Những góc nhìn Văn hoá

Hồ Chí Minh: Đi từ xứ Nghệ về với Thăng Long

Quê hương Nguyễn Ái Quốc là làng Sen - Kim Liên, là Nam Đàn - Nghệ Tĩnh. Có lúc còn là Khu Bốn, và Khu Bốn cũ.

Nhưng quê hương Nguyễn Ái Quốc cũng là Việt Nam.

Từ là người dân làng Sen, người dân Nghệ Tĩnh, đến người có quốc tịch Việt Nam, ai mà không có trong mình niềm tự hào là “đồng hương” với Nguyễn Ái Quốc.
Ở những địa danh trên, ranh giới chỉ là tương đối; thu lại cho thật hẹp là Kim Liên, hoặc mở ra cho thật rộng là Việt Nam, xét trong mối quan hệ với Nguyễn Ái Quốc, tất cả đều có tên chung là Quê hương.
Khi đất nước còn bị nô lệ thì quê hương lớn là Tổ quốc. Ở bất cứ địa chỉ nào trên trái đất, mà nhìn về xứ sở, trên cả ba miền, đối với bất cứ người Việt Nam yêu nước nào, và trước hết là Nguyễn Ái Quốc, thì Tổ quốc - đó là Quê hương lớn của mọi Quê hương.
Suốt mấy chục năm xa quê, hẳn đã đến với Nguyễn Ái Quốc biết bao nỗi sầu của người xa xứ. Trong cảnh tha hương, cách xa Tổ quốc một nửa vòng trái đất, Nguyễn Ái Quốc vẫn không lúc nào tách mình ra khỏi một số phận lớn hơn: “Bảy mươi vạn người bản xứ đã đặt chân lên đất Pháp, và trong số ấy tám vạn người không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên đất nước quê hương...” (Thuế máu; Bản án chế độ thực dân Pháp).
Đối với người cách mạng trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, thời đại thống trị của văn minh đối với lạc hậu, của thành thị đối với nông thôn, của phương Tây đối với phương Đông như cách nói của Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Tổ quốc bị nô lệ không cô lập mà gắn với thế giới nô lệ, thế giới của những người da màu trên khắp các lục địa. Với Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc là người yêu nước, đồng thời là người quốc tế vô sản chân chính từ những năm 20 thế kỷ XX, đúng như nhận xét của nhà thơ Cuba Rơnê đơ Pêstre: “Trong tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người nông dân ở Việt Nam, ở Angiêri, ở Tuynidi, ở Cônggô, người bị áp bức ở quần đảo Antidát hoặc ở “miền Nam già cỗi” của nước Mỹ, đều có một người nhiệt thành bênh vực mình”.
Trong một thế giới còn đầy rẫy những bất công và đau khổ, những áp bức và bóc lột thì việc nhìn nhận bạn - thù phải là động thái hàng đầu của sự tìm đường. Và Nguyễn Ái Quốc đã reo lên sung sướng khi được đọc Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin mà Người xem là chiếc cẩm nang thần kỳ. Chiếc cẩm nang này rồi sẽ đưa Nguyễn Ái Quốc vượt bao đại lục và đại dương về với đất nước, từ thế giới về quê hương.
Nhưng dẫu có mở rộng ra đến đâu, trong bước chân và tầm nhìn của “Người đi tìm hình của nước”, như cách nói của Chế Lan Viên, con người mang rất nhiều tên gọi đó đã dừng lại ở cái tên Nguyễn Ái Quốc - Người yêu nước họ Nguyễn. Cũng cái tên đó trở thành niềm hi vọng của cả dân tộc. Cả một dân tộc không lúc nào không ngóng về phương xa, đón nhận trong các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc một sức mạnh tinh thần cho mình trong mọi gian nan, thử thách.
Và để gộp lại, Nguyễn Ái Quốc đã phải dành trọn 30 năm mới có thể đặt chân lên mỏm đất địa đầu Tổ quốc là Pắc Bó - để từ đây mà cùng toàn dân khẩn trương chuẩn bị cho một ngày trọng đại của dân tộc. Đó là ngày 2-9-1945, trên Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ra đi từ xứ Nghệ, về với Thăng Long, hành trình Nguyễn Ái Quốc cũng chính là hành trình của dân tộc, để cho dân tộc tìm lại được chính mình. Đó là hành trình sau 30 năm, để về Pác Bó.
Ôi sáng xuân nay, Xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về… Im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ.
Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!
Nhớ thương hòn đất âm hơi Người
Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ
Mà đến bây giờ mới tới nơi!
(Tố Hữu: Theo chân Bác)
Và 34 năm, về với Hà Nội, là địa chỉ, sau hơn một thế kỷ rưỡi đã trở lại vị thế Thủ đô(1). Từ địa chỉ thiêng liêng này, vẫn cần có thêm 12 năm nữa, Hồ Chí Minh mới chính thức về thăm quê, theo nghĩa gốc - là nơi cắt rốn chôn rau. Ở thời điểm 1957 lịch sử này, nhìn về điểm xuất phát và ngày lên đường của chàng trai Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Ái Quốc đã mất trọn 50 năm:
                                    Quê hương nghĩa nặng tình sâu
                                    Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình
*
*    *
Hồ Chí Minh đã hai lần về quê - làng Sen, làng Chùa. Những bài nói, bài viết, thư từ cho quê hương xứ Nghệ đã được ghi lại và in thành sách trong Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh(1). Qua sách, ta sẽ thấy chất Nghệ thấm vào trong ngôn ngữ, thói quen sinh hoạt của Hồ Chí Minh. Nhưng chất Nghệ đó không cộm lên như một cái gì xa lạ, hoặc bảo thủ, trong một sự hiện thân và hóa thân đẹp nhất ở con người Việt Nam - Hồ Chí Minh.
Điều đáng ngạc nhiên mà dễ hiểu: Con người là sản phẩm của thời đại, có hoạt động mang tầm vóc quốc tế, bôn ba khắp thế giới, đến với rất nhiều phương trời, thông thạo nhiều thứ tiếng, sống với nhiều nền văn hóa, nhiều phong tục tập quán khác nhau, con người đó vẫn không quên, không đánh mất đi những nét dáng, những phẩm chất được đào luyện từ một vùng quê khắc khổ, bị kẹt giữa núi và biển, quanh năm lầm lụi và căng thẳng với gió Lào và lụt bão. Cái vùng quê đã ổn định thành nét và tưởng cũng chưa thay đổi mấy cho đến hôm nay, như được ghi trong sách Nghệ An chí của Bùi Dương Lịch: “Nghệ An đất xấu dân nghèo, kiên cố nhẫn nại, cần cù tiết kiệm”.
Chất Nghệ đó quả được kết tinh đậm nét qua những ông đồ Nghệ trong lịch sử. Chất Nghệ đã thúc đẩy bao trí thức lên đường: kiếm sống, nuôi thân, lập nghiệp.
Chất Nghệ tạo một danh sách đông đảo những tên tuổi: các chiến sĩ cách mạng, những danh nhân khoa học và nghệ sĩ. Riêng thế kỉ XX, đất Nghệ đã là cái nôi làm xuất hiện hai nhân vật lớn, vừa là danh nhân lịch sử, vừa là danh nhân văn hóa: Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh.
Là danh nhân, cái gốc sâu trên đất quê không là sự trở ngại, trái lại còn là nền cho sự vươn tỏa xum xuê của lá cành trên bề rộng. Cả hai nhân vật trên đều là người có tầm vóc lớn. Nhưng có khác nhau; khác nhau mà lại là một sự bổ sung, và tiếp sức cho nhau. Một người hướng về phương Đông rồi thất vọng. Một người hướng về phương Tây rồi tìm ra lối thoát. Đông và Tây tưởng như cách biệt trong quan niệm của Phan Bội Châu, hóa ra không cô lập, không kì thị nhau, mà gắn bó với nhau trong nhận thức và phát hiện của Nguyễn Ái Quốc.
Hai gương mặt lớn của thế kỉ XX đều từ đất Nghệ mà đi, thậm chí hẹp hơn, từ Nam Đàn mà đi. Ra đi trong một khát khao tìm hiểu. Rồi từ sự giàu có lên trong nhận thức, và sáng suốt trong trí tuệ mà trở thành vĩ nhân. Cái gì đã tạo nên sự vĩ đại ấy, không thể không tính đến những khát khao được tích tụ lại, những kiên nhẫn và kiên trì tìm đường, nó gắn với hoàn cảnh không gian, thời gian trong bối cảnh nơi sinh trưởng.
*
*    *
Trong nhận thức hạn hẹp của tôi, tôi chưa thấy một danh nhân nào lại không gắn với dấu ấn một vùng quê - từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du đến Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà... Cái phần quê hương góp vào cho mỗi sinh thể trên đất quê, bao gồm cả danh nhân, cố nhiên còn phải tính đến cả những mặt tiêu cực, và nhược điểm. Điều này Hồ Chí Minh hẳn rõ hơn ai hết khi ta có dịp đọc lại những bài nói với các giới nhân dân Nghệ Tĩnh trong hai dịp Bác về thăm quê, năm 1957 và 1961. Nhưng khi đã là danh nhân thì mọi gò bó và cản trở này sẽ được loại bỏ; - danh nhân là người nhờ bản lĩnh của mình, nhờ vào cái vốn lớn của mọi sự từng trải mà biết cách khắc phục các mặt nhược điểm. Nói cách khác, danh nhân là người bằng những tầm cao và sự lịch lãm của mình đã vượt ra khỏi sự phong bế của những rào ngăn, những ranh giới - kể cả ranh giới địa lí, ngăn cách các vùng đất khác nhau.
Tôi sẽ không đi xa đề, mà trở về Hồ Chí Minh như là một danh nhân lịch sử - người đã khai thông và mở rộng các biên giới để đưa dân tộc không những thoát khỏi sự phong bế của chủ nghĩa phong kiến và thảm trạng ngăn cách, chia rẽ của chủ nghĩa thực dân - cả hai nền thống trị ấy đều dựa trên sự phân cách và chính sách ngu dân; mà còn đưa Việt Nam vào cộng đồng nhân loại, như một người đồng thời. Trong hiệu quả của hoạt động xã hội lớn lao đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã làm nên một cuộc cách mạng tinh thần: đưa tình yêu quê hương - làng nước lên tình yêu Tổ quốc, và đưa tình yêu Tổ quốc truyền thống lên một hình thái mới - tình yêu Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hãy còn nhiều khía cạnh của lí luận và thực tiễn để cho ta bàn về chuyện này, nhưng cái mới mà Hồ Chí Minh đã đem lại, rõ ràng là đáng kể. Là anh hùng lịch sử lại đồng thời là danh nhân văn hóa - văn hóa vốn thường là sản phẩm chung, là đóng góp chung của nhiều không gian, qua nhiều thế hệ, và không chấp nhận sự phong bế, sự kì thị, bất cứ dưới hình thức nào - Hồ Chí Minh đã tạo một từ trường lớn, một vùng phát sóng lớn hấp dẫn những hoạt động tinh thần quý giá của các giới trí thức văn hóa, khoa học, nghệ thuật Việt Nam. Và chính từ hiệu quả của hoạt động đó, trên hành trình lịch sử của dân tộc Việt Nam thế kỉ XX mà Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu trưng cho sự hội tụ, sự kết tinh và sự tỏa sáng những khát vọng giải phóng, giao lưu và sáng tạo của con người Việt Nam thế kỉ XX.
Con người của những tầm vóc lớn không bao giờ chịu sự ràng buộc, sự phong tỏa của bất cứ giới hạn chật hẹp nào, cũng là con người của một quê hương, một xứ sở. Nhưng con người của một xứ sở, để trở thành một danh nhân phải là người không e ngại, thậm chí phải biết cách đón nhận cái mới, cái lạ của mọi phương xa./.
                                                                                    
(1) Tính từ ngày Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân.
(1) Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh xuất bản lần đầu, năm 1977.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512791

Hôm nay

2328

Hôm qua

2400

Tuần này

2728

Tháng này

219664

Tháng qua

121356

Tất cả

114512791