Diễn đàn
Có phải Vinh là lỵ sở của Nghệ An từ năm 1804?
Núi Lam Thành. Ảnh: Tiến Đông
Nhiều tài liệu viết về thành phố Vinh cho rằng, mốc thời gian Vinh trở thành lị sở của Nghệ An là năm 1804, tức khoảng niên hiệu Gia Long triều Nguyễn, bởi trước đó, lị sở của Nghệ An nằm tại Lam Thành - Phù Thạch (Hưng Nguyên ngày nay). Trong bài viết “Vấn đề xác định năm ra đời của thành phố Vinh hiện nay” của cố PGS Hoàng Văn Lân trong cuốn sách “Hoàng Văn Lân với Sử học” (NXB Nghệ An ấn hành năm 2013) và được đăng tải trên https://khxhnvnghean.gov.vn/?chitiet=3166...), có nói rõ: “Riêng đối với trấn Nghệ An, năm 1803, trên đường ra Bắc Thành, Gia Long đã dừng lại ở hành cung Vĩnh Dinh và hạ lệnh xây miếu thờ “Khổng Tử” (gọi là nhà Văn Thánh) ở xã Vĩnh Yên tổng Yên Trường. Tháng 5 năm sau (1804), Gia Long tiếp tục hạ lệnh chuyển hẳn lỵ sở Nghệ An về ở đó luôn và giao cho Tả quân Lê Văn Duyệt đốc suất rất gấp việc đắp thành bằng đất làm lỵ sở của Nghệ An”.
Trước hết, lị sở Nghệ An trải các triều Ngô - Đinh - Lý - Trần - Lê nằm ở đâu? Từ Toàn thư, tới Tục biên hay Cương mục không hề ghi chép đến. Vậy nên chúng ta chỉ có thể xác định nó từ những thông tin liên quan hay nguồn thư tịch khác.
Thời thuộc Minh, khi tướng giặc là Trương Phụ dẫn quân đánh vào Nghệ An, đóng quân tại Lam Thành. Nguyễn Biểu, một Nho sĩ, đã nhận nhiệm vụ đi sứ giảng hòa, gặp Trương Phụ xin cầu phong, thực hiện kế hoãn binh, kéo dài thời gian để cho Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị xây dựng binh lực. Thời điểm này có sự kiện nổi tiếng “Ăn cỗ đầu người” của ông, sau đó ông bị Trương Phụ dìm chết tại sông Lam, gần chùa Yên Quốc, đến nay vẫn còn 2 đền thờ Trung Nghĩa Vương Nguyễn Biểu ở trong khoảng không gian Lam Thành - Phù Thạch ngày trước.
Hay sang tới thời Lê sơ, khi Thái tổ Cao Hoàng đế quét sạch giặc Minh, điện an xã tắc, đã mệnh cho người cháu ruột của mình là Chiêu Trưng vương Lê Khôi - vốn là một tướng giỏi của khởi nghĩa Lam Sơn, giữ chức Trấn thủ Nghệ An. Theo gia phả họ Trần Long Giang: Chiêu Trưng vương trong khoảng thời gian trị nhậm đã đưa tù binh Chăm Pa về Lam Thành - Phù Thạch (tức huyện Hưng Nguyên ngày nay) nhằm phục dịch tại lị sở, và tạo điều kiện cho con cháu họ khai khẩn và định cư tại đó. Chính vì vậy mà hình thành nên 4 dòng họ Trần - Trương - Ngô - Bành ở 2 làng Mộc Hoàn (Long Giang) & Vệ Sở (Vệ Chính), mà cho tới tận ngày nay, ngôi đình Long Giang do người Chăm xây dựng vẫn còn soi bóng bên sông Lam, hay ngôi đền vua Lê thờ vua Lê Lợi và tướng Lê Khôi dưới chân Lam Thành là những chứng cứ rõ ràng nhất.
Đoạn thành bằng đá vẫn còn khá nguyên vẹn trên núi Lam Thành. Ảnh: Thành Cường
Đặc biệt, tới thời Lê Trung Hưng, khu vực Lam Thành Phù Thạch không chỉ là trung tâm hành chính chính trị của Nghệ An, mà đã trở thành một trung tâm thương mại lớn của nước ta bởi sự phát triển của một thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất Đông Nam Á khi đó là Chợ Tràng - Phục Lễ. Đây là một khu chợ lớn, họp chợ quanh năm (phải chăng nó được thể hiện ở chữ “Tràng” trong chữ Hán nghĩa là bãi rộng?) nên dân gian xứ Nghệ có câu:
“Chợ Tràng tháng hăm bảy phiên.
Ai đi bộ cứ bước, ai đi thuyền cứ đi”.
Sách Cận Đằng chính trai toàn tập 近 藤 正 齋 全 集 có chép lại bức thư Thuỵ Quốc công Nguyễn Phúc Nguyên (Đàng Trong) gửi Quốc vương Nhật Bản ngày 11 tháng 5 năm Hoằng Định thứ 5 (1604) có đoạn như sau:
Nguyên văn: [...] 玆 歲 通 商 舶 只 要 就 職 本 國 以 便 貿 易 若 清 華 乂 安 等 處 素 與 職 相 為 讎 敵 萬 望 國 王 業 已 交 愛 於 理 宜 禁 止 商 舶 勿 許 通 往 彼 處 言 不 爽 信 王 其 鑒 焉.
Dịch nghĩa:
[...] Nay, thuyền buôn hàng năm chỉ nên đến nước của bản chức để tiện việc buôn bán. Còn như các xứ Thanh Hoa và Nghệ An với bản chức vốn là thù địch. Vậy rất mong Quốc vương vốn đã có mối giao tình ở đây nên cấm hẳn những thương thuyền chớ cho qua lại nơi ấy. Lời nói chẳng nên mất tin, mong Quốc vương soi xét việc đó.
Qua bức thư trên, chúng ta thấy rõ mối lo ngại của phía chính quyền Đàng Trong về việc các thương gia Nhật Bản đặt quan hệ và giao thương tại Lam Thành Nghệ An. Điều này cho thấy trung tâm chính trị và kinh tế Nghệ An bấy giờ là Lam Thành Phục Lễ là nơi có vị thế quan trọng và là một trong những thương cảng quốc tế lớn tại Đàng Ngoài.
Ở đây, từ cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17 đã có phố Nhật dựng lên để buôn bán trao đổi nhiều mặt hàng đặc sản của nhiều vùng miền trong nước, nước ngoài, như thuốc bắc, lụa là, bút lông mực tàu, sách, giấy dó, cúc mã não, chè ô long, sâm Cao Ly… đúng như trong gia phả dòng họ Nguyễn Cảnh ghi chép “bấy giờ, dân buôn các châu quận ở nước ngoài qua lại liên tục”.
Sứ thần kiêm học giả lớn của nước Triều Tiên là Lý Toái Quang (người từng gặp gỡ và giao lưu với sứ thần nước ta là Phùng Khắc Khoan tại Trung Hoa), trong “Triệu Hoàn Bích truyện” ở quyển thứ 23 thuộc tác phẩm “Chi Phong tiên sinh tập” có viết về một tù binh người Hàn là Triệu Hoàn Bích từng 3 lần sang Việt Nam bằng Châu ấn thuyền của Nhật Bản, trong đó có nói rõ:
安南去日本海路三萬七千里由薩摩州開洋歷中朝漳州廣東等界抵安南興元縣縣距其國東京八十里乃其國都也
“An Nam cách Nhật Bản 3 vạn 7 ngàn dặm đường biển. Bắt đầu từ Satsumanokuni qua các nơi Chương Châu và Quảng Đông của Trung Hoa là tới huyện Hưng Nguyên của nước An Nam. Huyện này cách Đông Kinh - kinh đô của nước đó 80 dặm”
Như vậy, rõ ràng từ thời Lê sơ trở về trước, lị sở Nghệ An đặt tại Lam Thành - Phù Thạch. Đây là vùng đất lưng tựa núi mắt nhìn sông, có núi làm thành trì, có sông tiện đi lại, nên đã trở thành trung tâm chính trị kinh tế của Nghệ An qua nhiều triều đại.
Nhưng, sang thời Lê Trung Hưng, một biến động chính trị lớn xảy ra đó là xung đột Trịnh Nguyễn trở nên gay gắt, mà đỉnh điểm là năm Ất Mùi, niên hiệu Thịnh Đức năm thứ 3 [1655], mùa hạ, tháng 4, Tần Vương xứ Đàng Trong xua quân ra đánh chiếm 7 huyện tả ngạn sông Lam, quân chúa Trịnh chống không nổi, hai tướng quân Lê Văn Hiểu, Lê Hữu Đức của Đàng Ngoài cùng thuộc tướng hai doanh phải bỏ chạy ra đóng tại xã Yên Trường huyện Chân Phúc, tức địa bàn thành phố Vinh ngày nay.
Kể từ đó, vùng Yên Trường - vốn là chiến lũy phòng vệ xung quanh Lam Thành đã trở thành quân doanh thường xuyên thường trực của quan quân họ Trịnh khi vào trấn giữ Nghệ An, và để chiếm lại 7 huyện tả ngạn sông Lam từ tay quan quân họ Nguyễn. Và sau khi chúa Trịnh thu phục được 7 huyện tả ngạn sông Lam, lị sở đã chuyển từ Lam Thành Phù Thạch về Yên Trường, tức địa bàn thành phố Vinh ngày nay.
Về việc này, Cương Mục ghi rất rõ:
- “Bính Ngọ, năm thứ 7 (1724), tháng 2, Nghệ An bị nạn đói, giá gạo thình lình cao vọt. Bèn hạ lệnh cho Trấn ty phát thóc trong kho Vĩnh khố chẩn cấp cho dân…”. Trong đó có lời chua:
“Vĩnh khố: Ở địa phận hai xã Vĩnh Yên và An Trường thuộc huyện Chân Lộc. Đời cố Lê: ty trấn thủ xứ Nghệ An ở địa phận xã An Trường huyện Chân Lộc; hai ty Thừa chính và Hiến sát ở địa phận xã Triều Khẩu, huyện Hưng Nguyên; lưu đồn ở địa phận xã Hà Trung, huyện Hà Hoa”.
- “Đinh Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 (1767), tháng 4, mùa hạ, Trịnh Sâm hạ lệnh bắt lấy thuyền đi biển của Thanh và Nghệ, dự tải thóc công chứa ở kho Vĩnh Doanh và Sa Nam, để phòng bị cấp phát cho quân…”. Trong đó có lời chua:
“Vĩnh Doanh: trấn lị Nghệ An. Sa Nam: tên xã, thuộc huyện Nam Đường”
Như vậy, từ sau cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn lần thứ 5 diễn ra trên địa bàn Nghệ An, thì lị sở của Nghệ An đã được chuyển hẳn từ Lam Thành - Phù Thạch về Yên Trường. Điều này có thể được khẳng định thêm, bởi kho thóc công của địa phương (tức kho Vĩnh/Vĩnh Doanh) luôn phải được đặt ngay trên lị sở.
Từ việc trung tâm chính trị hành chính Nghệ An chuyển về Yên Trường, thì trung tâm kinh tế của Nghệ An cũng được hình thành ở chợ Vĩnh. Sách “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” (cuốn sách đầu tiên có ghi chép về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) của Nho sĩ Đỗ Bá Công Đạo biên soạn khoảng trước những năm 1686, có nói về chợ Vĩnh: “Chợ Vĩnh một chợ lớn ở Nghệ An”, cho chúng ta thấy, Yên Trường - Vĩnh Doanh dưới thời Lê Trung Hưng thực sự đã là lị sở của xứ Nghệ.
Sang tới thời Tây Sơn, Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đã để ý đến việc tìm đất xây dựng kinh đô của triều đại tại khu vực Dũng Quyết (xin xem:
1. https://baonghean.vn/quan-tran-thu-nghe-an-va-la-son-phu...
2. http://vanhoanghean.com.vn/.../nhung-buc-thu-trieu-dinh...)
Một điều đặc biệt hơn cả là khi triều đình Tây Sơn sụp đổ, triều Nguyễn thành lập (1802), vua Gia Long cũng đã từng có ý định chọn vùng Nghệ An để đóng kinh đô. Bộ chính sử triều Nguyễn Đại Nam thực lục (chính biên) có chép rõ:
“Mùa xuân tháng giêng, năm Tân Tỵ niên hiệu Minh Mệnh thứ 2 (1821), Vua xem bản đồ, nhân bàn đến địa thế thành trấn Nghệ An, nói rằng: “Trước đây tiên đế từng muốn dựng đô ở đó”. Nguyễn Văn Nhân tâu rằng: “Đó không phải là đất đóng đô, nên chọn trọng thần để trấn”. Vua nói: “Phải. Phú Xuân là khoảng giữa trong nước, đế vương đóng đô không đâu hơn đấy. Còn các thành trấn chỉ nên làm hành tại để tiện khi đi tuần thăm các địa phương và xem xét phong tục mà thôi”.
Qua đoạn này trong chính sử triều Nguyễn, chúng ta biết được một thông tin rất thú vị là chính bản thân vua Gia Long đã từng có ý định đóng đô tại Nghệ An, tuy nhiên ý định này không trở thành hiện thực.
Và chắc hẳn rằng vua Gia Long thù địch với vua Quang Trung, nên muốn xóa bỏ hết những dấu tích của triều “Tây Ngụy”, nên khi lập triều khai quốc, nhà vua đã cho dời lị sở Nghệ An từ Dũng Quyết (triều Tây Sơn) trở về Yên Trường (triều Lê Trung Hưng) như trước. Điều này được ghi lại rất trõ trong bộ chính sử triều Nguyễn - Đại Nam thực lục:
“Giáp tý, niên hiệu Gia Long năm thứ 3 [1804], dời trấn thành Thanh Hoa và Nghệ An đi nơi khác. Trước là khi vua Bắc tuần, xa giá đi qua lỵ sở hai trấn ấy. (Lỵ sở Thanh Hoa cũ ở xã Dương Xá huyện Đông Sơn, lỵ sở Nghệ An cũ ở xã Dũng Quyết huyện Chân Lộc), bàn muốn dời đi nơi khác, bèn trải xem địa thế, định lấy Thọ Hạc (tên xã, thuộc huyện Đông Sơn) làm trấn lỵ Thanh Hoa, An Trường (tên xã, thuộc huyện Chân Lộc) làm trấn lỵ Nghệ An, đến nay bắt dân xây đắp”.
Như vậy, dưới thời Lê (sơ), lị sở Nghệ An đóng tại Lam Thành - Phù Thạch (huyện Hưng Nguyên ngày nay); sang thời Lê Trung Hưng, lị sở chuyển về Yên Trường (thành phố Vinh ngày nay); tới thời Tây Sơn, lị sở dời sang Dũng Quyết; và đến thời Nguyễn, lị sở lại trở lại Yên Trường. Chúng ta không xác định được chính xác thời điểm chuyển dời lị sở từ Phù Thạch về Yên Trường, nhưng rõ ràng việc này không thể là mốc 1804.
Cuối cùng, việc vua Gia Long xây dựng lị sở tại Yên Trường hoàn toàn không liên quan tới Tả quân Lê Văn Duyệt, bởi trong khoảng thời gian đó, Tả quân cùng với Lê Quang Định và dân phu đang có mặt tại Quảng Ngãi để làm mười kiên cơ (Trung kiên nhất, Trung kiên nhị, Tiền kiên nhất, Tiền kiên nhị, Tả kiên nhất, Tả kiên nhị, Hữu kiên nhất, Hữu kiên nhị, Hậu kiên nhất, Hậu kiên nhị, cộng là 10 cơ), nên không thể có chuyện “Gia Long tiếp tục hạ lệnh chuyển hẳn lỵ sở Nghệ An về ở đó luôn và giao cho Tả quân Lê Văn Duyệt đốc suất rất gấp việc đắp thành bằng đất làm lỵ sở của Nghệ An” như bài viết “Vấn đề xác định năm ra đời của thành phố Vinh” đã khẳng định./.
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, Số 11 - Tháng 11/2023)
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511726
252
2337
22100
218599
121356
114511726