Văn hoá học đường

Vẫn nhiều bất cập trong việc tổ chức thi giáo viên giỏi

Là giáo viên, ai cũng mơ ước trở thành giáo viên giỏi (GVG). Tuy nhiên, cách tổ chức thi chọn GVG như hiện nay có thực sự hợp lý?

GIÁO viên giỏi (GVG) là người kiến thức uyên  bác, có phương pháp giảng dạy sáng tạo, hấp dẫn, đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo được nhiều học sinh (HS) giỏi.

Ở một góc độ khác, nhiều người quan niệm GVG là người có trí tuệ, tâm huyết, hết lòng vì HS, có đạo đức trong sáng, mẫu mực. Đó là những nhà giáo được nhiều thế hệ HS cảm phục, kính trọng, cảm thấy may mắn, hạnh phúc khi được làm học trò.

Các nhà giáo thực sự giỏi không cần tham gia bất cứ kì thi chọn GVG nào nhưng vẫn được khẳng định, tôn vinh. Hiện nay, có những nhà giáo tuy được công nhận trong các kì thi GVG nhưng đồng nghiệp và HS vẫn chưa thực sự “tâm phục khẩu phục”. Nguyên nhân do phương pháp tổ chức thi chưa khoa học, việc lựa chọn tiêu chí đánh giá không toàn diện. Theo “Điều lệ Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên” của Bộ GD - ĐT ban hành năm 2010, GV tham gia kỳ thi GVG phải trải qua 3 phần thi: thi sáng kiến kinh nghiệm (yêu cầu đạt 6/10 điểm trở lên), thi viết (yêu cầu đạt 8/10 điểm) và thi giảng dạy 2 tiết (yêu cầu ít nhất một giờ giỏi, một giờ khá). Ở Nghệ An, trong kỳ thi GVG cấp THPT năm 2012, trong số 1.012 GV tham dự, có 376 GV được công nhận danh hiệu GVG tỉnh. Kỳ thi diễn ra trong vòng gần 1 tháng. Tiền ăn ở, đi lại cho hàng trăm GV, chưa kể chi phí cho khâu tổ chức, giám khảo, dạy thay, làm đồ dùng dạy học... là một con số không nhỏ. Do sức ép của kì thi, hầu hết các GV tham gia dự thi đều bị ảnh hưởng sức khỏe như sút cân, mệt, ốm. Khi chúng tôi gọi điện chúc mừng một GV nữ vừa thi đậu thì được biết cô đang đi khám bệnh do suy nhược sau khi thi. Cô cho biết nhiều đồng nghiệp than phiền tham gia thi quá mệt mỏi. Ở Hà Tĩnh, một thầy giáo thi GVG  tỉnh vì quá căng thẳng đã đột tử khi đang soạn giáo án.

Điều đáng nói là ngành Giáo dục đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để tổ chức kì thi, nhưng kết quả chưa đáp ứng như mong đợi. Cách tổ chức thi không khoa học ở chỗ GV chỉ mới được ban giám khảo công nhận, bỏ qua kênh đánh giá của người học. Việc đánh giá GVG chỉ thông qua 2 tiết dạy, trong khi tiêu chuẩn đáng tin cậy nhất, có ý nghĩa đích thực là chất lượng sản phẩm của lao động dạy học (chất lượng HS) lại không được tính đến.

Ngay cả trong 2 tiết dạy dự thi cũng không phản ánh được năng lực thực chất của GV. Biết được bài dạy trước hơn 1 tuần (có GV từ khi bắt thăm được bài dạy đến khi thi lên tới 2 tuần), GV về trường soạn giáo án, dạy thử, nhờ đồng nghiệp góp ý. Có người còn nhờ bạn bè, các chuyên gia giỏi góp ý, dạy đi dạy lại nhiều lần. Thành ra đến thời điểm thi dạy hầu như chỉ trình diễn lại một mô hình đã thuộc lòng. Cô Cẩm Vân, GV môn văn trường THPT Lê Viết Thuật vừa tham dự kì thi về nói vui thi dạy giống như diễn viên, ai “diễn” hay hơn thì thắng cuộc, và thực chất là cuộc đọ tài giữa các nhóm “quân sư” với nhau. Do đã được chuẩn bị trước quá kĩ, tỷ lệ giờ dạy khá giỏi trong kì thi GVG tỉnh năm 2012 đạt 99,8% (438), chỉ có 0,2% (2) giờ dạy xếp loại trung bình.

 Đối với HS, qua các buổi học, các em không mấy khó khăn để nhận biết thầy cô giỏi và tìm đến xin học, chứ không hề quan tâm đến việc thầy cô có bằng cấp gì, có đạt danh hiệu GVG hay không. Trong khi đó, đối với các nhà quản lý, bằng cấp và danh hiệu GVG là căn cứ, cơ sở để quy hoạch, cơ cấu cán bộ quản lý, thuyên chuyển, xếp loại danh hiệu thi đua, nâng lương trước thời hạn… Với những yêu cầu của quy chế thi GVG hiện nay, một số GV không thực sự giỏi có thể vượt qua bằng cách “nhờ vả”. Điều này là khó tránh khỏi trong điều kiện giữa GV dự thi và các thành viên ban tổ chức, ban giám khảo đều có những mối quan hệ nhất định, và trong đội ngũ giám khảo không thể có sự công tâm, khách quan tuyệt đối. Cả ba nội dung thi đều không được công bố rộng rãi để dư luận giám sát: SKKN không được công bố, ít thấy có ứng dụng, hiệu quả cụ thể, rõ rệt; bài thi viết được giữ bí mật và diễn biến giờ dạy thi cũng chỉ có 3 giám khảo biết với nhau. Do đó, nếu có một vài giám khảo không khách quan thì cũng khó mà kiểm chứng được. 

Theo chúng tôi, cách tổ chức thi GVG như hiện nay còn có những yếu tố hình thức, chạy theo danh hiệu và dễ phát sinh tiêu cực. Do đó, ngành Giáo dục cần nghiên cứu đổi mới cách đánh giá trình độ, năng lực giáo viên và cụ thể các kì thi GVG sao cho khoa học, thực sự có tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441645

Hôm nay

245

Hôm qua

2317

Tuần này

21549

Tháng này

216819

Tháng qua

112676

Tất cả

114441645