn và khôi phục. Suy cho cùng, những di tích theo thời gian có thể bị mai một, nhưng nếu vẫn còn có những người bảo tồn tinh thần, gìn giữ truyền thống thì di tích ấy có thể được tái sinh theo những cách rất khác nhau mà không làm mất đi các giá trị cốt lõi của di tích.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512007

Hôm nay

2333

Hôm qua

2337

Tuần này

22381

Tháng này

218880

Tháng qua

121356

Tất cả

114512007