Diễn đàn
Xin hãy hiểu đúng khoa học lịch sử!
Ảnh minh họa ( Nguồn internet)
Sau khi Bộ GD&ĐT đưa tới 4 môn học mà học sinh lớp 10 có quyền chọn 1 bỏ 3, duy chỉ có môn sử là cộng đồng phản ứng gay gắt. Truyền thông cũng xôn xao chuyện học sử.
Giới sử học hầu như không tham gia tranh luận, có lẽ để cho ... khách quan.
Theo Tuổi trẻ online, trong phiên họp toàn thể lần thứ 3 vào sáng 22/5, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đã đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu và quy định môn học lịch sử cấp THPT là môn bắt buộc.
Tôi trong giới ti toe về lịch sử, xin có mấy lời.
I. Học sử?
1. Không phải cứ học sử là yêu nước
Yêu nước là một phẩm chất nằm lòng rồi, học sử hay không học sử vẫn cứ là yêu đấy. Nhưng quan trọng là ở chỗ yêu nước mà hiểu biết lịch sử (đọc, nghe và học) thì TRÁNH ĐƯỢC TÌNH YÊU MÙ QUÁNG. Tôi nhớ nhà thơ TMH có bài thơ “Tổ quốc bị đánh tráo” đó thôi. Có kiến thức lịch sử thì chủ động đặt tình yêu mình vào chỗ nào cho đúng. Cụ Hồ từng vận động cụ Diệm tham gia Chính phủ kháng chiến, cụ Diệm trả lời đại ý rằng: “Cụ (cụ Hồ) và tôi đều yêu nước nhưng mỗi người yêu nước theo cách khác nhau, xin cụ hãy cho tôi yêu nước theo cách của tôi”. Nghe vậy, cụ Hồ lệnh thả cụ Diệm ngay trong đêm và không quên cấp cho cụ Diệm cái giấy “thông hành” để không bị bắt lại. Hai cụ tiếp cận lịch sử theo hai góc nhìn khác nhau, cái đó từ học sử mà ra đấy.
2. Không phải học sử chỉ để yêu nước mà quan trong hơn nhiều là học sử tạo ra “năng lượng” cho lòng yêu nước từ những bài học lịch sử. Không học sử thì yêu nước chỉ là vác súng đi bắn đì đùng thôi. Mà, ngay cả vác súng bắn đì đùng thì việc bắn ai, vì sao bắn, nếu không có kiến thức mang lại từ lịch sử dân tộc thì sẽ... bắn vào chân mình. Điều này thầy gì dạy hóa (mà tôi không muốn nhớ tên) ghét môn sử là do thầy tù mù về yêu nước, cỡ như thầy đó hợp với... tụi lính đánh thuê.
3. Học sử không đơn thuần ở lòng yêu nước mà nó lớn hơn nhiều, xa hơn nhiều. Đó là, mỗi môn học góp phần làm nên tính toàn diện của đào tạo cơ bản, quyết định sự hoàn thiện của con người trong giai đoạn đào tạo cơ bản mà ta gọi là “phổ thông”.
Giáo dục thời Pháp cho ra đời những tên tuổi lớn trong nhiều vực chuyên sâu nhưng trước khi trở thành nhà khoa học chuyên sâu thì họ đã được giáo dục hoàn chỉnh đúng nghĩa uyên bác, vừa uyên vừa bác, ĐÔNG, TÂY, KIM, CỔ gì họ biết cả.
Vì thế, đừng nên chỉ nói về môn sử mà phải nói về giáo dục toàn diện, bởi không thể đào tạo một người giỏi sử mà không biết cái củ trên tay người mẹ đang ăn là rễ cây gì do không học sinh học, cũng như thầy giáo dạy hóa giỏi, rất yêu nước nhưng không biết ai sinh ra ông nội mình... bởi ông thầy dạy hóa này hoàn toàn mù về “phả hệ học” là một nhánh của sử học.
Nói riêng với ông thầy dạy hóa thích bỏ môn sử: nè thầy, Nobel là nhà hóa học vĩ đại phát minh ra chất nổ, nhưng nhờ ông học sử mà biết các cuộc chiến tranh giết người hàng loạt, là tội ác. Phát minh chất nổ của ông mở ra giai đoạn phát triển mới trong công nghiệp nhưng cũng có thể bị lạm dụng trong chiến tranh như lịch sử từng xẩy ra. Vì thế ông hiến gia tài lập giải thưởng Nobel, không quên giải thưởng Nobel Hòa bình. Không hiểu lịch sử thì khoa học thành tội ác, thầy ạ!
4. Có cần học nhiều đến thế không
Không!
Không cần học nhiều không có nghĩa là BỎ BỚT MÔN HỌC bởi bỏ bớt môn học sẽ đào tạo ra con người phiến diện, một xã hội không may khi người này khiếm thị, người kia khiếm thính, người nọ dị tật hệ vận động...
Mà, học tất tần tật thì thời gian đâu, sức lực đâu và quan trọng là mấy chục phân khối não chứa sao cho hết, nên phải giảm tải.
Giảm tải là một khái niệm vừa cụ thể, vừa trừu tượng, vừa khối lượng vừa chất lượng. Riêng tôi thấy thì, việc nhồi kiến thức vớ vẩn vào cái môn phải học và kiến nghị bỏ môn học khác để thay gánh giảm tải như người ta đã kiến nghị là cách hiểu rất tù mù về giảm tải.
Nguyên lý của sự giảm tải phải đảm bảo không làm cho học sinh bị KHUYẾT TẬT TRI THỨC, nghĩa là không thể cắt bớt bất cứ một bộ phận nào cấu thành tri thức phổ thông, nhưng giảm tải những nội dung chưa cần thiết trong từng môn học, phù hợp với từng cấp học. Nghĩa là, không đem cái công đoạn nghiên cứu của nhà khoa học nhét vào học sinh, không nhét kiến thức đại học vào cao đẳng, cao đẳng vào PTTH, không nhét kiến thức PTTH cho tiểu học. Đó là giảm tải nội dung chứ không phải như đề án của Bộ GD&ĐT là giảm môn học.
II. Xin hãy hiểu đúng khoa học lịch sử
Phàm cái gì được coi là "Khoa học" thì có những điều phải có chuyên sâu mới hiểu. Vì thế tuyệt nhiên không nên trách những người nông cạn, không có kiến thức liên ngành.
1. Sử học hiện diện trong mọi khoa học
K. Marx từng viết: “Chung quy lại, các khoa học cũng đều là khoa học lịch sử” (có bản dịch: Chung quy lại chỉ có một khoa học duy nhất là khoa học lịch sử).
Marx có hồ đồ không?
Không!
Marx tôn trọng mọi khoa học, nhưng Marx nói như vậy để thấy tính bao quát và tính liên ngành của sử học (cũng giống như thời Hy Lạp cổ đại người ta nói “Toán học là khoa học của mọi khoa học” để thấy tính nền tảng của nó). Đó là chưa nói mỗi khoa học đều có lịch sử hình thành và phát triển, lịch sử của mỗi sáng tạo ra đời trên nền tảng phát triển của chính nó trước đó.
Không ai và không có cái gì là không có lịch sử của nó.
2. Sử học là khoa học liên ngành
Do hoàn cảnh lịch sử mà sử học trong nhiều thời đại hay bị áp đặt bởi chính trị. Có lần, tôi và bạn tôi, anh Nguyễn Đức Truyến là nhà xã hội học, thảo luận với nhau và tìm thấy một điểm chung: sử học chính là xã hội học đương đại, thay vì sử học là chính trị đương đại. Tính chất xã hội của sử học khiến nhiều người ngộ nhận sử học là một phần của chính trị và rơi vào thảm cảnh của sử học minh họa. Nhưng nếu sử học chỉ là xã hội học đương đại đơn thuần thì sử học sẽ rơi vào xu hướng thực chứng.
Thực tế không hoàn toàn như thế: sử học cũng như xã hội học là một khoa học liên ngành. Nếu không có kiến thức thừa kế từ những ngành khoa học liên quan khác thì sử học chỉ như là một bài tụng niệm. Không có thành tựu của khoa học trái đất, sử học sẽ không biết đến những thời kỳ biển tiến và gian băng, sẽ không thể hiểu con người tiền sử và sơ sử đã sống ra sao và di duệ phát triển thế nào cho tới ngày nay. Sử học mà không có kiến thức sinh học thì làm sao hiểu được con người bứt phá ra khỏi tự nhiên để thành xã hội bằng con đường nào và đột biến gen có vai trò gì trông quá trình đó? Nếu sử học không tiếp cận lý thuyết về phân công lao động xã hội, về kinh tế học Morgan thì làm sao hiểu con người đã trải qua các đại phân công xã hội ra sao. Sử học mà không hiểu luật học thì làm sao hiểu bản chất nhà nước và sự vận động các hình thái xã hội pháp quyền, sử học mà không vận dụng toán thống kê, xác suất cho những cuộc điều tra để từ ngẫu nhiên để đi đến hiểu cái bản chất thì nhận thức thuộc tính sự kiện sẽ sai lệch....
Và như thế, nhiều người vô tình đã tầm thường hóa sử học trong cái khung tội lỗi của lịch sử chiến tranh, trong khi lịch sử rộng lớn hơn nhiều và sâu sắc hơn nhiều.
Đem cái hiểu biết thiển cận, lố bịch và lạm dụng sử học cho mục đích chính trị rồi quay lại phán xét sử học chỉ có thể là việc làm của những người nông nổi...
3. Để môn sử được yêu thích
Vậy, để cách tân một nền sử học, khả dĩ làm cho môn sử thành môn tự thân được yêu thích không cần tranh cãi thì công việc đầu tiên cần làm là thiết kế ngay một bộ lọc để gạn hết những thứ nặng tai người nghe.
Vậy, cái gì đã làm nặng tai người nghe? Chính là áp đặt tư duy người lớn vào đầu con trẻ.
Trẻ con bắt đầu cuộc sống bằng duy cảm, người lớn thì duy lý. Nhưng tất tần tật các bài giảng lịch sử đều duy lý. Lấy một ví dụ: bài giảng về cái bọc 100 trứng đẻ ra 100 người con là để duy lý rằng người Việt có cội nguồn chung, sinh ra trong cùng một cái bọc (nên trên thế giới chỉ có xứ Việt gọi nhau là “đồng bào”), chí lý lắm, ý nghĩa to tát lắm, sâu thăm thẳm. Nhưng tuổi trẻ con thì nó duy cảm, nó không tin có một sự thật như vậy. Vậy thì hãy gạt bỏ huyền sử ra khỏi lịch sử. Lịch sử truyền dạy cho con trẻ bắt buộc phải bắt đầu từ lịch sử thành văn.
4. Dạy gì về lịch sử cho con trẻ
Đây là bài toán khó cho các nhà soạn sách. Bởi, đơn tuyến lịch sử chiến tranh đã chiếm lĩnh bộ não của các nhà sử học rồi, ta thắng địch thua ấn định tư duy sử học rồi.
Lịch sử vốn hình thành từ ba hệ tuyến song song và đan xen. Đó là lịch sử hình thành cộng đồng, lịch sử hình thành Nhà nước, sự vận động và phát triển các hình thái kinh tế - xã hội. Chiến tranh để xác lập quyền lực là một kiểu hình thái vận động chứa đựng bên trong cả 3 hệ tuyến lịch sử đó. Thế nhưng, tiếc thay, lịch sử đương đại cứ lấy các cuộc xung đột chính trị và chiến tranh làm trung tâm của lịch sử nên cái nhìn lịch sử không chỉ nghèo đi mà còn bị sai lệch.
Vậy, liệu có đủ sự can đảm và tầm tri thức để quay về với thuộc tính lịch sử với 3 hệ tuyến ấy để truyền đạt cho con trẻ hay không?
Nếu không, xin hãy dừng bàn luận ở đây bởi mọi cố gắng làm cho môn sử hấp dẫn sẽ vô nghĩa.
5. Dạy lịch sử như thế nào ở bậc phổ thông?
Dạy đúng nghĩa từ nguyên của lịch sử là historycal - story.
Bánh xe lịch sử lăn trên 3 hệ tuyến vận động của lịch sử (cộng đồng - Nhà nước - hình thái KTXH) qua các biến cố và sự kiện lịch sử. Dấu ấn để lại trong sử học không phải là toàn bộ diễn biến của cả 3 hệ tuyến đó mà là dấu ấn của các biến cố và sự kiện nổi bật.
Dạy sử mà tham vọng nạp hết mọi dữ kiện về cả 3 hệ tuyến ấy vào đầu con trẻ là thất bại.
Dạy sử là khai thác những điều thú vị từ các sự kiện và biến cố của các dấu mốc đi qua 3 hệ tuyến ấy mà thôi. Có thế mới tạo nên cảm hứng cho người nghe. Phần còn lại, từ thai nghén cho đến sinh đẻ các quá trình lịch sử là giai đoạn tự tiếp nhận thông qua các tài liệu, sách tham khảo tùy hứng của người học sử. Không cứ nhất nhất phải mang vào trong bài truyền thụ kiến thức bằng những số liệu không phải là thuộc tính.
Như vậy, bài giảng sẽ đem dòng chảy lịch sử gối đầu qua các sự kiện đầy hứng thú mà không buộc phải nạp vào não những chi tiết vô cảm, con số vô hồn.
tin tức liên quan
Videos
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Khai mạc lớp tập huấn trọng tài, huấn luận viên võ cổ truyền toàn quốc
Thống kê truy cập
114511755
281
2337
22129
218628
121356
114511755