
Lãnh đạo huyên Tân Kỳ gặp gỡ trao đổi vói người dân truoc lúc bỏ phiếu lấy ý kiến. Ảnh: Phương Thảo
Tinh gọn bộ máy, sáp nhập một số tỉnh, bỏ cấp huyện, sáp nhập xã theo quy mô mới là một chủ trương lớn, một cuộc cách mạng đã được Trung ương thống nhất ban hành các chủ trương và nhận được sự đồng thuận trong xã hội. Việc sáp nhập một số tỉnh và tên gọi mới của các tỉnh này sau sáp nhập đã được Trung ương thống nhất. Theo lộ trình thực hiện, Tỉnh ủy - UBND các tỉnh đã và đang chỉ đạo các huyện, thành phố trực thuộc xây dựng đề án về việc sáp nhập các xã và đặt tên mới. Các nội dung công việc này đang nằm trong giai đoạn nước rút để đi đến kết luận cuối cùng. Theo đó, Tỉnh Nghệ An dự kiến sẽ còn 130 xã, giảm 282 xã (tỷ lệ giảm 68,45%). Về số lượng sớm được đồng tình thống nhất. Tuy nhiên về tên gọi đang còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa thống nhất và phải tiếp tục bàn thêm.
Theo thống kê bước đầu trong đề án đa số các huyện, thành phố đều muốn giữ nguyên tên huyện, thành phố và các xã, phường mới sẽ được đánh số thứ tự I, II, III… hoặc 1,2,3… chỉ có một số ít huyện đặt tên theo các yếu tố lịch sử văn hóa. Trong đó có Thanh Chương, Kỳ Sơn, Quế Phong. Lãnh đạo các huyện này ngay từ đầu đã lấy tiêu chí lịch sử văn hóa hoặc những yếu tố mang tính đặc trưng, đặc thù của địa phương để đặt tên. Thí dụ như huyện Thanh Chương, dự kiến tên các xã mới là: Hạnh Lâm, Cát Ngạn, Tam Đồng, Hoa Quân, Kim Bảng, Bích Hào, Xuân Lâm, Đại Đồng và Sơn Lâm. Trong đó, ngoài Tam Đồng gồm các xã Thanh Tiên, Thanh Liên, Thanh Mỹ được đặt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Sơn Lâm gồm các xã tái định cư là Thanh Sơn và Ngọc Lâm là những tên mới nhưng phù hợp với các xã miền núi vùng cao biên giới còn lại tên các xã khác là tên tổng cũ đã có từ thời phong kiến ăn sâu vào tiềm thức của Nhân dân…Dẫu còn một số ý kiến trái chiều nhưng đa số người dân đều đồng tình. Theo thống kê từ cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến Nhân dân được tổ chức đồng loạt vào ngày 22/4 đã có gần 93% trên tổng số cử tri tham gia lấy ý kiến trên toàn huyện đồng tình với phương án này.
Theo một số thông tin được báo chí đăng tải các huyện Tương Dương, Quỳ Hợp, thành phố Vinh cũng đã “hỏa tốc” tổ chức họp lại để đặt tên theo hướng không đánh số thứ tự mà theo hướng có bản sắc, gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử. Lãnh đạo các huyện, thành phố này sẽ thông qua hai phương án, phương án nào được người dân đồng thuận cao hơn sẽ chọn trình phương án đó.
Hành động này của lãnh đạo các huyện, thành phố đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các người dân. Trên trang facebook cá nhân của một cư dân thành phố Vinh nguyên là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh chia sẻ đầy trăn trở là ông “khá dị ứng với cách đặt tên bằng số hoặc gắn theo số bởi nghe nó không có hồn. Có ai đó nói rằng tên phường, xã nên lấy tên thành phố hoặc huyện rồi gắn số thứ tự 1,2,3…n vào đuôi và họ cho rằng theo cách này thì vừa giữ được tên cũ (huyện, thành) lại vừa thuận lợi cho số hóa sau này…Chưa hết, có một điều nữa tôi muốn nói rằng nhiều khi thanh danh của một đơn vị cấp huyện chưa hẳn là do tên của huyện đó quyết định mà là do nó được tạo ra bởi các thành tố tạo nên nó. Chẳng hạn: có ai dân Vinh hình dung ra tình huống Vinh mà không có Phượng Hoàng Trung Đô, không có Trường Thi, không có Bến Thuỷ, không có Cầu Rầm, không có Cổng Chốt, không có Cửa Nam, không có Làng Đỏ…Vậy khi đã không thể giữ được nguyên vẹn với tư cách là một thành phố thì chúng ta cho Vinh hóa thân trở lại vào những thành tố đã tạo nên sự vinh quang của nó có hay hơn là cố giữ từ “Vinh” rồi gắn với những con số khô khan, không có hồn…”. Còn nhà báo H N K cư trú tại Hưng Lộc đã góp ý việc đặt tên với những phân tích rất cụ thể: Trước thông tin phường Hưng Lộc sẽ nhập với Nghi Phong, Nghi Xuân, Phúc Thọ và Nghi Thái, lấy tên là Phường Vinh V (Phương án 1) hoặc Phường Cửa Hội (Phương án 2) là không hợp lí: lấy tên Phường Vinh V thì khô khan, không gắn nhiều với lịch sử, văn hóa truyền thống. Lấy tên Phường Cửa Hội thì cũng không đúng bởi lâu nay nói Cửa Hội là nói đến vùng Nghi Hải, Nghi Hòa của Cửa Lò và một phần xã Nghi Xuân, nay Nghi Hải, Nghi Hòa không sáp nhập vào Nghi Phong, Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái và Hưng Lộc nên nếu lấy tên phường Cửa Hội là khiên cưỡng. Nếu giữ nguyên phương án sáp nhập Hưng Lộc cùng với Nghi Phong, Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái thì nên lấy tên là Phường Lộc Đa - nơi "đứng đầu dậy trước" trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ghi đậm dấu ấn, không chỉ trong tỉnh, trong cả nước mà còn vươn ra phạm vi thế giới".
Trở lại với tên gọi các xã mới đặt theo tên huyện được đánh số, đa số người dân cho là khô khan và sẽ có nhiều bất cấp. Chả lẽ trong tương lai rất gần lại có cụm từ tréo ngoe, vô lý này: Trường THPT x x III, địa chỉ tại xã xx I…
Trăn trở trước việc đặt tên mới không chỉ muốn giữ được bản sắc lịch sử văn hóa mà có người còn muốn nhân dịp này làm rõ thêm, nhấn mạnh thêm các ý nghĩa của tên gọi lại còn một số băn khoăn, trăn trở nữa. Trong bài “sao không đặt tên Diễn Châu theo hướng khác”, PGS-TS Hoàng Minh Tuyển nêu ý kiến: Mấy tuần gần đây, Nhân dân Diễn Châu ở khắp nơi rất quan tâm và đang đưa ra nhiều phương án đặt tên cho xã mới. Hầu hết các ý kiến đều không đồng ý đặt tên theo huyện cũ kèm theo số thứ tự. Vì sao phải cứ bảo tồn chữ CHÂU, trong khi đó nguyên gốc chữ CHÂU (州) trong tên DIỄN CHÂU (演州) chỉ là một danh từ chung chỉ đơn vị hành chính, không mang nghĩa đặc trưng. Còn đặc trưng, nguồn gốc, ý nghĩa sâu xa của vùng đất Diễn Châu lại nằm ở chữ DIỄN. Chữ DIỄN (演) có bộ thủy (氵) mang nghĩa “Nước chảy”. Cụ Đào Đăng Hy đã giải thích về cách gọi tên Diễn Châu ở trong sách Địa dư tỉnh Nghệ An như sau:… Những nơi xưa kia là những vùng nước bể mênh mông nay chỉ còn lại những mạch nước ngầm chảy dưới mấy tầng đất phù sa. Bởi vậy về đời Đường, người ta mới đặt tên cho những nơi này là Diễn Châu. Không phải ngẫu nhiên mà sau này các cụ nhà ta đặt tên các xã của Diễn Châu đều bắt đầu là chữ Diễn, nhằm giữ cái hồn cốt của vùng đất có nước chảy ngầm dưới đất, chứ không phải chữ Châu là danh từ chung vô nghĩa. Vậy tại sao chúng ta không mạnh dạn bỏ chữ CHÂU mà đặt tên theo hướng khác. Một là theo địa danh chỉ dẫn địa lý, hai là theo tên các danh nhân của Diễn Châu, là cách mà nhiều nơi khác đang thực hiện, ví dụ như Quảng Ngãi có xã Đặng Thùy Trâm. Vậy Diễn Châu có thể đặt xã: Hoàng Tá Thốn, Tạ Công Luyện, Phùng Chí Kiên, Cao Quýnh, Cao Thiện Trí, Ngô Trí Tri, Bùi Thế Đạt, Nguyễn Xuân Ôn…
Có thể nói rằng việc đặt tên xã mới sau khi bỏ cấp huyện sáp nhập xã mới đang là nội dung công việc trọng tâm của lãnh đạo các cấp, sự quan tâm của đông đảo người dân. Nội dung này cũng đã từng nhận được sự quan tâm gợi ý, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư Tô Lâm từng nói: Đất nước là quê hương, vượt qua tâm lý vùng miền khi sáp nhập tỉnh… khen ngợi, khuyến khích việc Thành phố Hồ Chí Minh giữ được các tên Phường Chợ Lớn, Anh Đông, xã Hóc Môn, Bà Rịa… Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cũng nhấn mạnh: “Tên gọi mới không chỉ cần đảm bảo thuận tiện cho giao dịch hành chính, sinh hoạt thường nhật của người dân mà còn phải giữ được yếu tố truyền thống, lịch sử và văn hóa địa phương. Đây là vấn đề cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng”.

Gần 93 % cử tri huyện Thanh Chương tham gia bỏ phiếu đồng tình với việc đặt tên xã mới theo các tiêu chí lịch sử, văn hóa
Tại cuộc họp được tổ chức vào ngày 21/4/2025 vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã: Ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy UBND tỉnh, sự chủ động của Sở Nội vụ (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo) và sự nỗ lực của các địa phương trong việc xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính (viết tắt là ĐVHC) cấp xã trên từng địa bàn và đến thời điểm này đã hoàn thành xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh cơ bản phù hợp với các quy định của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương bảo đảm đúng tiến độ theo Kế hoạch số 01-KH/BCĐ, ngày 10/4/2025 của Ban Chỉ đạo. Cơ bản thống nhất với cách đặt tên tại dự thảo Đề án do các địa phương đề xuất. Tuy nhiên, thời gian qua có một số ý kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về sử dụng tên gọi ĐVHC sau sắp xếp (lấy tên của huyện, thành phố, thị xã gắn với số thứ tự), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao các địa phương cân nhắc, xem xét để có thể đưa thêm phương án đặt tên theo địa danh lịch sử, truyền thống văn hóa... trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc (đã được quy định tại các văn bản của Trung ương, của tỉnh) để có sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân; đồng thời, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ đề ra (họp Hội đồng nhân dân cấp xã, Hội đồng nhân dân cấp huyện thông qua trước ngày 25/4/2025).
Như vậy là việc đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ do các địa phương cân nhắc, xem xét để có thể đưa thêm phương án đặt tên theo địa danh lịch sử, truyền thống văn hóa... trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc mà không chờ hướng dẫn chung của cấp trên và coi đó như là một đáp án. Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh và ý kiến góp ý của cán bộ, Nhân dân các huyện không nên cứng nhắc, máy móc, rập khuôn trong quá trình đặt tên đơn vị hành chính mà cần phải linh hoạt, cụ thể cho từng trường hợp. Việc đặt tên đơn vị hành chính không đơn thuần chỉ mang tính quy ước để phân biệt thực thể hành chính này với thực thể hành chính khác. Theo thời gian chúng ta sẽ dần quen các tên mới nhưng từ lúc này phải có ý thức gìn giữ các yếu tố văn hóa, lịch sử, truyền thống, các yếu tố tự nhiên, xã hội, dân tộc và đặc biệt là phải làm sao tạo được sự đồng thuận, đem đến cho người dân động lực, sức mạnh từ niềm tự hào về quá khứ cũng như sự kỳ vọng vào tương lai.
TĐH