Khách mời văn hóa

Chữ Đồng của cách mạng Tháng Tám là có ý nghĩa nhất lúc này!

[Trao đổi với giáo sư Mạch Quang Thắng]

Phan Thắng:Thưa giáo sư, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Tại thời điểm này, tức là 70 năm sau ngày diễn ra sự kiện đó, với một quảng giữa là 4 cuộc chiến tranh, là biết bao vật vã của cả dân tộc để tồn tại và phát triển, ông có cảm xúc gì khi nghĩ về quảng đường 70 năm của dân tộc, với tư cách một công dân và một nhà sử học?

Giáo sư Mạch Quang Thắng:Dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám năm nay, từ Thủ đô Hà Nội, tôi có một chuyến hành hương đến Tuyên Quang, nơi có những di tích như lán Nà Nưa, đình Tân Trào…gắn với những sự kiện hào hùng cách đây 70 năm. Tôi là người thuộc thế hệ 5X, tự nhận mình có tinh thần say mê nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Tôi thực sự xúc động.

Cuộc cách mạng Tháng Tám đã đổi đời cho cả một dân tộc, đưa dân tộc ta bước vào thời đại mới, chấm dứt cảnh đất nước bị mất độc lập, tự do. Tôi, và chắc là rất nhiều người nữa, tự nhận mình là người được hưởng thành quả tốt đẹp từ cuộc cách mạng này. Vì thế, tôi cũng là người luôn tự nhủ phải có ý thức và hành động bảo vệ cuộc cách mạng đó - bảo vệ nó như bảo vệ một giá trị văn hóa vĩnh hằng trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.

Trên cương vị nghề nghiệp nghiên cứu và giảng dạy lịch sử cho bậc đại học và sau đại học, tôi thể hiện điều này hằng ngày. Trong Mùa Thu này, một Mùa Thu chất chứa những cảm xúc về cách mạng, tôi suy nghĩ về những giá trị tốt đẹp của Cách mạng Tháng Tám, suy nghĩ không chỉ do nhu cầu của nghề nghiệp mà từ con tim khối óc của một công dân.

Phan Thắng:Năm 1945 là một vận hội lớn của Việt Nam và nhiều dân tộc khác trên thế giới khi phe Đồng minh thắng cuộc trong đại chiến II. Ở Đông Nam Á, cơ hội chia đều cho tất cả các nước nhưng chỉ có Việt nam và Indonexia là chớp được thời cơ, giành được độc lập. Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ chức của ông là Việt Minh mà nòng cốt là Đảng Cộng sản Đông Dương, đã nắm được vận hội, chủ động chuẩn bị lực lượng, nhạy bén nắm thời cơ và tiến hành cuộc cách mạng thành công. Vậy, thực chất cái vận hội mới ấy là gì? Tại thời điểm đó, trong bối cảnh quốc tế và trong nước lúc đó đã mở ra những tương lai nào cho Việt Nam?

Giáo sư Mạch Quang Thắng:Vận hội, hay trong khoa học lịch sử, chúng tôi thường dùng những khái niệm là tình thế và thời cơ. Làm cái gì mà có tình thế và thời cơ thì thật quý. Phải nắm lấy vận hội, chớp lấy thời cơ để thành công trong sự nghiệp. Nhưng, không phải ai cũng nhận biết được vận hội, thời cơ. Lại còn khi biết vận hội, thời cơ rồi thì còn phải biết nắm lấy và tận dụng nó, giải quyết được tình huống, đưa sự nghiệp đến thành công. Mùa Thu ấy cách đây 70 năm, thời cơ cho dân tộc Việt Nam giành độc lập đã xuất hiện. Đó là điều thật tuyệt vời. Nhưng tuyệt vời hơn là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương đã nắm được thời cơ, biết cách tổ chức lực lượng, biết cách "đi", tận dụng được thời cơ và giành được thắng lợi. Thắng lợi đó là thắng lợi của cả một dân tộc biết đứng lên đúng lúc và giải quyết được điểm khởi đầu cực kỳ quan trọng là lập nên một chế độ chính trị mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên của Việt Nam và của Đông Nam châu Á.

Tôi nói "điểm khởi đầu" là vì vận hội của đất nước chưa dừng ở đó. Lập được chính thể thì mới chỉ là bước đầu thôi. Mục tiêu không thay đổi là "đi tới chủ nghĩa cộng sản". Nhưng có nhiều con đường để đi tới mục tiêu ấy lắm. Tương lai đi lên của dân tộc Việt Nam ta sau Mùa Thu lịch sử ấy là tươi sáng lắm. Song, thật tiếc, nó cứ trục trặc suốt. Đó là số phận của một dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là nếu chúng ta đã giành được độc lập mà dân cứ đói, rét thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định đưa đất nước đi theo con đường dân chủ nhân dân rồi lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, nhưng số phận dân tộc ta thế nào mà đến đầu những năm 50 của thế kỷ XX phải bập vào mô hình Xôviết. Rồi sau đó cố tránh nhưng không tránh nổi các cuộc chiến tranh. Độc lập, tự do, hòa bình, ấm no, hạnh phúc, cường thịnh cho dân tộc và nhân dân - ai chả muốn. Đó là vận hội. Nhưng, đường đi cứ trắc trở, gập ghềnh. Tôi đã nói bên trên rồi: số phận mà!

Phan Thắng:Giáo sư có thể cắt nghĩa lý do tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có sự lựa chọn đó?

Giáo sư Mạch Quang Thắng: Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhân dân Việt Nam muốn hưởng hòa bình để dựng xây đất nước. Nhưng, nào có được yên mà hưởng! Thực dân Pháp muốn tái chiếm. Toàn dân tộc, đặc biệt là cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã vận hết công năng, gồng mình để bịt họng súng chiến tranh, nhưng thực dân Pháp ngoan cố quá, buộc nhân dân ta phải cầm vũ khí lên kháng chiến.

Hơn 4 năm trời, từ tháng 9 năm 1945 đến hết năm 1949, chưa có nước nào trên thế giới lên tiếng công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về mặt ngoại giao. Cuộc kháng chiến kiến quốc của Việt Nam bị đặt trong vòng vây của các thế lực đế quốc và phản động. Tình thế đó buộc ta phải phá thế bị bao vây. Chủ tịch Hồ Chí Minh thân chinh đi Trung Quốc và Liên Xô và kết quả là Trung Quốc, Liên Xô cũng như một loạt nước xã hội chủ nghĩa khác  công nhận và thiết lập quan hệ  ngoại giao với nước ta.

Đó là việc cần thiết, vô cùng cần thiết, như nó cần phải vậy và thực sự đã là như vậy. Phải nói cho đúng sự thực là không có con đường nào khác. Song, việc này có hai mặt. Được cái này thì phải bị cái khác, đó là Việt Nam phải chấp nhận mô hình Xôviết. Lúc đầu mô hình này phát huy tác dụng tốt, nhưng càng về sau mô hình này bộc lộ những khiếm khuyết, không thể đáp ứng được sự phát triển bền vững. Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa là sự sụp đổ của mô hình này. Về mặt khách quan, Việt Nam từ đó cũng thoát khỏi mô hình này, đổi mới để tiến lên trong gần 30 năm nay.

Phan Thắng:Sau 70 năm nhìn lại, chúng tôi thấy Cách mạng Tháng Tám là một sự thật lịch sử mà lại có một cái gì đó như là một câu chuyện thần kỳ, và Hồ Chí Minh xuất hiện như một như kỳ thủ làm chủ bàn cờ thời cuộc rất tài hoa và hiệu quả. Tuy vậy, có mấy điều quan trọng mà chúng tôi chưa hiểu được một cách đầy đủ. Thứ  nhất, nhận thức và đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quân Đồng  Minh, mà cụ thể ở khu vực này là Pháp, Trung Quốc [Trung Hoa dân quốc] và Mỹ. Liệu Việt Minh liên hệ với Đồng Minh, cụ thể là OSS, là chiến thuật, sách lược hay là đặt nền tảng cho chính sách đối ngoại tương lai?

Giáo sư Mạch Quang Thắng:Không phải là chiến thuật đâu. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người nhìn xa, trông rộng, biết được thời cuộc. Cụ muốn đi với Đồng Minh, bắc cái cầu với Mỹ. Nhưng, rất tiếc lại không thành. Còn nhớ, năm 1942, Cụ bắt đầu lấy tên là Hồ Chí Minh. Khi trở thành người đứng đầu Chính phủ của một nước Việt Nam hoàn toàn mới, tên Cụ là Hồ Chí Minh. Nhiều người nước ngoài chưa biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc. Ngay cả nhiều người ở Nam Bộ sau Cách mạng Tháng Tám cũng chưa biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc. Cụ Nguyễn Thị Thanh và Cụ Nguyễn Sinh Khiêm (chị và anh ruột của Chủ tịch Hồ Chí Minh) lúc đầu cũng chưa nhận ra Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là em mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh lên làm nguyên thủ quốc gia mà không theo thông lệ là có tiểu sử chính thức, dù là ngắn, để công bố cho "bàn dân thiên hạ" biết. Lạ lắm. Nghiên cứu điều này, tôi đồ rằng, có khi cứ như thế đã, để Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thân thiết với Đồng Minh, với Mỹ.

Nghiên cứu lịch sử Việt Nam và nghiên cứu cuộc đời Hồ Chí Minh đoạn 1945-1946 tôi thấy có nhiều điểm lý thú lắm.

Bây giờ quan hệ Việt - Mỹ ấm nồng rồi, thì tôi càng thấy lý thú. Giá như hồi ấy mối quan hệ với Đồng Minh, với Mỹ được như Hồ Chí Minh mong thì hay biết mấy. Nhưng, vẫn là số phận.

Phan Thắng:Và quan hệ với Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, quân đội nhân dân Trung Hoa trong giai đoạn này như thế nào?

Giáo sư Mạch Quang Thắng:Với Liên Xô thì giai đoạn này, quan hệ giữa ta với Liên Xô vẫn chưa có gì sáng sủa cả. Việt Nam chưa là gì trong con mắt của Liên Xô và của cá nhân J.Xtalin. Hồ Chí Minh là ai thì chắc là theo tình báo, J.Xtalin biết ngay đó là Nguyễn Ái Quốc, là anh chàng nghiên cứu sinh tên là Lin ở Liên Xô những năm Người bị hiểu sai. Quốc tế Cộng sản lúc này đang đặt nhiều nghi vấn về Nguyễn Ái Quốc, vẫn còn cho rằng ông là nhân vật chưa thật là cộng sản đúng "thương hiệu" (theo quan niệm của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928), vẫn là con người đang bị sa vào chủ nghĩa cải lương, dân tộc chủ nghĩa. Mãi đến năm 1950, khi bí mật sang Liên Xô, gặp J.Xtalin mà Hồ Chí Minh còn bị J.Xtalin "đì" cho cái việc tại sao giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương và sao lại không làm cách mạng ruộng đất!

Còn đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc thì quãng thời gian này cũng chưa có gì đặc biệt. Đảng Cộng sản Trung Quốc và bản thân quân đội cách mạng Trung Quốc lúc này đang gặp rất nhiều khó khăn. Người đại diện cho Trung Quốc trong khối Đồng Minh là Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch, chứ không phải là quân giải phóng Trung Quốc của Mao Trạch Đông.

Phan Thắng:Điều thứ hai, tại sao trong Cách mạng Tháng Tám và thời kỳ sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Minh và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa lại có năng lực tập hợp lực lượng đông đảo đến vậy, đặc biệt là giới trí thức?

Giáo sư Mạch Quang Thắng:Tại sao ư? Vì nhân dân nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Minh là người đại diện cho quyền lợi của toàn dân tộc, đại diện cho chính họ. Lợi ích đã là một. Cả một dân tộc hướng về con người Hồ Chí Minh, sẵn sàng đứng dưới ngọn cờ đại nghĩa của Việt Minh, vì họ thấy quyền lợi của mình ở trong đó. Trí thức là hàn thử biểu đo cho tấm lòng lúc đó. Chính họ là giàn ăngten cực nhạy để đo lòng người và thẩm định tính chất của tổ chức. Họ đã thẩm định đúng. Họ tin. Cả dân tộc tin. Bắt đầu từ chữ TÍN. Họ tin bắt đầu từ con số 1. Con số 1 đó chính là HỒ CHÍ MINH.

Phan Thắng:Có lý do nào từ sự hấp dẫn của con người cá nhân Hồ Chí Minh với giới trí thức? Đó là những phẩm chất, những phong cách hay cá tính gì?

Giáo sư Mạch Quang Thắng:Có chứ. Con người đó có một sức hấp dẫn đặc biệt. Điều này thì đã nhiều người nói. Theo tôi, có mấy lý do chính:

Một, giới trí thức thấy Hồ Chí Minh cũng là người trí thức như mình.

Hai, họ thấy ở Hồ Chí Minh là con người tận tụy vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.

Ba, họ thấy Hồ Chí Minh là con người gần gũi, giản dị, không làm ra vẻ cao siêu, làm ra vẻ ta đây. Họ thấy Hồ Chí Minh không phải là ông vua, không là người ăn trên ngồi trốc.

Bốn, họ thấy ở Hồ Chí Minh là con người nói đi đôi với làm.

Năm, họ thấy ở Hồ Chí Minh cách đối nhân xử thế chân thành, thẳng thắn, vị tha, khoan dung, nhân hậu, dễ gần với mọi người.

Sáu, họ thấy Hồ Chí Minh là con người rất tinh tế khi đối xử với người nước ngoài trên đất Việt Nam ngay trước, trong và sau khi Cách mạng Thang Tám thành công.

Bảy, họ thấy Hồ Chí Minh trân trọng người hiền tài trong tầng lớp trí thức như họ. Chính vì thế, một số trí thức tuy chưa biết cách mạng thực chất là cái gì, thậm chí còn hiểu sai về cộng sản, như Cụ Huỳnh Thúc Kháng chẳng hạn, nhưng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia cách mạng thì sẵn sàng theo. Theo trước hết là theo cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã.

Còn nhiều nữa. Chung quy là ở cái tâm lành, cái trí sáng, ở tác phong chỉn chu, có nghĩa, có tình, có trước có sau, đôn hậu, ở sức lao động miệt mài, cần cù không màng danh lợi cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phan Thắng:Nhân đây, từ những kiểm chứng lịch sử trong thế kỷ XX, ông có rút ra những đặc điểm nào của giới trí thức Việt Nam?

Giáo sư Mạch Quang Thắng: Câu hỏi khó quá. Và cũng đã có nhiều người nói rồi. Mỗi người có cách nhìn, cách kiểm chứng để rút ra những đặc điểm, có khi không giống nhau, thậm chí trái nhau.

Theo tôi, nhìn lại hơn một thế kỷ vừa qua, về trí thức nước mình, có thể khái quát mấy đặc điểm:

Một, rất nhanh nhạy với thời cuộc, tức là có ý thức chính trị nhạy bén, hoặc nói cách khác là mẫn cảm với thời thế.

Hai, khi đã ưng thì dốc hết sức làm theo, đem hết tài trí để phụng sự cho cái điều mà mình ưng.

Ba, ham hiểu biết, ham tìm minh chủ để phụng sự.

Bốn, có lòng đố kỵ khá nặng. Cho nên, hay để xảy ra những vụ việc mất đoàn kết không đáng có, thậm chí là từ những việc rất nhỏ.

Năm, hay tự ái, thiếu tính đoàn kết.

Thôi, tôi mới tạm nêu 5 điểm đó đã.

Phan Thắng:Điều thứ ba mà chúng tôi cần một giải thích của giáo sư, rằng, Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Hiến pháp 1946 là một thiết kế vĩnh cữu hay là một mô hình qúa độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Giáo sư Mạch Quang Thắng:Điều này, tôi chưa thật rõ lắm. Nếu nói là vĩnh cửu thì tại sao ngay thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống lại có Hiến pháp năm 1960 thay cho Hiến pháp năm 1946? Hiến pháp năm 1946 là một Hiến pháp tuyệt vời. Đến nỗi mà năm 2013 khi thảo luận để góp ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, thì rất nhiều người nói rằng, bao giờ cho đến ngày xưa, tức là đánh giá rất cao Hiến pháp năm 1946. Đến Hiến pháp năm 1960 là đã theo mô hình Xôviết rồi. Tôi thì cho rằng, có thể lúc đầu, không bị "sức ép" nào cả, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo việc thiết kế Hiến pháp năm 1946 là thiết kế kiểu vĩnh cứu đấy, chứ không phải có ý định thiết kế quá độ đâu. Nhưng, về sau, nước ta bập vào mô hình Xôviết, cho nên, lại phải có Hiến pháp theo cái mô hình đó. Như thế để thấy, cái cơ chế, cái mô hình nhiều khi có sức mạnh ghê gớm lắm, nếu phù hợp thì thúc đẩy phát triển rất nhanh, nếu không phù hợp thì nó cũng kìm hãm phát triển rất ghê gớm.

Phan Thắng:Vâng, đúng vậy. Lịch sử hiện đại của các quốc gia dân tộc càng chứng tỏ điều đó. Thưa giáo sư, ông có nhớ câu nói nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở giai đoạn này khi nói về Nhà nước và mối liên hệ giữa Nhà nước với Nhân dân?

Giáo sư Mạch Quang Thắng:Tôi thích nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về bản thân mình khi gắn chức vụ Chủ tịch nước của mình với nhân dân. Cụ nói là bản thân mình không ham muốn công danh phú quý một chút nào. Chức Chủ tịch nước của mình là do dân ủy thác cho, phải gắng sức mà làm, bao giờ đồng bào cho lui thì vui lòng lui. Đây là quan điểm chức quyền do dân trao cho, vì dân mà phục vụ. Mà phục vụ tức là làm đầy tớ, làm công bộc, làm trâu ngựa cho dân. Nhà nước mới của ta, theo nhiều ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Có người cho rằng, ý đó là của Tổng thống Mỹ Lincôn. Có khi những tư tưởng lớn gặp nhau, tôi nghĩ vậy.

Quan niệm như vậy có ý nghĩa đối với hiện nay lắm. Vẫn còn đó nhiều vị mang danh cán bộ, công chức, đại biểu do cử tri bầu ra, những người ăn bổng lộc quốc gia, hưởng tiền lương từ thuế của nhân dân đóng, nhưng lòng dạ không trong sáng, miệng thì nói là chính quyền của dân, do dân, vì dân nhưng hành động thì khác; miệng thì nói học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhưng thực tế lại khác.

Phan Thắng:Thưa giáo sư, lúc này tôi lại nhớ đến câu nói của nhà báo Ôxip Mandenxtam từ năm 1923: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa Châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai...”. Từ thực tiễn lịch sử cách mạng Tháng Tám, giáo sư nhận thấy ý tưởng về “cỗ xe” và con đường văn hóa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết kế cho đất nước là gì?

Giáo sư Mạch Quang Thắng:Ban đầu và từ rất sớm, nhiều người nước ngoài nhìn Chủ tịch Hồ Chí Minh với vị thế là nhà văn hóa, chứ không phải là từ con người chính trị. Con đường văn hóa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn dân tộc ta đi theo nhằm đạt cái đích là giải phóng cho tất cả mọi người. Đây là mục tiêu cao nhất của hành trình văn hóa nằm trong một tổ hợp học thuyết 3 giải phóng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội-giai cấp và giải phóng con người.

Con người chúng ta bị áp chế nhiều lắm: bị dồn vào chỗ chết, mà điển hình là do chiến tranh; bị bóc lột sức lao động; bị áp chế của thiên nhiên/thiên tai; bị áp chế tinh thần; bị tự áp chế bản thân mình do tình thế buộc phải làm như vậy, v.v.

Làm thế nào để giải phóng con người khỏi mọi điều đó - đấy chính là sự nghiệp của văn hóa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn chuyển tải cho chúng ta hiểu để xây dựng đất nước. Đem quân xâm lược rồi giết chóc người ta thì phản văn hóa. Lăm le chiếm lãnh thổ của nước khác cũng không phải là ứng xử văn hóa. Cứ xoen xoét nói là mọi người sống để yêu thương nhau mà suốt ngày nghĩ đưa súng đạn, vũ khí hạt nhân để tìm cách hại nhau, đe nhau, dọa nạt nhau thì là phản văn hóa. Giàu mà trọc phú thì không phải sự nghiệp của văn hóa. Người thì giàu sụ, người thì không có mà ăn, không có chỗ mà ở, không có tiền để chăm lo cho chính cái sức khỏe của bản thân mình thì đó xã hội chưa có văn hóa. Cứ tìm cách thuổng của cải, tiền bạc của người khác, tham nhũng…là phi văn hóa. Người có chức quyền mà cứ lăm lăm lợi dụng để mưu cầu cho lợi ích xấu xa của cá nhân mình thì là con người vô văn hóa, v.v. Xã hội có văn hóa, con người có văn hóa vẫn là mục tiêu của xã hội và con người Việt Nam. Sở dĩ Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người của văn hóa là vì Người đã nhìn ra những điều này, xắn tay áo lên làm và vận động mọi người cùng làm.

Phan Thắng:Vận hội, thời cơ đến với mỗi quốc gia dân tộc không nhiều, các quốc gia dân tộc cần phải biết nắm vững vận hội, nắm chắc thời cơ để đưa đất nước tiến lên. Sau 1945, chúng ta có 1975, thống nhất đất nước, cũng đã mở ra vận hội mới. Tiếc rằng chúng ta chưa phát huy hết những thuận lợi mà vận hội, thời cơ mang lại.Và bây giờ, năm 2015, khi tình hình địa chính trị, an ninh, kinh tế thế giới, nhất là khu vực đã và đang có những thay đổi dồn dập, mau lẹ, ảnh hưởng rất sâu sắc đến Việt Nam; Việt nam cũng đã và đang có những chính sách đối ngoại tỉnh táo, quyết đoán, và linh hoạt…Giáo sư có đồng tình với nhận định cho rằng Việt nam đang đứng trước vận hội mới, thời cơ mới để bảo vệ và phát triển đất nước? Vì sao?

Giáo sư Mạch Quang Thắng:Mấy năm nay ta cũng có nói đến vấn đề này, nhưng đặt trong một tổng thể chưa thật nổi rõ lắm, bức xúc lắm. Đại thể nói nhiều là ta đang có thời cơ và nguy cơ, nhưng nhiều khi thấy nó chưa bức bách, cứ tà tà, đi đâu mà vội! Có người bảo là ta đã bỏ lỡ nhiều thời cơ phát triển. Có người nói rằng, sắp tới phải đặt mạnh vấn đề thời cơ để có chính sách chớp thời cơ đưa nước nhà tiến nhanh và bền vững hơn nữa, chứ sốt ruột lắm khi so sánh với nhiều nước trong khu vực. Bản thân Thủ tướng gần đây có nhắc đến vị trí của Việt Nam là vị trí "ASEAN 6". Có người cảnh báo không khéo là thua cả Campuchia và Lào nữa ấy chứ!

Thời cơ, nói về thời gian, là nó chỉ xuất hiện trong một thời đoạn ngắn thôi. Tôi mong mọi người bàn thật nhiều về cái này. Hiện nay, có thời cơ mới để bảo vệ và phát triển đất nước chưa? Nếu đang có thì những tiêu chí nào đã rõ? Nó bao gồm trong quãng thời gian nào? Và cái chính là những giải pháp nào để chớp thời cơ phát triển?

Thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám rõ lắm. Giải pháp rõ lắm. Hành động cũng rất quyết liệt và cả một khối đại đoàn kết toàn dân tộc vùng lên trùng trùng điệp điệp, lớp lớp xông lên biến thời cơ đó đi đến một thắng lợi để thúc đẩy mạnh về chất cho sự phát triển đổi đời.

Phan Thắng: Những kinh nghiệm nào của Cách mạng Tháng Tám có ý nghĩa thiết thực nhất với Đảng và Nhà nước, và cả Nhân dân nữa, vào lúc này?

Giáo sư Mạch Quang Thắng:Cách mạng Tháng Tám cho chúng ta nhiều kinh nghiệm lắm. Tôi thấy kinh nghiệm có ý nghĩa thiết thực nhất cho cả Đảng, Nhà nước và Nhân dân lúc này là: hãy vì lợi ích tối cao của dân tộc, hãy dũng cảm vứt đi lợi ích của cá nhân, của nhóm để mưu cầu lợi ích của dân tộc. Chữ ĐỒNG của Cách mạng Tháng Tám là có ý nghĩa nhất lúc này.

Phan Thắng:Cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi này.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512457

Hôm nay

2394

Hôm qua

2389

Tuần này

2394

Tháng này

219330

Tháng qua

121356

Tất cả

114512457